Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Giấc mơ của Lippel

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13478 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giấc mơ của Lippel
Paul Maar

-- 22 --

Gia đình Guney


Sau khi ăn sáng xong, Lippel lấy cặp táp và mặc áo mưa vào vì không muốn bị ướt như ngày hôm qua. Nhưng sáng sớm hôm nay trời lại nắng gắt, không 1 chút mây. Đi được nửa đường, cậu muốn trở về nhà bỏ áo mưa lại nhưng sợ trễ giờ học nên đành đi tiếp và cố quên nó đi. " Thật ra cũng rất tiện lợi, khi đến trường mình sẽ máng áo mưa vào móc áo, lúc tan học nếu trời mưa thì có sẵn để mặc vào". Ý nghĩ này khiến cho cậu thấy vui. Lippel càng vui hơn khi vừa quẹo vào đường Herder đã nhìn thấy Arslan và Hamide. Lippel chạy nhanh đến gặp họ và cùng đi đến trường. Hamide hỏi:
-Bữa nay bạn đến nhà chúng tôi ăn cơm chứ?
-Đúng, sau giờ học tôi sẽ cùng đi đến nhà bạn.
-Tốt lắm!
Lippel tò mò:
-Bữa trưa chúng ta sẽ ăn gì?
Arslan nhún vai:
-Tôi không rõ.
Hamide tiếp lời:
-Tôi không biết sẽ có món gì. Nhưng tôi biết sẽ không có món gì?
Lippel hỏi:
-Không có món gì vậy?
Hamide cười:
-Cà chua! Khi chúng ta đi học về sẽ chưa có đồ ăn vì má tôi phải làm việc đến 12 giờ. Nhưng sau đó má sẽ nấu rất nhanh.
-Không sao, tôi đợi được. Hôm qua tôi không ăn trưa, đến tối mới ăn.
-Nhưng bạn không phải chờ đến tối đâu, vì như vậy tôi sẽ bị chết vì đói.
Ngày hôm đó 2 tiết đầu là môn văn. Cô Klobe phát bài chính tả cho học sinh, Lippel bị 1 lỗi, Hamide 14 lỗi còn Arslan đến 37 lỗi! Sau giờ chơi đến giờ thể dục tại sân vận động kế bên trường. Các em tham gia môn chạy đua. Arslan được hạng nhất, Hamide thứ 11 và Lippel thứ 19. Tiếp theo là giờ thực nghiệm, các học sinh phải trở lại lớp. Buổi học qua mau. Sau khi tan học, Lippel cùng Arslan và Hamide trở về nhà. Lippel có cảm giác là lạ khi đi tới đường Friedrich mà không quẹo về nhà mình, lại đi theo đường Herder thẳng đến đường Bahnhof. Trước cửa nhà 2 bạn, Lippel lẩm nhẩm đọc bản tên :" Guney". Một phụ nữ mập mạp bước ra mở cửa. Arslan giới thiệu:
-Mẹ tôi đó.
Lippel lễ phép chào:
-Gule, gule.
Bà mẹ cười to, Arslan và Hamide cũng cười theo. Lippel ngượng ngùng hỏi:
-Sao vậy? Tôi đọc sai à? Đó không phải là lời chào theo tiếng Thổ Nhĩ Kì ư?
Hamide giải thích:
-Phải , nhưng đó là dùng để nói khi từ giã, giống như " Auf Wiedersehen"
(hẹn gặp lại) của tiếng Đức. Mới gặp nhau mà bạn đã "hẹn gặp lại" thì người ta phải cười chứ sao!
Lippel cũng cười theo:
-Thì ra vậy. Nhưng tôi chưa muốn từ giã đâu.
