Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Người Lạ Trong Gương

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33838 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Lạ Trong Gương
Sidney Sheldon

Chương 12
Không ít hôm Sam cảm tưởng mình đang trông nom trại điên hơn là phụ trách một Hãng sản xuất phim và luôn phải đề phòng nếu không muốn bị các con bệnh xâu xé.
Trại điên của anh chưa hôm nào hỗn loạn như hôm nay. Đủ các thứ chuyện, chuyện nào cũng khiến anh muốn bệnh khi nghĩ tới việc xắn tay vào giải quyết. Lần thứ tư Hãng xảy ra hoả hoạn, vào tối qua. Diễn viên chính của phim Chàng trai có tên Thứ Sáu chửi rủa người tài trợ khiến ông ta muốn rút về, cũng có nghĩa phim sẽ bị ngưng lại. Đạo diễn thần đồng Bert Firestone, đình ngang xương bộ phim cỡ năm triệu đôla, và diễn viên có hạng Tessie Brand bỗng tuyên bố sẽ không nhận cái vai đã nhận trong bộ phim chỉ vài ngày nữa là bấm máy. Chưa hết...
Sam hỏi người chỉ huy chữa cháy, và cả viên kế toán đang có mặt trong văn phòng anh.
“Vụ cháy tối qua gây thiệt hại bao nhiêu?”
“Thiêu rụi, thưa ông Winters! Trường quay số 15 phải dựng lại toàn bộ, số 16 thì đỡ hơn song cũng phải mất đến ba tháng để sửa chữa”. Viên kế toán đáp.
“Ba tháng? Rồi đóng cửa Hãng luôn à? Hãy thuê trường quay của Goldwyn. Và nói tất cả nhanh tay lên một chút”.
Reilly, chỉ huy chữa cháy, chẳng úp mở gì. “Chắc chắn có bàn tay thủ phạm, ông Winters. Không hề do bất cẩn hoặc sự cố kỹ thuật nào hết. Ông cần xem xét kỹ đám lêu têu kia”.
Lêu têu là cách gọi chung đám hoặc chây lười, hoặc mới bị sa thải, hoặc đang không hài lòng với ông chủ. “Chúng tôi đã hơn một lần làm việc đó”, Sam nói, “như chưa kết quả”.
“Có thể là một nhân viên kỹ thuật nào đó, bởi nếu biết cách gây ra một vụ cháy không để lại dấu vết, bằng dụng cụ hẹn giờ gắn với chất gây cháy. Hắn hiểu việc hắn làm, thưa ông Winters”.
“Cảm ơn Reilly. Tôi sẽ thông báo để ai cũng được biết điều đó”.

Đầu dây bên kia là Roger Tapp, chủ nhiệm phim Chàng trai có tên Thứ Sáu, bộ phim tivi nhiều tập đang quay ở Tahiti, có Toby Fletcher thủ vai chính.
“Chuyện xấu ư, Tapp”. Linh tính mách bảo Sam vậy. Tapp cáu loạn lên.
“Mẹ cái thằng Toby, thật quá thể. Anh biết không, Sam? Chiều qua, Philip Heller, Chủ tịch ban điều hành của cái công ty tài trợ cho phim đang cùng gia đình ở thăm Tahiti có ghé đến trường quay đúng lúc Toby Fletcher vào vai. Và hắn đã vô cớ nổi khùng lên, chửi rủa họ”.
“Chửi thế nào?”
“Bào cả nhà họ hãy cút khỏi đảo, muốn đi đâu thì đi”.
“Thế này thì phải kêu bác sĩ tâm thần đến. Toby điên thật rồi”.
“Heller muốn ngưng phim lại, không quay kiếc gì nữa đâu”.
“Hãy đến xin Heller tha lỗi. Buông điện thoại xuống là đi ngay cho tôi. Giải thích rằng Toby làm việc căng thẳng quá nên hoá khùng. Nhớ gửi hoa cho bà Heller, mời cả gia đình một bữa tối thật sang trọng. Còn Toby để tôi nói chuyện với hắn”.

