Bốn người may mắn đón được chiếc xe lam để đi về Thành. Xuống bến xe Thành, cô Sáu, cô Út, má Hạ và Hạ tiếp tục mướn xe đi về phía Thanh Minh. Những người lớn than van với nhau về cái giá cắt cổ mà mấy ông tài xế “chém.” Hạ thì buồn hơn những người này vì chiếc nhẫn vàng tây có hình trái tim rỗng của Hạ bị rơi mất khi chen chúc trên những chiếc xe đò và xe lam. Chiếc nhẫn này là vật kỷ niệm của Hạ. Hạ sắm nó với số tiền dành dụm mà Hạ móc “crochet” những cái khăn trải bàn và khăn màn cửa gửi cho cô Sáu bán. Hạ muốn nói về chuyện đánh mất chiếc nhẫn và trách má sao nỡ bỏ nhà đi, nhưng Hạ cảm thấy lười biếng nên im lặng và bước theo mọi người vào căn nhà có cái sân xi măng rộng và xung quanh có những khóm hoa trang. Vào đến phòng khách, Hạ vâng lời má chào từng người trong nhà. Thoạt tiên là bà lão có mái tóc bạc, rồi đến người đàn ông vạm vỡ có giọng to và vồn vã, rồi người đàn bà có nụ cười hiền lành, rồi một anh con trai cao lớn, một đứa bé gái và ba đứa con trai nhỏ.
Qua giới thiệu, Hạ biết được người đàn ông vạm vỡ kia là chồng của dì Tư. Dì Tư là bạn buôn bán với má Hạ. Ông bà có năm người con. Bốn người con trai và duy nhất một cô gái út. Bà lão là mẹ của ông dượng Tư.
Tất cả mọi người trong gia đình này đều hiếu khách nên má và hai cô của Hạ tự nhiên như ở nhà. Còn Hạ vẫn nhăn nhó như lúc rời Nha Trang. Hạ cảm thấy không tự nhiên khi ở chung một nhà với người con trai bằng tuổi mình và nhất là phải nằm ngủ trống trải trong phòng khách với má và các cô.
Mỗi ngày, Hạ phụ giúp những người lớn nấu ăn, rửa chén rồi ngồi yên nhìn những đứa nhỏ chơi đùa trước sân. Thỉnh thoảng Hạ đến cái góc bên cạnh bàn thờ tìm sự yên lặng với quyển nhật ký, những bài thơ, những vật kỷ niệm và hình của bạn bè. Hạ cảm thấy nhớ Nha Trang, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô và những buổi dạ vũ. Nhớ nhất là nhỏ Anh thân thương với giọng kêu ơi ới ngoài bức thành. Chìm đắm trong nỗi nhớ, Hạ tìm những bài thơ dễ thương với chữ viết tuyệt đẹp của Anh trao cho Hạ ngày nào. Hạ thích đọc đi đọc lại bài thơ “ Răng Khểnh” được tặng để mơ mộng như thể đang ngồi trên ghế xích đu bên cạnh khóm hồng nhà Anh:
“Ơi cái răng khểnh dễ thương dễ ghét.
Ơi tiếng cười rúc rích như chuột gặm nát trái tim anh.
Nhỏ trông buồn cười như trái ớt.
Ớt xanh nho nhỏ đo đỏ mà cay khôn cùng.
Cay mờ mắt anh.
....
Nhỏ, cho nhỏ chùm tỉ muội.
Đừng chớp mắt tội tình anh...”
Bên cạnh những cánh hoa ép khô, những bài thơ, bài nhạc và hình vẽ, bài thơ năm chữ của người con trai mang kính cận trong lớp cha Phương vô tình gợi lại cho Hạ những ngày thân ái xa xưa:
“O nớ mang răng khểnh.
Trông mê mệt vậy thê.
Mỗi khi cô nhích lệch
Mình cảm thấy lạnh tê
Bữa kia bạn cho kẹo
Cô vội cười mỉm chi
Nhưng trông lại cô héo
Cục kẹo có tí ti...”
