Lưu Tiền Mẫn
Báo " Luận Đàn ", Los Angeles, ngày 6/3/1985.
Tại Đài Loan, những người biết tiếng ông Bá Dương không phải ít. Ngay cả tôi, tuy chưa hề đọc tác phẩm nào của nhà văn này, nhưng vì nghe đồn đại mãi về sự từng trải, cảnh ngộ của ông rồi cũng thành ra biết.
Hai mươi năm trước Bá Dương viết tạp văn ở Đài Loan. Thời ấy xã hội Đài Loan còn là một xã hội đóng kín, khô khan, nhạt nhẽo. Tạp văn của ông đương thời đã là một thang thuốc mát mẻ thích ứng với những lòng người bị ngột ngạt. Chính vì thế tạp văn của ông đã làm ông nổi tiếng.
Nhưng ở đời thường những sự thuận lợi dễ dàng nhiều khi vẫn mang lại cái rủi ro rất lớn. Ông viết rất nhiều, trên trời dưới biển không chuyện gì không động đến, lại không biết che đậy dấu diếm, sao tránh được việc xúc phạm vào vùng đất cấm, vào các húy kỵ của thời đại. Kết quả là sau đó ông bị tống đi Lục Đảo để đóng cửa nghiền ngẫm sự đời.
Đến khi được phóng thích, tiếng tăm của ông lại càng lẫy lừng; thừa thắng xông lên, cái ngang ngược của ông lại càng ghê gớm. Chửi bới một nhóm người chưa đã, ông bèn vung roi, phê kim bình cổ. Ngay cả cái văn hóa 5.000 năm của Trung Quốc cũng bị ông đánh tơi bời.
Gần đây tôi được đọc trên báo " Luận Đàn " bài diễn thuyết của Bá Dương tại Đại học Iowa (Mỹ) nhan đề " Người Trung Quốc xấu xí " ; đọc xong lòng đầy xúc cảm. Đúng thế ! Một nước to lớn như Trung Quốc, mà người cứ nghèo, chí cứ thấp, cùng quẫn lâu dài thì sẽ không thể nào thống nhất được mãi, đến lúc nào đó sẽ không khỏi bị tan rã. Ngay ngày hôm nay cũng đã có một bộ phận người Trung Quốc ở ngoài nước vượt được qua trình độ đại học đã không còn thừa nhận mình là người Trung Quốc, và tuyên bố thẳng thừng là chẳng còn gì dính líu đến nước này nữa.
Hiện nay trên thế giới có lẽ ngoài cái loại người như Bá Dương, không có một người dân thường nào ở các quốc gia nghèo khổ, vì nịnh nọt hoặc oán hận lại vội vàng đi bôi nhọ đồng bào và văn hóa mà mình vẫn còn sống nhờ vào đó.
Nhà khoa học lớn người Hy Lạp ác-Si-Mét có nói : " Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy được cả quả đất ". Đại khái Bá Dương cũng mơ tìm được một điểm tựa - cái văn hóa hũ tương của ông - và dùng điểm tựa này để tấn công vào vận mệnh văn hóa của một nước lớn hơn một tỷ người.
Tại những nước giầu có, người dân nói về sự xấu xa của quốc gia mình thì cũng đã có hai quyển sách đã chào đời. Sau Đệ nhị Thế chiến, có một vị người Mỹ viết một quyển gọi là " Người Mỹ xấu xí ". Một vị khác người Nhật sau đó vài năm cũng vội vàng viết cuốn " Người Nhật xấu xí ". Hai tác giả này cảm thấy người nước mình hoặc vì tính tình kiêu xa, hoặc vì thiếu lễ độ đạo đức, mới viết văn cảnh tỉnh mọi người.
Đặc biệt để nhấn mạnh những điều không đồng tình, ông tác giả Nhật bất chấp đang ở giữa nhiệm kỳ đại sứ tại nước ngoài, đã cho in luôn. Việc phải đến tất đến, cái hành vi sai trái của một nhân viên nhà nước ấy đã làm ông mất chức. Nhưng qua việc này ta có thể thấy được tấm lòng thành của ông ta đối với đất nước như thế nào.
