Mùa hè năm đó, má Hạ vẫn còn lam lũ chạy gạo nuôi những người trong gia đình. Tuy nhiên, nhờ số lương ít ỏi của chị em Hạ cộng thêm sự giỏi tính toán và khéo tay của Thảo Vy đã tạo cho gia đình Hạ có những món ăn ngon. Hàng ngày,Vy thường lo nấu nướng và làm bánh còn Hạ thì lục lọi những quần áo cũ cắt lại may đồ cho Cu Ti. Lăng xăng làm việc bên nhau hai đứa huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời. Chỉ có một chuyện mà Hạ tránh đề cập là chuyện về Quân mặc dù anh ta xuất hiện hàng ngày trong nhà Hạ.
Quân thường đến nhà Hạ vào buổi tối và mời hai chị em Hạ ẵm Cu Ti ra quán gần nhà ăn chè. Mỗi lần đi ăn chè về, con nhỏ Thảo Vy cố tình đi chơi với đám bạn gái của nó hay ẵm Ti vào nhà nội chơi để Quân có dịp nói chuyện riêng với Hạ.
Những ngày ấy, Quân đối với Hạ hết sức dịu dàng và ân cần. Sự chiều chuộng khác với ngày xưa đã làm Hạ phân vân và áy náy. Hạ nhớ đến hình ảnh bất cần ngạo nghễ của anh ta, khuôn mặt tuyệt đẹp của Anh Thư và nỗi buồn thầm kín của mình, rồi cảm thấy mình là nạn nhân của sự trống vắng. Nỗi nhớ về kỷ niệm xưa đã tạo cho Hạ cảm nhận rằng tất cả những dịu dàng của hiện tại chỉ là những mua chuộc cho việc khỏa lấp cái mất mát mà anh ta phải chịu đựng. Hạ sẽ cho Quân hiểu là không phải lúc nào anh ta muốn yêu cô gái nào cũng được đâu.
Hạ nói:
- Quân biết không, Có Quân đến nhà chơi má Hạ và chị em Hạ, gia đình Hạ vui hơn nhưng vì Hạ và bạn trai của Hạ đang giận nhau cho nên Hạ không thích anh ta hiểu lầm khi Quân đến đây.
- Quân đến chơi với Vy và Ti, không phải với Đan Hạ.
- Đúng rồi ! Không phải với Hạ nhưng chị em Hạ ở chung một nhà.
- Sao khó khăn quá vậy? Quân cau có.
- Đâu có khó khăn, chỉ trừ phi Quân đến đây chơi với một điều kiện.
- Điều kiện gì?
- Quân phải chứng minh là Quân có bạn gái. Quân phải đưa bạn gái của Quân đến đây giới thiệu.
Im lặng vài phút Quân nói:
- Được, Quân sẽ đưa bạn gái của Quân đến đây chơi. Bây giờ Quân về.
Hạ sững sờ khi nghe những lời nói này. Bỏ mặc anh ta bước ra khỏi nhà, Hạ không tiễn ra cổng.
***
- Đan Hạ ơi! Đan Hạ ơi!
Nghe tiếng Quân ngoài thành, Hạ nhíu mày ngạc nhiên. Sao anh ta không vào nhà mà lại gọi Hạ ngoài đường như thế? Hạ lừ đừ đưa chân vào đôi dép nhựa và đi vội về phiá bức tường thành. Quân nhô đầu trên bức tường, đưa tay ra hiệu Hạ đến gần:
- Cho Đan Hạ coi cái này.
- Cái gì vậy?
- Cái móc áo.
Tì hai tay lên trên bức thành và cố gắng vói người vào trong để đưa cho Hạ nhìn những đường chữ được thắt bằng dây kẽm trên chiếc móc áo, Quân nói:
- Cái móc áo này là do Quân làm để tặng cho Ân. Hạ thấy chưa? Đây là tên Quân với Ân.
Quân chìa cái móc áo tận mắt Hạ chỉ trỏ:
- Đáng lý Quân chỉ bẻ chữ Quân thôi vì tên Ân nằm trong tên Quân rồi,nhưng Quân phải làm rõ ràng tên hai người để Ân hiểu là Quân có cảm tình với Ân.
Nhìn hai cái tên bẻ bằng dây kẽm của cái móc áo, Hạ không ngờ anh ta lại khéo tay như thế. Nhếch mép với vẻ lạnh lùng, Hạ hỏi:
- Làm xong sao chưa đưa cho người ta mà đến đây làm gì?
- Để cho Đan Hạ xem và biết là Quân đã có bạn gái.
Hạ khoanh tay trước bụng, vẻ mặt không đổi:
- Khi nào đưa bạn gái tới đây thì hãy nói.
Dứt câu Hạ quay mặt vào nhà.
