Khi Rimbaud khước từ thực tại nội tại cho thực tại ngoại tại, chàng đã đặt mình vào tay những sức mạnh tăm tối cai trị trần gian. Bằng cách từ chối vượt lên thân phận trong đó chàng sinh ra, chàng đã tự khuất mình chấp nhận triều nước ứ đọng. Với chàng chiếc đồng hồ đã thực sự ngừng lại. Từ lúc đó “chàng đã hạ sát thời gian” như chúng ta nói với sự sáng suốt không suy nghĩ. Dù hoạt động thế nào, cái phong vũ biểu cũng chỉ có thể ghi nhận nỗi chán chường. Sự hoạt động của chàng chỉ làm người ta thấy rõ sự lửng lơ của chàng. Chàng là thành phần của cõi hư vô trống trải mà xưa có lần chàng cố gắng bắc cầu qua bằng cái cầu vồng hoàn hảo không thực thể. Cây thang Jacob của những giấc mộng chàng, ngày xưa đông nghịt những lệnh truyền xứ và sứ giả của thế giới khác, bây giờ đã đổ gẫy. Quái tượng ảo ảnh đã thắng thực thể. Quả thực, chúng đã hoàn toàn trở nên quá thực. Bây giờ chúng không còn là hư không do óc tưởng tượng đặt ra mà là những sức mạnh vật chất hoá của thực tại ám ảnh đe doạ. Chàng đã cầu đảo sự trợ giúp của những sức mạnh không chấp nhận bị đày ải xuống vực sâu mờ mịt nơi chúng xuất phát. Tất cả đều là vay mượn, tất cả đều do người khác làm. Chàng không còn là một diễn viên nữa mà là một tác nhân hoặc một chất xúc tác. Trong thế giới tưởng tượng, chàng có tự do vô giới hạn; trong thế giới tạo vật, chàng có sức mạnh trống rỗng, của cải trống rỗng. Bây giờ chàng không ngồi trong hội nghị của Chúa Trời cũng chẳng ngồi trong hội nghị của những Lãnh chúa: chàng ở trong lưới nhện của những Sức mạnh và Lãnh địa. Không có an bình, không ngừng nghỉ, chỉ có công việc đầu tắt mặt tối. Cô độc và nô lệ là số phận chàng. Quân đội có cần súng đạn không? Chàng sẽ cung cấp – lấy lời. Không cần biết cho bất cứ người nào muốn bắn giết. Đối với chàng chém giết và bị chém giết là một. Có chợ bán nô lệ ư? Chàng đã buôn bán cà phê, hương liệu, keo hồ, lông đà điểu, súng ống… tại sao không buôn bán nô lệ nhỉ?
Chàng không bao giờ ra lệnh cho con người giết lẫn nhau, chàng cũng chẳng bắt buộc họ làm nô lệ. Nhưng bởi
hiện trạng là như vậy, chàng sẽ hết sức khai thác. Với một số tiền lời tốt đẹp, trong sạch, có thể một ngày kia chàng sẽ có thể rút lui và cưới một bé mồ côi.
Với chàng không có gì quá nhơ bẩn, quá thối tha đến nỗi không buôn bán được. Quan hệ gì đâu. Thế giới này không còn là thế giới
của chàng nữa. Không, hoàn toàn không phải. Đó là thế giới chàng đã bước ra – chỉ để đi vào bằng cửa hậu. Bây giờ tất cả trông quen thuộc làm sao! Và cả cái mùi
pourriture [1] thối tha đó nữa, tại sao không, nó hoàn toàn có mùi cố hương lưu luyến. Ngay cả cái mùi thịt ngựa cháy đặc biệt kia nữa – hay chính là mùi da chàng? Cũng quen thuộc với lỗ mũi chàng rồi. Do đó, như trong một tấm gương mờ đục, bóng ma nhập tịch nỗi nhờm tởm ghê gớm xưa kia của chàng duyệt qua trước mắt chàng. Chàng chưa bao giờ lăng nhục một linh hồn. Không, chàng không hề làm vậy. Chàng còn cố gắng làm những điều tốt đẹp nhỏ bé khi chàng có cơ hội nữa. Đúng như vậy. Cả đời chàng, chàng chẳng thu lượm được gì ngoài cái chuôi gậy bẩn thỉu… chẳng lẽ bây giờ chàng lại là kẻ không được phép nếu chàng cố gắng nhặt nhạnh một cái gì cho chính chàng hay sao, một chút nước chấm chảy tràn lan nhưng bao giờ cũng ở ngoài tầm tay với? Bởi thế chàng lẩm bẩm một mình như vậy trong lòng Abyssinie hun hút. Chỉ có con hươu cao cổ giống người trò chuyện với chàng giữa đồng cỏ cao Nam châu Phi. Bây giờ chàng rất có thể hỏi:
”Qu’est mon néant, auprès de la stupeur qui vous attend?” Điều khiến chàng cao cả là chàng không có tim. Có gì đáng ngạc nhiên không khi một người
“sans coeur” như chàng tự chỉ mình, có thể sống mười tám năm cuộc đời mình để ăn hết trái tim mình? Baudelaire chỉ phơi trần trái tim ông; Rimbaud móc tim mình ra và chậm rãi ăn tươi nuốt sống.
