Trưởng tộc đời thứ tám
Trần Quốc Cưỡng
Nhiên nhận thư từ quê gởi lên, nét chữ còn tươi roi rói: "Anh hai về gấp! Cha công bố di chúc!". Dòng chữ xinh xinh của cô em gái như nhát dao sắc nhọn đâm thấu tim anh. Bản di chúc mà cha anh công bố với gia đình, dòng họ sẽ là bản tuyên án lạnh lùng chôn vùi tài năng của Nhiên trên con đường xán lạn.
Cách đây vài hôm, Nhiên thử việc ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Giám đốc công ty là một người Anh. Sau khi kiểm tra trình độ ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh của Nhiên, ông ta thốt lên: "Very good!".
Ðêm ấy, thả bộ dọc bến cảng, trong ánh sáng vàng tái, mỏng như sương, đôi mắt của người yêu đen nhánh như hai hạt nhãn nhúng nước: "Anh biết không? Sếp em đánh giá rất cao về anh. Ông là người kiệm lời khen, sống thực dụng. Hơn chục người thử việc, ông ta mới gật đầu chỉ một lần. Sếp sát hạch người, OK hay không tùy khả năng thực tế, chứ không cần bằng cấp".
Nhìn đôi môi của Hạnh mọng như quả cà chua chín, miền nhạy cảm trong Nhiên cựa quậy: "Còn cô bé, sát hạch anh xong chưa? Anh mỏi mòn rồi đó!". Ðang đi, bất chợt Hạnh kéo Nhiên dừng lại, áp gò má non tơ vào ngực người yêu, cười rinh rích: "Xong lâu rồi ! Chỉ sợ có cô nào đó ở dưới quê đang đỏ mắt...". Có lẽ, trên thế gian này chẳng có loại hương thơm nào ngọt, mềm, sâu, quyến rũ như da thịt và mái tóc người con gái. Nhiên như gã say thuốc lào và câu nói của Hạnh: "Chỉ sợ có cô nào đó ở dưới quê..." như gáo nước lạnh dội vào mặt anh. Nhiên đang đùa với bom nổ chậm.
Năm ngoái, Nhiên về quê giỗ họ. Mãn cuộc, ông bác ruột Nhiên mời anh ở lại. Ngồi giữa chiếc chiếu hoa trải trên nền nhà thờ họ Văn là ông bác ruột, trưởng tộc họ Văn. Ngồi hai bên là cha Nhiên và các vị chức sắc trong họ. Chủ tự trưởng tộc họ Văn cao lênh khênh, dáng đi như dấy phẩy, tiếng nói rểnh rảng như loa sắt: "Trong cuộc họp họ hôm nay có các vị: Chủ tịch huyện, trưởng phòng huyện, giám đốc sở... là con cháu họ Văn. Ðã là con cháu của họ Văn thì phải biết giữ gìn tôn ti, trật tự của họ...".
Sau lời khai mào như kiểm tra tư cách đại biểu của ông trưởng tộc, các vị quan chức Nhà nước chịu phép, ngồi im thin thít. Nhiên thầm nhủ: "Gớm chưa! Quan chức Nhà nước, ngoài đời bao người trọng vọng, vậy mà chẳng dám hó hé trước ông trưởng tộc mới qua bình dân học vụ làng!".
