Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Hồi chuông báo tử

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4390 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi chuông báo tử
Lê Huy Oanh

Hồi chuông báo tử

Nhà thờ xứ chỉ cách xa nhà thờ họ chừng ngót một cây số ngàn. Khác nhau có một chữ thế thôi mà địa vị hai cơ sở khác hẳn nhau. Xứ gồm nhiều họ. Mỗi họ lớn đều có một ngôi thánh đường. Nhưng nhà thờ xứ sầm uất phồn thịnh hơn nhà thờ họ cả trăm lần. Lý do vì các lễ nghi diễn ra thường nhật tại nhà thờ xứ, còn nhà thờ họ thường khi đóng cửa then cài. Cả năm chỉ có đôi ba tuần lễ, linh mục hàng xứ sang hàng họ làm phúc, quang cảnh nhà thờ họ mới náo nhiệt vui vẻ mà thôi.
Nhà thờ họ này vốn to nhất địa phận, đứng sừng sững giữa một khoảng đất rộng chừng vài mẫu ta. Ngọn tháp chuông cao vút chọc thẳng lên trời, đội trên đầu một cây thánh giá sắt. Tháp chuông này tượng trưng cho một hình ảnh cao cả: đó là ngón tay Thượng Đế chỉ cho loài người Nước Thiên Đàng đầy sự hoan lạc bình yên. Phúc thay cho những ai đến với Chúa, phúc thay cho những ai đi theo con đường Chúa đã chỉ dẫn, vì họ sẽ tới được nơi cao sang tột bậc và bền vững vô cùng. Có phải thế chăng?
Sáng, trưa, chiều và nửa đêm, quả chuông đồng trên ngọn tháp lắc lư theo đà dây kéo, truyền ra khắp các hướng trời những âm thanh trầm bổng. Ngôn ngữ của khối kim khí thanh tao ấy cũng có nhiều sắc thái khác nhau: sầu thảm, vui mừng, thờ ơ, rộn rã, than van, thúc giục, cầu khẩn, trêu cợt, tiếng chuông đổi thay tùy theo thời tiết và thời gian của mỗi năm. Tiếng chuông nồng nàn trong tuần đại phúc khác với tiếng chuông bình thản hằng ngày; tiếng chuông vào buổi nắng ráo sáng sủa, khác với lúc đất trời nặng nề u ám.
Vấn đề còn tùy thuộc một phần lớn vào kẻ kéo chuông, khi buồn khi vui, lúc no lúc đói, trạng thái tâm hồn và thể chất hắn có ảnh hưởng nhiều đến tiếng chuông nhà thờ họ này.
Việc kéo chuông vốn là trách nhiệm của bác từ trong làng. Địa vị bác vốn thấp kém nhưng bác sung sướng nhàn hạ hơn tất cả mọi người. Chỉ có việc trông coi nhà thờ, và canh cho đúng giờ để kéo chuông, thế thôi. Nhà bác từ ở sát nách nhà thờ, thấp thoáng trong một hàng rào cây găng bốn mùa xanh ngắt. Sống giữa cảnh cô tịch nhàn hạ, bác thường uống rượu cho vui. Mới đầu uống ít, sau uống nhiều. Dần dần bác nghiện rượu. Một lần ông trùm họ bắt gặp bác say rượu nằm ngủ dưới cuối nhà thờ ngáy rền. Ông trùm vừa tức tối vì hành động bất kính của bác vừa lo sợ thay cho bác là Chúa sẽ trừng phạt bác về tội ngủ trong nhà thờ. Ông hối hả lay bác dậy bắt về nhà ngủ. Trước mặt người trên, bác chợt tỉnh rượu, chắp tay bái ông trùm để xin xá lỗi. Vốn nhân từ, ông trùm cũng bỏ qua hành động của bác, chỉ khuyên răn và nhắc nhở rằng nhà thờ là nơi để cầu nguyện chứ không phải để ngủ. Và nghiêm nét mặt, ông trùm nói nhỏ với bác, cảnh cáo là Chúa có thể sẽ trừng phạt bác nhãn tiền về tội say sưa bừa bãi như vậy.