Và cũng như thế, thế giới dần dần đi tới chỗ giống như thời của tai ương nguyền rủa. Những cánh chim rớt từ bầu trời xuống, chết trước khi tới đất. Dã thú phóng ra biển và nhào xuống. Cỏ xanh úa héo, hạt mầm thối hư. Thiên nhiên chiến thắng đồng hoang, cái nhìn lệch lạc của một gã keo bẩn và bầu trời phản chiếu sự trống rỗng của trái đất. Thi sĩ bị mắc bệnh hoàng đản bởi cưỡi hoài trên lưng con ngựa hoang qua những ao hồ tráng nhựa đường, khói bay mù mịt, cứa đứt cổ họng nó. Hắn hoài công vỗ đôi cánh thô sơ. Hý viện thần kỳ sụp đổ và một cơn gió gầm rít xô ngã cột chống đỡ. Trừ với những mụ phù thuỷ tàn bạo và già nua nhất, đồng hoang vô cùng hoang vắng. Tựa những quái vật có mặt và thân hình đàn bà, cánh và móng như chim, tất cả đều trang bị những móc sắt, chúng nhào vào thi sĩ. Sự đón tiếp của chúng nồng nhiệt hơn sự đón tiếp chùm ánh sáng linh tưởng với vẻ Oai phong Ma quỷ của chàng. Bây giờ không còn thiếu thứ gì để trang bị đầy đủ buổi hoà tấu địa ngục mà ngày xưa chàng đã đòi hỏi.
Est-ce la vie encore? Qui sait? On est à la fin, c’est tout ce qu’on peut dire. On va òu l’on pèse. Oui. On y va, on y arrive. Et le bateau coule à pic… Trong khi toan tính chinh phục con quỷ của mình (thiên thần trá hình), Rimbaud đã sống một cuộc đời mà chỉ kẻ thù truyền kiếp của chàng mới có thể đưa ra như một hình phạt vì toan tính đào ngũ. Cuộc đời đó vừa là hình bóng vừa là thực chất của đời mộng tưởng, bắt nguồn từ sự ngây thơ của chàng. Chính bản chất ngây thơ trong trắng của tâm hồn chàng đã khiến chàng bất khả thích ngghi với xã hội và, đặc biệt, đưa chàng tới một hình thức điên cuồng mới – ước vọng thích nghi hoàn toàn, rập theo khuôn mẫu hoàn toàn. Nó cũng tương tự như chủ trương tuyệt đối nổ tung qua cái vỏ phủ nhận tiêu cực ngày xưa. Tranh chấp nhị nguyên thiên thần – ác quỷ mà chàng thấy không có cách nào giải quyết, đã trở nên cố định. Giải pháp duy nhất là sự hoà tan bằng số lượng. Không thể trở thành chính mình, chàng có thể trở thành vô lượng cá thể. Từ lâu Jacob Boehme đã diễn tả điều đó khi viết: ”Kẻ nào không chết trước khi hắn chết, sẽ diệt vong khi hắn chết.” Đó là định mệnh đương đầu với con người hiện đại: chôn chân trong triều nước lũ, hắn không có thể chết mà chỉ bở ra từng mảng, tan rã, trôi vào hư vô.
Nhưng còn một khía cạnh quá đáng khác của Rimbaud thế tục. Ao ước thủ đắc chân lý
trong hồn và xác của chàng là khát vọng về một cõi thiên đàng hạ giới mà Blake gọi là Beulah. Nó biểu thị trạng thái ân sủng của một con người ý thức viên mãn, bằng cách chấp nhận Địa ngục của mình một cách vô điều kiện, đã khám phá ra một cõi Thiên đàng hắn sáng tạo cho riêng mình. Đó là sự phục sinh
trong xác thịt. Điều đó có nghĩa rằng cuối cùng con người chịu trách nhiệm về thân phận mình. Rimbaud cố gắng định vị lại con người trên trái đất, trái đất này, và một cách toàn triệt. Chàng từ chối không chấp nhận một vĩnh cửu của tinh thần được sáng tạo ra từ những hình hài chết. Tương tự, chàng từ chối không chấp nhận một xã hội lý tưởng hợp thành bởi những thân thể không linh hồn được vặn máy từ những trung tâm chính trị hay kinh tế. Năng lực khủng khiếp này mà chàng biểu lộ qua suốt văn nghiệp của chàng chính là tinh thần sáng tạo điều động qua con người chàng. Dù chàng có từ chối Đức thánh Cha và Đức thánh Con, chàng không từ chối Thánh linh. Chính sự sáng tạo là điều chàng tôn thờ, sự sáng tạo là điều chàng tán dương. Từ lòng nhiệt thành này nẩy sinh ra sự “cần thiết phá hoại” mà đôi khi chàng ám chỉ. Không phải chàng đòi hỏi một sự phá hoại, trả thù vô cớ, mà là một cuộc khai quang mặt đất để cho những hạt mầm tươi tốt có thể vươn lên. Tất cả mục đích của chàng là giải thoát tinh thần tự do