Anh cũng biết việc này à? - hắn nói.
- Phượng kể với tôi.
- Sao cô ta biết được?
- Anh cứ tin rằng cả thành phố đang nói về việc đó. Có gì là quan trọng đâu? Các anh sắp lao vào việc sản xuất đồ chơi à?
- Chúng tôi không muốn những điều chi tiết trong công việc cứu trợ của chúng tôi bị đưa tin tràn lan. Anh hiểu các vị đại biểu Quốc hội là thế nào rồi đấy… lại thêm các ngài Nghị viên đi công du nữa. Công cuộc "chống nạn đau mắt" của chúng tôi đã gặp không biết bao nhiêu điều phiền hà rồi, do dùng loại thuốc này hay thuốc khác.
- Tôi vẫn không hiểu tại sao phải cần đến thuốc nổ.
Con chó đen của hắn thở hổn hển, ngồi trên sàn và chiếm nhiều chỗ quá, lưỡi cứ thè ra giống như một miếng bánh xèo bị cháy. Pyle trả lời tôi một cách mơ hồ:
- Ồ, anh biết đấy, chúng tôi định dựng lại một vài ngành công nghiệp địa phương và chúng tôi phải đối phó với những người Pháp, họ cứ bắt mọi thứ đều phải mua tại nước họ.
- Tôi hiểu họ. Người ta cần tiền để tiến hành chiến tranh.
- Anh có thích chó không?
- Không.
- Tôi tưởng tất cả người Anh đều mê chó.
- Tôi thì tưởng người Mỹ nào cũng mê đôla, nhưng cũng có ngoại lệ chứ.
- Tôi không hiểu tôi làm gì nếu không có con Dich này. Lắm lúc thấy mình cô độc quá, anh hiểu cho…
- Anh có nhiều bạn bè đấy chứ.
- Con chó đầu tiên của tôi là Hoàng. Tôi đặt cho nó cái tên để liên tưởng đến Hoàng tử Đen… Cái ông Hoàng…
- Cái ông Hoàng đã giết sạch đàn bà, trẻ con của thành phố Limoz
- Tôi không nhớ điều này.
- Những sách giáo khoa về môn sử đã lờ nó đi.
Số phận của tôi như phải luôn chứng kiến nỗi đau khổ hiện lên măt, lên miệng hắn, khi hắn bị cụt hứng, khi hắn biết thực tế không đúng như ý nghĩ thơ mộng hắn ấp ủ, hay khi một nhân vật hắn kính yêu không đạt tầm vóc lý tưởng mà hắn gán cho. Tôi nhớ có một lần tôi phải an ủi hắn khi tôi phát hiện ra trong sách York Hardin một sự sai lầm sống sượng.
- Con người làm sao tránh khỏi sai sót.
Hắn đã cười một cách bực dọc và đáp:
- Chắc anh cho tôi là một đứa ngốc, nhưng thế mà tôi coi ông ta gần như không thể nào có sai lầm. Ông thân sinh ra tôi trong bữa gặp nhau độc nhất đã mê ông ta, mà cụ thì có mấy khi vừa lòng về điều gì đâu.
Con chó to mang tên là Dich, sau khi thở hổn hển đủ lâu để đoạt lấy hết không khí có thể hít thở được, bây giờ lại chạy quăng trong phòng.
- Anh có thể bảo con chó của anh nằm yên được không?
- Xin lỗi, Dich, Dich, nằm xuống…
Dich ngồi xuống, liếm hạ bộ. Tôi đứng lên rót thêm rượu và khi đi qua cố làm cho nó ngừng việc vệ sinh đó. Hòa bình giữa tôi và nó thật là ngắn ngủi, liền sau đó nó lại gãi mình sồn sột.
- Dich thông minh một cách lạ thường - Pyle nói.
- Con Hoàng ra sao rồi?
- Khi chúng tôi ở trong trại tại Conecticut thì nó bị chẹt chết.
- Anh có bị xúc động lắm không?
- Tôi buồn quá. Nó đã chiếm một chỗ quan trọng trong đời tôi, nhưng ta cũng phải biết điều. Không có cách gì làm cho chó sống lại được.
- Nếu anh mất Phượng, anh có biết điều không?
