Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Phiêu Linh

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1462 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phiêu Linh
Hư Thân Huỳnh Trung Chánh

Phần II

Nguyện cùng Niệm Phật vãng sanh
Di Đà cõi Phật bạn lành đồng tu 


 

Thời buổi mất nước nầy, người ta rủ nhau tân tòng và chạy theo Tây học, để làm bàn đạp bon chen bám gót quân xâm lược tầm cầu bả vinh hoa phú quý, mà cụ đồ Phan lại lẩm cẩm mở trường dạy chữ nghĩa thánh hiền mới là điều lạ lùng, nếu không nói là gàn dở. Cụ đồ vốn là một nho gia khí tiết đã khước từ cộng tác với nhà nước Phú Lang sa, lánh về quê vợ tại tỉnh lỵ Mỹ Tho từ năm 1901 để chăm sóc một thửa vườn trầu tạm đủ cho nếp sống thanh bạch, nghiêm giữ gia phong của giòng họ Phan ở Bà Điểm, Gia Định. Việc dạy học với cụ chẳng qua là một thú vui tao nhã, chớ cụ đâu có nhận học phí, học trò thơm thảo thỉnh thoảng mang trái cây vườn nhà hay chút quà lễ thầy ngày Tết vậy thôi. Điều an ủi lớn của cụ đồ là đám học trò mươi đứa, dù vẫn vào trường học chữ nghĩa Tây phương, nhưng vẫn thích rèn luyện chữ Hán chữ Nôm nhằm giữ gìn nền văn hóa ngàn đời của dân tộc. Đặc biệt nhất phải kể đến là chàng thanh niên họ Võ, thông minh tuấn tú và đầy nghĩa khí đã bộc lộ phẩm chất quân tử hơn người. Thầy trò gần gũi, cụ Phan hỏi dò gốc gác mới biết anh ta là hậu duệ của anh hùng Võ duy Dương, Đồng Tháp, ông và cha đều là bậc trung nghĩa vì nước quên mình chết trong tay giặc, nên mẹ goá con côi đành lưu lạc về Mỹ Tho trốn lánh tai mắt kẻ thù rình rập. Biết rõ gia thế của anh ta, thầy đồ mừng quýnh xem chàng như bậc tri âm, hai người mặc tình tâm đầu ý hiệp thổ lộ niềm thương đau nghiệt ngã về nỗi nhục mất nước. Con gái cưng của cụ đồ là Mỹ Linh, nổi tiếng là một thiếu nữ tài hoa và xinh đẹp nhất vùng. Nàng có dáng dấp mảnh mai thùy mị, nụ cười duyên, và đặc biệt với đôi mắt tròn xoe đen láy xao xuyến lòng người. Bao gia đình giàu sang danh giá nhờ người mai mối xin kết thông gia, nhưng cụ đồ gạt bỏ ngoài tai vì chê họ là bọn xu thời. Vậy mà, sau khi chấm được đứa học trò như ý rồi, cụ dễ dãi gợi ý cho đàng trai bước tới, rồi đồng ý gả con ngay với niềm cảm thông về sự đơn chiếc và những khó khăn tiền bạc của họ. Lạ một điều là đôi trẻ vốn được gia giáo nghiêm minh, chưa bao giờ có dịp nhìn thẳng mặt nhau, huống chi là thân mật chuyện trò, thế nhưng, khi vừa được cha mẹ hứa tác thành thì đã khắn khít nhau, yêu thương nồng nhiệt như đã là đôi tình nhân tự thuở nào. 

 

Thành phố Mỹ Tho thuở người Pháp mới xâm chiếm đã được chánh quyền đô hộ coi là trọng điểm chiến lược của guồng máy cai trị tại Nam Kỳ, vì Mỹ Tho là đầu ngõ huyết mạch cả đường thủy lẫn đường bộ về miền Tây. Mỹ Tho cũng kiểm soát các ngõ ngách dọc ngang vào Đồng tháp Mười, cánh đồng lác sình lầy mông mênh mà các nhà chí sĩ ẩn náo và lập chiến khu kháng Pháp. Thuở đó, nếu không nhờ tên Việt gian Tổng Đốc Trần bá Lộc, công thần số một của Pháp tại miền Nam ra tay thâm độc, xâm lược Pháp khó lòng tiêu diệt lực lượng dân quân cách mạng, nhất là lực lượng Võ duy Dương tại Đồng Tháp. Đó là lý do tại sao Ông Hội Đồng Quản Hạt Trần bá Quyền, hậu duệ của Tổng Đốc Lộc, tuy không giữ chức vụ gì chánh thức tại Mỹ Tho, nhưng lời nói của lão rất “nặng ký” vì luôn luôn được bọn người Pháp tại địa phương tin tưởng. Một hôm sau khi dự tiệc tại tư dinh Tỉnh Trưởng ra về còn chếnh choáng hơi men, vừa bước vào nhà thì nghe đứa con trai út là Trần bá Danh, đang to nhỏ bàn bạc với vợ ra điều nghiêm trọng. Lão lẩm bẩm: “Thằng quỷ nầy lại òn ỉ xin tiền cho gái nữa chớ gì!”, rồi lẻn vào buồng định “đánh một giấc” cho khỏe. 

- Ông ơi! Ra đây nhanh lên! Thằng út lằng nhằng đòi cưới vợ cho được đây nè! 

Lão muốn ngủ yên, nhưng bị mụ vợ kêu réo, đành uể oải bước ra lè nhè lên tiếng: 

- Ừa! Nó thích con nào thì cưới “quách” cho nó con đó, chớ hơi đâu mà càm ràm vậy bà!

- Ai cũng được nghĩa là sao? Con gái thằng cha đồ nho hủ lậu được không?

