Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người cóc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 505 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người cóc
Nguyễn Thị Diệp Mai

Anh Hai Của châm lửa đốt lớp bổi. Lửa bắt ngọn cháy hừng hực. Lớp bổi chặt ruồng từ mùa trước đã khô quắn, lửa lan rất nhanh. Anh hả lòng hả dạ vì năm nay chỉ cần mưa xuống là miếng ruộng vợ chồng anh bỏ công khai khẩn mấy năm nay đã sạ được. Sau mùa lúa nầy hai người sẽ không còn những bữa ăn độn rau củ nữa. Nghĩ đến khoảnh đất hơn chục công xanh mướt lúa cơn đói trong lòng anh dịu đi. Quá trưa rồi mà chị Hai vẫn chưa đem cơm ra.
Mấy năm trước anh lực điền Hai Của được má hỏi cưới một cô gái nhà buôn bán ở chợ Phong Điền về làm vợ. Nhà chị Hai tuy không giàu có gì nhưng vẫn đủ ăn đủ mặc. Còn nhà anh, hai mẹ con làm mướn nuôi nhau. Tía vợ thấy anh thật thà, chăm chỉ nên gả con cho không đòi sính lễ. Má anh chắt chiu mấy chục năm cũng đủ tiền để mua cho con dâu hai bộ đồ và đôi bông cưới cho đúng lễ. Gái chợ miệt vườn da trắng, tóc đen, không đài các như gái thị thành nhưng duyên ngầm, đẹp nết. Chị Hai trầm tính ít nói, có đôi mắt long lanh như hai hạt sương trên ngọn cỏ buổi sớm, đôi mày vòng nguyệt đậm đen như nét vẽ. Cưới được chị, anh Hai mừng nói không thành lời, cưng vợ hết chỗ chê. Được một năm thấy không thể sống bám suốt đời ở nhà vợ, anh Hai gởi má anh về ở nhờ nhà chị bà con, rồi xin phép tía má vợ xuống vùng Chắc Băng lập nghiệp. Tía vợ anh biết cuộc sống khai rừng khẩn đất rất gian lao vất vả nhưng thấy con rể quyết chí lập nghiệp không đành cản. Ông bảo vợ chuẩn bị cho hai con một chiếc xuồng be chín mới, năm giạ gạo và ít tiền phòng thân. Má chị thương con lén lấy chiếc kiềng vàng mười của hồi môn cho chị đem theo.
Vùng kinh xáng Chắc Băng mới khai mở tuy xa xôi hẻo lánh nhưng ở các vàm hay dọc kinh lớn đều đã có người khai khẩn, phải đi sâu vào rừng mới khẩn được đất. Từ ngày đến đây, anh Hai cất tạm ngôi nhà nhỏ ở cuối xóm ven để ở. Sáng chưa rõ mặt chị thức dậy nấu cơm cho anh đem theo đi rừng. Chiều tối anh chống xuồng về, hai vợ chồng quây quần bên niêu cơm với vài khứa cá kho, ít đọt rau dại luộc. Một năm. Hai năm. Ba năm, một hột lúa cũng không có để nhổ râu. Vùng đất rừng U Minh nầy muốn được một mảnh đất “thuộc” không phải dễ. Ruồng chặt lớp lùm buội, trấp dày cả thước, phơi khô, đốt. Năm sau lại chặt, phơi khô, đốt. Hai, ba năm sạ được lúa xuống rồi lại mất trắng vì đất quá màu mỡ lúa trổ lá xanh um không chịu kết đòng. Nếu có được chút ít thì chưa kịp chín đã được lũ chuột ngày đêm dọn sạch. Vốn liếng đem theo gần cạn sạch, cả năm nay chị Hai nài nỉ anh bỏ miếng đất đó đi. Anh cương quyết không chịu. Chị cho anh ba điều kiện: một là về Phong Điền sinh sống, hai là ra vàm Chắc Băng ở chị đủ sức buôn bán nuôi gia đình và cuối cùng là bỏ nhau đường ai nấy đi. Anh Hai biết vợ đã khổ cực quá nhiều nên lựa lời dỗ ngọt. Anh nhất định không bỏ mảnh đất đó, ráng làm nửa năm nữa lúa sẽ đầy bồ, tiền bạc thoải mái, chị sẽ không còn nghĩ đến chuyện đi đâu.