Ông trưởng tộc cao giọng: "Tôi nay đã già cả, không thể tiếp tục thờ phụng ông bà. Tiếc rằng tôi không có con trai. Còn em tôi đau yếu triền miên, không thể đảm đương trọng trách tộc họ giao phó. Ðời thứ tám họ Văn, chỉ có cháu Nhiên là người có thứ bậc cao nhất, tánh tình điềm đạm, chín chắn. Nhờ hồng phúc ông bà, cháu Nhiên đã tốt nghiệp Ðại học quản trị kinh doanh. Quản trị kinh doanh thời kinh tế thị trường cháu còn làm được tuốt, sá gì quản trị tộc họ. Chủ tịch huyện là con cháu họ Văn, hãy nhận cháu Nhiên về làm việc ở huyện để có điều kiện hương khói ông bà! Các vị đừng sợ người ta đàm tiếu. Loại con ông cháu cha mà dốt nát, ăn hại mới đáng ngại, chứ con cháu họ Văn này, tài năng, đức độ, ra gánh vác việc Nhà nước tốt, phải không các cụ?". Cử tọa gật gù hưởng ứng. Ông hưng phấn, quay sang Nhiên, bắn một hơi như cơn lốc: "Cháu về quê làm việc, rồi chọn một cô vợ thật xinh đẹp, giỏi giang. Gái quê thùy mị, chịu thương chịu khó, đừng lấy gái thị thành đỏng đảnh, kiêu kỳ, không biết thờ chồng trọn đạo". Nhiên như con cá nằm trên thớt, chờ đầu bếp sờ nắn, ngắm nghía trước khi đánh vảy, mổ ruột. Oái oăm thay, cha anh lại như người dâng dao cho đao phủ: "Bác trưởng tộc! Em đã chọn vợ cho thằng Nhiên rồi. Con bé này tên là Thắm - con của cụ Bảy xóm dưới". Trưởng tộc họ Văn khoái chí tự đét vào đùi mình, bật cười hả hả: "Quá tốt rồi còn gì !". Nhiên mặt héo như tàu lá chuối sau trận bão, bụng bảo dạ: "Cứ tạm nín lặng theo tục họ, lệ làng là tốt nhất !".
Lòng Hạnh ngập tràn vui sướng, lặng im, nép sát vào Nhiên. Im lặng cũng là thứ ngôn ngữ của tình yêu, nào ngờ Nhiên đang ôm cô mà trong dạ rối bời. Anh đang nghĩ về Thắm. Cô gái cùng xóm thân hình đuồn đuỗn với bước đi bậm bịch, cái nhìn lúng liếng. Loại gái quê tợn mồm và mắn đẻ phải biết! Hôm về quê ăn Tết, buổi sáng sương dâng mờ mặt sông, Nhiên đủng đỉnh chắp hai tay ra sau lưng đi về phía bến chơi, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, Thắm lù lù hiện ra, đầu đội rổ hến, quần áo sũng nước, tốp táp, rống riết vào da thịt phô bầu ngực mẩy mang, căng nức và cặp đùi săn như cây chò chỉ. Lúc ấy, Nhiên vừa có cảm giác thinh thích một chút hoang dại lại ghê ghê một chút trụi trần. Nhưng Thắm không hề nhếch nhác, bất cần như Nhiên từng nghĩ. Cô bé nhìn Nhiên, xấu hổ đến mức chôn chân một chỗ.
Chuyện Nhiên bị người bác ruột chiếu tướng, cắt đặt làm trưởng tộc cứ như tảng đá đặt giữa đường làng. Mỗi lần nghĩ đến, Nhiên sống lại với bao kỷ niệm thời thơ ấu. Ngày còn bé, Nhiên thường lẽo đẽo theo trưởng tộc đến thắp nhang nhà thờ họ Văn, ngôi nhà mái lợp ngói âm dương rêu phong dính liền với dãy nhà phía Ðông và dãy nhà phía Tây. Một bên dành để tiếp khách, một bên dành để nấu nướng mỗi khi giỗ họ. Từ đây, khói bếp làm cay mắt những cô thôn nữ họ Văn bay lên quyện thành khói lam, báo hiệu sự sống yên bình. Cũng từ nơi đây ra rả tiếng nói cười của những mẹ, chị thuộc các dòng họ khác nhau về làm dâu họ Văn. Lọt thỏm vào giữa hai dãy nhà Ðông - Tây là ngôi nhà thờ chính điện, lúc nào cũng ngút ngát mùi trầm. Trên bàn thờ có chiếc lọng mầu vàng thêu kim tuyến óng ánh, chung quanh tua tủa những bụi chỉ ren xinh xắn che khuất một phần chiếc khám thờ mầu đỏ khắc rồng phụng, đựng gia phả, là linh hồn của họ Văn. Người nào mà được vác lọng ra mộ thủy tổ ở bãi đất soi ven sông làm lễ rước ông bà về là cảm thấy vinh hạnh vô cùng!
