Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12919 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm
Ngô Viết Trọng

CHƯƠNG CHÍN

     Cái tin Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương bị ám sát không mấy chốc đã đến tai vua nhà Tống. Tiếp đó lại thêm cái tin các đại thần tranh giành ấu vương giết hại lẫn nhau làm cho vua Tống càng quyết tâm thôn tính nước Đại Cồ Việt. Bấy giờ có viên Tri châu Ung Châu là Hầu Nhân Bảo cũng dâng thư báo lên Tống triều việc đó và tình nguyện ra trước triều đình để trình bày tình hình này. Vua Tống cũng định nghe lời ấy, nhưng viên đại thần Lư Đa Tốn hiến kế:
 - Nước kia bên trong có nội biến là cơ trời làm mất. Ta nên xuất kỳ bất ý đánh úp thật nhanh. Thế gọi là "tiếng sét đánh mau, che tai không kịp". Chứ nếu vời Hầu Nhân Bảo về trước, mưu tất sẽ lộ, kẻ kia biết trước chuẩn bị đề phòng thì ta chưa dễ gì đã lấy được. Chi bằng mật sai Hầu Nhân Bảo ngầm lo việc ấy rồi sẽ xuất quân đánh tràn sang chắc ăn hơn...
 Vua Tống nghe lời, bèn phong Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục chuyển vận sứ, các tướng Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Giả Thực, Lưu Trừng làm Binh mã đô bộ thự, tất cả âm thầm sửa soạn quân lương để đi đánh Đại Cồ Việt.
 Quân do thám của Đại Cồ Việt dò biết việc này bèn cấp báo về Hoa Lư. Thái hậu Dương Vân Nga bèn giao toàn quyền cho Phó vương Lê Hoàn chuẩn bị kế sách cự địch. Đầu năm Canh Thìn, Lê Hoàn cử Vệ úy Phạm Cự Lượng làm Đại tướng thống lĩnh đại quân chuẩn bị kéo ra tiền tuyến.
 Một buổi sáng trước khi xuất quân, Đại tướng Phạm Cự Lượng thình lình triệu tập các tướng lãnh chỉ huy lại và tuyên bố:
 - Xưa nay thưởng người có công và phạt kẻ có tội, đó là phép hành binh. Bây giờ chúa thượng còn thơ ấu, chúng ta dẫu có hết sức liều chết, may ra lập được chút công lao thì ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua, sau sẽ ra quân, các ngươi có đồng ý không?
 Rút kinh nghiệm đau thương từ các vị khai quốc công thần Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền và Đô úy Phạm Hạp là những người từng chống lại Lê Hoàn, các tướng chẳng ai dám không nghe theo. Thế là Phạm Cự Lượng kéo các tướng vào triều thỉnh cầu ấu vương nhường ngôi. Thấy Phạm Cự Lượng đi đầu, theo sau là một loạt những tướng tá, bọn cấm vệ không dám ngăn cản.
 Bấy giờ tại đại điện Hoa Lư, ấu vương Đinh Toàn đang ngự trên ngai, hai bên tả hữu ấu vương là Dương Thái hậu và Phó vương Lê Hoàn đang nghe đình thần tâu bày chính sự. Sự xuất hiện đột ngột của đám võ quan mang theo cả khí giới vào cấm đình làm mọi người nhốn nháo sợ hãi. Lê Hoàn bình tĩnh quát:
 - Chư tướng tại sao dám tự tiện vào cấm đình?
 Đại tướng Phạm Cự Lượng và các tướng đồng loạt quì xuống:
 - Muôn tâu Thái hậu, tâu thánh thượng, chư quân đang thỉnh cầu một nguyện vọng trước khi đi đánh giặc. Chúng thần đã cố khuyên lơn ngăn cản nhưng họ không chịu nghe nên phải vào đây để xin lệnh trên!
 Dương Thái hậu hỏi:
 - Vậy chớ chư quân muốn ta giải quyết nguyện vọng gì?
