Cũng như mọi người Việt Nam sống ở phần đất tự do sau khi phần đất miền Nam rơi vào tay Cộng sản, BĐQ T.K xin đóng góp một vài điều chứng kiến vui, buồn, khổ sở, và chết chóc trên bước đường tìm tự do.
Ba con đường vượt thoát khỏi Việt nam: đường máy bay bay vào trước 30-4-1975 có ghi lại nhiều người ai cũng thấy trên ti vi, con đường bộ sau 30-4-1974 từ Việt Nam vượt qua Campuchia để đến Thái Lan thì đối với các SQ/BĐQ thì đang bị cầm tù không thể thực hiện được. Chỉ còn lại con đường vượt đại dương sau khi ra tù có vẻ thích hợp với hoàn cảnh của mình hơn.
Đầu năm 1981, sau khi rời khỏi ngục tù Cộng Sản ở trại 3 Nghệ Tĩnh về đến quê nhà, lúc ấy phong trào vượt biên bằng tầu qua các nước Thái Lan, Mã Lai, Indo, Phillipines...rất nhộn nhịp. Ý định nhen nhúm rời khỏi Việt Nam sau khi ra tù đã ăn sau vào đầu óc tôi khi còn ở trong trại tù cho nên tôi không bỏ lỡ cơ hội này, về đến Sài Gòn vào một ngày hè nóng bức tôi tạt qua người bà con để sửa xe hon đa và uống nước, dịp may đã gặp lại người bà con quen, đánh hơi được thái độ và ý định của họ nên tôi không dấu diếm điều mình mơ ước rời khỏi Việt Nam để tìm tự do. Người bà con ấy đang tổ chức chuyến đi vượt biên cuối cùng với bà con và gia đình bằng lòng cho tôi theo, vì nghĩ rằng tôi mới ra tù cho nên họ không ngần ngại.
Trước hết tôi nghĩ rằng mình phải nhúng tay vào việc mới có thể định đoạt được một phần nào số mệnh của mình chớ ? Do đó mình xin theo và đóng góp công sức cũng như tiền bạc vào chuyến đi chung. Giai đoạn một, tôi và hai người chủ tàu cùng họp bàn mua một ghe nhỏ rồi xin sửa để hợp thức hóa đi đánh cá ngoài biển. Mọi việc chuẩn bị trong ba tháng diễn tiến thuận tiện. Giai đoạn hai, tức là chuẩn bị đánh ( danh từ vượt thoát ). Giai đoạn ba, mua chuộc bến bãi, lương thực, dầu chạy ghe được chuẩn bị hoàn tất và đem chôn dấu nơi bí mật . Còn thành phần lái tầu và tài công tôi không có cơ hội lựa chọn và tiếp xúc (đó là lý do sau này phải đánh đổi không biết bao nhiêu sinh mạng )
Đầu tháng 6 năm 1981 mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi. Ngày hẹn đã đến, cứ năm người hợp thành một nhóm nhỏ đi theo một chú hướng dẫn viên tí hon (cỡ 10 hay 11 tuổi ) đến Sài Gòn nơi điểm hẹn, rồi đến Bà Rịa ém quân. Bãi lên ghe là cây số 85 ở xã Ông Trịnh. Vì đây là lần tổ chức cuối cùng, nên chủ ghe đã dùng hai chiếc để đánh một lượt cho nên số người lên ghe đông hơn dự tính. Dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức từng người theo thứ tự được lên ghe. Sau một lúc sắp xếp bất chợt số người canh me bên ngoài tràn đến và leo lên ghe, cảnh tượng lúc ấy hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy làm muốn chìm ghe. Sợ bị lộ nên chiếc ghe thứ nhất chở 35 người gồm bà con dòng họ của chủ nghe cho nổ máy ra khơi trước. Chiếc thứ hai, gồm hai gia đình tôi và gia đình chủ ghe cùng bao nhiêu người khác cũng bỏ chạy ra khơi không một người hướng dẫn viên đi cùng vì họ lừa cơ hội lộn xộn đã bỏ xuống ghe nhỏ chạy vào bờ.
Tối hôm đó trời mưa tầm tã, màn đêm dầy đặc, nước lớn vì thế thuận tiện cho ghe ra khơi. Chúng tôi cố gắng bám theo chiếc ghe thứ nhất vì nghĩ rằng họ rành đường ra biển. Ghe của tôi chở đông người, ghe trước có ít người nên chạy nhanh hơn và biến mất dần trong bóng đêm bao trùm trên sông.
