Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đi Qua Hoa Cúc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 55370 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đi Qua Hoa Cúc
Nguyễn nhật Ánh

Chương 3
Tôi mới đi với chị Ngà hôm trước, hôm sau anh em thằng Chửng đã biết liền.
Gặp tôi ngoài đầu ngõ, Chửng anh nháy nháy mắt:
- Hôm qua mày đi chơi với con nhỏ nào vậy?
Tôi ngớ người:
- Con nhỏ nào đâu?
Chửng anh cười hề hề:
- Con nhỏ ngoài suối đó!
Tôi cau mặt:
- Ðó không phải là con nhỏ. Ðó là chị Ngà, bạn của dì Miên tao.
Chửng anh trố mắt:
- Bạn của dì mày?
- Ừ.
- Nó ở đâu đến đây vậy?
- Mày đừng gọi bằng “nó”! - Tôi “sửa lưng” Chửng anh - Chị Ngà là bạn của dì tao, mày phải kêu bằng chị!
Chửng em đứng bên cạnh vọt miệng:
- Chị cái mốc xì! Tao cứ kêu bằng nó!
Giọng điệu xấc xược của Chửng em khiến tôi cáu tiết. Tôi mím môi:
- Nếu vậy, tao không thèm nói chuyện với mày nữa.
- Tao cũng cóc thèm nói chuyện với mày! - Mặt Chửng em câng câng.
Chửng em dễ ghét bao nhiêu thì Chửng anh dễ thương bấy nhiêu. Thấy tôi nổi khùng, nó xuống nước liền:
- Chỉ ở thành phố về hả?
Sự thay đổi cách xưng hô của Chửng anh khiến tôi mát lòng mát dạ quá chừng. Tôi vui vẻ:
- Ừ, chỉ ở thành phố về.
Chửng anh xuýt xoa:
- Hèn gì nước da chỉ trắng tinh! Chả bù với con gái làng mình!
Nghe Chửng anh khen chị Ngà, tôi hào hứng bốc phét:
- Chỉ là hoa khôi thành phố đó!
- Hoa khôi là sao?
- Mày ngốc quá! Hoa khôi tức là người đẹp nhất. Con gái thành phố không ai đẹp bằng chỉ.
Mắt Chửng anh lộ vẻ thán phục. Nó liếm môi:
- Chỉ về đây chơi hả?
Tôi “xì” một tiếng:
- Hoa khôi ai lại đi chơi! Mày làm như mày không bằng! chỉ về đây ôn thi với dì Miên tao. Năm nay chỉ thi tú tài.
Chửng anh thè lưỡi:
- Giỏi quá hén! Con gái mà thi tú tài!
Cái thằng này, tôi nhủ bụng, nó làm như chỉ có bọn con trai là học giỏi, còn đám con gái chẳng biết gì ngoài chuyện mò cua bắt ốc! Nhưng tôi biết Chửng anh không a dua lấy lòng tôi. Tôi biết nó trầm trồ thành thật. Bởi từ khi cha sinh mẹ đẻ tới nay, có lẽ nó chưa từng thấy một đứa con gái nào đỗ tú tài. Con gái làng tôi hầu hết chỉ học tới lớp năm. Ðứa nào cố lắm cũng lẹt đẹt thêm vài năm cấp hai rồi cuối cùng cũng bỏ ngang, về nhà làm ruộng. Chỉ có dì Miên là ngoại lệ. Ông tôi sống ở làng nhưng không theo nghề làm ruộng. Ông bỏ xứ ra đi từ nhỏ, sau trở về làng lấy vợ đẻ con, chữa bệnh cứu người. Là dân “Tây học”, trọng chữ nghĩa, ông quyết chí cho đứa con gái út học hành đến nơi đến chốn.
Thấy chửng anh cứ đứng ngẩn người, tôi sực nhớ đến chuyện hôm qua, liền khoe tiếp:
- Chị Ngà bơi giỏi lắm nghen mày. Giỏi hơn tụi mình gấp trăm lần.
