Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đuổi theo vệt nắng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4778 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đuổi theo vệt nắng
Lê Thao Chuyên

Chương 3

  Excuse me, sir.
-  Excuse me, sir.
Giấc ngủ tuy không được trong tư thế thoải mái, nhưng đang ngáy khò khò mà bị đánh thức bởi tiếng léo nhéo bên tai cùng sự lay động mạnh vẫn làm ông Cửu giật mình mở đôi mắt ngơ ngác lẫn mệt mỏi ra nhìn. Chiếc mũ nỉ đội hơi xụp rớt xuống khi ông quay nghiêng về phía vợ:
-  Đang ngủ không thấy hay sao mà lay với gọi.
Bà Cửu suỵt khẽ:
-  Tới giờ ăn người ta gọi kìa.

Ông giật mình quay lại nhìn cô chiêu đãi viên hàng không đang lép nhép chiếc miệng màu đỏ thắm với mình. Mặt ông đỏ bừng và lúc này thật sự ông đã quên hẳn cuốn sổ nơi ngực áo, đã vậy cô tiếp viên vẫn chờ ông trả lời một cách kiên nhẫn. Tự dưng ông cảm thấy bực mình quá, cứ cái điệu nghe tiếng Mỹ như vịt nghe sấm trong khi mọi con mắt đều đổ dồn về phía ông thì làm sao chịu nổi. Dù gì ông cũng đã già, đáng tuổi ông nội ông ngoại nó mà cứ nghệt mặt như đứa trẻ lên hai chẳng biết một sự gì thì thật tủi hổ. Ngay lúc ông vừa định xua tay ra chiều không muốn nghe cũng là lúc người Mỹ bên cạnh hạ dùm chiếc bàn ngay trước mặt ông được nối liền với lưng ghế trước. Bà Cửu lanh lẹ không kém, vừa thoáng nhìn thấy đã làm y hệt như người đàn bà tốt bụng vừa làm cho chồng mình. Cùng một lúc hai khay thức ăn được đặt xuống, lúc đó ông mới tỉnh hồn và thầm trách sự chậm chạp tối dạ của mình. Giá ông đừng ngủ thì mọi diễn tiến xảy ra tốt đẹp chứ đâu đến nỗi "quê xệ" thế này. Nhìn khay đồ ăn rồi liếc nhìn sang bên cạnh, bây giờ ông đã học được cái khôn là nên bắt chước những gì người chung quanh làm...

Miếng khăn giấy được nhét vào cổ để che phần ngực, con dao cầm bên tay phải, cái xiên và cái muỗng cầm bên tay trái, ông quay sang chỉ dẫn cho vợ cách xử dụng theo lối Mỹ và thật ngượng nghịu khi mở miếng giấy bạc phủ trên dĩa của mình còn hâm hấp nóng. Mùi thịt gà tỏa ra thơm phức nhưng ông thấy váng vất vì ngoài ba cái gia vị khó ngửi lại còn tẩm bơ tẩm dầu ớn tới tận cổ. Hai dĩa giấy nhỏ nằm kế bên trông khá hơn với vài miếng bông cải luộc, nửa củ khoai tây nướng, một phong bánh tây lạt và một lát bánh mì mỏng. Ông ngán ngẩm nhìn sang vợ rồi lại nhìn sang bà Mỹ khi nãy. Bà ta đang cắm cúi cắn miếng cá tẩm bột trắng phau to gần bằng bàn tay còn bốc khói nghi ngút. Ông Cửu nuốt nước miếng, thật xui xẻo, lúc nãy nó hỏi ăn gì mà ông không biết nên cứ gật đại làm cả ông lẫn bà đều bị hai miếng thịt gà to tướng.

Thịt gà ông đâu ăn được. Chẳng hiểu sao ít năm gần đây hầu như ông đã quên hẳn mùi vị của những loài động vật có cánh vì sợ ho. Có dạo thèm ăn cháo bồ câu nên hàng xóm nghe tin biếu ông vài con mới ra ràng. Bà Cửu làm theo lời chồng vật chết, vặt lông rồi đốt cho xém những lông tơ còn sót lại và mổ moi hết bộ đồ lòng lại còn cẩn thận gỡ bỏ hai lá phổi, ấy thế mà ông vẫn ho như cuốc rũ. Cơn ho kéo dài cả tháng làm ông vốn đã ốm lại càng ốm thêm. Nay ông đi bác sĩ này, mai đi bác sĩ kia cũng chẳng khỏi, may mà Nụ cấp thời gửi về thùng thuốc tây cơn ho mới dứt hẳn. Tuy có thuốc sẵn nhưng ông vẫn rờn rợn mỗi khi định gắp miếng thịt gà. Nhà có đình đám không làm thịt gà coi sao được, mà làm ra ông chỉ dám đưa mắt nhìn rồi lặng lẽ gắp vài miếng rau ăn cho có lệ. Đôi lúc vợ Chẩn rảnh cũng chiên cho ông con cá chép vàng ngậy, loại cá không khó kiếm nhưng lại tốn công làm, chẳng lẽ chỉ để riêng một chỗ ngay trước mặt ông? Mà chiên cho cả khách thì công sức nào...

Bà Cửu có vẻ dễ ăn hơn ông nên nửa củ khoai tây và miếng bánh mì mềm với confiture đã sạch nhẵn nhưng phải tội ăn bằng cái xiên nên vất vả quá, cứ như đánh vật. Giá ở nhà, bà đã tự cầm tay bóc vỏ và đưa lên miệng ngồm ngoàm cắn mới đã miệng.
-  Ông không ăn đi à! Ở trên kia người ta đang đi thu dọn rồi đấy!
-  Mẹ sư nó. Vừa bưng đến chưa kịp ăn đã bưng đi. Ở Việt Nam mà láo thế tôi chỉ có đạp đổ.
Bụng đói nhưng nhìn thức ăn nuốt không vào, ông tức mình lụng bụng trong miệng làm bà mỉm cười trêu chọc:
-  Ai sao mình vậy, ông giỏi tiếng Mỹ thì chửi nó đi.
-  Đã vậy tôi không ăn nữa.
-  Đừng có con nít. Dỗi không ăn nó còn mừng.
Bà chồm sang nhón mấy cái bánh tây lạt có bọc giấy bóng kiếng và khoanh bánh mì gói vào chiếc khăn giấy:
-  Tôi cất phần này cho ông, giờ thì ăn rau với củ khoai đi, vẫn còn kịp chán.
Biết không ăn là thiệt phần mình nên nhìn miếng thịt gà ông tiếc rẻ:
-  Hay bà cất cả cục thịt này đi cho cái Dung ăn kẻo hoài.
-  Chúng chẳng thiếu thốn gì đâu ông ạ! Mang đến chỉ làm trò cười.
Giọng bà tuy ngọt ngào và lời nói chân thành nhưng lại khiến ông nghĩ ngợi. Chẳng còn gì đau đớn bằng bị người khác nhất là con cái nhìn bằng đôi mắt thương hại hoặc coi thường. Ông đi đến đâu mà lại chẳng chắt chiu tằn tiện, không thế sao có của hơn những người khác nhưng đám con ông lại tỏ ra khó chịu, nhất là cái Nụ, tính tình nó giống Mỹ đến độ ông không ngờ...
-  Ông cố ăn một chút đi, mình còn đi lâu lắm coi chừng đói đấy.
Như một đứa trẻ ngoan ngoãn, ông chậm rãi bỏ từng miếng rau lên miệng, rau luộc quá mềm nên mất cả hương vị. Vừa ăn ông vừa đưa mắt nhìn vợ. Bà Cửu hôm nay trông thật khác lạ. Có thể vì lớp phấn hồng trên má nên trông bà bớt cằn cỗi khô héo hơn. Ông nhìn đôi môi dính vết son đỏ như ăn trầu trêu vợ:
-  Tưởng lúc nãy ăn xong bà đã chùi hết son rồi, ai ngờ...
-  Ai ngờ cái gì? Ông còn về hùa với mấy đứa ngạo tôi nữa đấy. Không đánh phấn mà được với con vợ Tâm à! Nó chẳng đè ngửa ra.
-  Bà không xí xọn đứa nào đụng vào mặt bà được?
