Đã mấy tuần nay, thằng bạn không đến chơi. Tôi nghĩ hẳn nó đang đi xa với một người đàn bà nào đó vừa xoay được. Hoặc hết cả tiền không mua sắm thêm được thứ gì để mang lại khoe. Hoặc đang vướng vào một vụ lôi thôi nào đó. Tôi đoán phất phơ thế mà đúng.
Quả là nó đang có chuyện lôi thôi. Nó đến một buổi tối, thật muộn, khi trăng đã lên trên kia ngọn cây dừa. Tôi nói vọng xuống lầu là để đến mai hãy nói chuyện, bây giờ thì không thể mở cửa. Nó năn nỉ tôi cho ở lại một bữa. Tôi hỏi có việc gì. Trông hắn có hoảng hốt lạ lùng như bị rượt bắt và vây kín không còn lối thoát. Nó bảo không thể về phòng một mình tối nay, ngủ không yên. Nó nói thêm là đang sợ. Tôi mở cửa cho nó vào và dặn đừng nói lớn quá, giờ này nhà tôi đang dỗ lũ trẻ ngủ phòng trong. Tôi hỏi nó chuyện gì đã xảy ra. Nó nhăn nhó:
"Con Hồng Hoa…"
"Sao?"
"Nó lại tới".
"Sao cậu nói cô ta đi cao nguyên rồi?"
"Thì thế, nhưng mà… nó trở về".
"Cậu đối xử sao?"
"Không phải về thật".
"Nghĩa là sao?"
"Tao chiêm bao thấy nó về luôn luôn, hai đêm rồi. Này, nhưng không phải là vì ngủ say quá đâu, hễ nhắm mắt lại là thấy nó, với cảm giác ấy, tao đã muốn đuổi đi mà không được, tao đứng lên, ra ngoài, đi chơi, nghe nhạc uống rượu, làm đủ các thứ vẫn thấy nó như lảng vảng đâu đó. Và… nó kéo tao xuống…"
Tôi giật mình, đột nhiên cảm thấy lạnh sau lưng vì nhớ lại một đoạn trong bản thảo của người lạ.
"Cái gì? Nó kéo xuống… kéo xuống à?"
Thằng bạn lim dim hai con mắt:
"Hình như… nó đang đứng lửng lơ một chỗ nào có khói và nước chảy… Nó dưới thấp, và tao thì trên cao, nó vươn lên kéo tao xuống…"
Tôi hỏi vội vàng vì nghĩ ra một điều bất ngờ:
"Lần cuối gặp nhau, cách đây bao lâu?"
"Gần cả tháng nay".
"Từ hôm đó, có tin tức gì không?"
"Không, tao đã dứt khoát rồi còn tin tức gì".
"Dứt khoát à, nghĩa là…?"
"Tao không thể cưới nó".
Giọng tôi trở nên gắt gỏng:
"Tại sao vậy?"
"Tính kỹ lại tao thấy không thể cưới nó, cũng như không làm cách nào khác".
"Sao mày không tính kỹ từ trước đi".
"Tính gì, nó nhào vào, có phải tao đi năn nỉ nó đâu".
Hắn lý luận như thế. Cũng như những sự việc khác. Hắn thật hoàn toàn trái ngược với tôi. Cái gì tôi nói không, hắn nói có, và ngược lại. Điều gì tôi tin, hắn bác bỏ, nhất là chuyện gì thuộc về hồn, về tính, về âm đức và oán cừu.
"Lúc nãy cậu bảo sợ, sợ cái gì?"
"Không biết, nhưng cảm thấy sợ. Chưa bao giờ tao cảm thấy sợ cái gì cả. Tao cảm thấy… không được tự do và yên thân nữa".
"Bắt đầu rồi đấy".
Hắn nhìn chăm chăm vào hai mắt tôi:
"Bắt đầu cái gì?"
"Những điều tao đã từng nói…"
"Về… việc bằng ấy hả?"