***
Quả như Quân nói, hai hôm sau anh ta đến nhà Hạ với Ân. Ân là bạn của Vy. Tuy không đẹp như những người con gái khác nhưng con nhỏ có nước da trắng hồng và tính tình rất nhu mì, dễ thương. Những ngày này, con trai cao ráo trong thành phố lần lượt bỏ đi vượt biên, chỉ còn lại những người thấp và nhỏ con mà tụi con gái hay chọc là “bộ đội”. Dạng con trai cao ráo như Quân rất có giá cho nên sự chinh phục dễ dàng của anh chàng không gây cho Hạ một chút ngạc nhiên nào. Hạ tiếp hai người với thái độ tự nhiên, trong khi Thảo Vy có lẽ vì quá ngạc nhiên nên kéo riêng Ân xuống bếp. Chờ Ân và Vy khuất sau cánh cửa, Hạ gật đầu cười nhạt:
- Tốt lắm! Từ nay Quân có thể đến nhà chơi với gia đình Hạ.
- Hạ!
- Gì?
- Đừng bao giờ nói “tốt lắm” hay “tốt thôi” nghe?
- Sao vậy?
-Nghe kiểu dùng từ giống “bộ đội” nói chuyện lắm!
-”Tốt thôi” mới là từ của “bộ đội” dùng. Còn”tốt lắm” là từ của cô giáo dùng.
- Chữ tốt nào cũng thấy không hay hết trọi. Từ miền Nam dùng là giỏi chứ không phải tốt.
Hạ nguýt dài, không thèm cãi nữa.
***
Chiều tối hôm đó, khi Quân và Ân về, Thảo Vy tìm Hạ vặn vẹo:
-Không hiểu chị làm cái gì mà nay anh Quân cặp với nhỏ Ân?
Hạ cố giữ bình tĩnh:
- Con trai độc thân có quyền có bạn gái chứ. Chị có quyền gì bắt anh ta quen với ai? Đó là ý thích của anh ta mà thôi.
- Em hỏi Ân, nó kể là ảnh “tán” nó và tặng cho nó chiếc móc áo.
Vy thở dài nói tiếp:
-Em không hiểu được mọi người đang làm gì?
Không muốn Vy hỏi nhiều thêm, Hạ vội vã xin phép má đi chơi đạp xe ra phố. Lòng vòng xung quanh trong thành phố trên những con đường, Hạ cảm thấy thật cô đơn. Những con đường ngày xưa hoàn toàn đổi tên mới của những người mới. Những con người xa lạ đã chiếm hữu những căn nhà của những người xưa. Quang cảnh sầm uất nhộn nhịp trên phố Độc Lập ngày xưa đã biến mất nơi đâu. Căn nhà lớn của cô Mỹ đã bị “Nhà Nước” tịch thu từ lâu và vẫn còn đóng cửa. Khu lầu bảy nhộn nhịp ngày xưa, nay chỉ còn vài ngọn đèn loe hoe. Sau ba năm, người Nha Trang vẫn chưa nguôi với sự thay đổi. Những người mới thay thế chủ nhân của những căn nhà trên phố không đủ sức làm cho thành phố biển này nhộn nhịp với cái nghĩa hòa bình và thống nhất đất nước mà họ đã tự hào. Hôm nay phố không có điện, Hạ rẽ qua đường Trần Quý Cáp để quay về. Ngang nhà Ân, Hạ nghe tiếng kêu:
- Đan Hạ! Đan Hạ!
Ngước nhìn lên hiên lầu hướng về tiếng kêu, Hạ thấy Quân nhoài người ra ngoài lan can giơ tay chào. Mặt anh chàng hớn hở như đang được thưởng. Bên cạnh Quân, thấp thoáng dáng Ân trong bóng tối. Hạ nhíu mày, gật đầu chào và thầm trách sao mình đi về trên con đường này.
Tối hôm ấy, trời khuya lắm nhưng Hạ không ngủ được. Đem ghế ngồi trước nhà, Hạ ngắm những búp hoa Quỳnh lòng thòng, đu đưa trong gió. Chậu hoa Quỳnh này Hạ trồng từ năm học lớp chín. Lúc Hạ trồng nó, má và các cô cản không cho vì dị đoan. Những người lớn này nghĩ là con gái không nên trồng những loài hoa nở về đêm như Lài, Quỳnh, Thiên Lý... bởi vì con gái mà trồng những loài hoa này sẽ đem lại những sự không may mắn trong tình cảm. Hạ không hiểu có phải tình cảm của Hạ không may mắn vì trồng loại hoa này không? Hạ không tự trách mình đã trồng cái khóm Quỳnh này, cũng như không trách mình đã làm mất những gì mình đang có. Hạ xót xa khi nhận thức được tất cả những gì Hạ muốn lúc nào cũng ngoài tầm tay với, như những bọt bóng dễ vỡ. Cánh tay run khi xưa thật sự chỉ là cảm xúc nhất thời tại sao Hạ cứ phải bận tâm, tại sao Hạ không thể quên nó đi ? Còn vài tuần nữa mới hết hè, Hạ mong thời gian qua thật mau để vào lại Sông Mao.
