Qua một bãi hoang đầy cỏ dại đến bờ sông. Nắng dịu như không nắng. Buổi chiều mùa mưa nằm dài hai bên dòng nước. Tuấn đi với Hoài, bàn tay chàng cầm lấy bàn tay kẻ đồng hành. Những ngón gầy guộc luồn vào nhau. Người đàn ông im lặng mà người đàn bà cũng im lặng. Một âm sắc mơ hồ gợn bên tai. Đấy là tiếng gió nhẹ quyện vào ngàn cỏ hay chỉ là hơi thở… Xuống khỏi một mấc đất, Tuấn đỡ tay qua vóc lưng ẻo lả bên cạnh. Người yêu của chàng vẫn không nói gì và mặt nàng đượm những nét bình yên, trầm mặc của một buổi chiều hoang vắng. Đôi mắt hướng vào xa xôi. Vẻ huyền bí lạnh lẽo của hai tròng mắt khiến chàng hơi rùng mình. Chỉ thoáng một chút thôi.
Tuấn nhìn qua dòng sông. Dải nước rộng khiến cho cảnh vật bên kia phải nhòa đi. Chỉ thấy một dải cây xanh, một dải đất màu nâu sẫm và những miếng trời thấp thoáng. Giữa cảnh bát ngát mịt mùng, đối tượng của thị quan đột nhiên mở rộng cả ba chiều. Thêm một lần, Tuấn hơi ngạc nhiên về đôi mắt chàng vì thấy chúng bé nhỏ tội nghiệp mà có thể bao quát nổi cả một quãng không gian rộng đến thế. Tuấn lại nhìn đôi mắt người yêu; và nàng cũng nhìn chàng mỉm cười. Tuấn nhớ đến một thi sĩ đã ví mắt người đẹp với dòng sông:
Mắt em là một dòng sông… Tuấn sung sướng nhưng không chỉ nghĩ đến một dòng sông vì hai mắt Hoài ghi nhận hai dòng sông giống nhau. Ta nghĩ đúng hay nhà thơ ấy nghĩ đúng. Tuấn tự hỏi lẩn thẩn như vậy. Tuy nhiên chàng chịu thua, vì hai dòng sông của chàng cũng vẫn chỉ là một. Cao hứng chàng khẽ ngâm câu thơ kỳ dị. Người đàn bà nhìn chàng âu yếm hơn nhưng nàng vẫn cười và chỉ cười.
Tuấn lại nhớ đến một thành ngữ đã ví đôi mắt là cửa sổ của linh hồn. Chàng soi mói nhìn vào hai khung cửa đó nhưng không thấy rõ hồn nàng. Chỉ thấy hình ảnh cây cỏ, nước mây và hình ảnh chàng. Chừng như hồn Hoài chính là những hình ảnh ấy. Nhưng Tuấn khẽ lắc đầu. Cử động này phát ra một cách miễn cưỡng, thật miễn cưỡng. Người con gái bây giờ mới lên tiếng. Những âm thanh buột ra từ cổ họng nghe nhỏ nhẹ gần như lẫn với hơi thở:
"Tại sao anh ngó em rồi lắc đầu?"
Tuấn vụt cười lớn, không trả lời. Thiếu nữ mở to mắt. Mặt nàng trở nên nghiêm trang vì nụ cười đã tắt trên môi. Nàng hỏi lại:
"Tại sao thế?"
Tuấn bối rối không biết trả lời thế nào. Nguyên cớ tuy không phức tạp lắm nhưng khó nói. Tuấn hay ngượng ngùng khi có người tra hỏi cảm nghĩ và cử chỉ của mình, dầu người đó là Hoài. Trong lúc thảng thốt, một sức tự động của cơ năng tâm lý khiến Tuấn buông ra lời giải thích vu vơ:
"Vì mắt em đẹp quá".
"Nhưng tại sao anh lắc đầu?"
Tuấn chợt nghĩ tới một câu văn vẻ:
"Anh là con nai nhỏ bé sa bẫy trong mắt em. Có lẽ không bao giờ con vật đó thoát khỏi bẫy nên anh thương hại nó".