Thấy chồng cương quyết như vậy chị Hai ấm ức nhưng vốn ít lời nhín tiếng nên chẳng cãi vã làm vì. Anh Hai thấy chị không nhắc đến tưởng vợ đã xuôi lòng càng lao vào việc khai đất, mở rừng. Anh mê mẩn miếng đất đến quên cả chị, chị Hai ức lòng lắm. Chị đã theo anh chịu cực chịu khổ trăm đường năm năm nay mà anh chẳng nghĩ gì cho chị. Cái khổ vật chất chị có thể chịu nổi, đàng nầy lại là cái khổ của người quen sống nơi đông đúc, đầy đủ giờ phải chịu cảnh cả tháng trời mới gặp được một người để nói chuyện. Chị nhớ nhà, nhớ cái phố chợ nhỏ nhưng lúc nào cũng tấp nập người, nhớ đám bạn bè thân thiết rủ nhau thả xuồng trôi sông suốt đêm hò ơi vang mặt nước. Thời con gái của chị thật đẹp đẽ, không biết bao người lượn quanh chờ thấy được nụ cười, ánh mắt liếc xéo của chị. Vậy mà đùng một cái, cha nhận lời gả chị cho một người chị không hề để mắt tới. Ở nhà phải theo lời cha mẹ, lấy chồng phải theo chồng. Anh Hai không một lời bàn tính với chị, dọn đồ đạc xuống xuồng, kêu chị đi. Rồi bẵng một mạch bốn năm trời hai vợ chồng phải chịu khổ chịu sở ở cái xứ muỗi bay như trấu vãi, cả ngày không chỉ được vài người chèo xuồng lướt qua con kinh trước nhà. Bám vào mảnh đất nầy biết đời nào có ăn có mặc đây? Nhiều đêm anh ngủ luôn trong đất, ở nhà một mình giữa rừng không mông quạnh, tít mù khơi mới thấy một ánh đèn chị sợ và buồn chán muốn chết quách cho xong. Còn anh, người đâu sáng chưa bảnh mắt đã gọi chị dậy nấu cơm, đi mãi đến tối mịt, về lại cơm nước. Đêm đến, chui vào mùng chỉ biết hùng hục như đang cày bừa trên thân thể vợ, rồi lăn quay ra ngủ, không một lời hỏi han, âu yếm. Từ ngày cưới chị về đến giờ Hai Của chưa từng quan tâm xen chị cần gì, muốn gì, nghĩ gì. Nhiều lần chị nói với anh, anh lại gạt đi. Anh càng say mê mảnh đất, chị càng cô đơn khổ sở. Chị cảm thấy mình đang dần chết theo những tháng ngày không được giao tiếp với con người. Có một ông chủ ghe “chạp phô” thường mang hàng vào bán cho dân trong kinh, từ ngày gặp chị tỏ ý gần xa chị đừng ngu dại chôn tuổi xuân xanh ở chốn khỉ ho cò gáy nầy. Gặp được ông ta, chị bỗng như gặp được bạn tâm tình có hẹn từ kiếp trước. Bao nhiêu buồn khổ chị thường kể hết cho ông ta nghe. Những chuyến chở hàng của ông chủ ghe “chạp phô” vào kinh càng ngày càng nhặt hơn, mỗi lần ghé lại nhà Hai Của càng lâu hơn dù có anh ở nhà hay không. Thấy mỗi lần gặp ông chủ ghe thì chị vui vẻ cả ngày, Hai Của đỡ lo vợ buồn bực sinh ra quẩn trí. Hai năm qua nữa, chị Hai không còn chịu nổi...
- Thau nhôm, đường cát, đường mía, muối mắm… hôn.. .!
