Làng Vĩnh Hòa Đông
Nguyễn Thị Diệp Mai
Có dân quần cư thành thôn từ thế kỷ XVII, nằm hiền hòa bên bờ kinh Tà Niên, làng Vĩnh Hòa Đông thuộc tổng Kiên Định, huyện Kiên Giang xưa, trấn Hà Tiên được xem nơi ghi dấu ấn lịch sử bi hùng của vùng đất Kiên Giang.
Vào thế kỷ XVI - XVII, trên vùng đất Tây Nam bộ hiện nay đã có người Việt cư trú cùng với tộc người Khmer. Trước năm 1708, Mạc Cửu đã tập hợp được 7 tụ điểm dân cư mà Gia Định Thành Thông chí ghi là 7 xã, thôn: Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau, riêng Hà Tiên là thủ phủ của Mạc Cửu. Hiện nay chỉ còn 4 địa danh nằm trên đất nước Việt Nam là Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau và Hà Tiên. Mùa thu, tháng 8 năm Mậu Tý (1708), Mạc Cửu dâng biểu xưng thần đem vùng đất nầy chính thực xáp nhập vào Việt Nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp nhận, đặt thành một đơn vị hành chánh cấp Trấn và đặt tên là Trấn Hà Tiên. Mãi cho đến năm 1739, Mạc Thiên Tích (con của Mạc Cửu) thành lập thêm 4 huyện Kiên Giang (Rạch Giá), huyện Long Xuyên (Cà Mau), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu) thuộc trấn Hà Tiên. Vua Minh Mạng lên ngôi dần dần thực hiện chế độ trung ương tập quyền. Năm 1825, trấn Hà Tiên còn gồm hai huyện Kiên Giang, Long Xuyên và một số xã, thôn trực thuộc thẳng trấn (Theo sách Gia Định thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi chép - Dẫn theo Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu).
Làng Vĩnh Hòa Đông thuộc tổng Kiên Định, huyện Kiên Giang vốn là thôn Vĩnh Hòa Đông xưa(1). Làng được xem nơi ghi dấu ấn lịch sử bi hùng thế kỷ XIX của vùng đất Kiên Giang. Trước đây vùng này dân cư còn thưa thớt, chưa có người khai phá nhiều. Đình làng(2) được xây dựng để thờ thần hoàng bổn cảnh và người có công chiêu dân khai mở thôn là ông Ngô Quyền Hóa. Làng là nơi ghi dấu chứng tích của cuộc chiến cuối cùng của Thự quản cơ Nguyễn Hiền Điều, là căn cứ địa của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm 1868, có mộ của Lâm Quang Ky - phó tướng của Nguyễn Trung Trực. Làng còn nổi tiếng bởi nghề dệt chiếu Tà Niên.
Tháng 6 năm Quý Tỵ (1833) không chịu nổi ách thống trị hà khắc của Minh Mạng, Lê Văn Khôi khởi nghĩa, được nhân dân vùng lục tỉnh nhiệt liệt hưỡng ứng. Ngay sau đó, trước sức mạnh của quân đội tiễu phạt của triều đình, Khôi đã đi cầu viện vua Xiêm, vì vậy quân Xiêm có cớ xâm lược nước ta. Tháng 11 năm 1833 quân Xiêm do tướng Chất Tri (Phi Nha Chakkri) chỉ huy, chia làm 5 đạo và hơn 100 chiến thuyền tràn vào đánh chiếm ngay Hà Tiên, xông thẳng vào nội địa nước ta. Lúc này, nhiệm vụ chống ngoại xâm được để lên hàng đầu, nhân dân lục tỉnh không ủng hộ Khôi nữa, mà cùng với quân đội triều đình ra sức đánh quân xâm lược.
Tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834) giặc Xiêm phải rút chạy về nước. Trong bối cảnh lịch sử rối ren, phức tạp như vậy, một bộ phận tộc người Khmer ở Kiên Giang do bị xúi giục nổi dậy xô xát, chia rẽ với tộc người Việt, chống lại chính quyền đương thời làm tổn hại đến cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó có cả họ. Để bảo vệ đất nước, việc chính quyền phong kiến Việt Nam tiến hành trấn dẹp các cuộc xô xát là điều cần thiết. Triều đình đặc phái Nguyễn Hiền Điều về vùng Tà Niên để ổn định tình hình. Nguyễn Hiền Điều (Nguyễn Văn Điều) sinh ở Đông Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1834 giữ chức Thự Quản Cơ (tức là quyền quản cơ ) tỉnh Vĩnh Long. Nguyễn Hiền Điều lãnh nhiệm vụ dẹp loạn. Ông thì nóng lòng thực hiện sứ mệnh của mình. Trong đêm khuya ông cùng một số người tùy tùng đi thám sát tại rạch So Đũa. Bị phiến quân phát hiện, do việc phối hợp các lực lượng không chặt chẽ, viện binh chưa tới kịp, dù có sự chênh lệch lực lượng rất lớn ông và quân lính chiến đấu rất anh dũng đến chiều ngày hôm sau, lâm vào cảnh thế cô, sức yếu ông đã bị trọng thương. Theo truyền thuyết khi về đến giếng Cây Trâm (cách đình làng Vĩnh Hòa Đông khaỏng 2km) thì chỉ còn lại một vệ sĩ và ông. Ông để người vệ sĩ canh miệng giếng còn ông trèo xuống giếng uống nước. Phiến quân truy đuổi đến nơi, người vệ sĩ chống trả quyết liệt và bị đâm chết. Ông từ dưới giếng ngoi lên vì bất ngờ nên bị đâm một dao vào bụng, ruột thòi ra ngoài. Ông bứt lá môn mọc trên miệng giếng bọc lại, lấy thắt lưng cột chặt và tiếp tục chiến đấu. Đến khi không còn sức chống đỡ, để khỏi sa vào tay phiến quân, ông đâm vào cổ tự sát tại bờ giếng Cây Trâm, lúc ấy vào chiều ngày 13 tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834). Phiến quân cắt đầu ông về treo tại vàm rạch ngã ba So Đũa. Theo lời kể của các hương lão, dân thôn Vĩnh Hoà Đông bí mật tổ chức lấy đầu lâu của Phó Cơ Nguyễn Hiền Điều do người Khmer cất giấu ở một chùa tại So Đũa về thờ tại đình làng và tôn ông làm chính thần. Theo Đại Nam nhất thống chí ghi: "Đền Phó Cơ Nguyễn Hiền Điều ở xã Vân Tập huyện Kiên Giang. Thự Phó Cơ Vĩnh Long Nguyễn Hiền Điều theo việc bắt giặc, chết trận, tặng Phó Cơ thường tỏ linh ứng, năm Thiệu Trị thứ hai (1842), người địa phương lập đền thờ". Nguyễn Hiền Điều là người có công với dân tộc, với đất nước.
Nguyễn Trung Trực là vị anh hùng dân tộc đã lập nên hai chiến công vang dội: đánh chiếm đồn Kiên Giang và đốt cháy chiến tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo. Ông sinh năm 1838 ở Nhật Bình, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), tên thật là Nguyễn Văn Lịch, xuất thân từ nghề chài lưới, lúc vào lính nằm trong hệ thống lính đồn điền của quan Kinh Lược Nguyễn Tri Phương. Khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, Nguyễn Trung Trực tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Trương Định năm 1861. Cuối năm 1862, ông ra Huế nhận chức Quản Cơ Lãnh Binh Bình Thuận, tị địa của triều đình Huế. Sau đó, ông về Hà Tiên nhận chức Thành Thủ Úy (một chức võ quan). Ngày 24-6-1867, Pháp chiếm Hà Tiên. Nguyễn Trung Trực không chấp hành lệnh điều ra Bình Thuận mà ở lại Hòn Chông. Sau khi Nguyễn Trung Trực chuyển nghĩa quân về hoạt động tại tỉnh Hà Tiên, ông lấy vùng Tà Niên làm căn cứ chuẩn bị cho việc đánh chiếm thành Rạch Giá. Người dân trong vùng tham gia rất đông. Một năm sau ông đánh chiếm đồn Kiên Giang (ngày 16-6-1868). Sau khi Nguyễn Trung Trực bị bắt và xử chém tại Rạch Giá, người dân Tà Niên bí mật thờ ông ở đình. Sau đó thờ thêm phó tướng của ông là Lâm Quang Ky.