Sau câu trả lời, Tuấn thở mạnh hơn vì vừa thoát cơn bối rối. Đối với chàng, câu giải thích này không có giá trị lắm. Nó dối trá, sai lạc tuy Tuấn tự biết nó thật đẹp đẽ. Nhưng Hoài hình như không thể biết hoặc không cần biết là câu trả lời sai với sự thật. Giọng nàng vẫn nghiêm trang:
"Tại sao anh thương hại nó?"
. . . . . . . . . . . . . . .
Tuấn nhận ra một điều hơi khác thường. Người đàn bà nói với chàng bốn lần. Bốn lời nói là bốn câu hỏi. Trong mỗi câu hỏi có một tiếng đôi tại sao? Óc Tuấn chợt bề bộn những tiếng đó. câu chuyện giữa chàng với nàng lúc này đang trong tình trạng giả dối một cách đơn phương. Sự liên lạc của ý tưởng chưa dứt, nên nó chưa thoát khỏi tình trạng giả dối. Tuấn lại trả lời rằng:
"Anh thương con nai ấy vì anh muốn thương nó. Sự thực nó đâu cần đến lòng thương của anh. Nó mắc bẫy nhưng không biết hoặc biết mà vẫn thích thú vì được vào bẫy. Mắt em là cái bẫy thần tiên…"
Hoài không hỏi nữa, nàng ngả đầu vào vai tình lang. Hai người đứng lại. Tuấn giơ tay vuốt nhẹm mớ tóc mướt như tơ. Chàng lại nhìn bờ sông bên kia. Tại sao hoạt-động-trường của ý tưởng lại mênh mông và rắc rối đến thế? Tuấn hơi bực mình vì cái trạng thái ngông nghênh của liên tưởng và của trí tưởng tượng. Từ đôi mắt đến hình ảnh một cái bẫy thần tiên, sự kiện này thật kỳ quặc. Nó vô lý mà giả dáng hữu lý, sai lạc mà đẹp đẽ, vô ích mà hầu như cần thiết. Cái hữu lý, đẹp đẽ và cần thiết ấy được thể hiện rõ ràng trong nụ cười của Hoài. Tuấn không hối hận gì về sự dối trá của mình.
Hai kẻ yêu nhau lại đi theo men bờ sông. Giữa cảnh thanh vắng, buổi chiều bên dòng nước chảy xuôi mỗi lúc một thêm tiêu sái. Gió mạnh hơn lên làm bay tà áo Hoài. Đám cỏ xơ xác dưới chân hai người khẽ run rẩy. Từng đợt rong xanh đậm lập lờ gần bờ. Dăm cây ô môi gần đấy lả lay ngọn lá cao vút vuốt ve nền trời trắng. Bên kia sông cảnh vật không hề thay đổi. Vẫn chỉ có màu cây quyện lấy màu đất. Một thân dừa lẻ loi ngả mình xuống mặt nước. Nó đã đứng đấy tự bao giờ và hình như muốn chờ đợi một cái gì sẽ từ đáy sông chuồi lên chăng. Cái dáng dấp cô độc ấy có một sắc thái bất bình kín đáo.
Hoài vẫn đi bên Tuấn. Họ không cầm tay nữa. Thân thể hai người rời xa nhau hơn. Bước chân đi quen thuộc, tự nhiên vì họ đã đi với nhau nhiều lần. Ngàn vạn bước đi đã hòa nhịp trên những ngả đường khác nhau. Sát bờ sông, đất dưới chân trở nên thẫm màu và yếu ớt. Tuấn để tầm mắt chạy dọc theo làn nước. Ở khúc rẽ xa xa thấp thoáng một cánh buồm trắng đục. Tuấn giơ tay chỉ cánh buồm, bảo Hoài:
"Đằng kia có một con thuyền".
