Bà Mishio nói, đã lâu không được đón tiếp một người khách nào nên bây giờ cơn vui làm no lòng và bà không thấy thích ăn cơm bằng được ngồi tiếp khách bên cạnh, mặc dù từ chối bữa cơm khi có khách như vậy là một việc khiếm nhã. Bà thành khẩn xin lỗi và luôn tay tiếp thức ăn cho chồng và bà khách quý. Bữa cơm thanh đạm, nhưng ngon lành, gồm một chén canh cải nấu với cá, một đĩa tôm lột vỏ chiên bột ăn kèm với khoai chiên, một đĩa nhỏ dưa gang ướp mật rượu và đường màu mã não, những khoanh trứng gà luộc trên một đĩa xà lách thật tươi ghim từng trái táo đen, hạnh nhân và hạnh đào mào đỏ. Tất cả được trình bày khéo léo trong bát đĩa bằng một thứ gỗ đen và nhẹ, cẩn hoa và chim bạc, bướm và những cánh tùng già. Những hột cơm trắng, dẻo vít lên đầu mút đũa nhẹ tênh mà đủ thắm. Người đàn bà đã được bà Mishio mời đi tắm nước nóng, thay một chiếc kimono đẹp nhất của chính bà cất giữ từ nhiều năm, màu đỏ và những bông hoa đen trắng lớn, một đôi dép nhẹ cùng màu, mớ tóc vấn cao để lộ chiếc gáy trắng mỏng lưa thưa những dải hoa vải mong manh. Ba người quỳ gối quanh chiếc bàn vuông thấp, mỗi người một mâm cơm riêng trước mặt. Bà Mishio ngồi tiếp thức ăn một lúc rồi lấy cớ đang bận những việc gì đó ở nhà sau, cáo từ và rút lui.
Bà Mishio chỉ trở ra một lần để dọn dẹp bàn ăn thay thế một tấm khăn trải bàn thêu tay khéo, dọn trà bánh và chưng một bình hoa rồi mới biến mất sau nhà bếp.
Ông Mishio xin lỗi khách về sự vắng mặt bắt buộc của vợ và tỏ vẻ hân hoan nếu được khách chiếu cố đến những bức tranh đã vẽ từ hai mươi năm xưa của ông.
Phòng tranh chỉ cách phòng khách một bức tường giấy mỏng. Những cửa nhỏ sát hàng hiên sau được kéo lên. Ánh nắng vàng tươi nhảy múa chao lượn trong những góc phòng quen bóng tối. Gần một trăm bức tranh treo san sát nhau quanh bốn bức tường thấp của gian phòng rộng thênh thang. Một số, không đủ chỗ, đã phải chồng chất lên nhau xếp vào các góc. Màu sắc trong xanh u trầm, mờ nhạt, như những vết khói mờ tan loãng dần trong hư vô.
Trên giá vẽ của kệ trong góc phòng, một bức tranh lớn được phủ một tấm lụa vàng đã bạc màu. Người đàn bà tò mò tiến lại gần giá vẽ. Ông Mishio có vẻ bối rối, nửa muốn ngăn cản, nửa ngại ngần. Cuối cùng ông nói:
"Đó là bức tranh dở dang cuối cùng của tôi. Từ đó đến nay, tôi gác bút luôn, không thêm được nét nào nữa".
"Bà nói, ông vừa vẽ trở lại, và hôm nay ông vừa đi hoạ thắng cảnh nào gần đây".
Ông Mishio cười buồn rầu:
"Tôi tưởng là có thể vẽ lại được, nhưng tay đã cứng mất rồi. Trái tim già cỗi và những ngón tay cứng khô".
Người đàn bà băn khoăn.
"Bức tranh kia chưa xong, sao ông không hoạ tiếp tục. Ông hoạ gì trong đó".
