Tôi chậm rãi leo thang gác lên phòng tôi ở phố Catina, tới tầng một phải ngừng một lát để nghỉ lấy sức. Những bà già gần như thường lệ ngồi ở bậc thang, trước buồng tiểu, nói chuyện phiếm với nhau, nét mặt nhăn nheo như những đường số phận mà ta đọc trên bàn tay họ. Ho im tiếng khi tôi đi qua và tôi tự hỏi, nếu biết tiếng Việt thì tôi đã nghe được điều xảy ra khi tôi nằm tại bệnh viện của quân đội lê dương, trên đường đi Tây Ninh. Dọc đường tôi đã đánh rơi mất chìa khóa, nhưng tôi đã viết thư cho Phượng, thư chắc cô nhận được, nếu cô vẫn còn ở đây. Chữ "nếu" đó như tóm gọn tất cả những nỗi băn khoăn của tôi. Nằm viện, tôi không nhận được thư nào của cô, nhưng tôi hiểu là cô viết tiếng Pháp rất chật vật, còn tôi lại không biết tiếng Việt. Tôi gõ cửa, cửa mở ra luôn, tôi luôn thấy như không có điều gì khác trước. Tôi theo dõi cô rất kỹ khi cô hỏi han sức khỏe tôi, để tay vào chân tôi đang còn phải mang nẹp và chìa vai cho tôi tựa, y như người ta có thể tìm thấy chỗ dựa chắc chắn tại một cây non vậy.
- Tôi thật vui lòng khi trở về nhà chúng ta.
Cô ta nói là nhớ tôi nhiều và tất nhiên là điều tôi mong được nghe, giống như một người phu xe khi họ trả lời, cô ta bao giờ cũng nói ra những điều mình mong được nghe nhất, trừ phi bất ngờ và tôi đang chờ đợi cái điều bất ngờ đó.
- Cô giải trí như thế nào?
- Ồ, tôi lại bà chị chơi luôn. Bà ta đã tìm được việc làm ở Mỹ.
- A, thế ư? Pyle tìm hộ?
- Không phải Pyle mà Jo.
- Jo là ai nhỉ?
- Anh quên đấy thôi. Tuỳ viên thương mại.
- A, phải, đúng rồi.
Đấy là một con người mà người ta không sao nhớ nổi. Ngay tới bây giờ, tôi cũng không sao miêu tả nổi hắn, tôi chỉ nhớ lại cái bụng phệ, cặp má nhẵn thín lại xoa phấn, và tiếng cười hơ hớ, còn cá tính của hắn ra sao, tôi không nhớ nổi. Tôi chỉ biết hắn mang tên Jo. Có những người bao giờ cũng mang tên gọi tắt.
Phượng đỡ cho tôi nằm xuống giường.
- Cô có đi xem chiếu bóng không? - Tôi hỏi.
- Có một phim hay lắm chiếu ở rạp Catina.
Và cô ta lập tức kể lại nội dung chuyện phim một cách tỷ mỷ, trong khi tôi đưa mắt tìm cái phong bì trắng phải đựng một bức điện. Chừng nào tôi chưa hỏi thì tôi có thể tin rằng Phượng đã quên không nói lại với tôi, và chiếc bì thư có thể ở trên bàn, gần cái máy chữ hay trên chiếc tủ, hay là cẩn thận hơn, trong ngăn kéo nơi cô cất cái khăn choàng.
- … Viên thu ngân của sở dây thép (tôi cho đó là thu ngân, nhưng có thể đó là viên thị trưởng) theo dõi họ về tận nhà, mượn ông chủ hiệu bánh mì chiếc thang leo lên tận cửa sổ của Corin, nhưng cô ta lại chạy sang buồng bên với Phrăngxoa, hiểu không, cho nên anh ta không nghe thấy bà Bompie tới. Bà ta vào nhà, thấy anh ta trên thang, lại tưởng rằng…
- Bà Bompie là ai? - Tôi hỏi và quay lại nhìn bàn trang sức của Phượng, nơi cô tay hay để tờ giấy đánh dấu những việc cần làm giữa các chai lọ.
- Tôi đã nói rồi đấy. Là mẹ của Corin và đang kiếm một ông chồng vì bà ta góa bụa…
Phượng ngồi lên giường, luồn tay vào trong áo sơ mi của tôi.