ngoài kiềm toả. Lại nữa, trong khi từ chối đặt tên, xác định hay giới hạn đấng Thượng đế chân thực, chàng nỗ lực tạo ra cái có thể gọi là khoảng chân không tuyệt đối, trong đó trí tưởng tượng của Thượng đế có thể bắt rễ. Chàng không có sự thông tục hay thân mật của những tu sĩ, những kẻ quen biết Thượng đế và trò chuyện với Ngài hàng ngày. Rimbaud biết rằng có một sự giao hảo của tinh thần với tinh thần cao viễn hơn. Chàng biết rằng sự giao hảo đó là một cuộc song thoại vô môn diễn ra trong tĩnh lặng, tôn kính và khiêm cung hoàn toàn. Về phương diện này chàng gần sự sùng thượng hơn phạm thượng rất nhiều. Chàng là ánh sáng giác ngộ của những kẻ đòi hỏi rằng sự cứu độ phải có ý nghĩa. “Khúc ca hợp lý của Thiên thần” – chẳng phải là sự tin phục vào nỗ lực trực tiếp sao? Trì hoãn là âm điệu của quỷ sứ, và liều thuốc an thần nghỉ ngơi không cố gắng luôn luôn được cấp cho cùng âm điệu trì hoãn này.
“Chán chường làm sao! Tôi đang làm gì ở đây?” Rimbaud viết trong một trong những lá thư chàng viết từ Abyssinie
. “Tôi đang làm gì ở đây?”. Tiếng kêu tuyệt vọng đó tóm tắt tình cảnh của kẻ bị trói buộc vào trần gian. Nói về những năm lưu đày dài đằng đẵng mà Rimbaud đã tiên báo cho mình trong
Mùa địa ngục, Edgell Rickword nhận xét: ”Cái mà ông tìm kiếm khi ông đập vỡ cái vỏ nhân loại của mình là phương tiện ông dùng để chống đỡ mình trong sinh phận cuả lòng trong trắng trinh nguyên siêu việt, của sự cảm giác ngộ thần thánh trong đó ông vươn lên. ”Nhưng người ta không đập vỡ cái vỏ nhân loại này, ngay cả trong cơn điên cuồng. Rimbaud giống một hoả diệm sơn hơn, sau khi phun ra hết lửa, trở nên tắt nguội. Nếu chàng có vươn lên là để cắt lìa mình trên đỉnh cao của tuổi thanh niên. Thăng bằng trên chóp đỉnh, chàng tồn tại ở đó như một thứ
jeune Roi Soleil.
Sự khước từ trưởng thành này, như chúng ta thấy, có tính chất cao cả bi tráng. Trưởng thành thành cái gì? Chúng ta có thể tưởng tượng chàng tự hỏi mình như vậy. Thành một sự thánh nhân, đồng nghĩa với nô lệ và thiến hoạn mất đàn ông tính? Chàng đã trổ bông một cách vô cùng kì diệu, nhưng – nở hoa? Nở hoa có nghĩa là tàn tạ trong hư thối rữa nát. Chàng lựa chọn chết trong nụ hoa, chết trong đọt mầm. Đó là hành động tối thượng của chiến thắng của tuổi trẻ. Chàng có thể cho phép mộng ước của mình bị tàn sát, nhưng không thể bị ô uế nhớp nhơ. Chàng đã thoáng nhìn thấy cuộc đời trong vẻ rực rỡ và tròn đầy của nó; chàng không thể phản bội viễn tượng này bằng cách trở nên một công dân thuần hoá của thế giới.
“Cette àne égarée parmi nous tous” [2] - đã hơn một lần chàng mô tả chàng như thế.
Cô đơn và trơ trọi, chàng đã mang tuổi trẻ của chàng tới những giới hạn cùng cực. Không những chàng đã sử dụng lãnh vực này như nó chưa từng bị sử dụng như thế bao giờ mà chàng còn tận dụng nó nữa – ít ra, đó là tất cả những gì chúng ta biết. Đôi cánh mà chàng đã liệng bay hư nát cùng chàng trong mộ phần bao kín của con nhộng mà chàng từ chối thoát ra. Chàng đã chết giữa lòng sự sáng tạo cuả chính chàng, nguyên vẹn nhưng tù túng trong địa phủ u minh. Đặc tính thiếu tự nhiên này là phần đóng góp đặc biệt của chàng vào hành vi khước từ của thần thoại Bắc Âu. Nó có một hương vị ma quái, như “phần số mạng” luôn luôn có, khi bị thoán đoạt bởi quỷ dữ. Yếu tố ngưng đọng đình chỉ (tự kỷ trung tâm), là một khía cạnh khác, đem vào một nỗi sợ hãi lớn lao hơn tất cả mọi sự sợ hãi, sự mất đồng tính. Mối hăm doạ này, luôn luôn bám riết chàng, buộc linh hồn chàng vào niềm quên lãng mà xưa kia nó tuyệt vọng không bao giờ đạt tới. Thế giới mộng tưởng bao bọc chàng, bóp nghẹt chàng, làm chàng chết ngộp: chàng trở thành một cái xác ướp xông hương bằng chính những kỹ thuật xảo diệu của mình.
