Sài không thể ngờ rằng cuộc sống cực nhọc của người lính đối với anh lại thiêng liêng đến thế. Mười bảy năm vào bộ đội thì mười một năm ở chiến trường. Mười một năm nguyên vẹn, không một lần về phép, mười một năm phải đếm từng giờ, giành giật với cái chết để cộng lại mới thành cái con số mười một ấy.
Đã có bao nhiêu nỗi bực tức, cáu giận, oán ghét và buồn phiền. Nhưng nó chả bao là gì trước cái sống, cái chết. Nếu không vì ”dính“ lai lịch nhà vợ anh đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng thì cũng không là gì trước cái chết của bạn bè, có người vì chính anh mà đã ngã xuống. Hàng chục người đã không tiếc thân mình cứu vớt anh giữa những cơn sốt ác tính, giữa những toạ độ bom, giữa cả vòng vây của giặc. Cảm động và đời đời mang ơn những người bạn đã cứu sống mình nhưng suốt mười một năm anh không nghĩ đến ngày trở về. Ngay ngày đất nước hoàn toàn giải phóng người từ các miền nhao đi tìm kiếm nhau, tìm về quê hương bản quán, hàn gắn, bù đắp lại những cắt chia, mất mát. Đồng đội anh cả trăm người như một đều tìm cách về phép, đi tranh thủ, đi công tác để được về quê. Không chỉ là thoả mãn những mong đợi nhớ thương biền biệt mà còn như để trình diện sự sống sót của mình với bố mẹ, vợ con, anh em làng xóm.
Riêng anh, mỗi lần nhớ đến quê hương nước mắt lạ ứa ra vì nỗi cồn cào nhớ từng miếng bánh đúc ngô chấm tương kho tép. Nhớ mẹ và chị Tính có lần bơi mủng đi hàng bốn năm cây số đưa lên trọ học lớp một ở nhà cô trên Năm Mầu. Giữa mênh mang sóng nước vẫn nằm ngửa giãy đành đạch trong lòng mủng chỉ vì có lẻ ngô rang anh Tính đã bốc mất mấy hạt. Mẹ và chị cứ phải dỗ dành như van, như lạy và thay nhau người giữ, người bơi kẻo mủng ụp đi. Nhớ những đêm bố kiệu trên cổ, nước ngập đến bụng, đến ngực bố, bố vẫn phải lò dò từng bước kiệu con hàng hai cây số xuống đình Hà Châu chỉ vì con đòi đi xem hát trống quân. Mười một năm đi, cả bố và mẹ đều không còn nữa, con trở về với ai! Đành rằng các anh chị có thể thương em như cha mẹ thương con nhưng đã hơn ba mươi tuổi đầu con không thể lang thang ăn gửi nằm nhờ như thuở lên bảy, lên mười. Lại càng không thể ăn một bữa cơm chung, ở cùng một nhà với người đàn bà khiến anh giật thót người mỗi khi có ai cất lên tiếng nói ”vợ“ anh. Sài đã nhờ anh Tính lĩnh hộ chế độ đi B để may sắm chi tiêu cho đứa con trai của mình. Anh tin là anh chị Tính còn lo cho cháu gấp nhiều lần như thế. Quê hương đau đáu da diết trong những đêm chập chờn mất ngủ trong từng miếng cơm, hớp nước nhưng anh như kẻ tội lỗi phải chạy trốn, giải phóng rồi cả hai miền Bắc-Nam xum họp, cả đất nước đoàn tụ và hàn gắn những vết thương chiến tranh với những hậu quả của nó. Sau những cơn sốt rét anh vẫn nguyên lành chưa một lần bị thương nhưng anh không còn nơi chốn để trở về. Đành là thế. Đã đánh đổi hết nửa cuộc đời trai trẻ để đến bây giờ chỉ còn một quyết định cho riêng mình.
Không ai có thể bằng cách gì bắt tôi phải trở về sống với một người mà cả đời tôi không đủ can đảm để nói một tiếng ”yêu“. Giữa những ngày bối rối không biết đi đâu, về đâu anh nhận quyết định chuyển về trường đại học kỹ thuật quân sự. Anh sẽ đi học thêm và làm cán bộ giảng dạy của trường. Vậy là anh sẽ có một cái nghề, một cái ”cần câu cơm“ cho phần còn lại của đời mình. Nhưng khi không còn những biến động của công việc anh có chịu đựng nổi một sự ổn định cô đơn không? Một người như từ trên trời rơi xuống cởi phá cho anh niềm u uất xa ấy: Chính uỷ Đỗ Mạnh! Đã mười hai năm không gặp nhau, ông đã qua bao nhiêu chiến trường, qua bao nhiêu nhiệm vụ: Chủ nhiệm chính trị, phó chính uỷ rồi chính uỷ Sư đoàn. Hiện ông đang là chủ nhiệm chính trị một quân đoàn ”con cưng“ của bộ tổng. Sài chỉ nghe đồn đại thế, có bao giờ anh lại dám nghĩ ông còn nhớ đến mình. Người đần dại hẳn đi, luống cuống mà không biết làm gì, anh, nhìn ông như chỉ chực oà khóc. Ông cũng nhìn anh từ đầu đến chân, cái miệng lúc nào cũng cười, cái mắt lúc cũng như cười hóm hỉnh có phần hơi khô lại. Mái tóc mềm mại cắt thấp nhưng ngắn chỉ đủ độ dài để hơi cụp xuống trông đã lấm tấm như rắc phấn trên đầu.
Trên khuôn mặt quắc thước có phần đã xám đen tai tái và hai đuôi mắt đã hơi chảy xuống. ”Gầy, xanh quá“. Ông lẩm nhẩm như nói với riêng mình. Rồi sợ cái không khí nó nặng nề không cần thiết, ông tiếp ”Cậu đi bao giờ, vào đâu mình không biết. Những năm đầu cũng không liên lạc được gì ra ngoài ấy. Dăm bảy năm sau này đọc những bài báo mình mới biết cậu đã vào chiến trường. Tốt lắm, rất tốt“. Ông gật đầu như để những ý nghĩ tốt đẹp của ông về Sài lắng lại.
Đã đột ngột về chuyện ông đến, lại cảm động không ngờ ông vẫn quan tâm theo dõi mình mặt Sài đỏ bừng, anh đứng vụt dậy xin phép đi lấy nước. ”Thôi ngồi đây nói chuyện, mình còn đi. Mình vừa mới ở Hà Nội, gặp Hà đã chuyển lên Bộ công tác. Hà cho mình xem tất cả thư từ của cậu. Gớm khiếp, làm gì mà anh kêu la rên rỉ ghê quá...“ Đôi mắt ông hóm hỉnh nhìn anh và ông cười cợt chế giễu. Sài vừa ngượng, vừa như chạm phải cái gì cố tránh, anh cũng đỏ mặt cười rồi cúi gầm xuống. Giọng ông nghiêm chỉnh như mọi việc đều dễ dàng chả có gì đáng phải quan tâm lắm. ”Mình có bàn với Hà tìm cách ”giải phóng“ cho các cậu. Thực ra thì cô ta cũng chả sung sướng gì“ Sài há mồm để hớp lấy từng lời của ông. ”Hà sẽ về bàn với gia đình chuẩn bị tư tưởng cho cô ấy. Bằng giá nào cũng dứt điểm đi. Cứ giam hãm nhau mãi để làm gì chứ. Trời ơi, thật thế ư?“ Mình cũng vừa bàn với Quang Văn. Cậu làm cái đơn xin ly hôn đi. Cục chính trị sẽ làm công văn đề nghị với toà án. Nếu cần cử cán bộ về trình bày với địa phương thái độ của đơn vị trước vấn đề này“. Càng nghe Sài càng muốn nhảy tung người lên mà kêu, mà reo hò giống như mẹ kể năm đói người đang đổ ra, như chuối đổ bão thì được lệnh vào ấp Cụ Hiên phá kho lấy thóc. Cả làng, cả xã, cả tổng chạy đi kêu la đến khi xúc được thúng thóc về vẫn kêu gào, vẫn nhảy cẫng lên mà kêu, mà bàn tán. Không hiểu sao lại có sự lạ đời như thế. Cái công cuộc khởi nghĩa tháng Thám, cái cuộc cách mạng lại đến với Sài giản dị như thế này sao! Tim anh như thắt lại, cổ nghẹn ứ không thể nói được điều gì lúc này. ”Điều cơ bản ở cậu bây giờ là tìm mọi cách lo toan cho thằng cháu. Dù có ở với mẹ thì mình cũng phải có trách nhiệm đến cùng và lo cho nó hơn hẳn những đứa trẻ khác để nó khỏi tủi hận“. Vâng, với cháu, nếu xẻ được người tôi ra tôi cũng không tiếc. Anh vẫn ngồi lặng hai hàng nước mắt rào xuống má, lặng lẽ chảy. Chính uỷ không nén nổi xúc động, ông đứng dậy bực dọc:
- Chỉ khổ thân thằng bé vô tội.