- Phim vui lắm! - Cô nói.
- Hôn tôi đi, Phượng.
Cô ta không biết làm duyên. Bảo gì thì cô làm theo lời ngay, rồi lại kể tiếp chuyện phim. Cô ta như thế đấy, nếu bảo ngủ với tôi, thì cô liền tụt quần dài ra, sau đó chắc chắc lại kể tiếp câu chuyện phim ở chỗ bà Bompie bắt gặp ông thu ngân đang leo thang.
- Tôi có điện tín không?
- Có.
- Sao không đưa?
- Sao anh lại làm việc luôn như vậy? Anh phải nằm và nghỉ ngơi.
- Nhỡ không phải điện về công việc thì sao?
- Phượng đưa cho tôi phong bì và tôi thấy nó đã bị mở. Điện viết: "Yêu cầu gửi bốn trăm chữ về ảnh hưởng của việc De Lad về nước đối với tình hình chính trị và quân sự".
- Đúng là điện về công việc. Sao cô biết? Sao cô lại mở điện ra xem?
- Tôi tưởng điện của vợ anh. Tôi hy vọng nhận được một tin tốt lành.
- Anh dịch cho cô?
- Tôi đưa bà chị.
- Nếu đó là một tin không vui thì Phượng có bỏ tôi không?
Cô ta xoa bàn tay vào ngực tôi để yên tâm, lần này cô không hiểu rằng tôi đang thèm nghe những lời nói, dù đó chỉ là những lời dối trá.
- Anh có hút một điếu không? Anh cũng có một lá thư đấy. Có lẽ của bà ta.
- Cô cũng mở ra xem chứ?
- Thư thì tôi không bóc. Điện là những thứ công khai. Nhân viên bưu điện vẫn đọc.
Chiếc phong bì nằm trong ngăn đựng khăn quàng. Cô dùng mấy ngón tay lôi ra và để nhẹ nhàng lên giường. Tôi nhận ra chữ người viết.
- Nếu đây là một không lành thì cô có…
Tôi biết trước là tin chỉ có thể là không hay. Một bức điện có thể là dấu hiệu của một thiện chí bột phát, một bức thư có thể là một sự thanh minh, bào chữa… cho nên tôi để câu hỏi lửng lơ, vì thật là không lương thiện khi van xin một lời hứa mà không ai có thể giữ nổi.
- Anh sợ điều gì? - Phượng hỏi.
Và tôi nghĩ: tôi sợ sự cô đơn, sợ câu lạc bộ báo chí, sợ cảnh nhà chứa. Tôi sợ Pyle.
- Cho tôi một cốc rượu pha với nước.
Trong khi chờ đợi có rượu, tôi đọc dòng đầu thư: "Anh Thomas thân yêu" và lời cuối thư: "Thân mến, Hellen".
Thư của vợ anh phải không?
- Đúng.
Trước khi đọc thư, tôi cứ tự hỏi: đọc xong, tôi sẽ nói thật hay nói dối với Phượng?
"Anh Thomas thân yêu.
Tôi không ngạc nhiên khi nhận được thư anh và biết anh không sống một mình trong khi xa nhà lâu ngày được, phải không? Anh nhặt đàn bà như chiếc áo veston của anh hứng những hạt bụi. Tôi sẽ ái ngại cho tình cảnh của anh hơn nếu tôi không nghĩ rằng trở về London, anh cũng sẽ dễ dàng tìm thấy sự an ủi khác. Chắc anh không tin tôi nói rằng điều làm tôi suy nghĩ không cho phép tôi điện cho anh chức "không" cộc lốc, đó là vì tôi nghĩ đến cô gái đáng thương đang sống với anh, người phụ nữ bao giờ cũng hiến mình hơn những người đàn ông nhiều!".
Tôi uống một hớp rượu. Toi đã không không hiểu rằng những vết thương trong quan hệ vợ chồng sau bao nhiêu năm vẫn chưa khép kín miệng. Tôi vô tình vì dùng chữ một cách vụng về đã làm những vết thương cũ của vợ tôi ứa máu. Bây giờ thì sao còn có thể trách là để đáp lại bà ta, đã cứa vào những vết sẹo cũ của tôi. Khi đau khổ, thường người ta hay làm tổn thương lẫn nhau.