Nhìn lại những kỷ vật, Hạ thấy nhớ Nha Trang và bạn bè rất nhiều. Không biết bạn bè Hạ bấy giờ lưu lạc ở những nơi nào? Có phải họ đang nhớ kỷ niệm cũ, những ngày xưa cũ như Hạ đang khoắc khoải mong nhớ không? Ngày mai của Hạ ra sao và tương lai của Hạ như thể nào khi Hạ không thể kết thúc kỳ thi tú tài? Còn Thảo Vy nữa, có phải chị em Hạ mãi mãi không bao giờ được gặp nhau không? Hạ không tìm được câu trả lời cho bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Niềm hy vọng trong Hạ càng lúc, càng trở nên nhỏ bé và mong manh. Nỗi buồn thầm kín quyện với cái mất mát lớn lao của hiện tại làm Hạ cảm thấy chơi vơi và đơn độc. Hạ muốn khóc thật nhiều để được vơi buồn và nỗi u uất trong tâm trí. Như hiểu lòng Hạ, mỗi ngày má và hai cô của Hạ luôn nhắc khéo: “Tới ở nhà người lạ phải luôn luôn vui vẻ nghe con.” Cho nên, Hạ không làm gì khác hơn là im lặng và im lặng.
Buổi trưa thật là yên lặng. Những người lớn tụ họp ở vệ đường trước mặt nhà để bàn tán về tin tức ở Nha Trang và túc trực nghe truyền thanh để biết tin tức ở Sài gòn. Hạ thờ ơ nhìn những đứa nhỏ chơi đùa trước sân. Mỗi buổi trưa, tụi nhỏ trong xóm thường tụ lại trước nhà để chơi lò cò hay nhảy dây.
Con bé gái của dì Tư lân la đến làm quen:
- Chị Hạ muốn chơi với tụi em không?
Hạ lắc đầu:
-Không! Cảm ơn các em!
Con bé và bạn nó ngồi sát vào Hạ :
- Tóc chị Hạ rối quá. Chị muốn tụi em chải cho chị không?
Thấy Hạ gật đầu, hai đứa nhỏ bỏ mặc bạn bè nhảy nhót trên sân, chạy vào nhà tìm lược. Một lát sau, chúng chạy đến bên Hạ, chia ranh giới trên đầu để chải bới . Mấy đứa khác thấy ngộ, ngừng chơi, lân la tới nhìn Hạ. Chúng cười nói đủ chuyện rồi chia nhau hái hoa lá. Những bàn tay non, mềm mại mơn trớn trên mái tóc, những chiếc răng lược quyện trong tóc, cộng với gió hiu hiu thơm mát của vùng quê làm Hạ muốn rơi vào giấc ngủ.
- Chị Hạ, nhìn trong gương xem! Chị có giống công chúa hay cô dâu không?
Liếc vào tấm gương, Hạ bật cười khi thấy khuôn mặt mình thật tếu. Hạ không bao giờ thích đeo bông tai hay gắn bất cứ kiểu hoa nào trên đầu, vậy mà tụi nhỏ gắn trên tóc Hạ đủ các loại hoa. Màu sắc rực rỡ của những đóa hoa tương phản trên làn da nâu xẫm đã tạo cho Hạ một khuôn mặt giống cô gái của người thiểu số. Nhìn những ánh mắt chờ đợi của chúng, Hạ gật đầu và nói dối:
- Đẹp! Chị thích lắm.
Cả bọn căn dặn:
- Chị đừng gỡ tóc xuống nghe! Tụi em làm lâu lắm mới được như vậy đó!
Hạ gật đầu và mỉm cười.
- Chị có thích ăn trái cây không?
- Chị thích lắm.
- Chị ngồi yên đây nghe. Tụi em về nhà hái trái cây cho chị.
Mấy đứa nhỏ con dì Tư chạy theo bạn hái trái. Hạ nhìn theo chúng và mỉm cười bâng quơ. Đây là ngày ở trên Thanh Minh mà Hạ cảm thấy vui. Câu nói ngây ngô, nụ cười hồn nhiên và việc làm vô vị lợi của những đứa nhỏ đã làm cho Hạ vơi bớt buồn.
Suốt buổi chiều hôm ấy, Hạ ăn trái cây với mấy đứa nhỏ con dì Tư và những đứa nhỏ trong xóm. Hết ổi, lại xoài, mít, rồi đu đủ. Tụi nhỏ cố gắng lục lọi các loại trái cây trong vườn để làm Hạ vui và Hạ thì không từ một loại trái nào mà chúng cho. Mê nhứt là những múi mít dừa! Hạ vô tư ăn hết nửa trái mít và nghĩ bụng ăn để thế cho bữa cơm chiều. Tác hại thay, tối hôm ấy, tất cả trái cây mà Hạ ăn biểu tình dữ dội. Hạ bị đau bụng và muốn ói nhưng lại không thể ói ra được. Má Hạ, các cô và những người lớn trong nhà dì Tư lăng xăng tìm cách chữa cho Hạ. Người cắt lể, người cạo gió, người xoa dầu. Mọi người xúm xít bàn tán:
- Nó bị trúng thực rồi. Ăn nhiều trái cây mà không tiêu là bị vật.
