Một hôm, trong khi đang mơ mơ màng màng máy móc theo đại chúng tụng thời kinh A Di Đà, ... “Xá lợi Phất, vì cớ gì chúng sanh nghe được kinh nầy nên phát nguyện sanh về nước ấy? Vì sanh về nước ấy sẽ được hội họp cùng một chỗ với các bậc thượng thiện...” vừa nghe năm chữ “hội hợp cùng một chỗ” chàng bỗng cảm nhận sự bùng nổ vang dội rúng động cả tâm cang, như có quang minh sáng rực tỏ rạng tâm chàng không còn một chút nghi nan nào cả, rõ ràng chỉ có giải pháp duy nhất là phát nguyện đồng tu về cõi Cực Lạc để “hội hợp cùng một chỗ” mới vượt thoát khỏi cái nghiệp bám víu tìm nhau đời đời kiếp kiếp nữa. Không nỗi vui mừng nào sánh được, nước mắt ràn rụa, nguồn vui tràn ngập như nước lở bờ, chàng liền phát đại hoằng nguyện dõng mãnh một lòng Niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh, yên chí là một khi đã vãng sinh rồi tu tập đến bực bất thối chuyển thì sẽ trở lại cõi Ta Bà cứu độ thân hữu cùng qui ngưỡng về cõi Tịnh độ phương tây, thì dù nhanh hay chậm chắc chắn có ngày oan gia thuở trước sẽ “hội hợp cùng một chỗ”, lo gì!
Chàng thầm nghĩ: “Nếu không do thầy cố tình cứng rắn úp chụp trên đầu mình một trách vụ ngoài tầm tay đeo đẳng như một án treo, khiến mình ăn ngủ không yên ôm ấp mối nghi lớn khắc khoải suy tư thì làm sao có sự bùng nổ, mà nếu không phải là kẻ lặn ngụp biển ái, bao kiếp lang thang thất thểu tìm nhau thì làm sao chỉ cần nghe nửa câu kinh “hội họp cùng một chỗ” là đã tỏ rõ đường về.” Ơn thầy bao la như trời như biển, vậy mà bấy lâu nay mình lại ngu si hờn trách bất bình thật là tội lỗi. Ráng chờ xong thời khóa, chàng “lạy thầy như tế sao” để cảm tạ thâm ân và cũng để sám hối nữa, nhưng chưa kịp mở lời thì thầy đã tươi cười: “Khá lắm! Khá lắm! Con rất xứng đáng với lòng kỳ vọng của ta!”, rồi thầy ôn tồn dặn dò: “Nhớ luôn tinh tấn và thường trực quán sát tâm niệm mình, con nhé!”
Phiêu cảm thấy con người mình thay đổi toàn diện, không còn dính mắc bất cứ chuyện thế gian nào nữa, chỉ một lòng thanh thản Niệm Phật. Chàng Niệm Phật nhuần nhuyễn ngày đêm, giữ chánh niệm trong mọi uy nghi, ngay cả lúc chiêm bao trong giấc ngủ, nhờ vậy tâm chàng luôn thơi thới trong suối nguồn an lạc.
Phiêu đinh ninh rằng với chiều hướng nầy, ngày chàng đạt đến trình độ nhất tâm bất loạn chẳng xa. Trái với dự tính của Phiêu, sau ba tháng bồng bột tinh tấn, khi mà lòng “hào hứng hăng say của thuở sơ tâm phát nguyện” bắt đầu suy giảm, chàng chợt cảm thấy mình có triệu chứng giải đãi, càng canh chừng theo dõi càng khám phá tâm niệm chàng vẫn thường loạn động, cái loạn động mà nếu không quán sát nghiêm cẩn khó lòng phát hiện ra. Thì ra, pháp môn niệm Phật tưởng chừng như vô cùng giản dị, bất cứ ai niệm cũng được nhưng khi thực sự dấn thân tu tập muốn được nhất tâm bất loạn lại là chuyện thiên nan vạn nan có mấy ai thành công. Phiêu thỉnh giáo thầy, thầy bảo chàng hãy chiêm ngưỡng tượng Tam Thánh, rồi nhắc nhở: “Nếu con nương theo Ngài Thế Chí ôm ấp chí đại hùng đại lực bền bĩ Niệm Phật không ngừng nghỉ thì làm sao tâm thối chuyển xuất hiện, nếu con học hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Âm, quán sát lắng nghe từng câu, từng tiếng Niệm Phật không chút sơ hở thì tạp niệm làm sao chen vào!”
Từ khi biết chiêm bái tượng Tam Thánh để đón nhận được suối nguồn từ bi gia bị và cũng để suy gẫm mà sách tấn tu tập, Phiêu tự tin mình đã vững chãi thảnh thơi trên đường về cõi Cực Lạc. Nhờ vậy, tuy sức khỏe của Phiêu bỗng đột ngột suy yếu trầm trọng, chàng vẫn an nhiên tu tập chẳng màng đến chuyện sống chết chi cả. Thế rồi, chỉ một thời gian ngắn sau, đúng theo ngày giờ dự báo, Phiêu đã thanh thản rời cõi Ta Bà. Căn cứ vào các thoại tướng xuất hiện vào phút lâm chung, thầy tuyên bố xác nhận chàng đã được vãng sanh về cõi Cực Lạc, khiến đại chúng ai nấy đều sanh lòng hoan hỷ và phấn khởi tu tập.
Phần vị sư già, sau khi lo lắng tang ma cho đệ tử xong, có lẽ cũng cảm thấy thỏa chí, rời chùa vân du hoằng hóa biền biệt chẳng biết ở phương nào?