Gia đình lão vinh thân phì da là nhờ ơn mưa móc của nhà nước Đại Pháp, suốt đời lão cúc cung tận tụy phục vụ ngoại bang trừ khử nhóm người Việt kháng Pháp, nên làm sao lão chịu kết thân với những kẻ có đầu óc “lạc hậu” nầy, nghe câu hỏi trặc trẹo của mụ vợ, lão nhảy nhỏm như đỉa phỏng vôi hét vang :

- Ai cũng được, trừ cái đám nghèo kiết xác mà bày đặt ngang ngược chống đối đó thôi!

Cậu Út vốn là hạng công tử háo sắc, hễ nghe ngóng nhà nào có gái đẹp chàng ta cũng lân la thả lời trêu ghẹo, hắn nghe xóm đò Rạch Miễu có nàng thiếu nữ đẹp tuyệt trần bèn lò dò tìm đến, nhưng vì cụ đồ nghiêm khắc quá, phải kham khổ mấy ngày trời, hắn mới mua chuộc được một tay buôn bán trầu dẫn đi theo, ra tận sau vườn mượn cớ quan sát giây lá trầu để lén lút nhìn người đẹp, nhưng không ngờ vừa thấy người lạ nàng liền tránh ra xa, thành thử tốn bao nhiêu công sức, mà cậu út chỉ thoáng thấy chút bóng dáng mà thôi. Càng khó khăn thì lại càng hấp dẫn, cậu phải chầu chực thêm mấy ngày nữa, mới thấy rõ nhan sắc mặn mà khi nàng thướt tha theo mẹ đi lễ chùa. Kể từ đó, cậu Út bỗng mê mẩn tâm thần, bao nhiêu tình ý đều hướng về nàng, cuối cùng dù biết cha mẹ phản đối vẫn nhất quyết đòi cưới nàng cho được. Biết tánh mẹ cưng chiều, cậu giả bộ buồn dàu dàu, bỏ ăn, bỏ ngủ... một ngày, thì bà mẹ đã lo lắng loạn lên gây gổ chồng, buộc phải dẹp tự ái đứng ra lo cho con. Một bà mai lịch thiệp được cử đến nhà cụ Phan đánh tiếng. Cụ đồ cho biết nếu được may mắn kết giao với bậc đại gia quyền thế như Ông Hội Đồng là hân hạnh to lớn, nhưng cụ rất tiếc không thể nhận lời vì đã lỡ hứa gả con cho gia đình họ Võ rồi. Nghe “hung tin” cậu Út thất tình bỏ ăn bỏ ngủ đờ đẫn xơ xác cả người khiến ông bà Hội Đồng quýnh quáng viện trợ đến Ông hương cả làng Điều Hòa, người có uy tín bậc nhất tại địa phương đứng ra dàn xếp nội vụ dùm bằng mọi giá. Lão già đầy mưu lược nầy thoạt đầu hết lời ca tụng cậu Út là một thanh niên hào hoa lịch lãm và có tài ăn nói tiếng Tây lưu loát hiếm có, lại được cha là Hội Đồng quản hạt giàu sang tột bực nâng đỡ nên chắc hẳn tương lai huy hoàng khó ước lường. Thấy phần khoa trương nầy chưa đủ hiệu nghiệm, lão hương cả bèn đổi đề tài nhắc tới nhắc lui mãi thanh thế thân Pháp, tài bợ đỡ vận động chạy chọt của Ông Hội Đồng, để ngấm ngầm đe dọa, nhưng cụ đồ tuy mềm mỏng mà vẫn khư khư từ chối. Trước khi ra về, lão hương cả giả vờ trỏ mấy nọc trầu, cười khẩy khen: “Cụ tìm đâu được giống trầu lá vàng Bà Điểm, quí thật!” Cụ đồ biết hắn ngầm cho biết họ đã nắm rõ lý lịch của mình, cụ nhận thấy tình hình có phần gay cấn, lòng muốn đưa hai đứa nhỏ di tản nơi khác cho yên, nhưng ngại tiếng đồn bậy là có “con gái bỏ nhà theo trai” mang nhục cho tổ tiên, nên vội cho tổ chức liền lễ hỏi đơn sơ, và dự định lễ cưới sẽ thực hiện gấp trong vòng vài tháng sau đó. Mùa Trung Thu năm Giáp Thìn (1904), chú rể tương lai khệ nệ mang trà bánh kính biếu nhạc gia, vừa vào nhà thì toán lính mật thám do tên cò Tây Robert chỉ huy ập vào nhà lục soát lung tung, lập biên bản tịch thu tài liệu và sách chữ Hán, tuyên bố bắt quả tang truyền đơn sách động phản loạn, rồi còng tay hai người đàn ông dẫn đi mất. Tai họa khủng khiếp đổ ập lên đầu người hiền lương, hai bà mẹ và cô gái chẳng làm gì hơn là ôm nhau mà khóc. Nghe đồn vụ bắt bớ liên quan đến chánh trị, bà con cô bác tránh né khó nhờ vả hỏi han ai được, ba người đàn bà dắt díu nhau đến nhà tù tìm chồng tìm con, nơi nầy chỉ sang sở Mật Thám xin giấy phép thăm nuôi, lòng vòng hai ngày trời vẫn chưa biết tin tức gì của thân nhân. Chiều đó, lão hương cả bất ngờ viếng nhà, với thái độ nhũn nhặn thường lệ hắn thăm hỏi và đề nghị giúp đỡ. Hắn đích thân đưa hai bà mẹ và cô gái đi thăm nuôi. Hắn sắp xếp cho viếng phòng giam chàng trai trước, cho bọn đàn bà mục kích tường tận tình trạng chàng ta nằm thoi thóp hầu như sắp tắt thở, mặt mày bầm dập nát bét, với giòng máu tươi còn rỉ rả nơi khóe miệng. Dì Năm và Mỹ Linh đau đớn quá, xỉu lên xỉu xuống phải nhờ người giúp đưa ra ngoài. Trước khi dẫn đến phòng giam cụ đồ, hắn lên tiếng : “Cụ đồ, nhờ được Ngài Hội Đồng can thiệp với Ông Cò Robert nên tạm thời chưa bị tra tấn, xin chị và cháu yên tâm!”, vừa cất lời hòa nhã, hắn đổi giọng nửa cười cợt nửa đe dọa: “...nhưng tôi không dám bảo đảm tình trạng tốt nầy còn kéo dài đến ngày nào nữa a a a..!” Hắn im lặng một chút chờ cho lời dọa thâm độc bắt đầu ngấm vào kẻ đối thoại, mới lấp lửng đưa ra điều kiện:

- Trừ phi! Trừ phi... hà! hà! cụ đồ biết thuận thời... kết thông gia với Ngài Hội Đồng thì Ngài có hẹp lượng gì không can thiệp cho thông gia ra tù ngay! 

Mỹ Linh bình tỉnh lên tiếng:

- Còn số phận của Võ huynh thì sao?

Lão ta đắc ý :

- Hắn cũng được thả, miễn rằng hắn phải rời khỏi nơi nầy tức thời, đi cho biệt tông tích, nếu không thì... nếu không thì... tánh mạng khó bảo toàn đó nhe!
Cụ đồ sẵn sàng chấp nhận cái chết cho riêng mình, nhưng cụ không nỡ để thằng bé phải chết thảm, nên đành cắn răng chịu nhục, hứa gả con gái cho phường gian ác. Thi hành đúng theo giao kết, dì Năm rước con ra khỏi nhà tù đi luôn về miền Tây, bọn ác nhân cho người theo giám sát đến tận Bắc Vàm Cống mới buông tha. 

Lễ cưới liền được tổ chức gấp rút trong hai tình huống đối nghịch nhau. Cụ đồ xấu hổ vì phải gả con cho “giặc” nên buông xụi, chẳng trang hoàng, chẳng mời mọc ai... nhà cửa vắng hoe, buồn tủi, khóc lóc chia tay nhau thảm thiết như đưa đám ma. Ngược lại, nhà trai hùng hổ đi rước dâu, trống lân rần rộ mở đường, xe cộ kết thành đoàn lũ lượt, tiệc tùng linh đình thâu đêm, đầy nghẹt khách Tây Tàu đến chung vui chúc tụng.

Mợ Út Mỹ Linh thời còn son trẻ, vốn đã mảnh mai liễu yếu, đến khi về nhà chồng lại vướng chứng bệnh lười ăn mất ngủ nên càng gầy gò ẻo lả. Nàng lặng lẽ sống âm thầm ảm đạm, chẳng thích giao du với ai, nhứt là dòng họ bên chồng, khiến Bà Hội Đồng ghét cay ghét đắng. Mụ thường bực bội nghiến răng đay nghiến: “Nó là thứ yêu ma quỉ mị ám chướng thằng Út mà!”, nói là nói với người khác nghe chớ bà đâu có cơ hội mắng con dâu, huống chi bà rất quí trọng thằng con trai, mà nó thì nể vợ, bà đâu muốn sanh sự làm gì. Kể ra nhận xét của bà Hội Đồng cũng không đến nổi quá đáng, cậu Út là tay ăn chơi từng trải, gái đeo cả bầy không lụy ai, vậy mà chẳng biết do “ám chướng” nào vừa gặp Mỹ Linh đã mê mệt phục tùng, hết lòng chiều chuộng nàng... mặc dầu nàng luôn giữ thái độ hửng hờ xa vắng. Tuy nể vợ nhưng cậu Út rất đa nghi, bám sát kiểm soát nàng từng ly từng tí, vì vậy, nàng chẳng tiếp xúc được một ai, ngoại trừ bé Chín, đứa cháu họ mà Mỹ Linh mang theo sau ngày cưới để giúp việc lặt vặt và làm con thoi liên lạc với gia đình. Một hôm, qua khung cửa sổ Mỹ Linh thấy một bà vãi già bên kia đường, tay ôm bình bát chậm chạp dò từng bước một. Mỹ Linh bảo bé Chín mời bà vào nhà để cúng dường, bà vãi từ chối lấy tiền, chỉ nhận nải chuối lá gọi là hóa duyên. Bà xá cảm tạ, nói vài câu kệ khuyến tu tẻ nhạt, rồi tặng cho Mỹ Linh tờ giấy đỏ ngoằn ngoèo hai hàng chữ nho tợ như một lá bùa, rồi ra đi. Mỹ Linh là một người chẳng tha thiết thứ gì kể cả vòng vàng châu ngọc, mà đối với lá bùa thô sơ tầm thường lại trang trọng giữ kỹ, quả là chuyện kỳ lạ. Nàng  ngắm nhìn suốt ngày: khi thì ngẩn ngơ tìm hiểu, có lúc như say mê chiêm ngưỡng, khiến cậu Út đâm ra khó chịu muốn xé phứt cho rồi.