Tôi đã sống ở Mỹ hơn 10 năm, không lạ gì chuyện người Mỹ khá bận rộn trong cuộc sống thường ngày. Hàng ngày, vì việc này việc nọ bận đến không có thể rứt ra, nên một quyển sách dẫu hay như quyển " Người Mỹ xấu xí " có lẽ cũng chẳng làm cho người Mỹ bình thường nào cảm thấy thích thú được. Theo tôi, số người Mỹ biết đến quyển sách này không nhiều, đọc được kỹ nó có lẽ còn ít hơn nữa.
Tình hình ở Đài Loan lại khác hẳn. Dù công thương nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, dù cuộc sống thường ngày của người dân chẳng được nhàn hạ gì, nhưng cái thú tò mò hiếu kỳ nơi con người lại không hề giảm thiểu.
Nếu các ngài không tin thì cứ đến khu chợ Tây Môn Đỉnh, vừa đi chầm chậm vừa ngửa cổ nhìn lên trời, thì tôi bảo đảm với các ngài rằng chỉ trong khoảnh khắc những người chung quanh cũng sẽ đều nghển cổ nhìn lên trời xem có gì không.
Người dân sống ở Đài Loan đối với những sự vật xung quanh mình đều rất tò mò. Cho nên quyển sách của Bá Dương vừa ra đời một cái, dù không như giấy quý Lạc Dương, nhưng chắc chắn bán rất chạy.
Nhiều người Trung Quốc khi cãi nhau mồm miệng thường thường không lựa lời, chửi nhau đến cả ba đời tổ tông. Nguyên nhân vì người Trung Quốc rất trọng chữ hiếu, nên động đến tổ tông tức có thể làm cho đối phương đau và giận nhất.
Nhưng Bá Dương - trong quyển sách ông viết - đã chứng tỏ kỹ thuật chửi của mình còn tinh thâm hơn. Ông dè bỉu cả một nền văn hóa. Đó là cách trút giận hay nhất bằng cách tóm cổ cả bọn Trung Quốc cùng một lúc.
Nếu rập khuôn theo công thức của Bá Dương mà nói thì " Đất nào quả nấy, xã hội nào nhân tài ấy ", và nhân tài Bá Dương đúng là đã làm được cái mình muốn. Ông đã chửi cả bàn dân thiên hạ người Trung Quốc.
Lịch sử hiện đại Trung Quốc là lịch sử của một dân tộc đầy rẫy tai họa. Xâm lăng từ bên ngoài, loạn lạc bên trong, nghèo khó, khổ nạn lâu dài làm cho đức tự tin dân tộc của người Trung Quốc đã bị suy giảm.
Quốc gia chúng ta ngày nay bị chia đôi. Trung Cộng ở lục địa thì, ôi thôi, nghèo khổ, lạc hậu ! ở Đài Loan tình trạng hiện nay có khá hơn với lợi tức trung bình hàng năm hơn 3.000 đô-la Mỹ, nhưng so với hai nước Mỹ, Nhật thì thật ra vẫn còn là một xứ sở bần cùng.
Vì vậy người Trung Quốc ở giai đoạn này nên chú trọng đến một câu thích hợp với cái tình thế của mình hơn, đó là " Bần nhi vô xiển " (nghèo nhưng không nịnh), còn cái câu " Phú nhi vô kiêu " (giầu nhưng không kiêu), hoặc " Phú nhi hảo lễ " (giầu mà biết cư xử) chưa phải là chuyện ngay trước mắt, e rằng cái đó còn phải chờ đến một nửa thế kỷ nữa. Đến lúc đó có nói đến quyển " Người Trung Quốc xấu xí " của Bá Dương cũng vẫn chưa muộn.
Nhưng đáng tiếc là Bá Dương lại quá quan tâm đến danh lợi trước mắt nên không nghĩ như vậy. Ông ta muốn bắt chước người Nhật, người Mỹ để làm người Trung Quốc đầu tiên bêu riếu cái xấu của người Trung Quốc ra, càng sớm chừng nào càng tốt chừng đó.
Kế hoạch của ông ta rất lớn, ông không chỉ chuẩn bị nó theo kiểu một người một ngựa, mà hy vọng mọi người cũng nhất tề xông vào cùng ông tham chiến, cùng giúp ông làm cái việc bôi nhọ Trung Quốc cho được rầm rộ thêm.