Sau khi quân Nguyễn Trung Trực hạ thành Rạch Giá, quân Pháp điều quân từ Vĩnh Long xuống bao vây để chiếm lại thành. Nghĩa quân thế cô lực ít không giữ thành nổi. Trong tình thế ngặc nghèo, Lâm Quang Ky cùng một số nghĩa quân cảm tử tự nguyện ở lại cầm chân giặc để Nguyễn Trung Trực rút lực lượng chính về Hòn Chông. Lâm Quang Ky mặc chiến bào của chủ tướng, cầm cờ lệnh cố tình chiến đầu kéo dài thời gian. Cuối cùng quân Pháp bắt được ông cùng sáu người khác. Chúng đinh ninh ông là Nguyễn Trung Trực nên không truy đuổi theo cánh quân rút về Hòn Chông. Mấy ngày sau tên cai đội Lượm biết mặt Nguyễn Trung Trực bèn báo cho quân Pháp. Tên chỉ huy quân Pháp tức giận đem ông và sáu người kia ra xử chém tại chợ Rạch Giá không cần xét xử. Hiện nay dòng họ Lâm ở Vĩnh Hòa Đông vẫn còn giữ một mảnh vải mà theo lời kể của người giữ đó là vạt áo của Lâm Quang Ky cắt đứt khi người vợ trẻ níu áo van xin ông đừng đi nhận cái chết thay cho chủ tướng. Người dân Nam bộ tôn vinh sự hy sinh của Lâm Quang Ky là hành động của "Lê Lai cứu chúa".
Cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực tuy bị dập tắc nhưng tinh thần bất khuất của ông đã để lại cho con cháu đời sau câu tuyên ngôn bất hủ "Bao giờ nhổ kết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây" và hai chiến công oanh liệt :
"Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần"
(Huỳnh Mẫn Đạt)
Đình làng Vĩnh Hòa Đông còn lưu giữ 1 bản sắc phong đề "Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị chi cửu nhật" (Ngày 18 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5); 1 bản hương ước của làng Vĩnh Hòa Đông viết vào năm 1853, bằng chữ Hán gồm 3 chương được viết trên vải lụa. Đây được xem như báu vật của làng được truyền giữ rất cẩn thận, chỉ có ngày lễ tế thần mới rước về, đọc cho dân chúng đến dự lễ nghe. Làng Vĩnh Hòa Đông không chỉ nổi tiếng bởi lịch sử bi hùng mà còn nổi tiếng bởi nghề dệt chiếu Tà Niên, nhất là loại chiếu dệt lẫy hoa thì càng sắc sảo. Trước năm 1880, chưa có kinh Ông Hiển từ Rạch Giá đổ ra sông Cái Bé, hai bên rạch là những bãi bùn chạy dài vô tận, mọc đầy dẫy loại lát gon (cói). Rạch Tà Niên nằm bên hữu ngạn con sông Cái Bé nổi tiếng về nghề dệt chiếu. Người Khmer gọi Crò-tiêl. Crò-tiêl là chiếu dệt bằng lác (cói). Có phải từ Crò-tiêl người Kinh phát âm trại thành Tà Niên. Thời phong kiến triều Nguyễn, là một xóm gồm người Việt cùng người Khmer chuyên sống nghề dệt chiếu, làm nổi danh "chiếu Tà Niên".