- Giá cách đây vài chục năm gia đình tôi và các thủ trưởng đừng bó buộc tôi thì làm gì đến nỗi.
- Đúng thế. Đúng? Nhưng anh có biết tại sao không? Biết Sài chưa thể trả lời, ông tiếp:
- Chính bản thân anh chất đầy cách sống của một anh làm thuê. Sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán định đoạt một việc gì. Lúc bé đã đành, khi học hành đỗ đạt anh đủ tư cách làm một công dân, một người chiến sĩ tại sao anh không dám chịu trách nói thẳng rằng: hoàn cảnh của tôi bị ép buộc như thế, nếu các anh bắt ức tôi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả dù phải trở về làm anh cày thuê, tôi cũng sẵn sàng để được sống tự do. Kẻ bị trói buộc không dám cựa mình giẫy giụa, chỉ hong hóng chờ đợi , thấp thỏm cầu may, chã nhẽ một chính uỷ trung đoàn như tôi lại xui anh bỏ vợ!
- Báo cáo thủ trưởng, thực ra lúc bấy giờ em rất sợ.
- Đúng. Nói như thế thì còn được. Chính tôi cũng sợ không dám can thiệp nhiều vào công việc của liên chi và của ban chính trị. Sợ ai, sợ cái gì? Không biết. Nhưng cả một thời như thế biết oán trách ai. Mà để làm gì! Cái quan trọng là xử lý cái công việc trước mắt này. Bây giờ thì tự mình định đoạt lấy cuộc sống riêng của mình chắc anh sẽ không phạm sai lầm nữa. Nhưng tôi vẫn mong anh có một cái gì khác thế. Tôi với Hà bàn nhau ”giải phóng“ việc này cốt là tạo điều kiện cho anh phấn đấu“.
Dường như mọi sự khổ hạnh của thuở nhỏ và những năm gian lao mà anh dũng ở chiến trường cốt để dành khi về đến Hà Nội niềm sung sướng hạnh phúc mới oà tóa bao bọc quanh người anh. Sài trở thành con người ở tất cả m ọi lĩnh vực khiến nhiều kẻ phải mơ tưởng thèm khát. Đảng uỷ viên nhà trường. Lớp trưởng lớp sau đại học. Một dũng sĩ mới nghe tên đã thuộc từ lâu. Ba mươi tư tuổi đã mang hàm thượng uý lúc này còn là trẻ, hiếm hoi. Đẹp trai, khoẻ mạnh, thông minh mà hiền, học như chơi mà vẫn xuất sắc nhất lớp... Nghĩa là anh đã trở thành nhân vật hoàn hảo cho sự lựa chọn khắt khe của những cô gái kiêu kỳ.
Hiểu chuyển ngành làm trưởng phòng tổ chức của một bệnh viện từ năm năm nay. Anh có một căn phòng riêng trong khi tập thể của cơ quan. Căn phòng hẹp ở ngay đầu hồi của tầng một có thể nói nó tiện lợi nhất trong khu nhà này. Sài về ở cùng anh. Những ngày đầu, hai anh em lấy cơm ở bếp tập thể. Chiều thứ bảy Hiểu về quê, Sài hoàn toàn làm chủ căn phòng cho đến sáng ngày thứ hai. Nhưng nhà thường khóa cửa, có hôm Hiểu đi như thế nào thì lúc về vẫn y nguyên thế. Nhìn đôi dép cói đi trong nhà vẫn nghếch mũi vào nhau anh biết Sài chưa hề bước vào nhà. Những ngày ấy Sài đến ăn cơm ở nhà bạn. Nếu mỗi tuần chỉ ăn ba bữa vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật Sài tưởng phải đến hàng năm mới hết lượt. Có vô số bạn từ thời cùng học phổ thông, ở đại học, bạn ở chiến trường, bạn hiện tại, bạn của bạn, bạn của chú Hà, anh Tính, họ hàng và người làng đang ở Hà Nội. Người nào cũng muốn Sài đến ăn với họ một bữa cơm và hàn huyên thuở hàn vi của anh mà nhất định họ là người chứng kiến nhiều nhất, thông cảm hoặc khâm phục nhất. Mỗi lần về đến nhà bao giờ cũng có dăm bảy mảnh giấy gài vào cửa. ”Sài về đến nhà ngay tôi nhé“. ”Đúng kế hoạch tám giờ sáng ngày mai mình đợi Sài ở nhà“. ”Tại sao cậu lại lỡ hẹn. Hỏng bét cả. Hẹn lại: Đúng 19 giờ 30 tối mai chủ nhật tại nhà mình“- Anh Sài ơi, em và bạn em đến thăm anh nhưng anh đi vắng, thôi để đến dịp khác vậy!“. Không cần xem chữ ký cũng biết người hò hẹn là những ai, ở đâu! Những người đầy nhiệt tình ấy đều cùng một nhiệm vụ: giới thiệu với Sài một cô gái mà theo họ ”Đẹp đôi nhất“, ”hợp hoàn cảnh của Sài nhất“ ”Đảm đang chiều chồng hết ý“, ”Nghề nghiệp vững, không bệnh tật gì“. ”Có nhà cửa đàng hoàng, bà mẹ còn khoẻ trông con cái sau này“. Có đến hàng mấy chục cô gái đẻ cho Sài lựa chọn và ngán ngẩm. Anh chán đến mức về sau anh từ chối tất cả sự hẹn hò của những người ”đã tìm được một đám cho cậu“. Anh Tính và chú Hà đều khuyên Sài nên lấy vợ ở quê. Anh Tính đã để ý cho Sài một cô bán bách hoá, hai cô ”cấp ba“ và một cô ở huyện đoàn. Sài có phần phật ý với chú và anh. Anh có thừa khả năng để lấy một cô vợ công tác ở Hà Nội, việc gì phải về quê. Anh chỉ cần một tình yêu. Một tình yêu có thể bù đắp những ngày tháng khao khát đốt cháy cả cuộc đời ép buộc của anh chứ cần gì thứ khác. Đã từng làm cho Sài khốn khổ về chuyện vợ con nên những người thân thích không ai nài ép anh.