Dứt chuyện với Tapp, anh gọi ngay cho Toby Fletcher. Bên kia vừa bắt máy, anh nổ ngay, “Này, cái đồ chó đẻ...” và trước khi hạ máy, anh nhẹ nhàng “...tôi cũng thương nhỏ đó lắm, có dịp là tôi bay đến với nhỏ ngay. Suýt quên, Toby, mông vú bà Heller không phải của cậu đâu nhé, đừng có nhầm, lại tội nghiệp ông tài trợ...”
Dứt điểm vài ba vụ việc linh tinh nữa, Sam Winters thở phào nhắm mắt giây lát như lấy sức để bước vào vụ Bert Firestone. Đó là một đạo diễn thần đồng, thuộc hạng con cưng của Pan-Pacific, song lại đang dở trò với Hãng. Vẫn có ngày mai là bộ phim do Bert đạo diễn đã bấm máy hơn ba tháng và đã chi phí vượt quá dự toán hơn triệu đôla, thì bỗng Bert tuyên bố thích ngồi chơi hơn là làm đạo diễn. Nó cũng có nghĩa là gần hai trăm con người trong đoàn làm phim cũng được-hay bị?-ngồi chơi theo Bert.
Xấp xỉ tuổi ba mươi, Bert Firestone, tài năng phát tiết sớm, sau khi đạo diễn một số phim truyền hình đoạt giải của Hãng truyền hình Chicago, đã chuyển tới Hollywood làm đạo diễn điện ảnh. Mấy phim đầu của Bert xem được và doanh thu cũng tạm được song đến phim thứ tư thì đã mang về khoản lãi kếch xù và tức khắc biến Bert thành món hàng quý giá được mọi Hãng phim chào mời. Tuy vậy, trong Sam vẫn lưu lại những ấn tượng của lần đầu gặp Bert. Quên làm sao được bộ dạng anh ta lúc đó, nom hệt như vị thành niên, lông tơ như vẫn lún phún bên mép, gày gò và xanh xao, cận thị nặng và đầy ngượng ngập, nhút nhát và xa lạ giữa Hollywood. Ái ngại quá, Sam kêu Bert đi ăn tối cùng, rồi chuyện trò thấy cũng hợp bèn cố móc nối để Bert được có mặt ở những hội nọ tiệc kia. Thế rồi, nhân ý tưởng của một nhà văn, Sam bàn với Bert về bộ phim dựa theo ý tưởng đó, phim Vẫn có ngày mai. Lúc đầu bàn bạc, không thể tìm ở đâu ra sự tôn trọng nào hơn của Bert dành cho Sam. Nào nghe như nuốt mỗi lời Sam nói, nào ghi chép cẩn trọng, nào hứa nếu được giao đạo diễn phim này sẽ bàn bạc với Sam từng chi tiết, sẽ học hỏi Sam ở mỗi lời thoại, mỗi cảnh quay... Đến khi kịch bản phim Vẫn có ngày mai hoàn thành và Bert đã chính thức ký hợp đồng làm đạo diễn phim thì bao nhiêu nước đã chảy qua cầu và Bert trở nên đắt giá qua bộ phim ăn khách kia. Gã trai vị thành niên bẽn lẽn hôm nào thoắt cái đã biến thành tên sát thủ. Chẳng những đã lờ đi mọi gợi ý của Sam về địa điểm quay, về dựng cảnh, anh ta còn đòi viết lại kịch bản đã được Sam và cả ban giám đốc Hãng chấp nhận, đòi thay đổi hầu hết những thoả thuận quan trọng trước đó. Bực mình, Sam từ bỏ ý định mời Bert làm đao diễn Vẫn có ngày mai nhưng ban giám đốc, người thì khuyên anh hãy kiên nhẫn, người vẫn chưa hết loá mắt trước món lãi khổng lồ Bert làm ở bộ phim trước, thế là Sam đành chịu. Nhưng Bert vẫn không dừng lại, ngày một ngạo ngược hơn, ngày thêm đòi hỏi những điều vô lý hơn. Mỗi ngày, Sam mỗi nghiến chặt răng hơn, chịu đựng.
