Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đi Qua Hoa Cúc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 55363 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đi Qua Hoa Cúc
Nguyễn nhật Ánh

Chương 8
Chị Ngà ngồi thõng chân bên bờ suối, lưng tựa vào gốc dương liễu, để mặc tôi câu cá một mình. Hai bàn tay chị luồn ra sau gáy, chìm khuất trong mớ tóc êm dày, và trong tư thế đang ngửa mặt nhìn trời đó, dường như chị đang mỉm cười với những cánh vạc bay qua.
Tôi ngồi bên cạnh chị trên một chiếc rễ cây choài ra sát mặt nước, chiếc cần trúc cầm hờ hững trên tay. Ðã lâu rồi tôi không còn mê trò câu cá. Cứ như mỗi một ngày qua, những trò chơi của tuổi nhỏ lại lần lượt rủ nhau rời bỏ tôi. Tôi vẫy tay chào chúng, nghe lòng tiếc nuối nhưng không buồn giữ chúng lại.
Hôm nay cũng vậy. Tôi nhìn chiếc phao đang run rẩy trên mặt nước một cách thờ ơ. Tôi thích liếc về phía chị Ngà hơn. Tôi thích nhìn ngắm khuôn mặt xinh đẹp của chị đang rạng lên dưới nắng chiều. Những lúc ấy lòng tôi bỗng nhiên bâng khuâng lạ và tôi sung sướng cảm thấy cuộc sống êm đềm quá đỗi. Thật vậy, chẳng cao xa gì, chỉ như thế này thôi, nghĩa là được ngồi lặng thinh bên cạnh chị để đuổi theo những ý tưởng vẩn vơ, cuộc sống đối với tôi không còn gì đáng mơ ước hơn nữa. Thậm chí, nỗi hân hoan mà tôi cảm nhận trong phút giây này lớn lao và trọn vẹn đến mức lòng tôi bỗng nãy sinh những lo lắng mơ hồ không sao trấn áp.
Chị Ngà nghiêng mặt về phía tôi:
- Sao Trường không lo câu cá đi? Chị có gì lạ mà Trường nhìn hoài vậy?
Tôi xuýt xoa một cách thành thật:
- Em chưa từng thấy ai đẹp như chị! Càng ngày chị càng đẹp!
Lần trước nhìn chị hong tóc bên bờ suối, tôi cũng buột miệng khen chị. Lần đó, chị bảo tôi giỏi nịnh. Nhưng lần này chị chẳng nói gì. Chị nhìn tôi bằng ánh mắt biết ơn lặng lẽ rồi ngước lên bầu trời xanh thăm thẳm, chị mỉm cười và khe khẽ hát:
Tôi là cánh hoa mỏng manh vì người mà tươi thắm
Cũng vì người mà tàn héo
Xin người hãy đến trên đôi chân mùa xuân ấm áp
Chớ để gió đông lẻn về thổi tắt ước mơ tôi.
Lần đầu tiên tôi nghe chị Ngà hát. Tiếng hát chị ngọt ngào, tươi tắn, hẳn lòng chị đang vui vẻ lắm. Mà sao, tôi vẩn nghe đâu đây tiếng vỗ cánh ngập ngừng của số phận. Chị gửi gắm tâm sự cho ai sao đằng sau niềm mong chờ hạnh phúc kia vẫn thấp thoáng nỗi âu lo khắc khoải:
Người hãy nâng đỡ trái tim tôi
Trên những ngón tay dịu dàng của người
Chớ hất hủi cũng đừng dập vùi
Nhược bằng hoa lá rụng
Có còn gì xuân tươi.
Tôi thẩn thờ nhìn xuống dòng nước biếc và nghe lòng thắt lại. Tôi nhủ thầm với cọng phao điên điển đang bập bềnh rằng nếu bản tình ca mượt mà kia chị Ngà hát dành cho tôi, sẽ không bao giờ tôi làm chị buồn lòng. Sẽ không bao giờ, đúng thế. Tôi chỉ sợ chị hất hủi tôi. Còn tôi, ngay cả trong ý nghĩ, cũng chẳng khi nào quay lưng lại với chị. Tôi chỉ sợ những ngón tay của tôi sẽ không được dịu dàng như những mong mỏi trong lời chị hát.