Tôi nói với Chửng anh nhưng Chửng em lại ngứa miệng chen vô, chắc nó tự ái khi nghe tôi quảng cáo tài bơi lội của chị Ngà:
- Lại xạo đi! Chỉ sống ở thành phố làm sao bơi giỏi hơn dân quê mình được?
Chửng em đúng là thằng trời đánh. Nó không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để cà khịa tôi. Nhưng nghe nó tự động gọi chị Ngà bằng “chị”, tôi nguôi nguôi trong bụng, không thèm “độp” lại nó. Tôi chậm rãi giải thích:
- Ở thành phố không có suối nhưng có cả trăm hồ bơi lận. Ngày nào chị Ngà chẳng đi bơi.
Thấy không bắt bẻ gì tôi được, Chửng em quay sang “kế” khác. Nó bĩu môi:
- Bơi lội thì có gì hay ho! Thua xa trò bắn chim! Chị Ngà mày có biết bắn chim không?
Tôi nhún vai:
- Con gái ai lại chơi trò bắn chim.
Chửng em nheo mắt, giọng khinh mạn:
- Không biết bắn chim coi như đồ bỏ đi.
Thái độ khiêu khích của thằng oắt này khiến tôi nổi điên. Tôi hậm hực vung tay:
- Chị Ngà tao thèm vào trò bắn chim. Chỉ còn dặn tao đừng bao giờ bắn chim nữa. Trò đó ác nhất trên đời!
- Hi hi, bắn chim mà ác! Mô phật!
Vừa nói Chửng em vừa chắp hai tay trước ngực.
Chửng anh không giễu cợt tôi. Nó chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò, khẽ hỏi:
- Chị Ngà mày nói vậy, nếu bây giờ tụi tao rủ mày đi bắn chim, mày có đi không?
Tôi ngần ngừ:
- Tao cũng chẳng biết.
Chửng anh ngó tôi chăm chăm:
- Hoặc là đi hoặc là không, chứ sao lại chẳng biết?
Ðôi mắt của Chửng anh như hai mũi khoan xuyên vào tim tôi. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó. Tôi quay đầu ngó lơ chỗ khác, miệng ấp a ấp úng chẳng biết trả lời như thế nào.
Chửng em bỗng cười lên hô hố:
- Tao biết tỏng bụng dạ mày rồi, Trường ơi! Mày mê gái nên mày không dám đi bắn chim chứ gì!
- Mày đừng có nói bậy! - Tôi đỏ mặt kêu lên.
- Tao mà nói bậy, tao đi đầu xuống đất liền! Mày mê chị Ngà, mày sợ làm trái lời dặn của chỉ, chỉ sẽ ghét mày, đúng không?
- Ðúng cái mốc xì!
Vừa nói, tôi vừa cúi xuống nhặt lên một hòn đất. Nhưng Chửng em đã nhanh chân vọt ra xa đứng cười khọt khẹt y như Tề Thiên làm trò. Nó làm tôi xấu hổ chín người.
Trong lúc tôi đang vô cùng bối rối, Chửng anh đột nhiên mở miệng bênh vực tôi. Nó nhìn tôi và mỉm cười thân thiện:
- Thằng Chửng em nói bậy quá mày hén?
Như kẻ chết đuối vớ được cọc, tôi mau mắn:
- Ừ, nó là chúa nói bậy! Nó chẳng bằng mày lấy một góc!
Thấy tôi giở giọng nịnh nọt, Chửng anh khoái lắm. Nó cười híp mắt. Rồi chép miệng nói:
- Tao biết mày chẳng mê chị Ngà chút xíu nào!
- Ừ, tao đâu có mê.
Tôi vộ vã đáp, bụng thầm cảm ơn Chửng anh quá xá. Nào ngờ tôi vừa nói xong, nó bỗng tiếp:
- Mày không mê nhưng mày... thích!