Từ đâu và từ lúc nào không rõ, không ai gọi anh ta là Bert, là Firestone hay là Bert Firestone nữa. Tên mới của anh ta, thoạt đầu là Hoàng Đế rồi sau là Thằng xỏ lá từ Chicago tới. Còn nhận xét về anh ta ư? Là thế này, Nó thuộc loại lưỡng tính, có thể tự thụ tinh và sinh ra quái vật nhiều đầu...
Giờ anh ta lại bỏ ngang xương bộ phim đang quay dở.
Sam đẩy cửa phòng hoạ sĩ Kelly, trưởng ban Thiết kế mỹ thuật. “Kể rõ tôi nghe đã xảy ra chuyện gì?” Anh nói như ra lệnh.
“Chuyện gì nữa “Thằng xỏ lá từ...”
“Thôi đi, hãy gọi là ông Firestone”.
“Thì ông Firestone! Ông ta muốn tôi dựng một cái thành do chính ông ta vẽ kiểu, và chính ông cũng đã đồng ý”.
“Thế thì sao? Nói nhanh đi”.
“Chúng tôi thực hiện đúng như ông ta muốn. Nhưng khi bàn giao ông ta lại không thèm nhận. Vậy là toi nửa triệu đôla”.
“Để tôi xem!” Sam nói rồi đi ra.
Thằng xỏ lá từ Chicago tới đã biến trường quay số 23 thành sân bóng rổ và đang quần thảo với mấy tay quay phim. Họ đã vẽ tạm các đường biên và dựng tạm hai rổ để chơi.
Sam đứng ngó nghiêng vài ba phút, trò chơi này làm Hãng mất 2000 đôla mỗi giờ. Rồi anh gọi Bert. Thấy Sam, anh ta vẫy tay ra ý chào, còn cướp bóng ném thêm quả nữa vào rổ rồi mới lững thững đi tới. “Công việc vẫn tốt, Sam?” Bert hỏi, như chẳng có gì liên quan đến mình. Nhìn vẻ mặt anh ta vẫn tươi hơn hớn Sam chợt nghĩ chả lẽ hắn bị bệnh thần kinh? Ừ thì hắn có tài nhưng biết đâu hắn cũng có cả giấy chứng nhận của bênh viện thần kinh? Một gã tâm thần đang nắm trong tay hơn năm triệu đôla của Hãng? Anh nói nhẹ nhàng. “Có phải cảnh quay mới có vấn đề? Cùng bàn bạc giải quyết được không?”
Bert nhún vai khinh thị. “Giải quyết cái gì. Bỏ đi!”.
Cơn giận tích tụ trong Sam bùng ra. “Chúng tôi đã làm đúng như anh đòi hỏi. Kiểu cách thì chính tay anh vẽ. Vậy tại sao phải bỏ?”
Bert nhìn anh với ánh mắt ngây thơ. “Tại tôi thay đổi ý định nên thấy cái đó thành không cần thiết nữa chứ có ai bảo sai trái gì đâu. Anh hiểu ý tôi chứ? Đó là cảnh Mike và Ellen chia tay, song tôi đã quyết định thay bằng cảnh Ellen tới thăm Mike trên tàu khi Mike sắp ra khơi”.
Mắt Sam như muốn lồi ra. “Bert, lấy đâu ra tàu? Hãng không có sẵn”.
Bert ngây thơ kêu lên. “Sao không đóng cho tôi một chiếc, Sam?”
Rudolph Hergshorn, Tổng giám đốc Pan-Pacific từ New York nói chuyện qua điện thoại với Sam. “Tất nhiên, tôi cũng ngán hắn lắm rồi”, ông bảo, “nhưng giờ thay hắn sao được, Sam? Đã đi quá xa rồi. Vả lại, ta không có ngôi sao nào trong Vẫn có ngày mai, và Bert Firestone chính là ngôi sao độc nhất của phim đó”.
“Ông có biết anh ta đã chi vượt dự toán bao nhiêu không?”