            Tiếng rao của ông chủ “chạp phô”  vang vang đầu kinh…
Trưa, lửa đã hạ ngọn. Tiếng nổ lách tách của cây cỏ khô không còn, rừng tràm trở lại không gian êm ả vốn có. Anh Hai ngồi dựa vào gốc tràm lớn trên gò đất đưa mắt nhìn những con chim lông ô lác đác bay về tổ sau một chuyến kiếm ăn mệt nhọc. Chúng mất hút vào màu xanh ngút ngàn của tràm. Đâu đây có tiếng vo ve của con ong đang hút mật bông tràm. Anh mở nắp bình uống hết ngụm nước cuối cùng. Chị Hai vẫn chưa đem cơm ra. Mệt quá, anh Hai không thấy đói, gối đầu lên cái bòng bột đựng đồ thiu thiu ngủ mất...
- Mình à! Dậy đi mình !... Mình ơi !
Anh Hai mở mắt ra. Chị Hai đang lay anh. Bóng nắng đã xế về chiều. Chị Hai bưng nồi cơm với mấy con khô sặc nướng đặt trước mặt chồng. Anh vươn vai, ngáp dài thoải mái. Uống một ngụm nước trong cái ca chị đưa, anh ngồi xếp bằng ăn một lèo hết sạch nồi cơm. Chị Hai nhìn chồng ăn, rồi dời mắt nhìn đi tận nơi xa xôi nào. Ăn xong, anh Hai bảo vợ:
- Dẹp đi! Mình đi vòng vòng đây kiếm ít rau, đợi lửa tắt hẳn rồi cùng về.
- Để đại đó đi. Mình ngồi xít lại đây tôi nhổ tóc ngứa cho !
- Ừ, được đó.
Chị rút cái lông nhím giắt ngang giữ cái búi tóc củ co, xõa tóc chồng ra. Anh Hai khoan khoái ngồi lim dim khi mái tóc rễ tre được vuốt ve, thỉnh thoảng lại được nhổ đúng vào chỗ ngứa. Lâu lắm vợ chồng anh mới lại âu yếm bên nhau. Một đỗi sau, chị Hai vuốt nhẹ bắp tay săn cuộn như bắp cày, khẽ cười hỏi:
- Tay mình mạnh như vậy nếu để tôi trói mấy vòng mình có cởi được không?
- Dễ ợt.
Chị Hai cười xòa, đi xuống xuồng lấy cuộn dây bện bằng ba sợi da trâu nhỏ đánh săn lại thường dùng để cột xuồng kéo đi trong mương lung cạn. Anh đưa hai tay ra trước cho chị trói lại. Xong, chị háo hức ngồi chờ. Anh Hai cúi xuống dùng răng cắn nút dây lần tháo ra. Chừng hút tàn nửa điếu thuốc anh Hai đã tháo xong. Anh cầm dây đưa cho vợ. Chị Hai vỗ tay cười:
- Giỏi quá! Nếu tôi cột phía sau mình tháo được không?
Anh Hai thấy vợ vui liền đưa hai tay ra phía sau cho chị trói lại. Chị ngồi chăm chú nhìn xem anh làm sao. Anh uốn lưng, tuột luồn từ từ qua hai cánh tay bị trói chặt ở cườm. Chẳng mấy chốc anh Hai đã đưa được tay ra phía trước rồi theo cách cũ tháo dây ra. Khoảng hút hết một điếu thuốc anh đã tháo xong. Anh đưa dây cho vợ bảo mệt, chuẩn bị về. Chị Hai nài nỉ thử một lần nữa thôi. Thấy vợ chẳng mấy khi vui vẻ như vậy anh đành chiều theo đưa hai tay ra sau để mặc chị muốn cột trói ra sao tùy ý. Chị Hai lần nầy trói gút mối, hai đầu dây chừa dài vòng ngược lên qua hai bên cổ, cột chặt lấy hai chân. Chị đứng khoanh tay nhìn anh cựa quậy, lụt nhụt như một con sâu đang xé kén chui ra. Hạ thấp tay để luồn qua thì đôi chân bị kéo lên mất đà ngã chổng gọng, giở hai tay lên thì mắc kẹt dây trói chằng hai chân cắm chúi đầu về trước. Chị Hai bật cười ngặt nghẽo. Để chị cười một lúc, anh nhẹ giọng bảo:
- Mình ơi, tôi thua rồi. Mình thả tôi ra đi !