Hoài ngửng đầu cao hơn, giọng nàng vẫn êm nhẹ:
"Em thấy nó trước anh. Em ưa màu trắng nên thích những cánh buồm trắng. Đố anh biết nó nói gì? Nó đọc lại cho em nghe hai câu thơ của Valéry:
Ce toit tranquille, où marchent des colombes, Entre les pins palpite, entre les tombes…". Tuấn nhìn Hoài cảm thông. Chàng nói:
"Chỉ tiếc là ở gần đây không có một nghĩa địa. Nhưng anh chợt nghĩ ra một điều hơi lạ: chừng bảy, tám năm trước đây, anh đã có lần đứng một mình ở bãi than Quảng Yên trong một buổi chiều quạnh quẽ để ngắm dòng sông Bạch Đằng. Hôm ấy anh cũng đã rung động vì một cánh buồm trắng lẻ loi. Hôm nay đây, đứng bên dòng sông này với em, anh lại thấy cánh buồm trắng với niềm cảm xúc xa xưa ấy. Bảy, tám năm qua nhưng hai cánh buồm vẫn chỉ là một. Ngày hôm nay vẫn là ngày hôm ấy. Cuộc sống của muôn loài hình như không có thời gian. Danh từ thời gian phải chăng chỉ là ký hiệu của một ý niệm vô lý và rỗng tuếch…"
Hoài cãi lại thật dịu dàng:
"Em không nghĩ giống anh; em vẫn quan niệm được thời gian. Chắc anh hiểu tại sao em ưa đọc sách của Proust hay của Virginia Woolf. Em muốn theo họ đi ngược lại dòng thời gian hầu tìm lại chuỗi ngày cũ. Cách đây bảy, tám năm em chỉ là một cô gái mới lớn, tóc buông lơi xuống vai và vẫn còn hay khóc lóc giận dỗi để vòi vĩnh thầy me em. Bây giờ em khác trước nhiều và em có anh bên cạnh. Ngày ấy em đâu có anh. Thời gian khiến em già hơn nhưng nó mang anh tới cho em để đền bù lại…"
Ngừng một lát, Hoài lại nói tiếp nhưng bằng một giọng đùa cợt:
"Anh tiếc là gần đây không có một ngôi nghĩa địa cho hai câu thơ của Valéry hả? Có đấy chứ! Một khoảng tâm hồn em là một nghĩa địa. Nơi này đã chôn vùi biết bao kỷ niệm vui buồn, biết bao hình ảnh của những năm qua, nhất là của tuổi thơ ấu…"
Hoài không nói nữa. Đột nhiên nàng thẹn thùng vì thấy lời nói của mình thiếu tự nhiên đến kiểu cách. Tuấn với tay ôm lấy nàng. Cử chỉ này thay cho lời nói vì Tuấn chỉ lặng lẽ cười. Chàng nhìn vào mặt người yêu và thấy bộ mặt đó hơi ngửa về sau. Gã thanh niên khẽ xoay người, luồn hai tay vào mái tóc cô thiếu nữ rồi hôn vào đôi môi có phủ lớp son mỏng. Thân thể nàng mềm đi và thế đứng mất cả thăng bằng. Cái hôn không dài nhưng đủ ma lực tạo nên một sức giao cảm say sưa. Rút hai bàn tay khỏi mớ tóc, Tuấn quay lại nhìn dòng sông và còn nghe thấy sự đê mê chuyển trong thân thể. Tuấn nhận ra là chàng đã hôn Hoài nhiều lần. Nhưng tới một ngàn lẻ một cái hôn rồi, mà sao chàng vẫn thấy say sưa. Vẫn con người ấy, vẫn đôi môi ấy, nhưng mỗi lần chàng hôn nàng, Hoài hình như biến thành con người mới.
Rồi phút xao động cũng qua đi, hai người lặng lẽ nhìn cảnh vật. Cánh buồm trắng đã tới trước mặt. Bác lái đứng ở đầu thuyền. Bác mặc quần dài đen, mình để trần. Khuôn mặt nâu hướng về hai kẻ thành thị. Bác nghĩ về Tuấn và Hoài? Làm sao mà biết được. Tuấn nhìn con thuyền lềnh bềnh trôi trên mặt sông. Thuyền đi, nước cũng đi. Thuyền chắc sẽ trở lại nhưng dòng nước hôm nay không biết có trở lại nữa không. Có lẽ chúng cũng sẽ trở về nhưng không nguyên vẹn. Một phần sẽ hòa với biển cả để rồi sẽ tình cờ tái ngộ với bờ sông từng chút một. Chảy đi rồi chảy về, dòng luân lưu của con sông một ngày một khác nhau nhưng cảnh sông tưởng như chỉ thay đổi rất chậm chạp. Sự di chuyển của dòng nước này có thể phức tạp đến thế hay sao?