Nhưng ít lâu sau, trong lúc ma men ngự trị thể xác, bác từ yếu đuối kia quên phăng những lời cảnh cáo khuyên bảo của ông trùm. Kéo chuông xong bác lại nằm vật xuống sàn nhà thờ mà ngủ. Ở đây rộng rãi mát mẻ hơn ở nhà, lại tĩnh mịch vì không có tiếng khóc ỉ eo của đứa con dại, và tiếng ru sầu thảm của bà vợ gầy gò.
Ngủ thỏa thuê rồi bác trở dậy lấm lét nhìn lên ngọn đèn lù mù trước bàn thờ Chúa, rồi lùi lũi về nhà. Chúa không hề trừng phạt bác. Ý hẳn Đấng cao cả đâu thèm chấp nhất đến những cử chỉ liều lĩnh của bác từ say rượu tầm thường kia. Trong bầy lũ thế nhân dưới cõi trần tội lỗi này, có biết bao việc càn dỡ gấp trăm lần việc bác từ nghèo nàn nằm ngủ quên trong thánh đường. Nhà nó thấp bé chật chội thì nó tới đây ngủ một chút cũng chẳng sao. Thánh đường vừa rộng rãi vừa hoang vắng. Chắc hẳn Chúa cũng chẳng hẹp lượng mà chấp nhất với bác như ý nghĩ trong khối óc nông cạn của ông trùm họ. Mà bác từ vốn dĩ vẫn kính trọng Chúa, chăm chỉ kéo chuông. Đã uống say, đã ngủ ngon giấc, bác từ thấy trong người khoái hoạt, hai cánh tay như có thêm sức mạnh. Bác ghì sợi dây thừng một cách dẻo dai hơn, nhịp nhàng hơn. Trên tháp cao, quả chuông chuyển động thật uyển chuyển, phóng những âm thanh khoan nhặt vào lòng không khí. Cả ngôi làng êm ả như lung linh trong màn sương chiều khi tiếng chuông ngân nga. Chuông thay lời Chúa nhắc nhở cho mọi người bổn phận cao quý của họ đối với Thượng Đế, với kẻ đồng loại và với chính mình. Tiếng chuông là lời nhắn nhủ của Chúa, còn đôi cánh tay gầy gò của bác từ là một phần động lực làm phát hiện những thanh âm huyền diệu đó. Những tín đồ đạo đức trong làng tạm ngưng công việc, cúi đầu nghe tiếng chuông gợi cảm và lặng lẽ làm dấu thánh giá. Nghe tiếng chuông, người ta thường chỉ nghĩ tới Chúa và nghĩ tới hạnh phúc trong gia đình mình. Gần như không khi nào người ta nghĩ tới bác từ gầy gò đang vận dụng hết sức lực để kéo sợi dây chuông.