Ðêm hè, nhà thờ họ võng vãnh muỗi bay, bác trưởng tộc dùng chiếc quạt nan đập muỗi chanh chách cho Nhiên ngủ. Không có người nối dõi, ông thương yêu Nhiên như con đẻ. Mỗi lần đi dự hội làng, cúng thanh minh, ăn giỗ, bao giờ ông cũng lùm lùm mang về vài cái bánh ít, vài trái chuối, có khi cục xôi xáo thịt gà thơm ngậy. Ngày đông, gió rít lục ục trên cây đa trước sân. Thi thoảng trong nhà thờ họ có tiếng mọt gặm cây gồn gột và có cả những con mối mềm oặt, ngo ngoe bò dưới chân cột nhà thờ. Khi ấy nét mặt bác trưởng tộc hằn lên sự lo lắng. Nhà thờ họ Văn già đi theo tuổi người trưởng tộc, vẫn sừng sững mỗi năm chờ ngày giỗ họ, mặc kệ ông trưởng tộc già nua với nét mặt rúm ró như tờ giấy vò, đôi chân khuỳnh khoàng, liêu xiêu như chực ngã bất cứ lúc nào.
Năm Nhiên lên phố học, bác trưởng tộc dúi vào tay mấy tờ giấy bạc cũ hem: "Bác để dành được bao nhiêu đó. Cố gắng học thành tài để lại tiếng thơm cho dòng họ, con nhé!". Gánh nặng họ hàng làm anh choáng váng. Từ chối là chống lại gia đình. Từ bao đời nay, quê Nhiên có cái lệ đã ăn sâu vào máu thịt: ai làm trái di chúc của cha mẹ sẽ bị lên án đời đời, kiếp kiếp. Mà xóm làng đàm tiếu còn đáng sợ hơn pháp luật. Quê Nhiên từng có những cô gái chửa hoang, bỏ nhà đi biệt xứ, bị dòng họ xăm xỉa gia đình đã đành, mà còn bị các vị hào cựu rỉa rói, mỗi lần cúng làng, họp xóm. Con gái quê Nhiên không ai dám bước ra khỏi xóm mươi ngày, bởi dẫu có lý do chính đáng vẫn bị người người rình rập, nhà nhà dòm ngó. Vài câu xầm xì, đàm tiếu vu vơ, vón lại thành bản án vô hình là điêu đứng cả một đời. Con trai làng Nhiên đen trùi trũi, lưng bè như tấm thớt, bước đi huệch hoạc như đau hạch, nổi tiếng cục bộ nhất vùng. Bù lại, đám con gái da trắng phau phau như hoa nhài, hoa bưởi, tóc dài nhóng nhánh đen như dòng suối nhung chảy khắp làng. Con trai làng bên mê đắm con gái làng Nhiên đành ôm sầu, nấu nhớ. Ðã có kẻ liều mạng cởi áo, lội sông sang bị những trận đòn hội đồng thừa sống thiếu chết. Hồi Nhiên còn học trường làng, có một cô gái tên là Na (con cụ Nết làm nghề tráng bánh) xinh như mộng, phải lòng một chàng trai xóm vạn chài, thường hẹn hò, tự tình ở bến sông. Một hôm, đám thanh niên xóm Nhiên rình mò, bắt chàng trai trấn nước suýt chết. Ðôi trai gái phá lệ làng trốn lên thành phố chung sống. Sau này trở nên giàu có, ngày trở về, chàng trai bỏ tiền bắc chiếc cầu gỗ qua sông làm quà cho dân làng. Từ đấy mới bỏ được cái lệ truyền đời "Trâu ta ăn cỏ đồng ta / Ðồng ta hết cỏ mới qua đồng người".