“Biết chứ, tôi vốn quý trọng đồng tiền mà. Song, như Goldwyn từng nói. “Tôi sẽ không thèm gọi thằng chó đẻ ấy nữa, cho đến khi tôi cần tới hắn. Và chúng ta đang rất cần Bert để cho ra mắt bộ phim Vẫn có ngày mai”. Ông cười rộn ràng trong ống nghe. Sam chưa chịu.
“Ta sai thì ta sửa. Không chỉ có mình Bert biết làm phim có lãi”.
“Nhưng anh thích những bộ phim Bert đã làm chứ, Sam?”
Sam Winters nghiến răng lại. “Phải nói là tuyệt”. “Vậy hãy đóng cho hắn chiếc tàu đúng như hắn đòi”.
Mười ngày sau Bert tiếp tục quay Vẫn có ngày mai. Và Sam đã đỏ mặt khi nghe con số tiền lãi mà bộ phim mang về cho Hãng. Nhưng anh vẫn quả quyết là Bert Firestone có giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần.

Còn vụ Tessie Brand?
Đó là ca sĩ rất được giới biểu diễn ưa chuộng. Sự kiện, phải nói là sự kiện, Tessie ký hợp đồng đóng ba phim cho Hãng Pan-Pacific là một cú sốc với dân trong nghề, và người ta biết ngay là ngoài Sam không còn ai làm nổi việc đó. Có gì đâu. Trong khi các hãng cứ mải mê thương lượng với người đại lý của Tessie thì Sam âm thầm bay đến New York mua vé xem Tessie biểu diễn rồi, lịch sự một cách kiên nhẫn và đáng yêu mời cô đi ăn tối. Bữa ăn kéo dài suốt đêm và hợp đồng đã được ký trên sàn phòng ngủ khách sạn.
Sam chưa từng quen biết cô gái nào xấu xí như Tessie Brand, song cũng chưa cô gái nào tài năng được như cô. Chính là tài năng đã khiến người ta quên đi cái vả ngoài xấu xí kia. Sinh ra trong một gia đình thợ may ở Brooklyn, từ nhỏ tới lớn Tessie chưa từng đọc lên một nốt nhạc. Nhưng khi Tessie bước ra sân khấu và cất lên cái giọng trời cho thì khán giả như hoá rồ cả lượt. Trước đó, cô là vai diễn dự bị trong một vở ca kịch ế khách diễn ở Broadway. Một đêm, diễn viên đóng chính bị ốm phải nghỉ diễn, và Tessie Brand được vào thay. Vì là đêm diễn cuối cùng nên có một số khách mời là những người sành sỏi, và họ đã lập tức nhận ra giọng ca tuyệt vời của cô. Paul Varrick, chủ nhiệm sân khấu Broadway lập tức mời Tessie thủ vai chính trong vở nhạc kịch của ông, ra mắt vào tuần sau đó. Tessie đã biến vở diễn từ loại trung bình thành ăn khách đặc biệt. Các cây bút phê bình của các tờ báo và tạp chí nghệ thuật đã không tìm ra được hình dung từ để so sánh giữa vẻ ngoài xấu xí và giọng hát tuyệt diệu của Tessie. Đĩa hát của cô, dù loại một bài hay nhiều bài vẫn luôn đứng đầu. Có đĩa, ngay ở tháng phát hành thứ nhất đã đạt con số hai triệu. Có đĩa, ngay tuần đầu đã được đặt in thêm. Các nhà hát kịch Broadway và các hãng băng đĩa nhờ Tessie mà hái ra tiền nên Hollywood cũng muốn dính phần. Tuy thấy mặt Tessie hãng phim nào cũng muốn bỏ chạy song nghĩ tới khoản lãi khổng lồ mà Tessie mang lại khiến họ bỗng nhìn cô bằng con mắt khác, thấy chẳng mỹ nhân hoặc hoa hậu nào có thể sánh nổi với cô.
Chỉ trong thời gian chưa ăn xong món khai vị Sam đã biết phải làm thế nào để giành được Tessie khi nghe cô tâm sự. “Không biết trên màn ảnh rộng trông tôi sẽ ra sao? Ngoài đời tôi rất xấu, tôi biết, song các hãng đều nói họ sẽ làm tôi trở nên xinh đẹp trên màn ảnh. Có lẽ họ nói láo”.