Càng nhiều tuổi, bác từ càng say sưa nhiều hơn, đến đỗi nhiều khi bác ngủ khì quên cả kéo chuông. Nhân từ đến mấy, ông trùm họ cũng chẳng sao làm ngơ cho bác. Mà dầu ông có muốn làm ngơ đi nữa cũng không thể được. Còn có làng nước chứ. Thiếu tiếng chuông báo hiệu giờ cầu nguyện đồng thời cầm chừng cho giờ làm việc. Năm giờ sáng, đa số các người nhà quê nghe tiếng chuông ngân liền trở dậy làm việc. Buổi trưa, buổi tối, họ xếp công việc lại khi tiếng chuông nổi dậy. Tiếng chuông quan hệ đến đời sống hằng ngày của mọi người. Quên kéo chuông quả là một tội lỗi nặng nề không thể tha thứ. Ông trùm liền họp các bậc chức sắc trong làng để định thái độ với bác từ hư hỏng kia. Sau một cuộc bàn định sôi nổi, hội nghị quyết định truất phế bác từ. Nhưng người ta cũng biết ái ngại cho gia đình bác. Mất công việc làm ăn, rồi đây gia đình bác biết trông nhờ vào đâu để sống. Sau cùng người ta giải quyết êm thắm vấn đề này bằng cách cấp lại chức vụ kéo chuông cho thằng Phả, con trai bác từ. Thằng bé vừa lớn lên, sức lực có thừa ắt hẳn sẽ làm tròn nhiệm vụ. Vả chăng, hội nghị còn nghĩ rằng: "Con vua thì lại làm vua, con bác từ chùa lại quét lá đa". Con sãi chùa làm sãi chùa thì con bác từ ở nhà thờ nối nghiệp bố thật hết sức hợp lý. Các cụ trong hội nghị lấy làm đắc ý về quyết định này lắm. Từ đấy thằng Phả lên thay quyền bố nó, nhưng cũng phải qua một thời kỳ tập tành. Ông bố truyền nghề cho con ông. Kéo chuông cũng khó khăn lắm chứ. Phải biết giật sợi dây thừng thế nào cho chuông lắc lư đều đặn. Nhỡ tay một chút là hỏng cả. Tiếng chuông người chết khác với tiếng chuông báo hiệu những dịp vui mừng. Tiếng chuông dịp Sinh Nhật khác với tiếng chuông Mùa Chay. Bố chăm chú chỉ dẫn, con chăm chỉ thụ giáo. Chỉ một vài ngày, thẳng Phả trở thành một chú sãi có tài. Ngay trong bước đầu, nó đã tỏ ra có nhiều năng khiếu đối với nghề giật thừng và ít lâu sau nó vượt hẳn bố trên phương diện kéo chuông. Tiếng chuông của nó rất quyến rũ, rất gợi cảm, đặc biệt là khi có kẻ vừa qua đời. Như một nhạc sĩ giỏi trình bày những điệu nhạc sầu, thằng Phả biết tạo cho tiếng chuông sầu của nó một linh hồn. Mỗi lần nghe tiếng chuông báo tử, những đàn bà đa cảm trong làng đã phải nâng vạt áo chùi nước mắt. Không một nhà thờ nào trong xứ có tiếng chuông thê thảm, đau đớn đến như vậy. Phải là một thiên tài mới có thể sử dụng dây chuông một cách tài tình như thế. Và cũng như tiếng đàn, tiếng chuông thường biểu lộ chân thành tâm hồn kẻ kéo chuông.
Tuy trẻ tuổi, nhưng thằng Phả vốn đã có một bộ mặt đăm chiêu âm thầm. Nó rất ít nói, ít cười, lúc nào cũng trầm lặng, lờ đờ như một nhà khổ tu. Thỉnh thoảng, sau khi kéo chuông nó leo thang lên tầng tháp thứ ba ngắm cảnh vật xung quanh. Vào những đêm sáng trời, nó ngồi hàng giờ trên tháp chuông ngửa mặt quan sát những đám mây đám sao trên trời. Ai biết được gã trai trẻ đó đang mãi tìm tòi gì trong đám tinh vân mù mịt ấy. Ai biết được gã đang nghĩ ngợi đăm chiêu chuyện gì.