Tuấn và Hoài đi tới một gốc cây lạ. Thân cây to lớn mọc gần bờ và ngả choãi về phía bãi. Tuấn rút mù xoa trải xuống một mô rễ để Hoài ngồi. Chàng ngồi bên nàng, trên chiếc khăn tay nàng vừa trải đáp lại. Tuấn dựa mình vào thân cây, vòng tay qua lưng Hoài. Hoài hơi xoay lưng tựa vào sườn Tuấn, đầu ngả xuống vai người tình. Một luồng rạo rực chạy mau trong cơ thể Tuấn. Có lẽ Hoài cũng rạo rực như vậy nên má nàng hồng hào, da thịt nóng hơn và hơi thở mạnh hơn. Tuấn dùng bàn tay vuốt nhẹ vào mái tóc mềm mại và chiếc cằm mịn màng của Hoài. Nàng khẽ cắn vào mấy ngón tay Tuấn…
Tuấn thì thầm gọi:
"Hoài ơi!"
Tiếng gọi hết sức nhỏ nhưng Hoài vẫn nghe rõ. Nàng ơi một tiếng bằng hơi thở, ngửa mặt nhìn lên mặt Tuấn. Tuấn lại gọi:
"Hoài ơi!"
Lần này người con gái không ơi nữa, nàng thì thầm bằng một thứ câu hỏi:
"Cái gì?"
"Anh yêu em".
Hoài đáp lại bằng đuôi mắt sáng long lanh của nàng.
Tuấn nhắc lại lời vừa thốt:
"Anh yêu em".
Hoài khẽ mở rộng đôi môi, chun mũi lại, rồi ghé răng cắn vào tai Tuấn. Mấy hạt răng trắng bóng khẽ nhằn vào chỗ thịt mềm nhất. Nàng thở vào tai tình lang:
"Biết rồi, biết rồi, nhưng anh đừng nói nhiều quá thế làm em sợ".
"Em sợ gì?"
"Sợ rằng một ngày kia anh sẽ ghét em, sẽ bỏ em để đi với người khác".
Tuấn im lặng, khẽ bĩu môi và lắc đầu. Hoài gần như nói hộ Tuấn, giọng nàng nửa đùa nửa thật:
"Anh đừng hòng đi với cô khác. Anh sẽ vĩnh viễn trọn vẹn là của em. Anh yêu người khác em sẽ giết anh".
Khi gần hết câu, Hoài giả bộ cắn chặt răng, cau đôi mày rồi xòe bàn tay khẽ chọc thẳng mấy ngón tay vào ngực Tuấn. Tuấn nhếch mép cười. Hoài ngồi thẳng lên:
"Các cụ chúng ta vẫn thường dùng câu quen hơi bén tiếng. Từ khi yêu anh, em mới biết rõ cái giá trị của câu ấy. Những lúc xa anh, em thường vẫn thấy uể oải, bồn chồn vì thiếu hơi người và thiếu tiếng nói của anh. Anh là sự sống của em…"
"Và em cũng là nguồn sống của anh. Chúng ta cần có nhau. Thiếu em không biết rồi cuộc đời anh ra sao…"
Tuấn định nói nữa nhưng lại thôi, vì anh tưởng như đã tìm thấy ngay lời giải đáp cho nỗi thắc mắc này. Anh ngồi nhích ra cho khỏi mỏi. Một điếu thuốc Cotab được giắt vào môi anh. Cây diêm xòe lửa. Khói trắng bay lên và tan ngay trong gió.
Trước khi gặp Hoài, Tuấn đã yêu nhiều thiếu nữ khác. Anh vốn đa tình. Từ mười bảy tuổi đã bắt đầu lảo đảo trong trường yêu đương và trường thi cử. Hẹn hò với gái nhiều quá thì đâu còn thì giờ để học hành; mà lười học tất nhiên hay hỏng thi. Để đạt mục tiêu về khoa cử, Tuấn đã phải học lâu hơn những bạn hữu khác mấy năm. Lỗ mất mấy năm nhưng lại đạt nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, nhất là trong địa hạt ái tình. Thuở thanh xuân của Tuấn thật sôi nổi. Năm đang theo lớp đệ tam, Tuấn bị đuổi khỏi trường công vì anh bướng bỉnh, hay trốn học và nhất là đã ngổ ngáo ném thư tình cho một cô trong lớp. Chẳng những không thèm đáp lại tiếng lòng của gã thiếu niên si tình ấy, giai nhân đã đem bức thư trình với ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng bèn họp một vài nhân vật có thẩm quyền lại để định lại thái độ đối với tên học trò hư hỏng. Không được học trường công thì học trường tư. Nhưng trường tư cũng không dung cho tên đãng tử này. Lý do vì Tuấn luôn luôn thiếu tiền học phí. Mỗi tháng ông bố làm công chức ở Quảng Yên gửi về Hà Nội cho con trai đủ tiền ăn học. Ông con chỉ trả tiền ăn chứ ít khi trả tiền học. Thằng bé mới lớn phải chi phí quá nhiều vào việc yêu đương. Gã lao đao vì đàn bà. Yêu nhiều thì tốn kém nhiều. Kẻ nào đã từng yêu tất phải công nhận điều đó.