Lời “phán” đột ngột của Chửng anh khiến tôi chưng hửng. Tôi giương mắt ếch lên nhìn nó, miệng ú ớ như bị ai nhét giẻ vào mồm.
- Có gì mà mày phải ngẩn tò te ra vậy? - Chửng anh vỗ vai tôi, cười hì hì - Chị Ngà đẹp như tiên, ai mà chẳng thích!
Tôi chẳng hiểu Chửng anh nói như vậy là tỏ lộ đồng tình hay ngụ ý xiên xỏ, đành đỏ mặt ngọng nghịu:
- Nhưng mà tao... nhưng mà tao...
Biết tôi mắc cỡ, Chửng anh hắng giọng trấn an:
- Thì mày thích chị Ngà cũng giống như mày thích dì Miên vậy thôi! Có gì phải chối!
- Ờ, ờ, đúng rồi! – Tôi lật đật - Trước nay tao vẫn coi chị Ngà giống như dì Miên tao...
Tôi nói chưa dứt câu, Chửng em đứng ngoài xa vọt miệng bô bô:
- Giống như sao được mà giống như! Dì Miên là dì mày, còn chị Ngà là người dưng nước lã, muốn cưới làm vợ lúc nào cũng được, vậy mà bảo là “giống như”!
Lời lẽ mất dạy của Chửng em khiến tôi không giữ nổi bình tĩnh. Vừa thẹn vừa tức, tôi cúi nhặt hai hòn đất to tổ bố và co giò rượt theo nó.
Nhưng tôi mới chạy được hai, ba bước, Chửng anh đã đuổi theo níu vai tôi lại:
- Kệ xác nó! Thằng đó ngày nào mà chẳng nói bậy, đuổi theo nó làm chi!
Tôi nghiếng răng, hổn hển:
- Tao phải đập cho nó một trận!
- Thôi bỏ đi! - Chửng anh can, rồi nó rủ - Giờ tao với mày đi chơi!
- Ði đâu?
- Vô Bãi Cháy bắn chim.
- Bắn chim? – Tôi há hốc miệng, hai hòn đất trên tay rớt xuống chân.
- Ừ! - Chửng anh gật đầu - Bắn xong, xách chim về nhà tao nướng ăn chơi. Mày không đem chim về nhà, chị Ngà đâu có biết.
Ðề nghị của Chửng anh sáng suốt quá chừng. Ừ, bắn chim xong, tót về nhà anh em thằng Chửng, có tài thánh chị Ngà mới hòng mò ra! Nghĩ đến món thịt chim nướng lá chanh, tôi nuốt nướt bọt đánh ực và hăm hở đi theo Chửng anh.
*****
Không phải chỉ có anh em thằng Chửng bảo tôi thích chị Ngà. Ngay cả dì Miên cũng bảo vậy.
Một hôm tôi đang ngồi chẻ lạt sau nhà, kế bên cửa sổ phòng học của dì Miên, bỗng nghe dì kêu:
- Ngà ơi Ngà!
- Gì vậy Miên? - Tiếng chị Ngà hỏi lại.
- Cái ngòi viết của tao hư rồi.
- Sao vậy?
- Nó rớt xuống đất.
- Thì thay ngòi khác.
- Có đâu mà thay! Phải ra huyện mới mua được!
- Lát chiều tao với mày đi.
- Không được! Chiều nay tao phải đi xay gạo dùm cho bà Sáu.
- Vậy nhờ Trường đi mua giùm cho!
- Trời ơi, thằng đó mà nhờ! Cúng cho nó ít tiền, thuê nó đi thì họa may.
Tôi giật thót người, không ngờ dì Miên lại nỡ bêu xấu thằng cháu yêu quý trước mặt chị Ngà như vậy. Câu nói độc địa của dì khiến tôi giận tím gan, mặc dù suy cho cùng những điều dì nói không xa sự thật là bao. Trong khi tôi đang lưỡng lự không biết có nên lên tiếng “phản kích” hay không thì chị Ngà bật cười khúc khích:
- Cháu mày đâu có tệ dữ vậy. Nếu mày không nhờ thì để tao nhờ giùm cho.