Tôi thích nghĩ về Rimbaud như một Kha Luân Bố của tuổi trẻ, như một kẻ mở rộng những biên cương của một lãnh vực mới chỉ được khám phá từng phần. Tuổi trẻ chấm dứt nơi tuổi thành nhân bắt đầu, người ta thường nói vậy. Một câu nói vô nghĩa; bởi từ bước khởi đầu của lịch sử, người ta chưa bao giờ hưởng trọn giới hạn của tuổi trẻ cũng chẳng hề biết những khả thể vô biên của tuổi trưởng thành. Làm sao người ta có thể biết được vẻ rực rỡ và tròn đầy của tuổi trẻ khi tất cả năng lực của mình tiêu huỷ trong trận chiến đấu chống lại những sai lầm và giả trá của cha mẹ và tổ tiên? Phải chăng tuổi trẻ là để hao phí sức mạnh để mở vòng cùm kẹp của móng vuốt tử thần? Phải chăng tuổi trẻ chỉ có một sứ mạng duy nhất trên trái đất này là phản kháng, phá hoại, tàn sát? Phải chăng tuổi trẻ chỉ là để làm lễ vật hy sinh? Đâu là những
giấc mộng của tuổi trẻ? Phải chăng những giấc mộng đó bao giờ cũng bị coi như những sự điên rồ? Phải chăng những giấc mộng đó chỉ chứa đầy ảo tưởng? Những giấc mộng là những chồi non và nụ hoa của tưởng tượng: chúng cũng có quyền sống một đời thanh khiết chứ? Bóp nghẹt hay bóp méo những giấc mộng của tuổi trẻ là các người tàn phá kẻ sáng tạo. Nơi nào không có tuổi trẻ đích thực, nơi đó không thể có tuổi thành nhân đích thực. Nếu xã hội đi đến chỗ giống như một tập hợp của những méo mó, thì đó không phải là công trình của những nhà giáo dục và những bậc thầy khả kính của chúng ta đó sao? Ngày nay, cũng như ngày xưa, thanh niên nào muốn sống cuộc đời mình đều không có nơi chốn xoay trở, không nơi chốn để sống tuổi trẻ của mình, trừ phi, rút lui vào tổ kén, hắn khép kín tất cả mọi kẽ hở và tự chôn sống mình. Sự mang thai của bà mẹ trái đất của chúng ta, vẫn được quan niệm là “một trái trứng trong đó chứa đựng tất cả những cái tốt lành”, đã chịu một sự biến đổi sâu xa. Trái trứng vũ trụ chứa đựng một cái lòng đỏ ung. Đó là quan niệm hiện thời của bà mẹ trần gian. Những nhà phân tâm học đi lần theo con đường nọc độc tới tận đáy lòng, nhưng để làm gì mới được chứ? Trong ánh sáng của khám phá sâu xa này, theo chỗ tôi biết, chúng ta được phép đi từ trái trứng ung này tới trái trứng thối kia. Nếu chúng ta tin điều đó, nó có thực, nhưng dù chúng ta tin nó hay không, nó vẫn là địa ngục đích thực, chất chứa tội lỗi thương đau. Người ta nói về Rimbaud rằng “chàng khinh bỉ những sự thoả mãn lớn lao nhất của thế giới chúng ta”. Chúng ta không kính phục chàng vì điều đó sao. Tại sao thổi phồng địa vị của sự chết và sự suy đồi? Tại sao tạo ra những ác quỷ của phủ nhận và hư ảo mới làm gì? Hãy để xã hội chôn vùi những thây ma thối rữa của chính nó! Chúng ta hãy có một Thiên đàng mới và một trần gian mới! – đó là ý nghĩa của cuộc nổi loạn ương ngạnh của Rimbaud.
Giống như Kha Luân Bố, Rimbaud hăng hái lên đường tìm kiếm một con đường mói dẫn về Hứa địa. Hứa địa của tuổi trẻ! Trong tuổi trẻ khốn khổ của chàng, chàng được nuôi dưỡng bằng Kinh thánh và tác phẩm Robinson phiêu lưu ký, loại sách dành cho trẻ em đọc. Một trong những cuốn sách này, một cuốn sách mà chàng đặc biệt ưa chuộng, mang tựa đề
L’Habitation du Désert. Thật là một sự trùng hợp lạ lùng! Ngay cả khi còn là một cậu bé con, chàng đã cư trú trong miền hoang dã đó, thực chất của cuộc đời chàng. Liệu lúc đó, ngay ở thời xa xôi đó, chàng có thấy mình đứng riêng biệt và lẻ loi, bị mắc cạn trên một tảng đá ngầm, đánh mất dần tính chất văn minh của mình không nhỉ?