Một lần bạn của chú Hà gặp Sài ở giữa đường, ông dừng xe vồn vã ”Tớ đã để ý cho cậu một con bé, lúc nào đến tớ đi“- ”Vâng ạ“- ”Hôm nào?“- ”Chú cứ để cháu thư thư. Độ này cháu bận quá“- ”Hay là mình đưa nó đến đấy“- ”Thôi chú ạ. Cháu cũng chả mấy khi ở nhà“- ”Thế này nhé, lúc nào cậu có thời gian gọi điện cho tớ. Tớ sẽ báo cho nó đến chỗ tớ hoặc đến chỗ cậu cũng được. Nghe tên cậu nó biết đấy. Nó bảo hồi còn là học sinh phổ thông đã nghe kể chuyện về gương chiến đấu của cậu, cảm động lắm. Yên trí, Hà nói với tớ cậu muốn hình thức phải tương đối nên tớ cũng chọn cho cậu một cô vừa ý“. Sài phì cười ”Cháu cũng đã được thấy nhiều cô ”đẹp“ lắm rồi ạ. Chắc cô này không bị tí mắt ”gián rấm“ thì cũng khá phải không chú“- ”Bậy. Cứ gặp rồi anh sẽ mê“- ”Cháu xin lỗi chú, cháu mệt cái trò này lắm rồi. Hay là thế này. Trưa thứ bảy tuần sau chú bảo cô ấy đến chỗ chú, cháu sẽ đến đấy. Nếu được, cháu mời chú với cô ấy lại chỗ cháu chơi. Thấy cháu không nói gì thì coi như giải tán tại chỗ khỏi mất thì giờ chú nhé“.
Nhưng chính Châu, tên cô gái, lại không có thì giờ để nhận lời mời của anh. Chiều nay cô phải họp cơ quan, Sài hỏi nhỏ khi tiễn cô ”Mai rỗi đến chơi“- ”Em có chút việc không đi được“- ”Có thể lúc nào tôi đến thăm Châu được không?“- ”Thôi được, nếu rảnh chủ nhật sau em đến“. Đã bàng hoàng khi mới nhìn thấy cô ta bây giờ càng khó hiểu trước những câu nói mập mờ. Cả một tuần lễ anh phập phồng mong đến ngày chủ nhật. Chiều thứ bảy được nghỉ anh đi đã là bộ quân phục mùa đông bằng dạ của sĩ quan và chiếc áo pôpơlin trắng.
Đôi giày đen cũng được đánh xi bóng nhoáng. Rồi cạo râu, rồi đun nước nóng tắm, rồi dọn dẹp, lau chùi bày biện lại căn phòng cả một tuần bừa bộn vì Hiểu nghỉ phép. Khoảng hơn mười giờ đêm, vào giờ này giữa đêm mùa đông đã là khuya khoắt anh vẫn cài cửa thật chắc để mặc quần áo và đi giầy. Quần áo là của anh, chiếc áo sơ mi trắng và áo len xanh cánh chả là của anh. Đôi giày đen cũng là của anh. Tất cả đều vừa vặn nhưng mặc vào người cứ cứng nhắc, chân tay ngượng ngùng thừa thãi như là quần áo mượn. Đêm thức khuya, sáng dậy lại rất sớm vẫn thấy rộn ràng sảng khoái. Đun nước pha vào phích, vào trái bếp hút điếu thuốc lào (chiếc điếu cày đã tìm chỗ dấu từ tối hôm trước). Vừa lờ đờ say nhả khói vừa nhóm từng chiếc trên bộ đồng phục, đứng trước gương ”mỏ neo“ gài và ngắm. Lần này đã thấy ”mềm“ hơn tối qua. Anh đi đi,lại lại vung tay và bước đi cho nó quen, cho nhịp nhàng. Lúc bấy giờ mới bảy giờ rưỡi, cái giờ này anh bắt đầu phải để ý từng động tĩnh nhỏ ở phía cồng ”thường trực“. Anh khoanh hai tay trước ngực rồi chắp tay ra sau, đứng và đi, nhìn các thứ trong phòng và nghe ngóng ngoài cổng cho đến mười một giờ trưa không hề ngồi dù rất mỏi, không hề hút thuốc lào dù rất thèm. Có tiếng kêu ”Anh Sài có khác“, anh giật thót lao bắn ra khỏi cửa. Lại hoá ra anh Tính khệ nệ ôm cặp và xách ba bốn chiếc túi nhựa đầy nứt nở các thứ. Sài hơi ”lỡ tàu“ nhưng không buồn vì đã được ”tiếp tế“ và nhân tiện anh em ”thống nhất“ luôn. Sài nói với anh công việc cho ngày hôm nay nhưng mãi hơn mười hai giờ vẫn không thấy tăm hơi gì. Bận việc, quên số nhà hay vì sao? Ngừơi bạn của chú Hà cũng chỉ là bạn của anh trai co ta và ”tớ goiwj ý thấy nó có vẻ mến cậu chứ tớ đã biết gì đâu“. Tại sao một cô gái như thế đã hai mươi lăm tuổi mà chưa có người yêu? ”Bao nhiêu cậu lao đến nó, có những cậu rất đẹp trai, phó tiến sĩ, có cả con cái thứ trưởng nó đều không ưng cậu nào“. Thế thì đã chắc gì cô ta yêu mình!
Buổi trưa, hai anh em ra ăn phở ngay quán trước cửa để Sài còn ”gác“. Cũng không có dấu hiệu gì. Sài tự trách mình không hợp đồng, dù không thể hiện giờ chính xác thì cũng phải biết sáng hay chiều để khỏi mất thì giờ. Anh Tính ở lại theo ý Sài. Cả buổi trưa hai anh em cũng ngồi uống nước trà để đợi. Tính sốt ruột ”Liệu thế nào?“- ”Chậc! EM cũng mới được giới thiệu, cô ta không đến cũng chả có vấn đề gì“ Ba rưỡi chiều, anh Tính bảo để anh đạp xe về, tối có trăng chả lo gì. Sài chưa kịp nói thì cô ta cùng ”Nghĩa bạn em“ xuất hiện ở cửa. Hai chân Sài như ríu lại, anh quay ra mời mọc ríu rít dù các cô đã rất tự nhiên bỏ dép bước vào nhà. Châu đưa bó hoa hồng cho Sài tự nhiên và nói cũng tự nhiên“ ”Anh tìm lọ hoa cắm đi. Qua chợ thấy có hoa đẹp, tiện em mua“. Anh tưởng là thế. Ra vòi lấy nước vào bình Nghĩa cũng ra rửa tay bảo: ”Nhân năm mới, chị Châu mua hoa tặng anh đấy“. Anh hồi hộp nhớ hôm nay là ngày Tết dương lịch. Chỉ một lời mách, anh đã thấy tin cậy ở Nghĩa rất nhiều: ”Em làm gì?“ ”Năm thứ hai trường thương nghiệp ạ“- ”Nhà em có xa không?“- ”Ngay trên gác nhà chị Châu, lúc nào đến đấy anh lên nhà em nhứ“. ”Biết chị Châu có cho đến không?“- ”Tốt ấy chứ“- ”Là lính, nhưng anh sợ đấu súng lắm“- ”Hiện tại anh là kiện tướng không có đấu thủ“- ”Nhưng anh vụng về lắm“- ”Anh có thế mạnh của anh chứ“- ”Là gì“- ”Em không hiểu nhưng chắc anh phải biết chứ“.
Ngay tối hôm dó, buổi đi chơi đầu tiên của hai người anh mới có phần tin cô ta không đùa rỡn mình. Tiễn hai người về đến nửa đường thì Nghĩa xin phép rẽ vào nhà bạn có việc. Hai người đạp xe quá khu nhà Châu lên đến đường Thanh niên. Chỉ chớm đến đầu đường rồi đạp xe quay lại. Hình như Châu ngại con đường không ”đứng đắn“ ấy. Từ sáu giờ tối, đạp xe đến hơn mười giờ, hết phố nọ đến đường kia, vòng đi, vòng lại không dừng ở đâu, không ăn uống gì. Nhiều lúc anh muốn ngồi lại chỗ nào đó, ăn, ăn một cái gì đó vì cả hai người cùng quá đói nhưng Châu nhất định không nghe.