Bà Cửu mỉm cười, nụ cười thật duyên dáng mà từ lâu thiếu hẳn trên môi. Không hiểu vì ông trêu ghẹo hay phấn son đã cho bà niềm tự tin mãnh liệt. Bà nhớ trước khi đánh lớp phấn trên mặt, vợ Tâm đã cố năn nỉ cho bằng được:
-  Bu ạ! Tụi Mỹ da nó trắng lắm. Mà ngay đến Việt Nam bây giờ cũng vậy, chỉ nhìn màu da cũng có thể biết được qua đây lâu hay mau. Da bu vừa đen vừa nhăn lại trứng quốc hơi nhiều, để con đánh một chút, một chút thôi.
-  Nhưng mà, bà nói thật khẽ như sợ đánh thức con rể dù đã hơn bẩy giờ sáng, tao già rồi, ra đường có ai thèm dòm ngó mà phải rộn. Hơn nữa qua Mỹ lâu hay mau thì có phiền hà gì đến ai đâu.
-  Phiền hà? Không phiền hà đến thiên hạ nhưng xuống dưới đó anh chị Phước sẽ cười chúng con keo kiệt.
-  Không đánh phấn mà bảo keo kiệt à! Sang giàu gì lũ chúng nó mà phải bày vẽ.
-  Dù không khá nhưng cuộc sống đã hoàn toàn theo Mỹ rồi. Bu xem ở đây hầu hết là Việt Nam mà còn thay đổi như vầy trong khi vùng anh ấy ở không có tới một mống thử hỏi khi thầy bu xuất hiện khác nào làm hề cho tụi Mỹ nó cười?
Tội nghiệp bà Cửu, từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ có biết môi son má phấn là gì mà qua đây bỗng chốc phải đổi đời. Bà cảm thấy khó chịu và lòng bất an với gương mặt nhầy nhụa những bệt phấn lỏng ướt nhưng lại thấy háo hức khi nhìn bóng mình trong gương. Mớ tóc bạc trắng rụng gần hết được bới lên tới tận chỏm và gài gọn trong chiếc trâm cài bằng đồi mồi. Đến khi bà mặc xong bộ vét màu cà phê sữa lợt, Tâm mới gật gù:
-  Bu đổi lốt thành Japenese rồi. Như thế mới gọi là đi du lịch chứ!
Đứng trước gương mặt bà đỏ ửng. Thật đúng như lời vợ Tâm nói. Trông bà hoàn toàn xa lạ, không còn là bà Cửu với gánh rau nặng trĩu trên vai, cũng không còn là bà Cửu mấy tháng trước ngồi băm rau heo còng xương sống. Con người ta có chút son phấn, diện quần áo vào thì dẫu nghèo khổ xấu xí đến đâu cũng biến thành người khác ngay.
Tâm thấy mẹ cứ thộn mặt nhìn bóng hình xa lạ trong gương, nàng quay đi dấu nụ cười cho mẹ khỏi ngượng ngập rồi gỡ trên tay chiếc đồng hồ đã cũ đeo cho bà:
-  Bu đòi đi gấp quá chứ nếu không chờ con đánh chiếc nhẫn vàng nữa là đủ bộ.
Tâm nói hơi quá vì đòi đi là một chuyện mà chờ mua vé on sale lại là chuyện khác. Từ hôm đó đến nay cũng cả hơn tuần thì làm gì có chuyện không kịp mua một chiếc nhẫn. Tuy nhiên vốn tính dễ dãi và không để ý, bà đưa cao tay ngắm nghía chiếc đồng hồ với giọng cảm động:
-  Thôi con ạ, mua sắm làm gì. Tay chân tao như vầy đeo vào người ta cười cho.
Nói thế nhưng trên đời có người đàn bà nào lại không thích đeo vòng vàng, nữ trang? Nhớ lại vài tháng trước hôm đi còn vài cây vàng lá ông tặng riêng cho bà để sắm sửa. Lúc ấy bà cứ ngơ ngẩn vì không tin là sự thật. Ngày xưa đám cưới bà là ngày quan trọng nhất trong đời mà ông Cửu chỉ dám mua cho bà mỗi đôi bông hột bẹt với chiếc nhẫn trơn đeo đến ngày nay. Bây giờ lại dám tặng bà những hơn hai lạng vàng để đánh đồ trang sức thì đủ biết chuyến đi với những dự tính tương lai vĩ đại như thế nào. Bà đem sang chợ cho họ đánh sợi dây chuyền nửa lạng, tấm lắc một lạng, đôi bông tai nặng trĩu nhận cẩm thạch và chiếc nhẫn với mặt ngọc hình bầu dục. Đeo được mấy hôm còn đang sung sướng như lên cơn sốt vì sự quá rộng rãi của chồng thì ông mở bữa tiệc chia ly. Đám con cháu xúm lại đứa rờ sợi dây cổ, đứa vuốt ve đôi bông tai. Lại còn có đứa táo gan tự cởi ra làm bà phải hét lên mà chúng nào có sợ cứ lăn xả vào. Đôi bông tai chia cho vợ Chẩn, sợi dây chuyền cho dì, chiếc nhẫn cho mợ rồi còn tấm lắc với lũ cháu ruột mười đứa hau háu mắt chầu chực. Đâu đành lòng để làm thất vọng cho bằng đó người nên cực chẳng đã bà lấy kìm cắt đều cho mỗi vợ chồng chúng một khúc làm vốn sinh sống. Thôi thì từ nay hết trách nhiệm.
Chiếc kìm cắt răng heo thuở nào ai thấy cũng không muốn nhìn vì rỉ sét và dơ bẩn thế mà hôm đó bằng ấy con mắt đổ dồn như thể muốn nuốt trửng từng nhát bấm của bà. Ông Cửu ngồi gần cũng không tránh được sự lôi cuốn nhưng có điều mỗi tiếng tạch vang lên, tim ông lại thót đau như có ai bấu chặt vào da thịt. Ông xót của nhưng không thể thốt thành lời vì chẳng những bà mà ngay chính ông cũng đồng tình để bước lên cái bẫy vinh quang ca tụng mà vào giờ phút chót ông nghĩ là sẽ thoát. Bà Cửu vô tư hơn, dù gì của cải đâu thể bằng máu mủ ruột thịt cho nên mỗi tiếng tách, nhịp tim bà lại đập mạnh theo tình cảm đang dâng ngút ngàn và nước mắt chỉ chực trào ra. Không ngờ đã đến giờ chia tay mà bà còn được cái vinh dự ấy...
-  Tiếc quá chẳng còn vật gì mà đeo trong người ngoài cái đồng hồ chết tiệt này.
-  Thấy chưa tôi đã bảo là bà thích đỏm dáng mà còn cứ cãi.
Ông Cửu đã quên hẳn số nữ trang của bà nên mới nói lạc đi như thế. Thôi của đã cho có tiếc cũng không lấy lại được vì tình thương yêu bà con còn nặng gấp mấy ngàn lần. Biết ông đang vui bà cũng vui lây nên cớt nhả:
-  Còn ông thì sao? Nếu không xí xọn cũng đâu ai đóng bộ vào người ông được.
Giật mình, ông Cửu nhìn xuống bộ đồ đang mặc. Bộ vét màu xám lợt, áo sơ mi trắng có những sọc nhỏ màu xám. Chiếc cà vạt đậm hơn một chút tiệp với đôi giầy da mũi nhọn và chiếc mũ dạ trên đầu. Đâu ai biết được những thứ đó, ngoài trừ chiếc mũ dạ, đều là của Nụ mua sẵn cho ông cách đây bẩy năm về trước. Cái quần hơi dài và rộng phải nhờ vợ Tâm sửa lại, còn thì y như may ở tiệm mới lấy về, chẳng tốn đồng xu cắc bạc. Ông ấp úng chữa thẹn:
-  Bà khéo vẽ bộ. Chung quanh người ta mặc đầy chứ đâu phải mình tôi.
-  Thì biết là chung quanh mặc đầy nhưng có ai đội mũ đâu.
-  Ừ nhỉ!
Ông buột miệng nhưng rồi giữ lại được ngay. Ngày xưa, chỉ có chánh tổng trong làng mới oai vệ trong chiếc áo dài gấm xanh, khăn đội và chiếc gậy trúc nâu. Sau này tân thời hơn, họ mặc theo tây nhưng ít có ai đội mũ ngoài trừ những ông bộ trưởng đi kinh lý miền xa. Thoáng chút hãnh diện về cách ăn mặc của mình nhưng ông vẫn bào chữa:
-  Mặc thế thì đã chết ai đâu.
