1. Đúng như Napoléon đã tiên đoán, thảm kịch của thế kỷ Hai mươi chính là chính trị.
Chính trị cuốn chặt chúng ta như con rắn không ai thoát khỏi. Và vì ngay cả sự im lặng cũng là một thái độ nên tất cả mọi người đều bị bắt buộc phải bày tỏ thái độ chính trị của mình. Chính trị càng mạnh, văn hoá càng suy yếu và văn minh đi đến chỗ tự huỷ vì những sức mạnh giết người là đặc quyền của những kẻ vô văn hoá và phi văn hoá, vô ý thức và tự mãn nguy hiểm, như những lưỡi dao sắc trong tay những đứa trẻ ngang ngược. Không ai biết việc gì sẽ xảy ra nhưng tất cả đều ý thức được rằng nhân loại đang đứng trên bờ vực thẳm. Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta nhận định được rằng ”
tất cả những gì người ta dạy chúng ta đều sai lầm”. Lịch sử nhân loại hai mươi lăm thế kỉ qua là lịch sử của những sai lầm tiếp nối và hậu quả là cái ngày nay chúng ta đang phải gánh chịu nên hiện tại đang như đêm đen. Một sự yên lặng chết chóc đang bủa quanh chúng ta. Nhưng tiếng vó ngựa của những kỵ sỹ Apocalypse đã thoảng nghe trong gió…
2. “Trong Rimbaud” Henry Miller viết, “tôi nhìn thấy chính tôi như trong một tấm gương soi… ngay cả ngày nay tôi vẫn có cảm tưởng rằng chàng đã nói
tất cả cho thời đại chúng ta”.
Đây không phải chỉ là thiên nghiên cứu văn học khác thường mà còn là một chương tự sự của Miller. Một thiên tài viết về một thiên tài đồng thời phát lộ mối nguy cơ đang đe doạ cuộc sống hiện tại: tiếng nói của thi sĩ bị bóp ngẹt, những giá trị nhân bản tâm linh bị chà đạp, văn hoá nằm trong tay những ông bình vôi và chính trị thuộc quyền bọn côn đồ sát nhân.
Đây là những lời bình luận bi thiết và hốt hoảng về một câu thơ tiên tri của thiên tài tuổi trẻ:
“Voici le temps des ASSASSINS.”
“Đây là thời của những KẺ GIẾT NGƯỜI.”
(Rimbaud, Illuminations.)
3. Sự giết người xảy ra ở khắp nơi. “Máy bay mang lại sự chết, máy truyền thanh mang lại sự chết, súng máy mang lại sự chết, đồ hộp mang lại sự chết, máy kéo mang lại sự chết, tu sĩ mang lại sự chết, trường học mang lại sự chết, pháp luật mang lại sự chết, điện khí mang lại sự chết, hình ảnh mang lại sự chết, dao nĩa mang lại sự chết, sách vở mang lại sự chết, chính hơi thở của chúng ta mang lại sự chết, chính ngôn ngữ của chúng ta, chính tư tưởng của chúng ta, tiền bạc của chúng ta, tình yêu của chúng ta, lòng bác ái của chúng ta, sự vệ sinh của chúng ta, sự hân hoan của chúng ta cũng mang lại sự chết. Bất kể chúng ta là bạn hay thù, bất kì chúng ta gọi chúng ta là Nhật, Thổ, Nga, Pháp, Anh, Đức, hay Mĩ, bất cứ chúng ta đi tới đâu, bất cứ chúng ta soi bóng ở đâu, bất cứ ta thở ở đâu, chúng ta đều gieo rắc thuốc độc và tàn phá ở đó. Hoan hô văn minh! Hoan hô! Chúng tôi sẽ giết tất cả các anh, tất cả mọi người. Hoan hô thần chết! Hoan hô! Hoan hô! (Henrry Miller,
The Colossus of Mareussi, pp 130 - 131).
4. Những điều khủng khiếp nhất không phải là việc giết người đó mà là sự kiện tất cả chúng ta đều bị bắt buộc phải tham dự vào việc giết người, dù muốn hay không.
Chúng ta không chỉ giết người khi chúng ta gây chiến, kêu gọi căm hờn cầm súng bắn xối xả vào những kẻ chúng ta gọi là quân thù, mà chúng ta còn giết người khi chúng ta đòi hỏi hoà bình tức khắc, khi chúng ta rao giảng tình thương, khi chúng ta biểu tình phản chiến, khi chúng ta từ chối không tham dự vào cuộc chiến. Chúng ta không chỉ giết người khi chúng ta đứng ở phía bên này hay ở phía bên kia mà ngay cả khi chúng ta đứng ở giữa hay đứng ở bên lề. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta hoàn toàn sống trong sự chết, vì sự chết đang sống ở trong chúng ta, vì chúng ta ”được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng chết, tín điều chết, hiểu biết chết”, vì” Cuộc sống đích thực vắng mặt” (La vraie vie est absente) như Rimbaud nhận xét.