 - Muôn tâu, họ nói thánh thượng còn thơ ấu quá, dù họ có gắng sức đánh giặc cũng chẳng ai biết đến công lao. Họ muốn tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có đủ tài đức lên ngôi cửu ngũ họ mới chịu gắng sức. Lòng quân đã biến như vậy, chúng thần đành bất lực. Việc gấp lắm rồi, xin Thái hậu quyết định sớm cho!
 Dương Thái hậu bình tĩnh nói:
 - Tưởng việc gì, chư tướng hãy chờ đó. Nội thị đâu? Hãy đem hòm đựng hoàng bào lại đây cho ta!
  Mọi người hồi hộp chưa biết Thái hậu định xử trí ra sao. Phó vương Lê Hoàn thì ngồi trân ra, chẳng biết phản ứng thế nào. Trong lúc đó, ấu vương mặt mày tái mét, run lập cập. Tuy còn nhỏ, ấu vương đã nghe và hiểu hết những lời của tướng Phạm Cự Lượng. Thái hậu đứng dậy vói tay định bồng ấu vương:
 - Con sang bên này với mẹ!
 Ấu vương vùng vằng kêu lên:
 - Đừng để Phó vương cướp ngai vàng của con, đừng để Phó vương giết con! Mẫu hậu cứu con với!
 Tiếng kêu la thất thanh của ấu vương làm tất cả triều thần sững sờ. Thái hậu cũng chột dạ nhưng bà cố dịu ngọt dỗ dành:
 - Con đừng sợ, không ai giết con đâu! Ai mà dám đụng tới con được chứ?
 Rồi bà bồng xốc cậu bé lên để ngồi vào chiếc ghế của mình. Ấu vương càng run lẩy bẩy nói lắp bắp:
 - Mẫu hậu hãy cứu con, Định Quốc công Nguyễn Bặc và chú Điền đã nói cho con biết sẽ có một ngày Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cướp ngôi và giết con! Con muốn đi khỏi chỗ này ngay!
 Quần thần có người xúc động quá phải cúi mặt. Nhưng chẳng một ai dám ho he. Thái hậu Dương Vân Nga nhìn con run sợ co người lại thì không đành lòng:
 - Nội thị đâu, hãy bồng Vệ vương vào hậu cung! Con hãy vào trong, một lát mẹ vào với con ngay. Không ai dám giết con đâu, đừng sợ!
 Vừa lúc ấy, nội thị tới dâng chiếc hòm đựng hoàng bào đã được mở sẵn. Thái hậu bước sang chỗ ngồi của Phó vương Lê Hoàn, bà tự tay dắt Phó vương đứng dậy, mời ông ngồi lên ngai vàng, nơi Đinh Toàn mới vừa rời khỏi. Xong, Thái hậu lấy áo long cổn, y phục đặc biệt của nhà vua, khoác lên người Phó vương và nói:
 - Vệ vương còn quá dại khờ, thiếp là đàn bà không lo nổi việc lớn quốc gia, xin Thập đạo tướng quân gánh vác lấy cái trách nhiệm trọng đại này thì mẹ con thiếp và trăm họ đội ơn lắm!
 Nhiều người còn bỡ ngỡ chưa biết làm sao thì một vị văn quan bước ra quì trước mặt Thái hậu. Đó là một viên quan gốc phương Bắc, nhân tránh loạn mà chạy sang Giao Châu, tên là Hồng Hiến. Hồng Hiến là người học cao hiểu rộng nên rất có uy tín với các quan trong triều. Vua Tiên Hoàng cho ông giữ chức Mạc tân, khi gặp những việc khó khăn, vua vẫn hay bàn riêng với ông. Bình thường Hồng Hiến vẫn giao du thân mật với Lê Hoàn. Nay thấy Thái hậu quyết định như vậy, ông bèn thưa:
 - Thái hậu quyết định như vậy thật là hợp ý trời. Trong thời gian gần đây, nơi nào cũng nghe trẻ con hát câu đồng dao "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh", chính là ứng vào việc này vậy! Trời đã ra điềm, nếu không theo tất mang đại họa! Xin các quan vì sự an nguy của đất nước, hãy một lòng tôn phò Thập đạo tướng quân lên ngôi để người kịp thời chuẩn bị đối phó với giặc Tống!