Có lẽ vì có được cái kinh nghiệm phải trả giá đắt ở trong tù, Bá Dương biết rằng phàm việc gì muốn thành công phải suy nghĩ kỹ và có mưu sâu. Ông mời mọi người cùng viết với ông, để thứ nhất : gây thanh thế lớn, tăng thêm hiệu quả việc bôi nhọ này; thứ hai: nhỡ không may gặp phải tai vạ sau này thì còn có người đưa cơm nước vào nhà lao cho. Đúng là nhất cử lưỡng tiện.
Bây giờ chúng ta hãy thử xem chiến dịch bôi nhọ văn hóa Trung Quốc do Bá Dương tiến hành gây ảnh hưởng đến những người dân lương thiện như thế nào bằng cách lấy ngay những ví dụ mà Bá Dương đã đơn cử :
Chuyến đi Mỹ của vợ chồng Bá Dương đến Iowa một phần do chủ nhà hàng Yến Kinh là ông Bùi Trúc Chương tài trợ. Bá Dương tuyên bố ông Bùi đã thổ lộ với mình như thế này :
" Trước khi đọc sách của ông, tôi cho rằng người Trung Quốc là ghê gớm lắm. Sau khi đọc sách của ông xong, quan niệm của tôi đã thay đổi. Vì vậy tôi muốn mời ông đến để gặp mặt ".
Bá Dương nói thêm :
" Lúc ông Bùi đã thấy văn hóa chúng ta có vấn đề mới tự hỏi phải chăng đấy là do phẩm chất của người Trung Quốc chúng ta có vấn đề ? "
Đối với câu hỏi của ông Bùi, Bá Dương đã dùng cái kiến thức uyên thâm để trả lời như thế này :
" Tôi không nghĩ rằng phẩm chất chúng ta có vấn đề, đó không phải là một điều an ủi. Người Trung Quốc có thể là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới. Tại các đại học Mỹ những người xếp hạng đầu bảng thường là người Trung Quốc, nhiều nhà khoa học lớn - gồm cả người cha đẻ của nền khoa học nguyên tử lực Trung Quốc Tôn Quan Hán, được giải Nobel như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo đều là những bộ óc hàng đầu.
Tôi cho rằng người Trung Quốc chúng ta vốn có phẩm chất cao quý ".
Một phẩm chất cao quý ? Thì ra cái phẩm chất mà ông ta muốn nói đó chỉ là thứ phẩm chất sinh lý (sinh vật) chứ không phải là phẩm chất văn hóa.
Nhưng trên phương diện sinh vật học, các dân tộc và các giống người trên trái đất đều có một bộ não không hơn kém nhau mấy về kích cỡ. Các nhà khoa học đều không tin vào thuyết có sự sai biệt về phẩm chất của bộ óc giữa các dân tộc. Tại sao có dân tộc vào một thời kỳ nào đó lại biểu lộ óc thông minh đặc biệt, nhưng về sau lại bị suy đồi, tàn lụi đi ? Tại sao người Anh ở thời đại Newton (Newton) nhân tài không ngừng xuất hiện, mà bây giờ lại như tuổi già sắp chết, không còn sinh khí nữa ? Người Anh thời nay và người Anh ở thời đại Newton đầu óc không giống nhau hay sao ?
Chúng ta thấy một điều là người mù thường vẫn có một thính lực phi thường. Kỳ thực các tế bào thính giác của họ cũng chẳng khác gì những người khác, chẳng qua vì người mù cần phải khai thác tiềm năng thính giác của họ nhiều hơn so với người bình thường mà thôi.
Người Trung Quốc học rất giỏi. Năng lực trí tuệ vào bậc nhất. Nhiều nhà xã hội học, tâm lý học, giáo dục học đang tìm hiểu xem việc này có phải do nguyên nhân văn hóa Trung Quốc không. Hễ dân tộc nào mà uống vào cái văn hóa có đầy tính dẻo dai, bền bỉ mà mạnh mẽ cứng cỏi này đều có khả năng trị được bệnh lười và bệnh ngu. Giống như Nhật Bản, Nam Hàn đều là những ví dụ rành rành trước mắt.