-  Qua đây không ăn vận đúng kiểu người ta cười.
-  Ai bảo bà? Chính tay con vợ Tâm dẫn tôi vào "Sia" lựa mãi mới được. Mũ dạ chứ giỡn sao.
Giống như Tâm, ông Cửu nghĩ rằng bất cứ món hàng nào từ chợ Sears ra đều quý giá sang trọng, có thể biến đổi được diện mạo của con người. Ông thò tay vào túi áo lấy ra cặp kính trắng mà vợ Tâm sắm cho khi vừa có "mê đi keo".
-  Cái ông này, người ta nhìn kìa!
-  Kệ họ chứ, tôi ngần này tuổi đầu không đeo kính lão được sao?
-  Nhưng ông có đọc báo đâu nào.
-  Cần gì đọc báo. Tôi nhìn bà không được à?
Hai gò má nhăn nheo tóp bọp bỗng chốc đỏ hồng, bà nhích người ra cách một ghế lườm chồng:
-  Rõ nỡm, chẳng còn son trẻ gì nữa mà ăn no rửng mỡ. Ăn đi còn cho người khác dọn dẹp...
Hai nữ tiếp viên hàng không trở về ghế ngồi sau khi kiểm soát hết một lượt dây cột bụng an toàn của hành khách. Tiếng tít tít vang lên trong máy và những đèn chớp đỏ báo động mọi người trong tư thế sẵng sàng trước khi phi cơ đáp xuống. Người nữ tiếp viên đã ngừng nói trên máy phóng thanh. Chỉ vài phút sau, tiếng động cơ nhỏ hẳn và đột ngột ngưng lại như bị chết máy giữa chừng, cả khối sắt khổng lồ, nặng nề tuột hẳn xuống rớt vào khoảng chân không. Ông Cửu thấy ruột gan lộn lạo và máu chạy rần rật. Hai màng tai như bị ai bóp chặt không cho không khí đi vào nhưng tiếng u u lại vang lên, nhọn và xoáy sâu trong óc đến nỗi tưởng máu trong người đặc lại không còn chỗ lưu thông.
Bà Cửu thì tương đối dễ chịu hơn ngoài trừ bao nhiêu thức ăn được dịp ào ào tuôn ra. Bà đưa cả miệng vào trong bịch giấy rồi cứ thế mửa thốc mửa tháo cho đến khi bao tử trống rỗng chỉ còn chứa lại chất nước đắng màu vàng. Đã tới mật thì đâu còn gì nữa mà ra, nghĩ như vậy nên bà túm vội túi giấy bỏ xuống dưới chân rồi rút chiếc khăn trong túi áo cánh chậm nước mắt nước mũi dầm dề trên mặt. Ai ngờ chưa kịp cất khăn bà đã gập người xuống, không kịp mở bịch giấy, bà lấy khăn bụm ngay vào miệng và co quắp người lại. Lần này thì mật xanh, mật vàng cũng theo nhau ra cho bằng hết.
Biết vợ cần mình trong lúc này nhưng ông Cửu cũng chẳng hơn gì. Mắt ông nhắm nghiền, cố hít một hơi thật dài như sắp sửa lặn xuống nước rồi ông thở ra rất chậm, chậm như khỏi tiếc nuối những phút đã phải nín hơi rất lâu để hít vào. Người ông cứng đơ nhưng tai lại nghe rất rõ. Ông nghe tiếng thở gấp rút của vợ, rồi thì tiếng khịt mũi, tiếng ọ oẹ. Phải cầm lòng lắm ông mới đè nổi những đồ ăn chưa kịp tiêu hóa đang chực trào ra theo điệp khúc thôi thúc của vợ mình. Thật khổ cho ông bà và cũng khổ cho tất cả những người già cả lăn lội đi thăm con cháu ở nơi xa.
Cũng may, phi cơ đáp xuống nhẹ nhàng và mau lẹ như khi cất cánh lên. Tiếng cụp vang lên vì bánh trớn đụng mạnh xuống mặt đường và cứ theo đà lăn nhanh trên phi đạo. Mọi người thở ra cùng lúc máy phóng thanh vang lên, tiếng mở khóa bụng kêu lách cách, tiếng ồn ào hòa lẫn tiếng động cơ tạo một âm thanh vui rộn rã. Tất cả mọi người vẫn trong tư thế chờ đợi tốc độ giảm dần để rồi dừng bánh hẳn là đứng bật dậy đổ xô về phía trước. Biết là không còn gì dập dềnh, chóng mặt nữa nhưng ông vẫn lấy dầu bôi lên mũi và hai bên thái dương trước khi đưa qua cho bà. Lọ dầu khuynh diệp như một loại amoniac, thoa đến đâu là từng thớ thịt sống lại.
-  Lúc nãy tưởng ngất đi ai ngờ mửa ra được lại thấy nhẹ người. Mà ông này, vợ Tâm có gọi cho vợ chồng thằng Phước ra đón mình không?
-  Dặn rồi, việc đó bà đừng có lo cho nhọc. Cả một cuốn sổ điện thoại tôi mang theo, không gọi cho đứa này thì cũng gọi cho đứa khác.
-  Mà ông có biết gọi không? Bà hỏi với giọng đầy lo ngại.
-  Có khó gì mà chẳng biết.
Ông nói cứng vì trong cuốn sổ vợ Tâm đã dặn kỹ ở trang thứ sáu. Muốn gọi chỉ cần đưa cho bất cứ ai, nhìn vào đó họ sẽ hiểu ông muốn gọi collect và họ sẽ giúp dùm. Bên kia đầu dây, khi nhận ra tên ông, con cái sẽ lên tiếng tiếng trước và lúc đó ông chỉ phải nói tiếng Việt mà thôi. Bà Cửu trái lại chẳng tin ông chút nào vì qua những gì đã xảy ra cho bà thấy rõ chẳng những ông không nói, không hiểu mà lại còn hay đoán ẩu, đoán mò. Bà nhìn đám đông đi hàng hai, vai đeo bóp, tay mang áo lũ lượt ra cửa.
-  Mình theo họ ra thôi.
-  Khoan đã, chưa chi đã vội cái bà này. Vợ Tâm bảo cứ chờ cho họ ra hết hãy mở trang số bốn và đưa cho tụi tiếp viên coi. Họ có bổn phận gọi máy cho người đến đưa mình đi.
-  Còn đồ đạc thì sao?
-  Cứ kệ họ. Bà ôm chặt cái ví tiền là được rồi...

Ông Cửu nhìn người khách cuối cùng đeo hai túi hành lý trên vai, nặng nề từng bước và mất hút sau cánh cửa ra vào rồi nhìn xuống chân mình, cũng lình kình hành lý mà thở dài. Mọi sôi động ồn ào chung quanh lắng xuống, có chăng chỉ còn một vài tiếng chân khua động của những người làm việc có phận sự phải đi ngang. Qua lớp kính trong vắt, thành phố đã lên đèn, ngàn vạn ánh đèn vàng hòa lẫn ánh sáng tím, xanh ngoài phi đạo tạo thêm vẻ rực rỡ xa hoa của một đô thị sầm uất.
-  Dễ cũng tám giờ rồi bà nhỉ?
Bà Cửu ngước mặt nhìn quanh quất trên tường cao, chẳng thấy gì ngoài những máy ti vi trắng đen hiện đầy những chữ Mỹ.
-  Ông có đồng hồ sao còn hỏi tôi?
-  Mắt mũi thế này còn trông thấy gì?
Bà Cửu vén tay áo lên, chiếc đồng hồ sáng lấp lánh dưới muôn ngàn ánh điện gắn trên trần:
-  Tám giờ thiếu mười lăm phút.
-  Sao chúng chưa đến bà nhỉ! Mình chờ đã có hơn nửa tiếng, hay là vợ Tâm báo lộn ngày? Ông có vẻ sốt ruột.
-  Thì chờ một tí đã sao.
-  Hôm nọ...
-  Hôm nọ khác, hôm nay khác. Vợ Tâm là vợ Tâm, thằng Phước là thằng Phước. Nếu vợ Tâm là thằng Phước thì mình đâu phải vất vả lên xuống thế này.
