Actors West đào tạo theo hình thức chia làm hai lớp: Diễn và Tập. Lớp Diễn gồm các diễn viên đã ít nhiều có tên tuổi và kinh nghiệm, và chính họ trình diễn các vở kịch để những người tuyển chọn của các nhà hát hoặc các hãng phim tới đánh giá tài năng. Toby được xếp vào lớp Tập và bà Tanner đã nói như đinh đóng cột rằng anh phải cần ít nhất là sáu tháng, nhiều là một năm để được xếp vào lớp Diễn. Anh không tin là lâu đến vậy, kể cả ở cái mức ít nhất, tức là sáu tháng.
Các buổi học đối với Toby đều rất bổ ích, song vẫn thiếu sức hấp dẫn, bởi không có khán giả. Mà không khán giả nghĩa là không có tiếng cười, tiếng vỗ tay tán thưởng, không có cả ánh mắt ngưỡng mộ. Với Toby, nghĩa là anh khó mà tồn tại nổi, vì với anh, khán giả chính là không khí để anh thở, là bánh mỳ để anh ăn, là nước uống...
Mấy tuần đầu, Toby ít được gặp người phụ trách trường, Alice Tanner. Thỉnh thoảng bà mới ghé qua lớp Tập đứng xem họ vài phút, nói vài lời động viên rồi đi. Toby nuôi hy vọng được thân mật, được gần gũi hơn với bà. Để làm gì, thực ra anh cũng không biết nữa, thậm chí chưa từng đặt ra câu hỏi đó cho mình. Nhưng anh hãy nghĩ đến bà, nghĩ đến sự thông minh, tính thẳng thắn, và đôi khi rất kỳ lạ, nghĩ đến cả chiếc chân bó trong nẹp sắt của bà nữa. Từ chiếc nẹp sắt, ánh mắt anh hay lần ngược lên, và xao xuyến trước vẻ hấp dẫn của vòng eo và nhất là, của bộ ngực bà. Bộ ngực tròn, đầy, và hẳn là nặng trĩu, kiểu ngực phụ nữ mà anh rất thích và thường khiến anh chỉ muốn vục cả tay cả miệng vào đó. Thành ra, nói cái chân tật nguyền của bà lại như một thứ thuốc kích dục với anh cũng chẳng sai.
Toby đã một hai lần xin chuyển sang lớp Diễn nhưng lần nào cũng được nghe câu trả lời nhanh và nghiêm túc của bà Tanner. “Chưa được. Cậu còn phải cố gắng nhiều nữa”.
Anh ngầm oán hận bà. Rồi từ đó, anh bỗng biết mình phải làm gì để rút ngắn thời gian lại.
Buổi tối hôm ấy, lớp Diễn trình làng một vở kịch mới. Toby chọn ngồi hàng ghế giữa, cạnh một cô gái vào học trước anh vài tháng song vẫn cùng lớp tập với anh. Cô ta núng nính mỡ, mồm thì hôi và chẳng mấy khi bận đồ lót, rất hay kiếm chuyện lại gần để va quệt đôi vú nhão vào cánh tay anh, và anh cứ phải coi đó là sự vô ý, vô tình. Lạy trời, đừng bắt anh phải trèo lên thùng mỡ đó.
Trong lúc chờ mở màn, Karen, tên thùng mỡ, khoe sự hiểu biết của mình với Toby bằng cách háo hức chỉ cho anh các nhà phê bình nghệ thuật của các tờ báo Los Angeles Times, Harald-Express rồi đến các nhà phát hiện tài năng của các Hãng phim Century Fox, MGM và Warner Brother. Toby phát điên lên. Họ đi săn tìm các tài năng gì khi anh đang ngồi cách họ chỉ một tầm tay với. Anh những muốn lao vọt lên sân khấu để họ biết thế nào mới thực sự là một tài năng. Được, bà chân-nẹp-sắt kia. Bà sẽ biết trước tiên.
Sáng hôm sau, Toby gõ cửa văn phòng bà Tanner. Vừa thấy anh vào, bà hỏi ngay. “Vở kịch tối qua thế nào?”
Toby nức nở. “Tuyệt! Rất tuyệt! Được xem họ diễn tôi mới thấm thía lời bà nói, rằng tôi còn phải cố gắng nhiều”.
Bà Tanner nói như an ủi. “Họ chỉ có nhiều kinh nghiệm hơn anh thôi nhưng anh hơn hẳn họ về vẻ sáng tạo và nhất là sự độc đáo. Tương lai anh sẽ hơn họ nhiều”.
Toby làm bộ thua cuộc. “Bà đừng khích lệ tôi nữa. Có lẽ tốt hơn là tôi nên kiếm chân chào hàng hoặc bán bảo hiểm gì đó thì hơn”.
“Ấy chớ”, bà can ngăn thực tình, “phí quá”.
Toby thở dài, vẻ chán nản. “không xem thì thôi chứ đã xem cánh chuyên nghiệp biểu diễn tôi thực sự không còn tin gì vào mình nữa”.
“Anh chưa tin là mình thực sự có tài đấy thôi. Nhưng tôi sẽ khiến anh phải tin”. Bà quả quyết, và trong giọng nói ấy có cái thông điệp mà Toby chờ đợi. Linh tính mách bảo anh thế. Kinh nghiệm tình trưởng chỉ cho anh thấy thế. Nó chắc chắn không phải lời của thầy trò mà là của đàn-bà nói với đàn-ông, người mà mình thực sự quan tâm và có thể, hơn thế nữa. Người anh nóng lên.
Anh diễn thử lần nữa. “Tôi quá bơ vơ giữa thành phố đầy những con người tài ba này, không một ai để chuyện trò, chia sễ”.