Tiếng mở cửa kèm theo tiếng của Thảo Vy:
- Chị Hạ chưa ngủ sao?
Hạ cố giữ giọng nói thật tự nhiên:
- Chưa! Chị muốn nhìn những chiếc hoa Quỳnh này.
Vy nhấc chiếc ghế ngồi cạnh Hạ:
- Những cái hoa còn nhỏ. Phải đến hai ngày nữa chúng mới nở được
Ngước mặt lên trời, Vy nói tiếp:
- Còn hai ngày nữa là đến rằm. Em thích hoa nở đúng rằm.
Hạ ngạc nhiên:
-Vy mong hoa nở lúc có trăng để làm gì?
- Để nhìn trăng, ngắm Quỳnh nở và ăn bánh uống trà.
- Uống trà? Uống với ai?
-Với nhóm bạn của em.
Hạ đùa:
-Vy hư ghê, biết uống trà, uống cà phê, may là chưa uống rượu.
Vy phân bua:
- Không phải em hư mà tại vì biển. Biển đã làm em biết uống trà! Tụi em thường đem trà và bánh ra biển ngồi ngắm trăng và nhâm nhi. Bộ chị Hạ không nhớ bài thơ của nhóm bạn em và chị đặt ra trên dốc đá Hòn chồng sao?
Nhớ lại lúc chị em đoàn tụ, Vy thường rủ Hạ đi chơi cùng với nhóm bạn trường Lê Quý Đôn của nó, Hạ tủm tỉm cười:
- Bài thơ mà chị đã bắt đầu bằng câu: “Trăng còn e thẹn chưa muốn lên,” phải không?
Vy reo lên:
- Đúng rồi ! Em tưởng chị quên rồi chứ!
Nói xong, con nhỏ ngâm nga từng câu một:
“Trăng còn e thẹn chưa muốn lên.
Lác đác mây đen phủ khắp đầu.
Từ chốn xa xôi ta tìm đến.
Trời rắc hương nồng, biển mông mênh.”
Im lặng một lúc, Vy hỏi:
- Chị có nhớ ai đặt câu cuối không?
- Nhớ chứ! Anh Thiện phải không? Anh ấy tài ghê. Trong khi cả nhóm đều bí, không ngờ anh ta đã đặt được câu ấy.
- Anh ta chết rồi!
- Chết? Vì sao?
- Anh ta đi bộ đội và chết tại Cam Bu Chia.
-Vì sao đi bộ đội?
- Em không biết, chắc ảnh bị bắt đi.
Hạ yên lặng khi nghe tin này. Có một lần, người này đã trao cho Hạ chiếc thuyền được xếp bằng giấy với những hàng chữ thật đẹp:
“Đừng hối thúc khi tình mình chưa chín tới.
Vì hôm nay trái nhớ chẳng ngọt ngào.
Ơi hạnh phúc chưa bao giờ với hái.
Nước mắt ngập ngừng khổ biết dường bao.”
Sau khi đọc những lời thơ này, Hạ đã giận kinh khủng vì hai chữ “hối thúc”. “Ai hối thúc anh ta điều gì chứ? Vô duyên!” Đến khi đọc mãi bài thơ, Hạ mới hiểu ý câu thơ mà Thiện diễn đạt: Anh ta tự nói với chính anh ta chứ không phải nói với Hạ. Nhưng mà, lúc Hạ hiểu được ý nghĩa bài thơ là lúc Hạ tuyệt giao với anh ta rồi. Hạ không hiểu được con trai. Khi mấy đứa trong nhóm bạn Thảo Vy “làm mai” nhỏ Phương cho anh ta thì anh ta vui vẻ như yêu thương Phương lắm, nhưng sau đó, lại làm thơ cho người khác thì quả là “rắc rối cuộc đời”! Người ta thường nói tình yêu là một cuộc đuổi bắt không ngừng. Những người yêu nhau chạy lòng vòng trong cái vòng lẩn quẩn, không bao giờ dừng lại được. Hạ chưa bao giờ thưởng thức được hương vị yêu thương ngọt ngào của hai người yêu nhau vì vậy khi nhớ đến cuộc tình của Quân và Anh Thư, Hạ thấy tiếc cho hai người đã không hoàn thành một chuyện tình đẹp.
Hạ thở dài buồn bã lẩm bẩm:
- Cái gì cũng mất, cái gì cũng tiêu ma.
-Chị Hạ buồn hở?
- Buồn chứ! Nghe người quen mất thì phải buồn rồi.
Vy nghiêng mặt nhìn Hạ:
-Còn chuyện anh Quân có bạn gái, chị có buồn không?
-Việc gì phải buồn? Anh ấy có phải là người yêu của chị đâu?
Vừa dứt câu, Hạ đứng dậy nhắc chiếc ghế:
- Chị buồn ngủ rồi. Chị phải vào nhà đây.