Người ta bảo mối tình đầu là mối tình say đắm nhất. Tuấn không tin thế vì đến mối tình thứ mấy, Tuấn mới biết mùi vị nồng nàn của ái tình. Ngày ấy Tuấn gặp Trâm. Hai đứa yêu nhau. Tuấn hai mươi bốn tuổi còn Trâm mới mười chín. Nàng là học sinh lớp đệ tứ còn chàng theo học lớp dự bị ban văn khoa đại học. Tuấn yêu Trâm một cách điên cuồng. Có một buổi trưa Tuấn hẹn ba giờ chiều mai đi chơi với Trâm. Và suốt hai mươi bảy tiếng đồng hồ, Tuấn quên cả giờ ngủ để chờ giờ hẹn. Gã sinh viên thức trắng đêm, liên miên hút thuốc lá. Chiều hôm sau, khi vào ngồi trong rạp ciné với Trâm, Tuấn thấy thân thể rã rời vì mệt mỏi. Vào khoảng giữa phim, Tuấn ngả đầu xuống vai Trâm mà ngủ.
Chưa được một năm thì mối tình giữa Tuấn và Trâm tan vỡ. Không phải vì Tuấn bỏ Trâm mà vì Trâm bỏ Tuấn. Cô bé vừa trẻ, vừa đẹp, tính nết đang độ lông bông hay thay đổi. Cái chuyện chán người cũ âu cũng là chuyện thường. Chỉ có Tuấn là buồn. Gã đau khổ ra mặt, tưởng như mối hận lòng này chẳng bao giờ nguôi được. Nhưng chỉ ít lâu sau nỗi đau khổ của Tuấn cũng dịu hẳn đi. Thiếu đôi mắt này lại có đôi mắt khác. Mất đôi môi này lại tìm được đôi môi nồng đượm hơn. Đến khi gặp Hoài, Tuấn quên Trâm. Bên cạnh Hoài, hình ảnh Trâm cũng như những hình ảnh của Hương, của Yến, của Thanh, của Băng, của Ngà… khi xưa chỉ còn là những cái bóng mờ, rất mờ, thấp thoáng khi ẩn khi hiện. Ấy là không kể đến một số hình ảnh đã lặn mất tăm…
Tuấn bỗng nhiên cười thầm: dạo trước khi ngồi bên Trâm, chàng cũng đã từng bảo Trâm rằng: "Này em, nếu thiếu em đời anh chắc chắn sẽ không còn nghĩa lý gì". Và Trâm cũng đã từng bảo Tuấn: "Anh ơi, thiếu anh em sẽ chết". Thì ra, trong lúc âu yếm nhau, người ta thường nóng đầu nên hay bạo miệng.