Chị Hai vẫn ôm bụng cười giòn không dứt. Anh Hai mỏi quá nài nỉ:
- Thả tôi ra đi mình! Chiều rồi, thả tôi ra, mình về thôi !
Chị Hai bỗng ngưng ngang tiếng cười. Chị nhìn anh lạ lẫm một lúc rồi buông thỏng:
- Mở được thì về, không thì thôi !
- Mình đừng giỡn nữa, thả tôi ra đi !
Anh van xin. Chị lạnh tanh rờn rợn như lời phán của quỉ nhập tràng:
- Mở được thì về, không thì thôi !
Mái tóc dài của anh xấp xõa, chị túm gọn cột luôn vào dây trói. Chị quay lưng đi thẳng xuống chỗ để xuồng, chống đi với tiếng cười lanh lảnh đọng lại thật lâu trên những đọt tràm.
* * *
Dưới gốc cột hiên cuối hàng ba có một hang cóc. Con cóc đã sống ở đây không biết bao lâu, cứ sụp tối là lại nhảy ra khỏi hang cần mẫn thè cái lưỡi dài chộp từng con muỗi, con bướm nhỏ nào bay ngang tầm. Xứ U Minh thì muỗi nhiều đến nỗi chỉ cần quơ tay chộp một cái là được mấy con. Dân ở đây buổi chiều muốn ngồi chơi phải làm một cái mẻ un để khói xua bớt muỗi đi. Bà chủ nhà rất ít khi ngồi hóng mát vì cộng sổ sách, kiểm tiền bạc buôn bán trong ngày xong thì đã tám chín giờ đêm. Tiệm “chạp phô” của chồng bà tuy không lớn lắm nhưng cũng có hạng trong khu chợ vàm nầy. Từ ngày lấy ông tới giờ bà luôn được ông tin tưởng giao quản lý tiền bạc, gia sản. Tuy ở với nhau gần bốn năm chưa được mụn con nào, ông vẫn quí yêu bà như ngày mới cưới. Bà vốn gái miệt vườn lại đang tuổi hồi xuân nên nhan sắc càng mặn mòi, quyến rũ.
Chiều nay, bà ăn cơm xong trước, tắm rửa, thay bộ đồ lụa trắng ra hiên ngồi đợi ông. Bà ngả người nằm dài trên ghế bố thoải mái hít thở khí chiều, hai chân dũi dài trên chiếc ghế đẩu thấp nhỏ. Đúng lệ con cóc từ hang chui ra. Nó cần mẫn bắt muỗi tiến dần về phía bà. Con cóc nhảy qua mặt bà tiến về phía sân. Bà chăm chú nhìn từng động tác chờ, rình, vội vã đớp của con cóc một cách say mê. Ông ra đến chỗ bà ngồi. Bà đẩy chiếc ghế đẩu về phía ông ra hiệu ngồi xuống. Ông ngồi xuống bắt chéo chân xỉa răng. Mắt bà vẫn không rời con cóc. Bỗng bà phá lên cười hăng hắc, cười đắc chí, cười thích thú làm ông phải quay lại nhìn. Bà như rạng rỡ hẳn lên trong tiếng cười, đôi môi mòng mọng, đỏ thẩm mở to phơi những chiếc răng trắng ngà đều đặn. Ông rất yêu cái miệng của bà. Bà không giống những người phụ nữ trong vùng thương ăn trầu từ khi bắt đầu búi tóc làm hàm răng đen nhẻm, môi đỏ màu cổ trầu trông già cỗi. Ông chợt phát hiện ra đôi mắt to nằm dưới đôi mày vòng nguyệt của bà ánh lên vẻ vui thích ma quái kỳ lạ. Ông buột miệng hỏi:
- Con cóc có gì mà mình vui vậy?
Bà cười nghiêng ngả như bị ma nhập một lúc nữa rồi mới đáp:
- Mình có muốn nghe chuyện xưa của tôi không?
- Cưới mình đến nay có bao giờ mình nói chuyện xưa cho tôi nghe đâu. Mình muốn kể cũng được.