- Trường nè! - Chị Ngà đột ngột quay sang tôi.
- Gì hở chị?
- Ðỗ tú tài xong, chị sẽ thi vào trường sư phạm! – Ðôi mắt chị Ngà long lanh – Khi nào học xong, chị sẽ xin về dạy trường huyện. Chị sẽ ở đây với Trường, Trường có thích không?
Giọng chị Ngà êm ái, không ra vẻ một câu hỏi. Nó gần với một lời hò hẹn hơn.
- Thích! – Tôi lí nhí đáp.
Tưởng đến cảnh chị Ngà trở thành cô giáo trườnh huyện và mãi mãi ở lại đây với tôi, ngực tôi như ức nghẹn. Thốt nhiên tôi nhắm mắt lại và trong một thoáng tôi chợt muốn nói với chị rằng cho đến chừng nào tôi còn sống trên cõi đời này tôi sẽ không bao giờ để cho gió đông lẻn về thổi tắt những ước mơ chị hằng ấp ủ.
Nhưng tôi đã không nói gì. Tôi mở mắt ra, lặng thinh nhìn chị và ngạc nhiên nhận thấy những tia nắng chiều đang âm thầm viền quanh mái tóc mượt mà của chị một quần sáng càng lúc càng óng ánh.
******
Những ngày sau đó là những ngày vui vẻ. Chị Ngà như biến thành một con người khác hẳn. Môi chị đã hồng lại càng hồng, như bắp chuối nõn, thường xuyên điểm những nụ cười bân quơ, kín đáo và mãn nguyện. Ðôi mắt chị ướt rượt và lấp loáng như mặt suối những đêm trăng, che giấu đằng sau nó những khát khao e ấp và cháy bỏng.
Chị cười nói nhiều hơn. Và cũng thân thiết với tôi hơn. Những ngày này mái tóc quăn của anh Ðiền đã không còn thường xuyên lảng vảng quanh bàn học của chị mặc dù không phải đã hoàn toàn chấm dứt. Dù sao sự lai vãng ngày càng thưa thớt của anh cũng khiến lòng tôi nhẹ nhõm như trút bỏ một gánh nặng lâu ngày.
Bây giờ, chiều chiều tôi lại cùng chị Ngà sánh vai ngồi hàng giờ bên dãy hoa cúc trước sân. Trước đây, vào những lúc như thế này, chúng tôi thường để mặc mình chìm đắm trong bóng hoàng hôn nhòa nhạt và trong sự yên lặng kéo dài như trang văn thiếu dấu ngắt câu, thỉnh thoảng được đánh thức bởi những mẩu đối thoại hờ hững rồi sau đó tất cả lại tiếp tục rơi vào cơn ngái ngủ cho đến khi ngọn đèn dầu do dì Miên thắp lên hắt ra nền gạch một vệt sáng mờ báo hiệu bữa cơm tối sắp sửa bắt đầu. Bây giờ chẳng có một chút gì giống như vậy.
Vẫn trên chiếc đòn kê quen thuộc, chị Ngà vừa âu yếm vuốt ve những cánh hoa vàng vừa cười nói ríu rít. Vẻ tư lự hôm nào ngoài suối dường như đã bay xa, không còn để lại vết tích trong tâm hồn chị. Cũng có thể đôi lúc nó trở về thấp thoáng nhưng nhanh chóng bị hòa tan trong niềm hạnh phúc kỳ lạ chị vừa bắt gặp, niềm hạnh phúc mà nhờ nó gương mặt chị cứ sáng lên trong bóng chiều chập choạng, hệt như có trăm ngàn ngọn nến đang cháy âm ỉ dưới làn da trắng hồng của chị.