"Vợ tôi, tôi vẽ bà ấy mang thai ba tháng hồi đó, tôi say mê vẽ đến bất kể một thứ gì khác, nhất là bức tranh ấy… đến nỗi… mỗi ngày dù mệt nhọc đến đâu, nhà tôi cũng bắt buộc ngồi làm mẫu cho tôi vẽ chừng ba bốn tiếng đồng hồ sau công việc mệt nhọc. Hồi đó, chúng tôi nghèo cực kia, tranh tôi không bán được, vợ tôi cũng chưa có tiếng tăm gì để làm ra được chút tiền, nhà tôi phải âm thầm tần tảo lo liệu lấy mọi việc để giúp tôi yên ổn thời giờ tâm trí hoạ tranh. Thời ấy, tôi không nghĩ ra mọi điều tai hại của sự say mê của mình, cũng như không hề lưu tâm tới những khổ sở mà nhà tôi vì tôi phải chịu đựng những mệt mỏi, đau đớn quá mức để ngồi cho tôi vẽ, nhà tôi bị hư thai, và phải mổ… rồi thì…"
Người đàn bà bỗng lắng nghe. Hình như một tiếng khóc nức nở mơ hồ từ bên kia bức tường giấy vọng sang. Người đàn ông như không nghe tiếp tục những ý nghĩ đắm chìm.
"Tiếc thay, tôi đã dành lại cặp mắt cho nét vẽ cuối cùng. Cho nên không kịp nữa. Và bức tranh đã dở dang".
Người đàn bà thắc mắc:
"Về sau, bà không ngồi tiếp cho ông vẽ xong đôi mắt?"
"Đôi mắt ư? Trong bức tranh bây giờ là hai vầng tối trống không. Và trong đời sống thì… chỉ còn là cái nhìn xa vắng. Bà không thấy điều đó sao?"
"Đôi mắt bà… tôi thấy, nếu ông tiếp tục bức tranh bà thì đôi mắt bây giờ không chừng đẹp hơn xưa".
"Tôi không thể hình dung lại, tưởng tượng nhà tôi để vẽ lại. Cái gì xoá nhoà, mờ mịt, một khoảng cách vô bờ giữa chúng tôi ngăn chia tầm mắt và biến đổi cái nhìn".
Người đàn bà lạ lùng:
"Sao bà không ngồi đây, và ông vẽ bà?"
"Tôi không thể vẽ cái bóng".
Người đàn bà cảm thấy có nỗi gì bí ẩn, muốn hỏi nhưng người đàn ông đã khép cánh cửa sổ lại, ánh sáng đã lần về trời, căn phòng mờ tối lạnh lẽo và hai người trở ra phòng khách, tiếp tục những chén trà nóng thơm ngát mùi hoa cúc.
Người đàn bà tỏ ý muốn mời bà Mishio lên ngồi nói chuyện, vì nàng không thể ở lại lâu, còn phải trở về Osaka để cùng đi mua sắm với mấy bà bạn.
Ông Mishio thở dài:
"Ở Kyoto này thì không có gì vui cả, nhưng nếu bà ở lại với chúng tôi, ngày mai chúng tôi sẽ đưa bà đi xem ngôi chùa cổ. Còn nhà tôi thì… bây giờ là buổi trưa, buổi trưa nào nhà tôi cũng phải vắng mặt để
ra ngoài ấy"
. "Dạ, ông bà còn có một ngôi nhà nào khác?"
"Không, chỗ của nhà tôi".
Người đàn bà bỗng nhớ tới bức tranh dở dang trong phòng tranh cũ. Có cái gì làm bà nghĩ tưởng lan man không dứt đến bức tranh kia, và những câu nói nửa vời của ông Mishio. Nàng hỏi không ngăn được lòng trí tò mò.
"Xin ông… cho tôi được xem bức tranh của bà trong ấy, tại sao ông lại phải che tấm lụa như vậy, phòng không có bụi mà? Những bức tranh khác để trần cũng có hư hao gì đâu".
"Nhà tôi muốn che lại như thế, và tôi phải che lại từ
ngày ấy. Bà muốn xem thật ư? Chắc là nhà tôi không bằng lòng đâu, nhưng mà… từ xa xôi đến, chẳng lẽ bà chỉ muốn ngắm một bức tranh lại không thể được. Mời bà cứ trở lại phòng tranh và xin tùy tiện".