“Tất nhiên láo toét rồi”. Sam bình thản đáp, lờ đi vẻ ngạc nhiên của Tessie. “Đừng cho bất kỳ hãng nào thay đổi mặt mũi của cô. Họ sẽ làm hỏng nó thôi”.
“Anh nghĩ là mặt mũi còn có thể hỏng hơn được nữa ư?” Chú ý lắm mới thấy vẻ cay đắng trong giọng nói của cô ta. Sam làm như không hay biết điều đó, và kể một câu chuyện.
“Khi hãng MGM ký hợp đồng với ngôi sao Danny Thomas, họ muốn anh ta đi sửa mũi, bảo rằng sẽ đẹp hơn. Danny thôi không ký nữa, bởi biết cái mà mình phải bán chính là tài năng của mình chứ đâu phải mắt, mũi hay tai. Và đó cũng chính là cái mà cô phải bán, một Tessie Brand thực sự, nguyên vẹn chứ không phải một ai đó lạ hoắc mà cứ nhận là cô”.
“Tôi chưa được nghe ai nói chuyện thẳng thắn như vậy. Thật đúng là một người đàn ông. Anh có vợ chưa?” Sam lắc đầu. Cô ta hỏi tiếp. “Còn chuyện yêu đương?”
Sam cười thoải mái. “Với ca sĩ thì chưa. Tôi không sành nhạc. Tai kém lắm”.
Tessie cười chân thực. “Khỏi cần sành cái thứ đó. Tôi thấy thích anh”.
“Có đến mức cùng làm vài phim với tôi không?” Sam nửa đùa nửa thật. Tessie nhìn thẳng vào mắt anh, gật đầu. “Có!”
“Tuyệt! Tôi sẽ làm hợp đồng với người đại lý của cô”.
Tessie như không nghe anh nói gì, im lặng vuốt ve bàn tay anh rồi hỏi. “Có thực là anh đang không có người yêu không?”
Hai phim đầu có Tessie thủ vai chính, cửa bán vé luôn chật cứng người mua. Xếp hàng cả trăm mét. Cô có tên trong danh sách xét thưởng giải Academy cho vai diễn ở phim đầu và đoạt Oscar vai nữ chính xuất sắc nhất ở phim sau. Cô diễn đã giỏi, hát lại hay, tính tình luôn vui vẻ, thoải mái. Tessie Brand trở thành biểu tượng cho các cô gái trên toàn thế giới không được trời phú cho cái dung mạo ưa nhìn, không được yêu thương và không mấy ai thèm muốn.
Cô cưới chàng diễn viên thủ vai nam chính trong bộ phim đầu cô đóng, li dị ngay sau mấy cảnh quay tiếp theo, rồi lại cưới chàng trai đóng vai nam chính ở bộ phim thứ hai. Nghe đâu cũng lại đang có chuyện trục trặc, song anh lạ gì thói đơm đặt của Hollywood nên chẳng quan tâm nữa. Vả lại, đó cũng đâu là chuyện của anh.
Hình như Sam nhầm rồi.
“Chuyện gì thế, Barry Herman?” Sam hỏi người quản lý của Tessie.
“Còn chuyện gì ngoài nỗi bực bõ về bộ phim sắp bấm máy mà cô ấy thủ vai chính?”. Barry Herman ỡm ờ trả lời.
Sam gắt. “Có lên cơn đồng bóng gì thì nói thẳng ra đi, cô ta chẳng đã chấp nhận kịch bản, đạo diễn và chủ nhiệm phim rồi ư? Không thể thay đổi gì vào lúc tiền triệu đã ném ra và ngày bấm máy đã cận kề.”
“Tessie chỉ muốn thay chủ nhiệm phim”, Herman ném ra quả bom.
Với Sam thì đúng thế. Mà đâu vừa, phải cỡ bom tấn trở lên. Anh gào vào máy. “Ralph Dastin là chủ nhiệm phim số một của Hollywood. Không kiếm ra ai hơn được đâu.”