- Mày nhờ thì lại khác! - Giọng dì Miên nửa đùa nửa thật – Tao kêu, nó không đi nhưng mày kêu thì nó đi liền.
Câu nói ỡm ờ của dì Miên khiến tôi đâm chột dạ, suýt chút nữa lưỡi rựa liếm đứt ngón tay.
Trong nhà bỗng vang lên tiếng la “oai oái”. Rồi tiếng chị Ngà gầm gừ:
- Nói bậy nè!
- Bậy gì! Chẳng phải thằng cháu tao lúc nào cũng nghe lời mày răm rắp sao?
- Thì nó cũng nghe lời mày vậy!
- Tết Công Gô nó mới nghe lời tao!
Chị Ngà cười:
- Ai bảo mày hay ỷ lớn ăn hiếp nó chi!
Dì Miên khịt mũi:
- Không phải vì tao hay ăn hiếp nó mà chính vì nó thích mày.
- Ðủ rồi nghen! - Chị Ngà la lên – Tao chỉ coi nó như em thôi. Mày đừng có gán ghép bậy bạ.
Khi chị Ngà thốt ra câu nói đó, chị không biết tôi đang ngồi nghe lỏm ngoài hè, vì vậy chị không biết rằng chị vừa giáng vào ngực tôi một nhát búa nặng nề. Từ nãy đến giờ, những lời trêu chọc của dì Miên khiến tôi vừa sợ vừa ngượng, người cứ giật thon thót. Nhưng bên cạnh nỗi hoang mang run rẩy đó, tôi vẫn cảm thấy một niềm xao xuyến nhẹ nhàng đang len lỏi vào trái tim tôi và tôi cứ thầm mong cái cảm giác dễ chịu đó kéo dài không bao giờ dứt. Nhưng chị Ngà đã kéo tôi ra khỏi giất mơ ngắn ngủi. Câu nói của chị khiến tôi đâm bần thần, mặc dù tôi không hiểu tại sao. Kể từ đêm lều trại năm nào nằm bên cạnh chị cho đến tận lúc này, bao giờ tôi cũng xem chị là chị và điều đó dường như chẳng hề thay đổi. Vậy mà khi nghe chị bảo chị xem tôi như em, đột nhiên tôi buồn bã quá chừng. Tôi cảm thấy như vừa đánh mất một điều gì kỳ thú.
Lòng tổn thương, tôi cầm lên chiếc rựa và nhặt nhanh những sợi lạt vương vãi, lủi thủi lần ra sau bếp.
Trưa đó, ăn cơm xong, chị Ngà ngoắt tôi:
- Trường ơi! Lại chị nói cái này cho nghe nè!
Tôi biết tỏng chị định nhờ tôi đạp xe ra huyện nhưng vẫn thản nhiên bước lại:
- Gì vậy chị?
- Chiều nay Truờng rảnh không?
- Tôi tính nói rảnh nhưng thấy dì Miên ngồi đó, bèn lắc đầu:
- Chiều nay em bận rồi.
Ðôi mắt chị Ngà thoáng lộ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ vì đây là lần đầu tiên chị thấy tôi trả lời trái ý chị. Ngần ngừ một thoáng, chị tò mò hỏi, giọng xuôi xị:
- Trường bận chuyện gì vậy?
Vẻ thất vọng của chị khiến tôi áy náy vô kể nhưng sợ bị dì Miên chọc, tôi đành phải bấm bụng phịa tiếp:
- Chiều nay em phải xuống xóm Cây Duối với anh em thằng Chửng.
- Chi vậy?
- Tụi em đi tát cá.
- Trường cứ đi chơi lông bông với tụi thằng Chửng hoài! Không lo coi lại bài vở gì hết! – Dì Miên chợt chen tiếng trách.
