- PHƯỢNG! CON PHƯỢNG ĐÂU RỒI?
- Dạ thưa bà, cô Phượng mới vừa đi xuống chợ rồi. Cổ đi lúc bà đang ngủ trưa.
- Đi chợ? Nó đi chợ chi vậy?
- Dạ, cổ nói đi mua tập mua sách vì còn hai bữa nữa là khai giảng rồi. Con nói để con đi mua cho nhưng cổ không chịu. Mà đúng là con biết cái gì đâu mà mua.
- Thôi chị đừng cà kê nữa. Nó đúng là giống hệt...
Tiếng người đàn bà chợt nhỏ lại...
Lúc đó Huấn đang dùng cái xẻng lớn xúc hồ đổ vô cái xô nhôm móp méo. Câu chuyện giữa hai người đàn bà mà Huấn tình cờ nghe xảy ra trong thời gian nó làm phụ hồ trong việc sửa chữa toàn bộ lại một ngôi biệt thự cũ. Gia đình của người chủ nhà đã dọn về từ lâu. Thỉnh thoảng Huấn có nghe người ta gọi ông chủ nhà, một người đàn ông trung niên, cao lớn và luôn ăn mặc sang trọng là “thủ trưởng”. Huấn cho rằng ông ta chắc là giám đốc của một xí nghiệp nào đó trong thành phố này. Người vợ của ông ta cũng còn trẻ, đâu chừng suýt soát với tuổi người ở nhưng chị ta cứ gọi là “bà chủ” làm Huấn thấy hơi là lạ. Cái từ ấy ở đây gần như ít người dùng nữa. Thường thì họ gọi người chủ là cô, dì hoặc chị một cách bình thường.
- Nhanh lên! Thằng rùa!
Tiếng của Thiện, một trong những “thợ chánh” của chú Ba chủ thầu.
Thiện có lẽ chỉ lớn hơn Huấn vài tuổi, nhưng trong công việc này hắn luôn tỏ vẻ đàn anh và sai bảo Huấn bất kỳ lúc nào hắn muốn. Khi mới vào làm, Huấn cũng hơi tự ái về điều này, nhưng rồi nó nhủ thầm là phải gắng nhẫn nhục. Nó đang rất cần tiền. Bịnh của ba nó hình như là nặng. Nhà Huấn chỉ có hai cha con. Hằng ngày, ba nó vẫn đi đạp xe ba gác nuôi con với ước mong đứa con trai duy nhất của mình phải vào được đại học. Thế nhưng những ngày cuối năm học lớp mười một của Huấn, ông ngã bệnh do lao động nặng nhọc trong những cơn mưa dầm đầu mùa. Lúc đầu chỉ là cảm sơ nên ông không chịu nằm nghỉ mà vẫn đi làm. Thế nhưng ông bị cảm nặng rồi biến chứng thành viêm phế quản. Bao nhiêu tiền dành dụm gần như tiêu tốn hết vào thuốc men. Rồi mùa hè đến. Trong lúc bạn bè mình đi chơi, đi nghỉ mát ở cao nguyên hoặc vùng biển, hoặc chí ít cũng được thảnh thơi ở nhà rồi sau đó vào những lớp học “cua” trong thành phố, thì Huấn quyết định đi làm. Thành phố nhỏ nơi Huấn ở vừa ra quyết định quy hoạch lại khắp nơi và khắp nơi người ta cũng đua nhau sửa chữa, xây dựng. Tất nhiên Huấn chưa biết một nghề nào khác ngoài việc đến trường, nên chỉ có cách là xin làm phụ hồ cho một chủ thầu có quen biết với gia đình Huấn từ trước. Công việc nặng nhọc thực, nhưng khỏi phải trải qua giai đoạn học nghề miễn có sức. Dù sao mỗi ngày Huấn cũng đem về nhà được trên mười ngàn. Lần đầu tiên nhận được đồng tiền do chính một ngày lao động mệt nhoài của mình, Huấn đã lén chùi nước mắt. Không phải vì nó mệt quá, cũng không phải vì tủi thân. Nó không dằn được xúc động vì nghĩ đến ba mình và thấy thương ông quá. Trước đây, Huấn không hình dung được việc lao động chân tay lại vất vả đến vậy. Vậy mà cả những ngày mưa gió ba nó cũng đi làm. Đi làm vì nó cho đến khi kiệt quệ. Huấn cũng biết là ba không muốn mình đi làm, nhưng vì chỉ có hai cha con nên đành chịu. May là thể lực Huấn khá tốt nên nó nghĩ dù nặng nhọc mình cũng đủ sức làm nuôi ba từ bây giờ.