5. Quả thực cuộc sống đích thực vắng mặt. Chúng ta đang ở ngoài cõi đời vì tất cả những cái chúng ta có hiện nay là gì nếu không như là ”tri thức không minh triết, tiện nghi không an ninh, lòng tin tưởng không đức tin?”. Có chăng, chúng ta chỉ đặt đức tin vào bom đạn, và ”chính bom đạn sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta.” Mặc những kẻ điên rồ đang hoà đàm, nói đến những sự bồi thường chiến tranh, trừng phạt, đường lối liên hiệp, tổng tuyển cử, tự do thương mại, ổn định và phục hồi kinh tế, chính sách hậu chiến, nhưng trong thâm tâm không một người nào tin rằng cục diện thế giới có thể sửa chữa được.” Tất cả mọi người đang chờ đợi cái biến cố trọng đại, biến cố duy nhất làm chúng ta bận tâm ngày đêm: cuộc chiến tranh sắp tới.” (HM, TCNKGN tr. 57) Chúng ta đã xáo trộn tất cả mọi sự. Không ai biết đạt tới sự kiểm soát bằng cách nào và ở đâu. Cặp thắng hãy còn đây, nhưng liệu chúng làm việc không? “chúng ta thẩy đều thầm hiểu rằng cặp thắng sẽ không làm việc.” Nhưng tất cả còn nuôi một ảo tưởng, ảo tưởng cuối cùng. Chúng ta chưa ý thức được tai hoạ sẽ xảy ra khi chúng ta hợp nhất không dám nhìn thẳng vào thực tại cũng như chưa ý thức được khả thể của sự phục sinh. Bởi lẽ đó chưa có thể HY VỌNG ĐÍCH THỰC. Tất cả việc chúng ta đang làm hiện nay là gì nếu không phải là TRIỂN HẠN CÁI KHÔNG- THỂ -TRÁNH- ĐƯỢC?
6. Sứ mệnh của thi ca là thức tỉnh.
Một vài kẻ đã thức tỉnh, điều đó không thể chối cãi được, “Nhưng bây giờ
tất cả đều phải thức tỉnh - và ngay lập tức – hoặc chúng ta diệt vong.” (tr.63) Nhưng con người sẽ không bao giờ diệt vong mà chính là một nền văn hoá, một nền văn minh, một lề lối sống, cảm nghĩ hành động sẽ diệt vong.
Khuyến khích con người thể hiện một lối sống mới chính là sứ mệnh của Rimbaud. Khước từ những phương tiện đạt tới một sự tự do nhỏ bé, hạnh phúc nhỏ bé, để lao thẳng vào sự tàn lụi tự ý là sự vĩ đại của cuộc đời Rimbaud. Rimbaud đã sống cuộc đời mình như một sự cảnh tỉnh con người thời hiện đại, đó chính là ý nghĩa của cuộc nổi loạn của chàng, khi chàng bỏ thi ca đi vào cõi làm ăn buôn bán, ngày đêm bị ám ảnh bởi bạc tiền. Không, cái chúng ta cần là thực phẩm, nơi trú ẩn, áo quần – chứ không phải bạc tiền. Và cái chúng ta vô cùng thiếu không phải là một chủ nghĩa mới, một ý thức hệ mới – đã quá đủ - mà là một viễn tượng mới về thiên đàng và trần gian, một lối sống và cảm nghĩ mới, một hình ảnh mới về con người, một quan niệm mới về tội lỗi. Rimbaud khuyến khích chúng ta thăm dò những chiều sâu của tội lỗi và chấp nhận nó, trở nên con người toàn diện và nguyên vẹn. Cần phải khiến tâm hồn trở nên dị thường. Cần phải biết tất cả mọi hình thức yêu đương, đau khổ, điên cuồng vì điều cần thiết là phải tới cái chưa biết bằng sự hỗn loạn của tất cả mọi giác quan. “ Chúng ta tin vào thuốc độc. chúng ta biết cho đời chúng ta hoàn toàn mỗi ngày.”
[8] “Vĩnh biệt ảo tưởng, lý tưởng, lầm tưởng” (Adieu chimères, idéals, erreurs.) Tôi ban phúc lành cho cuộc đời. Tôi sẽ yêu anh em tôi. Đây không phải là những lời hứa hẹn trẻ con nữa. Cũng chẳng phải hy vọng thoát khỏi tuổi già và cái chết. “Hỡi những kẻ nô lệ, chớ nguyền rủa cuộc đời!” Rimbaud la lên. Hãy chấm dứt than van khóc lóc! Hãy chấm dứt khổ hình ép xác! Hãy chấm dứt sự phục tòng và đầu hàng yếu đuối hãy lật đổ những thần tượng giả và những niềm tin mù quáng vào khoa học! Hãy đả đảo những tên độc tài, mị dân, kích động quần chúng! Hãy giải phóng tinh thần, trái tim và xác thịt và chàng hối thúc chúng ta lên đường, qua những đụn cát, những núi đồi để ”chào đón sự ra đời của cần lao mới, minh triết mới, sự chạy trốn của những bạo chúa và quỷ dữ, sự chấm dứt của mê tín, và tôn sùng – như những kẻ thứ nhất – Đại lễ Giáng sinh trên trần gian!”