“Sao anh không đến tìm tôi, bất cứ lúc nào? Tôi muốn được anh chia sẻ”.
Anh cảm nhận được sự thèm muốn trong cái giọng chợt khàn đi của bà, và bước lùi về phía cánh cửa, quờ tay ra sau, khoá lại. Rồi anh tới bên, quỳ xuống, đầu gục vào lòng bà, tay vén váy bà lên trong khi những ngón tay bà lùa sâu vào mái tóc anh. Rồi anh tháo bỏ từng chiếc nẹp ra, dịu dàng hôn và liếm nhẹ lên từng vết nẹp sắt ác độc hằn đỏ trên đùi bà. Rồi cứ lẩm nhẩm, lầm nhầm anh nói yêu bà, thương bà trong khi những ngón tay khéo léo và từ tốn tháo từng chiếc cặp nịt tất, từng chiếc tất khỏi chân bà. Rồi chiếc áo bà được kéo qua đầu, lộ ra đôi bầu vú tròn, đầy, nặng trĩu mà anh đã hình dung. Đôi môi anh chiếm lĩnh luôn tạo vật quý báu đó, rồi nhẹ nhàng trườn xuống, trườn mãi xuống, tới cái bờ cỏ đã ướt đẫm đi vì khao khát...Không chịu đựng hơn được nữa, bà dẫn anh đi thẳng vào trong bà...Ngay buổi tối, Toby xách túi hành lý về nhà Alice Tanner.
Đêm ấy, nằm bên Tanner, Toby mới hiểu bà còn cô đơn hơn cả anh, luôn khao khát có người ở bên, càng khao khát hơn những chuyện trò âu yếm. Còn khi trên giường thì đến lúc này, Toby chưa gặp ai được như bà. Chiều chuộng hết mình và cũng tận hưởng hết mình.
Tanner dân Boston, miền Đông nước Mỹ, con một ông chủ công nghiệp cỡ lớn. Song, sau khi trao cho bà một khoản tiền không nhỏ, ông không còn nhìn ngó gì tới con gái nữa. Tanner mê thích sân khấu, đã tốt nghiệp một khoá diễn viên nhưng chứng bạo liệt bất ngờ cướp đi mọi ước mơ của bà. Tất cả: sự nghiệp lẫn tình yêu. Bà bỏ nhà đi, rồi lấy một bác sĩ tâm thần nhưng nửa năm sau ông ta bỗng tự tử. Từ đó, bà gắn đời mình với Actors West này.
Kể được hết cho Toby nghe, bà như vứt đi được tảng đá hàng bao năm nay đè nặng lên mình, ôm ghì lấy anh như chỉ sợ anh biến mất.
Toby làm tình với Alice Tanner cho đến khi bà tưởng như lả đi trong cuồng say, miệng lặp đi lặp lại câu nói ngắt quãng. “Ôi, em yêu anh biết bao...Ôi, em sung sướng đến chết mất...Ôi, anh...”
Nhưng, tất cả những mê say đó đều dừng lại trên giường, còn ở trường, không cách gì anh khiến bà thay đổi được những gì bà đã định, nhất là với việc học tập của anh. Dù anh muốn chuyển qua lớp Diễn hay anh muốn được lên sân khấu, thậm chí một lời giới thiệu anh với các đạo diễn hay những người tìm kiếm tài năng của các hãng phim bà cũng chỉ một tiếng KHÔNG! Và đi theo là lời giải thích mà anh phát chán. “Anh sẽ làm hỏng nếu cứ muốn đi quá nhanh. Cái ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng với người tuyển lựa. Lần đầu họ đã chê anh thì họ sẽ không để mắt tới anh lần thứ hai đâu. Anh cần kiên nhẫn, anh yêu”.
Yêu đương cái gì. Khi nói những câu đó, bà là kẻ thù của anh, bà tàn phá cuộc đời anh, giết chết mơ ước của anh. Cố nén giận, anh gượng gạo cười. “Anh sốt ruột quá. Mà em không hiểu nếu anh vội vã thì cũng một phần là vì em ư?”
Bà trở lại ngây ngô như kẻ si tình. “Ôi, em yêu anh quá!”
Lúc ấy anh ghét bà, và chỉ nghĩ cách trừng trị bà.
Đêm đến, anh là vua, muốn gì cũng được, bảo gì bà cũng phải nghe. Anh đòi bà làm tình bằng cả những bộ phận cơ thể mà bà chưa từng làm như tay, miệng, lưỡi và cả đôi bầu vú. Và khi bà chiều theo, anh cười ha hả khen bà như kiểu người ta khen một con thú làm xiếc giỏi, còn bà thì lại thấy kiêu hãnh vì được anh khen và sung sướng vì làm anh bằng lòng. Có điều, càng hành hạ bà thì chính anh lại càng thấy mình đểu giả, thấy mình nhơ nhuốc mỗi khi bất chợt nhìn thấy bên chân tật nguyền của bà. Chính là anh đang tự hành hạ mình đấy thôi.
Và anh vẫn không quên tính toán, rình chọn thời cơ. Một hôm, bất ngờ nó đến, nhanh hơn anh tưởng. Bà Tanner báo tin vui rằng lớp Tập được tổ chức riêng một đêm diễn cho cả trường và một số khách mời xem. Cả lớp Tập, ai nấy đều được tự chọn tiết mục cho mình. Cơ hội đã tới, Toby tập đi tập lại tiết mục độc thoại của anh.
Đúng hôm biểu diễn, buổi sáng, Toby tìm gặp Karen, cô gái núng nính cùng lớp cứ tìm cách quệt vú vào anh, hỏi: “Có thể giúp tôi chút xíu được không?”
