Uttiya là một thanh niên Bà La Môn ở kinh thành Xá Vệ. Sau khi làm đầy đủ bổn phận của một cư sĩ tại gia như bố thí, cúng dường, Uttiya đến yết kiến Phật và xin được xuất gia. Ðức Ðạo Sư chấp thuận cho chàng được toại nguyện.
Sau ngày xuất gia và thọ Tỳ Kheo giới, Uttiya đâm hoảng. Chàng tự nghĩ: "Không ngờ muốn làm một sa môn phải giữ đến 250 giới ... chỉ nhớ thôi cũng đã mệt rồi ... nói gì đến thọ trì. Thôi chết rồi!"
Và thầy Tỳ Kheo Uttiya đâm ra lúng túng vì thầy không tài nào nhớ mỗi 250 giới cấm. Uttiya đến gặp Phật và xin hoàn tục vì chàng không tài nào xoay sở với ngần ấy giới luật phải giữ. Ðức Ðạo Sư ân cần khuyên hỏi:
- Này Tỳ Kheo! Con xin hoàn tục chỉ vì các điều giới quá nhiều khiến con không nhớ nổi, chứ không phải vì con tiếc nuối dục lạc thế gian, có phải thế không?
- Bạch Thế Tôn! Ðúng như vậy! Con nghĩ rằng khi sống đời cư sĩ, chỉ phải giữ 5 giới cấm, là những điều con có thể thi hành được. Còn hôm nay, hai trăm năm mươi giới của Tỳ Kheo, con không tài nào nhớ hết thì làm sao mà vâng giữ. Chi bằng con xin hoàn tục để khỏi vi phạm đến giới pháp cao sâu vi diệu của Tăng đoàn.
- Này Tỳ Kheo! Nếu Như Lai rút 250 giới lại thật tóm tắt, chỉ còn một vài điều giới thôi thì con có thể tiếp tục đời sống xuất gia hay không?
- Bạch Thế Tôn! Ðược như thế thì còn gì bằng.
- Này Tỳ Kheo! Vậy thì bắt đầu từ hôm nay, con chỉ giữ có mỗi một giới này thôi. Ðó là canh chừng thật chặt chẽ những mống tâm động niệm của con, biết rõ từng ý nghĩ khởi lên là thiện hay ác. Này Tỳ Kheo! Làm sao để biết đó là một ý tưởng thiện hay ác: Ý tưởng ác là những ý tưởng mà nếu đem ra nói hay làm sẽ gây hại cho mình, cho người hoặc cho cả hai. Ðối với những ý tưởng như thế, con phải canh chừng, theo dõi nó từ lúc mới sanh, lan rộng, cho đến khi diệt mất. Này Tỳ Kheo! Thế nào là những ý tưởng thiện? Ðó là những ý tưởng mà khi đem ra thi hành sẽ không làm hại mình, hại người hoặc cả hai ... Ðối với những ý tưởng loại này, con cũng phải theo dõi từ lúc chúng sanh khởi, lan rộng cho đến khi chúng diệt mất. Này Tỳ Kheo! Với một điều giới duy nhất như thế, con có thể giữ được hay không?
Thầy Tỳ Kheo Uttiya cung kính thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con có thể giữ được và con xin Thế Tôn cho phép con ở lại tịnh xá tu học.
Rồi Tỳ Kheo Uttiya, với một điều giới duy nhất như thế, tinh cần tu tập. Không may cho thầy, một cơn bệnh nặng chợt đến khiến thầy phải gián đoạn công phu. Cơn bệnh này tiếp nối cơn bệnh khác không thưa dứt, khiến thầy Uttiya vô cùng sầu khổ. Một hôm trên giường bệnh, thầy chợt nghĩ: "Trong khi ta lâm bệnh khổ thân thể khó chịu vô vàn như thế này, các ý tưởng sinh khởi liên miên không bao giờ dứt. Nếu cái thân xác thịt này mà không được tiếp tế thức ăn, nước uống và không khí thì nó có lẽ đã chết từ lâu. Còn cái vọng tâm của ta, nếu không được tiếp tế bằng những ý niệm thì có lẽ ... nó cũng đã chết từ lâu lắm rồi. Thân ta tuy hiện đang bị bệnh khổ bức bách, nhưng đó không phải là cái cớ để ta buông lung ... huống chi đấng đạo sư đã thương tình tóm tắt 250 điều giới vào trong chỉ một giới mà ta còn lơ đễnh thì thật là đáng trách ..."
Nghĩ như thế, Tỳ Kheo Uttiya tinh cần tu tập. Chẳng bao lâu, thầy đắc A La Hán, ngay khi còn nằm trên giường bệnh. Người ta còn ghi lại được một bài kệ đơn giản của vị La Hán này như sau:
Trong khi ta lâm bệnh
Niệm khởi lên nơi ta.
Trong khi ta lâm bệnh
Không phải thời phóng dật.
Lời bàn:
Em thân mến,
Trường hợp của thầy Tỳ Kheo Uttiya cũng là trường hợp của em và tôi. Dù đã thọ 5 giới, 10 giới, 250 giới hay 348 giới đi nữa, tuy số lượng có sai biệt nhưng tinh thần của giới luật không ngoài hai điểm: "Dứt ác, làm lành". Ðó chính là một giới răn mà đấng Ðạo Sư đã tóm tắt cho thầy Uttiya giữ gìn giới này, nhà thiền gọi là "chăn trâu" đó em.
"Bằng sự cố gắng, hăng hái không buông lung, tự khắc chế lấy mình, kẻ tự tạo cho mình một hòn đảo. Chẳng có ngọn thủy triều nào nhận chìm được."