Người đàn bà đứng lên, trong lúc ông Mishio ngồi lại một mình ở phòng ngoài.
Nắng bỗng tắt khi nàng nâng khung cửa sổ lên chờ chút ánh sáng hắt vào phòng. Căn phòng mờ tối lạnh lẽo phảng phất mùi ẩm mốc, mùi thơm lạnh và nồng của một thứ gỗ trầm xưa cũ.
Người đàn bà rón rén lại gần bức tranh trên giá và giở tấm lụa vàng lên. Nàng lùi lại một bước và cảm thấy một luồng nước lạnh luồn khắp châu thân làm hai chân cơ hồ dán in xuống đất và hai tay run cứng lại treo nửa vời. Nàng nhìn đăm đăm bức tranh kỳ diệu lồ lộ khuôn mặt kiều mị của người đàn bà đã nhìn thấy. Vẫn đôi môi đỏ, cặp má hồng đầy, cái vẻ tươi thắm và thanh tú sống động của khuôn mặt vương vất sợi tóc đen nhánh lung linh. Bức tranh như diễn tả đầy đủ một khuôn mặt sống thật đang linh động trong mắt người nhìn ngắm. Nhưng… không như ông Mishio nói chưa vẽ xong cặp mắt ngày ấy, người đàn bà nhận ra đúng là màu mắt và dáng nét, cái nhìn vừa dịu dàng vừa u uất của người đàn bà, và vẻ dị thường của ánh mắt nàng đã nhìn thấy tình cờ trong vườn hoa buổi sáng. Nàng nhớ rõ là ông Mishio đã nói chưa vẽ cặp mắt, trong tranh, mắt chỉ mới là hai khoảng trống. Không lẽ nhiều năm, và ông đã quên, hay một lúc nào ông đã vẽ tiếp đôi mắt bà, nhưng ông chẳng nhớ. Thắc mắc, và sợ hãi trong một cảm giác rờn rợn kỳ lạ, nàng lùi lại từng bước vội vã, đi nhanh ra phòng khách. Nàng nói cho ông Mishio biết điều vừa trông thấy, và nàng cũng nhờ ông vào che lại bức tranh như cũ mà trong lúc vội vàng nàng đã quên.
Ông Mishio đứng phắt dậy, im lìm như trời trồng một lúc lâu khi nghe nàng nói. Mái tóc trắng rung rung, vầng trán xếp lại từng nét nhăn xót xa, hai tay run run lần về phía trước, ông như chết điếng đi một lúc lâu rồi lẳng lặng bước vào phòng tranh. Người đàn bà rón rén theo sau, đứng ở khung cửa nhìn vào.
Hai tay bưng mắt, người đàn ông đứng lặng trước bức tranh, rồi ông tháo bức tranh ra khỏi giá, áp vào ngực, nước mắt giàn giụa chảy dài xuống má. Người đàn bà nghe tiếng ông hỏi vọng ra…
"Bà để… tấm khăn lụa đâu rồi?"
"Bên cạnh giá vẽ, trên mặt bàn ấy".
Im lặng một lúc, rồi bỗng người đàn ông kêu lên:
"Tôi tìm khắp không thấy tấm khăn lụa vàng đâu cả, xin bà nhớ lại cho, bà có mang khăn ra khỏi phòng không?"
Người đàn bà rợn người:
"Tôi… có cầm khăn ấy đi đâu. Ông tìm lại xem".
"Cái khăn không còn trong phòng nữa. Chắc là nhà tôi đã lấy đi rồi".
Người đàn bà lạc giọng đi:
"Bà… đã về".
"Có lẽ và lại đi rồi, lần này thì… không chừng nhà tôi đi chẳng trở về nữa…"
Không ngừng được, người đàn bà níu lại cánh tay ông Mishio:
"Ông nói cái gì, có chuyện gì vậy? Xin ông nói ra".