“Tất nhiên Toby!”. Giọng cô ta háo hức, chắc hy vọng sẽ được Toby mời lên giường. Anh hơi nhích ra tránh mùi hôi từ miệng cô ta. “Hãy phone cho thư ký của Clifton Lawrence, tự giới thiệu cô là thư ký của Sam Goldwyn và nói ông chủ cô muốn ông Sam Lawrence tối nay đến Actors West để xem một diễn viên tài ba sẽ xuất hiện. Vé đã đặt sẵn”.
Karen như muốn lồi mắt ra. “Không được đâu, bà Tanner róc xương tôi ra ngay. Chưa bao giờ bà cho người ngoài dự xem buổi biểu diễn của lớp Tập”.
“Tôi sẽ xin với bà ấy. Không sao đâu”. Anh vuốt dọc cánh tay mũm mĩm của cô ta. “Chiều nay cô có kẹt việc gì không?”
Karen liếm môi, đứng sát hơn vào anh. “Em không kẹt gì cả. Nếu anh muốn...”
“Anh muốn có cái gì đó thật đáng nhớ với em”.
Mới có vậy Karen đã chạy biến ra quầy điện thoại.
Người xem chật kín các hàng ghế nhưng Toby chỉ duy nhất lưu ý đến người đàn ông ngồi ở dãy ghế thứ ba gần cánh gà. Anh đã nghĩ cái trò láu cá của mình sẽ thất bại thảm hại bởi một người như Clifton đâu dễ bị ai qua mặt. Nhưng ông ta đã đến, và đúng giờ nữa.
Mấy màn diễn đầu dở ẹc. Toby chỉ sợ Clifton phát chán sẽ bỏ về. Song ông vẫn ngồi yên.
Đến lượt Toby. Sắp ra sân khấu, anh bỗng nghe Tanner thì thầm bên tai “Anh yêu, thành công nhé”. Bà đâu biết cái sự thành công hay không của anh tối nay phụ thuộc hoàn toàn vào một khán giả mà bà không mời dự.
“Cảm ơn em”. Toby đáp khẽ, sau đó thầm cầu nguyện rồi lấy hết vẻ đàng hoàng bước ra sân khấu. Nhìn xuống người xem, anh ngây ngô cười. “Xin được phép chào. Tôi là Toby Temple. Đã bao giờ tất cả các bạn, hoặc chỉ một ai trong số ngồi đây, nghĩ về cái tên của mình và tự hỏi bằng cách nào cha mẹ mình lại đặt cho mình cái tên ấy? Tôi thì đã tự hỏi mẹ và bà đáp rằng chỉ cần nhìn mồm tôi là bà có ngay cái tên Toby”.
Vẻ mặt, điệu bộ, chứ không phải câu chuyện của anh làm khán giả cười ồ thích thú. Nom anh ngây thơ và dại khờ đến mức họ chỉ có thể yêu quý anh, muốn che chở cho anh, bảo vệ anh, và khi anh đang trên sân khấu thì cách duy nhất thể hiện tình cảm đó ra chỉ là hoan nghênh anh, cười theo anh, tán thưởng anh...
Phấn khích, anh làm một lèo các vai, nào Ed Robinson đối thoại với Cagney, nào Bogart...Vai nào cũng được người xem tán thưởng.
Rồi anh làm Peter Lorre. “Tôi bị kích thích mạnh bởi thấy cô ta đứng trong góc phòng đang mân mê nó, và tôi không thể đừng được. Tôi bò vào phòng, kéo sợi dây chặt dần, chặt dần lại, và tôi đánh vỡ con quay của cô ta”.
Lại cười ầm ĩ. Anh càng phấn khích.
Vừa chuyển qua một trò khác thì anh thấy ở dãy ghế gần cánh gà có người đứng dậy bỏ ra ngoài. Anh chớp chớp mắt. Đó là Clifton Lawrence. Với anh, buổi tối mà anh chờ đợi thế là chấm dứt, kể cả khi Tanner âu yếm ghé sát tai anh. “Anh yêu, thật tuyệt! Em...”
“Xin lỗi em, anh cần đi dạo một chút”. Anh tàn nhẫn ngắt lời bà rồi bỏ đi luôn.
Anh lang thang chẳng cần biết sẽ đến đâu, về đâu, rồi thấy mình bỗng thả bước qua cả các Hãng phim Columbia, Paramoun, MGM...và đâu đã khuya mà mọi cánh cổng ra vào của các Hãng đều đóng chặt. Anh ngước nhìn hàng chữ HOLLYWOOD khổng lồ và rực sáng gắn trên sườn núi như một sự thách thức và trêu cợt. Nó ở đâu ra và đến bao giớ sẽ là một giấc mơ có thật của anh? Hay mãi vẫn chỉ là cạm bẫy cho những kẻ viển vông bất tài muốn tự huỷ diệt mình?
Lang thang suốt đêm Toby vẫn không trả lời được câu hỏi tự đặt ra cho mình: Giờ đây anh sẽ làm gì cho cuộc đời anh, với cuộc đời anh? Và phải biết dựa vào cái gì, tin vào cái gì? Đời anh chưa hề nghĩ tới một cái gì khác ngoài lấy gương mặt mình, điệu bộ mình, giọng kể của mình ra làm công cụ mua vui cho thiên hạ. Đó vừa là nghề, vừa là toàn bộ cuộc sống của anh. Ngoài nó ra, anh không muốn và cũng không thể làm được một việc gì khác, dù là để mưu sinh. Ơ kìa, anh chả đã từng làm những việc linh tinh để sống trong mấy năm qua đấy ư? Vâng, nhưng chỉ là để nuôi hy vọng sẽ được đứng trên sân khấu chứ không phải để tồn tại như một sinh vật. Bây giờ, cái hy vọng đó đã chết. Anh bật khóc. Nó có kéo theo cái chết của con người Toby Temple?