Mủa hè năm Ất Tỵ (1905), khí hậu nóng bức khác thường, Mỹ Linh đau yếu liên miên, đưa lên bệnh viện Grall Saigon điều trị không tìm được nguyên nhân. Nghe đồn có Đông y sĩ nào nổi tiếng, cậu Út cũng đều mời thỉnh, nhưng mọi cố gắng nầy hầu như bất lực. Tuy đã thề tuyệt giao với thông gia, nhưng khi nghe bé Chín báo tin con gái đau nặng bất tỉnh, mạng sống mong manh như chỉ mành, bà đồ đành ép bụng đến thăm con, và van xin Ông bà Hội Đồng cho mang con về nhà mình chết đúng theo nguyện vọng của nó. Hai người chẳng ai ưa gì đứa con dâu, tống nó ra khỏi nhà là chuyện họ hằng mong muốn, ngặt nỗi họ sợ mang tai tiếng nên sau khi cân nhắc kỹ, họ dứt khoát từ chối. Bà đồ không thể bịn rịn mãi với con tại nhà kẻ thù địch, đành phải đứt ruột xót gan ra về. Về nhà thấy chồng đang uống trà đàm đạo với vị sư già, bà cảm thấy hơi lạ. Thì ra cụ đồ hi vọng vợ sẽ mang được con về, nên vội vã đón chiếc xe kéo đến chùa Bửu Lâm thỉnh sư trụ trì lo tang ma cho con. Khi đến nơi mới biết cả chùa đều đi vắng, cụ đồ buồn hiu lủi thủi bước ra, thì chú kéo xe bỗng gợi ý:

- Sao cụ không mời Ông sư muối ớt, ổng tụng kinh rành rọt lắm đó!

- Uả tên vị nầy nghe sao lạ tai quá? Mà Ổng ấy ngụ ở chùa nào vậy chú?

- Ổng từ đâu tới không ai biết, hiện ở tạm tại cái chái sau chùa kia kìa! Còn việc mang tên sư muối ớt vì có lần ổng đi theo pháp sư Lưu Khôn tụng kinh làm đám được gia chủ đãi mâm cơm đầy cá thịt, ổng ăn chay nên chỉ âm thầm ăn cơm với muối ớt nên mới có tên đó!

- Chú giỏi quá! Chuyện nào chú cũng rành cả!

- Tôi nghe thằng Tám Xỉn nói sao kể lại vậy mà thôi. Nó cũng chạy xe kéo như tôi, nhậu “xỉn” tối ngày nên mới mang tên nầy. Số là khi ông sư mới tới Mỹ Tho đi lang thang thì gặp Tám Xỉn đang ngồi tại quán cóc nhâm nhi ba sợi, sư nhờ Tám chỉ ngôi chùa gần đó để xin ở trọ.  Tám đang “xỉn” chẳng úy kị gì cứ nắm tay sư ép ngồi xuống lè nhè: “Hít! hít! Ngồi cụng với tui vài ly... hì!.. hì!.. thì...  tui... tui... chỉ... cho... !”  “Ngồi chơi thì tôi ngồi, nhưng uống rượu tôi không biết! Nhậu có vui không hả chú?” “Hít! hít! Vui lắm! Vui vô cùng vô tận lận!” “Chú nhậu vui mà có biết ở nhà vợ con đang đói, đang buồn khổ không?” Tám nghe câu hỏi nầy bỗng nhiên tỉnh rượu, nghĩ ra mới biết nảy giờ vì say “xỉn” đã lỗi lầm lôi kéo vị sư già, nên để chuộc tội hắn nài nĩ sư lên xe đưa đến chùa. Dọc đường hắn giải thích vì số phần xui xẻo kiếm không đủ tiền nuôi vợ con, buồn quá nên mới sanh tật nhậu nầy. Sư dạy: “Không phải số hên xui đâu con, mà chính vì con say sưa tối ngày nên mấy ai dám lên xe con chở!” Tới chùa, sư đưa cho Tám số tiền trọng hậu căn dặn mua món gì về cho vợ con ăn. Nó kéo xe ra đi mà còn nghe tiếng sư nhắn nhủ vói theo: “Nhớ bỏ rượu nghen con!” Ổng chỉ nói có một câu vậy mà thằng Tám nghe theo bỏ rượu, nhờ nó biết tu tỉnh nên bây giờ nó có khách mối khá lắm!

Vị sư già lụ khụ mặc áo lam cũ ngụ trong chái lá tồi tệ, với vẻ mặt phúc hậu đón tiếp cụ đồ. Chỉ vài câu đối đáp, cụ đồ đã nhận ra được chân tướng của vị cao tăng đạo hạnh liền cung thỉnh sư về nhà chủ trì tang sự. Sư vui vẻ đồng ý nhưng cho biết sư đang chờ Tám Xỉn đánh giây thép(điện tín), khi Tám trở về sẽ đưa sư đến nhà cụ đồ sau.

Cụ đồ chỉ chuyên học cái đạo quân tử của Khổng Mạnh, đối với Phật giáo xưa nay chưa có dịp tìm hiểu nên vẫn ngầm coi thường là mê tín, chỉ hợp với kẻ bình dân, nay nhân hỏi đạo với bậc chân tu mới hiểu thế nào là cái khổ sanh tử luân hồi, thế nào là chánh đạo, thế nào là con đường giải thoát... nên ngưỡng mộ vô cùng. Câu chuyện đang hào hứng thì bà đồ về nhà sụt sùi báo cáo tin con sắp lìa đời trong khi việc xin rước con đã bất thành. Sư lên tiếng :

- Hai con hãy yên tâm, thầy tin tưởng rằng nội ngày nay thầy sẽ đưa cháu về nhà lo hậu sự, miễn là hai con hứa chắc đừng khóc than bi lụy làm trở ngại đường tu của vong linh mà thôi.

Nể trọng sư, hai vợ chồng gượng gạo hứa, chớ họ biết chắc cái đám Hội Đồng nầy lòng dạ nham hiểm khó lường, dễ dầu gì họ đổi ý.

Khoảng một giờ sau bỗng bé Chín dầm mưa hộc tốc chạy về nhà, khóc nức nở :

- Nguy to rồi Ông bà Mười ơi!

- Chuyện gi? Chuyện gì?