 Hồng Hiến nói xong, Thái hậu hướng về phía các quan tuyên bố tiếp:
 - Giặc Tống đã đến sát bên lưng, mẹ con ta hèn kém không thể nào giữ yên đất nước được! Lê tướng quân là đấng anh hùng trùm đời, người có đủ khả năng cứu vãn tình thế. Ý nguyện của ba quân thật là chính đáng và ứng hợp với mệnh trời! Những câu đồng dao xuất hiện qua miệng bọn trẻ cũng nói lên việc đó, không phải mệnh trời thì còn gì nữa? Ai dám chống mệnh trời? Vì vậy, kể từ giờ phút này, mẹ con ta xin trao ngôi cửu ngũ cho Lê tướng quân để người kịp thời đối phó với thời cuộc. Xin bá quan văn võ một lòng phò tá Lê tướng quân để giữ đất nước khỏi rơi vào tay giặc Tống!
 Rồi Thái hậu quay lại quì xuống lạy Lê Hoàn:
 - Thần thiếp xin chúc tân vương gặp nhiều may mắn, hưởng được nhiều ơn trời!
 Phạm Cự Lượng và tất cả các quan văn võ đồng loạt rập đầu lạy và hô lớn:
 - Thánh hoàng vạn tuế, vạn vạn tuế!
 - Lê hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế!
 Từ lúc các võ tướng đột nhập cấm đình, Lê Hoàn tỏ ra hoàn toàn bị động trước hoàn cảnh. Sau khi đã yên vị, ngài tuyên bố:
 - Thôi, tất cả hãy bình thân! Hôm nay ta bất đắc dĩ bị các khanh ép phải nhận ngôi trời, thật ra lòng ta chẳng muốn chút nào. Ngặt nỗi quân Tống đã đến kề bên lưng, nếu ta còn dùng dằng từ chối sợ e hỏng việc nước nhà. Vì quyền lợi của muôn dân trong nước Đại Cồ Việt mà Đinh Tiên Hoàng đã dày công gây dựng, ta đành phải hi sinh gánh vác cái trách nhiệm to tát này. Tạm thời, ấu vương Đinh Toàn hãy cho trở về ngôi vị cũ tức ngôi vị Vệ vương. Tất cả bá quan văn võ sẽ được ân thưởng trong nay mai. Mong rằng các khanh ai lo việc nấy, một lòng hi sinh vì vua vì nước. Rồi đây ta nhất định làm cho giặc Tống phải một phen kinh hoàng, bỏ hẳn cái ý định xâm lược nước ta!
 Triều thần văn võ đồng loạt hô vang:
 - Lê hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế!
 Thật khó ngờ một vương triều được gây dựng bởi những chiến công rực rỡ của một vị đại anh hùng bỗng chốc lại bị sang tay kẻ khác quá dễ dàng. Nhà Đinh làm vua được hai đời, cộng mười hai năm. Đinh Toàn ở ngôi được tám tháng.

                                                        *

 Sau khi bị truất ngôi, Vệ vương Đinh Toàn mắc chứng bệnh khủng hoảng tinh thần rất nặng. Nhiều đêm đang giữa giấc ngủ vương bỗng toát mồ hôi đầm đìa, run rẩy và thét lên kinh hoàng:
 - Đừng giết tôi! Đừng giết tôi! Mẫu hậu mau cứu con với!
 Cũng có lúc Vệ vương gào:
 - Chú Điền ơi, cứu cháu với!