- Tin dữ à? - Phượng hỏi.
- Cũng khá ác - Tôi đáp - Nhưng bà ta có quyền.
Tôi tiếp tục đọc:
"… Tôi đã tưởng trong bọn chúng tôi, anh yêu nhất cô Anne, cho tới lúc anh cuốn gói và biến mất. Và đến bây giờ là lúc anh định bỏ một người đàn bà khác, vì tôi xem giọng thư của anh thì cảm thấy thật sự không mong chờ ở tôi sự trả lời thuận lợi cho anh. Nếu tôi trả lời: "Đồng ý" thì anh sẽ quyết định sao đây? Anh có định lấy cô ta làm vợ hay không? (Tôi bị buộc phải dùng chữ cô ta vì anh không cho tôi biết tên cô ta là gì). Có lẽ như thế đấy. Tôi phỏng đoán rằng anh ngày càng có tuổi và lo sợ phải sống cô đơn. Bản thân tôi lắm lúc cũng thấy đơn độc quá. Tôi nghe tin Anne đã có người bạn đời khác. Nhưng anh đã xa cô ta đúng lúc".
Bà ta đã thấy đúng đâu là vết thương chưa khép kín miệng. Tôi uống một tợp rượu nữa. "Cắt chỉ ở vết thương", thành ngữ này bỗng xuyên qua óc tôi.
- Để tôi tiêm cho anh một điếu thuốc - Phượng nói.
- Gì cũng được, gì cũng được.
"… Vì lẽ trên, trong số những lẽ khác, tôi có bổn phận trả lời anh là "không" (không cần nêu ra đây những lý lẽ về giáo lý, vì anh có hiểu và còn niềm tin đâu!). Việc anh đã làm chồng, ai cũng không cấm được anh bỏ người đó phải không? Điều này chỉ làm anh lùi ngày về nước lại và như vậy càng thêm thiếu trung thực với ngời đàn bà trẻ đó, nếu anh đã sống với cô ta cũng lâu như sống với tôi. Anh sẽ đưa cô ta về Anh quốc, nơi cô thấy mình bị lạc lõng và xa lạ và khi anh bỏ cô ta thì cô ta sẽ thấy mình bị hắt hủi một cách tệ bạc biết mấy! Tôi tin rằng đến cầm con dao ăn và chiếc dĩa, cô ta cũng không biết nữa. Tôi nói rất tàn nhẫn, vì tôi đang nghĩ đến lợi ích của cô ta hơn là nghĩ đến lợi ích của anh. Nhưng, anh Thomas, thế cũng là nghĩ đến anh đấy!".
Tôi buồn nôn thật sự. Lâu lắm tôi không nhận được thư của vợ. Nay tôi buộc bà ta phải viết và tôi thấy nỗi đau của bà ta toát ra từ mỗi dòng. Nỗi đau của bà ta đánh vào nỗi đau của tôi: chúng tôi trở lại con đường mòn làm khổ lẫn nhau. Nếu tình có thể không là lụy nhỉ? Trung thành với nhau chưa phải là đủ. Tôi đã trung thành với Anne, nhưng tôi vẫn làm Anne đau khổ. Khi đựơc yêu là người ta tự chuốc lấy khổ đau, chúng ta nhỏ bé quá cả về phần xác lẫn phần hồn, để khi chiếm đoạt ai lại không tự kiêu, hoặc bị lệ thuộc vào ai mà không tủi nhục. Mặt khác, tôi hài lòng vì lại bị vợ xỉ vả, lâu nay tôi đã quên nỗi đau của bà và bà chỉ có cách bù lại là mạt sát tôi. Nhưng khốn thay những kẻ vô tội bao giờ cũng bị lôi vào bất kỳ sự xung đột nào. Ở mọi nơi, mọi lúc đều có một tiếng than khóc cất lên từ một tháp canh.
Phượng thắp chiếc đèn nhỏ lên.
- Bà ấy cho anh lấy tôi không?
- Tôi vẫn chưa rõ.
- Bà không nói à?
- Nếu có nói thì bà cũng phải viết dài lắm.