Chị Ngà nói với tôi đủ thứ chuyện trên đời, chuyện nọ xọ chuyện kia, đến nỗi sau đó tôi chẳng tài nào nhớ nổi chị đã trò chuyện với tôi những gì. Ngay cả chị, có lẽ chị cũng không nhớ. Có vẻ như chị nói để mà nói, để san sẻ bớt những niềm vui đang ngập tràn trong lòng chị những ngày này và nếu không làm thế e rằng người chị sẽ nổ tung.
Dĩ nhiên tôi vô cùng hoan hỉ trước niềm vui mới mẻ của chị. Tai nghe chị nói, mắt nhìn chị cười, tôi những mong rằng tất cả những biểu hiện khôn bề che giấu đó có liên quan mật thiết đến ý định chị từng thố lộ với tôi hôm nào. Rằng chị sẽ thi vào ngành sư phạm, sẽ trở thành cô giáo trường huyện. Rằng chị sẽ không đi đâu cả, chị sẽ về ở bên tôi, mãi mãi.
Không hiểu sao tôi luôn tin vào điều đó, cũng như tự trong thâm tâm tôi vẫn tin hoa cúc vàng đem lại niềm vui cho tâm hồn, như chị đã từng nói trước đây và như tôi cảm nhận bây giờ.
Giữa những ngày đẹp đẽ tuyệt vời đó, thằng Chửng anh đột nhiên báo cho tôi một tin động trời.
Một buổi trưa, nó đứng lấp ló trước cổng rào hoa giấy ngoắt tôi ra, vẻ cấp bách.
Tôi nhảy ba bước một, chừng năm cú phóng người đã ra tới gốc me.
- Gì vậy? – tôi tò mò hỏi – Vô Bãi Cháy bắn chim hả?
Mặt Chửng anh lấm lét:
- Không phải! Chuyện này quan trọng hơn nhiều!
Bộ tịch lạ lùng của Chửng anh khiến tôi chột dạ. Tôi nhìn nó, nôn nóng:
- Nhưng mà chuyện gì?
- Vườn nhà ông mày có ma! - Chửng anh hạ giọng thì thào.
- Cái gì? – Tôi giật thót – Ai bảo mày vậy?
- Chẳng ai bảo cả! Tao thấy! Thằng Chửng em cũng thấy!
Chửng anh vừa nói vừa rụt cổ khiến tôi rởn tóc gáy. Nhưng tôi vẫn cố trấn tĩnh:
- Ðừng có dóc! Tao ở nhà ông tao mấy năm nay có thấy ma quỷ gì đâu!
Chửng anh đảo mắt nhìn quanh, khẽ giọng:
- Vườn nhà ông mày mới có ma gần đây thôi!
Mặt tôi tái ngắt:
- Mày nói thật không?
- Tao phịa mày làm gì! - Giọng Chửng anh đầy đe dọa - Một con ma tóc dài, đêm đêm nó vẫn lang thang trong vườn nhà ông mày ấy!
- Mày thấy hồi nào? – Tôi hỏi và nghe cổ họng khô khốc.
- Tối hôm qua.
- Xạo đi! – Tôi nhếch mép - Tối hôm qua mày vào vườn nhà ông tao làm gì!
- Thì tao đâu có vào! - Chửng anh chớp mắt - Nửa đêm đau bụng, tao chạy ra ngoài đám khoai mì nhà tao. Ðang nhăn nhăn nhó nhó chưa kịp lấy hơi, tao chợt nghe có tiếng cười khúc khích bên vườn nhà ông mày. Thế là tao nổi tính hiếu kỳ, liền rón rén lại gần và vạch lá dòm sang.
Tôi liếm môi:
- Mày có thấy gì không?
- Dĩ nhiên là thấy.
Tôi nuốt nước bọt:
- Con ma tóc dài hả?
- Ừ, - Chửng anh thè lưỡi – Tóc nó dài tới gót chân. Còn chân nó thì không chạm đất. Nó đang bay lơ lơ lửng lửng.
Tôi thót bụng lại:
- Thế nó có thấy mày không?
