Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Văn Việt Nam >> Ngư Tiều Y thuật Vấn Đáp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13686 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngư Tiều Y thuật Vấn Đáp
Nguyễn Đình Chiểu

Trang 7


2515- Ngư rằng : Xin hỏi tiểu nhi.
Một hai ba tuổi mạch đi chưa đầy.
Đau thời coi Hổ khẩu tay,
Trong ngón thực chỉ vằn bày chứng cai.
Phép coi hữu gái, tả trai,
Ngón trỏ ba lóng chia bày ba quan.
Lóng gốc làm ải phong quan,
Lóng nhì ải khí, ba bàn mệnh quan.
Vằn xanh ngang thẳng gió can,
Vắn điều đỏ ấy nóng ran trong mình.
2525- Vằn xanh đỏ loạn, chứng kinh,
Vằn hồng nhợt nhạt, ấm mình bụng đau.
Vằn còn lóng gốc trị mau,
Vằn qua lóng giữa bệnh lâu hơi tà.
Vằn to chạy tới ải ba,
2530- Bắn lên trảo giáp, ấy là chứng nguy.
Vằn đen như mực loạn bì,
Xâm vào ba ải, lương y chạy rồi.
Phép coi chừng ấy mà thôi,
Còn phương nào nữa vốn tôi chưa rành.
2535- Môn rằng : Con nít mới sinh,
Máu hơi chưa đủ, mạch hình khó coi.
Giáp năm có biến chưng rồi,
Gân xương mạch lạc lần hồi mở ra.
Nhân Sư rành trị nhi khoa,
2540- Trước coi khí sắc, sau là mạch kinh.
Tướng xem trên huyệt Tình minh,
Thấy trong tạng phủ bệnh tình vạy ngay.
Mạch thời chẩn một ngón tay,
Chuyên coi một mạch Sác rày có không.
2345- Sác cùng chẳng sác coi ròng,
Sác nhiều thời nhiệt, Sác không thời hàn.
Sác trong Phù, ấy phong truyền,
Sác trong Trầm, Hoãn, thấp hàn chứng pha.
Sác trong thấy Sắc bệnh tà,
2550- Sác trong thấy Hoạt, ấy là đàm lung.
Phép coi chừng ấy cũng xong,
Chẳng còn bộ vị ngoài trong nhộn nhàng.