Tôi thấy tự mình khoe khoang là không đứng về bên nào, là phóng viên chứ không phải là nhà bình luận, nhưng thực ra tôi đứng ở hành lang mà lại gây ra bao đổ vỡ. Chính ra đánh nhau thực sự lại không độc ác bằng. Dùng súng cối mà bắn lại gây ít đổ vỡ hơn.
"Nếu tôi hành động ngược lại với niềm tin tưởng sâu xa nhất của tôi và tôi nói "đồng ý", thì có phải là hành động về lợi ích của anh không? Anh biết rằng anh bị gọi về nước và tôi hiểu rằng anh sẽ ghét cay đắng cuộc sống ở đây và sẽ làm bất cứ điều gì để cho nó dễ chịu hơn. Tôi như nhìn thấy anh quyết định lấy một người vợ sau khi uống quá một chén rượu. Lần đầu, chúng ta đã thành thật cố gắng - anh cũng như tôi - và chúng ta đã thất bại. Lần thứ hai người ta không cố gắng với nghị lực ngang với lần thứ nhất. Anh đã nói nếu anh mất tôi thì đời anh không còn gì nữa. Xưa kia, viết thư cho tôi, anh đã dùng câu nói như vậy. Tôi có thể đưa anh xem lại thư, tôi còn giữ nó đây… và tôi đoán anh cũng viết cho Anne câu đó. Anh nói rằng hai chúng ta đã luôn nói với nhau nghe sự thật, nhưng anh Thomas ơi, sự thật đối với anh tại sao chỉ có giá trị nhất thời như vậy. Tranh luận với anh làm gì, cố gắng nói anh hiểu lẽ phải làm gì? Điều dễ dàng hơn đối với tôi là hành động theo niềm tin của tôi, theo cái mệnh lệnh phi lý, chắc anh sẽ nghĩ vậy và viết cho anh mấy chữ: Tôi không tin rằng nên ly hôn, đức tin của tôi cấm làm điều đó, vậy câu trả lời của tôi là: "không", anh Thomas ạ, không".
Trước khi kết thúc bằng lời chào "thân ái, Hellen" thư còn nửa trang nữa mà tôi không đọc. Tôi tin rằng cuối thư là phần bà ta cho tôi biết tin tức về thời tiết và về bà cô già mà tôi rất yêu quý.
Tôi không có quyền được trách móc và tôi cũng chờ một thư trả lời như vậy. Những điều nói trong thư phần lớn là đúng sự thật. Tôi chỉ ao ước rằng vợ tôi không nói thẳng ra một cách dài dòng như vậy, vì những ý nghĩ đó làm bà ta đau khổ cũng chẳng kém gì tôi.
- Bà ta không đồng ý à?
- Tôi trả lời gần nhưng không do dự:
- Bà ta chưa quyết định ra sao cả. Vẫn còn có hy vọng.
Phượng phá lên cười và nói:
- Anh nói còn hy vọng, mà mặt anh lại dài như thế kia!
Phượng nằm dưới chân tôi như một con chó săn trên mồ người lính thập tự chinh và nhào viên thuốc phiện trong khi tôi tự hỏi xem nên nói năng với Pyle ra sao đây. Khi hút xong điếu, tôi thấy mình sẵn sàng đương đầu với tương lai hơn và tôi nói với Phượng rằng thực sự có hy vọng, vợ tôi đang tham khảo một luật sư về vấn đề này. Ngày một ngày hai, tôi sẽ nhận được một bức điện, nó sẽ là sự tuyên bố giải thoát cho tôi.
- Việc đó không quan trọng. Anh nên gửi vào ngân hàng cho tôi hẳn một khoản tiền.
- Tôi thấy rõ những lời đó là lời bà chị đã mớm cho cô.
- Tôi không có khoản tiền để dành nào và không đua với Pyle được.
- Anh yên tâm. Chắc sẽ tìm ra cách. Bà chị tôi nói anh có thể mua một suất bảo hiểm sinh mệnh của tôi.