Ông Cửu ngạc nhiên khi nhìn vẻ quyết liệt và đầy tin tưởng của vợ vì sự hân hoan trong ông đã hoàn toàn biến mất để thay vào nỗi hoang mang lo lắng. Đầu ông xoay tròn với muôn ngàn dấu hỏi, nếu chúng không đến và nếu chúng thay lòng đổi dạ? Ngay như cái Nụ tốt lành đến thế mà còn đối đãi với cha mẹ bạc hơn vôi thì nói gì đến thằng Phước. Biết đi thăm con là dại, là hèn, là ngu ngốc, là con chó rúc vào gầm chạn chực miếng ăn nhưng không chui vào đó thì biết đi về đâu? Hai con đường cam go khổ nhục ông đã đi qua thì không lẽ con đường cuối cùng ông lại sợ? Mùi vị cuộc đời ông đã nếm đủ, sự hiếu đáp của con cái ông cũng đã tận tường, có nghèo nàn tệ bạc lắm cũng không thể hơn cái Nụ.
Nhớ lại lúc nghe lén vợ chồng thằng Tâm cãi nhau, cả đêm ông trằn trọc không ngủ. Bên cạnh, bà cũng chẳng hơn gì vì vốn dĩ thính tai nên chỉ nằm tại chỗ cũng nghe được tiếng vợ chồng Tâm cắn cấu nhau rõ mồn một. Có người chia sẻ cảnh khổ nhưng lòng ông vẫn không vơi đau. Ông suy ngẫm lời vợ nói hôm nào là con gái không phải con mình thế mà đúng. Dù thằng chồng có tốt lành, dù cho con vợ có thương yêu cha mẹ một lòng cũng khó mà công khai tỏ tình thương nhất là qua vật chất, có chăng chỉ là lén lút để trốn tránh sự khinh thị của gia đình chồng và miệng lưỡi người đời.
Miệng đời thì ghê gớm vô cùng, có ít xít ra nhiều, có một nói mười, nhiều khi còn dựng đứng câu chuyện để mà nói. Miệng đời là muôn ngàn mũi dao phóng đến cắm ngay vào tim những bậc cha mẹ phải sống nhờ vả vào con gái. Con mình, mình đẻ đứt ruột, nuôi cho tới ngày dựng vợ gả chồng thì lại thuộc về gia đình người ta. Của cải, tài sản chúng làm ra đương nhiên được coi như thuộc về giòng họ nội. Đời sao mà có lắm cảnh bất công trái ngược. Ấy là từ hôm xuống đến nay chưa phải ngửa tay xin thằng con rể một đồng nào mà nó còn khinh bỉ, miệt thị như vậy. Ông ấm ức thương cho thân mình rồi lại chợt nhớ đến dâu và thằng con trai. Ý tưởng chôn dấu từ lâu bỗng vùng lên mãnh liệt. Phải trở về với nó... Nếu con gái không phải là con mình thì con dâu là gì? Nếu con rể không ra hồn thì tại sao không ở với con đẻ của mình? Tại sao đến giờ này ông bà vẫn u mê, vẫn chỉ vì một chút tự ái cỏn con? Phải nói cho bà biết sự thay đổi của ông... Chắc chắn phải báo cho bà biết...

Sáng hôm sau khi Tâm vừa thức dậy thì ông bà Cửu đã quần áo chỉnh tề nằng nặc đòi trở lại nhà Nụ. Tâm tránh nhìn ông bà vì mắt nàng sưng mọng nhưng cũng không hỏi nguyên do hoặc an ủi lời gì. Nàng nghe rõ tiếng cha mẹ mình thở dài mà lòng xót xa.
-  Thầy bu mang hết cả mùng mền về luôn à!
Ra tới nhà xe Tâm chỉ hỏi được có vậy rồi vội vàng phụ nhét vào cốp sau cho thật lẹ như trốn chạy đôi mắt rình mò của Thành ẩn nấp đâu đây. Về tới khu nhà Nụ trời vẫn chưa sáng rõ. Dọc theo chung cư im ắng như tờ, vài con quạ đậu sừng sững như những oan hồn trên cột điện thoại kêu từng hai tiếng một:
-  Bạc bạc. Bạc bạc.
Trời thanh vắng nên tiếng kêu lạnh lẽo như buốt xoáy vào óc làm Tâm ngơ ngác nhìn quanh.
-  Con quạ kêu thế mà hay. Ông lẩm bẩm.
-  Lại có điềm gì đây. Bà Cửu buột miệng.
-  Bu chỉ nói gỡ.
-  Không có gỡ đâu. Tuổi già sống nay chết mai biết đâu mà tính. Thầy bu còn sống được ngày giờ nào con gắng mà trả hiếu.
Nói được có thế, bà mủi lòng khóc lên rưng rức. Tâm thấy lòng xót xa, đau nhói. Trước cảnh này nàng chỉ biết bó tay, bên tình bên hiếu khó mà chu toàn. Người ta bảo mất chồng còn kiếm được chồng khác, mất cha mẹ làm sao kiếm được nhưng đối với thời xưa chứ bây giờ nhất là đối với riêng Tâm, mất chồng là mất tất cả. Dẫu về vật chất Thành không giúp hoặc không đỡ đần gì cho Tâm nhưng về tinh thần, tình yêu, Thành chính là cột trụ trong nhà chống đỡ từ mái, tường cho đến những cơn mưa lớn hoặc giông tố. Đời nàng còn quá dài trong cuộc sống gắn bó vợ chồng không lẽ vì cha mẹ mà đâm ra hục hặc cãi nhau cho mất hạnh phúc? Cha mẹ già còn sống được bao lâu? Chẳng lẽ chỉ vì một thời gian ngắn ngủi ấy mà phải chối bỏ cuộc đời của mình? Với ý nghĩ hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết sống riêng cho mình, Tâm đã quên đi những cay đắng, chua xót của người sinh đẻ nuôi dưỡng mình. Nàng xách hộ bao mền đến chân cầu thang lên chung cư thì đứng lại ở đó.
-  Còn sớm quá mà giầy cao gót thì kêu còng cọc sợ hàng xóm thức dậy mở cửa mắng vốn. Thôi thì thầy bu ráng bảo trọng sức khoẻ con phải đi làm cho kịp giờ...
Nói có thế Tâm quay ngoắt lại và bước nhanh. Ông Cửu nhìn theo cho đến khi Tâm mất hút ở khúc quanh mới lặng lẽ như một xác chết vác túi mền đầy mùi thuốc dán trên vai lê từng bước chân nặng nề lên từng bậc cầu thang với gương mặt thất thần. Một đêm không ngủ mắt ông sâu hoắm, hai hố sâu quầng đen như hai nấm đất vừa đào từ dưới ruộng. Ông rùng mình... Vợ chồng ông phải xuống thằng Phước chứ không thể chôn xác nơi đây...

-  Không khéo mình lạc mất rồi. Bà Cửu lo lắng vì trong phòng lấy hành lý không còn một ai.
-  Rõ cái bà này vớ vẩn, vậy chứ đây không phải là hành lý của mình à!
Nói thế chứ lòng ông nóng như lửa đốt. Nếu thực sự chúng không đến đón thì thân ông bà khác nào kẻ trôi sông lạc chợ. Quay trở về với cái Nụ hoặc vợ chồng thằng Thành thì chắc chắn là không, mà về với mấy đứa cháu ở Texas thì biết lối nào mà lần đến? Trong khi ông Cửu ngồi buồn rầu thì trái lại bà lơ đãng nhìn ra ngoài đường. Qua ô kính khổng lồ bằng thủy tinh chắn ngang ngăn cách giữa trong và ngoài, từng chiếc xe táp vào đón những thân nhân đứng chờ sẵn, ánh đèn vàng cứ di động đến rồi đi chập chờn như đôi ma trơi trong bóng đêm. Đã vậy đèn sau mỗi lần thắng lại đỏ rực khiến khung cảnh bên ngoài như lộng lẫy mời gọi thêm. Lòng bà cũng rực đỏ và nóng hừng hực với bao nhớ nhung chất đầy, hết tưởng tượng ra đứa cháu nội rồi lại đến vợ chồng Phước với nụ cười rộn ràng và háo hức tưởng như trong đời chưa bao giờ có. Ngay lúc ấy một đám người lố nhố, thấp có cao có, bước vào và xăm xăm đi về phía bà. Bà nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của người đàn ông lớn tuổi rồi hét lên:
-  Ông ơi, thằng Phước...