 Ngày thường mỗi lần nghe ai nhắc tới vua Đại Hành thì Vệ vương run lên bần bật. Vương kém ăn kém ngủ, thân xác ngày càng khô héo khiến Dương thị hết sức lo sợ. Bà phải cho ngự y hốt thuốc ép vương uống hết đợt này đến đợt khác. Mặt khác, bà luôn gần gũi an ủi dỗ dành hoặc cho cung nữ kể chuyện đời xưa, bày các trò vui để giúp Vệ vương khuây khỏa. Thế nhưng bệnh của vương cứ mỗi ngày mỗi tăng. Mọi việc học hành của vương đều phải ngưng cả.
 Một hôm, viên ngự y thưa với Dương thị:
 - Bẩm lệnh bà, Vệ vương bị khủng hoảng tinh thần nặng lắm rồi. Để có thể định bệnh, xin lệnh bà cho hạ thần biết rõ những nguyên nhân tác động làm Vệ vương mắc phải chứng bệnh này mới có thể chữa trị hiệu quả.
 Dương thị đáp:
 - Con ta mắc chứng bệnh này kể từ ngày Phạm Cự Lượng dẫn các tướng vào cấm đình tôn thánh thượng Đại Hành lên ngôi cửu ngũ.
 - Bẩm lệnh bà, lúc ấy có ai hăm dọa hay làm gì Vệ vương không?
 - Hoàn toàn không, không có ai dọa dẫm gì Vệ vương cả. Chính ta bồng Vệ vương rời khỏi ngai vàng mà! Nhưng Vệ vương lại phản ứng khá mạnh với những lời lẽ ta cũng không ngờ. Qua những lời đó và những lời Vệ vương nói trong những cơn ác mộng, ta biết được chính bọn Nguyễn Bặc và Đinh Điền đã đầu độc trí óc con ta. Chúng đổ ác cho đức kim thượng làm con ta đâm ra sợ hãi ngài!
 - Bẩm lệnh bà, vậy thì chỉ có thánh thượng mới có thể chữa được bệnh cho Vệ vương! Lệnh bà nên cầu ở thánh thượng mới có hi vọng.
 - Thế theo ông, ta nên làm sao?
 - Bẩm, đây là bệnh tâm lý, rất phức tạp. Cái ấn tượng ban đầu thường rất khó phai mờ. Nếu Vệ vương đã có ấn tượng không tốt với đức kim thượng thì thật là nan giải. Hạ thần xin thử đưa ra phương pháp này, dùng được hay không tùy lệnh bà. Trước nhất, lệnh bà nên dỗ dành Vệ vương, nói thật nhiều những điều xấu xa về các ông Đinh Điền, Nguyễn Bặc, làm cho Vệ vương nghi hoặc hai ông này chỉ là những người bày đặt chuyện xuyên tạc, như vậy mới hòng xóa được phần nào ấn tượng trong đầu óc Vệ vương. Kế đến, lệnh bà nên năn nỉ đức kim thượng lựa lúc thuận tiện ban ân phúc cho Vệ vương, làm cho Vệ vương nghĩ rằng đức kim thượng tốt bụng chứ không phải xấu xa như bọn kia đã nói. Dần dần Vệ vương sẽ nghĩ những thành kiến của người đối với đức kim thượng trước đây chỉ là sự hiểu lầm. Ngoài phương pháp đó, có lẽ hạ thần đành bó tay thôi!
 Dương thị thở dài:
 - Cũng đành nghe lời ông chứ biết làm sao!
 Thế rồi bà dặn các cung nữ mỗi khi kể chuyện với Vệ vương phải bịa thật nhiều điều xấu xa về hai ông Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Mặt khác, bà tự tìm kiếm những thứ đồ chơi mà Vệ vương ưa thích, đem về trao cho Vệ vương nhưng lại bảo là của vua Đại Hành ban tặng.