Tôi thán phục tính thực tế của Phượng. Cô không cần làm thấp giá trị của đồng tiền hoặc chỉ đòi tôi huyênh hoang tuyên bố về yêu đương thay cho những hứa hẹn thiết thực. Tôi tự hỏi Pyle trong những năm tháng sau này làm sao có thể chịu đựng được một sự thẳng thừng về một tiền bạc như thế, vì hắn là người thơ mộng, nhưng hoàn cảnh hắn cho phép một khoản tiền lớn, và sự cứng rắn của Phượng có thể dịu hẳn đi, giống như một bắp thịt lúc không cần lên gân thì có thể chùng hẳn. Những người giàu về mặt nào cũng sẽ là kẻ thắng.
Tối hôm đó, trước khi các hiệu phố Catina đóng cửa. Phượng đã mua được ba khăn choàng lụa mới. Cô ngồi trên giường trải ra cho tôi xem với những tiếng reo vui khi ngắm những màu rực rỡ và tiếng nói như hát của cô đầy ắp gian phòng, rồi cô gấp lại cẩn thận, cất vào ngăn kéo cùng với một tá những chiếc khác, y như cô xây dựng cơ sở đầu tiên cho một gia sản nhỏ bé. Và tôi cũng đặt nền tảng lung lay cho gia sản của tôi bằng việc viết một lá thư cho Pyle ngay tối hôm đó, trong khi hơi thuốc đang còn và tạo ra một sự sáng suốt.
Tôi viết: "Anh Pyle thân mến" và có lẽ là lần duy nhất tôi toan gọi "Andon thân mến", vì đây là một lá thư khá quan trọng, viết có dụng tâm, lại cũng như các thư có dụng tâm khác, ít nhất nó cũng chứa một lời nói dối
"Anh Pyle thân mến, tôi muốn viết từ bệnh viện để cảm ơn anh về những việc đêm hôm nọ. Anh rõ rằng là đã tránh cho tôi một cái chết không thú vị chút nào. Bây giờ tôi đã đi lại được, nhưng phải chống gậy. Hình như tôi bị thương vào chỗ ít tai hại nhất và tuổi tác tôi chưa đến nỗi làm xương cốt phải mủn ra. Chúng ta phải ăn mừng bằng một cuộc liên hoan nhỏ trong một ngày gần đây. (Ngòi bút tôi viết đến chữ "ăn mừng" thì bị chững lại giống như một con kiến gặp vật cản bắt nó phải đi vòng). Tôi có một việc khác để mừng và chắc anh cũng chia vui, vì anh thường nói rằng lợi ích của Phượng là nỗi quan tâm chung của hai chúng ta mà. Khi về nhà, tôi nhận được một lá thư của vợ gửi tới trong lúc tôi đi vắng và bà ta ít nhiều chấp nhận việc ly hôn. Vậy anh khỏi phải lo cho số phận Phượng…". Câu nói này thật ác, nhưng chỉ thấy nó ác khi đọc lại, và bây giờ thì không chữa được nữa. Nếu gạch xóa những chữ đó, thì xé thư đi còn hơn.
- Anh thích chiếc khăn nào? - Phượng hỏi - Tôi rất mê chiếc khăn màu vàng.
- Đúng. Chiếc màu vàng. Bây giờ cô bưu điện bỏ hộ lá thư này nhé.
Cô nhìn tên người nhận thư.
- Tôi đem thẳng ra Tòa lãnh sự. Như vậy tiết kiệm được một con tem.
- Tôi lại thích cô cứ gửi qua bưu điện.
Bây giờ tôi ngả người ra đằng sau, và trong cơn sảng khoái nhờ thuốc phiện, tôi nghĩ: Ít ra cô ta cũng không bỏ mình trước khi về nước, biết đâu đấy! Ngày mai, hút xong vài điếu, có lẽ bằng cách này hay cách khác, tôi cũng tìm ra cách ở lại.