Thằng bé vốn đa tình, mới mười tuổi đầu đã mê gái. Nó mê một con bé bằng trạc tuổi. Ngày ngày, nàng tiên kiều diễm kia cắp sách đi học thường vẫn đi qua trước cửa nhà thờ. Mỗi khi nghe tiếng chuông vang động trên ngọn tháp, cô bé lại dừng bước ngẩng mặt nhìn quả chuông thấp thoáng lay động trong khung cửa sổ. Giữa mớ tóc ngắn xõa xuống hai bờ vai, khuôn mặt trái xoan trắng muốt lộ ra trông thật hiền hậu, dịu dàng. Cặp mắt to đen láy đượm một vẻ quyến rũ, say đắm lạ lùng. Thằng Phả vốn vẫn để ý tới con bé ấy, nhưng chưa bao giờ nó dám mơ tưởng gì cả. Chỉ là một chú sãi con một bác sãi, nó đâu dám hy vọng sẽ lọt vào mắt xanh con bé xinh xắn sang trọng kia. Con bé là quý nữ độc nhất của một vị chức sắc giàu có trong làng. Địa vị một chú sãi nhà thờ với một cô nữ sinh con nhà giàu quả là chênh lệch rất nhiều. Không có chút hy vọng nào chiếm được trái tim người đẹp nhưng thằng Phả vẫn có quyền ngắm nghía con bé chứ sao. Vào lúc cô bé đi qua, thằng Phả đứng lảng vảng dưới chân tháp để ngó tấm thân uyển chuyển và khuôn mặt kiều diễm ấy. Nhưng ngày nào cũng giáp mặt người đẹp trước sân nhà thờ thì thằng Phả hơi ngượng. Nó đổi vị trí, leo lên tháp chuông, đứng trước cửa sổ để nhìn ngắm cho tự nhiên hơn. Đứng trên tháp có điều hại nhưng cũng có điều lợi. Hại ở chỗ nhìn không rõ mặt con bé nhưng lợi ở chỗ có thể thấy con bé rất lâu ngay cả khi con bé đã rẽ vào những đường giong.
Mới đầu, cô bé không biết thằng Phả đang rình nó trên tháp. Cô đi đứng tự nhiên, một bàn tay ép sách vào ngực còn bàn tay kia thõng xuống, khẽ ve vẩy bên đùi. Nhìn cái thân hình óng ả đó Phả thấy lòng mình rung động nhè nhẹ. Một chút rạo rực khẽ chuyển trong thân thể nó.
Rồi một chuyện xảy ra đã làm xáo trộn tâm hồn thằng bé đa tình. Một buổi trưa mùa hạ, ánh nắng gay gắt đổ xuống khắp làng, cô bé đi học về vẫn qua nhà thờ như thường lệ. Đến trước nhà thờ, hình như bị bóng ngọn tháp và cây cối chung quanh quyến rũ nên cô bé dừng lại ngồi nghỉ trên bậc thềm dưới chân tháp. Thằng Phả đứng rình trên tháp nhưng cô bé không biết. Cô ngửa hẳn người dựa lưng vào tường nhà thờ, duỗi thẳng hai ống chân và hít mạnh mấy hơi dài cho đỡ mệt mỏi. Phả uốn người ra phía ngoài cửa sổ ngó xuống. Dưới mái tóc đen, bộ ngực con bé nhô hẳn lên và phập phồng theo hơi thở. Tà áo lụa bị gió thổi sang bên để lộ bộ đùi nổi hằn dưới hai ống quần lĩnh bóng. Con bé tuy còn ít tuổi nhưng vốn dĩ khoẻ mạnh nên bộ ngực đã căng tròn và bộ đùi vừa dài vừa mập trông có vẻ ngon lành… quá chừng.
… Nó quay mặt đi, rồi quay lại. Hai ống chân ma quái kia thò hẳn ra ngoài nắng và ánh sáng mặt trời làm cho chúng nõn nà bóng bẩy thêm.