- Tối nào mà cháu chẳng ngồi học! – Tôi chống chế.
Thật ra tuần lễ bảy buổi, tôi chỉ ngồi vào bàn được chừng hai buổi. Những ngày còn lại, hôm nào tôi cũng đi chơi đến tối mờ tối mịt, về nhà ăn qua loa vài miếng cơm là tôi tót lên phản, ngủ thẳng cẳng.
Nhưng lúc này, dì Miên không có thì giờ để hỏi tội tôi. Dì lo thu dọn chén đũa vào mâm, bưng xuống bếp. Thấy chị Ngà định bưng rế cơm đi theo, tôi liền gọi giật:
- Chị Ngà.
- Gì Trường?
- Khi nãy chị hỏi em rảnh không chi vậy?
- Chị định nhờ Trường đi mua đồ giùm chị.
Tôi giả ngốc:
- Mua gì vậy chị?
- Ngòi viết.
- Ra ngoài huyện hả?
- Ừ, nhưng Trường bận thì thôi!
Tôi cười:
- Ðể em đi mua cho!
- Chị Ngà tròn xoe mắt:
- Sao khi nãy Trường bảo Trường bận đi tát cá?
Tôi chớp mắt:
- Thì bây giờ em không đi nữa! Cá thì lúc nào tát chẳng được!
Nghe tôi nói vậy, chị Ngà không hỏi nữa. Mà mỉm cười:
- Trường ngoan ghê!
Chị Ngà khen tôi như khen một đứa bé. Tôi đỏ bừng mặt định ngoác miệng phản đối nhưng khi chạm phải tia nhìn dịu dàng của chị, không hiểu sao tôi lại ngoảnh mặt đi.
Tôi la cà ngoài huyện suốt cả buổi chiều. Mua ngòi viết chỉ nhoáng một cái là xong, nhưng tôi ghé thằng bạn này một chút, thằng bạn kia một chút, lúc về tới cầu Cẩm Lễ, mặt trời đã xuống khỏi ngọn tre.
Chị Ngà ngồi trước sân, bên hàng hoa cúc, ngoảnh nhìn tôi:
- Sao Trường đi lâu dữ vậy?
- Em chơi nhà mấy đứa bạn.
Tôi đáp và chạy xe vòng ra sau hè.
Ông tôi giờ này đi thăm bệnh, chắc còn lâu mới về. Ông chạy chiếc mobylette cũ kỹ màu trắng sữa, nom giống hệt con ngựa trời. Thường, học trò chở ông đi. Nhưng tháng trước, ông vừa đuổi một anh chàng gian lận. Không còn người xách tráp đi theo, cũng chẳng có ai thúc giục, ông thường ở chơi với gia chủ đến tận chiều tối. Dì Miên cũng đi đâu mất biến, nhà vắng hoe. Xay gạo xong, chắc dì còn ngồi chơi bên bà Sáu.
Tôi thắp đèn bưng lên nhà trên và nhìn ra sân. Chị Ngà vẫn còn ngồi chỗ cũ, chiếc áo bà ba trắng nhòa lẫn giữa màu hoa vàng nom giống hệt bức tranh Giáng Kiều treo ở nhà bà tôi.
Tôi cầm chiếc ngòi viết ra sân:
- Ngòi viết của chị nè.
- Cảm ơn Trường nghen.
Chị Ngà cầm lấy ngòi viết nhưng vẫn không rời khỏi khúc gỗ làm đòn kê. Hai tay chị lại bó gối. Tôi nói:
- Sao chị không vô nhà? Ngồi đây muỗi cắn chết!
- Lát nữa chị vô.
- Ngần ngừ một lát, tôi không kềm được thắc mắc:
- Chị ngồi đây chi vậy?
Chị Ngà mỉm cười:
- Chơi vậy thôi! Chị ngồi ngắm hoa.