”ở chiến trường anh nhịn mấy ngày còn được kia mà! Thôi chịu khó một tý“ ”Nếu cứ bắt em ăn, em về đấy“ ”Đồng chí bộ đội phải gương mẫu chịu đựng gian khổ chứ“
Mỗi lần anh yêu cầu lại có một sự phản đối dịu dàng như thế. Nếu anh là cánh đồng khô nẻ thì co là cơn giông, một cơn giông báo hiệu sự dịu mát rồi tan đi, sự khô héo càng tăng lên gấp bội. Cô nói: Có lẽ em chả xây dựng gia đình nữa đâu. Trời ơi, một người con gái đẹp như tiên, thông minh và dịu dàng thế kia làm sao lại nói đến cái điều tuyệt vọng ấy. Thú thật với anh, em chán tất cả mọi thứ rồi. ở đời này không có một người đàn ông nào tốt đâu.
Xin lỗi, các anh bộ đội em chưa hiểu lắm những thanh niên ở thành phố bây giờ họ hư hỏng không thể tin vào ai. Em rất ngại buổi tối ra khỏi nhà. Nghĩa cũng bảo chưa bao giờ thấy chị ấy đi buổi tối mà không có bạn gái đi cùng. Trường hợp ngoại lệ đầu tiên lại là đêm nay? Chả trách khi Nghĩa rẽ vào nhà bạn, cô ta đắn đo mãi mới để cho mình đưa về và vì mải câu chuyện thuận đà đạp xe chứ chả chịu ngồi đâu. Cảm động mãi với những giây phút đầu tiên, Sài mới nói được những ý nghĩ đầu tiên của mình:
- Anh biết em đã vượt qua thói quen rất nghiêm ngặt để chúng mình có dịp nói chuyện với nhau.
- Không phải đâu, em cũng chả là người khắt khe gì nhưng anh thông cảm con gái chúng em không được buông thả như con trai các anh.
- Chả nhẽ bọn con trai các anh buông thả, hư hỏng đến nỗi em không thể kiếm được một người ra hồn để xây dựng gia đình.
- Từ trước đến giờ thì chưa.
- Tại sao thế.
- Có rất nhiều người đến với em, nhưng người thì yêu hai mươi mét vuông nhà, và mẹ em còn khoẻ mạnh, người yêu cái công việc nhàn nhã và gần nhà của em, người yêu ông anh em làm vụ trưởng vụ tổ chức ở một cơ quan có thể cất nhắc họ nhanh chóng. Có người lại yêu bà chị gái em là cửa hàng phó cửa hàng thịt, có hai người bạn rất thân ở cửa hàng gạo, sau này chắc chắn hai cái khoản đó không phải lo lắng gì. Có người sau khi tìm hiểu đã yêu em đến điên cuồng chỉ vì biết chắc em không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh kinh niên nào, không phải hầu hạ vất vả. Không có ai vứt bỏ tất cả những cái đó để yêu em. Chỉ có riêng em không nhà cửa, không nghề nghiệp đầy bệnh tật và không nơi nương tựa, chắc chả ai yêu em đâu.
Càng nghe, càng muốn nổi khùng kinh tởm cả lũ người thực dụng thô bạo. Vốn là thằng lính ở chiến trường không cần gì ngoài yêu thương và sống chết, anh cảm động đến kính nể một tâm hồn cao thượng, một quan niệm hiếm hoi ở cô gái mới hai mươi lăm tuổi. Anh trân trọng đến lặng đi. Phải đạp trên một đoạn đường khá dài anh mới hỏi:
- Có bao giờ em nghe nói người lính ở chiến trường suy nghĩ và sống như thế nào không?
- Có chứ. Hồi nghe kể chuyện người bạn anh chỉ vì kiếm mấy nắm rau cho anh mà chết em đã khóc. Em rất thèm cuộc sống hồn nhiên vô tư của các anh.
- Em có tin những cái đó bây giờ còn không.
Cô hơi quay mặt nhìn anh gật đầu.
- Tin.
Như sợ Sài ngầm hiểu rằng anh là tiêu chuẩn trong sự lựa chọn của cô, đi một đoạn nữa cô nói như chỉ để khẳng định cho bản năng tự vệ của mình.
- Nhưng cũng chả biết thế nào.
- Họ đã biến chất.
- Không hẳn như thế.
- Tại sao?
- Thú thật với anh em cũng đã yêu một người tuy chưa có gì sâu sắc nhưng người đó đã làm mất niềm tin của em.
- Anh cũng là kẻ như thế?
- Anh khác. Nhưng đừng bắt em phải tin ngay một cái gì.
Đấy là kết quả của cả một buổi tối mùa đông đạp xe rạc cả người. Vừa mệt mỏi, sốt ruột trước sự bay lượn chờn vờn của một tình yêu như là chưa có, chưa phải thế. Nhưng có lúc đã thấy rất gần, chỉ cần nghiêng mặt một chút đã chạm vào làn da ấm áp khiến anh không thể nào yên, không thể nào không chới với túm vuốt lấy từng chi tiết nhỏ nhặt ”mổ xẻ“ từng lời nói xem còn gì sâu xa ẩn giấu cho một mối tình sẽ tiến tới!
Biết em hay háo, xào su hào xong Tính bớt lại một ít đổ nước đum làm canh. Trừ xoong cơm đang ủ còn đĩa trứng tráng, đĩa su hào, bát canh đều đã nguội tanh váng mỡ hằn thành ngấn trắng ở quanh bát. Nờu cơm từ lúc 5 giờ, tức là ngay lúc em tiễn khách đi. Hơn mười giờ đêm vẫn chưa thấy em về, anh ngồi hút thuốc lào vặt. Ngồi chán rồi nằm, nằm chán quá anh dậy mang ấm chén và xách điếu cày ra máy cọ rửa.
Rồi móc đôi giầy vải ở gầm giường đầy cứt gián, cặn rác và đôi tất cứng quèo đã có thể bẻ gãy như bẻ bánh đa, một bộ quân phục vo tròn nhét ở chân giường, chiếc áo sơ mi trắng đen kịt ghét ở cổ trải dưới chiếu. Tất cả được lôi ra máy nước vò xát xà phòng rũ đến lần thứ ba nước trong chậu vẫn đen đặc. Giặt giũ, lau chùi, quét tước móc máy mọi chỗ trong nửa gian phòng ấy xong vẫn chưa thấy em. Anh sốt ruột nhưng không bực bội, ở huyện anh là ông vua sẵn sàng cáu giận với nhân viên trong cơ quan và bí thư chủ tịch ở các xã lên khi họ làm trái ý mình. ở đây, với em trai anh như kẻ hầu hạ không nề hà bất cứ việc gì. ở huyện từ sáng sớm đến tối mịt anh phải nghiêm chỉnh gắt gỏng và cau có chìa tay hờ hững cho kẻ khác bắt. ở đây, anh phải cười cợt vui vẻ, nói năng nhỏ nhẹ, dạ vâng vồn vã bất cứ kẻ lạ người quen hỏi em mình, anh cũng chạy ra cửa đưa cả hai bàn tay mà bắt mà như vồ lấy bàn tay của khách.
