Có người đàn bà mặc bộ đồ đen bạc màu đeo túi “dết” chạy bổ về làng Thượng. Vừa chạm gốc lựu đầu ngõ đã bật tiếng kêu:
- Thục ơi! Thục có nhà không?
- Ới trời ơi! Ả Dịu, ả đi mô mấy năm ni, chừ mới ngó chộ.
Thục mứng quýnh, ôm chầm Dịu, ôm cả cái túi dết lủng củng tài liệu. Dịu nhìn quanh
- Bà đâu hả Thục
- Mạ đang bị nhốt ở nhà kho
- Dẫn chị đến đó ngay.
Dân quân chéo nòng súng hình chữ (X) cấm vào nhà. Dịu mở túi dết, lấy ra tờ giấy màu vàng bằng nửa trang giấy học trò. Một người đứng cản, một người đưa tờ giấy lạ vào cho Đội Thí. Huỳnh Thí hớt hải chạy ra, mặt tái xanh, lắp bắp.
- Mời chị, mời chị vô!
Thí quắc mắt, hai chú dân quân lùi lại.
- Đồ chết tiệt. Còn đứng đó à!
Hai dân quân cùng chạy ra ngõ, Huỳnh Thí sấp ngửa chạy vào nhà đóng chặt cửa. Mụ Lỗi mở tung cánh cửa nhà ngang vừa đi vừa nhằn rận trên chiếc áo nâu lâu ngày không giặt. Mụ ngó nghiêng rồi bắt chước lũ trẻ hát nghêu ngao:
Đội về đây
Dân vui ấm no
Có ruộng cày
Đoàn kết một lòng
Lá là la la
Hai … ba…. Câm theo sau vỗ tay đều đặn, múa cười khách khách.
Huỳnh Thí thò cổ ra cửa sổ, nhổ toẹt bãi nước bọt.
- Một lũ điên. Hứ!
Mụ Lỗi trừng mắt, đứng thế chân chèo, tay xỉa xói, nhìn về phía bờ sông
Hú ba hồn mi Trí trọp
Hú ba hồn mi Hóp má
Hú ba hồn mi Đặng xá
Hú ba hồn mi Liêm cao Đoạn mụ quay ngoắt về phía cửa sổ…
Hú ba hồn Lão Lỗi
Hú bảy hồn Lão Đam
Hú ba hồn, chín vía mi, Đội ThíMụ vòng qua nhà kho, cúi đầu, cằm sát ngực rồi lẳng lặng về phía nhà ngang. Câm lầm lũi theo sau.
Dịu khóc tức tưởi, dìu bà Khế về nhà. Đến gốc cây Mưng già chia đôi làng Thượng, bà không kìm được
- Dịu ơi! Chúng nó bắn chết thằng Soán rồi.
Dịu sững sờ
- Con về muộn mất rồi, mạ ơi!
***
Hiếu tỉnh lại
Mắt mở trừng trừng,
Hai tay đấm ngực thùm thụp
La hét, lăn lộn rồi ngất xỉu
Mở mắt
Hiếu gào qua nước mắt:
- Tôi giết chồng tôi rồi! Trời ơi là trời.
Không ai dỗ được Hiếu lúc này, trừ con Hoà và thằng Bình. Nhưng hai đứa khóc mềm người, mệt lả, thiếp dần….
Dịu ôm Hiếu vào lòng bón từng thìa cháo loãng. Hiếu mở đôi mắt to tròn như dán vào Dịu giọng khản đặc.
- Chị ơi! Anh ấy đứng đó, đầu cao hơn đỉnh cột, em không dám nhìn. Súng nổ, em ngoảnh lại, anh ấy nhìn em như hút hồn. Anh ấy thương em nhiều lắm, nên giận em nhiều lắm phải không chị?
- Chị hiểu, thôi em đứng nói nhiều mà mất sức.
- Nhưng chị ơi! Tại sao anh Soán phải chết vội vàng, chết tức tưởi như rứa! Người ta bảo vuốt mãi mà mắt anh không nhắm được. Oan quá mà. Cũng tại em cả chị ơi!
- Em đừng nói thế. Cái sai này lớn lắm
- Tại em cả tin. Chị biết không- Sau cái tối em đưa cơm cho anh Soán, thì sáng ra anh bị bắt liền. Đội Thí đến. Thí cam đoan là chỉ cần anh Soán thú nhận có ảnh Ngô Đình Diệm, có cờ tam tài là được hưởng lượng khoan hồng, cùng lắm là đi tù vài năm rồi về sống với vợ con. Em bảo với Đội Thí làm gì có cờ, có ảnh, Đội Thí bày cho em vẽ cờ Tam tài, vẽ ảnh Diệm đặt lên gác bếp, loang lổ bồ hóng rồi đem nộp cho Đội. Ai dè mụ Thí tuyên bố tang chứng rõ ràng, rồi khép anh Soán vào tội chết. Tại em thương anh quá, hoá nghe theo lời phỉnh gạt của mụ Thí. Chị ơi, đời này, kiếp này, em làm sao quên được nỗi oan ức này.