Nếu có người nào nhìn với cả mắt phải lẫn mắt trái thì người đó ắt hẳn phải là Rimbaud. Dĩ nhiên tôi nói tới con mắt của linh hồn. Với con mắt này, chàng có khả năng nhìn vào vĩnh cửu; với con mắt kia, chàng có khả năng nhìn vào “thời gian và tạo vât”, như nó được viết trong
The Little Book of the Perfect Life. “Nhưng hai con mắt này không thể làm việc cùng một lúc”, người ta nói vậy. “Nếu linh hồn nhìn vào vĩnh cửu bằng con mắt phải, thì con mắt trái lúc đó phải nhắm lại và đình chỉ công việc, và làm như thể nó chết rồi vậy.”
Rimbaud có nhắm con mắt lầm lạc hay không? Chúng ta phải biện minh cho tính hay quên của chàng như thế nào nữa? Cái ngã khác mà chàng mang trên mình như một bộ giáp trụ để tranh đấu với thế giới nó có khiến chàng không thể bị thương được không? Dù có mặc áo giáp trụ như một con cua, chàng vẫn không thích hợp với Địa ngục cũng như không thích hợp với Thiên đàng trước kia. Chàng không thể cắm neo trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ lãnh vực nào; chàng có thể kiếm được chỗ đặt ngón chân mà không bao giờ có thể chiếm được một chỗ đặt cả bàn chân. Như thể bị rượt đuổi bởi những Nữ thần tóc rắn cuồng nộ, chàng đã bị xô đẩy liên miên một cách tàn nhẫn từ cực đoan này sang cực đoan kia.
Về một vài phương diện, có thể chàng là một kẻ phi Pháp quốc. Nhưng không trong cái gì chàng lại có tính chất phi Pháp hơn trong tuổi trẻ của chàng. Trong chàng con người
gauche [3] , đặc điểm cuả tuổi trẻ mà người Pháp ghê tởm, đã phối hợp tới một mức độ phi thường. Chàng có cái vẻ lúng túng không thích hợp mà chỉ một tên man rợ Viking đứng giữa triều vua Louis XIV mới có thể sánh được. “Sáng tạo một bản chất mới và một nghệ thuật mới thích hợp” là hai tham vọng của chàng như chàng từng nói. Đối với nước Pháp thời đại chàng, những ý tưởng như thế có giá trị và có thể biện hộ như sự thờ phụng một ngẫu tượng Polynésie. Trong những lá thư viết từ Phi châu, Rimbaud đã giải thích chàng không thể sống lại cuộc sống của một người châu Âu như thế nào; chàng thú nhận rằng ngay cả ngôn ngữ châu Âu cũng xa lạ đối với chàng. Trong tư tưởng và trong cuộc đời, chàng gần gũi Đông Đảo
[4] hơn Paris, London hay Roma. Bản chất man rợ chàng biểu lộ từ lúc còn thơ phát triển dần dần theo năm tháng; nó tự phát hiện trong những thoả hiệp và nhượng bộ của chàng nhiều hơn trong sự nổi loạn của chàng. Chàng mãi mãi là kẻ đứng bên lề, đơn thân độc mã, khinh bỉ tất cả những con đường và những phương pháp chàng bị bắt buộc phải chấp nhận. Chàng tỏ ra muốn chà đạp hơn là muốn chinh phục thế giới.
Trong khi những con bò u nằm mộng, chàng cũng mơ mộng theo, chắc chắn như vậy. Có điều chúng ta không biết chàng mơ mộng gì. Chúng ta chỉ nghe nói về những hy vọng và khẩn nguyện của chàng: chúng ta biết sự khinh bỉ và chua chát của chàng mà không biết gì về sự dịu dàng khao khát của chàng. Chúng ta thấy chàng bận bịu với muôn ngàn chuyện vặt vãnh thực tế và phỏng chừng rằng chàng đã giết chết con người mộng mơ. Vâng, rất có thể chàng đã giết chết những giấc mơ của chàng – bởi những giấc mơ ấy quá vĩ đại. Cũng có thể rằng chàng giả vờ lành mạnh với sự xảo quyệt của một tên điên quá đỗi điên – hơn là tắt nghỉ tại những chân trời rực rỡ mà chàng đã thoát mở tung. Thực sự chúng ta biết gì về cuộc sống bên trong của chàng vào những năm cuối cùng này. Hầu như không biết gì cả. Chàng đã khép kín. Khi chàng thức tỉnh thì chỉ là để thốt ra những lời cằn nhằn, thở than, nguyền rủa.