Nhưng Tuấn bỗng đăm đăm ngó Hoài. Chàng thấy Hoài khác với tất cả những người đàn bà đã đi qua đời chàng. Dưới những cặp mắt khách quan, có lẽ Hoài không đẹp đẽ gì lắm. Nàng cao và mảnh khảnh. Trừ làn da mịn màng với đôi mắt vừa huyền ảo vừa say đắm, bộ mặt Hoài không có gì mỹ miều. Tuấn yêu Hoài vì tâm hồn nàng đa cảm tột độ. Đó là một thiếu nữ nhiều đam mê và dám yêu với tất cả cõi lòng. Khi yêu nàng không hề do dự, không hề mặc cả. Hoài khôn khéo, tế nhị nhưng liều lĩnh. Nàng không thể dè sẻn về tình cảm nên lòng yêu của người đàn bà này đổ mạnh như thác nước; ở lòng thác, nước xoáy thành những hố sâu để bảo vệ tình yêu, nàng đã làm những chuyện rất ít người đàn bà dám làm. Đôi lúc Tuấn sợ hãi và mường tượng về tâm hồn Hoài vì chàng bị ngợp dưới một bầu trời lộng gió, cao và xa đến vô cùng… Hoài với Trâm khác nhau hẳn. Trâm biểu dương cho cái đẹp vô hồn của một pho tượng tuyệt mỹ bằng cẩm thạch. Hoài biểu dương cho cái mênh mông của sự rung động. Những âm ba rung cảm ấy lan rộng bát ngát. Không biết có nên đưa trường hợp Trâm cũng như các thiếu nữ khác đã từng nằm trong tay Tuấn ra làm loại suy cho trường hợp Hoài không? Có thể là không.
Giọng Hoài nũng nịu bên tai Tuấn:
"Anh nghĩ gì thế?"
"Anh nghĩ về em".
"Nghĩ gì về em?"
Tuấn lại bối rối. Hoài có thói quen hay đặt câu hỏi. Nàng nhắc lại:
"Nghĩ gì về em?"
"Anh tự hỏi tại sao anh yêu em và em yêu anh".
"Như vậy anh nghĩ về cả hai đứa chứ đâu chỉ nghĩ đến riêng em. Thế tại sao anh yêu em?"
Tuấn không trả lời nữa, khẽ tát yêu vào má Hoài, nhắc lại đầu đề một cuốn phim Pháp chiếu ở Saigon cách đây ít lâu:
Sois belle et tais-toi! Buổi chiều bên sông hạ nền trời xuống thấp. Dòng nước loang loáng trôi. Dăm ba cánh buồm lướt nhẹ trong dáng điệu kiên nhẫn, bình thản. Gió thổi mạnh hơn phả vào khí trời cái gây gấy lành lạnh của cảnh sắc cô tịch. Những cánh chim vội vã bay, vạch các đường vô hình vào không gian. Thỉnh thoảng có con ném lại vài tiếng kêu tuy yếu ớt nhưng vẫn đượm một vẻ giận dỗi, khắc khoải. Lũ chim này đang bay về tổ. Ngày ngày, chúng đi rồi về. Từng lớp cánh mỏng run rẩy ở lưng chừng trời. Có con bay xuôi dòng sông, có con bay ngược lại, có con lao qua hai bờ đất. Lối bay chằng chịt các ngả vì loài có cánh ấy xây tổ khắp bốn phương. Sự sống của chúng hiện hình trong cái đà xê dịch loanh quanh, chẳng khác gì sự sinh hoạt của giống người.
Từ một phía chân trời, vài đợt mây xám nhô ra, mang hơi nước tới. Khí lạnh sẽ khiến cho mưa rơi xuống. Vừa lúc trưa trời nắng nhưng bây giờ sắp mưa. Từ nắng đến mưa không có gì ngăn cách cả.
Hoài tháo giày, đứng lên khỏi gốc cây rồi chạy ra sát mé sông. Ở gần bờ, vài cánh hoa ô môi dập dờn trên làn nước đục ngầu. Hoài bảo Tuấn:
"Có mấy cánh hoa đẹp bị rớt xuống nước. Em lội xuống vớt chúng lên nhé".
Tuấn vẫn ngồi hút thuốc lá dưới gốc cây. Giọng chàng thoáng nét e ngại:
"Cẩn thận đấy kẻo ướt hết. Thường có nhiều chỗ nước sâu ngay gần bờ".