- Không! Nếu nó thấy tao, nó đã vặn cổ tao ngay lúc đó rồi, còn đâu mà đứng đây nói chuyện với mày!
Tôi thắc thỏm nhìn về phía vườn sau nhưng tầm mắt bị ngôi nhà án ngữ nên chẳng trông thấy gì, ngoài tán xoài xanh um nhô lên đằng sau mái ngói xỉm màu bám đầy rêu lưu cữu. Tôi liếc Chửng anh, lo lắng hỏi:
- Thằng Chửng em cũng thấy y như mày hả?
- Ừ, nó thấy trước tao hai hôm.
Câu chuyện của Chửng anh làm tôi mất ăn mất ngủ. Tối, tôi đóng kín cánh cửa sổ mở ra vườn dù dạo này về đêm trời thường oi bức. Khuya mắc tiểu, tôi đứng tè ngay hông nhà, không dám chạy ra gốc mít sau vườn như trước. Bây giờ ngay cả ban ngày tôi cũng ít khi bén mảng ra phía sau. Tôi đã thôi đi tha thẩn quanh các gốc xoài, gốc ổi, mắt dõi tìm trái chín trên cao.
Dì Miên không hay biết tất cả những điều đó. Một buổi tối, sai tôi ra sau hè lấy rổ chén dì phơi từ chiều quên đem vô, thấy tôi cứ đứng xớ rớ cả buổi bên gốc cột, dì sầm mặt:
- Trường làm gì mà đứng ì ra thế? Bộ Trường không thèm nghe lời dì nữa hả?
Vẻ giận dỗi của dì Miên khiến tôi bối rối khó tả. Không dám chần chờ, tôi vội rảo bước xuống nhà sau. Nhưng tôi chỉ loanh quanh trong bếp. Nghĩ đến con ma tóc dài Chửng anh mô tả, tôi nghe lạnh toát sống lưng, có cho vàng cũng chẳng dám đặt chân ra hè trong lúc này. Cứ tưởng tượng con ma khủng khiếp kia đang nấp sau kẹt cửa đợi tôi ló đầu ra để vặn cổ, tôi đã hết muốn thở, nói gì đến chuyện bước ra đối đầu với nó.
Ðợi cả tiếng đồng hồ không thấy tăm hơi thằng cháu yêu quí đâu, dì Miên lò dò xuống bếp. Bắt gặp tôi loay hoay bên cái chạn gỗ, mặt mày lấm la lấm lét, dì Miên ngạc nhiên kêu lên:
- Trường làm gì ở đây vậy? - Rồi dì đảo mắt nhìn quanh – Cái rỗ chén đâu?
Tôi gãi cổ:
- Dạ, nó... còn ở ngoài hè.
Miệng dì Miên há hốc:
- Trời đất, nãy giờ Trường làm gì ma chưa đem vô?
- Cháu sợ! – Tôi ấp úng.
Dì Miên tròn xoe mắt:
- Sợ? Trường sợ gì?
- Dạ, sợ... ma.
Lời thú nhận bất ngờ của tôi khiến dì Miên kinh ngạc đến không nhắm mắt lại được.
- Ma? – Dì nhếch mép – Ma ở đâu ra vậy?
- Chính anh em thằng Chửng thấy! – Tôi rụt rè giải thích - Tụi nó kể với cháu.
- Lại hai thằng quỷ con đó! - Dì Miên nhăn mặt – Dì đã cấm Trường chơi với tụi nó rồi mà.
Tôi khụt khịt mũi:
- Thì cháu đâu có chơi. Nhưng đây là tự thằng Chửng anh chạy qua kể với cháu.
Rồi không để dì Miên kịp vặn vẹo lôi thôi, tôi lật đật thuật cho dì nghe những gì Chửng anh đã nói với tôi.
Nghe xong, dì Miên hừ mũi:
- Tụi nó phịa chuyện như vậy mà Trường cũng tin hả?
- Cháu cũng không biết! – Tôi ngập ngừng – Nhưng cháu thấy sờ sợ. Thằng Chửng anh nó kể y như thật.