 Sau khi vua Đại Hành lên ngôi, Dương thị trở lại sống ở cung Đan Gia. Lê hoàng đế vẫn hay lui tới cung này một cách tự nhiên. Tuy vậy, ngài chưa chính thức phong tặng cho bà một danh hiệu nào. Một hôm đang lúc ân ái, Dương thị thưa với vua:
 - Thần thiếp nay chỉ còn một mụn con là Vệ vương, không may mang bệnh khó chữa. Xin bệ hạ nể tình thần thiếp cứu nó khỏi cơn hiểm nghèo được không?
 Vua Đại Hành ngạc nhiên:
 - Trẫm được giang sơn này là nhờ một tay ái khanh, lẽ nào trẫm lại hẹp hòi gì với ái khanh? Vệ vương bệnh thì cứ ngự y đó, chữa trị tốn kém bao nhiêu cũng được, trẫm nào có ngăn cản? Ái khanh bảo trẫm cứu là cứu như thế nào nữa? Thật tình trẫm có làm khó dễ gì tới Vệ vương đâu?
 - Vậy là bệ hạ chưa hiểu ý thần thiếp. Trước đây bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã gieo ác ý về bệ hạ vào đầu óc Vệ vương nên Vệ vương rất sợ hãi bệ hạ. Thiếp cầu xin bệ hạ ban sự sống cho nó chính là ở chỗ đó!
 - Ý ái khanh muốn trẫm làm sao?
 - Nếu bệ hạ muốn cứu Vệ vương khỏi bệnh thì cũng dễ thôi. Bệ hạ có thể vì thiếp nhận nó làm nghĩa tử được không? Như vậy chắc nó sẽ mang ơn bệ hạ mà quên dần những thành kiến do bọn gian kia đã gieo rắc vào đầu nó.
 Vua Đại Hành nói:
 - Cũng được, nếu ái khanh đã muốn, trẫm sẵn sàng nhận Vệ vương làm nghĩa tử.
 Sau khi được vua Đại Hành hứa chịu nhận Vệ vương làm nghĩa tử, Dương thị mừng rỡ hết sức. Hôm sau, bà gọi Vệ vương lại nói chuyện. Qua một hồi hàn huyên, Dương thị nhỏ nhẹ:
 - Con biết không? Đức kim thượng thương quí con lắm chứ đâu có ghét bỏ gì con! Hôm qua ngài nói với mẹ xin lấy con làm nghĩa tử đấy! Thật tình mẹ con ta may phước lắm mới gặp được ngài. Nếu không có ngài cầm quân, có lẽ giờ này giặc Tống đã đến đây và giết chết mẹ con mình rồi. Ơn của ngài đối với mẹ con mình sâu nặng lắm, con đừng bao giờ quên nhé!
 Từ khi Vệ vương nghe các cung nữ kể những chuyện không tốt về các ông Đinh Điền, Nguyễn Bặc, lại nhận được những món quà mà Dương thị nói là của hoàng đế gởi tặng, vương thật sự giảm bớt phần nào ác cảm với vua Đại Hành. Bây giờ nghe mẹ nói hoàng đế muốn nhận mình làm nghĩa tử, lại giải thích chuyện ơn nghĩa, vương tỏ ra khá xúc động, hối hận:
 - Thật vậy sao mẹ? Hóa ra lâu nay con vẫn nghĩ quấy về hoàng thượng hả mẹ?
 - Đúng, con đã hiểu lầm về ngài. Nhưng từ nay ngài với con là cha con, con còn nhiều cơ hội để chuộc lỗi!
 Thể theo sự thỉnh cầu của Dương thị, mấy hôm sau vua Đại Hành thân ngự đến thăm Vệ vương. Vệ vương tuy còn nhỏ nhưng đã được dạy dỗ kỹ và trải qua một thời làm vua nên biết khá nhiều phép tắc trong cung đình. Khi nghe tiếng hô "Hoàng thượng giáng lâm" bất ngờ, dù đang ốm nằm trên giường, Vệ vương cũng lật đật gượng nhảy xuống giường lạy chào nhà vua. Nhìn thân hình bé nhỏ tiều tụy quì không muốn nổi của Vệ vương, vua Đại Hành động lòng nói với giọng thân tình:
 - Trẫm cho phép con đứng dậy! Không ngờ con ốm đau đến nỗi ra thân thế như vầy! Nếu mệt lắm con cứ lên giường nằm nghỉ. Trẫm đến thăm con thôi chứ chẳng có gì khác!