- Mày trộn hồ xong thì đi quét vôi vách tường phía sau. Quét lớp lót thôi, sau đó tao quét lại.
Huấn lẳng lặng làm theo lời Thiện. Khi đi ngang qua sân sau của căn nhà để ra phía sau, Huấn lại nghe tiếng người đàn bà khi nãy la mắng người ở:
- Bé Hai. Giờ này sao mày chưa pha sữa?
- Dạ! Bà đợi con chút xíu. Con giặt xong rồi. - Lần này là tiếng của một người ở khác, còn nhỏ tuổi.
Nhà có vài ba người mà họ mướn chi đến hai người ở? Huấn thầm nghĩ vậy. Tiếng người chủ nhà cao giọng lên:
- Ai kêu mày giặt luôn đồ của con Phượng hả? Để cho nó tự giặt. Nó không phải là tiểu thư đài các gì đâu mà phải nuông chiều hầu hạ. Bỏ đại đó đi. Mau lên. Thằng Tuấn khát sữa khóc lả đi rồi thấy không?
- Dạ! - Tiếng người ở dạ nho nhỏ đầy nhẫn nhục. Huấn cầm cái chổi quét vôi đi nhanh qua. Cả một bức tường cao và dài, chạy quanh khu vườn vừa xây xong. Chỉ còn quét vôi, sửa sang lại vài hôm nữa là công việc sẽ hoàn tất. Những công việc cuối cùng của Huấn.
Ngày mốt là đã khai giảng rồi. Mình chắc chắn bị trễ. Dù sao cũng không thể bỏ ngang công việc bởi khi bắt đầu vào làm Huấn đã “hợp đồng” làm đến khi chú Ba bàn giao cho chủ thì nó mới nghỉ việc. Nói đúng ra thì chẳng ai nghĩ là công việc sẽ kéo dài đến vậy, vì khi mới bắt tay làm chú Ba cho rằng họ chỉ thi công trong hai tháng là xong. Thế nhưng công việc đã kéo dài gần ba tháng vì người chủ nhà cứ bảo đập cái này, sửa cái kia liên tục...
Gần đến chiều, Huấn mới quét vôi tạm xong một trong những vách tường. Những người thợ khác cũng đã nghỉ tay. Thiện bảo:
- Mày ra phía sau hồ nước lấy mấy cái bay tao ngâm trong thùng ra đây. Tao phải sửa lại mặt nền sân phía trước. Chú Chín ổng vừa chê.
Người mà Thiện gọi là chú Chín tức là ông chủ mới của căn biệt thự này. Ông ta có vẻ quan tâm đến việc sửa chữa ngôi nhà và luôn chăm chú đến từng chi tiết của công trình. Hình như họ đang cần chỗ ở nên đã đề nghị sửa chữa nội thất trước và khi phần ấy vừa xong là họ dọn đến ở ngay.
Nơi góc, phía tay trái vườn có một hồ nước nhỏ, người chủ cũ thả đầy bông súng đỏ. Hồ nước cũng phải sửa lại, và khi nó chưa sử dụng những người thợ đã dùng làm nơi để dụng cụ cho tiện vì dễ rửa khi sử dụng xong.
Huấn đi nhanh về phía hồ. Nó bỗng giật mình, đi chậm lại...
Trước mặt Huấn, trên chiếc ghế đá đặt dưới gốc xoài lớn cạnh hồ nước có một người đang ngồi. Một cô gái tóc khá dài. Cô ta quay lưng lại phía Huấn. Nó hơi lúng túng nhìn xuống đôi bàn tay và bộ quần áo lấm lem của mình.
Cô gái này là ai? Hình như cô ấy chỉ mới đến ở trong ngôi nhà này tuần qua. Trước đó Huấn không nhận thấy ai ngoài ông bà chủ nhà và hai người ở gái. Mấy hôm nay, Huấn mới thấy trong nhà có thêm một “con nhỏ”. Và từ ngày ấy, nó nghe hình như bà chủ nhà ưa la mắng hơn khi ông chủ vắng nhà. Chắc là con nhỏ ấy đây.