“Nhưng Dastin không hiểu Tessie, được là không chịu hiểu gì đó”. Barry thủng thẳng. “Nếu không thay anh ta Tessie sẽ không chịu vào vai đâu”.
“Dù là đã ký hợp đồng?”
“Hãy nghe, và hãy tin tôi, Sam! Tessie rất tôn trọng chữ ký của mình, nhất là những khi cô ta tỉnh táo. Song khi buồn bực hoặc mất bình tĩnh thì chẳng còn nhớ nổi điều gì”.
Sam dằn máy xuống. Kiếm lý do gì để gạt Dastin ra đây. Chẳng lẽ do anh ta không chịu ngủ với Tessie, hoặc một lý do ngớ ngẩn khác tương tự? Anh bảo cô thư ký Lucille gọi Ralph Dastin tới. Đó là người đàn ông đã ngoài năm mươi, dễ gây thiện cảm. Gặp Sam, Dastin không để anh phải lúng túng tìm câu mở chuyện, ông nói luôn. “Tôi cũng đang tìm gặp anh để thông báo là tôi bỏ cuộc đây”.
“Nhưng lý do gì?” Sam hỏi như quát.
Dastin bình thản. “Diễn viên hốt bạc của chúng ta đang muốn có người gãi ngứa”.
“Nghĩa là cô ta đã có sẵn người thay thế anh?” Sam há hốc mồm.
“Chết mẹ! Anh không hề ngó tới mục Linh tinh trên các báo ư?”
“Linh tinh thì ngó làm gì. Cô ấy kiếm được gã nào vây?”
“Làm gì có gã nào. Một ả. Một con mái trăm phần trăm”.
Sam lùi lại, giọng yếu hẳn đi. “Nói hết ra đi”.
“Barbara Carter, ả thiết kế phục trang cho Tessie. Tại cả miền Tây nước Mỹ này, còn duy nhất anh là người không biết chuyện đó.”
Sam thở dài, thật dài. “Về chuyện đó, tôi xưa nay lại vẫn tin Tessie là đàng hoàng cơ chứ”.
“Đàng hoàng? Cũng có thể, trừ khi cô ta đang đói”.
“Tôi đâu có thể cho một ả chỉ biết vẽ mẫu quần áo, lại còn mắc chứng đồng dâm, làm chủ nhiệm một bộ phim chi phí tới bốn triệu đôla”.
“Đó là quyết định của anh, song hãy nhận ở tôi một lời khuyên không phải trả tiền: đó là người duy nhất làm cho bộ phim này có thể bấm máy”.
Sam gọi lại cho Bary Herman, đại lý của Tessie. “Ralph Dastin sẽ không làm chủ nhiệm phim nữa”.
“Vâng!” Anh ta chẳng có vẻ gì ngạc nhiên hoặc vui mừng. “Tessie hẳng sẽ bằng lòng lắm”.
“Cô ta đã có ý mời ai thay chưa?” Sam như phải lấy tay đè cơn giận lại.
“Nói thực thì là đã có! Một cô gái mà theo Tessie, và theo cả tôi, rất tài năng, và đủ sức đảm nhận vai trò này. Tất nhiên, phải dưới sự chỉ bảo tận tình của anh...”
“Dẹp kiểu đãi bôi ấy đi, Bary. Dứt khoát phải là cô đó sao?” Sam bẳn gắt.
“Tôi rất tiếc. Nhưng chắc là vậy”.
“Tôi muốn gặp cô ta”. Sam nói trước khi buông máy.

Barbara Carter đẹp một cách gợi cảm và theo Sam, từ dáng vẻ, cử chỉ đến nói năng đều tỏ ra bình thường như mọi phụ nữ khác. Anh để ý cả cái cách cô ta ngồi vào ghế, đôi chân thon và dài vắt chéo nhau một cách ý tứ. Còn cái nhìn thì thẳng thắn song hiền hậu, giọng tuy hơi khàn nhưng nói năng rất nhẹ nhàng. “Tôi ở vào một tình thế khó xử, thưa ông Winters. Bản thân tôi không hề có ý định này, nhất lại là phải cướp đoạt công việc của người khác. Song...” Barbara lắc đầu với vẻ bất lực, “cô Brand đã thề sẽ không đóng phim nếu không phải tôi là chủ nhiệm. Theo ông, tôi cần làm gì cho phải lẽ?”