- Cô con chết rồi hồi 4 giờ chiều. Chết mà thành ma ghê quá, khiến cả nhà đằng kia sợ hết hồn hết vía vậy đó!

- Con kể rõ đầu đuôi coi ma như thế nào vậy con?

- Lúc đó mắt cô nhắm nghiền, hơi thở nặng nhọc, rồi bỗng thở hắt ra mấy hơi, dượng thở dài lắc đầu, con nghĩ chắc là nguy rồi. Trời bỗng đổ mưa, trong nhà tối lù mù nên con đứng lên định vặn đèn, bỗng con thấy cô đứng lù lù trước tủ kiếng, nhìn lại bên giường thấy xác cô vẫn còn còn yên ở đó. Con sợ quá run lẩy bẩy mà mắt vẫn trợn trừng nhìn, tay con chỉ cô, miệng kêu hổng ra tiếng “ê! ê!” Hổng dè dượng còn nhát hơn con một bực nữa, vừa nhìn theo ngón tay con thì mặt mày dượng tái mét, dượng hét ầm lên “Trời ơi ma! ma!” rồi bò lết ra ngoài. Bà Hội nghe tiếng con la, nóng ruột phóng đến cửa phòng vừa tràn vào vừa chỉ chỏ xỉ vả: “Đồ quỉ! Đồ yêu! Mầy chết mà...” bà mắng chưa hết câu, không biết tại sao bà bị cái gì đập vào mặt té ngã ngửa, đầu đụng vào cánh cửa máu chảy tùm lum, ôm cái mặt bầm tím khóc la chí chóe. Ông Hội Đồng tức như điên la hét ỏm tỏi hối gia nhân rước cha sứ về nhà gấp để trị ma. Chờ lâu sốt ruột Ông bồng súng, ra lệnh gia nhân xách “măng xông” đi theo đến cửa phòng quyết bắn ma. 

Ông chỉa súng từ từ tiến thẳng vào, mắt láo liên tìm ma chuẩn bị bóp cò, bỗng tự nhiên đứng khựng lại ngã bật ra, khẩu súng văng theo nổ “đùng” một tiếng. Cậu Út và bà Hội lóp ngóp đứng xa xa để nhìn theo, bỗng ngã nhào la oải oải, cậu Út bị viên đạn sướt nhẹ vào bắp chân khóc thét từng cơn. Cả nhà hổn loạn, một nhóm theo Bà Hội đưa cậu Út đi nhà thương, số còn lại lăng xăng ở sân trước bao quanh Ông Hội chờ sai bảo. Lại có tin chiếc xe rước cha sứ, vì đường trơn trợt đã đâm vào cột đèn khiến cha sứ bị thương không đến được, khiến Ông Hội càng thêm bối rối thất thần. Khi đó, thì chú bếp khoe là có quen với Pháp sư Lưu Khôn, người có tài trị ma, nhốt ma vào hũ dán bùa ếm thì ma bị kẹt trong đó đời đời. Ông Hội mừng rỡ hối thúc chú bếp đi rước ngay. Con sợ ông pháp sư đó nhốt cô con vô hũ quá, nên chạy rút về báo tin cho Ông bà Mười coi có cách gì cứu không?

Sư đứng dậy cầm lấy tay nải lên tiếng: “Thầy phải đến đó ngay mới kịp”, thấy vợ chồng cụ đồ dợm bước theo, sư ra dẩu hiệu cản ngăn: “Hai con nên ở nhà chuẩn bị mọi việc, phần Bé Chín thì mang theo cái võng đi với thầy.”

Cửa nhà Ông Hội Đồng mở hé, bên ngoài kẻ hiếu kỳ lóng nhóng nhìn vào, trong sân Ông Hội và đám bộ hạ nhi nhô chỉ chỏ. Khi sư vừa đến thì có vị pháp sư áo rộng thùng thình ào ào vượt qua, thấy sư hắn liền chận lại hỏi:   

- Uả! Có ai mời Ông tới không?

- Không ai mời tôi cả!

Lưu Khôn cười ngạo nghễ:

- Vậy thì hãy tránh ra! Ông Hội Đồng mời tôi tới bắt ma. Nghề ruột của tôi mà!
Nói xong Lưu Khôn bước vào sân cười cười nói nói, rồi đầu đội mũ Tỳ lư, tay cầm roi dâu, tay kia bắt ấn, miệng lâm râm thần chú... nghinh ngang phóng vào phòng có ma. Bỗng nghe tiếng “uỵch”, Lưu Khôn mặt mũi sưng vù, lóp ngóp bò ra khỏi cửa, rồi phóng chạy biến đi không nói một lời từ giả.

Lúc đó bỗng có chiếc xe hơi citroen mui vải hiếm có ngừng bên đường cho bốn nhà sư và hai nữ cư sĩ bước xuống. Tất cả vội vàng bước đến, đê đầu sụp lạy vị sư già không câu nệ dơ sạch khiến khách bàng quan vô cùng kinh ngạc. Một nhà sư cất tiếng:

- Bạch hòa thượng, vừa nhận giây thép của thầy, đúng lúc lại có Quách xếnh xáng trên đường về Cần Thơ ghé thăm chùa, chúng con bèn xin quá giang đi liền tới đây, lại có thầy Thiên Trường cũng xin đi theo bái kiến thầy.

- Hay quá! Vậy xin nhờ thầy Thiên Trường và con đến ngay nhà cụ đồ Phan hướng dẫn sắp xếp việc tổ chức hậu sự, sẵn sàng hộ niệm khi thầy rước thi thể con gái họ về. – quay sang bốn vị còn lại, sư tiếp lời – Các con thì ở đây tiếp thầy.