Ba người theo bà Guney vào phòng khách. Trên bàn ăn dài phía tay trái đã được sắp sẵn chén dĩa. Lippel tò mò ngó quanh phòng. Thật ra căn phòng này cũng giống như nhà bà Jeschke, điểm khác biết duy nhất là chiếc máy cát-xết với băng nhạc bằng tiếng Thổ Nhĩ Kì. Trên từơng treo nhiều hình và ngay trên chiếc ghế bành dài là 1 bức tranh to thêu hình 1 thành phố. Lippel nhìn kĩ bức tranh. Arslan giải thích:
-Đó là Ankara- thủ đô của nước Thổ Nhĩ Kì, nơi tôi sinh ra.
Lippel sửa lại:
-Nơi tôi được sinh ra. Ankara có lớn không?
Arslan cười đáp lại 1 cách tự hào:
-Mười lần lớn hơn thành phố này! Tất cả đều to. Không như ở đây, tất cả đều nhỏ: 1 thành phố nhỏ.
Lippel hơi ngạc nhiên vì không hề có cảm giác là thành phố này nhỏ:
-Bạn nghĩ vậy sao? Nhưng còn những người này là ai?
-Đó là ông nội và bà nội tôi.
Lippel khen ngợi:
-Bạn nói tiếng Đức giỏi lắm. Tôi không hiểu tại sao bạn lại không chịu nói.
Bà Guney bưng đồ ăn để trên bàn. Những món này hòan tòan không giống món ăn Lippel vẫn dùng ở nhà: bánh mì dẹp và tròn gần giống như bánh xèo. Một dĩa thịt thái nhỏ, 1 chén sữa chua trộn với dưa chua và tỏi làm sốt dùng cho cải xà lách. Lippel suy nghĩ có nên hỏi xin bà mấy điểm penny trên hộp sữa chua hay không?Nhưng cậu còn e ngại nên quyết định sẽ hỏi sau khi ăn xong. Ngòai ra còn có món ớt tây nhồi thịt với cơm. Họ uống nhiều nước suối.
Bà Guney giải thích cho Lippel từng món ăn và đọc tên chúng bằng tiếng Thổ Nhĩ Kì nên Lippel không nhớ được. Bà nói tiếng Đức thông thạo hơn Arslan và gần bằng Hamide. Có lẽ nhờ bà làm việc cho 1 tiệm tạp hóa.Tuy nhiên có nhiều chỗ bà nhấn giọng rất lạ nên Lippel phải cố gắng lắm mới hiểu hết. Món tráng miệng có tên là Hawa hay Hama hoặc 1 cái tên gì tương tự như vậy, rất ngọt và ngon. Ăn xong, Lippel hỏi bà Guney về mấy nắp hộp sữa chua. Bà cho biết đã vất nó vào thùng rác. Arslan và Hamide cùng với Lippel lục tìm được 2 nặp hộp sữa nhưng trên mặt nắp không có in điểm penny, vì bà Guney mua của hãng khác. Bà hứa lần sau sẽ để ý khi mua sữa.
Sau khi chơi vài ván cờ " cá ngựa" với Hamide và Arslan, Lippel từ giã ra về. Lúc từ giã, Lippel xin phép bà Guney cho Arslan và Hamide ngày mai đến nhà mình dùng cơm trưa. Bà Guney muốn biết liệu ba má của Lippel có đồng ý hay không? Lippel trả lời:
-Chắc chắn ba má cháu sẽ bằng lòng. Nhưng hiện nay ba má cháu không có nhà. Có bà Jakob đến nấu ăn cho cháu.
Bà Guney chấp nhận. Dĩ nhiên Arslan và Hamide cũng không phản đối. Họ tiễn Lippel đi 1 đọan đường về gần đến nhà.