Nhưng nó làm gì mà giờ này còn ra ngồi ở góc vườn nhìn xuống hồ mơ mộng? Dù gì thì Huấn cũng phải lấy mấy cái bay cho Thiện, nghĩa là ở sát bên chỗ ngồi của con nhỏ ấy, ngay dưới chiếc ghế đá. Huấn cố tình đi mạnh chân khi đã tới gần. Nó nhìn thấy mái tóc ấy rung một cái như giật mình rồi xoay một vòng quay lại. Huấn bối rối. Trên đôi gò má con nhỏ đầy nước mắt. Đôi mắt nó đỏ hoe. Thì ra nó ra đây là để khóc chớ không phải để mơ mộng!
Thấy Huấn, con nhỏ quay vội đi. Huấn lại càng bối rối hơn vì ngại không biết làm sao để đến bên chỗ ghế đá. Nhưng may mắn là “con nhỏ khóc” ấy đã đứng lên, không nhìn Huấn và bỏ đi. Phượng?
Chắc nhỏ này tên Phượng! Cái tên bị bà chủ nhà đem ra la rầy với người ở khi trưa. Con gái quả là ưa mít ướt. Nhìn cái mặt bí xị của nó thấy mắc cười. Nhưng đôi mắt đỏ hoe thấy cũng tội. Mà sao bà ta lại la rầy nó? Nó quan hệ làm sao trong gia đình này?
Chợt Huấn thấy mình lãng nhách khi thầm đặt những câu hỏi ngớ ngẩn về một “kẻ” xa lạ. Huấn vội đi tìm mấy cái bay thợ hồ, rửa sạch rồi gom ra cho Thiện. Tuy Thiện hơi lớn lối, chớ về nghề nghiệp thì nó đã rất giỏi. Một lát sau, trong khi Huấn đang đứng xem hắn biểu diễn tay nghề thì ông chủ nhà về và chỉ mười phút sau là lại phóng xe Dream chạy ra. “Con nhỏ khóc” ấy ngồi phía sau nhưng lạ lùng thay, khuôn mặt nó đã tươi roi rói. Thiện ngừng tay nhìn theo.
Khi chiếc xe chạy khuất, hắn quay lại, đá lông nheo với Huấn:
- Con nhỏ “ác chiến” hả?
Huấn làm ra vẻ gật đầu. Thiện tiếp tục:
- Mày biết nó là ai không?
- Ai?
- Con người vợ lớn của chú Chín đó. Ổng mới đi Nha Trang rước nó về. Ổng có vẻ cưng nó lắm nhưng bả thì không ưa. Để mày coi!
Quả nhiên, từ phía trong nhà vang lên tiếng chửi rủa cằn nhằn của bà chủ nhà. Lần này Huấn ở xa nên chỉ nghe loáng thoáng. Thiện lại dừng tay, nháy mắt:
- Đó! Nghe chưa? Nói nhỏ cho mày nghe nhen. Chú Chín thì có vẻ chịu chơi mà ổng cũng hiền nữa. Còn bà vợ này của ổng đẹp thì cũng đẹp nhưng “chằn” ăn lắm. Tao nghi con nhỏ không ở được lâu với bà chằn này. Tội nghiệp nó!
Hắn cười hì hì và Huấn cũng cười theo. Thiện ngoài vẻ ưa lên mặt với lính mới, hắn còn có cách nói rất dễ mích lòng với bất kỳ ai. Thế nhưng, khi đã tiếp xúc lâu và biết tính nết của nó thì thấy Thiện cũng không đến nỗi...
.... Ngày hôm trước chú Chín đã dặn:
- Vách tường quét vôi màu xanh nước biển nghen. Con gái lớn tôi rất thích màu ấy!
Huấn nghĩ: ông ta đúng là thương con nhỏ ấy. Tường chạy quanh nhà mà lại đi quét màu xanh sáng thì rất mau dơ và cũng mau phai lắm. Sở thích của con nhỏ này cũng... đỏng đảnh quá! Tình cờ, nó nhìn lên ban công. Con nhỏ đã đứng đó. Nó không nhìn ai mà chỉ đăm đăm nhìn vào vách tường phía trước đã quét vôi xong đang dần khô lại. Huấn lại thấy tồi tội khi thấy rõ ràng là vẻ mặt của nó rất buồn.