Chàng mang cuộc thối lui của tuổi già nua đối lập với cuộc viễn chinh của tuổi thanh xuân. Không có ở khu vực ở giữa – trừ sự trưởng thành giả của con người văn minh. Khu vực ở giữa cũng là khu vực của giới hạn – những giới hạn hèn nhát. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chàng nhìn những bậc thánh như những con người dũng mãnh, những vị ẩn tu như những nghệ sĩ. Họ có sức mạnh sống cách biệt thế gian, thách đố tất cả trừ Thượng đế. Họ không phải là loài sâu bọ chỉ biết cúi đầu và quỳ mọp, gật đầu trước mọi dối trá vì sợ mất sự yên ổn và an ninh của mình. Họ cũng không sợ sống một cuộc đời hoàn toàn mới mẻ! Tuy nhiên sống cách biệt thế giới không phải là ước nguyện của Rimbaud. Chàng yêu thế giới như ít người đã từng yêu. Bất cứ nơi nào chàng đi, óc tưởng tượng cũng đi trước chàng, mở tung ra những viễn ảnh huy hoàng, dĩ nhiên những viễn ảnh này bao giờ cũng trở thành ảo ảnh. Chàng chỉ quan tâm tới những vị tri (chưa biết). Đối với chàng trái đất không phải là một chỗ chết chóc dành cho những tâm hồn ăn năn, phiền não đã ngừng thở mà là tinh cầu sống động, rộn ràng, huyền bí nơi con người có thể ngự trị những vị hoàng đế, nếu họ nhận thức được điều đó. Kytô giáo đã biến nó thành một vật thảm não. Và diễn trình tiến bộ là một diễn trình chết. Vậy thì hãy quay trở lại! Hãy bắt đầu trở lại, nơi Đông phương, trong sự huy hoàng của nó, đã đứng dừng. Hãy dối diện mặt trời, chào mừng sự sống, tôn vinh phép lạ! Chàng thấy rằng khoa học đã trở thành một sự lừa phỉnh lớn lao như tôn giáo, rằng chủ nghĩa quốc gia là một sự lường gạt, giáo dục là một hình thức của phong hủi và luân lý là để dành cho lũ mọi ăn thịt người. Chàng đâm thẳng vài mắt con bò rừng bằng bất cứ ngọn giáo nhọn nào trong tay. Không một người nào có viễn quan sắc bén hơn, mục đích đích thực hơn chàng thanh niên tóc vàng óng mười bảy tuổi có đôi mắt xanh xanh ngắt.
A bas les vieillards! Tout est pour ri ici. Chàng bắn thẳng hai bên tả hữu. Nhưng chẳng bao lâu sau khi chàng hạ chúng xuống, chúng lại ngó thẳng vào mặt chàng. Chẳng ích lợi gì khi bắn những con bồ câu bằng đất sét, chàng thầm nghĩ. Không, phận sự phá huỷ cần những thứ võ khí giết người hơn. Nhưng chàng biết lấy chúng ở đâu bây giờ? Ở kho vũ khí nào?
Chính ở tại chỗ Ác quỷ đã phải bước vào. Người ta có thể tưởng tượng ra được những lời chàng chọn: “Tiếp tục đi trên con đường này và các ngươi sẽ tới một nhà thương điên. Các ngươi có nghĩ rằng các ngươi có thể giết người chết chăng? Hãy để đấy cho ta, xác chết là phần thịt của ta. Vả lại, các ngươi cũng chưa bắt đầu sống. Với tài năng của các ngươi, thế giới là của các ngươi theo sự đòi hỏi. Điều khiến các ngươi cao cả là các ngươi không có tim. Tại sao kéo lê mãi cuộc đời giữa những cái thối tha, những thây ma lang thang đó?” Với câu hỏi đó chắc chắn Rimbaud phải trả lời:
”D’accord!” [5] Chàng không thừa phí một lời nào, thật kiêu ngạo, con người vốn dĩ lý trí của chàng. Nhưng khác với Faust, kẻ xúi dục chàng, chàng quên không hỏi giá. Hoặc có lẽ vì quá bất nhẫn, chàng không thể chờ đợi để nghe thời hạn của cuộc mặc cả. Cũng có thể chàng quá ngây thơ không nghĩ rằng đã có một sự mặc cả cò kè. Bởi vì bao giờ chàng cũng ngây thơ, ngay cả như một kẻ thua mất. Chính tấm lòng trong trắng ngây thơ của chàng đưa chàng tới chỗ tin rằng có một hứa địa nơi tuổi trẻ ngự trị. Chàng tin tưởng điều đó ngay cả khi tác chàng xám bạc. Ngay cả khi chàng rời trang trại ở Roche lần cuối cùng, không phải với ý tưởng chế trên một cái giường nhà thương ở Marseilles mà là lại giong buồm đến những miền đất lạ. Bao giờ khuôn mặt chàng cũng hướng về phía mặt trời.
Soleil et chair. Et à l’aube c’est le coq d’or qui chante. Xa xa, giống như một ảo ảnh vĩnh viễn lùi lại,
les villes splendides. Và trên bầu trời những con người của trần gian bước đi, bước đi. Tất cả mọi nơi đều là hý viện, hý viện của chàng và của những người khác: sự sáng tạo nhường sự sáng tạo, khải hoàn ca nối tiếp khải hoàn ca, vô biên nuốt trọn vô biên.