      LXXXVII.- Tướng tiểu nhi bí pháp ca.
      Trung chính tình minh huyệt tại tỷ
      Thượng mục chuỷ hoành giao xứ
      (bài ca về phương pháp bí truyền xem bệnh trẻ con.
      Chỗ chính giữa huyệt Tình minh trên mũi,
      nơi hai đầu mắt giao nhau)
      Dịch nghĩa :
      Nơi đầu sống mũi, chỗ hai mắt giao nhau,
      Chính là huyệt Tình minh, xem cho kỹ càng.
      Sắc đỏ thuộc tim (tâm), sắc trắng thuộc phổi (phế),
      Sắc vàng thuộc lá lách (tỳ), sắc xanh thuộc gan (can),
      Sắc đen thuộc thận, nên phân biệt rõ;
      Hoặc chạy ngang, hoặc chạy dọc, đó là những đường gân.
      Gân đỏ hiện lên, đó là bệnh tâm nhiệt,
      Gân xanh nổi, đó là bệnh phong (can phong),
      Gân vàng phần nhiều là bệnh tỳ vị,
      Gân đờm là đờm tích tụ lại, gân đen là bị lạnh.
      Gân chạy dọc là bệnh từ dưới lên, chạy ngang là bệnh từ trên xuống.
      Manh mối của căn bệnh bộc lộ ở chỗ đó.
      LXXXVIII.- Tiểu nhi mạch ca
      (Bài ca về mạch trẻ con)
      Dịch nghĩa :
      Trẻ con có bệnh phải xem mạch,
      Một ngón tay ấn ba bộ mạch, giữ hơi thở cho điều hoà.
      Mạch đi Trì là lạnh, đi Sác là nóng; xưa nay vẫn truyền,
      Đi Phù là bệnh phong, đi Trầm là bệnh tích; nên biết như thế.
      Huyệt Nhân nghênh tay trái chủ chứng ngoài,
      Huyệt Khí khẩu tay phải chủ bệnh trong.
      Ngoài thì xem các chứng phong, hàn, thử, thấp.
      Trong thì xem ăn và bú bị đờm tích không trôi.
      Mạch đi Hồng và Khẩn, không có mồ hôi là bệnh thương hàn,
      Đi Phù và Hoãn, có mồ hôi là bệnh thương phong,
      Đi Phù và Hồng, phần lớn là bị bệnh phong nhiệt,
      Đi Trầm và Tế là cơm sữa không tiêu,
      Đi Trầm và Khẩn là trong bụng đau không ngớt,
      Đi Huyền và Khẩn là bị đau trong cổ họng,
      Đi Khẩn và Xúc là sắp lên sởi, đậu,
      Đi Khẩn và Sác là bệnh kinh phong,
      Đi Hư và Nhuyễn là bị mạn kinh, co giật nhẹ,
      Đi Khẩn và Thực là bị phong giản, co giật gấp,
      Đi Nhuyễn và Tế là bị chứng cam và giun sán.
      Đi Lao và Thực là bị bí đại tiện và tiểu tiện,
      Đi Khâu thì đại tiểu tiện có máu,
      Đi Hư và Nhu thì bị bệnh khí và chứng giật mình,
      Đi Hoạt là bị lạnh, cảm sương, cảmnắng,
      Đi Huyền và Cấp là bị "phải vía".
      Mạch lớn nhỏ không đều là mạch xấu,
      Trong một hơi thở đến hai lần là thoát, ba lần là thốt,
      Bốn lần là tổn, năm lần gọi là hư,
      Sáu lần là bình thường, gọi là không bệnh,
      Đến bảy, tám lần bệnh còn nhẹ,
      Đến chín mười lần là bệnh đã nặng, sốt dữ,
      Đến mười một, mười hai lần thì chắc là chết.
      Phép này xem cả vạn lần không sai một.

Ngư rằng : Sách gọi thuần dương,
Về phần con nít bệnh thường nhiệt dâm,
2555- Đã thuần dương vô âm,
Sao còn phát lãnh trầm trầm cớ chi ?
Môn rằng : Tạo hóa máy đi,
Âm dương nghĩa kín mấy suy đặng rành,
Chữ âm ấy thật âm tinh,
2560- Âm tinh đâu có trong mình tiểu nhi.
Chừng nào thiên quý đến kỳ,
Tinh thông mới đặng sánh nghì dương âm.
Sách rằng thuần dương vô âm.
Thật câu chữ luận tinh âm chưa đầy.
2565- Ấy nên bệnh trẻ thơ ngây,
So cùng người lớn chỗ gây chẳng đồng,
Bảy tình vốn chẳng hại trong,
Sáu dâm ngoại cảm cũng không luận tà.
Một mai có bệnh chẳng qua,
2570- Kinh, cam, thổ, tả, tích hoà trường đông.
Cảm thời hàn, nhiệt, thử, phong,
Ngoại khoa : đậu chẩn, sang cùng đơn ban.
Vốn không tạp bệnh nhộn nhàng,
Có mười lăm chứng nguy nàn dễ coi.
2575- Tử, sinh ngoài đã lố mòi,
Nào chờ chẩn mạch hợp coi quẻ dò.


      LXXXIX.- Tiểu nhi nguy chứng thập ngũ hậu
      (Mười lăm chứng nguy ở trẻ con)
      Dịch nghĩa :
      Trên mi mắt nổi tia đỏ,
      Tia đỏ chạy suốt cả con ngươi,
      Mỏ ác sưng phù lên,
      Kể cả có khi trũng xuống,
      Mũi khô đen xạm,
      Bụng to nổi gân xanh,
      Mắt thường trợn ngược,
      Nhìn không chuyển con ngươi,
      Móng chân, móng tay đen,
      Đột nhiên mất tiếng,
      Lưỡi thè ra ngoài miệng,
      Nghiến răng, cắn người khác,
      Thở gấp, miệng ngáp như cá,
      Khóc không ra tiếng,
      Giun quài ra mồm, mũi,
      Ấy đều là những chứng chết.
      Dù cho dùng thuốc cứu ngay,
      Thì mười đứa cũng chết cả mười,