Hoài vén quần khỏi mắt cá chân, khẽ đặt bàn chân xuống nước dò xét rồi từ từ lần ra, đón trước lối di chuyển của những cánh ô môi. Hai ống quần nhích cao hơn; một ống lên quá đầu gối. Tuấn ngồi im lìm dưới gốc cây, ép mạnh đôi môi và điếu thuốc lá. Khói đục cuồn cuộn tuôn ra từ hai ống mũi,
Nước ngập đến lưng chừng bắp chân Hoài. Chất lỏng đục ngầu xao động quanh lớp da trắng xanh. Toàn thân run run, Hoài cúi xuống vờn một tay theo một cánh ô môi nhưng bắt trượt nó. Nàng đứng thẳng người lên, khẽ nheo cặp mắt chờ những cánh hoa sau. Một phía sườn của thân hình nàng hướng về chỗ Tuấn ngồi. Sau lớp áo trắng, ngực nàng nhô ra làm nổi bật một hình vòng cung trên nền cây xanh mờ ảo bên kia bờ sông. Hơi thở Tuấn nhẹ hẳn đi. Điếu thuốc lá cháy quá nửa khẽ run run trong mấy ngón tay lơ đãng trỏ ngang. Gã đàn ông bàng hoàng trước một vẻ đẹp khêu gợi bất ngờ như vậy. Lần lượt, gã đăm đăm nhìn đôi ống chân trần trụi và bộ ngực phập phồng của kẻ đang đứng trước mặt. Người Hoài chừng đang tỏa ra một làn khói rất mỏng manh, rất mơ hồ. Hiện tượng ma quái này khiến Tuấn rùng mình và thú tính đột nhiên thức tỉnh rên la trong người gã. Thoáng trong mấy giây đồng hồ, gã muốn chạy xuống sông bế cô gái kia lên bờ và lột bỏ lớp áo quần vướng víu bọc ngoài thân thể nàng…
Nhưng Tuấn trấn tĩnh ngay được. Chàng thở thật mạnh, quay mặt đi, móc điếu thuốc lá khác. Không hiểu vì gió thổi hay vì những ngón tay run mà lửa diêm xòe tới hai lần điếu thuốc vẫn chưa cháy.
Thần kinh Tuấn dần trở lại tình trạng bình thường, Tuấn cười khẽ, thong thả vuốt một ngón tay vào sống mũi mình. Chàng đã từng nhiều lần nằm bên đàn bà để nghe cái đê mê từ da thịt họ chuyển sang da thịt mình. Những trường hợp đó xảy ra rất tự nhiên, tự nhiên đến gần như không có gì đáng chỉ trích. Khoảng mười hai, mười ba tuổi, Tuấn được chứng kiến cảnh ái ân của một cặp Tây đầm bên gác hàng xóm. Ông Tây sống cô độc một mình nhưng thỉnh thoảng lại có bà đầm đến thăm. Lúc bấy giờ đêm đã khuya khoắt, nhà Tuấn có một sân thượng cao và cặp đào kép ngoại quốc không hiểu sao đêm đó khinh suất cứ để đèn điện sáng choang mà không thèm đóng cửa sổ. Từ vụ ấy, thằng Tuấn luôn luôn thắc mắc về những hình ảnh, những cử động kỳ cục, quái dị kia. Nó đang độ ngây thơ, hiền lành nên vẫn mơ hồ nghĩ rằng đó là tội lỗi, là những chuyện xấu xa, dơ dáy. Mặc cảm này ám ảnh nó suốt ba bốn năm trời. Mối tình đầu tiên của nó sạch sẽ, thanh cao lắm. Hai đứa chỉ nhớ nhau, gặp nhau, nhìn nhau và trò chuyện suông, thế thôi. Tuấn không hề dám động vào người con bé sợ nó giận hay khinh Tuấn. Mãi về sau này, khi hai đứa sắp phải xa nhau vì hoàn cảnh gia đình, Tuấn mới dám cầm lấy tay, đỡ lấy lưng hoặc đôi ba lần hôn nhẹ vào má người tình.
Hôm đầu tiên theo ông anh họ đi Khâm Thiên, khi được nằm chung chăn với một đào hát, Tuấn run quá, người nóng bừng như lên cơn sốt. Ả giang hồ phải phì cười vì những cử chỉ lúng túng ngượng ngập của ông quan viên nhãi con. Nhưng từ sau đêm hành lạc tập sự này, mặc cảm tội lỗi của Tuấn bị nứt rạn rồi dần tan rã. Ngạc nhiên, khi có dịp thuận tiện, Tuấn đương nhiên làm lại những động tác ông Tây hàng xóm đã làm. Đấy chỉ là nhu cầu tự nhiên. Tự cổ chí kim tự đông sang tây, hầu hết loài nngười đều cần thỏa mãn nhu cầu đó. Từ đời ông Adam cho đến đời Tuấn, giống đực và giống cái vẫn tồn tại trên cõi đời này và vẫn bám chặt lấy nhau như kim loại bám vào đá nam châm.