Tương truyền trước lúc Pháp đến đô hộ, chiếu ở đây chưa có lẫy hoa, chưa có nhuộm giang thành màu sắc như bây giờ. Chiếu dệt tuy sắc sảo nhưng vẫn mình trắng ngà bởi màu lát khô mà thôi. Truyền thuyết về chữ "THỌ" màu đỏ trên mặt chiếc chiếu Tà Niên được kể lại như sau : Vào buổi sáng ngày 27-10- 1868, nhân dân Tà Niên và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá, vì bọn thực dân Pháp đem cụ Nguyễn Trung Trực ra hành quyết. Cụ yêu cầu chúng mở trói và không bịt mắt để Cụ nhìn đồng bào và quê hương trước phút "ra đi". Bô lão làng Tà Niên đến vĩnh biệt Cụ, trải xuống đất một chiếc chiếu thật đẹp cho Cụ bước đứng giữa. Cụ hiên ngang, dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và từ giã đồng bào… Chiếc đầu của Cụ rụng xuống, hai tay Cụ đưa lên đỡ lấy, người cứ đứng vững như một trụ đồng. Máu từ cổ của Cụ phun ra thành vòi rơi xuống mặt chiếc chiếu Tà Niên tinh khiết thành hình một chữ THỌ lớn tựa mặt trời giữa áng mây… Dân Tà Niên mang chiếc chiếu kia về thờ và nghề dệt chiếu ở đây bắt đầu nhuộm giang lẫy hoa hình chữ Thọ như chiếu bông Tà Niên ngày nay. Chiếu Tà Niên đã đoạt nhiều huy chương vàng qua những cuộc đấu xảo thời thuộc Pháp : tham dự hội chợ Hà Nội lần đầu tiên năm 1918 - 1922 - 1923, hội chợ Sài Gòn năm 1926, hội chợ Marseille năm 1933, hội chợ Cần Thơ năm 1936(2). Và ngày nay chiếu Tà Niên cũng vẫn là mặt hàng nổi tiếng của Kiên Giang.
Làng Vĩnh Hòa Đông phát triển từ lúc con kinh Ông Hiển được khai thông (1883), nhà lồng kiên cố được xây dựng, phố xá dày đặc, sầm uất ở bốn đầu doi ngã tư. Thời kháng chiến chống Pháp, vào ngày 21-8- 1948 xảy ra một cuộc thảm sát ở đây do đội biệt kích của tên Việt gian Bảy Tiểu (Hà Mỹ Xuân) sát hại, có 177 người chết và hàng chục người bị thương, kể cả người già và trẻ em. Nợ máu bi thương thương đó một lần nữa khắc lên mảnh đất Vĩnh Hòa Đông, khiến người dân nơi đây càng kiên cường, càng tự hào hơn về làng của mình. Cũng tại làng, ngày 19-7-1958, nữ anh hùng lực lượng vũ trang Trần Quang Mẫn đã dùng dao hạ sát tên Tỉnh đoàn trưởng đoàn bảo an Lâm Quang Phòng. Tên Lâm Quang Phòng khét tiếng ác ôn, gây nhiều nợ máu với đồng bào vùng U Minh. Tỉnh ủy Rạch Giá chỉ đạo chị Mẫn cùng một tổ đặc công tìm cách diệt hắn. Nhận nhiệm vụ chị đã trà trộn vào nhà cô ruột của tên Phòng (ngôi nhà nầy cách đình làng khoảng 200m), chọn thời cơ hạ sát hắn. Không may tên Phòng chỉ trọng thương chị bị địch bắt. Sau vụ việc trên những tên tề điệp ác ôn co vòi không dám lộng hành như trước nữa. Thời kỳ đó báo chí trong ngoài nước rầm rộ với hàng loạt bài "Nữ thần hạ sát Lâm tướng quân". Người làng Vĩnh Hòa Đông truyền tụng mãi hành động anh hùng của chị Mười Mẫn. Người đến viếng làng thường hay được dân làng chỉ cho ngôi nhà nơi xảy ra trận chiến của người nữ chiến sĩ cách mạng gan dạ dám một mình vào tận hang ổ kẻ thù trừng trị tên cầm đầu mang nhiều tội với dân.
Làng Vĩnh Hòa Đông vẫn yên bình bên bờ rạch Tà Niên, với những phố chợ sầm uất, với nghề dệt chiếu Tà Niên truyền thống truyền từ đời nầy sang đời khác. Để rồi đến ngày rằm tháng Giêng hàng năm, dân chung vùng cùng người tứ phương vùng lục tỉnh xưa náo nức kéo nhau về đình làng tế lễ. Các bô lão lại kể cho con cháu nghe lịch sử bi hùng của làng, kể bằng lòng tự hào của làng quê đang từng ngày đổi mới mà nét văn hóa của làng không bao giờ mất đi./.
Chú thích
(1) - Ngày nay làng thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp - huyện Châu Thành - Kiên Giang.
(2) - Ngày nay tên đình được ghi "Đình thần xã Vĩnh Hòa Hiệp"
NGUYỄN THỊ DIỆP MAI