- Mít độc lắm, ăn nhiều không tiêu đâu. Bụng yếu mà ăn nhiều mít thì làm sao tiêu được!
Dì Tư lo lắng:
- Cầu cho nó mửa ra. Chỉ có mửa ra được thì nó mới khỏe lại thôi.
Những cơn ói khan làm Hạ kiệt sức. Dì Tư và dượng Tư quyết định đưa Hạ lên nằm trên giường của người con trai lớn của ông bà. Hạ quá yếu nên không thể từ chối. Người con trai lớn của dì Tư đã chạy đi tìm các loại lá cây và vỏ măng cụt như lời mẹ anh ta nói: “ Trúng thực thì chỉ có nước uống nước vỏ măng cụt sao mới khỏi thôi.”
Khi anh ta đến bên giường và đưa cho Hạ chén nước thuốc do chính anh ta làm, Hạ thấy sợ. Nhìn màu nâu xẩm của nước thuốc, Hạ muốn quay mặt đi, nhưng rồi vị tình, nên Hạ đành nhận và cố uống cho xong.
Cô Sáu nói:
- Uống đi con. Anh Hùng phải đi tìm suốt buổi tối mới có mấy cái vỏ măng cụt này đó. Tình hình bây giờ đâu có thể đi chợ được mà tìm thuốc dễ dàng.
Nuốt đến ngụm thuốc thứ hai, chất đắng và mùi hôi của thuốc làm cổ họng Hạ khó chịu. Hạ càng cố nén thì mùi nồng của thuốc càng kích thích mạnh hơn khiến cho nước thuốc bộc mạnh lên cổ rồi ào tuôn ra khỏi miệng kèm theo vô số thức ăn. Mọi người xúm xít dọn dẹp giường chiếu và cho Hạ uống nước nóng. Lúc này cổ họng Hạ vừa chua, vừa đắng nhưng Hạ bớt mệt và không còn bị ngạt thở để bắt đầu cho một giấc ngủ bình yên.
***
Sáng hôm sau Hạ tỉnh táo hơn. Nằm yên nhìn mọi người lui tới chăm sóc, Hạ cảm động nhưng không nói gì. Mấy đứa nhỏ bẽn lẽn đến cạnh giường xem Hạ ra sao và tỏ ý muốn nói chuyện. Lúc này, Hạ cởi mở hơn và nói chuyện với từng đứa. Hạ không nhớ là đã nói với chúng những gì và đã kể cho chúng nghe những gì . Nhìn những đôi mắt thơ ngây chăm chú nghe chuyện, Hạ thấy thích thú, nghĩ rằng mình đã thu hút chúng bằng giọng nói Nha Trang chứ không phải vì câu chuyện kể. Mấy đứa nhỏ dường như hãnh diện khi được làm bạn với Hạ. Chúng cười vui tíu tít quanh giường và rủ Hạ đi sang nhà hàng xóm chơi với chúng.
Những người lớn xầm xì, bàn tán về công lao của anh Hùng. Cô Sáu nói bóng gió:
- Người lo cho mình lúc hoạn nạn sẽ là người chồng tốt. Mình ơn nghĩa với gia đình chị Tư này không biết đến bao giờ mới trả được?
- Gia đình ảnh, chỉ thật tốt và phước đức ghê. Ai làm dâu nhà này sướng lắm đó.
Chồng con? Lập gia đình? Chưa bao giờ Hạ nghĩ đến điều này. Hạ vẫn còn rất nhiều ước mơ. Hạ vẫn còn chờ đợi và hy vọng. Hạ chỉ muốn kiếm lời nào đó để cảm ơn người tìm thuốc cho Hạ , chứ không muốn nghĩ gì xa xôi. Ơn nghiã của các cô con gái với các chàng trai nảy sinh tình yêu, và kết thúc bằng đám cưới thường xảy ra trong truyện tiểu thuyết. Các câu truyện viết thường được đơn giản hóa. Còn trong thực tế, Hạ thấy nhiều thứ tình cảm khác biệt nhau mà không thể lầm lẫn được. Tình thương hại và ơn nghĩa không phải là tình yêu và không thể nào khỏa lấp được tình yêu.