 Nhà vua sai nội thị đỡ Vệ vương lên giường và đem tới một chiếc ghế dựa để ngài ngồi nói chuyện. Ngài hỏi thăm việc dùng thuốc men, việc ăn uống, rồi vỗ về, an ủi Vệ vương rất mực ân cần. Trước khi ra về, ngài sai nội thị đem tặng Vệ vương mấy cân sâm quí. Việc thăm viếng của vua Đại Hành đã làm Vệ vương hết sức cảm động. Từ đó, Vệ vương đã thay đổi hẳn cách nhìn đầy thành kiến với nhà vua như trước kia.
 Quả nhiên viên ngự y đã định đúng bệnh và đã đề ra được phương pháp chữa trị hữu hiệu. Bệnh tình của Vệ vương thuyên giảm dần rồi bình phục.

                                                       *

 Một buổi chiều vua Đại Hành đang ngồi phê duyệt các văn thư, bỗng ngài quay lại nói với viên Ngự tiền bí thư Phạm Đăng:
 - Bây giờ trẫm mới thấy làm vua cũng cực khổ lắm chứ không phải như người ta vẫn tưởng! Bên trong phải lo vỗ về quần thần, vỗ về nhân dân, bên ngoài phải lo mưu tính kế chống kẻ thù. Đầu óc trẫm chẳng mấy khi được thoải mái như trước. Từ nay, nếu gặp những văn thư nào thấy không quan trọng lắm, khanh cứ phê giúp trẫm bớt đi. Những văn thư quan trọng thì khanh hãy chú rõ những điểm cốt yếu để khi duyệt phê trẫm dễ nhận ra. Chỉ huy ngoài mặt trận trẫm không thấy mệt lắm nhưng đọc văn thư nhiều lúc trẫm thấy xoàng đầu.
 Phạm Đăng là em họ của Phạm Cự Lượng, tuổi còn trẻ nhưng đọc sách kim cổ nhiều, nổi tiếng biết rộng và có nhiều mưu lược. Khi còn làm Phó vương, vua Đại Hành nói với Cự Lượng cần một người có học và lanh lẹ để lo việc văn thư cho ngài, Cự Lượng bèn giới thiệu Phạm Đăng. Sau một thời gian thử việc, thấy Phạm Đăng siêng năng, hoạt bát, có nhiều sáng kiến, vua Đại Hành lấy làm vừa lòng lắm. Khi Đại Hành  lên ngôi hoàng đế, ngài phong cho Đăng làm Ngự tiền bí thư. Khi nghe nhà vua dặn dò công việc, Phạm Đăng không ngần ngại, liền thưa:
 - Hạ thần xin tuân mệnh. Hạ thần sẽ cố gắng hết mình để giúp bệ hạ đỡ nhọc nhằn được chút nào hay chút đó.
 Suy nghĩ giây lát, Phạm Đăng nói tiếp:
 - Bệ hạ quả là bậc thánh quân, ngày xưa Hán Võ đế, Đường Thái tôn làm việc triều chính cũng siêng năng như vậy là cùng. Nhưng về đức "nhân" thì bệ hạ vượt hẳn hai ông vua ấy!
 Vua Đại Hành nghe Phạm Đăng tâng bốc như vậy thì hỏi lại:
 - Khanh không định nói cho vừa lòng trẫm đấy chứ? Thế nào là ta "nhân" hơn họ?
 - Tâu, hạ thần nói thật lòng đấy! Hán Võ đế anh hùng nhưng lại hiếu sát. Đường Thái tôn cũng anh hùng mà không dung nổi anh em. Thái tôn đã giết anh ruột và em ruột mình là Kiến Thành và Nguyên Cát để bảo vệ ngôi vị. Bệ hạ thì khác, bệ hạ nhận Vệ vương làm nghĩa tử ấy là một đức "nhân" người đời không sánh kịp! Tuy vậy, cũng có một số người không tán đồng cái đức "nhân" đó!