Giở những tạp chí khoa học có uy tín của Mỹ như " Vật lý quan sát " ta sẽ thấy mỗi một kỳ số lượng các bài người Trung Quốc gửi đăng nhiều kinh khủng. Cho nên có thể nói rằng văn hóa là một yếu tố của phẩm chất thông minh.
Mỗi khi tôi đi trên mảnh đất lớn của Trung Quốc, bất kỳ ở xó xỉnh nào, đối diện với đám đông người, nơi tâm linh tôi thường rạo rực cảm thấy một thứ trí tuệ mênh mông không bờ bến.
Cái " Hũ tương luận " của Bá Dương đã chà đạp văn hóa Trung Quốc rất nhiều. Nhưng muốn mà vẫn không thể hạ thấp được trí thông minh của người Trung Quốc, nên ông đành phải tách nó ra khỏi phẩm chất văn hóa của Trung Quốc. Đấy là vì Bá Dương không nhìn lại vấn đề nhân quả, " Hũ tương luận " là hậu quả của một sự " xét đoán " thiếu suy nghĩ trên nhiều mặt.
Bá Dương nói rằng người Trung Quốc đã cống hiến rất ít cho văn hóa nhân loại. Từ thời Khổng Tử về sau mấy nghìn năm cũng không sản sinh được thêm một nhà tư tưởng nào lớn nữa. Cái văn hóa này như một đầm nước ao tù. Đó là cái hũ tương văn hóa. Hũ tương bị thối làm cho người Trung Quốc biến thành xấu xa. Cái cách suy luận này nếu nói cho có vẻ thanh nhã thì nó rất nghèo nàn, dung tục; còn nếu nói một cách sỗ sàng thì nó là một sự giỡn mặt, đùa dai.
Học trò trung học đều biết : sau Khổng Tử có Mạnh Tử, sau đó lại có Chu Hy, Vương Dương Minh, v.v...là những nhà lý học lớn (triết gia duy tân). Những vị này đều là những nhà tư tưởng lớn, nhưng không phải không có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Ta hãy thử bàn một tý về Mạnh Tử.
Tư tưởng chính trị của Khổng Tử được nói đến trong thiên " Lễ vận " của " Lễ ký " rất cụ thể, có hệ thống ; nhưng hệ thống tư tưởng này không phải không có chỗ sai sót, sơ hở, và nó đứng vững được như một quốc sách hay không cũng vẫn còn là một vấn đề cần phải đắn đo, cân nhắc.
Khổng Tử bàn về vua, luận về dân, nhưng đáng tiếc ông đã không làm sáng tỏ cái quan hệ giữa hai bên với nhau. Đến thời Mạnh Tử, cái lý luận chính trị của nhà nho mới tiến lên một bậc và đi đến được chỗ đột phá.
Mạnh Tử nói : " Vua sai lầm lớn thì phải can gián. Nếu lại cứ tiếp tục sai mà không nghe lời can ngăn tức phải truất ngôi. " (Quân hữu đại quá tắc gián, phản phục chi nhi bất thính, tắc dịch vị). Lại nói : " Dân mới quý, và sau đó mới đến nước nhà, còn vua thì không có gì là quan trọng " (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Mạnh Tử nói rõ rằng quốc gia và chế độ quân chủ đều do dân mà ra, nếu làm vua một nước mà không xứng đáng với chức vụ của mình thì phải phế bỏ đi.
Cái cơ bản nhất trong tư tưởng trác tuyệt của Khổng Tử là câu " Thiên hạ là của mọi người " (Thiên hạ vi công), mà chủ nghĩa lấy dân làm gốc của Mạnh Tử đã nói rõ cái chữ " Công " này nghĩa là " Dân ". Vì vậy, " Thiên hạ vi công " có thể được tóm lược vào hai ý niệm dân chủ là " của dân " và " vì dân ".
Dân tộc Trung Quốc suốt 2.000 năm cùng xưng tụng Khổng Tử và Mạnh Tử vì thực ra Mạnh Tử đã phát huy rộng rãi và làm sáng tỏ tư tưởng của Khổng Tử.
Nếu nói đến vấn đề người Trung Quốc cống hiến rất ít cho văn hóa nhân loại thì theo tôi cần phải giải thích từ một góc độ khác. Sự truyền bá của văn hóa nhân loại hoàn toàn tùy thuộc vào vấn đề thông tin. Mà ở thời cổ đại sự thông tin đều dựa trên sức người, qua lối giao thông đường thủy hoặc đường bộ mà lan ra.