Lát sau con bé thong thả kéo ống quần xuống… Thằng Phả giật mình như vừa tỉnh giấc mơ. Vô tình nó thụt hẳn vào trong thân thể hơi run rẩy, dường như vừa phạm một tội lỗi xấu xa. Con bé đã đứng dậy, lơ đãng cầm mấy cuốn sách thong thả bước đi dưới những bóng cây xanh thấp thoáng ánh nắng. Người đẹp đã khuất sau rặng tre um tùm ở cuối một đường đất nhỏ nhưng thằng Phả vẫn đứng thẫn thờ trên tháp. Nó áp má vào quả chuông đồng mát rượi cho mặt đỡ nóng, rồi dùng móng tay trỏ khẽ cào vào mặt chuông. Từ tảng kim khí gợn lên một âm thanh rất nhỏ nhưng Phả vẫn nghe rõ. Đối với chú sãi trẻ tuổi, chút âm thanh ấy là một lời yên ủi. Phả đăm đăm nhìn quả chuông như nhìn một người bạn thân thiết. Chỉ duy quả chuông này biết được mối tình thầm kín của nó từ đây. Thằng bé lần xuống mấy cây thang gỗ, uể oải thờ thẫn như kẻ mất hồn. Mà thật thế, hồn nó còn đâu. Hồn nó đã bị tấm thân óng ả của cô nữ sinh kia thu hút mất rồi.
Lá vàng lìa cành rụng nhiều xuống mặt đất. Thời tiết cuối thu ở miền duyên hải xứ Bắc mỗi ngày một thêm lạnh lẽo. Trên bầu trời mờ xám, thỉnh thoảng có những đàn chim di thê bay đi tìm những miền ấm áp hơn để tránh mùa đông sắp tới. Mỗi khi lên gác chuông thằng Phả phải mặc thêm áo, nó mặc một chiếc áo nâu rách nhưng bề ngoài nó thường khoác thêm một chiếc sơ-mi trắng tuy có chỗ đã vàng ố nhưng vẫn còn lành lặn. Tóc nó để dài hơn và được vuốt bằng nước lã cho ép sang hai bên.
Ai biết được trong lòng chú sãi nhà thờ họ đã nảy ra một mối tình thầm kín, vô vọng. Không ngày nào nó không luẩn quẩn ở khu nhà thờ để chờ đợi cô bé đi qua. Nó tới trước rất sớm, chờ đợi trong sự mong mỏi hồi hộp. Cô bé vô tình không hay biết gì cả. Tuy đôi ba lần bắt gặp Phả đứng trên gác chuông ngó xuống, cô thoáng để ý tới hành động cử chỉ của Phả, nhưng chẳng bao giờ nghĩ là thằng sãi thấp kém đó dám say mê cô. Một lần cô ngước mắt chăm chú nhìn Phả rồ cúi xuống cười lặng lẽ. Chỉ có thế thôi nhưng thằng Phả cũng giật mình đến đỗi bàng hoàng cả người. Trời ơi, cái nhìn kia sao có vẻ đắm say thân mật như vậy, và nụ cười đó chắc hẳn bao hàm một ý nghĩa tốt đẹp đối với Phả. Thằng sãi không dám tin cô bé có cảm tình đặc biệt với nó nhưng nó vẫn phải nhận rằng ánh mắt và nụ cười của người đẹp có một ý nghĩa tốt lành quá. Thật ra nỗi cảm động của Phả chỉ là kết quả của một ảo tưởng hão huyền. Trời sinh ra đôi mắt cô bé có một vẻ đắm say, dễ dãi tự nhiên thế thì dầu cô có nhìn tảng đá, mắt cô cũng vẫn như vậy chứ có phải cô nhìn riêng Phả bằng ánh mắt ấy đâu. Thấy Phả đứng trên lầu cao thì cô nhìn chơi, rồi thấy dáng điệu Phả luống cuống thì cô cười. Nụ cười hồn nhiên không hề có ẩn ý gì hết.