Dì Miên nhún vai:
- Tụi nó đặt điều đó thôi. Vườn nhà mình trước nay làm gì có ma.
Ðang nói, thình lình dì im bặt, mày nhíu lạị. Thái độ khác lạ của dì khiến tôi cảm thấy chột dạ. Nhưng tôi không dám hỏi, chỉ lặng lẽ nhìn dì và cố đón xem có phải dì thật đã nhớ ra trong vườn ông tôi từng có một con ma như thế hay không.
- Anh em thằng Chửng bảo đó là một con ma tóc dài phải không? - Một lát, dì hỏi, giọng gần như thầm thì.
Thấy dì Miên bắt đầu quan tâm đến con ma trong vườn và không còn bảo anh em thằng Chửng bịa chuyện nữa, tôi sốt sắng đáp:
- Dạ, tóc nó dài lắm. Thằng Chửng anh bảo tóc nó dài tới gót chân lận. Chân nó lại bay là là trên ngọn cỏ chứ không chấm đất...
Tôi đang tính thêm mắm dặm muối để mô tả con ma cho thật rùng rợn thì dì Miên cắt ngang:
- Thôi đủ rồi! Trường đừng có bốc phét nữa.
Dì Miên làm tôi tự ái quá chừng.
- Cháu bốc phét hồi nào! – Tôi gân cổ - Chính thằng Chửng anh bảo như vậy mà.
Dì Miên mấp máy môi định nói gì đó nhưng cuối cùng dì ngừng lại, chỉ lườm tôi một cái rồi quay lưng bỏ lên nhà trên. Có vẻ như dì chẳng muốn tiếp tục về đề tài này nữa.
Trong khi tôi đang hoang mang trố mắt nhìn theo, đột nhiên dì quay lại, mặt nghiêm nghị:
- Trường đừng có nói cho ông biết chuyện này nhé!
- Sao thế? – Tôi ngơ ngác.
- Ông sẽ mắng cho bây giờ! - Giọng dì Miên dọa dẫm – Ông chẳng bao giờ tin chuyện ma quỷ đâu.
Lần này nói xong, dì đi luôn.
Sực nhớ đến cái rổ chén vẫn còn ở ngoài hè, tôi định ngoác miệng kêu dì nhưng vừa đảo mắt nhìn quanh căn bếp vắng ngắt và lạnh lẽo, thêm vào đó ngọn đèn dầu trên nóc chạn cứ chốc chốc lại lập lòe như ánh ma trơi, thốt nhiên tôi bỗng rùng mình và thế là không nói không rằng tôi ba chân bốn cắng vội vã phóng theo dì.
******
Câu chuyện về con ma tóc dài nhanh chóng trở thành đề tài hấp dẫn đối với tôi và anh em thằng Chửng.
Hầu như mỗi khi gặp nhau, ba đứa tôi đều háo hức chụm đầu lại thì thầm bàn tán sôi nổi về con ma mới phát hiện trong vườn ông tôi này. Vừa thích thú vừa sợ hãi, chúng tôi xích sát vào nhau, rì rà rì rầm với vẻ hào hứng và thi nhau bịa thêm biết bao nhiêu là chuyện, chuyện nào cũng hãi hùng đến mức người nghe có thể tè vãi ra quần. Và trong lúc huênh hoang tha hồ như thế, ba đứa tôi không quên thận trọng dáo dác nhìn quanh và cứ chốc chốc lại giật bắn mình bởi những tiếng xào xạc vu vơ trong các vòm lá hoặc tiếng lạo xạo phát ra từ một con rắn mối ngốc nghếch nào đó đang trườn ngang thân gỗ mục.
Anh em thằng Chửng vốn bạo dạn hơn tôi nhưng trước một đối thủ như con ma lạ hoắc này, nom tụi nó cũng chẳng anh hùng gì.