Câu hỏi đó giúp anh có thể nói toạc ra điều mình nghĩ nhưng anh lại trả lời bằng cách hỏi lại Barbara. “Ngoài thiết kế trang phục cô còn có kinh nghiệm gì khác về sản xuất phim không?”
Barbara thản nhiên. “Tôi xem rất nhiều phim và đã từng dẫn khách tới đúng chỗ ngồi ghi trong vé của họ tại rạp chiếu”.
Còn đòi gì nữa? Anh tự nhủ, rồi hỏi tiếp. “Vậy do đâu mà Tessie Brand tin rằng cô sẽ làm tốt công việc của một chủ nhiệm phim?”
Tựa như khơi đúng mạch nước, câu hỏi của Sam khiến Barbara ào ạt tuôn ra những thầm kín vẫn phải nén chặt lâu nay. “Tôi và Tessie đã bao ngày, và cả bao đêm nói với nhau về bộ phim này. Thoạt tiên là tôi, tự tôi thấy có nhiều chỗ trong kịch bản không hợp lý, và khi chỉ cho Tessie thì cô ấy rất đồng ý với tôi”.
Sam chẳng khó gì để nhận ra cô ta đã không còn gọi cô Brand một cách tôn trọng mà thay vào đó chỉ là Tessie với vẻ âu yếm. Anh không giấu được sự mỉa mai kín đáo trong câu hỏi. “Cô nghĩ mình giỏi hơn một tác giả đã từng đoạt giải Âcdemy dành cho kịch bản xuất sắc và đã viết không ít kịch bản ăn khách cho cả điện ảnh lẫn sân khấu Broadway chăng?”
Barbara khônglành như Sam tưởng. Cặp mắt nâu thoáng long lên và giọng nói đã tỏ ra sẵn sàng tranh luận. “Đến vậy thì không dám nghĩ, song tôi cứ nghĩ mình hiểu về phụ nữ hơn cái nhà ông biên kịch đó. Nhất là ở cái nhân vật mà Tessie thủ vai. Đây, thí dụ như ở cảnh này...”
Sam chẳng buồn nghe nữa. Anh biết là mình sẽ phải, dù muốn hay không, để cô ta làm chủ nhiệm phim này, và anh chán ghét chính mình khi phải chấp nhận như vậy. Nhưng anh đang phải quản lý cả một hãng phim, chứ không phải chỉ quản lý có mình anh, và công việc hàng đầu của anh là phải sản xuất ra phim, nhất là những phim đã có ngôi sao nhận lời tham gia và đã đưa vào kế hoạch. Nếu Tessie mà muốn con sóc cảnh của cô ta làm chủ nhiệm phim này, chắc anh cũng phải mua hạt dẻ cho nó. Bởi phim có cô ta đóng vai chính ít nhất cũng mang về khoản lãi tới hàng chục triệu đôla. Tất nhiên, anh sẽ phải trông chừng nhiều hơn, để dù kém cỏi, Barbara Carter cũng khó có thể làm hỏng bộ phim được.
“Vâng!” Cuối cùng Sam nói. “Cô đã được làm chủ nhiệm phim đó. Chúc mừng cô”.
Ngay hôm sau, trên trang nhất hai tờ Hollywood Reporter và Variety đã đăng tin Barbara Carter đảm nhận vai trò chủ nhiệm bộ phim mới của Tessie. Khi gấp tờ báo lại để quẳng đi, vô tình Sam thấy dòng quảng cáo đậm nét Toby Temple sẽ biểu diễn tại phòng khách của khách sạn Ritz.
A, cái anh lính thích diễn trò. Sam nhớ ra ngay và bỗng mỉm cười, tự nhủ sẽ mua vé xem khi nào anh ta đến diễn ở Los Angeles.
Rồi Sam bỗng ngạc nhiên tự hỏi tại sao Toby Temple không hề liên lạc với anh?

<< Chương 11 | Chương 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 719

Return to top