Trời đã sáng khi Toby về đến nhà, nơi anh sống cùng Alice Tanner. Anh đến bên giường, lặng nhìn bà đang say ngủ. Vậy mà anh đã từng mơ tưởng xiết bao khi tin rằng chính bà sẽ đưa anh tới với những giấc mơ. Anh phải bỏ đi thôi. Đi đâu thì cần gì phải biết trước. Nhưng là phải đi. Anh đã hai mươi bảy năm sống trên cõi đời này mà vẫn không biết sẽ đi đâu hoặc sẽ làm gì ư?
Anh thả mình xuống chiếc ghế dài nơi phòng khách, rồi thiếp dần đi. Trong giấc ngủ mệt mỏi anh thấy mẹ xuất hiện. Bà đang trong bếp, loay hoay với món ăn sắp dọn ra cho anh, và bà bảo Chúa muốn con trở nên nổi tiếng...Rồi anh thấy mình đang trên sân khấu sáng loá, trước một biển người chìm trong bóng tối, hò hét đòi anh cái gì đó mà anh không sao mở miệng nổi. Họ cứ gào mãi tên anh “Toby! Toby!”
Anh vùng dậy, đầm đìa mồ hôi. “Anh yêu, ngủ say thế. Có điện thoại kìa, Clifton gọi anh đấy”. Không phải trong mơ mà là Alice Tanner đang âu yếm thì thầm bên tai.
Văn phòng Clifton Lawrence nằm trong toà nhà đẹp đẽ trên đường Beverly Drive. Tranh ấn tượng Pháp, bàn ghế cái độc đáo, cái cầu kỳ, nói chung đều rất lạ lẫm với Toby.
Cô thư ký vóc dáng mảnh mai nhưng gợi cảm, mái tóc hoe đỏ rót trà cho anh. “Ông có dùng đường không, thưa ông Temple?”
Thưa ông Temple?
“Tôi xin một viên đường. Cảm ơn cô”
“Mời ông”. Cô gái mỉm cười duyên dáng rồi bước ra.
Toby nhấp trà, thấy ngon vô cùng, chưa bao giờ anh được uống trà ngon đến vậy. Anh chỉ không biết nó là loại đặc biệt được trồng ở những địa phương nằm sâu tít trong vùng đồi núi Baleek xứ Ireland xa xôi. Nhưng cũng chả cần đến trà ngon, chỉ cần được ngồi đây, trước người đàn ông nhỏ nhắn và sang trọng này là cả ước mơ rồi. Clifton đang quan sát anh, và anh chịu đựng một cách hồi hộp chứ không khó chịu cái nhìn đó. Anh nói “Xin lỗi đã đánh lừa ông. Vậy mà ông vẫn tiếp tôi. Tôi không biết phải bày tỏ lòng biết ơn thế nào...”
Clifon bật cười. “Lừa ư? Trưa qua tôi ngồi ăn với Goldwyn. Nhưng tôi vẫn tới xem anh biểu diễn vì muốn biết tài năng có tương xứng với sự liều lĩnh của anh không? Cũng ngang ngửa đấy”.
“Vậy mà ông đã bỏ về giữa lúc tôi đang...” Toby không dám nói hết câu.
“Kìa, người ta đâu cần phải chén cho bằng hết mới biết mình được ăn món ngon. Chỉ sau vài mươi giây là tôi biết anh có cái gì rồi”.
Toby ngây ngất. Chả lẽ đây là sự đền bù của Chúa sau một đêm hành hạ anh bằng nỗi chán chường, sự tuyệt vọng ư?
Clifton nói tiếp. “Tôi có linh cảm về triển vọng của anh, Temple, và quyết định là đại lý của anh. Tạo dựng từ đầu cho sự nghiệp một con người cũng là điều hứng thú”.
Toby chỉ những muốn nhoài qua bàn ôm chặt lấy cứu tinh của đời mình. Trời đất, không thể tin nổi, Clifton Lawrence mà lại chịu làm đại lý cho anh?
“Tôi nhận anh là khách hàng với điều kiện”, giọng ông ta bỗng nghiêm lại, “là anh phải thực hiện đúng những gì toi yêu cầu, và tôi không chấp nhận cái mà đám nghệ sỹ vẫn gọi là tuỳ hứng gì đó. Nó chỉ là sự nhố nhăng mà thôi. Chỉ cần anh giở trò đó một lần, một lần thôi, kể như hợp đồng của chúng ta chấm hết. Anh chịu chứ?
Toby dám nói không ư? Clifton nhìn Toby thong thả cười. “Điều trước tiên anh cần biết là diễn xuất của anh kém, quá kém là khác”.
Với Toby, không gì có thể lăng nhục anh hơn lời nhận xét đó. Chẳng lẽ ông ta gọi anh đến rồi vờ vĩnh nhận anh là khách hàng chỉ cốt để nói với anh câu này, trả thù cú lừa của anh hôm qua? Về đi là hơn. Và anh đã toan đứng dậy nếu người đàn ông nhỏ nhắn kia không nói tiếp. “Cũng đúng thôi. Tối qua là cuộc diễn của dân nghiệp dư, và anh chính là như vậy. Không, trong cái nghề này, chỉ trở nên chuyên nghiệp mới tồn tại nổi”. Ông đứng dậy, đi lại quanh văn phòng. “Anh phải biết anh đang có cái gì và cần thêm cái gì để thành một ngôi sao. Anh hiểu tôi nói không?”