Lần này em gái Nhiên gởi thư cho Nhiên về nghe cha công bố di chúc, anh thừa hiểu đó là bản án đã tuyên và miễn kháng cáo. Lệ làng là thế. Làm trưởng tộc, nhắm mắt lấy đại cô Thắm, cô Na, cô Nụ... nào đó cho yên phận một đời ư? Nhiên muốn đưa tay nâng gương mặt đẹp như đức mẹ của Hạnh hôn nồng nàn, say đắm rồi nói hết mọi điều, van xin Hạnh tha thứ. Nhưng anh không đủ can đảm. Nhìn Nhiên, Hạnh chỉ đoán đúng một phần. Cô vít đầu Nhiên xuống, đặt nụ hôn đắm đuối. Nhiên ấp úng, Hạnh cắt ngang: "Ðừng anh! Ðừng nói gì cả! Em thích nép vào anh và im lặng. Rồi đây anh sẽ về phòng kinh doanh với em. Chúng mình sẽ thưa với ba mẹ cưới nhau rồi mua nhà thành phố". Nhiên nghe Hạnh vẽ ước mơ bằng bọt biển mà thấy xót xa. Ngày mai, anh sẽ thành một ông cụ non chuyên hương khói cho ông bà, chăm lo họ tộc. Hạnh sẽ đau khổ biết nhường nào! Nàng yêu Nhiên, song liệu nàng có đủ dũng khí chịu đựng những buổi tối nhà quê râm ran tiếng ếch, nhái, ễnh ương buồn nẫu ruột? Có phải con gái thành phố đỏng đa đỏng đảnh, không biết chiều chồng? Làm con, Nhiên không thể sống cho riêng mình.
Ðêm cuối cùng ở thành phố cảng, mắt Nhiên cứ thao láo. Tấm vé ghế mềm tàu Thống Nhất S4 ghi: 4 giờ 15 phút tàu rời ga. Nhiên sẽ ra đi âm thầm như cái ngày anh lọc cọc mang hành lý vào ký túc xá trường đại học. Ðúng 3 giờ 40 phút, Nhiên choàng dậy. Nhìn tấm kiếng treo trong toa-lét, hiện lên vẻ mặt bơ phờ, đôi mắt trũng sâu, tóc râu nhuộm nhoạm, anh cười một mình: "Nhiên ơi ! Mày chỉ là thằng con nít, lo nghĩ chi nhiều cho chóng già!". Bà chủ nhà trọ co ro trong chiếc áo ngủ, ra mở cổng, cười với anh mà ánh mắt không giấu nổi sự ái ngại: "Bao giờ trở lại đây công tác, chị sẵn sàng dành cho em một phòng xịn nhất, biết không?". Lòng Nhiên bỗng thấy ấm lại: "Chị gởi giúp em lá thư này cho cô bạn gái em. Ngày mai thế nào cô ấy cũng đến".
Nhiên về đến ngõ, cô em gái reo lên như đứa trẻ mừng mẹ về chợ: "Ôi ! Anh hai về, cha ơi !". Cô bé đấm vào lưng Nhiên cười khúc khích, còn một tay giành lấy chiếc va-li: "Người thành phố sang như Tây. Có cô Thùy xóm trên muốn coi mắt anh đấy!". Nhiên cười khòng khọc: "Mắt anh bị lồi, bị lét hay sao coi? Hôm nay giỗ mẹ, sao không mời luôn cô Thắm? Cô bé ấy cha chọn cho anh rồi đó". Em gái Nhiên cười rung rúc: "Dở hơi ! Cha nói, bà ấy mập ũn, ăn nói chễnh chãng, sợ anh chê không chịu về làng. Anh này, cái cô mặc áo hồng, da trắng, tóc dài đứng bên cha là cô Thùy đó". Nhiên buột miệng: "Trời đất! Người đâu mà xinh thế? Sao anh không biết?". Cô bé thì thào: "Thôi đi ! Ðừng bình phẩm nữa, người ta nghe thì chết".