 - Không tán đồng thế nào?
 - Tâu bệ hạ, người ta ví chuyện này như  chuyện Dương Tam Kha nhận Ngô Xương Văn làm nghĩa tử!
 Vua Đại Hành chột dạ:
 - Vậy ư, khanh nghĩ thế nào về ý đó?
 - Tâu bệ hạ, thật ra thì người ta nghĩ cũng có lý, người ta sợ cái đức "nhân" đặt không đúng chỗ có khi gây ra những hậu quả tai hại không lường được!
 - Hãy ví dụ về cái gọi là đức "nhân" đặt không đúng chỗ?
 - Chuyện gần đây nhất là chuyện Dương Tam Kha hẳn bệ hạ đã biết rồi, hạ thần xin nói chuyện khác. Đọc sách Ngô Việt Xuân Thu hạ thần lại thấy có chuyện vua Ngô Phù Sai đánh nhau bắt được vua Việt Câu Tiễn về cầm tù. Vì thấy Câu Tiễn van xin cầu khẩn quá, Phù Sai động lòng "nhân" không giết rồi sau lại tha về. Rốt cuộc Câu Tiễn hưng binh phục thù giết Phù Sai diệt được nước Ngô.
 - Vậy khanh cho trẫm cũng đặt đức "nhân" không đúng chỗ chăng?
 - Tâu, hạ thần không dám khẳng định điều đó. Nhưng hạ thần thấy bất cứ ông vua mở nước nào cũng tìm cách diệt sạch dòng họ vua cũ. Việc làm đó gọi là "trảm thảo trừ căn", mục đích là ngăn ngừa hậu hoạn. Ngô Phù Sai bị người đời chê cười vì bắt chước cái "nhân" của đàn bà nên mới rước lấy họa.
 Vua Đại Hành khoát tay ngăn lại:
 - Thôi thôi, trẫm hiểu ý khanh muốn nói gì rồi! Chuyện lấy Vệ vương làm con nuôi vốn không phải do ý muốn của trẫm mà do bà Vân Nga thỉnh cầu. Cám ơn khanh đã mở mắt cho trẫm!

                                                       *

 Lê Hoàn chính thức lên ngôi vào năm Canh Thìn, xưng hiệu là Đại Hành, lấy niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu. Một mặt ngài lo ổn định lại triều chính, một mặt ngài ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống lại nhà Tống. Một thời gian sau, ngài cử quan Mạc tân Hồng Hiến làm chức Thái sư.
 Nhà Tống tuy đã chuẩn bị quân sự kỹ càng, nhưng khi nhận được tin Lê Hoàn đã cướp ngôi nhà Đinh một cách êm thắm, không có vụ chống đối nào, cũng đâm ra e ngại. Họ đã từng nghe danh Lê Hoàn là một tướng kiệt hiệt bậc nhất của nhà Đinh. Vì thế, nhà Tống cho Lư Đa Tốn mang thư sang vừa dụ dỗ Lê Hoàn khuất phục triều cống vừa đe dọa. Nội dung thư có đoạn: "... Hiện nay ta đã sửa sang binh xa và bộ tốt, hiệu lệnh chiêng trống rất nghiêm minh. Nếu ngươi vâng theo giáo hóa thì được tha, nếu chống lại mệnh lệnh thì sẽ bị trị tội..."
 Nhận được sứ điệp này, vua Đại Hành bèn sai hai vị quan văn Giang Cự Vọng và Vương Thiệu Tộ làm sớ, giả danh nghĩa Vệ vương Đinh Toàn, xin nhà Tống cho nối ngôi vua cha. Mục đích việc làm này của Đại Hành là để kéo dài thời gian cho ngài kịp chuẩn bị cuộc chiến tranh giữ nước.