Nhưng chính cái ảo tưởng hão huyền buổi đó khiến Phả bắt đầu dám mơ ước hơn. Nếu tình yêu có thể khiến cho kẻ hèn nhát trở nên can đảm, như lời một nhà văn đã nói, thì sự si tình đã khiến thằng Phả dám vượt ra khỏi địa vị nó lắm chứ. Tình yêu điên dại của nó thoáng nảy ra một tia hy vọng nhỏ bé. Hy vọng điều gì, nó cũng chẳng biết rõ nữa. Nhưng tâm hồn nó đỡ đau đớn, tủi hổ hơn trước. Người con gái mỹ miều ấy đã chẳng nhìn nó và cười với nó đấy hay sao. Thằng Phả cảm thấy đầu óc lao đao hốt hoảng hơn, nhưng nó cũng sung sướng, hồi hộp hơn.
Tuần đại phúc tới vào khoảng giữa mùa đông. Cha chính xứ phái sang làng Phả một vị linh mục để tổ chức các lễ nghi tại nhà thờ họ. Không khí nơi này bắt đầu tưng bừng náo nhiệt. Cả năm chỉ có hai tuần đại phúc, một vào khoảng giữa năm và một vào khoảng cuối năm. Những tín đồ trong làng hân hoan đón mừng vị linh mục đại diện hàng xứ. Ai nấy đi xưng tội để dọn mình rước lễ cho thật trọng thể. Suốt trong bảy ngày, nhà thờ họ sáng chiều nào cũng đầy người. Sáng có lễ mi-sa, chiều có chầu Mình Thánh. Đầu tuần và cuối tuần có rước kiệu chung quanh làng. Trước sân nhà thờ có những cột cờ cao vút được dựng lên, trên ngọn phất phới những lá cờ ngũ sắc. Lòng nhà thờ cũng được trang hoàng bằng những dây lụa đủ màu. Đèn nến rực sáng trên bàn thờ. Hương hoa bốc mùi thơm ngào ngạt. Chú sãi Phả lại phải một phen làm việc vất vả. Tuy vậy, Phả rất hài lòng vì trong tuần đại phúc ngày nào người đẹp của Phả cũng tới nhà thờ cầu nguyện. Tiếng chuông nhà thờ thường khi rất tưng bừng rộn rã nhờ ở đôi tay linh hoạt đầy sinh lực của Phả. Lòng Phả vui vẻ, tuần đại phúc vui vẻ ắt hẳn tiếng chuông phải rền lên những giọng hân hoan. Trước kia Phả tài tình trong việc tạo nên những tiếng sầu, bây giờ gã tài tình cả trong những điệu vui mừng. Nghe tiếng chuông nhà thờ thúc giục, dầu kẻ khô đạo đến mấy cũng không thể nào ngồi yên ở nhà được.
Vào sáng ngày cuối tuần đại phúc tại nhà thờ họ có lễ cưới. Phả trổ hết tài năng kéo một hồi chuông báo sự vui mừng. Người ta chờ đợi cô dâu chú rể tới. Vị linh mục đã mặc áo lễ, sẵn sàng để chủ tế. Từ đầu giong gần đấy, một đám người vụt xuất hiện tiến về phía nhà thờ. Các bộ quần áo đủ màu sắc chập chờn bên những rặng lá thưa thớt. Tiếng đàn harmonium ở gian gác cuối nhà thờ nổi lên vui vẻ để chào mừng hai họ. Người ta bắt đầu tiến lên bậc thềm. Cô dâu bẽn lẽn đi bên chú rể, giơ chiếc nón che gần kín mặt.
Rất đông dân làng đứng chung quanh sân nhà thờ để xem mặt cô dâu chú rể. Trong đám những người đứng quan sát đó dĩ nhiên có thằng Phả. Khi đám người rước dâu tới gần, thằng Phả bỗng nhiên khẽ kêu lên một tiếng đau đớn. Nó nhận ra cô dâu chính là người con gái mà nó thầm mơ ước suốt mấy tháng (cô bé trạc tuổi Phả – 10 tuổi – làm sao có thể lấy chồng?) nay. Chân tay run rẩy, Phả phải đứng tựa vào một thân cây cho vững. Rồi không sao cầm lòng được, Phả vụt chạy khỏi nhà thờ, lần ra ngoài ruộng vắng.