Những công việc lặt vặt cụ thể hằng ngày tiếp tục chính nhờ thế mà nhiều người khỏi phải mất trí. Nếu trong một đợt ném bom không thể lúc nào cũng sợ hãi thì trong công việc hằng ngày những cuộc gặp gỡ không định trước, những sự lo lắng cho công việc chung, khiến người ta quên đi trong nhiều giờ liền nỗi khiếp sợ của cá nhân. Cái ý nghĩ rằng tháng tư đang tới gần, tôi phải rời Đông Dương và việc không thể hình dung nổi một tương lai không có Phượng, đã bị khuây đi nhờ một bức điện hằng ngày, những thông cáo báo chí Việt Nam và những khó khăn gây ra bởi bệnh tật của người trợ tá của tôi. Anh này là người Ấn Độ mang tên Dominge (gia đình anh ta đi từ Goa qua Bombay rồi đến đây). Anh ta thường thay mặt tôi theo dõi những hội nghị báo chí quan trọng nhất, anh ta có một bộ tai rất thính, nắm bắt được những màu vẻ của công luận cũng như những lời bàn tán riêng tư. Anh ta đưa những bức điện tôi viết ra bưu điện hay phòng kiểm duyệt. Nhờ những bạn đồng hương buôn bán, nhất là ở miền Bắc Hải Phòng, Hà Nội và Nam Định, anh ta có một mạng thông tin mật riêng dành cho tôi, và tôi tin rằng anh ta còn biết rõ hơn Bộ Tổng Tư lệnh Phá, về vị trí đóng quân của các tiểu đoàn Việt Minh tại châu thổ sông Hồng. Bởi lẽ chúng tôi không bao giờ sử dụng những tin tức thu lượm được trước khi chúng đựơc đưa thành những tin công khai và cũng không hề cho cơ quan mật vụ Pháp biết. Dominge đã tranh thủ được lòng tin và tình bằng hữu của nhiều phái viên Việt Minh ẩn náu ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Tuy anh ta có tên Âu, nhưng lại là người Á, điều này chắc đã là sự đóng góp tiện lợi vào tình hình đó.
Tôi rất quý Dominge. Khi những người khác trưng sự kiêu ngạo của mình ra như một thứ bệnh ngoài da, động khẽ vào đã phản ứng, thì niềm tự kiêu của anh ta rất kín đáo, thu lại đến mức nhỏ nhất với một con người bình thường. Trong sự tiếp xúc hằng ngày với anh ta, người ta chỉ thấy sự dịu dàng, sự nhún nhường và sự tuyệt đối tôn trọng sự thật. Có lẽ phải là vợ anh ta mới phát hiện ra được niềm tự kiêu của anh ta. Có lẽ chân lý và khiêm tốn đi với nhau, còn tính kiêu căng của chúng ta đã sinh ra bao nhiêu điều dối trá. Trong nghề nghiệp của tôi, ai mà chẳng mắc tính hiếu thắng của người phóng viên, ý muốn được đưa những bài có giá trị hơn những người khác?… nhưng chính Dominge là người đã dạy tôi nên thản nhiên, giúp tôi chịu đựng khi có những bức điện của tòa soạn, chất vấn tại sao không đưa tin về những chi tiết do một người nào đó đã phát hiện mà tôi biết tỏng là bịa đặt.
Từ khi anh ta ốm, tôi mới hiểu tôi đã phải mang ơn anh ta như thế nào. Anh ta lo tới cả việc xe tôi lúc nào cũng đầy đủ xăng, nhưng không hề động chạm đến đời tư của tôi, dù bằng một câu nói, một cái nhìn. Tôi tin rằng anh ta theo Thiên Chúa giáo như, nhưng không có gì làm bằng, ngoài cái tên à nơi anh ra đời. Qua những câu chuyện nói với nhau, tôi hiểu anh có thể tôn thờ Kristina, hoặc hàng năm đi hành hương trong một cái gông bằng dây thép gai tới tận động Batu. Nhưng chính vì anh ốm mà tôi thành bận bịu, do thế thoát khỏi sự lo lắng về việc riêng tư của mình, bệnh của anh trở thành một điều tốt lành đối với tôi. Bây giờ chính tôi phải đi dự những buổi họp báo tẻ ngắt, rồi tập tễnh ra khách sạn Continetal để chuyện phiếm với những đồng nghiệp, nhưng tôi không sành sỏi như Dominge trong việc phân biệt thực hư, bởi vậy đêm đến thường tôi tới nhà anh để thảo luận về những tin tức tôi nhận được. Đôi khi tôi gặp một vài người bạn Ấn Độ của anh, ngồi trên đầu chiếc giường sắt hẹp trong căn nhà mà Dominge chỉ có một góc, nhà nhìn ra một phố nghèo khổ nhất liền kề với đại lộ Galieni.