"Gần như thế".
"Chắc không phải đâu, tao vẫn không tin".
Chúng tôi nói và đáp, lơ lửng, nhưng đều bị chìm đắm trong những ý nghĩ âm thầm không muốn nói ra, nhất là trong lúc này. Hôm trước, nhân cũng đọc một tin trên báo về một người đàn bà chết, tự vẫn, với đứa con trong bụng, tôi đã bàn với nó, cùng với những ví dụ và dẫn chứng những trường hợp đã xảy ra, từ trước tới nay, về việc âm đức, và báo oán. Hắn không tin đã đành, lại còn cười và phản đối kịch liệt về những gì tôi tỏ ra suy nghĩ, đúng hơn là ưu tư, về các trường hợp đó. Hắn cho là, những chuyện kể của các cụ xưa kia, là một biện pháp để răn dạy con cái, như một cái phanh để con trai cảm thấy sợ và tốp bớt những trò lăng nhăng vô trách nhiệm. Còn bây giờ thì chẳng qua là những lời nguyền rủa đối với kẻ không dám chịu chơi, nhìn từ những người thận trọng và nhát gan đối với đàn bà, con gái, nói đúng hơn là đối với trách nhiệm và phận sự.
"Thật tình cờ. Tao cho mày đọc cái này, may ra còn kịp".
"Cái gì? Lại chuyện lăng nhăng?"
"Không, chuyện thật".
"Sao biết là thật?"
"Thì cứ đọc đi. Tao đi ngủ đây, đọc đi và sáng nói cho tao biết mày nghĩ sao. Cái gì? Trà hả? Thôi đừng gọi người nhà nấu nước, phiền quá, còn cà phê tao trong kia, uống đi. Này, nhưng nói cho cậu biết, đọc cái này thì cậu phải chong mắt lên, không ngủ được đâu. Sợ rồi những đêm khác cũng không ngủ được".
Tôi mở lấy tập bản thảo viết tay, chữ xiên, dài ngoằn trên thứ giấy cũ vàng ngầu giao cho hắn. Hắn có vẻ chán nhìn xấp giấy. Tôi nói, cứ đọc thử, nếu quá ba trang mà không thích thì cứ vứt đi.
Tôi đăng báo trên mục rao vặt, cần mua bản thảo truyện để xuất bản được mấy hôm thì ông ta đến. Đó là một ông già quắc thước, cốt cách có vẻ như một vị ẩn cư đã hàng chục năm không ra khỏi lều của mình để tiếp xúc với đời sống phàm tục bên ngoài. Ông ta mặc bộ đồ tây đã cũ, chống cái can bằng mây và đầu đội một cái mũ rộng vành bằng cói cùng màu với quần áo. Ông ta xưng là một hoạ sĩ, vì vẽ quá nhiều tranh, triển lãm quá nhiều lần, thành công quá mức, và cuối cùng, chán tất cả mọi thứ, lui về, một mình với cảnh nghèo. Tôi đã định thu ngắn thời giờ tiếp ông già vì thấy việc ông ta vẽ, thành công hay thất bại không ăn nhập gì tới việc đăng báo của tôi, thì ông ta như đoán được ý, đã nói chặn trước.
"Sở dĩ tôi phải dài dòng giới thiệu tôi với ông như thế là vì ba lẽ. Thứ nhất, là để ông tin, tôi không phải là một người giả danh giả hiệu để làm những thứ quàng xiên như ở xứ này người ta thường làm. Thứ hai là ông sẽ không nghĩ, tôi bán cái tôi đem tới cho ông để lấy tiền, bởi tôi không cần tiền. Thứ ba là, với quá khứ và thành tích của tôi, tôi đích thân đến với ông, hẳn ông tin vào cái tôi mang đến, ít ra, không chỉ là một mớ giấy lộn. Ít ra, nó có thể nói với những người thời này một cái gì đó. Người ta thì hết tin, nhưng tôi, tôi vẫn tin, chữ nghĩa và văn chương, dù trong thời mạt pháp nào cũng vẫn còn cứu vãn được vài điều, đem lại chút ánh sáng, vẫn còn là một sứ thần kiên nhẫn và cô độc đem điều tốt tới cho con người".