Dứt lời, thầy ngoắt bé Chín đi theo, an nhiên tiến vào sân gặp Ông Hội Đồng, từ tốn xá chào rồi lên tiếng:

- Chuyện lộn xộn xảy ra trong nhà Ông, chẳng có gì là ghê gớm cả! Ông hãy bình tỉnh lại và nghe tôi đề nghị lời nầy: Ông chỉ cần niệm một câu “Nam Mô Phật” thì tôi sẵn sàng giúp Ông mọi việc.  

Sau khi pháp sư Lưu Khôn chạy dài, Ông Hội Đồng lâm vào tình trạng tinh thần khủng hoảng trầm trọng vì chẳng biết phải làm sao, Ông lại mục kích cảnh chư tăng đảnh lễ trọng vọng vị sư già, lòng đã muốn lên tiếng nhờ vả mà còn ngại, nay bỗng nhiên vị sư già mở lời đúng theo lòng mong ước thì còn gì cho bằng, Ông “mừng húm” cúi đầu xá tán loạn:

- “Nam mô Phật” Xin Ông làm ơn giúp dùm tôi. Tốn bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng hết!

- Tôi không nhận tiền bạc gì cả, nhưng tôi báo cho Ông biết là tôi cần mang thi hài của cháu ra khỏi nhà thì oan hồn mới yên ổn không phá phách!

- Tốt lắm! được lắm! phải lắm! - Ông Hội Đồng vừa nói quýnh quíu vừa gật đầu lia lịa -

Sư mở tay nải lấy y vàng khoác lên, cầm chuông nhỏ tiến về gian phòng ma, bé Chín cũng bước theo sát gót. Có sư hiện diện nên bé Chín đỡ sợ, bé ghé mắt nhìn vào vẫn thấy hồn ma Mỹ Linh đứng ngẩn ngơ nhìn tủ kính. Sư thỉnh tiếng chuông rồi khoan thai bước tới. Hồn ma quay mặt lại nhìn, sau một thoáng ngạc nhiên bỗng luống cuống chấp tay xá chào. Sư tiến thêm mấy bước, rồi ngọt ngào lên tiếng:

- Con có điều bối rối chưa hiểu rõ lời lẽ khuyến tu nầy phải không? Hai câu kệ: “Cùng nhau Niệm Phật vãng sanh. Di Đà cõi Phật bạn lành đồng tu” tuy vắng tắt nhưng chắc con hiểu ra được là bạn con khuyên con cùng tu Niệm Phật để cùng vãng sanh một chỗ, điểm rắc rối chỉ vì con chưa nắm vững pháp tu Niệm Phật như thế nào cho có hiệu quả, nên lúng túng phải không?  

Hồn ma chấp tay kính cẩn xá sư. Sư ôn tồn giảng giải tiếp:  

- Phiêu là đệ tử của thầy. Nó tu môn Niệm Phật và đã được vãng sanh về cõi Phật A Di Đà rồi. Có lẽ, trước khi từ trần nó nhờ cô ni mẹ nó mang câu kệ nầy cho con để khuyến khích con cùng tu một pháp môn để cùng vãng sanh về một chỗ.

(Mỗi lần nghe thầy dạy một câu, hồn ma cung kính xá thầy như tỏ ý vâng lời, nên xin miễn lập lại điều nầy)

- Phần con, con có tha thiết muốn sanh về cõi Phật đó không? Nếu con một lòng một dạ muốn tu, thầy sẽ qui y cho con rồi hướng dẫn con tu.

- Đừng lo! con tu giờ phút nầy vẫn còn kịp, vẫn thành công như thường, miễn là con tin tưởng và thực hành lời thầy dạy. Con biết không? Khi mình còn sống, tâm mình bị thân ngăn trở nên kết quả tu hành rất chậm, còn giờ phút nầy tâm không còn bị thân ngăn trở nên rất mạnh: niệm ác nổi lên thì liền bị kéo về địa ngục, còn Niệm Phật tha thiết thì trong mười niệm cũng đủ cảm ứng để sanh về cõi Phật.

(Hồn ma quỳ xuống chấp tay chân thành)

- Con ngoan lắm, kể từ giờ phút nầy con chánh thức là đệ tử của thầy, thầy chọn cho con pháp danh là Như Nhất, có nghĩa là như thế mà nhất tâm tu tập đạo giải thoát. Đã là con Phật thì phải dứt bỏ lòng hận thù ganh ghét, ai gian ác hại con thì tự họ gánh chịu nghiệp quả của họ, phần con chỉ nên lo tu mà thôi, nếu con còn oán hận nghĩ tới họ thì cứ lẩn quẩn với họ chớ làm sao siêu thoát được.

Thầy đến tủ kính lấy câu kệ khuyến tu cất vào tay nải, bé Chín liếc mắt theo thầy vừa ngó trở lại, thì bóng ma đã biến mất rồi. Bé Chín nghi ngờ dụi mắt nhìn lại cũng không khác, bé đang thắc mắc thì chợt nghe thầy lên tiếng: 

- Bé Chín! Con trở ra dắt hai bà cư sĩ chùa Giác Lâm vào đây chuẩn bị đưa cô con đi, con nhớ đem cái võng vào!

Hai Phật tử từng theo thầy lo tang ma và hộ niệm, đã có nhiều kinh nghiệm nên thầy không cần giải thích đã hiểu ý, họ nhẹ nhàng nâng thi thể người chết đặt lên võng, rồi người một đầu, võng theo thầy đi từng bước chậm. Thầy bước đi trước, thỉnh tiếng chuông và bắt đầu niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Khi ra ngoài đã có hai vị tăng sĩ, y vàng trang nghiêm, chuông mỏ đầy đủ tháp tùng, vừa đi vừa Niệm Phật không ngừng, nên âm vang có phần hùng hậu. Thi thể sau đó được nâng đặt lên chiếc xe kéo của Tám Xỉn, hai nữ cư sĩ kèm sát hai bên, cùng di chuyển chậm chậm theo chân quí thầy. Khách bàng quan nhiều người hưởng ứng kết thành đoàn đưa đến tận nhà cụ đồ mới giải tán. 