Cho nên yếu tố địa lý đối với sự phát triển, truyền bá văn minh cổ đại là một vấn đề then chốt. Cho tới ngày nay tình trạng này cũng vẫn vậy. Một nước nhỏ ở dưới chân núi Hy-ma-la-ya như nước Bu-Tan (Bhutan) thử hỏi làm sao có thể phát triển công thương nghiệp như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore ?
Địa thế Trung Quốc nằm ở đại lục Đông á, phía tây có sa mạc lớn chạy dài, các đường giao thông với Tây phương đều xa vời và hiểm trở. Cái điều kiện bất lợi về địa thế này làm cho phạm vi hoạt động của Trung Quốc bị giới hạn vào một góc á châu.
Từ mấy nghìn năm nay người Trung Quốc phàm việc gì cũng phải tự lực cánh sinh. ở vào hoàn cảnh thiếu sự tiếp xúc với bên ngoài, nền văn hóa Trung Quốc trở thành một thứ văn hóa riêng biệt, rất lẻ loi, trơ trọi.
Thế giới Tây phương lại hoàn toàn khác hẳn. Các khu vực, các dân tộc cả nghìn năm có giao lưu, nối liền với nhau, tập trung trí tuệ rộng rãi nên thu được nhiều kết quả lớn. Văn hóa Tây phương vì vậy đã năm lần bảy lượt có những bước đột phá để đến được thành tựu như ngày hôm nay.
Nếu ví thử từ xưa đến giờ không tồn tại những trở ngại địa lý đối với việc trao đổi văn hóa giữa Đông-Tây, hoặc giả Trung Quốc là một nước nằm từ xưa ở Châu Âu, thì chúng ta có lý do để tin tưởng rằng sự cống hiến của người Trung Quốc sẽ cực kỳ nhiều và trọng đại đối với văn hóa nhân loại.
Cái tư tưởng lấy dân làm gốc của Nho gia Trung Quốc từ 2.000 năm nay chắc chắn có ảnh hưởng tích cực đối với sự giải phóng các xã hội La Mã, Hy Lạp thời kỳ nô lệ. Tần Thủy Hoàng sau khi bãi bỏ được chế độ phong kiến đã triển khai một chế độ chính trị trong đó những người dân bình thường cũng được tham dự vào việc chính trị. Sự kiện này có lẽ cũng đã thức tỉnh được Âu châu trong thời trung cổ phong kiến.
Lại còn có một loạt phát minh lớn lao của người Trung Quốc, như kỹ thuật ấn loát, nếu được đưa vào Âu châu sớm hơn 500 năm thì thế giới thế kỷ XX này chắc chắn không như ngày hôm nay.
Văn hóa Trung Quốc phát triển đến một đỉnh cao nào đó thì ngừng lại, như đã nói, chủ yếu vì bị hạn chế bởi hoàn cảnh địa lý; và vì thế mang lấy cái thiệt thòi của một nền văn hóa riêng lẻ.
Nhưng người Trung Quốc không phải là một dân tộc dẫm chân tại chỗ. Thật ra đối với văn hóa tư tưởng từ bên ngoài đến, Trung Quốc không phải là nước bài ngoại mạnh. Một trăm năm gần đây tại Trung Quốc phát sinh một loạt những sự kiện lịch sử đầy kịch tính. Cách đây bẩy mươi năm, cái chế độ quân chủ lâu đời từ mấy nghìn năm đã sụp đổ chỉ bởi tiếng súng của cuộc khởi nghĩa Võ Xương.
Khổng Tử - trong 2.000 năm đã thâm nhập và chiếm giữ cái địa vị tối cao trong lòng người Trung Quốc - nhưng rồi đã không chịu nổi những tiếng hò hét của đám thanh niên học sinh trong phong trào Ngũ Tứ, và phút chốc bị mất chỗ đứng.