Bà Khế khóc mấy ngày, không còn nước mắt. Bà trân trân nhìn lên tán lá dầu máu, mồm trễ tràng nhai trầu. Thục ngồi bên mẹ, ngoáy sẵn cối trầu đỏ au. Bà ngồi trước mâm cơm cúng tuần cho Lê Soán. Bà bảo tuần đầu, linh hồn của người vừa khuất núi còn quanh quẩn bên gia đình, vợ con, hàng xóm. Người dương làm gì, nói gì, người âm biết hết cả. Bà nói với Dịu, với Hiếu, với Thục, với linh hồn Trần Thuận, Lê Soán và cả thần Dầu máu.
- Ta nghĩ mãi rồi, không biết chuyện tày trời ở làng Thượng này có ai biết không?
- Dạ thưa mạ, Trung ương thấu hiểu mới cấp tốc cử đội sửa sai về. Nhận được lệnh là con lên đường ngay.
- Rứa thì ông Ngoạn đi mô hè!
- Dạ từ ngày con lên làm việc ở Hội phụ nữ đến giờ chưa gặp lại bác Ngoạn. Lần này đồng chí Nguyễn Chí Thanh về chỉ đạo sửa sai ở khu vực ta. Con đã báo cáo tình hình làng Thượng với đội sửa sai rồi.
- Rứa thì tốt. Ta ngẫm ra việc chi dân làng Thượng tự làm lấy thì được, như rào làng chiến đấu, “hạ sơn”, trừ tề, diệt ác.. Đến đận cải cách này từ ở mô rớt xuống Đội Thí, học chưa qua cấp một mà cái chi cũng muốn, cũng đòi thành tích cao. Tóc dài, đầu ngắn, cạn nghĩ mà say sưa thành tích quá đâm ra hỏng việc, hoá ra phá hoại ghê gớm. May mà đội sửa sai về chớ không thì ta cũng xanh cỏ theo Lê Soán rồi.. thiệt như một cơn ác mộng vậy…!
***
Những ngày sau, linh hồn chủ tịch Lê Soán được giải oan. Trung ương đề nghị gửi cháu Hoà sang Liên Xô học tập, nhưng cháu không đi, xin được ở nhà chăm sóc mẹ và em trai. Thím Hiếu đã trở thành bà Hiếu với mái tóc điểm bạc. Đến bữa cơm, Hiếu ngồi trân trân trước bàn thờ, lẩm nhẩm kể hết mọi chuyện cho chồng nghe.
***
Tháng sau, ở bến đò ngã ba sông, cách xa làng Thượng, người ta vớt được xác người đàn bà mang thai dập dềnh trên sóng.
Ông lão chèo đò kể rằng: Tối hôm trước, trời oi nồng, có người đàn bà đứng trân trân trên bờ, mắt hướng về lòi Dầu máu hồi lâu rồi từ từ đi xuống bến, hai tay khoả nước đều đặn, cứ tưởng là có người đến tắm đêm, ai ngờ….
Người ta tìm thấy cái xắc vải xanh công nhân dựng tài liệu cách thi thể nạn nhân không xa. Bên trong là chiếc áo đen đã sờn và cuối sổ công tác dày cộp. Trong cuốn sổ ghi rõ ngày tháng đấu tố và xử tội phần tử quốc dân đảng Trần Thị Khế. Cuối cùng ký tên đội trưởng Đội cải cách ruộng đất: Huỳnh Thí, chân chữ T đá lên quá đầu.
Người đàn bà xấu số không có họ hàng, người thân, nên dân làng đắp cho nấm mộ nơi ngã ba sông. Ba ngày sau, trên nấm mồ ấy có người đàn ông to,cao nằm vắt ngang. Ba vỏ chai rượu nằm chỏng chơ. Thấy xác chết, lũ trẻ chăn trâu chạy về báo làng.
Hay tin, mụ Lỗi tựa lưng vào gốc cây Dầu máu, mặt hướng về ngã ba sông hú hồn:
Hú ba hồn mi Đội Thí.
Hú ba hồn mi Lão Đam Mặt trời đỏ như mảng tiết chìm dần xuống đáy ngã ba sông.
Hà nội viết từ 9 giờ mùng hai tết BínhTuất
đến 12 giờ đêm 17 tháng 6 ta
11/7/2006
Vĩnh Trà.