7. Khi nào chúng ta mới lên đường?
Henry Miller sâu sắc siết bao khi nhận định rằng chỉ có một vấn đề, vấn đề duy nhất đối đầu với chúng ta ngày nay là chúng ta có thể trì hoãn cái không thể tránh được BAO LÂU NỮA?
Trì hoãn là âm điệu của quỷ sứ, dấu hiệu của vô minh, lý lẽ của bất lực, cội nguồn của tuyệt vọng. Vậy khi nào chúng ta lên đường biến Giáng sinh trên trần gian thành một thực tại, cử hành đám cưới giữa Thiên đàng và Địa ngục? bây giờ hay không bao giờ nữa và chúng ta không thể cũng như không được đòi hỏi một điều kiện nào cả chúng ta phải sửa soạn, bằng cách ”ca hát dưới cực hình”.
“Đói khát, gào thét, nhảy múa, nhảy múa, nhảy múa, nhảy múa!”
8. Henry Miller tiếp nối Rimbaud, tiếp tục gửi tới những lời hối thúc khích lệ chúng ta lăn xả vào cuộc sống. Sống tràn trề, sống mãnh liệt, dù thế nào. Hãy ca hát dưới cực hình! Hãy nhảy múa trước thành La Mã bốc cháy! Hãy trôn vùi những kẻ chết trong bụng! Hãy đối diện mặt trời! Chào mừng cuộc sống! Tôn vinh phép lạ!
Và đừng bao giờ kêu:
- Hosana! (con quỳ lạy Chúa trên trời thương con) Nhưng:
- Shivoham! (Ta là kẻ hưởng Chân phúc!) vì
“hạnh phúc là định mệnh của ta” (Le Bonheur était ma fatalité), niềm ăn năn của ta, con sâu gặm nhấm đời ta.
Hạnh phúc! Hàm răng bền của nó đánh thức ta dậy khi gà gáy sáng, để đón chào một sớm mai hồng, để cảm tạ thượng đế đã cho thêm một ngày nữa để yêu thương và tạo tác, giữa căm hờn và tàn sát xung quanh. Từ bi bác ái chính là chìa khoá mở cửa Thiên đàng. Và bao dung là điều kiện tất yếu. Ôi những mùa, ôi những lâu đài! Có tâm hồn nào không lầm sai?
O saisons, ô châteaux!
Quelle âme est sans défauts?
9. Hạnh phúc là ở sự dâng hiến và hoà bình là một thực tại kết hợp bởi những tâm bình. Mỗi buổi mai, trong thời của những kẻ giết người chúng ta hãy gởi những tư tưởng bình an này tới cho vạn vật:
“Xin nguyện cầu cho vạn vật được hạnh phúc, xin nguyện cầu cho vạn vật được thanh bình, xin nguyện cầu cho vạn vật được hưởng chân phúc.”
Và hãy gửi những tư tưởng cảm thông này của thi sĩ W. H. Auden cho những kẻ giết người hay cộng tác trong việc giết người, tránh cho họ khỏi cô đơn trong tội ác và hình phạt của họ, cũng là tội ác và hình phạt của chúng ta; cộng nghiệp mà mỗi người phải chia sẻ và tìm cách giải thoát:
“Và bây giờ xin nguyện cầu cho những kẻ nắm được đôi chút quyền uy, nguyện cầu cho những kẻ, mà qua tay họ, chúng ta phải chịu sự độc tài tàn bạo chung của quốc gia, nguyện cầu cho những kẻ đã điều tra cặn kẽ rồi còn thẩm vấn lại, nguyện cầu cho những kẻ cấp giấy phép và ra lệnh bắt bớ cấm ngăn, nguyện cầu cho họ không đến nỗi coi chữ viết và con số thực hơn máu xương. Xin Thượng đế ban phước lành cho chúng tôi những công dân trên trần, cho chúng tôi đừng lầm lẫn người với chức vụ của họ. Xin, Thượng đế cho chúng tôi luôn được sáng suốt để nhận định rằng do tính sân hận nóng nảy, hay do tật giải đãi lười biếng, do sự lạm quyền hay do lòng lo sợ tự do, do những chuyện bất công của chúng tôi mà phát sinh ra quốc gia này, quốc gia mà chúng tôi phải gánh chịu để được giải thoát và được ân xá tội lỗi của chúng tôi”
Nguyễn Hữu Hiệu Vạn Hạnh, 20 tháng 8 năm 1971 Chú thích. 8 - Nous avons foi au poison. Nous savons donner notre vie tout entière tous les jours – Illuminations. Nguồn: Henry Miller, The Time of the Assassins - A Study of Rimbaud, New Directions 1955. Bản Việt ngữ của Nguyễn Hữu Hiệu: Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud. Hồng Hà, 1970. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của dịch giả.