Ông Mishio thận trọng đặt bức tranh trở lại chỗ cũ, yên lặng kéo cánh cửa lại và lặng lẽ đi ra khỏi phòng. Ông ngồi xuống chiếu, hai tay chắp trước ngực, mắt khép lại, tâm thần phiêu diêu trong một cõi xa vời mộng mị nào. Rồi trên môi thoang thoảng một nụ cười nhợt nhạt, ông Mishio lẩm bẩm một mình như không có ai trước mặt:
"Mình hiểu lầm tôi, mình đã hiểu lầm tôi rồi, không phải như mình nghĩ đâu".
Ông Mishio nghe như trong xa vắng có tiếng nói rất khẽ đáp lại lời mình thì thào:
"Ông đừng chối, tôi thấy rõ ông hơn cả chính ông nhìn thấy ông mà. Mặc dù chưa đến đâu, chưa xảy ra chuyện gì cả, nhưng mà câu chuyện đã khởi đầu, nếu cứ tiếp tục, một lúc nào đó điều tôi đang nghĩ về mình sẽ đúng".
Ông giang tay trong không khí mong níu kéo một chéo áo kimono mơ màng đâu đó:
"Không, không phải thế, chẳng có chuyện gì xảy ra, dù chỉ là trong ý nghĩ tôi thôi. Tôi chỉ yêu quý mình, suốt đời tôi chỉ biết có mình mình mà thôi".
Ông lắng nghe. Không còn lời nào đáp lại, dù là trong xa vắng. Ông tưởng như lời mình không còn ai nghe nữa và một giây ông cảm nhận tất cả nỗi quạnh hiu của tuổi già, và cô đơn đã kéo dài từ bao nhiêu năm và từ đây nối tiếp, mãi mãi vô tận của đời người, không biết tới bao giờ.
Người đàn bà chậm rãi từng bước nhỏ qua khung cửa vắng. Mù sương buổi sáng giăng mắc một vùng cảnh vật đắm chìm trong giấc ngủ. Ngôi chùa cổ cao rộng mênh mông đen thẳm cắt thành một khối khổng lồ im lìm và bí mật trong vùng mù sương trắng bạc. Những hàng cây bốn phía lù lù đen sẫm như những tượng người quái dị cao lêu nghêu vươn tay lên trời mở lời cầu nguyện nín câm. Các tháp chuông cao lớn đứng lù lù ở một góc u tịch như khối đen chứa đựng những bí mật chết chóc truyền kiếp nào từ bao nhiêu thế kỷ.
Đến trước hiên chùa, nàng dừng lại nhìn quanh tìm kiếm. Ông Mishio đã hẹn gặp ở chỗ này, đúng chín giờ. Bây giờ hình như đã quá chín giờ, và ngoài kia bức tường, lũ học trò đã sắp hàng vào lớp của ngôi trường nhỏ bên kia chùa đã từ lâu. Nắng chưa lên, nhưng một vài bóng người đã len lén vào chùa, thấp thoáng sau những tàn lá thưa, dâng hương lễ bái. Một cái gì u ám, bí mật phủ trùm, ám ảnh quanh trí nàng, như một lớp mù sương. Và hình như đêm qua, sau một buổi chiều dài ngồi chờ không thấy bà Mishio về, trở lại nhà trọ ngủ cho qua đêm trước khi tới chỗ hẹn với ông bà Mishio, nàng đã chiêm bao, thấy một điều gì lạ lùng, liên quan tới bà Mishio và bức tranh. Hình như nàng mơ thấy bà ấy về, nói chuyện về bức tranh, về việc tiểu sản ngày trước của bà, liên hệ tình cảm giữa ông và bà, về sự có mặt của nàng trong đời sống đang yên lặng. Và những gì gì nữa, hình như rất quan trọng, nhưng nàng không thể nhớ, và chính vì vậy nàng băn khoăn, hoang mang không cùng.
Bỗng nàng nghe một tiếng kêu nhỏ, trầm ấm, như một tiếng reo vui, nhưng cũng là một hơi thở dài kín đáo.