Hà Nội người ta phải lịch sự thế. Trí thức là phải bừa bộn bẩn thỉu. Đấy là cái ý nghĩ mới mẻ mà anh tin rằng ngay từ ông bí thư và bà chủ tịch ở huyện chưa nhận ra điều đó. Thật lòng, đến bây giờ mỗi lần lên với em anh vẫn thấy gò bó, tù túng nhưng phải sống như để bù đắp lại cho nó tất cả những mất mát đau khổ nên phải cố. Phần khác quan trọng hơn, sự chạy vạy lo toan cho em suốt mấy chục năm qua của anh đã làm nên một thằng Sài đáng được kiêng nể quý trọng không những chỉ ở xã, ở huyện mà ngay ở Hà Nội nhiều người có tiếng tăm cũng quý mến, chầm vập nó. Nó và anh không thể là hai. Rất nhiều lần anh lặng lẽ thưởng thức niềm sung sướng với những lời trầm trồ khen: ”Thằng Sài nhà ông Tính“- ”Em trai ông Tính“- ”Phải nói không ai lo toan cho em như vợ chồng anh Tính“- ”Cậu Sài được như bây giờ chính nhờ có công lao nuôi dạy của anh Tính“. Nghĩa là không ai nhắc đến Sài lại có thể quên anh, dù không biết tên anh thì vẫn phải biết ”Sài có ông anh cực kỳ“. Bởi thế anh gánh chịu tất thảy mọi tai tiếng trong chuyện bỏ vợ của nó: ”Tại vợ chồng nhà Tính không ưa em dâu mới sinh chuyện“- ”Vợ chồng nó đang ăn ở yên lành với nhau, chỉ vì nhà anh Tính thâm thù bố nó, cậy thế ở trên huyện dể rẽ duyên nó.“ Anh phải trả lời hàng chục đoàn kiểm tra về những đơn kiện của bố mẹ họ hàng nhà Tuyết, của cả những người vốn kiềm khích với anh ở các xã, và các cơ quan trong huyện. Tất cả đều được bắt mối, được mách bảo, được cung cấp tài liệu, được chỉ dẫn để Tuyết đứng tên hàng chục lá đơn tố cáo đến tất cả các cơ quan tổ chức cán bộ và cơ quan pháp luật ở tỉnh và trung ương. Nếu không có sự bảo vệ chân lý của huyện uỷ, uỷ ban và sự quen biết của ông Hà, ít ra Tính cũng mất mặt trước sự ồn ã của khắp nơi. ”Phen này thì tay Tính khốn đốn“. Mà dù có mất hết Tính cũng sẵn sàng đương đầu để Sài không ”dính líu“ gì đến chuyện kiện tụng do sự phẫn nộ của Tuyết.
Gần năm mươi tuổi đầu sự phấn đầu của anh cũng đến thế, cứ túc tắc dăm bảy năm rồi cũng đến về hưu. Anh dồn tất cả tình cảm sức lực, uy tín và cả tiền của, vào niềm hy vọng ở thằng em trai mà ai cũng thấy ở nó đầy những hứa hẹn tốt đẹp. Ăn cơm xong anh vẫn phấp phỏng về công việc của em. Suốt một ngày ăn uống thất thường, đạp xe ngược gió rồi vất vả làm lụng đến lúc đã hơn mười một giờ khuya anh còn pha ấm trà có ý để anh em ngồi chuyện trò với nhau. Sự thể thế nào sáng mai anh đạp xe về cũng yên tâm. Anh chưa kịp nói gì Sài đã hỏi:
- Anh thấy thế nào?
- Cũng được.
Sài có ý không bằng lòng với chữ ”cũng“ ấy. So với tất cả những cô gái mọi ngưòi giới thiệu cho Sài mà anh biết và ngay cả những cô anh định giới thiệu thì làm sao lại không kêu lên tiếng: ”Khá quá“. Biết em không vui anh vẫn dè dặt nói những nhận xét của mình.
- Hình thức thì rất khá, khoẻ mạnh, còn trẻ mà lương sáu ba là cao. Nhà cửa đàng hoàng...
Sài nghĩ bụng: như thế còn phân vân nỗi gì. Nhưng anh lại nói:
- Nhà cửa cần gì. Lộ cái đó ra cô ta nghĩ mình chỉ cốt lấy cái nhà.
- ừ, mình cũng chả cần thiết. Anh đã gửi tiết kiệm được dăm nghìn, ”hoả hồng“ chỗ nào đó cũng được vài ba chục mét. Nếu không, kiếm chỗ đất anh ngâm xoan rồi. Gạch, ngói, xi măng, vôi để anh bảo bên vật tư huyện nó cho, làm vài ba gian cũng chả khó.
- Thế thì tính những cái đó làm gì. Căn bản anh xem tính tình cô ta thế nào?
- Nói chung có vẻ ngoan ngoãn, dịu dàng, nói năng hoạt bát lắm.
Con gái Hà Nội có học hành, nó phải như thế còn nói chung nói riêng gì nữa. Có thể nói, mọi phương diện không có gì anh phải chê, anh sẽ hãnh diện về cô em dâu của anh nhưng sao anh vẫn có vẻ chưa thật thoải mái. Anh rất sợ tình cảm của Sài phải chia sẻ cho người khác, anh không còn cái quyền được chăm lo cho nó nên anh mong muốn có được người em dâu phải lắng nghe, phải ngoan ngoãn chấp nhận mọi sự vun đắp, có thể coi như phục dịch cũng được, của anh chị và các cháu, phục dịch cho các em. Nhưng với Châu, chỉ qua hơn một giờ tiếp xúc, rõ ràng Châu sẽ làm chồng, có quyền chi phối mọi tình cảm của sài. Em mình đã bị lép vế huống hồ là anh chị thì có nghĩa lý gì.
- Anh chỉ sợ cô ta là trí thức, người thành phố, nhà mình quê mùa lụt lội, chị chú thì người tốt nhưng cục mịch chém to, kho mặn, các cháu thì nhem nhếm lúc chị em, thím cháu gặp nhau nó không được thoải mái.
- Đằng nào em cũng phải ở trên này. Một năm bất quá về quê vài ba lần, em nghĩ chả có vấn đề gì. Mà còn tìm hiểu chán, đã đâu vào đâu. Chắc gì cô ta đã yêu em.
- Thì anh cứ phải đặt vấn đề như thế. Trong quá tình tìm hiểu em cũng trao đổi để cô ta thấy rõ hoàn cảnh nhà mình. Nhưng tình hình hôm nay thế nào?
- Chưa đâu vào đâu.
- Chắc có thế nào nó mới đem hoa đến tặng. Mà nói năng với anh có vẻ ”anh em“ thân tình lắm.
- Cũng không biết thế nào với con giá Hà Nội.
- ừ, cứ phải tìm hiểu cho kỹ, không đi đâu mà vội. Đằng nào mình cũng lỡ làng rồi. Khổ, các cụ bảo cũng là cái số. Giá ngày xưa giải quyết quách đi vừa đỡ khổ vừa khỏi lỡ làng chuyện cô Hương. Càng ngày càng thấy cô ta tốt quá.
Không ngờ kết cục câu chuyện lại ở chỗ ấy. Sự vô tình của Tính nhắc đến cô gái không hề liên quan gì trong chuyện này lại làm cả hai anh em cùng ngồi lặng lẽ. Hai chục năm trước đây họ đã cùng ngồi với nhau lặng đi và có những nhận xét rất khác nhau. Cho đến bây giờ cái tình cảm của hai anh em nghĩ về cô ta trong lúc lặng lẽ này cũng vẫn khác nhau, rất khác.
Mãi đến gần bảy giờ tối Sài mới đi gặp Hiệu trưởng. ông hẹn anh sau giờ học buổi chiều tức là sau bốn giờ rưỡi nhưng đến bảy giờ Sài mới ra khỏi lớp. Cả tháng nay hôm nào Sài cũng đạp xe đến trường từ trước bảy giờ sáng và, sau bảy giờ tối mới về. Ngoài giờ học, anh phải phụ đạo cho những người trong lớp học chưa thật vững. Về nhà, anh thường học và đọc sách đến quá nửa đêm, có hôm đọc luôn đến giờ đi vào trường. Học và phụ đạo cho bạn bè, họp hành với trường, công việc của chi bộ, của đoàn trường, của lớp... Việc gì anh cũng tận tuỵ đạt tới chất lượng gần như điển hình của toàn trường. Bận bịu mà ăn ngủ lại kém, người anh vẫn khoẻ ra, lúc nào cũng cười hồn nhiên như cái sức lực trong anh còn dư thừa, còn có thể làm được nhiều việc nữa. Cái lý do tạo nên sức lực ấy nó đơn giản đến mức ai cũng có thể biết. Anh là con người hoàn toàn tự do, ăn ngủ, làm việc và yêu đương hoàn toàn của mình, cho mình. Đến những ngày này anh mới thấy mình thực sự cần thiết sống, học và làm việc như để ”trả thù“ cho những ngày ”đã mất“, những ngày như là sống hộ người khác, làm hộ người khác.