Đại khái, ông ta nói quanh quẩn những điều đất thấp trời cao như thế đến nửa giờ. Tôi nói ngay:
"Thưa cụ, chúng tôi chỉ đăng báo vắn tắt như vậy nhưng thật ra, khi người ta đem bản thảo tới, chúng tôi cũng chỉ chọn những tác phẩm có nội dung mới lạ và trẻ trung…"
Ông ta cười lớn ngắt ngang ngay lời tôi nói:
"Thì có phải tôi đem những lời lẽ, lý luận của cá nhân tôi, của tuổi tác tôi cho ông xuất bản đâu. Cái khác kìa. Đây, ông cứ xem qua đi, nếu thích thì cứ xuất bản, và không, hãy trả về lại cho tôi, đúng tuần sau ngày hôm nay, tôi sẽ đến lấy".
Tôi nghĩ là chắc chắn sẽ phải trả lại cho ông cụ tập bản thảo, nên không hỏi trường hợp ngược lại, là nếu tôi xuất bản thì trả tác quyền ra sao, và những điều kiện khác liên hệ. Nhưng ông già cũng nói luôn.
"Đừng nghĩ tới tác quyền, vì không có ai là tác giả cả".
"Thế… không phải cụ là tác giả…?"
Ông già lấy trong túi áo tập giấy dày cộm đặt xuống bàn.
"Tôi không phải tác giả, tôi chỉ dịch ra".
"Thế nguyên tác là tiếng gì?"
"Trung Hoa".
Tôi bực mình, mất kiên nhẫn, cố cười nhạt:
"Dạ, vậy thì đúng là chuyện cổ".
"Ông đoán thế nào cứ việc, nhưng mà này, tôi vừa mới dịch xong là đọc thấy tin ông rao vặt. Kể cũng là chuyện tình cờ".
"Cụ dịch thì cũng sẽ tính bản quyền của dịch giả".
"Tôi có dịch giả đâu, dịch thiệt chứ. Thời bây giờ người ta dịch giả và tác giả quá nhiều, tôi già rồi, tôi thuộc về một thời khác, tôi phải cố mà dịch thiệt chứ. Nếu tôi tác thì cũng tác thiệt, chứ không tác giả đâu. Tại sao, tại tôi không cần tiền. Chỉ khi không cần tiền mới tác thiệt và dịch thiệt, còn là tác giả và dịch giả tuốt hết, có phải không, ông nghĩ xem? Cái chữ Việt mình, thiệt là lắt léo, nhỉ?"
Ông già đứng dậy.
"Không phải cứ chữ Trung Hoa là chuyện cổ đâu. Mới toanh ấy, mực cũng chưa khô như máu, không chừng…"
"Cụ nói gì ạ?"
Ông già ra cửa, ung dung, nói vọng lại:
"Tháng trước tôi đi Đài Loan theo lời mời của một Hội Hội hoạ cổ bên đó. Cái tập ấy, không phải bản thảo bản thiếc gì đâu, gần như là thư tuyệt mệnh, không gởi lại cho ai cả. Tôi trọ căn phòng hắn vừa bỏ đi. Tôi nhặt được cái ấy của hắn để lại, tò mò đọc thử. Và muốn cho những người khác cùng đọc nên dịch ra, vậy thôi. Tôi đã cố trẻ lại để dịch đúng theo ngôn ngữ và phong độ của anh chàng nhỏ tuổi nào đó".
"Thư tuyệt mệnh, vậy ra người viết tập này đã chết?"
Ông già khép giùm tôi cánh cửa trước khi ra khỏi nhà.