Toby lặng lẽ gật đầu. “Hãy nói những cái anh thiếu trước. Anh không có chất liệu, không có phong cách riêng, không biết di chuyển trên sân khấu...” Toby phát hoảng. Sao cái người đàn ông vẻ ngoài nom sang trọng, lịch sự này lại biết cách hành hạ người ta thế nhỉ. Vậy tại sao ông ta còn mời anh...Như đoán được ý nghĩ của anh, Clifton nói như tâm sự. “Đã kém đến vậy, tại sao anh lại vẫn có mặt ở đây, phải anh đang nghĩ thế không?” Toby gật đầu một cách máy móc. “Chỉ vì anh có một thứ trời cho mà tiền bạc không thể mua và ngay cả tài năng cũng khó mà làm nổi. Anh vừa bước ra sân khấu, người xem đã như muốn ôm chầm lấy. Anh thì chỉ muốn làm vừa lòng họ, họ thì lại muốn bao bọc, che chở cho anh. Cái đó là vô giá, như tôi đã nói. Nếu anh có thêm kịch bản hay, biết thêm cách diễn xuất hợp lý, chắc chắn anh sẽ ở tốp dẫn đầu”.
Toby nghe mà ấm lòng, bỗng lại nhớ tới mẹ. Chính là bà đã cho anh cái mà Clifton gọi là vô giá đó. Và bây giờ đã gần đúng như bà hứa với anh. Clifton vẫn đang nói. “Cốt cách của diễn viên là cùng với anh chứ không thể mua hoặc tập tành mà có đươc. Đi vào việc nhé. Chiều nay tôi sẽ để anh gặp O’Hanlon và Rainger. Đó là hai tay viết kịch sừng sỏ và họ chỉ phục vụ các cây hài sáng giá”
Toby không giấu được nỗi lo. “Tôi e mình không đủ tiền...”
“Tôi biết. Cứ coi là vay đi. Sau này anh sẽ trả tôi chứ?” Họ cùng cười.
Tiễn Toby về, Clifton còn ngồi lại văn phòng khá lâu mà chẳng giải quyết thêm được việc gì bởi vẫn bị gương mặt ngây thơ, đôi mắt xanh biếc của anh ta ám ảnh. Ông đã bao giờ làm đại lý cho một diễn viên danh tiếng chưa nhỉ? Nếu có, hẳn đã lâu lắm rồi, không thể nhớ nổi nữa. Lâu nay, khách hàng của ông đều là những ngôi sao mà ngoài việc giao dịch biểu diễn cho họ ông còn tốn không ít công sức giữ họ để không bị các đối thủ cạnh tranh lôi kéo mất. Còn với chàng trai này? Sẽ là một thử thách đây. Nhưng ông chấp nhận. Từ một mảnh quặng còn vương đầy đất đá mà tự tay ông gọt rũa thành viên ngọc đắt giá, cũng vui lắm chứ. Thật sự là ông rất thích chàng ta.
Toby đến gặp O’Hanlon và Rainger tại văn phòng của họ đặt trong hãng phim Century-Fox ở phía Tây Los Angeles. Cứ tưởng nó cũng đẹp đẽ như văn phòng của Clifton, ai ngờ nó nhếch nhác, thậm chí bẩn thỉu, từa tựa chỗ trọ của anh ngày nào. Bà thư ký đứng tuổi, tóc tai bù xù dẫn anh vào phòng trong. Các bức tường nom đều nhem nhuốc với vật trang trí độc nhất là tấm bảng chơi phi tiêu và tấm biển mang dòng chữ nguệch ngoạc. Phía trước là chỗ làm việc mà không hiểu vì sao ba chữ cuối lại đính vào nhau. Đó là nơi hai chiếc bàn cũ rích kê sát nhau, bừa bộn giấy tờ và những chiếc cốc giấy thảy đều đựng nước uống dở.
“Xin chào Toby. Hôm nay cô phục vụ nghỉ nên phòng hơi bừa bộn. Tôi là O’Hanlon. Còn đây là...” Anh ta liếc sang người ngồi bên.
“Rainger!”. Người kia lầu bầu.
O’Hanlon làm bộ sực nhớ. “Chả nói sớm. Đúng rồi, đây là Rainger. Hì hì...”.
O’Hanlon béo ịch, đeo kính. Rainger gầy nhom, nom đều trạc tuổi ngoài ba mươi, đã làm việc chung và gặt hái thắng lợi chung từ chục năm nay. Ngay từ đầu Toby đã gọi bằng cái tên chung là Hai tay ấy và mãi về sau vẫn cứ gọi vậy khi nói về họ.
Toby lễ phép chào hỏi , bắt tay từng người rồi nói. “Tôi được biết rằng hai anh sẽ là người viết chuyện cười cho tôi?”
Hai tay ấy nhìn nhau. Rồi Rainger nói. “Ông Lawrence cho rằng cậu sẽ là biểu tượng tình dục mới của nước Mỹ. Hãy cho xem cậu có thể làm được trò gì. Đã từng diễn xuất rồi chứ?”
“Vâng”. Đáp xong anh bỗng nhớ tới những lời Clifton nhận xét về diễn xuất của anh và thấy hoảng sợ. Hai tay ấy ngồi xuống, cùng làm vẻ chờ đợi.
“Hãy diễn cho chúng tôi xem”. Rainger nói.
“Luôn bây giờ á?”. Toby trợn tròn mắt.
“Anh định đòi hỏi điều kiện gì nữa?” O’Hanlon nhếch mép. “Giao hưởng mở màn ư? Tung hứng khai vị ư?”. Rồi quay sang bảo Rainger. “Hãy gọi Ban Âm nhạc và Ban Xiếc!”