Nhưng còn điều quan trọng nữa chưa mấy ai biết: Anh đang yêu, mới được yêu, lần đầu tiên trong đời được biểu hiện một tình yêu không phải vụng trộm, không thì thụt sợ hãi. Cái điều ông hiệu trưởng thông báo cho anh tối nay như là cái giấy chứng nhận về sự cố gắng của anh trong sáu tháng qua. Anh sẽ chuẩn bị để sau tết thi đi nghiên cứu sinh ngoài nước. Cái đó không thể coi là chuyện gì ghê gớm vào lúc này nhưng ở anh nó vẫn là quan trọng. Nó chứng tỏ ở bất cứ môi trường nào, suốt mấy chục năm qua anh cũng là người đứng ở phía trước. Nên tất cả thời gian đều thoải mái như hiện nay chắc chắn anh đã làm được nhiều việc đáng kể nữa.
Tối hôm sau, thứ bảy, Sài sẽ đi chơi với Châu. Sau ngày mồng một, lần đầu tiên (tất cả với anh đều là lần đầu tiên trong đời) được một người con gái đem hoa đến tặng có hai lần nữa anh gặp Châu. Một lần Châu đi với Nghĩa đến chỗ anh vào sáng chủ nhật và lần nữa anh đến thăm Châu và được cô giới thiệu với mẹ: ”Anh Sài bạn con và Nghĩa!“. Sau lần thứ nhất tiễn cô ra cổng anh nói nhỏ ”Tối rỗi, đi chơi!“. Cô lắc đầu nhè nhẹ: ”Em chưa thể đi được“. Lần thứ hai tiễn anh ra cửa nghe câu đó xong cô cười: ”Cứ từ từ đồng chí bộ đội ạ. Thôi được, tối thứ bảy tuần sau“- ”Mờy giờ“- ”Bảy“- ”ở đâu“- ”Đợi em ở đầu phố“. Gần hai tuần lễ làm việc không hề biết mỏi mệt để đến chiều thứ bảy lại sửa sang bộ quân phục đã mặc trong lần đầu tiên cô đến thăm anh. Cả buổi chiều thậm thột phấp phổng nên mới sáu giờ anh đã tưởng là muộn. Đi sớm một giờ đề phòng xe cô hỏng. Đạp thật từ tốn chậm rãi đến nơi cũng mới có sáu giờ mười lăm phút. Còn thảnh thơi chán. Vào hàng uống chén nước, hút điếu thuốc lào cho đã.
Phải vào đến ba hàng uống nước và hút thuốc cùng với ba lần dắt xe đi đi, lại lại mới bảy giờ kém mười phút. Từ cái phút này thì anh phải ”chốt“ lại ở gốc cây sấu ngay ngã tư, quay mặt vào số nhà 57 có bạn công vòng chìa ra đường như cái nhòng tát nước ở nhà quê. Cũng từ lúc này anh chỉ còn có hai việc: Chốc chốc lại nhìn đồng hồ và hút thuốc lá vặt. Từng phút, từng phút nhích đến bảy giờ đúng. Như thói quen hợp đồng giờ thông đường cho xe đi anh hồi hộp sửa sang lại đầu tóc, quần áo chờ đón một khuôn mặt rạng rỡ như bông hoa, nhưng lại từng phút, từng phút khắc khoải trôi đi. Bảy giờ mười phải nén lại nhưng hơi thở dài. Bảy giờ mười lăm: sự sôi sục ở trong người đã bốc lên nóng bừng ở mặt. Bảy giờ hai mươi, hơi dịu đi vì những giả thiết cho một tình huống bất trắc không lường trước được đặt ra. Bảy giờ hai mươi nhăm bắt đầu nghi ngờ và lòng tự ái trỗi dậy. Lần đầu tiên, chao ôi mới một tháng trời sao mà lắm lần đầu tiên đến thế. Lần đầu tiên anh bị cô bé kém mình gần chục tuổi đầu không giữ đúng giờ giấc quy định. Đúng bảy giờ rưỡi quyết định dắt xe quay lại. Nhưng chờ thêm vài phút nữa đề phòng cho sự lỡ làng nào đấy. Chẳng hạn như sự sai lệch đồng hồ và trừ thời gian đi trên đoạn đường từ nhà ra đây mất hai phút. Bảy giờ ba ba phút dứt khoát dắt xe đi. Mình có tư cách, có cái thế của mình, việc quái gì phải để cô ta coi thường.
Xong, vẫn không thể ngồi lên xe, phải dắt, dắt xe đi chầm chậm và vẫn phải ngoái lại nhìn cái ngã tư. Sự ấm ức đã kéo anh đi quá tầm nhìn không thể phân biệt người xe qua lại ngã tư, anh lại vội vàng cho xe xuống lòng đường, hấp tấp nhảy lên đạp trở lại như còn bỏ quên vật gì quý giá ở chỗ ngã tư ấy. Nhìn ngược, nhìn xuôi, theo hút những bóng người qua lại, anh cảm thấy có phần nhẹ nhõm. Coi như chấm dứt. Trước khi lên xe anh châm điếu thuốc. Lúc ngẩng lên đã thấy một khuôn mặt tươi cười vừa đi qua cột đèn về phía mình. Tự nhiên lại thấy nỗi bực bội dâng lên. Sẽ nói một câu gì đấy, sẽ biểu hiện một cử chỉ nào đấy để cô ta biết rằng mình không thể nào chấp nhận sự sai lệch đến mức này. Nhưng tiếng nói ngọt ấm như cốc nước giải khát làm anh không có cớ gì mà bắt bẻ, mà cáu giận:
- Chờ em có lâu không?
Anh mỉm cười.
- Cũng kha khá.
Phải đến hàng chục năm sau anh mới có thể hiểu những cô gái từng trải ở thành phố không bao giờ họ đến đúng giờ trong những buổi hẹn hò khi anh chưa khiến tình yêu trong họ thành lửa khói mù mịt. Còn lúc này dù chưa biết tí gì cái nguyên nhân bắt anh phải phơi mặt giữa từng chập gió mùa đông bấc lạnh buốt, anh cũng không thể cáu giận.
- Lai em được không?
- Thì anh sẽ định cả đời sẽ lai em kia mà.
- Thôi đi, đừng có mà lơi dụng, chú lính ạ.
- Chả nhẽ khi anh nói ”yêu em“ lại mắc tội lợi dụng?
- Anh láu cá lắm. Thế mà anh Tính lại kêu em mình lành như bụt.
- Bụt cũng còn lang thang để gà nó mổ vào mắt kia mà.
- Đúng là bộ đội. ông nào tán cũng khiếp lên được.
Cái phút ”xuất thần“ ấy có được là nhờ vào thói quen tào lao của lính tráng, tuế toá cho qua cơn bực bội, cho cô ta khỏi nhận ra mình là thằng hay dỗi vặt. Đến khi đứng trước sự trang nghiêm, trước một tình cảm vốn đã ao ước ở ngay trước mặt, cái bản tính rụt rè, thụ động chỉ biết bầy tỏ lòng thành thật như một cái bánh đã bóc sẵn lại trở về nguyên vẹn trong anh. Hai người ngồi bên nhau đã khá lâu ở chiếc ghế đá dưới chân tượng đài Lý Tự Trọng ở đầu đường Thanh Niên, anh vẫn cứ run lên, không hiểu trời về khuya lạnh hay vì chưa tìm ra được cớ gì để biểu lộ cái tình yêu đang rạo rực trong mình. Anh cúi xuống, hai tay che bớt khuôn mặt đầy nỗi xúc động của mình. Cô gái tủm tỉm cười như đã đọc được tất cả những gì anh vẫn tưởng mình chưa thể hiện ra ngoài.