"Kìa, bà đã đúng hẹn".
Người đàn bà cũng mừng rỡ:
"Ông mới đến, bà đâu, thưa ông?"
Ông Mishio đan những ngón tay vào nhau, đầu cúi xuống, những vệt tóc trắng bay phơ phất trên vầng trán căng hằn mấy vết nhăn vừa đánh dấu một đêm phiền muộn không ngủ.
"Bà có thể lại kia, chúng ta ngồi lại cho qua câu chuyện, câu chuyện cuối cùng".
Hai người thong thả đi bộ về phía hiên chùa ngồi xuống những bậc thềm lạnh lẽo không nắng chiếu.
Người đàn bà hỏi lại vì sao bà Mishio chưa tới, ông thở dài, tránh không nhìn hai con mắt đằm thắm của người đàn bà.
"Nhà tôi không đến. Và vì thế, lẽ ra tôi cũng không đến, nhưng mà lỡ hẹn với bà, vả lại, đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau, đúng ra là tôi được gặp bà, vả lại hôm nay là ngày… ngày gì bà có biết không, ngày Giáng sinh… và ngày nhà tôi… không còn nữa, tôi đến đây để cầu cho nhà tôi…"
Người đàn bà sững sờ:
"Ông nói gì, bà đã…"
"Vâng, nhà tôi đã chết".
"Chiều hôm qua?"
"Không, cách đây gần hai mươi năm rồi, ngày đó, ngày tôi vẽ bức tranh".
Người đàn bà ớn lạnh khắp châu thân nhớ đến đôi mắt như màu cá thia vàng kỳ dị đã nhìn thấy trên khuôn mặt trắng nhợt của bà Mishio trong vườn hoa hôm qua.
"Vậy thì bà hôm qua…"
"Vâng, hôm qua nhà tôi, nhưng mà…"
Một bà già thủng thỉnh, yên lặng từng bước trên đôi guốc gỗ cao, chống gậy trúc, một tay cầm thẻ nhang đi gần lại phía chùa, nhìn lên, trông thấy hai người, quay lưng đi lảng ra chỗ khác. Bước chân bà làm bầy bồ câu đang mổ thóc trong sân bay vụt lên, tiếng cánh rào rào như mưa rơi trên sông lụa.
Ông Mishio đột ngột quay lại nhìn đăm đắm trong hai mắt mơ màng của người đàn bà, giọng ông nhỏ xuống như lời thú tội bàng hoàng:
"Nếu tôi cắt nghĩa về những sự việc xảy ra giữa chúng tôi, và để bà hiểu được vì sao nhà tôi đã có mặt, rồi vắng mặt, và bây giờ… không đến, không bao giờ đến nữa, tôi phải thú thật với bà những gì ám ảnh trong lòng tôi bấy lâu nay, từ hồi gặp bà ở hội nghị, từ hôm… trong lòng tôi băn khoăn mỗi một điều, làm thế nào có thể hoạ được bức chân dung của bà dù chỉ là vài ba nét loáng thoáng. Như xưa kia, hồi mới gặp nhau, tôi ao ước làm thế nào hoạ được lên lụa những đường nét diễm kiều thanh cao của nhà tôi. Tôi… tôi phải nói hết ra mọi điều, để khi ra về rồi, phương trời nào đó, bà có thể nghĩ, vì mình một đời sống nào ở xa xôi, đã biến đổi, đã sống lại một người, đã chết đi một người, đã vì mình mà một đời sống kỳ diệu, một phối hợp phi thường giữa âm và dương, gần hai mươi năm ròng rã đã phút giây trở thành mây khói xa vời. Sẽ nghĩ…"
Giọng ông bỗng đổi thay, chìm xuống như một dây tơ chùng:
"Đêm qua… đêm qua, những đêm trước… tôi chiêm bao thấy bà, từ khi… từ khi gặp bà, tôi vẫn chiêm bao thấy bà. Và cũng từ hôm ấy, tôi muốn vẽ tranh lại. Sau hai mươi năm thề rằng không bao giờ vẽ nữa sau bức tranh không mắt của nhà tôi. Tôi mang giá vẽ ra khỏi nhà, đi xa, tìm cảnh khuất vắng, pha màu, mong vẽ một cảnh nào đó, nhưng tôi cầm bút lên, bất cứ nét nào cũng là nét dáng của bà mà thôi. Tôi phải dập xoá bức tranh và mang khung tranh lụa trắng trở về. Nhưng vô ích, nhà tôi biết hết, thấy hết, nhà tôi biết tôi nghĩ gì về bà, tôi chiêm bao thấy bà, tôi sẽ hoạ hình bà lên khung lụa mỗi lần ra khỏi nhà một mình… Và nữa, nhà tôi cũng biết tôi đã soi bóng mình xuống hồ sen…"
Người đàn bà cười mơ mộng:
"Ông soi ngắm mình dưới hồ sen sao?"