Đồ mất dạy, rồi bọn mày sẽ biết tay tao. Toby rủa thầm. Định làm ông thối chí rồi sẽ mách lại Clifton ư? Đừng hòng. Anh nở nụ cười của một ngôi sao nào đó, bắt chước điệu bộ một ngôi sao khác và nói bằng giọng của một ngôi sao khác nữa.
“Anh không thấy nhục vì đang trở thành kẻ ăn bám ư, Lou? Sao không kiếm việc làm đi?”
“Tôi đang làm việc đấy chứ?”
“Việc gì, Lou?”
“Đi xin việc làm”.
“Anh coi đó là đang làm việc ư?”
“Còn gì nữa. Có lúc nào được ngồi không đâu. Sáng nào tôi cũng rời khỏi nhà đúng giờ và chiều nào cũng về nhà vừa vặn giờ cơm tối”.
Hai tay ấy không rời mắt khỏi Toby và nói với nhau về anh cứ như anh không hề đứng ngay trước họ.
“Hình như không biết đến cả cách đứng”.
“Còn vung tay lại giống hệt bổ củi. Hay là viết mẹ nó về bổ củi cho dễ”.
“Điệu bộ xem ra gượng gạo lắm”.
“Thì bài vở lôm côm vậy còn làm gì hơn được”.
Mỗi lúc Toby thêm bực bội. Hai cái thằng cha vơ chú váo này là bố anh, mẹ anh ư mà dám mắng nhiếc anh vậy. Anh bỏ diễn, giận run lên. “Mẹ kiếp cái đồ con hoang các anh. Về mà chửi con cái mình ấy. Tôi thì kiếu”. Anh quay về phía cửa.
Rainger ngạc nhiên. “Có chuyện gì vậy?”
“Vậy theo anh thì có chuyện gì nào. Các anh là cái đếch gì mà mắng chửi tôi..” Toby uất ức tuyệt vọng đến phát khóc được.
Hai tay ấy ngơ ngác nhìn nhau. Rainger nói “Chắc mình đã đả thương tình cảm của cậu ta”.
“Lạy Chúa, đâu dữ đến vậy”.
Toby cố không nổi nóng. “Hai anh không ưa tôi cũng không sao nhưng đừng...”
“Chúng tôi yêu quý anh”. Rainger ngắt lời, kêu to.
“Anh thật đáng yêu, theo chúng tôi nghĩ”. O’Hanlon hoà theo.
Toby ngơ ngác nhìn hết người nọ sang người kia. “Tôi tin các anh. Nhưng đó là cách các anh thể hiện sự yêu quý của mình ư? Tôi thực không hiểu”.
“Bình tĩnh nào,” Rainger nói. “Anh biết mình có chuyện gì không? Luôn luôn cảm thấy bấtan. Anh phải học hỏi nhiều, tất nhiên thôi, bởi nếu đã là Bob Hope (danh hài vĩ đại của nước Mỹ, mới mất năm 2003) thì anh đã khỏi cần đến chỗ này”.
O’Hanlon chen vào, mặt lạnh tanh. “Và còn lý do nữa để Bob Hope không đến đêy là vì ông ta hiện đang ở Carmel”.
“Đang chơi golf” Rainger phụ hoạ. “Anh biết chơi golf chứ?”
“Không!”
Tay nọ trố mắt nhìn tay kia, rồi cùng reo lên. “Cứt! Chơi golf, cũng nhiều chuyện cười lắm đấy nhé. Nào, ta viết về chơi golf”.
O’Hanlon lập tức nhấc máy gọi cà phê rồi nhìn Toby, hỏi.” Thế giới này có bao nhiêu người có thể trở thành diễn viên hài, anh biết không?”
“Có cách gì để biết được?” Toby né tránh trả lời bằng cách hỏi lại.
“Có chứ, và tôi sẽ cho anh con số chính xác. Tính đến 0 giờ sáng nay là ba tỷ bảy trăm hai chín triệu, còn từ đó đến giờ chắc cũng phải thêm hàng ngàn nữa. Nghĩa là toàn bộ loài người. Nhưng các danh hài thực thụ thì đếm chưa hết ngón tay. Diễn hài là công việc khó khăn và cực kỳ nghiêm túc. Hề cũng vậy thôi”.
“Hề và hài có gì khác nhau?” Toby hỏi.
“Khác xe, khác nhiều. Diễn viên hài mở cửa dẫn người xem vào các chuyện cười còn anh hề thì mở cửa một cách buồn cười”.
Rainger hỏi. “Cái gì làm nên thành công hoặc thất bại của diễn viên hài, anh biết không?”
“Kịch bản”. Toby đáp ngay.
“Cứt!” Rainger văng luôn ra. “Các chuyện cười đều có nét cơ bản giống nhau. George Burns dư sức kể lại mọi chuyện cười mà người diễn trước ông vừa kể, mà khán giả vẫn cười nhiều hơn nghe người kể trước đó. Tại sao, anh biết không? Chính là cái phong cách riêng của người diễn”. Đó cũng là điều Clifton vừa nói với anh sáng nay. Rainger tiếp tục. “Không có phong cách riêng anh sẽ chẳng có gì cả, chẳng là gì cả. Hãy phải bắt đầu bằng phong cách riêng rồi mới xây dựng cho mình một nhân vật riêng. Bob Hope là một thí dụ. Nếu ông ta diễn bài độc thoại kiểu Jack Benny thì sẽ thất bại ngay, vì ông đã có nhân vật riêng của mình rồi, và đó là cái người xem trông đợi ở ông; một gã dở tỉnh dở quê đáng yêu, một kẻ thị thành đần độn đáng mến...Còn Jack Benny thì lại có thể đứng bất động trên sân khấu vài phút mà khán giả vẫn muốn ông đứng lâu hơn, không cần điệu bộ, nói năng gì cả. Anh em nhà Mark không bao giờ xài chung một nhân vật, riêng rẽ khoẻ ăn. Bây giờ nói về anh. Vấn đề của anh là gì, anh biết không? Chắc là chưa ai chỉ ra thì chưa thể biết được. Anh thuộc, rồi anh học mót của các ngôi sao, mỗi người một chút. Không ai chê trách anh cả nhưng anh suốt đời vẫn chỉ đứng ở cuối bảng, suốt đời là giống bò nhai lại. Nhưng khi đã có cho mình một phong cách riêng, anh sẽ lập tức nổi đình nổi đám. Chẳng cần ở trên sân khấu mà bất cứ ở đâu người ta cũng có thể gọi đúng tên anh: TOBY TEMPLE. Anh hiểu chưa?”