Nhờ mọi việc đã có sư Thiên Trường sắp xếp chu đáo, nên sau khi đặt thi hài vào áo quan, thầy liền thỉnh chuông lễ Phật rồi khai thị ngay:

- Đệ tử Như Nhất con hãy lắng nghe: Tâm Phật và tâm của chúng ta vốn đồng một bản chất là rổng lặng như hạt minh châu, nhưng vì tâm ta bị tham sân si che khuất nên tối tăm không chiếu sáng, như vậy, nếu ta rời bỏ được tham sân si thì tâm sẽ là hạt châu trong sáng, không lu mờ, từ đó mới có khả năng phản chiếu với hạt châu tâm Phật và cảm ứng được tâm Phật. Tóm lại, nếu con một lòng tha thiết Niệm Phật trong mười niệm mà không còn chút tham sân si chen vào, thì Đức Phật A Di Đà cùng thánh chúng sẽ tiếp dẫn con về cõi Phật như Ngài đã phát nguyện. Bây giờ, con hãy nương theo thầy và tăng ni Phật tử đồng Niệm Phật con nhé!

Nhờ có quí thầy và nhóm Phật tử chùa Bửu Lâm thay phiên nhau hộ niệm nên tiếng Niệm Phật ngày đêm không dứt. Thầy tuổi hạc đã cao, dù chư tăng nài nĩ nhưng vẫn không chịu nghỉ ngơi, mỗi ngày đến đúng giờ mà Như Nhất lìa đời thì thầy đích thân nhắc lại lời khai thị, rồi mới tiếp nối Niệm Phật. Vào ngày thứ ba, sau khi khởi Niệm Phật trở lại đúng mười câu, bỗng lưng trời nghe như văng vẳng tiếng nhạc êm dịu, thầy bảo đại chúng cùng quỳ lạy mọp xuống đón Tam Thánh.  Chừng mười phút trôi qua, thầy đứng dậy thông báo Như Nhất vừa được Tam Thánh tiếp dẫn, đại chúng vô cùng hoan hỷ và xúc động trước sự kiện hãn hữu chưa từng nghe thấy. Những người hiện diện ai cũng đích thân thoáng nghe nhạc trời và mùi trầm hương phưởng phất, nhưng trường hợp bé Chín khá đặc biệt, có lẽ vì hai người có mối thâm tình sâu xa. Cháu kể: “Tuy mọp sát nhưng con vẫn ráng nhìn lên, con thấy có hai đồng tử mang hoa sen xanh đáp xuống mời cô con lên tòa sen, bay về hướng có tòa sen rợp cả trời!”. 

Việc lớn coi như đã xong, thầy ủy thác cho chư tăng tiếp tục lo tang lễ cho đến khi hoàn mãn. Thấy thầy sắp rời bước, hai vợ chồng cụ đồ quỳ lạy cảm tạ thầy: 

- Ơn thầy lớn như trời như biển, không có lòng từ bi đức độ của thầy chở che bảo bọc, thì cháu Linh chắc chắn vĩnh viễn sẽ làm ma lạc lõng, chớ làm sao có diễm phúc vãng sanh như thế nầy.

Thầy cười hề hà:

- Thầy có duyên nên mới độ được cháu, nhưng nói đúng ra thì chính cháu tự độ cho cháu chớ chẳng ai khác. Trước hết, phải hiểu là sau khi nhận được hai câu kệ khuyến tu, cháu đem hết tâm niệm mình đặt vào đó, lúc nào cũng tha thiết nguyện về cõi Phật A Di Đà dù không biết tu cách nào. Tâm niệm tu mạnh đến nỗi chết rồi mà vẫn còn ngơ ngẩn chiêm nghiệm câu kệ, lòng chẳng tham luyến cõi Ta Bà, cũng chẳng bận tâm thù hận, nên tâm chuyên nhất cô động thành khối như tường vách ngăn chận, khiến kẻ mang tâm niệm ác va vào rồi tự té ngã. Và cũng chính do lòng thiết tha tu tập đó, nên khi được hộ niệm đã sớm đạt thành quả nhất tâm mà vãng sanh Tịnh độ.  

Thầy bỗng hướng vào đại chúng, cất tiếng nhắc nhở chung cho mọi người: “Các con nên nhớ noi gương cháu Như Nhất giữ vững tâm nguyện vãng sanh không lay chuyển trong bất cứ tình huống nào thì đường về cõi Cực Lạc chắc chắn không xa!”
 

Tháng 03.2008 


 

Ghi chú:

1. Tây An tự: Chùa do Tổng Đốc Doãn Uẩn xây dựng năm Đinh Mùi(1847), tọa lạc tại xã Vĩnh Tế, Châu Đốc. Sau khi hoàn thành, Tổng đốc đã thỉnh hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh, nguyên là tăng cang tại chùa Linh Mụ, Huế vừa trở về miền Nam đảm trách trụ trì tổ đình Giác Lâm, Gia Định kiêm nhiệm trụ trì. Khi cư sĩ họ Đoàn hành đạo tại trấn An Giang bị triều đình bắt buộc phải chánh thức xuất gia theo Phật Giáo mới được hoằng pháp, tổ Hải Tịnh đã cho cư sĩ thọ giới, với pháp danh Minh Huyên. Minh Huyên được cử phụ trách Tây An tự cùng với sư đệ Minh Võ. Sau khi Ngài Minh Huyên từ trần (1856), Ngài Minh Võ được cử chánh thức trụ trì.