Tiếng kêu vụt tắt, bà đứng bật dậy làm chiếc bóp đang để trên đùi phóng xuống sàn. Những trái táo tàu trong bịch đã bị xé miệng khá lớn theo đà văng tứ tung; bà khom người vơ vội vàng đến nỗi đạp cả lên chúng. Lúc đó Phước chạy lại ôm lấy ông còn vợ Phước đứng sớ rớ bên bà:
-  Bỏ đi bu ạ, không khéo lại dơ tay. Để con bảo cháu nó lượm bỏ vào thùng rác.
Bà Cửu đứng lên nhìn người vừa thốt ra những tiếng nói quen thuộc, vợ Phước, "Trời ơi" tiếng bà òa vỡ lớn, nửa mừng nửa tủi:
-  Con ơi là con, bu cứ ngỡ đến ngày chết cũng không gặp được chúng mày...
-  Chúng con bất hiếu để thầy bu lặn lội đường xa cực khổ thăm nom. Tiếng Phước oang oang.
Cảnh ôm lấy bà giọng bùi ngùi:
-  Bu ốm yếu quá, cái lưng có bớt chút nào không bu?
-  Chẳng đỡ đâu con ạ. Phải vác sự khó trọn đời mà thôi.
Mọi sự ồn ào sôi động chỉ xảy ra trong chớp nhoáng khi bất chợt bà thấy có một cái máy quay phim cứ chỉa về phía mình.
-  Họ làm gì thế kia?
-  Bu ơi, cháu Dung đấy mà! Cảnh đưa tay ngoắc con:
-  Chào ông bà đi con.
-  Dạ, cháu chào ông chào bà.
-  Con ơi, bà mừng quá. Thôi đừng quay nữa con, nghỉ cho khoẻ rồi đưa ông bà về thăm nhà.
Lúc đó ông Cửu mới như người tỉnh mộng, ông buông Phước ra mà nước mắt vẫn còn ngấn hai hàng:
-  Cháu nội của ông. Cháu ơi...
-  Thầy đừng khóc làm cháu nó sợ. Phước nắm tay ông như ngăn chận sự xúc động.
-  Không, ông đâu có khóc. Ông chỉ mừng cháu Dung thôi mà! Còn vợ Phước đâu?
-  Ối cái ông này, mắt với mũi. Đây, dâu ông đây.
Bà Cửu vẫn nắm chặt tay con dâu không muốn bỏ ra. Cảnh chào ông thêm lần nữa:
-  Con chào thầy.
-  Thầy mày điếc đấy con. Ông ơi, nãy giờ con nó chào ông ba lần rồi đấy! Giọng bà kéo dài ra.
Ông Cửu nhìn dâu, mặt gượng vui:
-  Mẹ con chúng mày mà tao cứ tưởng bạn bè. Cái Dung lớn quá, giá có gặp ở ngoài đường thì chịu chết thôi.
Bà cười sung sướng ôm Dung vào lòng:
-  Cái con cháu cưng của bà có nhớ ông không? Con học tới đâu rồi? Khi nào thì cho ông bà uống rượu đây?

Ngày đi Dung đã lớn, mọi hình ảnh quê nhà khắc sâu vào óc con bé tám tuổi. Nó nhớ cây lựu đỏ rực hoa và những trái nặng trĩu cành ngay hàng dậu tre, nhớ cạnh bờ ao có hai cây đu đủ xum xuê những quả và nhớ nhất là con chó Bo to lớn sủa vang mỗi khi có ai đến chơi nhà. Dung cũng nhớ bà nội hay ngồi ôm nó sau mỗi bữa cơm trưa bên cửa sổ nhìn lên cây vú sữa trắng bóng những trái. Nó thèm vú sữa hơn thèm cơm nhưng bao giờ bà nội cũng bắt ăn hết hai chén cơm đầy rồi mới bảo chị ở trèo lên hái. Hai chén cơm đầy với cái bụng bé xíu như nó thì đâu thể nhét thêm bất cứ cái gì khác, vậy mà bà nó vẫn dụ ngon dụ ngọt. Lúc ấy trái vú sữa không còn hấp lực vì chén cơm đã nguội lạnh và ngấy lên tới cổ.
Có hôm con bé ngồi vọc chén cơm gần tiếng đồng hồ. Cuối cùng bà phải đổ cho chó rồi bắt cháu uống thay bằng ly sữa bò. Dung không thích uống sữa con chim nhất là pha với nước nóng nhưng nếu không uống lát đi học sẽ đói bụng vì ngày nào mẹ nó cũng chỉ cho có mỗi hai đồng đủ ăn ly chè đậu đỏ. Chè đậu đỏ bánh loọc cũng không ngon nhưng mẹ nó cứ bắt ăn bởi mát bụng và no lâu. Vài lần đầu Dung nghe lời, về sau hàng cà rem trông hấp dẫn hơn nhất là được quay sổ xố. Cái đĩa tròn bằng gỗ sơn đen có những vạch nhỏ như mặt kim đồng hồ, trên đĩa vẽ đậm mỗi hai số 2 và 4, còn bao nhiêu toàn là những vạch trắng. Bên hông đặt một thanh gỗ có gắn miếng ruột xe cắt theo hình mũi tên. Dung tì cả người vào chiếc xe cà rem lấy thế xoay vòng tròn thật mạnh rồi nín thở chờ đợi. Tim nó đập nhanh khi mũi tên bằng cao su nảy tưng tưng trên những thân đinh đóng theo từng vạch nhỏ, nhất là lúc vòng quay từ từ chậm lại rồi rề rề lửng lơ giữa cây đinh. Những lần đó được quay lại, năm thì mười họa mới trúng hai cây nhưng cả người mua lẫn người bán đều vui bụng vì dẫu không trúng nó vẫn được an ủi bằng một cây cà rem vuông nhỏ hơn nửa lòng bàn tay. Lúc đó tay con bé đỡ cây kem một cách trịnh trọng chỉ sợ rớt dù đã được ghim bằng hai cây que cứng. Dung tìm chỗ khuất và đứng mút mát một cách ngon lành như muốn tránh tất cả những con mắt thèm thuồng của những đứa nhà nghèo...
Hình ảnh đó đã qua mười năm nhưng vẫn còn in đậm đặc trong trí nhớ, Dung ôm cánh tay bà reo khe khẽ:
-  Cháu chào bà nội mạnh giỏi.
Bà Cửu thấy người mình run lên. Con bé nói đặc sõi tiếng Việt lại thưa gửi chứ đâu có Mỹ như vợ Tâm vẫn thường nói.
-  Bu hỏi chừng nào uống rượu thì cháu Dung không hiểu đâu, Cảnh xen vào và kéo con gái lại gần ông Cửu, thầy xem cháu lớn như thổi. Mới ngày nào thầy nhỉ!
Ông xúc động nắm chặt tay cháu gái cùng hòa trong niềm vui hạnh phúc trùng phùng. Bà Cửu thấy ông khư khư ôm mãi con cháu bèn trêu:
-  Về nhà mà ôm, người ta nhìn kìa!
-  Cái bà này, ông cười với nét mặt hân hoan, hở một chút là đe dọa. Chúng mày xem từ ngày qua Mỹ bu mày cứ bắt nạt tao hoài.
-  Thì đã có sao đâu, lâu lâu cũng nên để bu lên tinh thần một chút, vừa nói Phước vừa cúi xuống cầm hai xách tay kềnh càng nhất, bu đi đâu cũng không bỏ cái tật gồng gánh.
-  Có gì đâu, chỉ vài ba cái áo vợ Tâm sắm cho bảo dưới này lạnh lắm không khéo lại chết cóng.
Phước chép miệng:
-  Ôi, cả đời chúng nó có đi đến đâu mà biết nóng với lạnh. Thôi mình ra lấy xe rồi về nhà ăn uống, lúc đó tha hồ trò chuyện.