“Đã!”
O’Hanlon thủng thẳng. “Anh biết mình có khuôn mặt đáng yêu không, Toby? Nếu chưa đính hôn với Clark Gable, chắc tôi phải lòng anh rồi. Nó toát ra vẻ ngay thơ dễ thương. Nếu biết sử dụng cho khéo, nó là kho báu đấy”.
Rainger nói thêm. “Cái khuôn mặt ấy sẽ giúp anh làm được những việc mà người khác, tài giỏi gấp mấy anh, cũng chịu thua. Tựa như cậu bé trong đội hát thánh ca bỗng văng tục song người nghe không khó chịu vì nghĩ cậu bé không hiểu mình vừa nói gì. Lúc nãy anh hỏi có phải chúng tôi sẽ viết hài kịch cho anh diễn? Không. Đây không phải tiệm tạp hoá. Song chúng tôi sẽ chỉ cho anh thấy mình có cái gì và phải sử dụng nó thế nào. Và nữa, chúng tôi sẽ làm ra một nhân vật cho riêng anh, của riêng anh thôi. Được không?”
Toby nhìn cả Hai tay ấy, cười toét miệng. “Còn đợi gì nữa mà chưa vào việc ấy?”
Sau hôm đó, trưa nào Toby cũng ngồi ăn cùng Hai tay ấy. Phòng ăn của Hãng phim Century-Fox rộng thênh thang và bữa trưa nào cũng chật ních dân điện ảnh, kể cả các ngôi sao. Bây giờ thì Toby thoả sức chiêm ngưỡng Tyron Power, Loretta Young, Betty Grable, rồi Don Ameche, Alice Faye, rồi anh em nhà Ritz...nhiều lắm, kể không xủê, và anh luôn nghĩ một ngày nào đó mình cũng sẽ như họ mà thôi. Chúa đã muốn vậy, và mẹ cũng đã bảo vậy mà.
Alice Tanner hân hoan ra mặt. “Em biết anh sẽ trở thành một diễn viên thực thụ mà. Và anh sẽ nổi tiếng. Anh yêu, em rất tự hào về anh”.
Toby chỉ nhìn bà và cười, không nói gì.
Hai tay ấy bàn soạn rất lâu, rất kỹ về nhân vật dành riêng cho Toby.
“Anh ta nghĩ mình là kẻ khôn ngoan không ai bằng”, O’Hanlon nói, “nhưng đụng vào việc gì là hỏng việc đó”.
“Việc của anh ta là gì mà luôn thất bại?” Rainger đặt câu hỏi.
“Anh ta sống với mẹ, và đính hôn với cô gái mà anh ta yêu đã năm năm. Anh ta không dám cưới vợ chỉ vì sợ phải xa nhà”.
“Đính hôn đã mười năm nghe tức cười hơn”.
“Thì mười năm. Mẹ anh ta luôn đau ốm. Mỗi khi nghe con định cưới vợ bà ta lại có một căn bệnh mới. New York Times vài ba hôm lại gọi cho bà ta hỏi thăm ngành dược có loại thuốc nào mới sản xuất không”.
Toby mê mải nghe, thích thú ra mặt, phần vì chưa bao giờ anh được làm việc với các tay chuyên môn thực thụ, phần vì họ đang làm việc vì anh, cho anh. Miệt mài như vậy mà gần tháng sau họ mới hoàn thành kịch bản. Khi được đọc, anh sướng run người, thấy hợp với mình quá, vài đề nghị thêm bớt của anh coi như không đáng kể và được họ chấp nhận ngay. Vậy là Toby đã sẵn sàng xuất hiện trước công chúng. Clifton bảo anh, “Chuẩn bị để tối thứ bảy biểu diễn tại Bowling Ball”.
“Cái gì? Bowling Ball là cái gì vậy?”. Anh hỏi, hy vọng ông nói nhầm. Anh nghĩ ít ra cũng được xuất hiện tại một khách sạn hay nhà hàng có đôi chút tiếng tăm nào đó.
“Một câu lạc bộ nhỏ ở phố Western”. Ông đáp gọn lỏn.
“Tôi chưa nghe thấy tên nó bao giờ”. Toby rầu rĩ nói.
“Thì nó cũng đã bao giờ nghe thấy tên anh? Cái hay là ở chỗ đó. Rủi mà anh có thất bại ở đó thì cũng chẳng ai biết được”.
Trừ CliftonLawrence.
