Xưa có anh chàng nông dân mua được thửa đất mới. Một hôm đang cày đất, anh bắt được một chum vàng. Vốn thật thà, anh ngẫm nghĩ:
- Chum vàng này chắc của người chủ cũ.
Anh liền mang đi trả, người chủ cũ cũng đáp rất vô tư:
- Tôi không có vàng để chôn, nên chum vàng đó không phải là của tôi.
Anh nông dân cãi lại:
- Khi tôi mua thửa đất, không hề nói là có chum vàng, vì vậy nên tôi xin trả lại cho bác.
- Lúc tôi bán đất, tôi cũng không biết là có chum vàng, vậy thì bác cứ lấy.
Hai người cứ nhượng qua, nhượng lại mãi cho đến lúc trời sụp tối, đành phải chia tay. Sau một đêm suy nghĩ cặn kẽ, cả hai hối hả đi tìm nhau. Gặp nhau ở giữa đường, hai người cùng nói:
- Bác dạy thật chí lý! Chum vàng ấy là của tôi.
Hai người tranh cãi, cố chứng minh chum vàng là của mình. Cuối cùng, nội vụ phải đưa lên quan.
Lời bàn Em thân mến,
Hóa ra càng suy đi gẫm lại, chúng ta càng bóp méo sự thật, càng làm cho sự việc rắc rối thêm lên. Có lẽ vì thế mà chư Tổ thường dạy chúng ta nên tiếp ứng với ngoại vật bằng bản tâm bình thường, không bị những tính toán lo toan làm xao động. Mang tâm ấy đã đo đủ khả năng làm lành lánh dữ (giới), sáng suốt (huệ), và không bị giao động vì những tư dục cá nhân (định). Ðó là lúc mà cả hai bác nông dân đều thấy rõ mồn một rằng: "chum vàng ấy không phải là của tôi".