Niềm vui trong chốc lát của Hạ biến mất ngay sau đó và nỗi buồn cũ lại trở về. Hạ thấy nhớ da diết Nha Trang và những ngày vui đùa cùng nhóm bạn dễ thương. Hạ còn nhớ những người bạn không phải học sinh của Nữ Trung học Huyền Trân và ao ước được đi dự những buổi dạ vũ để còn thấy được niềm đau hơn là mất tất cả. Cảm giác không muốn ngồi dậy, không muốn đi đâu, Hạ xin lỗi mấy đứa nhỏ để tiếp tục nằm yên trên giường.
***
Niềm vui hay nỗi buồn cũng phải bỏ lại sau lưng khi dượng Tư báo cho mọi người về cuộc họp mặt với quân đội niềm Bắc ở đình làng.
Buổi tối hôm ấy, ngoài những đứa nhỏ ra, tất cả mọi người phải tập họp ở sân làng để nghe “ bộ đội” miền Bắc nói chuyện.
Một số đông đàn ông mặc đồng phục xanh rêu bạc màu, đội nón cối sắt ngồi thành một nhóm lớn trước những người dân làng. Hai người đại diện thay phiên nói về những việc họ đã làm và sắp làm. Quan sát họ, Hạ không cảm thấy sợ như lời đồn, nhưng khi nghe họ nói chuyện với những từ dùng mạnh mẽ và lạ lùng như “ cách mạng”, “giải phóng”, “tích cực”, “phấn đấu”, “bác Hồ”, “Đảng và nhà nước” thì Hạ cảm thấy sợ. Hạ cảm thấy sợ hơn và khó chịu hơn khi họ dùng từ “Mỹ Ngụy đồi trụy” mà lờ mờ không hiểu mình có phải là “Ngụy” như họ ám chỉ không. Chưa bao giờ Hạ nghe tiếng Bắc với âm thanh rắn chắc và nặng nề như giọng nói mà họ sử dụng. Hạ thất vọng khi biết họ đã thật sự chiếm Nha Trang và chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Hạ hồi tưởng lại hình ảnh người lính Cộng Hòa với quân phục gọn gàng hùng dũng ngày xưa, nhưng rồi cảm thấy chán nản vì linh tính là những người lính miền Nam không giữ được những sự nguyên vẹn cũ.
Má và các cô của Hạ quyết định trở về nhà. Trước khi trở lại Nha Trang, má Hạ căn dặn: “Từ nay con phải giữ miệng, không được nói năng bừa bãi, không được kêu Việt cộng mà phải là mấy ông Cách Mạng . Áo quần tây, tàu cũ cũng bỏ hết đi, má sẽ mua vải đen hay nâu về may đồ cho con mặc.”
***
Vừa đến nhà là Hạ tìm Ái ngay. Con nhỏ sống thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra bên ngoài khu vườn nhà nội. Con nhỏ khoe các món bánh mà nó làm và mấy chiếc áo “hoa hoè, hoa sói” tự may. Đi ngang khi vườn thấy một cái hố nhỏ có đậy tấm cửa gỗ cũ bên trên, Hạ hỏi:
- Cái gì đây?
- Chỗ tránh bom của bác trai.
- Ai đào lỗ này cho bác.
- Tui phụ bác đào.
Hạ ngẫm nghĩ về điều Ái tiết lộ mà không tìm câu trả lời thích đáng. Ngày Nha Trang bị bỏ bom, bác cả của Hạ không hốt hoảng chạy trốn như những người trong nhà, nhưng những ngày sau đó lại cố sức đào cái
hố nhỏ trong vườn để tránh bom. Quan sát nhìn cái “hầm tránh bom”tí tẹo ấy, Hạ hỏi:
- Chỗ này chỉ đủ cho một người ngồi à! Vậy bà ở đâu?
- Tui ở trong phòng chứ ở đâu! Chạy trốn ở đâu chi cho mệt. Bom rớt xuống, chết trên giường nệm sướng hơn ở cái hố cát này!
Hạ gật đầu:
- Đi đâu rồi cũng trở lại chỗ cũ nhưng mà cái sợ làm người ta thiếu bình tĩnh.
Hạ không ngạc nhiên về tính bất cần của Ái. Biến cố Mậu Thân năm1968 và mùa hè đỏ lửa 1972 đã làm con nhỏ quá quen thuộc với chiến tranh. Mệt mỏi và chán chường với tàn khốc đã từng chứng kiến, Ái thực sự xem thường những gì mà người khác sợ hãi.