Hôm ấy lòng dạ Huấn bồn chồn không yên vì chỉ còn một ngày nữa là tựu trường. Nó hoàn toàn chưa chuẩn bị được gì cho việc học. Ngay cả một bộ quần áo tươm tất và tập vở cho niên học mới, Huấn cũng chưa mua dù nó đã dành dụm được một ít tiền. Thiện cũng nhận thấy được điều đó, hắn hỏi:
- Mày làm gì mà lóng nga lóng ngóng vậy? Bị cô tiểu thư kia hớp hồn rồi hả?
- Mai trường tui khai giảng rồi! - Huấn đáp, mặt rất thiểu não.
- Mày còn tiếp tục học nữa? - Thiện lộ vẻ ngạc nhiên.
- Ừ! - Huấn chỉ muốn trả lời cho xong chuyện.
- Ở đây vài bữa nữa mới bàn giao. Làm sao mày vô học kịp?
- Thì phải đi trễ!
- Mày giỏi thiệt! - Bỗng dưng giọng Thiện chùng xuống, tình cảm. - Khó khăn vậy mà mày cũng ráng được. Hồi trước tao mới học đến lớp năm, đùng cái, gặp chuyện gần giống mày, tao nản bỏ học luôn. Giờ có muốn học lại cũng không được!
- ...
- Mày học lớp mấy rồi?
- Năm nay tui lên mười hai!
- Hay quá hén! - Hình như Huấn nghe Thiện kín đáo thở dài. Bỗng nhiên nó nói thêm - Đâu như con nhỏ con của chú Chín cũng chuyển trường về đây học. Cỡ nó chắc học thấp hơn mày!
Ngày hôm sau, công việc còn lại của toán thợ là xây lại cái bờ hồ đã bị hư hại. Họ phải bơm cạn nước vào nạo vét lại cho sâu hơn theo yêu cầu của chủ nhà. Công việc vậy mà kéo dài thêm hai ngày nữa. Buổi trưa hôm cuối cùng, ngồi ăn cơm ở sân trước cùng với toán thợ, Huấn lại nhìn thấy cô con gái lớn của chú Chín đi học về. Phượng (giờ Huấn biết tên nhỏ đó là Phượng) mặc áo dài trắng, đi một chiếc xe đạp còn mới, trông nhỏ tuổi hơn lúc mặc đồ thường.
Lòng Huấn lại càng nôn nao hơn. Nó làm việc mà cứ nghĩ đến trường, đến bạn. Cho nên cuối ngày, khi Thiện bảo:
- Việc của mày vậy là xong. Mai, mày khỏi đến cũng được. Tiền chú Ba trả đủ rồi phải không?
Từ mấy ngày nay, Huấn đã không còn “ác cảm” với Thiện nữa. Nó mừng rỡ chào Thiện và bước vội ra cổng. Vừa lúc đó, Huấn lại gặp Phượng đạp xe về. Lần này thì Huấn cảm thấy hình như con nhỏ nhìn mình với vẻ tò mò. Nó không nhìn lại mà chỉ lầm lũi đi thẳng.
Nhưng vừa ra khỏi cổng, nó lại gặp chú Ba. Ông chủ thầu ngạc nhiên:
- Ủa Huấn, sao cháu về?
- Dạ, hết việc rồi. Cháu xin về sớm một chút!
- Không được. Bữa nay tao còn liên hoan, thưởng công thợ nữa. Chú Ba đãi mà. Mày không về được đâu!
Vậy là Huấn đành phải ở lại. Cả toán thợ vừa hoàn thành công việc nên ai cũng phấn khởi, ăn nhậu tưng bừng. Huấn cũng bị ép uống hết một ly bia lớn, nhưng rồi đến chín giờ đêm nó thoát ra được và về nhà trong sự mệt mỏi.
Vậy mà “con nhỏ khóc”, con nhỏ đòi bức tường phải là màu xanh biển ấy giờ đây lại là bạn học chung lớp, thậm chí chung tổ với Huấn! Không biết nó có nhận ra mình không? Mà chắc là nó nhận ra!
Bạch Phượng? Thằng Trường nói cái tên Bạch Phượng nghe lạ đời bởi chỉ có phượng màu đỏ chớ làm gì có phượng trắng? Nhưng hồng hay trắng gì mình cũng chẳng quan tâm. Mà hình như con nhỏ đó nhận ra mình thiệt!!!