Nhắm hướng đền trắng cửa Vũng tầu mà chạy, hơn nửa đêm nước xuống vì thế ghe bị mắc cạn, cũng hên là vừa mới bị cạn chúng tôi rồ máy chạy tới chạy lui nên ra được. Nhắm hướng khác mà tiếp tục chạy ra biển Đông. Tờ mờ sáng ghe chúng tôi chạy vượt khỏi cửa Vũng Tàu, lúc đó có nhiều ghe hoạt động phía trước nhưng không biết ghe đó là ai ? Họ là ghe đánh cá hay công an biên phòng? Cứ tiếp tục mở máy chạy hết tốc lực (ghe chúng tôi đặt máy 2 lock nên chạy cũng nhanh và mạnh) vài giờ sau chúng tôi xa dần không ghe nào đuổi kịp nữa lúc đó mới lấy hướng lại mà xuôi về Mã Lai. Mọi người ai nấy đều vui mừng vì thoát nạn, không bị công an hay lực lượng biên phòng bắt lại. Riêng tôi thì tâm hồn giờ đây thực sự lo lắng và bùi ngùi vô tả. Thuyền tiếp tục xuôi Nam. Hôm sau trên hải hành thỉnh thoảng thấy một vài chiếc tàu chở hàng chạy xa xa. Mọi người có làm ám hiệu nhưng không thấy có chuyện gì xảy ra. Ngày thứ hai trôi qua êm ả. Rạng ngày thứ ba thì máy tàu ngưng hoạt động vì người tài công đi ngủ giao lại cho một người không biết xử dụng và điều khiển máy trực. Sau đó vẫn không thể cho máy chạy lại được tuy người thợ máy đã cố gắng hết sức. Sửa mãi đến cả ngày hôm sau, hai bình điện mới đã hết hơi sau nhiều lần đề máy, lúc này bình điện không dùng được nữa cho nên phải dùng dây kéo máy. Cứ mỗi phút là một tuyệt vọng. Thế rồi thợ máy và tài công buông xuôi . Tôi kiểm tra lại lương thực và nươc uống cón đủ trong vòng bảy ngày, dầu cặn còn nhiều dùng để đốt lửa làm ám hiệu cứu vớt.
Ghe bây giờ bắt đầu trôi về hướng Bắc, trôi giạt ngang không lái được và cứ trôi, trôi mãi không biết về đâu. Ngày ngày thấy khoảng năm đến 10 chiếc tàu lớn chạy xa xa, tôi dùng bảng hiệu S.O.S trương lên mỗi khi thấy tàu, nhưng hy vọng đến lại thành tuyệt vọng. Hằng ngày mỗi người được một nắp mì khô và nước uống để cầm hơi. Mọi người đều cầu nguyện cho ghe mình được tầu lớn vớt lên. Bảy ngày trôi qua, theo tôi đếm khoảng trên dưới 40 tầu chạy ngang, cũng có một vài tầu chạy đến rất gần nhưng rồi họ chạy luôn. Nỗi thất vọng ê chề đến với mọi người. Đến ngày thứ chín...thứ mười chúng tôi không thấy tàu lớn nữa, tôi đoán chắc mình trôi giạt ra ngoài hải trình rồi !
Thức ăn, nước uống đã cạn, dầu máy cũng đã đốt hết, bây giờ phải làm sao đây? ĐÓI ! KHÁT ! Cái chết sẽ đến gần kề. Ghe không có cần câu nên không sao bắt được cá để nuôi sống? Tôi tìm được cây kim cúc nên uốn được một lưỡi câu, dây thì tháo ra từ dàn lưới kéo. Kết quả cũng khích lệ là câu được một vài con cá nhỏ tuy không có mồi. Mọi người trên ghe cũng làm theo nhưng không thành công. Nước uống: có vấn đề cấp bách của con người cho nên tôi có đem theo một áo mưa bằng nylon, chờ lúc trời mưa hứng nước cho vào bình để dành uống. Nếu hai hoặc ba ngày trời không mưa thì có người khát gần chết. Những người còn nước chia sẻ cho những người cần nước nên thoát chết.
Hơn mười ngày sau (đến đây tôi không nhớ ngày thứ bao nhiêu nữa???) Trên thuyền trông về phía xa xa có một vài đốm đen nho nhỏ như là phiến đá nhô lên. Nhiều người cho rằng đó là vùng đảo Trường Sa . Đến chiều thì ghe trôi ngang cho nên thấy được mực nước biển cạn và ghe đã trôi ngang một vùng cạn. Lập tức trên ghe có nhiều người nôn nao muốn xuống đảo để tìm thức ăn. Sau đó có bốn thanh niên cởi trần mồi người dùng một cái bình nhựa làm phao nhảy xuống biển để lội vào đảo kiếm thức ăn. Tai họa đã đến với họ, ghe tiếp tục trôi đi rất nhanh, xa dần, xa dần...xa dần rồi mất hẳn bốn người đó. Màn đêm đến mọi người còn lại trên ghe không biết bốn thanh niên đó đã trôi trên biển đói lạnh, kiệt sức rồi chìm sâu trong lòng biển hay không?