Bà Cửu say sưa nhìn hai hàng cây trồng thẳng tắp từ chỗ đậu xe đến hết con đường nhỏ dẫn lên tới bậc thềm. Những cánh lá xanh thẫm được cắt tỉa theo vòng tròn như trái banh khổng lồ chạy suốt hai hàng dài. Dọc theo nó, cách khoảng, từng cột đèn tỏa ánh sáng vàng mơ. Dưới ánh đèn, lớp lá óng ánh mịn màng như pha trộn thêm lớp nhung tơ. Bà chợt cảm thấy lòng mình an bình và êm ái không khác gì đám lá mềm mại kia, như những mầm sống vừa nhú lên. Đúng, nó vừa hồi sinh trong một thân xác còm cõi khô héo.
-  Ở đây khí hậu tốt nhỉ! Bà hít mạnh khí trời vào tận lồng ngực rồi như chỉ muốn giữ yên ở đấy.
-  Tháng này tiểu bang nào khí hậu cũng tương đối dễ chịu, còn đang cuối xuân mà bu.
Từ chỗ mọi người đứng chờ ra chỗ lấy xe không xa nên chỉ năm phút sau Cảnh đã lái xe đến. Phước đỡ mẹ lên trong khi ông Cửu đứng đàng sau nên đủ thời giờ ngắm chiếc xe tuy to nhưng trông rất ngộ nghĩnh. Nó bóng loáng và kẻ nhiều sọc ngang khác màu viền vòng quanh, đã vậy đầu xe lại nhọn và chúc xuống như đầu con chuột chù. Ông buột miệng:
-  Xe tốt quá, ở Việt Nam chỉ công ty du lịch mới có xe này. Chắc là khối tiền?
-  Đâu có là bao, chưa tới mười tám ngàn. Phước trả lời khi quay lại đỡ ông bước lên xe.
Ông Cửu lạnh người, mười tám ngàn mà nó bảo không có là bao. Không lẽ thằng này lại học thêm được thói khoe khoang? Từ hôm qua Mỹ, ông không biết thêm gì về Phước cả, ngay đến vợ chồng Tâm và Nụ cũng ú ớ khi ông hỏi. Cứ theo sự suy ngẫm từ trước đến nay thì Phước được ông liệt vào loại nghèo nhất nước Mỹ. Thế mà từ lúc gặp cho đến bây giờ ông cảm thấy cứ như người đi trên mây. Bao lo ngại e sợ chúng không thể nuôi ông không còn nữa mà thay vào đó những sự so sánh ngấm ngầm...
-  Thầy vào hẳn bên trong để con đóng cửa.
Ông Cửu theo đà kéo của Phước bước lên xe, mùi vải nhung và thảm mới thơm nồng mũi.
-  Xe mới mua hay sao mà thơm quá vậy? Ông ghé sát tai Dung hỏi nhỏ vì nó ngồi chung ghế ở băng sau.
-  Dạ, mua được một năm nhưng ít đi vì bố mẹ và con mỗi người đều có một xe riêng.
Ông không tin ở tai mình nên cố gắng nhìn lên phía trên. Qua hàng ghế chỗ bà Cửu ngồi, Phước ung dung dựa lưng ra sau để vợ lái. Bây giờ ông mới có dịp chú ý đến vợ Phước. Tóc nó cắt cao như đám con gái choai choai trên Cali, để hở cái cổ dài oằng với ba ngấn tròn mà ngày xưa mỗi lần giận nó, ông cứ chửi là thứ ma cà rồng, ma lai rút ruột. Tay chân Cảnh đeo đầy kim cương, dù trong đêm tối vẫn cứ sáng loé mỗi khi xe chạy ngang những cột đèn đường. Còn quần áo thì... Ông nhớ ra rồi, lúc cả đám ùa vào ông thấy chúng ăn mặc sàn sàn như nhau và nhìn con Dung chỉ như em của vợ Phước. Hèn gì thằng này riết róng với cha mẹ. Vợ như thế thì tiền của nào còn? Ngay đến con vợ Tâm ăn chơi sang trọng là thế mà có khi nào dám mặc cái váy chật cứng ngắc trên đầu gối dù phần trên có kín đáo thế nào mặc lòng. Sang trọng gì với lối ăn mặc hở hang như mấy con chiêu đãi, giàu có gì với nữ trang khoe đầy người không chừa kẽ hở? Con gái phải ra con gái, đàn bà phải ra đàn bà, đâu có lối ăn mặc lố lăng con chẳng ra con, bà chẳng ra bà, đã vậy má phấn môi son trét vào cứ như phường tuồng...
Chẳng hiểu sao ông Cửu luôn có cái nhìn khe khắt với con dâu; hình như bất cứ những gì phát xuất từ Cảnh cũng đều làm ông chướng mắt. Đâu phải ông quá quê mùa cả đời không nhìn thấy ai ăn diện cũng đâu phải nhà có mỗi mình Cảnh là còn trẻ. Những năm sau này Việt kiều về thăm gia đình du nhập thời trang nên khắp nơi nổi lên những bộ mặt, màu sắc, mặt hàng mới. Những kiểu áo tân thời lan tràn cả đến xóm ông nhưng lòng ông không chỗi dậy sự khó chịu khích bác. Bao năm trời xa cách, ông nghĩ tính tình mình cũng dễ dãi thay đổi đôi chút nhưng không hiểu sao khi gặp Cảnh, lòng ông vẫn khư khư với những thành kiến khó chấp nhận...
Trong lúc ông Cửu ngồi nhìn con dâu với bao ưu tư suy nghĩ thì Cảnh cũng đang ở trạng thái hỗn loạn. Sự hỗn loạn không phải từ bây giờ mà ngay khi được Tâm gọi báo tin ông bà sẽ sang thăm. Sang thăm chỉ là một lối nói màu mè trịnh trọng chứ Cảnh biết ông bà không ở với con trai thì còn ở với ai? Chính ra Phước đã bàn với Cảnh đón ông bà ngay từ lúc mới sang nhưng nàng gạt đi:
-  Để thầy bu chơi bên đó vài tháng đã.
Không phải Cảnh muốn phủi bỏ trách nhiệm nhưng bao nhiêu năm làm dâu nàng biết rõ cuộc sống và những khó khăn sẽ tiếp tục xảy ra nếu ông Cửu không vấp phải những cay đắng làm thay đổi bớt những thành kiến và những độc đoán của mình. Cảnh nhớ những ngày tháng sống chung, với những chì chiết nặng nhẹ ngập đầy những bới móc hoạnh họe. Cảnh nhớ những cái lườm nguýt hoặc tệ hơn nữa là những lời nói khinh rẻ châm chọc mỗi khi ông Cửu thấy nàng ủi quần áo hoặc đứng trước gương chải đầu. Nhiều khi Cảnh tự hỏi mình đã làm những lầm lỗi gì hay người con gái nào về làm dâu cũng phải qua những đoạn trường cay đắng ấy? Dù có vô tâm, phổi bò, ruột ngựa thì Cảnh cũng phải biết là ông chẳng ưa gì mình. Có những lúc ngồi vo gạo thấy ông Cửu từ vườn về đang vui vẻ nói cười với những người đi cùng đường, vừa chợt trông thấy Cảnh là mặt ông bỗng sa xầm, gót chân nền huỳnh huỵch xuống đất, quăng sọt ném gánh ầm ầm. Ông đá cái này, đạp cái kia ngay trước mặt Cảnh cố tình biểu lộ một dằn vặt. Lúc đó Cảnh thấy lòng áy náy thêm phần cay đắng như kẻ vừa phạm lỗi. Phải chăng chỉ vì Cảnh không phải là người cáng đáng nổi ruộng vườn thay cho cha mẹ chồng như các nàng dâu ngày xưa đã làm?
Cha chồng thì vậy mà mẹ chồng lại trái ngược. Cảnh nhớ có lần chạy ra ngoài ôm quần áo phơi trên dây khi trời đột ngột đổ mưa, bà Cửu nhìn thấy chặc lưỡi quở trách:
-  Lấy thuốc cảm uống vào kẻo bệnh, mới sanh có một tháng mà không cữ mưa gió sau này già khổ như tao đó con ạ!
-  Vài hột mưa có sao đâu bu.
-  Có sao hay không sao cũng cứ uống vào. Vài đứa con rồi mới thấy.
Thấy bà Cửu vui, Cảnh tâm tình:
-  Ngày xưa làm dâu chắc bu cũng vất vả lắm? Con nghe nói ông bà nội giàu nhất làng mà?