"Xin bà đừng cười, tôi phải nói ra điều không thể nói. Chính với hình bà, từ hôm gặp nhau, tôi sống lại đời sống thật, tôi muốn thấy lại mình sự thật ra sao. Bao nhiêu năm nay, với hình bóng trẻ trung không thay đổi của nhà tôi bên cạnh, đời sống bình yên kia tôi cứ tưởng mình vẫn còn như hai mươi năm xưa, nhưng mà tôi đã già rồi, tôi đã chôn sống tôi hai mươi năm với một cái bóng, với một người đã chết. Điều đó cũng không làm cho người chết sống lại, mà làm chết luôn đời sống của tôi. Hai mươi năm, tôi không tình cảm, không hoạ tranh, không giao du với ai, không biết đến gì trong đời sống bên ngoài, chỉ có nhà tôi, nhà tôi… Tôi nhận ra những điều đó khi nhìn thấy mái tóc trắng của mình cúi xuống trong hồ nước, và tôi ân hận vô cùng, tôi tiếc đời sống vô cùng. Từ phút đó, bao nhiêu ân tình và lòng chung thủy đối với nhà tôi gần hai mươi năm, dù cũng còn đó, nhưng chừng như tiêu tan thành mây khói hết. Giữa chúng tôi sợi dây nối kết giữa âm dương cũng dứt lìa, và nhà tôi… nhà tôi…"
Người đàn bà ngắt lời ông Mishio:
"Như vậy là… bà mất đúng khi bị tiểu sản?"
"Vâng, nhà tôi mất lúc ấy, nhưng mà vì… vì mối tình u uẩn khăng khít của chúng tôi, vì… nỗi chết quá bất ngờ, ai oán, nhà tôi đã phải trở về quanh quẩn với tôi. Nhà tôi chỉ cần một điều kiện, là bao giờ lòng tôi thoáng đa mang, dù cách nào, một hình bóng khác thì mối tình kia không còn lý do tồn tại, và nhà tôi cũng sẽ biến tan theo mối tình nồng nàn. Bây giờ thì…"
"Bà ấy không có vẻ gì khác lạ cả. Bà ấy vẫn đi đứng nói cười, như mọi người, tôi hay bất cứ một người nào cũng không tin đó chỉ là cái bóng".
"Nhà tôi về từ cõi kia, trở về với tôi với lời hứa, là khi nào tôi đổi thay, vẻ tươi trẻ nhà tôi giữ gìn cho tôi suốt hai mươi năm nay sẽ không còn, nhà tôi sẽ già bằng tuổi. Từ chiều hôm qua, nhà tôi đi không
trở về, và nếu có trở về, như nhà tôi nói trong chiêm bao đêm qua, sẽ không còn tươi trẻ nguyên vẹn như bao lâu nay nữa, vì rằng, tôi đã thú thật với bà từ đầu câu chuyện".
