Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Người Trung Quốc xấu xí

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 52778 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Trung Quốc xấu xí
Bá Dương

Làm sao sửa chữa
Xã luận đăng trong tờ " Tin nhanh tiếng Hoa ",
New York, ngày 12 tháng 8 năm 1981.

Nhà văn Đài Loan nổi tiếng Bá Dương đang đến thăm nước Mỹ, trong bài diễn thuyết hôm qua tại đây ông có nói rằng dân tộc Trung Quốc sở dĩ ngã một lần mà không dậy được nữa chủ yếu vì cái tính " đến chết cũng không nhận lỗi ".
Cách nhìn này của ông Bá Dương tuy chỉ là một sự thực hiển nhiên - không phải một phát hiện gì mới - nhưng không phải vì thế mà không là một phán đoán rất sâu sắc.
Chúng ta hãy thử nghĩ xem : những chính sách lừa nước hại dân, khư khư cố chấp của mấy chục năm gần đây ở Trung Quốc có phải vì cái tính đến chết cũng không nhận lỗi ấy mà ra sao ? Cứ cho dù không phải hoàn toàn đúng như thế, nhưng trên thực tế cũng chẳng sai là bao nhiêu.
Và nếu ta nhìn rộng ra thì việc giữ thể diện, việc đến chết không nhận lỗi cũng chỉ là bản tính thông thường của toàn nhân loại, là khuyết điểm của tất cả các dân tộc và cộng đồng.
Kinh thánh của đạo Cơ đốc nói mỗi người có hai cái túi. Cái túi đằng trước chứa các lỗi lầm của kẻ khác, cái túi đằng sau lưng chứa lỗi lầm của mình.
Nói cách khác, con người ta chỉ thích nói đến những chỗ không hay của kẻ khác mà không thích nói thật về cái sai của mình. Từ 2.000 năm trước cũng đã thế rồi, đến chết không nhận lỗi đã là cái bệnh chung của con người chứ không cứ chỉ của riêng người Trung Quốc.
Cái tính của con người vốn đều như vậy. Nhưng sao các quốc gia phương Tây lại bỗng tiến bộ vượt bậc về các mặt chính trị kinh tế, văn hóa, còn người Trung Quốc lại như thế? Có gì mâu thuẫn ở đây chăng?
Theo ý tôi câu trả lời cho việc này có liên quan đến vấn đề chế độ chính trị.
Nếu mỗi người đều có hai cái túi, cái đằng trước đựng các lỗi lầm của người, cái đằng sau đựng các lỗi lầm của mình, thì mỗi người đúng ra phải đem những cái gì trong cái túi ở sau lưng mình mà bỏ vào cái túi ở đằng trước của người khác để có thể xem cho tỏ tường.
Vì nếu như mọi người đều đồng ý mở cái túi ở đằng trước mình, công bố toàn bộ tất cả, thì những cái sai lầm trong cái túi ở đằng sau của mọi người tất nhiên cũng phải lộ ra, không có cách gì dấu được, chối được.
Chế độ này gọi là tự do ngôn luận, chính nó là dân chủ.
Tự do ngôn luận, dân chủ là một thứ linh đan rất hiệu nghiệm để chữa chứng bệnh " Đến chết cũng không nhận lỗi ". Trái lại, nếu không có dân chủ, kẻ có quyền thế sẽ bịt mồm những kẻ thấp cổ bé họng; bọn có quyền thế lúc ấy chỉ nhìn thấy cái túi của bọn không có quyền kia ở trước mặt chúng mà thôi. Còn bọn chúng lại bịt kín cái túi chứa lỗi lầm của chúng lại.
Không được nói đến, các lỗi lầm của những kẻ nắm quyền sẽ vĩnh viễn không lộ ra ngoài, và vì thế cũng không bao giờ có cơ hội để được sửa sai. Cho đến lúc cái sai lầm này trở thành quá lớn thì toàn bộ xã hội sẽ mắc phải tai ương.
Các quốc gia Tây phương có sai lầm không ? Đương nhiên là có, và nhiều cái sai lầm cũng chẳng phải nhỏ gì.
Ví dụ sự bóc lột giai cấp thợ thuyền trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, sự áp bức các dân tộc bị trị dưới chế độ thuộc địa trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa đế quốc. Đó đều là những lỗi lầm to lớn.
Nhưng vì họ có dân chủ nên không đi bịt mồm mọi người. Vì vậy ngay tại Luân Đôn, Các-Mác vẫn có thể mở Đại hội Cộng sản Quốc tế đầu tiên, phát biểu Tuyên ngôn Cộng sản mà không bị cấm đoán - đó là một dẫn chứng không thể phản bác.
Cho nên, dưới các chế độ tự do dân chủ, những lỗi lầm của họ không ngừng được đưa ra ánh sáng, và nhờ thế không ngừng được sửa sai. - Quốc hội được thành lập, các pháp chế bảo vệ quyền lợi công nhân đã ra đời, đời sống công nhân được cải thiện rất nhiều. Sau đó, những bài học của hai trận Đại chiến Thế giới cũng đã đưa đến cơ hội độc lập cho các thuộc địa.
Khổng Tử tán dương vua Vũ rằng : " Văn quá tắc hỷ " (Nghe được lỗi lầm của mình thì rất mừng); lại nói: " Thánh nhân chi quá, như nhật nguyệt kinh thiên " (Sự sai lầm của thánh nhân như mặt trời và mặt trăng đi qua trên bầu trời), ý nói những người bình thường, vì khác với thánh nhân, mới đi dấu diếm những lỗi lầm của mình.
Khổng Tử tuy hy vọng mỗi người bình thường đều trở thành thánh nhân, nhưng lại không hề đưa ra được phương pháp tu thân cụ thể nào khả dĩ áp dụng được trong thực tế để đạt đến mục đích.
Trong khi đó, người phương Tây lại nghĩ ra cách dùng chế độ dân chủ biến mỗi người làm chính trị trở thành một ông thánh, hoặc ít nhất cũng có khả năng trở thành ông thánh trong việc xử lý những sai lầm của mình khi nắm quyền. -
Vì " Như mặt trời và mặt trăng đi qua trên bầu trời ", tất cả mọi người ai cũng đều nhìn thấy, nên không thể nào có sai lầm mà không chịu sửa chữa. Cứ thử nghĩ cho kỹ ta sẽ thấy cái công dụng của chế độ này to lớn là nhường nào !
Từ chuyện này chúng ta có thể rút ra một kết luận : Nếu chúng ta muốn mỗi người đều tự giác nhận lỗi của mình, dù chẳng phải để trở thành thánh cả, thì chỉ có một phương pháp duy nhất là thực hành dân chủ.
Dân chủ làm cho mỗi người không thể dấu diếm lỗi lầm của mình, tự nhiên có thể sửa đổi được cái tính " Đến chết cũng không nhận lỗi " kia.
Cho nên nếu hỏi Trung Quốc cần gì, cầu gì, thì chỉ có một thứ duy nhất mà thôi, đó là dân chủ.

<< Cái vại tương | Năng lực suy luận bị trục trặc >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 208

Return to top