Sau phong trào Ngũ Tứ, chủ nghĩa Mác có gốc gác từ Âu châu, vừa được đề xướng đã lập tức vang dội khắp nước Trung Quốc để trở thành một loại học thuyết lẫy lừng. Chiến tranh Trung-Nhật chấm dứt, sau bốn năm nội chiến, Chính phủ Quốc gia (Quốc Dân Đảng) rút ra Đài Loan thì Trung Quốc lục địa đã trở thành một nước cộng sản chủ nghĩa.
Qua 34 năm của chế độ cộng sản, chính phủ của một tỷ người Trung Quốc lại tuyên bố một cách chính thức với mọi người rằng chủ nghĩa Mác không thể giải quyết được những vấn đề Trung Quốc vốn có.
Người Trung Quốc dám làm, dám chịu, dám thay đổi. Trung Quốc bây giờ mà thành ra nông nỗi này không phải vì nó chỉ khư khư ôm lấy cái " hũ tương " của mình mà không dám đập vỡ.
Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc lại chính là một trường hợp trong đó người ta phủ nhận hoàn toàn giá trị văn hóa truyền thống, cho nên mới chịu cái hậu quả khốn khổ đến như vậy.
Bá Dương bảo : " Cái bẩn của người Trung Quốc là một trong những cái xấu xí của họ ", và lại còn bảo : " Có lẽ so với người ấn Độ lại còn bẩn hơn một tý ". Tôi cho rằng tuyệt đại đa số người Trung Quốc sẽ không đồng ý với cách nhìn của Bá Dương.
Nếu so sánh các nước ở á Đông, ta thấy mức độ sạch sẽ của người Nhật chẳng thua bất cứ nước nào trên thế giới, nước Trung Quốc dân quốc ở Đài Loan tuy có phần kém hơn, nhưng ấn Độ thì phải nói là tệ nhất.
Mấy năm trước, lúc tổng thống Mỹ Carter đi thăm nước ấn, trong chương trình tin tức buổi tối ở truyền hình Mỹ chiếu cảnh tiệc chiêu đãi của chính phủ, trong đó ai cũng thấy một chiêu đãi viên ấn đứng sau lưng Các-tơ tay cầm một cái vỉ để đập ruồi cho vị thượng khách. Nếu đem so sánh điều kiện kinh tế, Nhật Bản là nước giầu nhất, Đài Loan ở mức trung bình, còn ấn Độ thì vào loại nghèo. Như vậy chúng ta có thể nói tình trạng vệ sinh của một dân tộc gắn liền với điều kiện kinh tế của nước đó.
ở Los Angeles có hai khu phố Tàu (Chinatown), một cái ở trung tâm (nơi ông Bá Dương bảo tất cả đều có xu hướng bẩn, loạn) và một cái ở khu công viên Mông-tơ-rây (Monterrey Park). Khu phố Tàu thứ hai sạch sẽ hơn khu thứ nhất nhiều. Cả hai khu này đều do người Trung Quốc làm ra, nhưng phải thấy là sự khác biệt giữa hai khu này lại tùy thuộc vào mức độ giáo dục và thu nhập của người Trung Quốc ở mỗi nơi.
Người Trung Quốc khi tán gẫu rất ồn ào to tiếng. Cái chuyện không bình thường này cũng được Bá Dương quét vào trong cái thùng tính xấu của người Trung Quốc. Ông bảo :
" Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to ? Bởi trong lòng họ không cảm thấy được yên ổn. Cứ tưởng tiếng càng to thì lý lẽ càng mạnh. Chỉ cần to tiếng, cao giọng thì lý lẽ sẽ về mình, nếu không tại sao cứ phải gân cổ lên như thế ? "
Ông Lương Thực Thu trong bài " Nhã xá tiểu phẩm " nói rằng vấn đề người Trung Quốc nói to có thể vì cơ bản họ vẫn còn là người ở một nước nông nghiệp. Nông dân buổi sáng ra đồng thường chào hỏi nhau từ những khoảng cách xa nên phải lớn tiếng.
Có người lại bảo tiếng họ to vì vấn đề âm điệu của tiếng Hoa. Vì người Tô Châu nếu dùng tiếng Ngô Nùng (vùng Chiết Giang), âm điệu rất thấp, thì cả lúc cãi nhau thanh âm cũng vẫn cứ nhỏ.