Không có cách ví von nào chính xác hơn khi gọi Bowling Ball là một nơi rác rưởi. Thực ra, nó cũng chỉ như một trong hàng ngàn quán rượu nhớp nhúa rải rác khắp nước Mỹ mà Toby đã từng hàng ngàn lần diễn trò tại đó. Khách hàng đa phần là dân thợ, đủ mọi nghề, đứng tuổi, vừa uống vừa chọc ghẹo mấy cô bưng bê váy chật căng, cổ áo rộng hoác vừa kháo nhau những mẩu chuyện tục tĩu mà hầu hết là chuyện đàn ông đàn bà. Nơi diễn trò thường ở cuối phòng, nhỏ tí và không bục bệ, với mấy nhạc công vừa chơi vừa ngủ gật. Khoảng tám giờ tối, chương trình được bắt đầu bằng một tay ca sĩ có dáng dấp đồng dâm với chiếc răng bịt bạc lộ liễu, tiếp theo là một gã nhào lộn đỏng đảnh, tiếp nữa là ả vũ nữ thoát y mân mê con rắn cỏ vẻ đã bị đánh thuốc mê.
Cả bốn người, Clifton, O’Hanlon, Rainger và Toby chiếm một chiếc bàn gần nơi diễn trò vừa uống vừa xem vừa nghe ngóng trạng thái tâm lý khán giả. “Rặt đồ sâu rượu”. Toby nhếch môi nói.
Định mắng cho mấy câu song Clifton nhịn được khi thấy vẻ mặt Toby. Cậu ta đang hoảng, ông nghĩ. Ông biết Toby quá quen với khung cảnh và đám khán giả này nhưng hôm nay vẫn hoảng. Bởi hôm nay mang tính sát hạch với anh ta. Ông nói nhẹ nhàng. “Nếu anh bỏ túi được đám này thì mọi đối tượng khác đều không còn đáng ngại lắm. Đây là dân lao động chân tay, suốt ngày cực nhọc, họ mà đã chịu cười thì tôi nghĩ chẳng mấy ai nhịn được”.
Đúng lúc đó, người dẫn chương trình đọc to tên anh. O’Hanlon cười “Hãy cho họ biết thế nào là Toby”.
Anh bước lên sàn diễn, bỗng hoảng sợ. Khán giả là một cái tên khác của con thú trăm đầu, mỗi đầu có mỗi cách phản ứng khác nhau. Anh phải khiến sao cho cả trăm cái đầu ấy đều cười. Hít một hơi thật sâu, anh thầm cầu Chúa, rồi bắt đầu nói.
Chả thấy ai cười, thậm chí chả thấy ai buồn nghe. Mồ hôi lấm tấm trên trán, anh như dán nụ cười vào môi, vẫn diễn, trong tiếng trò chuyện ồn ào đinh tai. Họ đâu thèm chú ý đến anh. Đã không ít tối thứ bảy họ phát ốm vì những tay hài vô duyên, bất tài. Giờ với họ, mấy cô gái trần truồng nhảy múa là đủ. Nhưng còn cách nào khác là anh vẫn phải nói. Liếc nhanh, anh thấy Clifton và Hai tay ấy cũng không giấu được vẻ lo lắng.
Toby vẫn diễn, dù không có khán giả. Quán chật ních đấy nhưng chỉ có bợm nhậu và đám người đang mong mỏi xả ra những mệt nhọc của một ngày, một tuần lao động, chẳng ai buồn nhướng mắt nhỏng tai về anh. Anh nói khó khăn hơn khi liếc thấy chủ quán đang bước về phía ban nhạc. Hẳn ông ta sẽ cắt màn diễn của anh bằng cách cho nổi nhạc lên. Không hiểu mồ hôi hay nước đái đang lăn dọc ống chân anh. Đời anh sắp xong. Anh sắp chết rồi.
Bỗng một bà to béo ngồi ngay trước Toby cất tiếng cười vì để lọt vào tai một câu chuyện của anh, mấy người cùng bàn bèn ngừng nói để nghe. Toby đâu biết, vẫn diễn trong cơn hoảng loạn. Mấy người ở bàn bà to béo cùng cười. Rồi tiếng cười lây sang bàn bên.
Rồi bàn nữa...bàn nữa. Tiếng ồn ào lắng dần, nhường chỗ cho giọng nói của anh. Họ bắt đầu nghe anh đấy. Rồi một trận cười nổ ra, lan truyền, rộng khắp. Đám nhậu đã trở thành khán giả, mẹ kiếp, anh lại có khán giả rồi. Anh diễn ở đâu, cho ai, không còn quan trọng nữa rồi. Quan trọng là anh đã khiến người ta nghe, người ta cười, tức là người ta yêu quí anh. Rồi họ đứng cả dậy vỗ tay, tung mũ, chìa cốc bia về anh, nhào tới gần anh làm đổ cả bàn ghế. Họ đâu biết mình là những người đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của một ngôi sao. Nhưng Clifton và Hai tay ấy thì biết. Và tất nhiên, Toby càng biết.
Chúa đã giữ lời hứa của mình.
Mẹ đã đúng.
Dứ dứ ngọn đuốc bùng cháy vào mặt Josephine, đức cha Damian lầm rầm. “Lạy Chúa toàn năng. Cầu xin Người hãy đốt loài quỷ dữ ẩn náu nơi linh hồn bé nhỏ của đứa trẻ tội lỗi này”. Đám con chiên chắp tay đồng thanh “Amen!”. Ngọn lửa vờn quanh mặt cô trong khi đức cha vẫn không ngừng la hét. “Xin Người hãy diệt trừ quỷ dữ, thiêu chết nó, dìm chết nó!”. Rồi là những bàn tay túm lấy Josephine, dìm cô vào thùng nước lạnh, giữ chặt, và khi được nhấc ra cô đã gần như mê man. Đức cha dõng dạc. “Đội ơn Chúa lòng lành. Đứa trẻ đã được cứu vớt”. Đám đông phấn khích hét lên còn Josephine thấy đầu mỗi lúc một đau hơn.