Tôi ngạc nhiên:
- Hoa gì? Hoa cúc này đây hả?
- Ừ.
Tôi hắn giọng:
- Hoa cúc có gì mà ngắm. Trông nó chán phèo, chỉ được mỗi cái ướp trà cho ông.
Chị Ngà đưa tay vuốt tóc và khẽ liếc tôi:
- Tại Trường không thích Trường nói vậy thôi. Thích mới thấy nó đẹp . Cúc vàng đem lại niềm vui cho tâm hồn.
Lần đầu tiên tôi nghe điều này. Hoa cúc trồng trước sân nhà ông tôi đã lâu nhưng chưa có ai nói với tôi rằng nó đem lại niềm vui cho tâm hồn. Tôi nhìn chị Ngà, chớp mắt hỏi:
- Thế còn cúc trắng?
- Cúc trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Nhưng cúc trắng lại kém huy hoàng. Chị thích cúc vàng hơn! - Giọng chị Ngà mơ màng.
Tôi bâng khuâng lướt mắt trên những đóa cúc vàng. Tôi chẳng thấy chúng huy hoàng chút nào. So với vẻ lộng lẫy của dãy hoa giấy um tùm tước cổng, chúng mờ nhạt hơn nhiều. Nhưng dù sao, ngắm nghía lũ hoa cúc một hồi, lòng tôi cũng cảm thấy vui vui. Ðiều này thì chị Ngà nói đúng. Tuy nhiên, niềm vui của tôi không phải đến từ hoa cúc mà đến từ nỗi hân hoan lấp lánh trên gương mặt khả ái của chị. Bao giờ tôi cũng vui với những gì chị vui và yêu thích với những gì chị thích, chẳng rõ tại sao. Ngay cả trò bắn chim đã một thời làm tôi mê mẩn bây giờ cũng chẳng còn cuốn hút tôi nữa, một khi tôi biết chị không ưa.
Chị Ngà không rõ tất cả những điều đó. Thấy tôi đột ngột chạy ra sau vườn xách một gàu nước đem lên, chị ngơ ngác hỏi:
- Trường làm gì vậy?
- Em tưới hoa.
- Khi nãy chị tưới rồi.
- Tưới rồi thì tưới nữa.
Chị Ngà dòm tôi lom lom:
- Sao bữa nay Trường siêng dữ vậy?
- Ừ.
Câu trả lời lửng lơ của tôi khiến chị Ngà nhăn mặt:
- Ừ là sao?
Tôi cười:
- Em thích thì em tưới chứ là sao! Em thích hoa cúc. Cũng như chị vậy.
Chị Ngà càng ngẩn ngơ:
- Sao khi nãy em bảo hoa cúc trông chán phèo?
- Khi nãy khác, bây giờ khác! - Tôi khịt mũi – Bây giời thì em thích. Hoa cúc đem lại niềm vui cho tâm hồn.
Chị Ngà cười khúc khích:
- Trường xạo ghê!
Miệng bảo tôi xạo nhưng đôi mắt chị Ngà lại nhìn tôi long lanh ấm áp. Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy ai có đôi mắt đẹp đẽ đến nồng nàn như vậy. Tôi đọc thấy trong đó sự rạng rỡ không che giấu. Tôi cũng đọc thấy trong đó nỗi rộn ràng khó tả của trái tim tôi. Người run lên, tôi không đủ can đảm nhìn lâu hơn vào đôi mắt đầy quyến rũ kia nữa. Mà cúi xuống chiếc gàu mo cau sóng sánh nước trên tay.
Tôi khẽ nghiêng gàu cho những giọt nước xôn xao rơi ngập ngừng trên hoa vàng lá biếc. Hay đó chính là lòng tôi đang ngẩn ngơ nghiêng xuống mối tình đầu?