Ce n’est pas le rêve d’un hachischia, c’est le rêve d’un voyant. [6] Chàng là kẻ bị lường gạt khủng khiếp nhất mà tôi biết. Chàng đòi hỏi nhiều hơn bất cứ người nào dám cả gan và chàng nhận được vô cùng ít ỏi không xứng đáng với chàng chút nào. Bị ăn mòn bởi chính sự cay đắng và thất vọng của mình, những giấc mơ của chàng trở thành sét rỉ. Nhưng đối với chúng ta, những giấc mơ ấy mãi mãi còn trinh trắng và không lu mờ như ngày chúng ra đời. Không có một ung nhọt nào bám vào sự suy đồi thối nát chàng đã trải qua. Tất cả đều trắng xoá, lóng lánh, rung động và đầy hoạt năng, tất cả đều được thanh tẩy bởi lửa. Hơn bất cứ thi sĩ nào, chàng cư trú tại chỗ có nhược điểm gọi là trái tim. Trong tất cả những cái đổ vỡ - một tư tưởng, một hành động, một sự nghiệp, một cuộc đời – chúng ta vẫn tìm thấy chàng Hoàng tử kiêu hùng xứ Ardennes. Cầu cho linh hồn chàng yên nghỉ!
Coda Rimbaud ra đời vào giữa thế kỷ thứ Mười chín, ngày 20 tháng 10 năm 1854 hồi 6 giờ sáng, người ta bảo vậy. Một thế kỷ của biến động, của vật chất chủ nghĩa, và của “tiến bộ”, như chúng ta thường nói. Thời luyện tội trong tất cả mọi ý nghĩa của danh từ, và những văn gia nẩy nở vào thời kì này phản ảnh điều đó một cách gở lạ. Chiến tranh và cách mạng đầy rẫy. Người ta nói rằng riêng một mình nước Nga thôi đã gây ra ba mươi cuộc chiến tranh (phần lớn là chinh phục) trong suốt thế kỷ Mười tám và Mười chín. Chẳng bao lâu sau khi Rimbaud ra đời, cha chàng đi tham dự cuộc chiến tranh Crimée. Giống như Tolstoi. Cuộc cách mạng 1848, thời gian tuy ngắn ngủi nhưng gây ra đầy hậu quả, được nối tiếp bởi Công xã đẫm máu mà cậu bé Rimbaud được coi là có tham dự vào. Năm 1848 ở Mỹ châu chúng ta đang đánh nhau với người Mễ Tây Cơ, những người bây giờ đang là bạn thân nhất của chúng ta, dầu người Mễ Tây Cơ không tin chắc điều ấy lắm. Trong cuộc chiến tranh đó, Thoreau đã viết một bài diễn văn lừng danh về sự Bất phục tùng dân sự mà một ngày kia sẽ được thêm vào Bản Tuyên ngôn giải phóng – như một điều khoản bổ túc. Mười hai năm sau cuộc nội chiến
[7] bùng nổ, có lẽ đó là cuộc chiến đẫm máu nhất – nhưng hãy nhìn xem chúng ta được gì. Từ năm 1847, Amiel viết
Journal Intime. Bộ sách phân tích cặn kẽ về tâm trạng phân vân tiến thoái lưỡng nan trong đó những tinh thần sáng tạo của thời đại tìm thấy mình. Ngay những nhan đề của những tác phẩm được viết bởi những văn gia có ảnh hưởng của thế kỷ thứ 19 cũng đã mang tính chất phát hiện rồi. Tôi chỉ nêu ra một vài cuốn…
Bệnh đau tới chết (Kierkegaard),
Mộng tưởng và cuộc đời (Gérard de Nerval),
Ác hoa (Baudelaire).
Những khúc ca của Maeldoror (Lautréamont
), Sự ra đời của những bi kịch (Nietzsche),
Con vật người (Zola),
Đói (Hamsun),
Những cành hoa nguyệt quế bị cắt lìa (Dujardin),
Cuộc chinh phục bánh mì (Kropotkin).