- Tôi kể, mình nghe rồi phải bỏ. Cũng vì muốn lấy mình mà tôi...
... Ba ngày sau chị Hai quay lại mảnh đất giữa rừng đó. Anh Hai không tháo được dây trói và cũng không còn sức để tháo nữa. Anh chúi người về trước chịu cả thân người lên hai đùi, ngồi chồm chổm như vậy để cúi xuống cần mẫn liếm những giọt sương đọng trên lá cỏ. Thấy chị, đến ánh mắt không còn thần sắc rực sáng lên nhìn chị van lơn. Từ miệng anh mấy từ lào thào không rõ nghĩa tuôn ra. Chị nhìn xoáy vào anh, rồi nhếch cười, bảo:
- Đó là tại mình ép tôi. Mình đừng trách tôi nghe !
Chị quay lưng bỏ đi với tiếng cười hăng hắc như chim khách ăn đêm. Hơi sức còn lại trong anh bật thành tiếng:
- Mình... ình... đừ...ừng... Mình...ơ.. ơi... !
Chỉ có tràm xanh vọng lại u u mấy âm thanh vô vọng...
... Bà chỉ vào con cóc, lại cười thích thú:
- Tôi thấy con cóc kia thè lưỡi bắt muỗi giống y như ông ấy lúc thè lưỡi liếm sương. Tức cười quá! Ha... ha...! Bấy lâu mình cứ tưởng chồng cũ của tôi theo vợ bé bỏ tôi lại giữa rừng, chứ mình đâu có biết tôi...
Dường như từ trong sâu thẳm cõi lòng của bà, điều bí mật ghê rợn bị cất giữ quá lâu nên được dịp tuôn ra không ngừng được. Ánh mắt bà sáng rực ma quái, từ cái miệng xinh xinh há ra, tuôn không ngừng những tiếng cười hắc hắc. Ông rợn người bất giác đứng bật dậy, chạy trối chết như khi con người nhìn thấy một con cọp đang khoái trá gặm thịt đồng loại của mình.
Bà ngơ ngác nhìn theo, ròi quay lại nhìn con cóc. Con cóc đang ngồi chỗm chệ bỗng ngẩng đầu lên nhìn bà bằng đôi mắt thồ lộ. Bà như bị hút vào đôi mắt trợn tròn đỏ độc như ngọn đèn cóc giữa rừng khuya. Từ cổ họng con vật phát ra âm thanh như tiếng nghiến răng căm hận của một người bị kẻ thù dồn vào đường chết mà không có cách chống trả. Con cóc chồm hổm theo tư thế trời cho nhảy từng bước thẳng về phía bà. Bà kinh hãi rú lên:
 - Cứu tôi với! Làng xóm ơi, giết người....! Giết người !
… Chợ vàm Chắc Băng mấy năm nay xuất hiện một bà điên. Dưới mái tóc rối bù dơ bẩn có một đôi mắt đen ẩn dưới đôi lông mày vòng nguyệt. Đôi mắt ấy lúc sáng hoắc, lúc đờ đẫn. Bà điên khi cười, khi khóc, lang thang khắp chợ, ai cho gì ăn nấy, đụng đâu ngủ đó. Bà ta có cách ăn rất kỳ quái:  bỏ thức ăn xuống đất, ngồi chồm chỗm, thè lưỡi liếm như con cóc rồi mới ăn. Dân chợ vàm thường kể ông chủ tiệm chạp phô bỏ ra tỉnh lấy vợ Ba Tàu. Họ kể với nhau…
... Sáu năm sau, một gia đình đi khẩn đất khám phá một mảnh đất hoang sậy mọc um tùm. Trên gò cao dưới gốc một cây tràm thật lớn, họ thấy một bộ xương người với bộ dạng co ro của một con cóc chuẩn bị đớp mồi. Trên bộ xương có một sợi dây da trâu vẫn còn khá chắc. Họ đào một lỗ trên gò chôn bộ xương rồi cùng nhau chặt dọn miếng đất lấy chỗ làm ruộng./.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 195

Return to top