*****
Từ hôm đó, tôi bỗng đem lòng yêu hoa cúc. Cụm hoa vàng trước nay vẫn nằm ngơ ngác ở đầu sân, tôi chẳng thèm ngó ngàng nửa mắt bỗng trở thành mối bận tâm của tôi sáng sáng chiều chiều. Trời tinh mơ, tôi đã chạy ra sân thăm hoa tỉa lá. Tôi bắt chước chị Ngà xăm đất để cây lên. Buổi chiều, khi những giọt nắng cuối ngày bò dần lên ngọn me cao, tôi lon ton chạy ra giếng đá sau vườn, thả gàu múc nước.
Trước nay, múc nước tưới hoa là nhiệm vụ của dì Miên. Những ngày dì Miên đi học xa, bà Sáu chiều chiều qua tưới giúp. Hè năm nay thêm một chị Ngà. Còn tôi, bốn năm ròng ăn học ở nhà ông, chưa hề rớ tới chiếc gàu, nói gì đến chuyện xách nước từ vườn sau đem ra sân trước. Vậy mà bây giờ chiều nào tôi cũng sốt sắng tưới hoa, không cho ai giành phần một bữa.
Trước sự hăm hở của tôi, dì Miên không khỏi lạ lùng. Dì nhìn tôi và hỏi:
- Sao bỗng dưng Trường siêng bất tử vậy?
Ðoán trước thế nào dì Miên cũng hỏi câu này, tôi đáp tỉnh:
- Cháu tập thể dục.
- Tập thể dục cho mau lớn hả?
Không nghĩ dì Miên âm mưu giăng bẫy, tôi vui vẻ gật đầu:
- Ừ, cho mau lớn.
- Trường mong cho mau lớn để cưới vợ chứ gì!
Dì Miên vừa trêu vừa cười khúch khích.
- Dì nói gì đâu không! Chỉ có dì ham lấy chồng thì có!
Phản công một câu, tôi vội vàng xách gàu lảng mất.
Tôi tránh được dì Miên, lại đụng đầu anh em thằng Chửng. Hai tên yêu quái này đứng rình rập bên giậu bìm bìm nãy giờ, nhưng thấy chị Ngà ngồi đó nên không dám xộc vào. Một lát sau, đợi chị Ngà bỏ vô bếp thổi cơm, Chửng anh mới ló đầu khỏi hàng rào, ngoắt tôi:
- Ê, Trường!
Tôi ngẩng đầu ngó ra, tay vẫn nắm chặt chiếc gàu. Ðiệu bộ thập thò của Chửng anh khiến tôi ngạc nhiên:
- Vô đây đi! Mày làm gì mà lén lén lút lút như ăn trộm vậy?
Hai cái đầu húi cua liền thò ra. Hóa ra có cả thằng Chửng em. Hai đứa chui ra khỏi đám dây leo rồi chụm chân nhảy qua con mương đầy cỏ lưỡi rắn. Vừa tiến về phía tôi, Chứng anh vừa cười hề hề:
- Tao sợ chị Ngà thấy.
- Thấy thì thấy, ăn nhằm gì!
- Sao lại không ăn nhằm gì! Chỉ sẽ méc với dì Miên mày! Hôm trước mày bảo dì mày cấm mày chơi với tụi tao mà!
Tôi thở dài:
- Dì tao chỉ nói vậy thôi! Dì tao sợ tao đi chơi hoài, sẽ bỏ bê học tập!
- Mày đang nghỉ hè kia mà!
- Nghỉ hè vẫn phải ôn tập! - Tôi chép miệng.
Chửng anh không hỏi nữa. Nó bước lại ngồi trên khúc gỗ chị Ngà vừa ngồi, nói:
- Êm gớm!
Khúc gỗ cứng ngắc mà nó la êm. Tôi không biết nó khen thật hay ngụ ý xiên xỏ chuyện chi. Chửng em ít làm bộ làm tịch hơn. Nó nheo mắt nhìn tôi, hỏi thẳng:
- Sao dạo này mày siêng dữ vậy?
Tôi chột dạ:
- Siêng gì đâu?