- Em bảo anh nhé.
Anh ngẩng lên nhìn vào mắt cô hứng đợi một lời nói tiếp.
- Có yêu em thật không?
Anh chỉ muốn kêu toáng lên vì sung sướng, vì cả nỗi oan ức phải được than thở, dãi bày:
- Tại sao em lại có thể hỏi anh điều đó.
- Tại sao anh lại yêu em? Giọng cô gái đã lạnh, nét mặt càng trang nghiêm. Đã nuốt mấy lần nước miếng cho cổ khỏi mắc mớ, tiếng anh vẫn cứ rời ra từng chữ:
- Anh chả biết nói với em thế nào. Những người lính các anh không ai có thể làm được việc gì khi lòng mình đã lạnh, hờ hững với nó.
Nghe anh nói tội nghiệp như một đứa trẻ mắc lỗi. Cô vẫn nhìn anh chằm chằm, đôi mắt như lúc nào cũng bốc lử ngùn ngụt sức trẻ trung, nhìn anh như một lời cầu khẩn: Nói đi, anh nói nữa cho em nghe đi.
- Qua anh Tính và bạn của chú anh chắc em biết tất cả những gì đã xảy ra trong anh từ năm lên chín tuổi. Từ đấy anh chỉ muốn lao đi bất cứ đâu để tìm chỗ có thể chết, có thể không có ngày trở về... Anh đã đánh đổi tất cả để mong đợi có được những lúc như thế này. Đến lúc này anh còn nỡ đùa cợt lừa dối em ư.
Cô vẫn nhìn anh. Hai hàng nước mắt từ từ chảy ra ở cái vòm sáng như thiên thần ấy. Bỗng cô úp hai bàn tay vào mặt gục xuống khóc nức nở, mỗi luác người cứ rung lên không thể kìm giữ, không thể dỗ dành. Có lẽ nào cái quá khứ nặng nền của anh lại trút lên đôi vai còn non trẻ của em, bắt em phải gánh chịu cả sự ngăn cản của gia đình, cả dư luận của xã hội! Em không đủ sức. Em không thể vượt qua? Anh cứ ngồi như kẻ tội lỗi đã gây ra tai hoạ không biết mình phải làm gì! Bằng những cử chỉ dứt khoát cô gái lấy khăn lau nước mắt và chải lại tóc, đứng dậy nói như ra lệnh:
- Thôi về đi.
Anh chỉ còn biết im lặng làm theo yêu cầu của cô. Thế là hết. Không hiểu sự ngu dốt nào lại đẩy anh đến hành động mù quáng nói ra những lời như là hù doạ, như đào một cái hố trước mặt khiến cô không thể nào bước qua. Đoạn đường im lặng của cả hai người là lời tuyên bố tuyệt vọng của một tình yêu mới nhen chớm nếu như không có một cử chỉ dịu dàng âu yếm và một lời dặn ở chỗ ngã tư đầu phố:
- Tối mai đến đây đón em.
Em yêu từ năm chưa đầy mười tám tuổi. Hồi ấy em mới thi đỗ vào đại học. Trường chúng em sơ tán ở một làng vùng núi trung du. Cả tháng đầu tiên làm hầm hố đắp nền, cắt cỏ tranh, làm nhà xây dựng trường. Công việc của bọn con gái chúng em được khoán hai chục tranh. Tự cắt cỏ phơi khô, tự xin tre chẻ hom, đánh lấy hai chục cái tranh, mỗi cái dài mét rưỡi nộp cho nhà trường. Sáng đi lên núi bòn cỏ tranh, chiều xuống suối nhặt đá cuội và hứng thờn bơn đá. Những con cá mỏng dính, mình tròn có đuôi trông như cái quạt lá đề nhưng chỉ to hơn cái cúc áo. Nó bám vào đá. Bắt nó chỉ việc nhắc hòn đá lên hứng ở dưới, tự nó rơi xuống là tha hồ mang về ”cải thiện“. Chiều nào cũng reo hò rầm rĩ và lo lắng hốt hoảng xô nhau lội té tát đến chỗ ”cá thờn bơn“ và tranh nhau hứng. Có đứa bỏ cả khăn mùi xoa trắng tinh ra hứng cá. Nhưng chiều nào cũng chỉ đủ cá bơn để thả lại con suối trong vắt. Rồi chiều hôm sau hàng chục đứa lại lôi nhau xuống suối bắt cá bơn ”cải thiện“. Nếu không có cái trò ấy và lên đồi hái hoa thì buồn đến phát khóc lên được. Cùng sơ tán với chúng em có cơ sở của một xí nghiệp dược phẩm.
Họ đến đây từ mấy năm trước. Chúng em ở xen kẽ vào những nhà họ chưa ở hoặc họ dồn lại ”nhường“. Em và đứa bạn nữa ở sau nhà một ”chú“ công nhân điện. Gọi thế để ”đẩy“ các ”chú“ ra xa. Nhưng nếu tự xưng ”chú“ để mà khinh thường chúng em là trẻ con thì sẽ bị ”hạ bệ“ ngay. ”Chú“ thợ điện hơn em chín tuổi, bằng tuổi anh nhưng đừng tự ái nhé, trông chú ta trắng trẻo đẹp trai tưởng mới độ hăm hai, hăm ba. Đi đứng, nói năng đàng hoàng, lịch lãm. Không biết ở chỗ làm, ăn mặc thế nào, lúc về bao giờ ”chú“ cũng gọn gàng giản dị mà đẹp. Trời nóng vẫn quần xanh, sơ mi trắng. Trời lạnh mặc chiếc áo len gụ cộc tay, hoạ hoằn mới khoác chiếc áo bông xanh phía ngoài. Hàng chục ngày đi qua sân, hôm nào cũng trông thấy nhau nhưng không ai hỏi ai. Đến hôm guốc của hai đứa đều tung hết quai mà không kiếm ra đinh, bọn nó cứ đẩy em đi xin. Thì đi. Vì biết chắc bên ấy có rất nhiều loại đinh mà. Em vào gần đến cửa cứ chần chừ không biết xưng hô thế nào vì thấy anh ta đã xưng chú với nhiều bạn em ở lớp. Đang ngập ngừng nghe tiếng hỏi rất dịu dàng: ”Cần gì đấy cháu?“ ức vì cái kiểu khinh thường ấy nhưng không thể phản đối: ”Dạ, bên này có đinh không ạ“- ”Đóng guốc hả, chú có đây“. Giá thử một đồng một cái đinh cũng mua để khỏi nghe cái kiểu cách xưng hô của anh ta. Đã thế thì cứ tôn anh ta lên đã sao. ”Dạ, thưa chú, chú có kìm búa không?“ ”Có“- ”Chú có da hoặc cao su cho cháu làm nẹp“- ”Không có. à để chú cắt một tí dây buộc xe đạp có được không?