Trời trong trẻo không vẩn một đợt mây. Từng cơn gió khô lạnh chuyển mình trên những đám mạ non. Thằng Phả chui vào một đám cỏ mọc hoang bên bờ ruộng, nằm úp mặt xuống vành tay khóc nức nở. Mối tình đầu tiên của nó thầm lặng u uất từ bao lâu bây giờ được dịp thoát ra bằng những giọt lệ nóng hổi.
Trong nhà thờ, lễ cưới bắt đầu cử hành. Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời của cô nữ sinh có đôi mắt huyền ảo và có tấm thân thể kiều diễm kia. Khi tân lang âu yếm trịnh trọng luồn nhẫn cưới vào ngón tay thon dài của cô, cô đã đắm say liếc nhìn người bạn trăm năm. Đó mới là cái nhìn thực sự say đắm, khác hẳn cái nhìn vô tình cô đã ban cho thằng Phả trước kia.
Vào buổi tối, khi tuần đại phúc chấm dứt, vị linh mục đã trở về nhà chung và cửa nhà thờ đã khép lại, từ tháp thánh đường vụt nổi lên một hồi chuông báo tử. Chưa bao giờ người ta thấy những tiếng chuông thê thảm, rùng rợn đến như vậy. những người đàn bà yếu bóng vía rùng mình, run rẩy giơ tay làm dấu thánh giá. Có dăm cụ già quỳ úp mặt xuống đất đọc kinh sám hối. Tiếng chuông ảo não kia nhắc nhở các cụ giờ chết đã gần tới.
Trong đêm tối, một bóng người lật đật chạy về phía nhà thờ. Đó là ông trùm họ. Xưa nay phàm gia đình Công giáo nào trong họ có người qua đời đều phải báo cho ông biết, rồi tự ông sẽ ra lệnh cho sãi nhà thờ nổi chuông báo tử. Chưa có lệnh của ông không có người sãi nào dám nổi hồi chuông đó. hôm nay trong họ có ai chết đâu. Tại sao lại có chuông báo tử?
Đến cửa nhà thờ, ông trùm họ lớn tiếng gọi tên thằng Phả. Tiếng chuông vẫn rền rĩ xoáy vào đêm tối và thằng Phả không trả lời. Vừa tức bực, vừa ngạc nhiên, ông trùm họ rút chiếc đèn pin trong túi, bật lên, rồi đẩy cửa bước vào nhà thờ. Trong ánh đèn rọi sáng, thằng Phả đứng lạnh lẽo, một tay vẫn thong thả giật dây chuông. Ông trùm họ trợn mắt, vừa tiến đến gần thằng sãi bướng bỉnh vừa hỏi giật giọng:
"Ai chết mà mày kéo chuông báo tử? Ai bảo mày kéo chuông báo tử?"
Nhưng ông trùm đột nhiên rùng mình đứng sững. Trong ánh đèn, ông nhận thấy mặt thằng Phả phờ phạc và xanh mét. Nó giương đôi mắt đỏ ngầu trân trối nhìn thẳng vào mặt ông và tay nó vẫn giật tiếng chuông báo tử.
1960  
                                           - Hết -


Nguồn: Hồi chuông báo tử. Tập truyện Lê Huy Oanh. Mẫu bìa của Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của cơ sở Văn, xong ngày 10-1-1971. Biên lai chính thức số 317/BTT/NBC, ngày 18-3-1970. Chủ nhiệm – chủ bút: ô. Nguyễn Đình Vượng. Báo quán: số 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Quản lý: cô Nguyễn Thị Tuấn. Giá nhất định: 70đ. Bản điện tử do talawas thực hiện.

<< Cây cầu xi măng |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 589

Return to top