Theo tôi vì tiếng Trung Quốc là tiếng đơn âm, chữ đồng âm quá nhiều, mỗi âm lại có đến bốn âm tiết khác nhau (tiếng tiêu chuẩn). Cho nên lúc nói nếu không đủ to thì rất khó hiểu. Nhất là khi nói nhanh, nếu không nói lớn lại càng không có cách nào hiểu được.
Chúng ta đều có kinh nghiệm khi đi xem xi-nê bằng tiếng Trung, thường thường nếu cùng lúc không có phụ đề bằng chữ Hán trợ giúp, mà chỉ nghe tiếng không thôi, thì không thể hiểu được. Đó là vì lý do trên.
Về mặt văn phạm, tiếng Trung Quốc lại cũng chẳng giống loại tiếng nào cả. Nó không có thể giả định (Subjunctive mood) như tiếng Anh, khiến người Trung Quốc lúc nói thường phải hoa chân múa tay để giúp mồm miệng lên bổng xuống trầm cho ý tưởng diễn đạt của mình được rõ ràng hơn. Nói tiếng Trung, nếu muốn nói nhỏ, phải nói thật chậm và rõ ràng, kéo dài phần phát âm của từng chữ ra thì người nghe mới hiểu rõ.
Theo tôi nhận thấy cái bệnh nói to của người Trung Quốc chẳng có thuốc nào chữa được. Nếu đã không có thuốc chữa thì chúng ta cũng có thể xem cái đức tính nói oang oang này là một loại quốc hồn quốc túy. Như vậy không được hay sao ?
Cái giao thông hỗn loạn ở Đài Loan thì ai cũng biết rồi. Đó là một sự thực không thể chối cãi. Nhưng đối với Bá Dương, người lấy điểm xuất phát là những cái xấu xa, thì nó lại là một yếu tố để quy tội cho cái văn hóa Trung Quốc. Ông ta bảo :
" Cũng chính vì cái hũ tương sâu không lường được này nên đối với biết bao vấn đề người Trung Quốc đều không dùng tư duy của mình để tự giải quyết, mà phải bắt chước, phải dùng cái tư duy của kẻ khác. Cái nước ao tù này, cái hũ tương này có vứt mứt đào vào cũng sẽ biến thành cứt khô.
Những thứ ngoại lai một khi vào Trung Quốc cũng biến chất. Người ta có dân chủ, chúng ta cũng có dân chủ. Nhưng dân chủ của chúng ta là " mày là dân, tao là chủ ". Người ta có pháp chế, chúng ta cũng có pháp chế. Người ta có tự do, ta cũng có tự do. Người ta có gì, ta có nấy. Anh có chỗ dành riêng cho bộ hành sang đường, tôi cũng có, dĩ nhiên, nhưng chỗ dành cho bộ hành của chúng tôi là chỗ để dụ dỗ họ đến cho xe cán chết ".
Tôi cũng đã suy nghĩ về vấn đề này nhiều năm, xin đưa ra đây vài ý kiến để đóng góp với những người quan tâm đến nó. Cái trật tự giao thông ở Đài Loan mỗi năm mỗi tiến bộ, vì số xe cộ càng ngày càng đông. Trên đường cứ càng nhiều xe thì áp lực ngày càng tăng đối với người lái xe, làm cho họ phải càng tôn trọng luật đi đường, đó là cái hậu quả tất yếu của việc " vừa sống vừa học tập ".
Tại Mỹ trừ những người lái xe bình thường ra, tôi vẫn thường nghe nói còn có loại người lái xe " tự vệ ". Những người lái xe " tự vệ " này khác những người lái xe " tiêu chuẩn " ở chỗ họ có thêm hai đức tính : không sử dụng quyền ưu tiên của mình, và đối với những người phạm luật khác họ không tìm cách trả đũa.
ở Đài Loan những người lái xe bình thường ít nhiều cũng có một hoặc hai đức tính này, nhưng bản thân họ vẫn chưa phải là những người lái xe " tiêu chuẩn " thông thường. Vì vậy giao thông Đài Loan mới phát sinh cái hiện tượng " bất loạn trong cái đại loạn ", và cái " đại loạn rất là kinh dị trong cái bất loạn đó ". Tại sao có chuyện người Trung Quốc và người Mỹ khi lái xe lại khác nhau ?