Cũng như tôi, từ ngày con ma tóc dài xuất hiện, anh em tụi nó đã thôi lảng vảng hàng giờ trong vườn nhà ông tôi bắn xoài thi vào những trưa đứng bóng, không còn rảo dọc bờ mương đầy cá lòng tong bao quanh hàng rào và khản cổ giành nhau những cọng cỏ gà tươi tốt nhất nữa. Thậm chí dạo này anh em tụi nó cũng không dám bén mảng ra đám khoai mì kế vườn nhà ông tôi để làm cái chuyện cực kỳ quan trọng kia. Nửa đêm sôi bụng, tụi nó đành vác cuốc chạy ra bờ tre phía hông nhà đối diện, nhấp nha nhấp nhổm mong cho chóng xong để chui tọt vào nhà.
Anh em thằng Chửng sợ một, tôi sợ mười. Bởi tôi hằng ngày phải sống kề cận với con ma, nói tóm lại, tôi ở ngay trong tầm kiểm sóat của nó, nhất cử nhất động của tôi đều bị nó theo dõi chặt chẽ và khi hứng lên nó có thể bắt hồn tôi bất cứ lúc nào.
Nhưng sợ, tôi vẫn cứ muốn thì thào về nó. Với những chuyện như thế này, có lẽ không đứa trẻ nào có thể để yên trong bụng mà không cảm thấy bồn chồn khó chịu. Nhưng kháo nhau với anh em thằng Chửng mãi cũng chán. Khổ nỗi, ngoài chúng ra, tôi thật chẳng biết phải tâm sự với ai.
Từ hôm buộc phải gãi đến tróc cả da vì mấy chiếc lá nàng hai của thằng Chửng em, anh Ðiền hầu như không trò chuyện với tôi nữa. Chị Ngà đã bỏ qua chuyện đó nhưng anh thì không. Mỗi khi gặp tôi, mặt anh cứ hầm hầm.
Tôi cũng không thể kể chuyện này với ông. Dì Miên đã dặn tôi không được nói cho ông biết. Ông biết, ông sẽ mắn cho.
Như vậy, chỉ còn chị Ngà. Nhưng chị Ngà là chúa nhát. Con sâu cái kiến bé tẹo kia cũng đủ khiến chị run bắn, huống gì... con ma. Tôi một lòng yêu mến chị nên không muốn làm chị hoảng sợ. Chị xinh đẹp nhưng có một chút gì đó mỏng manh, yếu đuối. Nếu biết trong vườn có một con ma tóc dài tối tối vẫn đi lang thang trên các khóm cây ngọn cỏ, hẳn chị sẽ chết khiếp và chắc chắn sẽ không tài nào chợp mắt được.
Rốt cuộc tôi đành phải thầm thì với bà Sáu. Bà Sáu há hốc miệng nghe tôi kể, mặt lộ vẻ xao xuyến.
Khi tôi ngừng lời, bà cúi đầu lẩm bẩm:
- Vậy đúng là cô ấy rồi!
- Cô nào kia bà? - Tôi hỏi và bất giác xích lại gần bà.
- Một cô gái! - Giọng bà Sáu trầm ngâm – Cô ấy chết đã nhiều năm rồi. Hồi ấy bà còn bé tí, còn cháu thì đang ở đâu trong bụng mẹ ấy.
- Cô ấy là ai vậy hở bà?
- Bà không biết! – Bà Sáu lim dim mắt – Hình như đó là một người ăn xin. Cô ấy còn trẻ, nhưng gầy gò, tiều tụy. Một buổi sáng, bà mở cửa ra quét sân đã thấy cô ấy nằm chết ngay trước ngõ nhà mình.
Tôi liếm môi:
- Thế người thân của cô ấy đâu?
- Cô ấy không có người thân! – Bà Sáu chép miệng – Nhà mình quàng cô ấy ba, bốn ngày và cho thông báo khắp làng nhưng nhưng không có ai đến nhận, cuối cùng đành phải chôn cô ấy trong vườn.
Giọng bà Sáu chậm rãi, khoan thai nhưng tôi nghe như một luồng khí lạnh luồn vào áo tôi và chạy dọc sống lưng.
- Chôn ngay trong vườn nhà mình hở bà? – Tôi hỏi, bụng thót lại.