-  Càng giàu càng khổ, mang tiếng con dâu chứ cực còn hơn đứa ở. Sáng sớm mới bốn giờ còn đang mắt nhắm mắt mở đã phải dậy nấu cơm cho thợ thuyền ăn và mang theo ra đồng. Bếp núc đâu phải kiểu trong này, nó thấp bè bè khói um đến chảy cả nước mắt, quanh năm ngày tháng chỉ nấu bằng những gốc rạ khô nên lửa cháy bùng nhưng lại rất mau tàn. Nồi cơm thì lớn mà vần bằng than rơm nên không ngồi trông từ đầu tới cuối là cơm sống ngay. Lo xong cơm nước cho người làm thì gà, heo, bò cũng cùng gào kêu đói, bằng đó thứ cố làm cho thật lẹ trời cũng đã sáng rõ. Buổi sáng ngồi ăn với bố mẹ chồng đâu dám ăn no trong khi con cái cứ mè nheo đứa đòi cái này, đứa chỉ cái kia. Cố nuốt nhanh cho trôi miếng cơm vào bụng, tao vội giao con cho bà nội rồi cắp sọt đi ra ao hái rau heo... Buổi trưa thèm ngả lưng một chút cũng không dám vì sợ quở mắng. Cứ thế con ạ! Từ sáng cho đến tối không có giờ ngước mặt lên trò truyện cùng ai. Gặp mùa gặt còn khổ gấp trăm lần, lớp phơi lúa, lớp giã gạo, có thai cũng như mới đẻ chẳng kiêng cữ ngày nào. Bởi ỷ y sức khoẻ với lại cha mẹ chồng tham việc nên có bao giờ chỉ bảo cho, ngày qua ngày tao cứ đầu trần phơi cùng sương gió nên giờ chưa già đã lú, chưa làm đã thấy mệt mỏi run rẩy...
Bà Cửu nhớ lại tuổi thanh xuân của mình bị vùi dập theo cuộc sống cơ cực mà thở dài với đầy tiếc nuối:
-  Làm dâu thời này chả thấm vào đâu, có điều thời nào theo thời nấy. Bây giờ nhà cửa ruộng vườn chẳng có là bao nhưng mình thầy mày làm đâu có xuể, tao thì nay ốm mai đau...
Cảnh biết sức lực mình không giúp gì trong công việc ruộng vườn, bù lại nàng có thể buôn bán tảo tần như mọi người đàn bà khác hoặc làm bất cứ công việc gì cũng có thể kiếm ra tiền nhưng khốn nỗi cái xóm Cảnh ở thuộc xóm Bắc di cư. Di cư cả vùng cả làng nên mang theo cả những thành kiến khắc nghiệt khi xưa:
-  Bắt nó ra vườn làm. Dâu gì có thứ lười như thế...
-  Ai mà ngần này tuổi đầu ông bà Cửu còn mua dâu về để thờ...
-  Đúng là vô phước gặp thứ môi son má phấn chẳng được tích sự gì cả...
Dù tốt lành đến đâu mà bị xóm làng đàm tiếu, kẻ nói ra người nói vào cũng dễ bị tiêm nhiễm, ông Cửu không sao thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó duy chỉ có bà, chỉ có những người trải qua giai đoạn cay đắng mới cảm thông cho hoàn cảnh của nàng.
-  Thôi ông ạ! Bắt nó ra đồng thì làm được những gì? Để tôi nuôi thêm con heo con gà, trồng thêm ít luống rau ngay sau hồi cho nó chạy ra chạy vào còn coi sóc con cái chứ ai rảnh mà cứ ở nhà giữ con cho nó.
-  Nhưng còn con Hai trời đánh kia? Đuổi nó đi.
-  Vợ chồng nó mướn thì để cho chúng trả tiền, có hao công tốn của gì đâu...
Cũng may Phước đi làm lương khá, bao bọc cho cả vợ con nên ông không thể viện bất cứ lý do gì để đày đọa Cảnh như những người trong xóm đã từng làm với dâu của họ.
Cảnh nhớ và nhớ rất rõ những ngày ấy nhưng thực ra nó cũng không hoàn toàn là quá khứ hãi hùng vì bên cạnh nàng còn có bà Cửu, chồng và con. Tuy nhiên Cảnh vẫn cầu xin có một cuộc đổi đời, có một cái gì khác lạ để cuộc sống con người vươn lên, để cái xứ nghèo nàn bớt thành kiến với con dâu hơn, nhất là đừng coi con dâu như kẻ nô lệ, tôi tớ trong nhà, như một người phải có trách nhiệm trả món nợ cưới hỏi bằng cách cáng đáng tất cả công việc của đại gia đình bên chồng...
Suốt thời gian làm dâu, tuy xác không mấy cực nhọc nhưng tâm hồn Cảnh nát bấy. Lớp chống trả với lũ em ruột thịt đòi chị mình phải vùng lên dọn nhà riêng cho khỏi bị chèn ép, lớp dấu diếm cha mẹ ruột tình trạng tinh thần tuột dốc đến độ thê thảm của mình. Ai đời vợ một ông giáo sư đệ nhị cấp mà ngồi băm rau heo từ ngày này qua tháng nọ. Ai đời mười hai năm ngồi mòn ghế nhà trường giờ trở thành bà bếp nấu cơm trong khi đám bạn nàng có đứa mở nhà hàng, đứa có cây xăng, lại cũng có người may mắn hơn làm chủ cả những hãng xưởng lớn.
Cảnh không so sánh hoặc phân bì nhưng khó có thể sống giả dối mãi với chính mình. Những đêm dài trăn trở suy nghĩ về tương lai và những ràng buộc dính chùm ngu xuẩn, càng nghĩ càng rối rắm, càng muốn vượt thoát càng bị nhận chìm nhưng cũng nhờ vậy Cảnh mới hiểu tại sao ngày xưa con dâu bị cha mẹ chồng đày đọa cực khổ mà vẫn sống, vẫn chấp nhận chỉ vì yêu chồng và thương con. Tình yêu và máu mủ là sợi dây ràng buộc vững chắc nhất. Kẻ đã yêu chồng, thương con bao giờ cũng dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh ngang trái của mình. Như Cảnh của mười sáu năm qua, có bao giờ nàng than thở, phiền trách lấy nửa lời trong khi tiếng chì tiếng bấc trong nhà ngoài ngõ tỏ tường...
Mười sáu năm rồi... Cảnh vẫn không quên được đôi mắt của ông Cửu... Những lần nàng cùng chồng đi thăm bạn bè về trễ, những lần dối trá đi đám ma, đám cưới để chỉ phóng xe lang thang khắp phố hoặc táp vào lề đường uống ly sâm bửu lượng, ăn dĩa thu đủ bò khô... Chỉ có thế mà cũng phải dối trá... Chỉ có thế mà cũng phải hồi hộp lo lắng đứng khép nép chờ cái gật của cha chồng...
Mười năm rồi Cảnh vẫn nhớ như in đôi mắt tựa sợi dây trói chân nàng... Bây giờ phải làm sao? Cảnh không dám nói nỗi lo lắng của mình cho chồng biết vì quá khứ đã chứng minh: Phước không dám quyết định một điều gì hết. Có nên để ông bà Cửu xuống đây không? Câu hỏi được nhắc đi nhắc lại mà vẫn chưa có câu trả lời. Nên hay không? Nên hay không?
-  Thầy bây giờ đổi hẳn tính, dễ dãi không thể ngờ. Phước hí hửng khoe vợ sau khi nói chuyện với Tâm qua điện thoại.
-  Thì tụi nó sợ mình lo nên nói tránh đi chứ gì?
-  Anh không nghĩ như vậy vì chính ông già cũng nói ra điều đó. Ông già gia nhập hội bô lão học được nhiều kinh nghiệm đau thương nên thay đổi tính tình là phải.