"Biết đâu, thì cứ đọc đi".
Bây giờ là ngày cuối cùng của một tuần dài lê thê không muốn dứt. Của một tuần, tôi cố không nghĩ, hay đúng hơn là chống lại với ý nghĩ như ám ảnh, của một đời. Bởi tôi còn nhiều thời gian để sống, nhiều việc phải làm, nhiều hạnh phúc để tận hưởng. Tôi tin, hay cố dỗ mình cứ tin đi là cuối cùng tôi vẫn là người thắng cuộc.
Nhất định là tôi phải thắng, tôi tự nói như thế trong im lặng, bất cứ giờ giấc nào, khi ăn cơm, lúc nằm mơ màng đọc một cuốn sách hay, ngay cả những lúc ngâm mình trong nước nóng bồn tắm. Căn phòng thật tĩnh mịch. Và càng yên lặng, tôi càng nghe tiếng gào trong tim của tôi rõ hơn.
Nhưng một thứ tiếng nói khác, vi vút, xa vời lại càng như nghe rõ hơn, nhập nhoà trong tiếng nói của tôi. Tâm trí tôi cố nghĩ mình sẽ thắng, sẽ thoát, nhưng lòng tôi thì mỗi lúc một hoang mang, bất định, không còn tin tưởng ở sức mạnh của mình để chống đối lại ám ảnh kỳ dị kia nữa.
Lúc này, nếu có một người, bất cứ người nào tới, ở lại bên cạnh, nghe tôi nói, tin tôi, người ấy cũng có thể cứu tôi ra khỏi tấm lưới vô hình này. Nhưng không có ai cả. Bà con dòng họ thì hoàn toàn không. Tôi đã là người lạc lõng, côi cút từ tấm bé, không còn thân quyến. Bạn bè thì làm gì có chút thời giờ rảnh rỗi để đi nghe chuyện mộng mị điên khùng của tôi. Vả, tôi cũng chẳng có bạn bè nào. Người yêu, vợ sắp cưới của tôi nữa, thì lại không thể. Nàng là người quen thân độc nhất trong đời sống long đong vơ vất của tôi. Nhưng mà làm thế nào đi nói một chuyện như vậy với nàng. Dù là nói để tự cứu, và cứu tôi, là cứu cả nàng nữa. Tôi chỉ còn một mình, trơ trọi hoàn toàn. Một mình và thấy rõ cái bóng của chính mình.
Mấy hôm nay, tôi bắt đầu trông thấy và sợ cái bóng của tôi trên vách. Tôi đã đổi nhiều phòng, qua nhiều khách sạn khác nhau, từ khi bỏ nhà đi tránh cái bóng và tránh chính mình, cố chọn những phòng nào có tường lót giấy hoa, như phòng này, để đừng trông rõ bóng. Nhưng mấy đêm nay, không phải với ánh đèn, mà trong bóng tối hoàn toàn tôi vẫn nhìn thấy cái bóng lập lờ trước mắt. Tôi cảm thấy mình đuối sức và không còn đủ bình tĩnh để chống lại bất cứ một thứ gì nữa. Tôi cũng không rõ, tôi yếu đi, vì sức tôi vốn vậy, mà sức mạnh vô hình nào đó hơn tôi, hay vì một lý do tinh thần nào làm bạc nhược thể phách lẫn tâm hồn. Dù sao thì tôi cũng không chịu đựng nổi tình trạng im lặng này mãi nữa. Phải nói ra, tất cả từng chi tiết, từ đầu. Nói ra. Nhưng mà biết nói cho ai nghe? Chỉ còn cách là viết. Viết cũng là nói. Tự nói với chính mình. Và cầu mong, trong những ngày cuối cùng rối loạn hoang mang này, tôi viết hết và đủ những sự việc đã xảy ra. Những sự việc đã dẫn đưa tới cái bóng ám ảnh bây giờ.