Nhìn lại đằng sau (Edward Bellamy),
Alice trong xứ thần tiên (Lewis Carroll),
Con rắn trong thiên đàng (Sacher-Masoch),
Những thiên đường giả tạo (Baudelaire),
Những tâm hồn chết (Gogol),
Địa ngục trần gian (Dostoievsky),
Con vịt trời (Ibsen),
Địa ngục (Strinberg),
Cõi âm ty (Gissing),
Trái ngược (Huysmans)…
Tác phẩm
Faust của Goethe chưa cổ điển lắm khi Rimbaud hỏi xin một người bạn một cuốn. Xin nhớ lại ngày chàng ra đời là ngày 20 tháng Mười năm 1854. (6 giờ sáng, giờ ma quỷ theo tây lịch). Năm sau 1855,
Lá cỏ ấn hành lần thứ nhất, tiếp theo đó tác phẩm bị tất cả lên án. Năm 1860 tác phẩm viết về
Les stupefiants của Baudelaire xuất hiện, cũng tiếp theo bởi sự lên án và cấm lưu hành. Trong khi đó
Moby Dick (1851) và
Walden của Thoreau (1854) đã được xuất bản. Năm 1855 Gérard de Nerval tự tử, sau khi đã kéo dài đời sống một cách phi thường ở tuổi 47. Năm 1854 Kiekegaargd đã hoàn tất lời cuối cùng của ông với lịch sử, trong đó ông cho chúng ta biểu tượng về “Kẻ bị hy sinh”. Đúng bốn hay năm năm trước khi Rimbaud viết xong
Một mùa địa ngục (1873), Lautréamont đã tự ấn hành những bài thơ phạm thượng nổi tiếng của ông, “một tác phẩm của tuổi trẻ” khác, như chúng ta nói, để tránh coi những lời di chúc đau lòng này một cách nghiêm trang. (Biết bao tác giả thế kỷ Mười chín đã tự ấn hành tác phẩm đầu tay của mình một cách bí mật!). Vào năm 1888 Nietzsche viết cho Brandes rằng bây giờ ông có thể tự hào về ba độc giả của mình: Brandes, Taine và Strinberg. Năm sau ông điên và ở mãi trạng thái đó cho đến khi từ trần vào năm 1900. Thật là một người may mắn! Từ năm 1893 đến năm 1897 Strinberg đã trải qua một
crise (khủng hoảng) như người Pháp gọi, mà ông mô tả với những hiệu quả chính trong tác phẩm
Inferno (
Địa Ngục). Làm nhớ lại Rimbaud là tựa đề một tác phẩm khác của ông:
Chìa khoá tới thiên đàng. Năm 1888 một cuốn sách nhỏ kỳ lạ của Dujardin ra đời, bị bỏ quên cho tới ngày gần đây. Cũng cùng năm đó, tài liệu ảo tưởng của Bellamy được ấn hành. Vào thời kỳ này Mark Twain đang ở chóp đỉnh tài năng và danh vọng,
Huckleberry Finn đã xuất hiện năm 1884, cùng năm với tác phẩm
Miễn cưỡng của Huysmans. Vào mùa thu năm 1891, năm Rimbaud chết Knut Hamsun đang hướng dẫn những cuộc bàn luận trong đó “quyền tối tăm và bí hiểm trong văn chương” được tranh thủ. Cũng trong năm đó, tác phẩm
New Grub Street của Gissing được tung ra. Đó là một năm kỳ thú trong văn chương thế kỷ Mười chín, năm Rimbaud chết, nó chấm dứt một thập niên trong đó những nhà văn quan trọng của thế kỷ Hai mươi ra đời. Đây là nhan đề một vài cuốn sách xuất hiện năm 1891; những cuốn sách lạ lùng nội dung vô cùng khác biệt nhau…
Gosta Berling, The Light That Failed, The Little Mi-Nister, The Picture Of Dorian Grey, Les Cahiers D’an-dre’ Walter, Le Livre De La Pitie’ Et De la Mort Adventures of Sherlock holmes, là. Bas, the Fruits of Civilization, the end of sodom, Tess of d’Urbervilles, Sixtine (Roman de la vie ce’re’brale)… Một thế kỷ của biết bao tên tuối! Tôi xin kể thêm một số ít người mà tôi chưa kể… Selley, Blake, Stendhal, Hegel, Fechner, Emerson, Poe, Schopenhauer, Max Stirner, Mallarme’, Tchekov, Andreyev, Verlaine, Couperus, Maeterlinck, Madame Blavatsky, Samuel Butler, Claudel, Unamuno, Conrad, Bakunin, Shaw, Rilke, Stefan George, Mary Baker Eddi, Verhaeren, Gautier, Leon Bloy, Balzac, Yeats…
Biết bao phản kháng, biết bao tỉnh mộng, biết bao khao khát! Không có gì ngoài khủng hoảng, ảo ảnh và viễn ảnh. Nền tảng của chính trị, luân lý, kinh tế và nghệ thuật rung chuyển. Không khí đầy những dấu báo nguy và tiên tri về sự băng hoại sắp tới – và nó tới trong thế kỷ thứ hai mươi! Đã có hai cuộc thế chiến xảy ra và còn hẹn nhiều nữa trước khi thế kỷ chấm dứt. Chúng ta đã đụng chạm tới đáy chưa? Chưa. Sự khủng hoảng tinh thần của thế kỷ Mười chín chỉ mở đường cho sự phá sản của thế kỷ Hai mươi. Đó là “Thời của nhũng kẻ giết người”, Không còn lầm lẫn được. Chính trị đã trở thành công việc của bọn côn đồ sát nhân. Loài người đang diễn hành trên bầu trời nhưng không kêu lạy Chúa trên trời; nhũng kẻ ở dưới diễn hành về phía những người xếp hàng chờ phát chẩn.
O’est-L’aube exalte’e ainsi qu’un peuple de co’ombe…