Tiểu nhi phát nhiệt trong mình,
Có mười sáu chứng trọng khinh khác thường,
Tuy rằng bệnh chứng nhiều phương,
2580- Chẳng qua hư thực hai đường ấy thôi.
Chứng hư, chứng thực xét coi,
Sách đà rõ luận hẳn hòi chẳng sai.
Cho hay mười bệnh anh hài,
Chín hư một thực gái trai đều còn.
1585- Ví như đầu tháng trăng non,
Lòng gương mới tượng, rạng tròn chưa ra.
Nên xưa làm thuốc nhi khoa,
Bổ nhiều, tả ít, theo tà thực hư,
Cảm ơn liệt vị tổ sư,
2590- Tấm lòng hoạt ấu nhân từ biết bao.
Chế ra làm tễ sẵn trao,
Bệnh nào thuốc nấy, uống vào thấy hay.
E sau thế tục nhiều thầy,
Chẳng thông y thuật hại bầy tiểu sinh.
2595- Hỡi ôi học đạo Kỳ Huỳnh (Hoàng),
Mấy ai trị bệnh thẩm tình thực hư.
Xin coi phương sẵn Nhân Sư,
Đỡ cơn bệnh rộn tầm tư nhọc lòng.
Sau rồi rõ chước biến thông,
2600-Máy huyền phép diệu dù lòng sử đương.


      XC.- Tiểu nhi bệnh chứng dụng dược ca
      (Bài ca về việc dùng thuốc chữa bệnh trẻ con)
      Dịch nghĩa :
      Nghề y đã có riêng một khoa chữa bệnh trẻ con,
      Phải nhớ kẻo khi cần không biết làm thế nào.
      Sài giật, phát nóng cùng là ho có đờm,
      Bảo mệnh đơn nhất thiết phải cho uống.
      Cấp kinh, mạn kinh, hai chứng ấy phải dùng Tử kim đĩnh.
      Sởi đậu chưa mọc, phải dùng thang Trợ vị,
      Môi miệng bị lở, nên dùng thang Hóa độc.
      Sốt liên miên, nên dùng Bảo long tinh tinh tán.
      Nôn mửa, phần nhiều nên dùng Thiên châm hoàn.
      Các chứng cam thường nên dùng Lô hội.
      Các thầy thuốc nên nhớ, khỏi phải tìm tòi.

Lối này Ngư nói với Tiều :
Bấy lâu học hữu nghe nhiều phương hay.
Phận ta gặp bạn còn may,
Nhân Sư kết bạn lại hay dường nào.
2605- Bạn thầy tài đức bậc nào,
Thầy theo chơi muộn, biết bao giờ về.

Môn rằng : chẳng những tài nghề,
Bạn thầy như ngọc chương khuê đức tuyền.
Ngươi, ta mong học hy hiền,
2610- Thầy ta hy thánh, bạn nguyền hy thiên.
Bạn thầy mong học hy thiên,
Có nghe tên họ, đời truyền hai ông.
Hiệu xưng rằng Hưởng Thanh Phong,
Rằng Ảnh Minh Nguyệt, hai ông bạn thầy,
2615- Thanh Phong cầm tiết chẳng day,
Bụi nhơ chẳng chút, so tày giá trong.
Lấy lòng tạo hoá làm lòng,
Cho người nghe tiếng khó mong thấy hình.
Thanh Phong vốn đã sạch mình,
2620- Lại thêm Minh Nguyệt tài lành thú cao.
Tốt thay Minh Nguyệt thú cao,
Đường trong trời đất chỗ nào chẳng thông,
Lòng gương soi khắp non sông,
Đêm thanh cảnh vắng bạn cùng văn nhân,
2625- Hai ông khí tượng tinh thần,
Một người một vẻ, mười phân rõ ràng.
Ở theo một bậc thanh nhàn,
Lành trau đạo vị chẳng mang lụy đời.
Thầy ta thường bữa ngâm chơi,
2630- Khen hai ông ấy có lời thơ hay :