Nhiên đĩnh đạc vào nhà: "Cháu chào bác hai, chào các chú, các anh chị !". Bác trưởng tộc liu khiu đứng dậy, gương mặt bừng sáng, ánh mắt long lanh: "Nhiên về rồi hả con? Mồ tổ mày! Ðúng là con cháu họ Văn, nói không sai lời !". Nhìn cái dáng gầy rộp của bác trưởng tộc, Nhiên bỗng rưng rưng: "Thưa bác! Con mới về!". Từ lúc còn thơ dại đến giờ, chưa một lần Nhiên giận bác, kể cả cái lần họp họ, bác cột gánh nặng họ hàng lên cổ anh, buộc anh phải giã từ sự nghiệp nơi phồn hoa đô hội. Cha Nhiên cười mãn nguyện, nụ cười hiếm hoi của một đời cày sâu cuốc bẫm: "Thằng hai đi tắm rửa cho khỏe khoắn rồi ngồi cỗ luôn thể".
Ra thềm giếng, Nhiên đã thấy Thùy xách nước bằng sào. Chiếc cần vọt cao lểu khểu buộc cái đỏi bằng dây thuối thắt con rít, đít cần vọt là cục sắt oằn nặng khiến Thùy thao tác lúng túng. Nhiên thấy tội nghiệp bèn nhỏ nhẻ: "Em để anh xách cho". Thùy tránh sang một bên, vén làn tóc mây trên trán, cười như gió thoảng: "Anh Nhiên ở thành phố lâu ngày mà xách nước gàu sào còn thuần ghê!". Nhiên cười: "Tại anh không muốn em chê là công tử bột nên ráng chút xíu". Nhiên đổ nước cho Thùy rửa tay, nhìn Thùy cổ cao ba ngấn, phía sau ót trắng mỡ màng, có những sợi tóc lưa thưa... Khi ánh mắt hai người chạm nhau, người đẹp thẹn thùng cúi mặt làm Nhiên quên mất cô Thắm hoang dã ở bến sông và cô Hạnh diễm kiều đêm bến cảng hôm nào. Cô em gái Nhiên thật đáo để, sau tấm phên tre dán mắt theo dõi hai người không sót một chi tiết, liền gọi cha lên nhà trên thì thầm: "Cá cắn câu rồi cha ơi ! Cưới chị Thùy cho anh Nhiên đi cha!". Ông cụ cốc vào trán con gái rượu, cười se sẽ: "Còn cô, cũng lo bề gia thất đi là vừa". Cô bé cười rúc rích: "Con lấy chồng cha ở với ai ?".
Gia đình Nhiên thuần túy nông dân, mỗi lần cha Nhiên nghe ai gọi xấc, đại loại: "Ðồ dân nhà quê", "thứ nông dân rặt", "ăn nói quê mùa..." là ông lại dứ dứ chiếc roi cày trong tay, mím môi, qua kẽ răng bật ra tiếng rít: "Mẹ cha nó! Mới dính chút bụi thị thành, dẫm tí nước đái góc phố đã đổi giọng èo ẽo, làm dáng trí thức! Gộp mấy đời nhà nó lại, lột ngược ống quần lên xem ống chân gột hết phèn chưa? Mà hổng có phèn ấy à? Mấy đời nhà nó có mà chết toi...". Vào đời, Nhiên luôn bị ám ảnh bởi hai chữ nông dân. Lúc yên bình, người ta dè bỉu: "Ba anh nông dân bảo thủ, thụ động, quê kệch...". Nhưng khi sóng gió, thì hạng người quê kệch, bảo thủ ấy bỗng trở thành chỗ dựa vững chắc... Cha cho Nhiên ăn học là để người đời hiểu họ Văn này cũng ham học như ai. Một cử nhân kinh tế về huyện, thậm chí về xã công tác, vừa lo việc nước, vừa trọn việc nhà, chẳng hổ danh với tiên linh ông bà và làng xóm là số dách.