Người đàn bà bứt rứt mân mê tà áo:
"Vì tôi, vì tôi thật ư? Tôi không tin như vậy. Bà cũng có thể hiểu lầm, sự quen biết và thăm viếng giữa chúng ta, tôi tìm đến, là chỉ vì quý mến hai ông bà giữa bao người xa lạ khác. Còn ông đối với tôi, chẳng qua cũng chỉ là chút tình cảm, như bao nhiêu người khác đã gặp đều có cảm tình với tôi. Chỉ khác là giữa chúng ta có một thông cảm im lặng và sâu xa nào đó thôi. Sự thông cảm ấy, bà cho là…"
"Cám ơn bà đã nói như vậy, nhưng điều ấy không giải toả được những thắc mắc trong lòng tôi, những u uẩn trong hồn người. Bây giờ thì muộn rồi, nhà tôi đã xa hẳn tôi. Tôi mất nhà tôi, sau suốt hai mươi năm còn gắng gượng lẩn quất quanh tôi, kéo dài chút tình đằm thắm. Nhưng tôi được gì, tôi có gì, tôi còn gì không. Đối với bà, tôi chỉ có chút lòng cảm mến, đúng ra là tôi đã tìm lại nguồn rung cảm thuần tuý nghệ thuật mà gần hai mươi năm trời nay đã khô cạn, héo khô. Mà dù có thể nào rồi ngày mai ngày kia, bà lại đi, bà có phương trời của bà. Còn tôi, tôi với cái bóng già cỗi của mình trong hồ sen, với hình ảnh nhà tôi chỉ còn trong trí nhớ, với những vết tích thân yêu trong ngôi nhà vắng lặng kia, một mình… một mình với những chiếc dép màu quanh thềm nhắc nhở bước chân ra vào lững thững, những chiếc kimono còn vương vất mùi hương hơi trong tủ, những chiếc gối thêu hoa, những chăn nệm đượm nồng, những tách trà cúc hoa…"
Những giọt nước mắt bồi hồi nhỏ xuống má môi người đàn bà:
"Nhưng ông sẽ còn bức tranh, bức tranh bây giờ đã có hai con mắt của bà… bức tranh sẽ là bà…"
"Bà lầm rồi, như tôi nói, bao giờ nhà tôi mất đi hẳn, những nét trong tranh cũng sẽ nhạt mờ theo. Còn hai con mắt mà bà thấy đó, không phải là con mắt đâu, mà cái nhìn muốn nói với tôi tất cả những điều tôi vừa nói với bà đó. Nhà tôi đã lấy tấm lụa vàng đi, vì rằng… bức tranh bây giờ chỉ còn là cái tấm vải trống trơn không còn dấu vết màu sắc hình nét nữa. Bà không tin lời tôi, nếu bà có thể trở lại phòng tranh, bà sẽ thấy lời tôi nói. Nhưng ở đây cuối cùng rồi bà cũng sẽ thấy
một cái gì đó làm cho bà tin những điều tôi nói là có thật".
"Ông nói cái gì là cái gì…?"
Ông Mishio đứng dậy. Người đàn bà đứng dậy theo. Sương đã tan hết trong sân chùa cổ. Mùi hương thoang thoảng từ một bệ thờ nào đó. Bỗng ông hỏi ngập ngừng:
"Bao giờ bà đi?"
"Trưa nay, tôi đã ghi lại vé máy bay".
"Vậy thì... phút này, xin từ biệt bà, và xin gặp lại ở đời sau, cả ba chúng ta, nếu còn có đời sau cho mỗi người".
Trong cơn xúc động bàng hoàng, người đàn bà trao bàn tay nhỏ nhắn của mình cho ông Mishio. Hai bàn tay ông dịu dàng, thân ái và kính cẩn, nâng bàn tay người đàn bà lên mặt mình, im hơi lắng nghe những nhịp luân chuyển của sự sống trong mạch máu, lòng dịu lắng trong một nỗi xúc động buồn thảm và mông lung, ông nghĩ, từ phút này, ta chỉ còn lại niềm quạnh hiu cuối cùng cho đời người, và ông giữ bàn tay người đàn bà trong hai bàn tay mình một lúc lâu, thành khẩn, như người đi lễ bái giữ những nén hương đã đốt trong tay mình lúc cầu khẩn.