Chửng em khịt mũi:
- Tao thấy ngày nào mày cũng múc nước tưới hoa!
- Thì trước giờ vẫn vậy! - Tôi chống chế.
- Trước giờ cái mốc xì! - Chửng em cười mũi – Mày là chúa làm biếng, ai chắng biết!
Thấy nói dối như vừa rồi không ăn thua, tôi loay hoay tìm lý do khác. Tôi định nói là tôi “tập thể dục” nhưng lý do này không gạt được dì Miên, làm sao gạt nổi anh em thằng Chửng. Nghĩ ngợi một thoáng, tôi ngập ngừng giải thích:
- Ðúng ra thì tao làm... theo lệnh của dì tao!
Chửng em đúng là yêu quái thứ thiệt. Nó bĩu môi:
- Dì mày mà sai được mày! Tao không tin! Mày làm theo lệnh của chị Ngà mày thì có!
Chị Ngà không hề bảo tôi tưới hoa. Nhưng tôi tưới hoa chính là vì chị. Vì vậy, tôi đỏ mặt:

- Mày chỉ nói bậy!
Chửng em cười trâng tráo:
- Tao nói bậy sao mày lại đỏ mặt?
Chửng em rặt một giọng khích bác. Bao giờ đấu khẩu với nó, tôi cũng chỉ muốn đánh nhau. Lần này cũng vậy. Tôi rít lên, định nhảy xổ vào con quái vật mang tên Chửng em thì Chửng anh cứu vãn tình thế bằng cách đột ngột lên tiếng hỏi:
- Ai ở nhà mày mấy bữa nay vậy?
Câu hỏi trật chìa của Chửng anh hệt như cái “ổ voi” nằm giữa ngã ba Ngọc Khô trên đường ra huyện. Tôi đang chuẩn bị lao sầm vào Chửng em như chiếc xe đứt thắng bỗng khựng lại, mắt long lên:
- Mày hỏi ấm ớ gì vậy?
Ðiệu bộ hùng hổ của tôi khiến Chửng anh vội vả thanh minh:
- Không phải tao nói chị Ngà. Tao nói anh chàng mấy bữa nay đi với ông mày kìa!
Tôi thở ra một hơi, lòng dịu lại:
- À, đó là anh Ðiền, học trò mới của ông tao.
- Anh Ðiền người đâu vậy?
- Ảnh người Quán Gò.
Chửng anh đột nhiên tặc lưỡi:
- Sao trông mặt ảnh, tao chẳng ưa chút nào!
Tôi bênh anh Ðiền:
- Ảnh tốt lắm! Hôm qua ảnh pha cho tao nguyên một ly cà phê to tướng.
Chửng anh tò mò:
- Cà phê ở đâu vậy?
- Của ông tao! Ảnh pha cho ông tao xong, còn thừa ảnh pha cho tao!
Chửng em quên béng màn gây gổ vừa rồi. Nó níu tay tôi:
- Cà phê uống ngon không mày?
- Tuyệt cú mèo!
- Ngon bằng xá xị không?
Tôi hừ mũi:
- Xá xị là đồ bỏ! Cà phê ngon hơn gấp tỉ lần!
Chửng em nuốt nước bọt đánh ực:
- Vậy hôm nào anh Ðiền pha cà phê cho mày, mày nhớ chừa cho tao với nghen!
Giọng năn nỉ của Chửng em ngọt ngào đến tội. Bao giời cũng vậy, hễ dính đến ăn uống là nó dễ thương hết biết. Lúc ấy nom nó hiền lành như một con chó con. Nhưng ních vô bụng xong là nó phủi ơn ngay, lại ngoác mồm nói bậy. Biết vậy, nhưng tôi không thể cầm lòng trước ánh mắt khẩn thiết của nó, bèn gật đầu:
- Ừ, hôm nào có cà phê, tao sẽ để dành cho mày... một phần mười ly!

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 328

Return to top