Nếu chúng ta so sánh cách thi bằng lái xe ở hai bên bờ Thái Bình Dương thì sẽ thấy ngay manh mối của việc này.
Người Mỹ học lái xe ngay ở ngoài đường, từ lúc bắt đầu đã phải học và tuân theo các quy tắc an toàn của giao thông. Đến lúc đi thi cũng thi ngoài đường, ngoài vấn đề lái ở những nơi có rất nhiều xe còn phải kiểm soát tốc độ, cự ly sau trước, qua ngã tư, chọn tuyến phải trái, chuyển đường, giữ ưu tiên,v.v...Như vậy trong tâm lý người thi đồng thời hình thành được cái khuôn phép của một người lái xe " tiêu chuẩn " để có thể dùng vào việc lái xe trong thực tế sau này.
Tại Đài Loan lại không như thế. Lúc học lái xe trong những khuôn viên cố định của nhà trường, người tập lái học các động tác bẻ lái, đạp phanh, nhấn ga v.v... Sau đó lúc đi thi họ được trắc nghiệm bởi những thiết bị điện của Sở Lục lộ. Đỗ xong cái mảnh bằng đó, thay vì gọi là bằng lái, nhẽ ra phải gọi là bằng " thao tác " thì mới đúng. Đến khi lái ra đường lớn, trong lòng hoàn toàn chưa có khuôn phép, vẫn rẽ ngang đảo dọc như một kẻ dã man không theo một quy tắc nào cả.
Ngay đến những người đã lái xe mười năm hoặc mấy mươi năm, trong lòng tuy đã có khuôn phép thành thục, nhưng đều cũng không phải là những tay lái tiêu chuẩn, nên tùy lúc, tùy thời đều có thể biến dạng. Tôi gọi đùa đó là kiểu tài xế " cao su ".
Vì vậy có thể nói vấn đề giao thông ở Đài Loan cuối cùng không phải là vấn đề con người, càng không phải vấn đề văn hóa nào đó, nhưng là một vấn đề chính sách. Do chính sách không đúng ngay từ đầu, chính quyền sau này khó có thể cải tiến cho nó khá hơn được.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến một chuyện mấy năm trước, lúc ông Alexander Solzhenitsyn (A-lếch-xan-đơ Giôn-xê-nhít-xin) - một cây bút người Nga được giải thưởng Nobel về văn học - được phóng thích đến Mỹ.
Ông được mời đến diễn thuyết trong một buổi lễ đón tiếp. Ai cũng chờ đợi ông sẽ nói đến những điều hay ho về vấn đề tự do, nhân quyền. Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông lại quay sang phê bình về kinh tế Mỹ. Ông công kích những nhà buôn Mỹ vì lợi nhuận đã táng tận lương tâm, bỏ vào thức ăn những chất hóa học dùng bảo quản thực phẩm rất độc hại.
Ông diễn thuyết vừa xong thì tờ báo lớn của Mỹ The NewYork Time (Thời báo New York) đã lên tiếng. Tờ báo viết :
" Dù ông Solzhenitsyn (Giôn-xê-nít-xin) ở tại Liên-xô đã kinh qua mọi khổ nạn mà không hề khuất phục, việc này làm cho mọi người rất ngưỡng mộ, nhưng không phải vì vậy mà ông có quyền được tùy tiện phê phán xã hội Mỹ ".
Từ đó về sau không ai còn nghe ông Solzhenitsyn diễn thuyết cái kiểu đó. Có thể ông đã tự câm như hến, hoặc có thể không ai muốn mời ông diễn thuyết nữa.
Trong một nước có chế độ tự do ngôn luận, mọi người đều có khả năng phát biểu ý kiến của mình, ngay cả nói những điều phương hại đến kẻ khác mà chính phủ hay pháp luật không thể ngăn cấm được. Nhưng một tờ báo lớn lại có thể trở thành một sức mạnh trọng tài, và có khả năng làm cho người nói kia ăn không ngon ngủ không yên.
Người Trung Quốc chúng ta chưa có cái loại báo chí có thứ quyền uy như thế, song chúng ta có dư luận quần chúng.
Vậy, những người Trung Quốc còn lương tâm xin hãy đứng lên, vì người Trung Quốc chúng ta, vì văn hóa Trung Quốc mà nói vài câu cho lẽ phải.