Tuy Tây An tự trên nguyên tắc trực thuộc tổ đình Giác Lâm, nhưng sau một thời gian dài bất ổn về chánh trị, chùa Tây An mất liên lạc với tổ đình, mãi đến khi tổ Minh Khiêm - Hoằng Ân hoằng hóa phương Nam, nhận thấy chùa Tây An suy vi, bèn lưu lại một thời gian để chấn chỉnh, và sau đó đã cử đệ tử Như Mật – Bửu Thọ trụ trì (1911). Sư Như Mật đã kiến thiết ngôi chùa Tây An như hiện trạng.

2. Phật thầy Tây An (1807-1856): Ngài họ Đoàn (không rõ tên), pháp danh Minh Huyên tức Đức Phật Thầy Tây An, vị khai sáng chi phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại miền Nam vào triều vua Tự Đức. Ngài vốn là vị cư sĩ Phật giáo nắm vững khế lý khế cơ, phối hợp việc trị bệnh, làm ruộng độ đời hầu nương vào đó truyền dạy giáo pháp thực tiển cho đám dân quê nghèo dốt: sống theo tinh thần hiếu nghĩa, thực hành bốn ân lớn (Tứ Ân Hiếu Nghĩa), và đặc biệt là bền lòng gìn giữ câu Niệm Phật cầu vãng sanh về cõi Tịnh độ. Vừa xuất hiện, đạo tràng của Ngài liền quy tụ đông đảo tín đồ thuần thành tề tựu lập trại ruộng canh tác, cùng sống cùng tu tương thân tương ái. Tình trạng thu phục nhân tâm nhanh chóng nầy khiến cho chánh quyền tỉnh An Giang lo ngại có sự lợi dụng tôn giáo cho mưu đồ chánh trị, do đó, để không bị ngăn trở công cuộc hoằng pháp, Ngài tuân theo lệnh triều đình Huế, chính thức thọ giới xuất gia với Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh trụ trì chùa Giác Lâm, Gia Định. Hòa thượng ban cho Ngài pháp danh Minh Huyên, hiệu Pháp Tạng (Pháp Tạng – Minh Huyên, gọi theo thiền gia), và trao trách vụ hoằng pháp tại chùa Tây An, núi Sam. Ngài có 12 đệ tử nổi danh như: Quản cơ Trần văn Thành, Tăng chủ họ Bùi, Đạo Lập, Đạo Xuyến, Đạo Ngoạn, Đạo Thắng, Đạo Sĩ, Đạo Chợ, Đạo Đọt... hoằng hóa khắp miền Tây Nam Phần.

3. Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh (1788-1875): Sư xuất gia năm 15 tuổi, đệ tử xuất sắc của hai vị tổ nổi tiếng Linh Nhạc và Viên Quang, đảm trách trụ trì Từ Ân, Gia Định năm 1821. Năm 1825 được vua Minh Mạng vời về Huế lần lượt giữ chức tăng cang các chùa Thiên Mụ, Long Quang, Giác Hoàng. Năm 1944, Hòa Thượng Hải Tịnh xin trở về Nam và được đề cử trụ trì chùa Quốc Ân Khải Tường, kiêm nhiệm chùa Giác Lâm... và chùa Tây An, Châu Đốc.
Ngài đào tạo rất nhiều đệ tử tài đức, đặc biệt nhất là hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân và Minh Huyên Pháp Tạng tức Phật Thầy Tây An.

4. Tổ Minh Khiêm - Hoằng Ân (1850-1914): đệ tử xuất sắc của hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh, được hòa thượng cử giữ chức vụ trụ trì chùa Giác Viên khi mới 19 tuổi (1869),  đến năm 1887, kiêm nhiệm thêm chùa Giác Lâm. 

Vừa nhận trách nhiệm trụ trì phải xây dựng và tái thiết hai chùa to lớn, hòa thượng vẫn dành nhiều thời hoằng pháp và đào tạo tăng tài: khai mở trường hạ, chủ trì đại giới đàn, ấn tống kinh sách... Sau một thời gian dài lo lắng cho Phật giáo tại Gia Định và miền Đông, đến khoảng năm 1905, sau khi sắp xếp đề cử hai đệ tử Như Phòng và Như Lợi đảm nhiệm trụ trì hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân hướng về miền Tây. Ngài du phương hoằng hóa theo phong cách “bụi đời” nói theo thiền là “thỏng tay vào chợ”, một mình lang thang ghé Mỹ Tho, hòa hợp với hạng thầy cúng rượu thịt, la cà với giới phu xe nghèo khổ để tùy duyên giáo hóa họ. Phật tử rủ nhau đến quy ngưỡng với Ngài, sư Thiên Trường trụ trì chùa Bửu Lâm quí trọng thờ kính Ngài là bậc y chỉ đạo sư và xây cất một am cạnh chùa gọi là am Viên Giác để hòa thượng tạm trú dạy đạo tại Mỹ Tho. Rời Mỹ Tho hòa thượng cũng ẩn hình hoằng hóa tại Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, rồi dừng lại một thời gian khá lâu tại chùa Tây An để chấn chỉnh lại sơn môn nầy. (Chùa Tây An vốn trực thuộc hệ thống Giác Lâm, Gia Định, như vậy hòa thượng là bậc trưởng thượng nhưng khi đến đó ẩn danh dạy đạo không ai biết liên hệ nầy). Từ đó, Phật tử miền Tây suy tôn hòa thượng là Tổ núi Sam. Năm 1913, sức khỏe đã yếu, tổ trở về Mỹ Tho nhập thất tại am Viên Giác một thời gian dài trước khi thị tịch vào tháng giêng năm Giáp Dần (1914).    

<< Phần I |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 603

Return to top