Nhìn nét mặt hân hoan của chồng, Cảnh thấy như được chia sẻ và sự lo âu cũng giảm bớt đi để nàng đi đến một quyết định: Xưa nay cụ bảy mươi học cụ bảy mươi mốt nhưng không phải học hết mọi thứ mà chỉ chọn những điều hay lẽ phải còn tất cả những cái dở phải được loại bỏ. Xưa nay ông Cửu có những điều khắt khe quá đáng thì đây cũng là cơ hội để giúp ông sửa đổi lại. Trẻ cậy cha, già cậy con. Cha mẹ Phước tuổi về chiều và đã lặn lội từ Việt Nam sang đây thì tình cảm cha con phải sâu đậm vô cùng. Cảnh không thể vì chút tự ái cỏn con hoặc vì sự tự do riêng tư của mình để làm bia miệng cười và tự thẹn với lương tâm mình. Nói cho cùng nếu ông không sửa thì cũng đành chấp nhận, ngày xưa bị lệ thuộc Cảnh còn sống được huống hồ gì bây giờ hai vợ chồng đang làm chủ gia đình. Hơn nữa Cảnh đi làm từ sáng đến chiều tối mới về, có làm dâu cũng chỉ vài tiếng đồng hồ... Cảnh không sợ nữa... Nhất định không sợ nữa...
Chính vì không sợ nên ngày đón cha mẹ chồng nàng đã gồng mình mặc chiếc mini robe ôm sát nhất. Bộ đồ mà từ lúc mua đến giờ nàng chỉ mặc mỗi một lần vào bữa tiệc sinh nhật ở nhà bạn. Không phải Cảnh không biết tế nhị cũng như cách ăn mặc sao cho lịch sự nhưng nàng muốn hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông bà là Cảnh của ngày nay đã hoàn toàn đổi khác. Nó không còn lén lút áo ngoài phủ áo trong mỗi khi ra đường rồi tìm một chỗ vắng lột chiếc áo khoác tầm thường ra để hoà đồng với chúng bạn. Nó không còn lén lút chui vào bụi mía, bụi lau cởi bỏ lẹ làng bộ đồ bà ba xậm màu để thay vào chiếc váy đầm đi dự dạ hội và cũng không còn ngồi đăm chiêu hàng giờ nhìn bàn tay chai, xù xì dính đầy mủ rau lang, rau muống dù đã rửa kỹ bằng chanh. Lúc đó con người Cảnh như bị xẻ đôi, nửa cho gia đình chồng và nửa cho Phước. Nếu ra ngoài đường nàng không muốn làm mất mặt chồng khi vô tình gặp bạn bè thì trong nhà Cảnh cũng không muốn làm Phước phải mang tiếng bất hiếu vì không dám dạy vợ cách ăn mặc.
Giờ đây mặc chiếc robe ôm sát lấy người nổi hẳn những đường cong và đôi chân nửa kín nửa hở trong đôi vớ thật mỏng màu da người khác nào tự khơi ngòi nổ, tự tạo cái ác cảm lúc ban đầu nhưng không làm thế biết đến bao giờ nàng mới có những tự do khác? Chẳng thà để ông gay gắt lên án ngay phút đầu rồi từ từ âm thầm chấp nhận còn hơn chiều chuộng một cách vô lý như hồi xưa thì cho đến muôn đời, khi loài người khỏa thân trên cung trăng nàng vẫn phải dùng bao bố che kín hết tay chân. Nghĩ thế nhưng khi nhìn hình ảnh mình trong gương Cảnh vẫn ngần ngại, thường thì quần áo chỉ dùng để làm đẹp và che thân chứ không thể hiện nhân cách. Cảnh có diện cũng chẳng mỹ miều thêm mà có mặc kín đáo hơn cũng chẳng xấu mặt nhưng khốn nỗi mặc theo ý người mà không theo ý mình có khác nào vẫn bị trói buộc kềm kẹp? Nên hay không...? Tạo hình ảnh nhu mì hiền lành hay làm một con Cảnh xa lạ? Ăn mặc diêm dúa là tự nhận Cảnh của ngày nào đã chết, là chôn con Cảnh nhẫn nhục chịu đựng. Cảnh biết mình không thể sống giả dối thêm nữa, cũng không thể che đậy mãi vì sau những năm sống xa gia đình Cảnh mới thấy rõ mình đã phí bỏ cuộc đời một cách ngu xuẩn với lối sống không đường hướng tương lai. Từ khi qua xứ Mỹ, tạo dựng cuộc sống mới với biết bao cay đắng nàng mới thấy rằng để đi trên một con đường đúng đã khó khăn mà sửa đổi một người sai lầm quay trở lại càng khó khăn hơn.
Với cha chồng, Cảnh thấy rõ ông tuy là người đạo đức tốt lành nhưng lại bị cái danh vọng hoành hành và đã bị lệ thuộc vào nó một cách quá đáng. Kẻ bị danh vọng sai khiến luôn mù quáng không nhìn ra đâu là đúng đâu là sai, cứ thấy thiên hạ tâng bốc nịnh nọt thì cho là tốt và những gì cản trở làm vướng bận công việc thì cho là xấu. Giữa Cảnh và ông là hai sự xung khắc kịch liệt nên nếu Cảnh mãi lùi thì ông sẽ mãi tiến.
Phải đối diện sự thực dù có cay đắng thế nào! Cảnh không mong mình sẽ sửa đổi được lối sống hình thức bề ngoài của cha chồng nhưng tin rằng ít ra khi đối diện thực tế và những thăng trầm từ bấy lâu nay cũng như mười sáu năm xa nhà với thư từ và tiền bạc hạn chế thì ông cũng ý thức được phần nào. Nếu để ông bà về dưới này thì phần dâu con và hiếu đễ tạm yên chẳng những toàn vẹn mà nàng còn có lợi hoàn toàn. Con có cha như nhà có nóc. Một mái gia đình đầy đủ ông bà cha mẹ thì quả là một hạnh phúc hiếm có. Sự hiện diện của ông bà trong nhà như bổ túc thêm việc dậy dỗ con cháu. Ngoài vấn đề coi sóc nhà cửa trong ngoài ông bà còn dạy Dung về kinh hạt, lễ nghĩa đi thưa về gửi nhất là ngó chừng giờ giấc đi về của nó.
Cảnh không mong ông bà cảm thông được lớp trẻ hiện giờ nhưng ít ra sự có mặt của ông bà giống như một cái máy thu hình mà những kẻ muốn trộm cắp làm điều mờ ám đều e dè tránh. Có ông bà ít ra Dung sẽ chú trọng đến giờ giấc công việc làm của mình. Tuổi trẻ không người dìu dắt hướng dẫn dễ sa đọa. Nỗi sa đọa rình mò trong cuộc sống hàng ngày, từ học đường, công viên và ngay cả những nơi giải trí. Tất cả đâu đâu cũng có thể quyến rũ con nàng chẳng những về cuồng loạn buông thả thể xác mà còn cả về nghiện ngập xì ke ma túy. Nếu ông bà Cửu về ở, sự có mặt của ông bà sẽ làm Dung bớt cô đơn và cảm tưởng gần gũi gia đình hơn. Tình thương và sự an ủi săn sóc vẫn là yếu tố mạnh mẽ nhất để cho đứa trẻ không rơi vào vòng sa đọa. Cảnh không tin gì về cha chồng nhưng bà Cửu, thái độ, lời nói và sự dạy dỗ của bà sẽ làm cho con nàng trở nên tốt lành...

Dung đã lớn, ngót nghét mười tám. Con gái mười bốn bên xứ Mỹ hầu như đã biết đủ mọi chuyện kể cả vấn đề trai gái ăn nằm, ngừa thai, biết so sánh cảm giác rung động khi ngủ với đàn ông và biết cả cách kiếm ra tiền bằng thân xác hoặc có những cuộc sống tự lập không thèm nhờ vả vào gia đình. Cảnh vô cùng lo sợ về những buông thả tự do quá trớn của tuổi trẻ. Tuổi trẻ chưa ý thức được hai chữ tự do nên nếu không có sự hướng dẫn của cha mẹ hoặc những người lớn tuổi dễ bị hiểu lệch lạc sai lầm. Cảnh hiểu thời giờ và công việc bó buộc không cho phép nàng ở nhà để trông coi và đi sát Dung. Thường xuyên liên lạc với nhà trường hoặc coi học bạ mỗi tháng vẫn chưa đủ, Cảnh còn có trách nhiệm trong mỗi giờ mỗi phút để ý sự bất thường của con mình qua những lần gọi điện thoại về nhà mặc dù Dung là đứa trẻ rất ngoan và hiền. Chính vì hiền ngoan mà khi xảy ra chuyện mới ngã ngửa, đã biết bao nhiêu người đâu đoán được chữ ngờ nên phòng xa trước vẫn hơn.
 

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 795

Return to top