 Nhưng vua Tống đã biết rõ việc soán ngôi của Lê Hoàn, sai Trương Tông Quyền đưa sang một bức thư khác thúc ép: "...Họ Đinh truyền nối được ba đời, trẫm muốn cho Đinh Toàn làm thống soái, khanh (Lê Hoàn) làm phó. Nếu Đinh Toàn không đáng tướng tài, hãy còn tính khí trẻ con thì nên cho ngay mẹ con và thân thuộc của y sang đây. Đợi khi vào chầu tất sẽ được ban điển lễ ưu hậu. Khanh sẽ được trao cờ tiết và cây việt. Có hai đường ấy, khanh nên xét kỹ mà chọn lấy một..."
 Đọc bức sứ điệp này, vua Đại Hành tinh ý nhận ra mưu sâu của nhà Tống. Nếu đưa mẹ con Đinh Toàn sang Tống thì có khác chi giúp nhà Tống nắm giữ dòng chính thống. Nhà Tống sẽ nêu cái danh nghĩa đó để hiệu triệu quốc dân Đại Cồ Việt chống lại ngài, tất nhiên mọi sự sẽ đổ bể. Vì vậy, vua Đại Hành chỉ còn nước chuẩn bị kháng chiến, không thèm trả lời.
 Thấy dụ dỗ dọa nạt không kết quả, nhà Tống chia quân làm hai mặt thủy bộ tiến vào Đại Cồ Việt. Mặt bộ do các tướng Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng chỉ huy theo ngả Lạng Sơn tiến về ải Chi Lăng. Mặt thủy do tướng Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ chỉ huy đi đường biển tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Vua Đại Hành một mặt sai Phạm Cự Lượng đem thủy binh chống giặc Tống trên sông Bạch Đằng, mặt khác, ngài đích thân ra chỉ huy chiến trận ở mặt bộ. Để quân sĩ vững tinh thần, trước khi ra quân ngài đã nhờ đại sư  Khuông Việt đến đền Tì Sa Môn Thiên Vương ở núi Vệ Linh để cầu nguyện.
 Về mặt thủy, quân Tống quá mạnh nên quân Lê phải hết sức mới đánh cầm chân được. Nhưng về mặt bộ, Hầu Nhân Bảo ỷ mạnh, dương dương tự đắc tiến lên, bị dụ vào ổ phục binh thuộc ải Chi Lăng, quân Lê phục sẵn đổ ra đánh cho tan tác. Hầu Nhân Bảo bị bắt đem về giết. Hai bộ tướng của y là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt đem về Hoa Lư. Tôn Toàn Hưng thoát được chạy trốn về nước. Bọn Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ nghe tin bộ quân đã tan vỡ hoảng sợ phải rút quân lui. Phạm Cự Lượng thừa thế đuổi đánh bắt được rất nhiều binh lính và thuyền bè. Vua Tống thấy quân mình bị thua nhục, giận dữ quá, bèn xử tử tướng Tôn Toàn Hưng.
 Thế là đại quân của vua Lê Đại Hành ca khúc khải hoàn trở lại Hoa Lư.
 Tuy thắng trận vẻ vang, nhưng vua Đại Hành biết rằng nước mình dù sao cũng nhỏ yếu hơn nhà Tống nhiều, phải lấy chước cầu hòa làm thượng sách. Năm Nhâm Ngọ, vua Đại Hành sai sứ sang Tống trả hai tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt trong trận Chi Lăng, đồng thời dâng cống vật xin chịu thần phục. Lúc bấy giờ nhà Tống đang bị quân Khiết Đan quấy rối ở phương bắc nên đành thuận phong cho Lê Hoàn làm Tiết độ sứ Giao Châu...
 




Chú thích: Năm Canh Thìn: 980, năm Nhâm Ngọ: 982

<< CHƯƠNG TÁM | CHƯƠNG MƯỜI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 780

Return to top