Bà Jechke tìm ra một lối thóat

-Này, cậu ăn ngon không? - Bà Jakob hỏi- Chỗ nào ngon hơn? Ở đây do tôi nấu hay ở nhà bạn cậu?
Lippel trả lời rất "ngọai giao":
-Mỗi chỗ ngon 1 cách khác nhau.
Vì bà hỏi về chuyện ăn uống nên Lippel hỏi luôn:
-Ngày mai cháu muốn mời bạn về đây ăn trưa.
-Bao nhiêu người vậy?
-Chỉ có 2 người, 2 anh em. Trưa nay cháu mới ăn ở nhà họ.
-Được, tôi sẽ nấu cho 4 người ăn.Nhưng bạn cậu tên họ là gì? Không chừng tôi cũng biết họ.
-Guney.
-Guney? Họ nghe lạ quá! Họ đến ở đây lâu chưa? Bạn cậu tên gì?
-Người anh tên Arslan còn cô em là Hamide.
-Họ là người ngọai quốc phải không?
-Dạ phải. Họ là người Thổ Nhĩ Kì.
-Thổ Nhĩ Kì? Không, họ không được đến đây. Cậu nghĩ sao mà mời họ vậy?
Lippel ngạc nhiên:
-Tại sao họ lại không thể đến đây? Họ đã làm sai hay sao?
Bà Jakob nói với vẻ trách móc:
-Cậu còn phải hỏi à? Ba má cậu sẽ nói gì, nếu ông bà biết là mấy người Thổ Nhĩ Kì đã đến đây ăn trưa? Không thể tưởng tượng được!
Lippel thất vọng:
-Nhưng cháu đã mời họ rồi. Cháu không thể nói lại. Ba má sẽ không phản đối đâu , cháu chắc chắn như vậy.
-Mặc kệ! Những người ngọai quốc này không được đến đây khi tôi còn chịu trách nhiệm trong nhà này. Rủi có thiếu món gì, ba má cậu sẽ đổ thừa tôi.
Lippel khó chịu:
-Bác muốn nói là Hamide và Arslan ăn cắp sao? Hôm nay cháu đến nhà họ ăn trưa nên cháu muốn ngày mai mời họ lại.
Bà Jakob to tiếng:
-Cậu muốn ra lệnh cho tôi phải không? Chúng ta không bàn thêm nữa. Ngày mai họ không được đến đây. Chấm dứt.
Lippel buồn bã bỏ chạy lên phòng. Đúng ra chiều nay Lippel phải làm bài tập, nhưng đầu óc cậu chỉ quay cuồng xung quanh Hamide và Arslan và lời mời ăn trưa của cậu." Mình phải làm gì bây giờ? Ai có thể giúp mình? Chỉ có bác Jeschke. Đúng rồi! Bác Jeschke! Mình sẽ đến thăm và hỏi ý kiến bác. Mà mình cũng chưa kể cho bác nghe chuyện về con Mực". Vì vậy Lippel quyết định sang nhà bà Jeschke và tạm gác chuyện làm bài tập sang 1 bên. Để bà Jakob khỏi hay, cậu nhón gót nhẹ nhàng lách mình ra khỏi nhà và băng qua đường đến nhà bà Jeschke. Bà tỏ vẻ vui mừng về cuộc viếng thăm này:
-Chào Lippel. Sao bữa nay cháu có vẻ không vui vậy? Gương mặt của cháu trông bí xị. Có chuyện gì phải không?
-Đủ mọi chuyện bác ạ, chỉ vì bà Jakob: trước hết là bà ấy kêu người đến bắt mất con chó, kế đó bà không cho 2 bạn Hamide và Arslan đến nhà.
Lippel kể đầu đuôi câu chuyện cho bà Jeschke nghe. Bà lắc đầu:
-Chuyện con Mực bác còn có thể hiểu được, mặc dù bác rất muốn giữ nó lại để cho ăn...
-Cháu cũng vậy.
-Nhưng chuyện 2 ngừơi bạn của cháu thì quả thật bác không hiểu được. Chúng ta làm sao bây giờ? Ngày mai cháu không thể nói với bạn:" Các bạn không đến nhà tôi được vì các bạn là người Thổ Nhĩ Kì".
-Đúng vậy! Họ sẽ rất buồn và sẽ không bao giờ nói chuyện với cháu nữa. Cháu biết nói cách gì để từ chối đây?
-Cháu không cần phải nói gì cả! Cả 3 người sẽ đến nhà bác ăn cơm. Cháu biết không, ăn ở nhà cháu hay ở đây thật ra cũng như nhau cả thôi.
Lippel vui mừng khôn xiết:
-Bác nói thật không?
Bà Jeschke mỉm cười:
-Dĩ nhiên là cháu không thể nói với họ là cháu ở đây: chúng ta không nên nói dối họ. Nhưng cháu cũng không nên nói những lời không hay của bà Jakob cho họ nghe.
Cháu chỉ cần nói đơn giản là ba mẹ cháu không có nhà nên cháu đến nhà bác ăn.
Lippel thừa nhận:
-Đúng vậy!
Và cậu vui vẻ trở về nhà. Trong bữa ăn tối, thấy Lippel không đá động đến chuyện mời bạn ăn trưa, bà Jakob hỏi:
-Như vậy cậu đã chấp nhận việc ngày mai những bạn Thổ của cậu không đến đây ăn trưa phải không?
Lippel nói 1 cách vui vẻ:
-Dạ, cháu cũng không ăn ở đây. Cả 3 chúng cháu sẽ ăn trưa ở nhà bác Jeschke.
Bà Jakob ngạc nhiên, súyt chút nữa làm rơi cái nĩa xuống đất:
-Sao? Xin lỗi tôi nghe không rõ! Ăn ở nhà bà Jeschke?
Lippel gật đầu. Bà nói 1 cách cứng rắn:
-Cậu không được làm vậy.
-Bác nói gì?
-Ngày mai cậu ăn ở nhà, tại đây!
-Cháu ăn chung với Hamide và Arslan. Nếu họ ăn ở đây thì cháu sẽ ăn cơm ở nhà.
-Cậu muốn ép tôi phải không? Cậu phải ăn cơm ở nhà với tôi và ngòai ra không có ai nữa cả.
Lippel mạnh dạn:
-Không.
-Cậu là 1 đứa trẻ khó dạy. Lên giường ngay, nghe không! Và hãy suy nghĩ kĩ về việc ngày mai ăn ở đâu.
Lippel trở về phòng mình, thay quần áo ngủ và lên giường nằm. Cậu nghĩ ngợi về Hamide và Arslan, nhưng cố gắng xua đuổi ý nghĩ về 2 người bạn và chỉ giữ lại những ý tưởng liên hệ đến giấc mơ. Cậu nghĩ đến kinh thành, đến con đường nhỏ, đến nhà trọ Thanh Tâm, đến sân hòang cung. Khi nghĩ đến lúc cả 3 người ngồi trong nhà trọ, cậu bắt đầu ngủ và mơ tiếp.

<< -- 21 -- | -- 23 -- >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 872

Return to top