Nhưng dầu sao đi nữa, Tuấn thường phải dằn thú tính của chàng lại vì chàng không muốn có những cử chỉ đột ngột, sỗ sàng vì nhân sinh quan của nàng có lẽ không giống với nhân sinh quan của Tuấn. Người con gái ấy còn bị ràng buộc bởi một thứ luân lý công thức. Những khi đi với Tuấn mà gặp một người quen, Hoài vẫn bẽn lẽn ngượng ngập thế nào. Dĩ nhiên, có những trường hợp, Hoài thẹn thò cả với Tuấn. Vả chăng, Hoài muốn dành một cái gì đặc biệt cho đêm tân hôn. Yêu Hoài, Tuấn muốn gò quan niệm sống của mình cho ăn khớp với quan niệm sống của Hoài. Đó là một sự hy sinh êm ái, đẹp đẽ biết bao.
Thật tình Tuấn muốn sống mãi bên Hoài vì chàng đã bắt đầu chán nản trước cuộc sống lông bông với những mối tình tạm bợ. Qua bao nhiêu đợt sóng trùng dương, khi tới một bến nước đầy cảnh sắc lạ lùng, gã thủy thủ đột nhiên muốn ở lại đất liền mãi mãi. Ở đây vẫn được hưởng gió mặn nồng, vẫn nhìn thấy biển khơi, nhưng lối sống hẳn có sự thay đổi. Tuấn vui lòng với sự thay đổi đó. Chắc hẳn cuộc đời sẽ bình yên hơn, sẽ đỡ mệt mỏi hơn. Tuấn đã thấy cần được nghỉ ngơi.
Rồi một ngày kia, gã thủy thủ có lại đi theo tiếng gọi của sông nước hay không. Điều đó không thể biết trước được. Nó tùy thuộc vào sức quyến rũ và mãnh lực ràng buộc của đất liền. Tuy nhiên hiện nay, gã mơ hồ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ gã có thể dời bỏ cái bến nước tuyệt diệu này được.
Hoài đã vớt được mười cánh hoa. Nàng chạy lại ngồi bên Tuấn như cũ, thong thả xếp hoa vào ví tay. Tuy biết trước câu trả lời, Tuấn vẫn hỏi:
"Em lấy những cánh hoa ấy làm gì?"
"Em sẽ ép chúng vào sách rồi thỉnh thoảng rút chúng ra xem để nhớ đến cuộc đi chơi hôm nay".
Trời bắt đầu tối khi những đám mây đen kéo đến gần đỉnh trời. Gió chiều lạnh hơn và cảnh vật bên kia sông mờ hẳn đi. Dòng sông vẫn cuồn cuộn trôi. Mặt nước xám lại, mất hẳn vẻ bóng bẩy. Xa xa mấy cánh buồm mờ ảo lặn dần trong màu chiều. Và màu chiều được tạo ra do sự hôn phối giữa bóng tối và ánh sáng.
Rời bỏ ven sông, Tuấn và Hoài dắt tay nhau qua bãi cỏ hoang. Cách đây mấy giờ họ đã từ thành phố đi ra bờ sông; lúc này họ lại từ bỏ bờ sông trở về thành phố. Tuấn khẽ đọc bên tai Hoài một câu thơ chàng vốn ưa thích:
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em… Gần đến chỗ để xe vespa, Hoài chợt dừng lại nũng nịu:
"Chỗ này đất gồ ghề khó đi quá, anh bế em đến xe".
Tuấn bế Hoài lên. Hoài vòng tay qua cổ chàng. Hai đôi môi tìm nhau trong khi Tuấn vẫn chập chững bước đi. Đột nhiên Tuấn cắn nhẹ vào vai Hoài. Bị nhột, cả thân thể người con gái giãy giụa trong hai cánh tay người yêu… Đến bên xe, Hoài đòi xuống và Tuấn nhẹ nhàng đặt nàng ngồi lên yên sau. Chiếc vespa rồ máy, chạy trên một quãng đường đất nhỏ rồi lên đường cái. Hoài ôm chặt lấy Tuấn, ép má vào lưng chàng. Xe lao vút giữa hai cánh đồng lúa thẫm đen. Ánh đèn pha xuyên cắm vào đêm tối rồi liếm nhanh xuống măt nhựa.
1960