- Ừ, chôn đằng góc vườn, chỗ cây duối ấy!
Tôi biết cây duối mà bà Sáu nói. Ðó là cây duối um tùm và nhiều trái chín nhất trong vườn. Nó nằm ở cuối vườn, kế cây ổi cao nghều và cũng trĩu trái không kém. Nhiều năm về trước, tôi thường quẩn quanh hằng giờ bên gốc duối này và mê mẩn hái những trái duối chín vàng nhét đầy hai túi áo để sau đó ăn không hết phải tiếc rẻ vứt đi. Nhưng tôi không biết có một ngôi mộ hoang nằm ở ngay đó. Chẳng ai nói với tôi điều này. Thỉnh thoảng, vào các dịp lễ tết hay rằm tháng bảy tôi có trông thấy bà Sáu lui cui thắp nhang khấn khấn vái vái nhưng cứ nghĩ bà cúng thổ địa nên cũng chẳng hỏi han.
Tôi nhìn bà Sáu đang ngồi trầm mặc bất động trên chiếc chõng tre, lo lắng hỏi:
- thế con ma tóc dài kia chính là cô ấy hiện về đấy hở bà?
- Ừ! - Giọng bà Sáu bỗng trở nên huyền bí - Ðấy là oan hồn uổng tử, cháu chớ có trêu vào!
- Cháu đâu có trêu! – Tôi chớp mắt – Nhưng cháu vẫn thấy sờ sợ thế nào!
- Tốt nhất là cháu đừng nên ra vườn ban đêm! Như vậy thì chẳng phải sợ gì!
Lời căn dặn của bà Sáu dĩ nhiên là thừa. Ðã lâu rồi, tôi không còn ra vườn ban đêm nữa. Dù sao khi nghe bà nói vậy, tôi cũng cảm thấy yên tâm được phần nào.
Sự tích về con ma tóc dài tới tai anh em thằng Chửng liền ngay sáu đó. Tụi nó ngồi nghe tôi kể mà cặp mắt cứ láo liên sợ sệt. Cũng như tôi, tụi nó không hề biết con ma tóc dài đã mai phục trong vườn nhà ông tôi từ rất lâu rồi và tất cả những trò nghịch phá của tụi nó từ trước đến nay đều đã được ghi trong sổ âm hồn và sớm muộn gì cũng bị đem ra xét xử.
Chửng anh mặt xanh lè:
- Thế thì chết tao rồi! Chơi trong vườn nhà mày, mỗi lần mắc tiểu tao cứ tè ngay gốc duối!
Tôi trợn mắt:
- Vậy là mày phải tội nặng rồi. Trước sau gì mày cũng bị bí tiểu, rặn hoài không ra!
Miệng Chửng anh méo xệch:
- Nhưng tao đâu biết có một ngôi mộ nằm ngay đó!
- biết hay không cũng vậy thôi! – Tôi nhún vai - Hễ tè ngay chỗ đó là nguy rồi! Bà sáu bảo oan hồn uổng tử chớ có trêu vào!
Thấy tôi đem bà Sáu ra hù, Chửng anh nghệt mặt lo sợ. Mãi một lúc, nó mới nghĩ ra được một lối thoát:
- Rằm này tao sẽ thắp nhang. Tao sẽ khấn vái, bảo là tao không cố ý!
Tôi gật gù:
- Ừ, vậy thì may ra!
Kể từ bữa đó, anh em thằng Chửng hoàn toàn cạch mặt khu vườn. Thậm chí ban ngày tụi nó cũng không dám đi dọc ngoài bờ rào.
Không còn là sân chơi tuổi nhỏ, vườn nhà ông tôi bỗng trở nên tĩnh mịch hoang vắng, trái chín rụng đầy nằm lẫn trong đám lá khô suốt ngày xào xạc và trong lũ cỏ dại đã thôi um tùm khi mùa mưa chấm dứt nhưng vẫn đủ dày để quang cảnh trong vườn nom lạnh lẽo, âm u.

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 374

Return to top