Có lẽ hai tuần đã trôi qua, bốn người đã ra đi, trên ghe mọi người giờ đây ngày đêm chỉ biết cầu nguyện mà thôi. Lương thực, nước uống cạn kiệt, một vài người nữa đã ra đi. Kế đó có mưa nên cuộc sống trên ghe được tiếp tục. Rồi mỗi ngày lại thỉnh thoảng nghe mọi người hô lên có người chết. Ông tài công phải làm việc thủy táng ngay nếu có người chết.
Đêm hôm sau váo lúc 3 hay 4 giờ sáng tôi thình lình nghe tiếng ồn ào phía sau ghe ở dưới hầm, có người nói họ ăn thịt người chết. Tôi bèn bật dậy và bò trên ghe . Một cảnh rợn người diễn ra, tôi thấy có 5, 6 người bao quanh một xác chết đã mổ bong máu me tùm lum. Họ đã mổ xác chết để lấy lá gan ăn sống, mồm miệng bê bết máu tươi.
Họ chia nhau lá gan để ăn sống và chuyền tay cho những người khác cùng ăn. Tôi bò lại gần và nói: “Các anh đang làm gì vậy?” Tất cả mọi người đều im lặng, mặt mày ai nấy đều đen như xác chết . Tôi nói lớn lên: “ Các anh đừng làm như vậy, những người không chịu đựng nổi cảnh này thì họ đi để cho toàn vẹn thân thể . Chúng ta đừng làm những chuyện kinh khủng đó nữa, hãy tự an tâm và cầu nguyện chắc chắn sẽ có người đến cứu chúng ta mà thôi ". Tôi nói với ông tài công rằng: “ anh nên làm công việc của anh đối với những người vừa chết để tránh cảnh hãi hùng và kinh hoàng vừa qua, tôi và một số nữa sẽ phụ anh, nếu người nào chết thì phải thủy táng ngay”. Những ngày sau trôi qua vì có mưa rải rác cho nên không có ai chết.
Rồi một buổi chiều có người báo là ở đằng trước có đảo san hô, mà ghe chúng tôi thì cứ nhắm hướng đấy trôi đến. Tôi thất thần, hoảng hốt...Thôi thế là tất cả phải chôn vùi nơi đây rồi ...không cách nào ghe có thể tránh được bức tường đá ngầm này rồi ( đá này nước lớn thì che lấp, nước ròng thì nhô lên vài thước ). Mọi người đều tuyệt vọng, thất sắc, bây giờ chỉ biết ngồi chờ cái chết mà thôi. Tôi ôm chầm tất cả mọi người thân thuộc trong gia đình lại để chờ chết . Nhưng may mắn thay, thuyền tiến lại bức tường đá ngầm rồi tự dưng vài con sóng đánh làm ghe trôi giạt vào một vịnh sâu nên ghe không bị bể hay bị lật ngang, ghe chỉ bị chạm vào đá nghe rào dạt nhưng không bị vỡ hay vô nước. Thế thì ghe được nằm vào vịnh là an toàn . Mọi người mừng rỡ vì đã thoát chết ít nhất là hiện tại. Bây giờ làm sao ghe ra khỏi nơi đây? Tất cả đều nhìn nhau. Đêm lại đến, dần dà nước lên, sóng đánh làm ghe trôi lần ra khỏi đảo, sáng hôm sau ghe đã trôi xa không còn thấy đảo nữa.
Ngày tiếp tục trôi qua, đêm đến lạnh lẽo một số người không còn chịu đựng nổi nữa nên từ từ ra đi vĩnh viễn. Có người lên đồng lên bóng nói chuyện vẩn vơ, có người tuyệt vọng vì quá khát nên uống nước biển nên cũng chết luôn. Trên ghe bây giờ cơ thể con người chỉ còn bằng phân nửa trọng lượng của chính mình thôi. Quần áo bị nước biển phá hủy, nên rách rưới thật thảm hại vô cùng. Hồi mới lên ghe tôi nhớ không có chỗ ngồi, giờ thì có chỗ nằm.
Thế rồi một đêm mưa to gió lớn tôi chợt thiếp đi, trong cơn mê mơ màng thấy sáng mai có hai chiếc trực thăng màu đen kịt bay đến bay đến và rước mọi người trên ghe vào đất liền, nơi đó có người ở và nhiều loại trái cây giống như ở Việt Nam. Thức dậy tôi nói cho gia đình nghe về giấc mơ của tôi mọi người đều thở dài im lặng.