- Ồ, có chứ, tôi hy vọng vậy. Còn anh?
- Tôi không tin sẽ biết điều. Tôi có thể bị điên đến phát rồ mất. Có bao giờ anh nghĩ đến điều đó không, anh Pyle?
- Anh Thomas, tôi muốn gọi anh là Andon.
- Tôi lại không muốn, tên Pyle gợi cho tôi những ý nghĩ khác. Anh nói xem, anh có nghĩ đến điều đó không?
- Không, lẽ tất nhiên. Anh là kiểu người chín chắn nhất mà tôi được biết. Tôi nhớ lại cách anh đã tiếp tôi khi đêm nào tôi nhảy xổ vào anh…
- Tôi nhớ rằng đêm hôm đó trước khi ngủ, tôi đã nghĩ nếu địch tấn công mà anh chết quách đi thì mọi việc đều ổn. Chết trong danh dự. Chết cho nền dân chủ.
- Đừng nhạo báng tôi, anh Thomas. (Hắn co chân này vào, duỗi chân kia ra y như đang bị khó ở). Dưới mắt anh, tôi có vẻ khờ khạo chút đỉnh, nhưng khi anh định xỏ mũi tôi, tôi biết ngay.
- Tôi đâu có xỏ mũi anh.
- Tôi hiểu rằng trong thâm tâm anh cũng muốn hành động ra sao để bảo vệ được lợi ích Phượng một cách chắc chắn nhất.
Chính đến lúc đó, tôi nghe tiếng chân Phượng. Tôi đã hy vọng một cách vô vọng rằng hắn ta sẽ rút lui trước khi Phượng về. Hắn cũng nghe thấy tiếng chân Phượng, tuy hắn chỉ có được một tối để học nghe tiếng bước đi của cô ta.
- Cô ấy đây rồi - hắn nói.
Con chó cũng đứng lên đi ra tận cái cửa tôi để mở cho thoáng mát, như thể nó ra đón bà chủ nhà. Tôi lại thành kẻ lạ vào nhà mình.
- Chị tôi đi vắng - Phượng nói và nhìn Pyle một cách thận trọng.
Tôi tự hỏi không rõ cô ta nói thật hay bà chị đã bảo cô ta về nhà cho mau.
- Cô nhận ra ông Pyle chứ? - tôi nói.
- Hân hạnh.
Cô chứng minh rằng mình cũng là người lịch sự.
- Tôi sung sướng được gặp lại cô - hắn đỏ mặt.
- Gì cơ ạ?
- Cô ấy biết rất ít tiếng Anh - tôi giải thích.
- Tôi lại cho rằng tiếng Pháp của tôi quá tồi. Nhưng tôi đang học thêm. Và tôi cũng hiểu được… nếu cô Phượng nói chầm chậm cho.
- Tôi xin làm người dịch - tôi nói - phải mất một thời gian các anh mới nắm được cách phát âm của người bản xứ. Nào, bây giờ anh muốn nói gì với cô ta? Phượng ngồi xuống đi. Ông Pyle đến chính là vì em. Hay là - tôi hỏi Pyle - anh muốn tôi để hai người nói chuyện riêng với nhau? Thế nhé?
- Tôi muốn anh nghe tất cả những điều tôi cần nói. Làm khác đi sẽ không đàng hoàng, trung thực.
- Thế cũng được. Nào, xin mời.
Pyle nói một cách trịnh trọng như hắn đã học thuộc lòng cái bài hắn phải nói này, rằng hắn rất yêu, rất kính trọng Phượng. Tình cảm đó nảy sinh từ hôm hắn khiêu vũ với cô. Cách nói của hắn gợi cho tôi cảm nghĩ như khi một viên quản gia dẫn đám khách du lịch đi thăm một lâu đài cổ nhỏ. Lâu đài cổ là con tim Pyle và chúng tôi là khách chỉ được liếc nhìn vào những căn phòng riêng mà gia đình đang ở. Tôi dịch rất sát lời hắn, điều đó lại càng làm những lời đó có vẻ vụng về, tồi tệ. Và Phượng ngồi nghe, không cử động, tay đặt lên đầu gối, y như khi ở rạp chiếu bóng.