Rồi họ cùng bước xuống thềm, cùng đi ra sân bây giờ nhoà nhạt bóng cây thêu bóng nắng. Tiếng một hồi chuông nhỏ văng vẳng từ cõi tịch liêu xa vời nào đó.
Bỗng từ đằng kia, đi lại, thoắt chậm thoắt nhanh một bóng người áo trắng. Cái bóng tới gần mãi trong hai mắt sửng sốt nhìn không chớp của người đàn bà. Nàng đưa hai tay về phía trước, kêu lên:
"Bà… bà Mishio!"
Ông Mishio cũng vừa nhận ra vóc dáng mảnh mai và nét mặt xinh tươi rạng rỡ của bà. Bà mặc cái kimono trắng, mỏng và thưa, với từng tầng vải mong manh như kết tụ bằng tơ trời, hai tay rộng thùng thình buông xõa chập chờn như những mảnh mây chiều, với một cái nón tre che hở nửa mặt. Bà Mishio chập chờn tiến lại trước mặt hai người, dừng lại, nhìn ông bằng đôi mắt trong suốt, nửa trách hờn, nửa mãn nguyện, rồi im lặng, bà đi lướt qua ông, ngược chiều với hai người, bước nhanh như bay biến về phía sau chùa.
Người đàn bà băng mình chạy theo. Nàng lạc vào một vùng sân lô nhô đây đó những bức tượng đồng đen kỳ dị. Bà Mishio đi lầm lũi, vẫn khi chậm khi nhanh, len lỏi vào giữa những bức tượng đồng đen. Người đàn bà hoa mắt cố theo dõi đuổi theo kịp bà Mishio, với ý nghĩ níu được bà lại với ông, dù chỉ một lần cuối cùng, để giải thích mọi điều bà đã lầm lẫn, và buồn lòng bỏ đi mãi mãi.
Quanh co một lúc, đến cuối sân chùa, một vùng bóng cây đen che khuất nắng sáng trên cao, chỉ còn lại những lớp sương mù trắng che kín mặt đất âm u, làm cho những gốc cây, những pho tượng đồng đen như nổi lềnh bềnh trong không trung mờ mịt, bà Mishio bỗng chậm bước, rồi dừng lại. Người đàn bà mừng rỡ cất tiếng gọi. Bà Mishio xoay mình, từ từ quay mặt lại. Người đàn bà kêu thét lên. Vẫn là vóc dáng và xiêm y của bà Mishio vừa nhìn thấy, vẫn cái nón tre che hờ nửa mặt, nhưng trong một thoáng nhìn lên, khuôn mặt người đàn bà Nhật đã hoàn toàn biến đổi. Khuôn mặt nhăn nheo tối tăm, những sợi tóc phất phơ bạc trắng, đôi môi trũng xuống héo hon, khắp cả là những nét già nua, dấu vết thời gian của hai mươi năm tàn phá. Chỉ còn trên khuôn mặt tàn héo cằn cỗi lạ thường kia, là hai con mắt, đúng là hai con mắt cá thia vàng của bà Mishio mà người đàn bà đã nhìn thấy trong vườn hoa, nhưng bây giờ, con ngươi đã nhoà đi một màu trắng đục như sương pha, và tròng mắt trong sáng long lanh hôm qua chỉ còn là một màu vàng đục mờ ủ ê, buồn bã. Nàng nhìn xuống. Bà Mishio đứng như chôn hờ trong vũng khói sương trắng xoá, hai chân lao đao muốn ngã, những cánh tay áo phất phơ run rẩy theo hai bàn tay buông duỗi khẳng khiu. Hai vai như còng xuống, khoảng lưng cúi khom, bà Mishio, với tất cả vẻ già nua dị thường ma quái, lững lững đi về phía cuối sân chùa, và người đàn bà thấy, như trong giấc mơ xa, bà Mishio
đi vào một pho tượng đồng đen vừa mọc ra giữa vùng sương trắng.
Osaka, 1970