Tờ mờ sáng hôm sau, lúc ấy tôi nằm ở khoang ghe, một vài người nằm ở trên boong nói ghe sắp trôi vào đảo san hô nữa. Tôi bật dậy thì thấy sự thật ghe đang trôi dạt vào một đảo san hô lớn có nước lấp xấp . Nhìn phía xa xa lại thấy có hai chấm đen nho nhỏ. Có người nói: “ Ồ ! Ghe ở phía trước ông Tám ơi !” (vì lúc đó râu tôi rất dài ). Tôi nhìn về phía dó thấy hai chấm đen nho nhỏ . Tôi chợt reo lên: “ Có ghe đánh cá ở phía trước kìa, mau mau làm dấu hiệu cấp cứu.” Tôi cởi áo ra và đứng trước mũi ghe vẫy tay làm ám hiệu. Sau vài phút tôi thấy chấm đen lớn và tiến về phía ghe mình, phía sau có đốm lửa to . Tôi vui mừng và la lên cho mọi người nghe: “ có ghe đánh cá đến cứu chúng ta”... “Có ghe đánh cá đến cứu chúng ta”... Mọi người nhôn nhao lên, ghe của họ đã tiến sát đến nhưng không đến gần được vì ghe này đã kề sát đảo san hô. Một cơn sóng mạnh đập vào đẩy chiếc ghe của chúng tôi lật ngang trên đảo san hô. Hai chiếc ghe đánh cá đậu xa chừng 50 mét và cho sáu chiếc xuống nhỏ chèo lại gần chiếc ghe lật ngang của chúng tôi, họ xưng là người Phillipines, rồi họ đỡ từng người qua chiếc xuống nhỏ và cho lên ghe lớn của họ . Mọi người mừng rỡ vô hạn,chỉ biết nhìn nhau mà không nói lên lời !!? Tôi còn tỉnh táo nên nói vài lời với ông thuyền trưởng người Phi.
Nhìn lên tờ lịch treo trên tầu thấy hôm ấy là ngày 7/7/1981, tính ra chúng tôi đã trôi hết 37 ngày trên biển cả. Tôi cám ơn ông thuyền trưởng và tất cả thủy thủ đã cứu vớt chúng tôi, tôi có đôi lời giải thích với họ là chúng tôi bị đói tới 37 ngày nếu có sữa và nước thì cho chúng tôi uống. Chúng tôi không ăn cơm được, vì ăn cơm vào sẽ bị đau bao tử rất nguy hiểm. Tôi cũng đã dặn với mọi người nên cẩn thận đừng ăn vội, nhờ thủy thủ nấu cháo để mọi người cùng ăn. Tất cả đếu kiệt lực. Ông thuyền trưởng nói chuyện với chúng tôi rằng: “ Tôi thật cảm động thấy cảnh chết chóc của người Việt bỏ nước ra đi tím tự do”. Ông nói: “ Thật là huyền diệu” vì từ trước đến giờ ông chưa hề đến nơi này để đánh cá, bỗng dưng đêm hôm qua cái gì xui khiến ông lại có ý định đến nơi này để đánh cá . Đến nơi, thấy cảnh tượng này nên lập tức cấp cứu ngay. Ông nói bây giờ thật là cấp bách vì mọi người gần như chết nên ông phải bỏ dở chuyến đánh cá quay vào đảo. Ông đưa bản đồ ra và chỉ từ đây về đảo Mangsee khoảng 10 dặm. Ghe chạy mất một ngày và một đêm mới đến.
Chiều hôm sau ghe đã đến được đảo Mangsee. Đảo này nhỏ và có khoảng 100 nóc nhà và vài chục ghe đánh cá, ở đó có một trung đội thủy quân lục chiến Phi trấn đóng. Tầu cập bến, họ xuống ghe khiêng từng người lên đảo, chỉ có một vài người còn chống gậy đi liểng xiểng. Trong đó có tôi. Tất cả như còn da bọc xương mà thôi, riêng tôi trông như ông cụ 70 tuổi vì râu dài không cạo và ốm còn khoảng 30 kg. Lên đảo tôi gặp ông thủy quân lục chiến Phi và nói rõ về thuyền bị nạn nhờ họ giúp đỡ. Vài giờ sau cả đảo đến tập trung giúp mọi người. Chúng tôi tạm ở tại ngôi trường để chờ tầu của chính phủ đưa vào trại tỵ nạn Palawan. Kiểm điểm lại còn 64 người sống sót, trên 50 người ra đi vĩnh viễn. Chúng tôi phải nhập viện khẩn cấp toàn ghe để cấp cứu khi vừa đến trại Palawan . Sau ba tháng mọi người đều bình phục, bây giờ mỗi người mỗi ngả như ở Pháp, Canada, Mỹ, Úc, v..v...
Đầu năm 1983 tôi định cư ở Úc và cũng như mọi thuyền nhân khác để tạo lại cuộc sống mới trên xứ sở tự do này. Hy vọng mẩu chuyện vượt biên này cũng góp phần nói lên thảm cảnh thuyền nhân Việt nam trên 25 năm qua.
::: Trần Văn Khanh :::