Ngày làm lễ bàn giao chức trưởng tộc, mờ sáng, các cụ đời thứ tám (ngang vai với Nhiên) khăn áo chỉnh tề kéo về nhà thờ họ. Ông trưởng tộc tự tay mình mặc chiếc áo dài vải gấm mầu đỏ thêu chữ nho xanh, đội khăn đóng cho Nhiên. Một già một trẻ nhúm chặt nén nhang trên tay khấn vái ông bà giữa tiếng kèn trống inh ỏi. Ông thầy lễ quỳ mọp xuống chiếu, hai tay giăng cao tờ sớ mầu vàng chi chít chữ nho, giọng giần giật, bi ai, đoạn giằn mạnh hai đồng xu xuống cái đĩa đặt trong chiếc khay khảm xà cừ, mắt sáng lên mãn nguyện. Thế là thủy tổ họ Văn đã tin tưởng vào người chủ tự trẻ tuổi, nói tiếng Anh như gió, tính chuyện kinh doanh xoèn xoẹt như đan bồ cót.
Lúc Nhiên bước ra thềm nhà họ, đã thấy Thùy đứng dưới gốc đa, đôi mắt nhìn Nhiên tròn xoe, tinh nghịch, vừa vui sướng, vừa lạ lẫm. Nhiên xăm xăm bước tới: "Thùy xem anh có giống ông cụ không?". Người đẹp xóm trên đế một câu: "Giống cụ, nhưng đẹp trai !". Nhiên oải người nhớ hôm công bố di chúc: "Nhiên thừa hưởng toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn và làm trưởng tộc họ Văn". Anh thấy đầu óc rỗng không. Thôi thì chôn chặt một đời ở con sông, bến nước. May mà di chúc còn một câu: "Thằng hai có quyền chọn vợ theo ý thích...". Nhiên hiểu, Hạnh không bao giờ xa rời thành phố hoa lệ với cái chức phó phòng kinh doanh để về sống nơi muỗi ca, đỉa múa. Một tuần trôi qua, Nhiên chưa nhận được một cú phone nào của Hạnh, kể cả mẩu nhắn tin ngắn ngủn. Anh sẽ phải chọn một. Cô Thắm tròn lẳn như đòn bánh tét, sau này sanh con lủn củn, ai coi ? Chỉ có gương mặt có ma lực. Cô Thùy đẹp người sau này về làm vợ, biết có mẫu mực để họ mạc noi theo? Nhiên ơi ! Mày chỉ là thằng con nít hơi đâu lo nghĩ chi nhiều chóng già!
Cha Nhiên nhắc đi nhắc lại: "Ngày mai lúc 9 giờ, con đưa cha sang nhà cô Thùy dạm ngõ. Cha muốn lúc cha còn sống được bồng bế cháu". Nhiên không biết nên vui hay nên buồn, lòng dạ nhạt nhẽo, vô vị. Nhớ câu: "Anh đi đáo địa thiên tôn / Anh về anh bứng bụi môn sau hè", sao mà nghiệm thế. Cô em gái hết chạy lên sửa khăn áo cho cha, lại chạy xuống thúc giục anh thao thiết: "Anh hai! Nhanh lên! Gần tới 9 giờ rồi!". Nhiên cười méo xệu: "Ðến lượt cô, không biết anh hai có chu đáo như thế này không?". Cô bé nổi cáu: "Người ta lo muốn chết, còn đứng đó giỡn!".
Bước ra sân, anh không còn tin vào mắt mình: Hạnh lù lù hiện ra nào xách, nào va-li, kèm theo tiếng cười lanh lảnh: "Ơi! Con người bạc bẽo kia ơi ! Ðừng tưởng dân thành phố không dám về làm dâu nơi thôn dã! Chuyến này em ở luôn đây làm bà trưởng tộc cho coi!". Cha và em gái Nhiên đứng ngây ra như pho tượng, còn Nhiên lao tới như tên bắn.