“- ”Cũng được ạ. Cháu cảm ơn chú“. Cả hai bên đều nói năng ngọt xớt, dù đều sẵn sàng phì cười về cái trò ấy. Nhưng phải nói ”chú“ đóng vai khá nhuần nhuyễn. Cần gì thì giúp tận tình nhưng không vồ vập vồn vã. Cũng như đánh đàn ghi ta và hát rất hay nhưng chưa hôm nào nghe thấy ”chú“ đàn hát. Đêm nào cánh công nhân, có người trông còn già hơn ”chú“ cũng đến ”thăm“ bọn em. ”Chú“ thì dửng dưng, nằm nhà đọc sách. Cả mấy tháng trời như thế. Em đến khốn khổ về sự quấy rầy của các kỹ sư, dược sĩ của xí nghiệp, các thầy, các anh ở các lớp trên của trường. Đã đến lúc không chịu được nữa em trốn sang ”chú“ mượn sách đọc. Sách ”chú“ không nhiều nhưng toàn những chuyện ”chất“ của Aimatốp, Puskin. Pautôpski. Cả ”làm gì“, Giên Erơ“, ”Con đường đau khổ“ và ”Anna Kalênina“. Chú cho mượn cả bản đánh máy truyện ”Bức thư của người đàn bà không quen“ của Stêphanxvai nhà văn áo hay Hà Lan gì đấy do bạn ”chú“ vừa dịch ở trường tổng hợp chưa in thành sách. Em mê đọc sách từ bé, từ khi học cấp II, nhất là mấy năm học cấp III. Mẹ em sợ ảnh hưởng đến học tập cấm đọc truyện. Thành ra những quyển sách đã nhầu nát, với em vẫn là mới mẻ. Có truyện đọc em có cớ để không tiếp khách và đỡ khỏi lên đồi hái hoa, xuống suối hứng cá bơn để giải buồn. Em cũng trở nên thân với ”chú“. Bất cứ lúc nào cần đọc sách và nghe đàn, nghe hát, ”chú“ cũng chiều. Hai ”chú cháu“ cứ tự nhiên, thoải mái như họ hàng thật. Chính những ngày ấy anh ta yêu em. Lúc đầu em thấy đột ngột và sợ. Về sau em yêu thật sự. Lúc yêu em mới biết anh ta đã có vợ hai con. Em giật mình và đau khổ khi biết chuyện đó. Song em không thể cưỡng được mình. Em chỉ cần yêu người nào yêu em thực sự, không cần biết có ai. Em bảo anh ta đưa em về nhà để em nói với chị vợ là giữa em với chị là hai người phụ nữ đều không có tội tình gì, đều có quyền yêu người mình yêu. Bây giờ tuỳ anh ấy, anh có quyền lựa chọn tình yêu ở một trong hai chị em mình“. Anh bảo em liều đến thế kia mà. Nhưng anh ta không làm. Anh ta bảo cứ để anh ta liệu, không cần gì phải làm ầm ã lên. Em tin anh ta, em tin những lúc anh ta khóc bên em về nỗi khổ bị bó buộc, khóc cả vì sự sung sướng được đến với em. Anh ta bảo: ”Nếu ở đời này hạnh phúc là có thật, tình yêu là có thật, thì chính em đã đem đến cho anh cái chân lý ấy. Em là người bạn lớn, người thầy lớn của anh“. Nhưng anh ta có làm gì đâu. Nói đúng ra cũng làm một cách thụ động chứ không phải có sự kiên quyết dứt bỏ. Nhận ra điều đó, em đã bắt anh ta phải chấm dứt kể cả trong ý nghĩ về em. Tuy mới là những lời nói, chưa có gì phải ân hận, thú thật với anh khi yêu anh ta, em chưa một lần đi chơi như thế này. Nhưng dù sao, cái niềm tin trong em cũng đã mất. Bây giờ chả còn gì để mà tin ai nữa.
- Chả nhẽ đến lúc này em vẫn không phân biệt được giữa giả dối và lòng thành thật?
Cô im lặng trút một hơi thở dài. Sự xúc động thực sự đến lặng đi lại ở người con trai. Không ngờ có một người con gái thành thật với tình yêu của mình như thế. Mạnh mẽ và sòng phẳng. Chỉ cốt một tình yêu thực, không cần che giấu, không lẩn tránh sự lầm lỡ đã qua. Không sợ bất cứ một cái gì. Hiếm có một người con gái tự nghiêm khắc với mình như thế. Sài ngẩng nhìn vào khuôn mặt hơi cúi của em.
- Chả nhẽ anh cũng là kẻ tiếp tục đánh cắp tình yêu của em!
Cô bé rụt rè nhìn vào nỗi dằn vặt hiện ra cả ở cái miệng đang khép lại, đôi mắt đau đáu nhìn vào đêm sương mờ mịt phủ trên mặt hồ lạnh ngắt. Bằng sự từng trải của mình, cô biết ngay từ khi mới gặp, con người này không hề dối trá điều gì. Đấy là điều cô đang cần, rất khát khao một con người không biết dối trá, không biết màu mè, yêu cô thực sự và lo toan cho cô cũng là sự thật. Anh vẫn nói như kẻ phạm lỗi chính là mình.
- Anh có thể bù đắp những gì em cảm thấy thất vọng trong tình yêu của mình, được không.
Cô bé gật đầu chấp nhận. Anh tiếp:
- Những ngày vừa qua mới chỉ yêu em ở cái vẻ đẹp cả về con người lẫn vẻ dịu dàng, thông minh vốn có ở em. Cho đến lúc này anh càng thấy sự va vấp đã khiến em trở nên sâu sắc rất nhiều. Anh chỉ muốn làm bất cứ việc gì để em hiểu rằng anh đã yêu em cả những gì tốt đẹp, cả những gì còn là khuyết tật nếu có. Sài sợ không nói ra, cô ta không hiểu hết mình, anh vẫn nhận ra mình đang nói vào khoảng trống giữa hai người. Châu đang cúi như suy tính điều gì. Sài im lặng, lúc lâu cô mới bảo.
- Anh nói nữa đi.
- Hình như em không yêu anh.
- Anh thích thế à.
- Anh chỉ còn thiếu nhảy xuống Hồ Tây vào lúc này nếu em muốn.
- Nhảy xuống đi.
Anh có cớ để đứng phắt dậy để cô nhận thấy sự kiên quyết của mình rồi ngồi xuống sát lại hơn.
- Khổ nhiều quá rồi, anh rất sợ sự đùa bỡn.
- Anh cho là em đùa bỡn à?
- Chưa bao giờ anh nghĩ thế. Nhưng anh rất sợ sự im lặng của em.
- Chả nhẽ em thích thú đến chỗ này để đùa bỡn với anh cho vui.
- Có bao giờ em nói được với anh cái điều anh mong đợi ấy đâu.
- Anh chỉ thích nói ra mồm ư?
- Hoàn toàn không nhưng anh lại thích nghe cái tiếng mà anh cho là rất thiêng liêng ấy.
- Thế bao giờ anh hỏi em một cách nghiêm chỉnh chưa.
- Bây giờ nhé.
Cô hơi mỉm cười gật đầu. Rồi cô lại mỉm cười lắc đầu. Vốn có một thói quen ”ăn chắc, mặc bền“ anh không thể tin một cái gì chưa thực sự nắm chắc ở tay mình. Bồng khuôn mặt anh sụp xuống, dù đã cố nén một tiếng thở dài. Anh ngồi, đầu hơi cúi, quay nghiêng mặt ra phía hồ ào ào gió. Đột nhiên một tiếng ”chút“ rất nhanh ở má anh. Quên hết mọi sự, anh nhanh nhẹn quay lại giữ lấy khuôn mặt đang tươi cười sung sướng và áp khuôn mặt lạnh giá của mình, đôi môi khô se của mình trùm lên hàm răng trắng bóng đang cười ấy. Cái phút trở ngại lớn lao đã qua rồi, hai cánh tay anh ghì xiết lấy tấm lưng tròn lẳn của em, cả hồ nước, cả cây cối, cả khách sạn Thắng Lợi bên kia lung linh ánh sáng đều chao đảo, nghiêng ngả, không thể nào buông lơi, không thể nào kìm giữ nỗi khát cháy của cả hai con người tràn đầy sức lực. Cho đến khi các ghế đá, gốc cây xung quanh đã hết bóng người cô gái hỏi trong hơi thở gấp gáp như đã nghẹt lại: ”Có thích không?“. Tất nhiên là người con trai gật đầu và để rồi từ giờ phút này họ không phải nói năng bóng gió, dò xét nông sâu. Một cuộc sống thực sự của hai con người đã bắt đầu phải lo toan, tính đếm kể từ cái đêm nay, cái đêm ở bên Hồ Tây này không thể nào quên.