      XCI.- Hưởng Thanh Phong tự ngâm
      (Nhập Môn tụng truyền)
      Tiếng ra đời bụi chẳng nhơ mình,
      Người triết yêu ta một chữ thanh.
      Nhẹ thổi chòi trời tan tiếng oán,
      Sạch nồng đãy đất giúp hơi sinh.
      Êm lòng Sào, Hứa chơi khe biếc,
      Mát mặt Di, Tề ngó núi xanh.
      Ba chục sáu cung đâu chẳng biết,
      Đức làm quân tử đặng thơm danh.
      XCII. Ảnh Minh Nguyệt tự ngâm
      (Nhập Môn tụng truyền)
      Khỏi vòng hối thực thấy ra mình,
      Đời tối trông ta một chữ minh.
      Bóng thỏ ven mây lồng đất trắng,
      Gương thiềm đáy nước vẽ trời xanh,
      Ra vào chẳng nhọc người dong bước,
      Tròn méo nào cho vật giấu hình.
      Hai chục tám sao đều chạy mặt,
      Theo thời biết mấy lúc hư dinh (doanh).

Nhập Môn đọc mới dứt lời,
Phút đâu có khách tới chơi nói dồn.
Khách rằng : Nghe tiếng người đồn,
Chúa Liêu khiến sứ tới môn Đan Kỳ.
2635- Sứ đem lễ rước Nhân Sư,
Về Liêu làm chức Thái y trong toà.
Nhân Sư xưng bệnh chẳng ra,
Chưa hay xưng bệnh ấy là bệnh chi.
Nhập Môn nghe nói sợ nghi,
2640- Vội vàng ngày ấy liền đi thăm thầy.
Ngư, Tiều sắm lễ học thầy,
Đều theo Đường thị lối này đem đi,
Ba người lên chốn Đan Kỳ,
Gió nam riu thổi, vừa khi nắng chiều.
2645- Trời tây cảnh vật buồn hiu,
Hồ sen ngút toả, non Kiều mây bay.
Nơi nơi tang giá bóng day,
Canh lui dặm liễu, mục quày đường lê.
Ngày chiều nhả bức hồng nghê,
2650- Hươu vào động núi, hạc về đình xưa.
Ba người tới cửa vừa ưa,
Thấy người Đạo Dẫn đứng ngừa trước sân.
Cùng nhau gặp mặt chào mừng,
Đem vào tịnh thất vừa chừng hoàng hôn.
2655- Ngư, Tiều cùng gã Nhập Môn,
Một đêm han hỏi chuyên tôn sư dài.

Dẫn rằng : Việc chẳng khá nài,
Nhân Sư bệnh, ở Thiên Thai lánh người.
Dạy ta thay mặt, đổi lời,
2660- Về đây từ tạ sứ vời Tây Liêu.
Thầy ta chẳng khứng sĩ Liêu,
Xông hai con mắt bỏ liều cho đui.
Gặp cơn trời tối thà đui,
Khỏi gai con mắt, lại nuôi tấm lòng.
2665- Nhập Môn nghe nói não nùng,
Trách rằng Minh Nguyệt, Thanh Phong phụ thầy.
Hai ông đã chẳng khuyên thầy,
Phần ngươi sao nỡ để vầy, không can.
Vả xưa lắm kẻ từ quan,
2670- Ai từng ở ẩn lại mang tật sầu.
Di, Tề chẳng khứng giúp Châu (Chu).
Ăn rau non Thú phải âu trọn mình.
Thà như Quỷ Cốc tiên sinh,
Gặp đời Chiến quốc thanh danh chẳng sờn.
2675- Thà như bốn lão Thương Sơn,
Hồng bay phụng lánh, ai ràng buộc đâu.
Thà như hai họ Nghiêm, Châu,
Chẳng tham lộc Hán, cày câu mặc tình.
Thà như Ngũ Liễu tiên sinh,
2680- Gặp cơn Tấn loạn giữ mình cũng xong.
Họ Đào Tể tướng sơn trung,
Chúa Lương khuất lễ mới dùng đặng va.
Họ Vương dạy học Phần Hà,
Buổi Tuỳ không đạo, ở nhà cũng hay,
2685- Trúc Lâm là bọn đắm say,
Nước loàn bầu rượu còn hay che mình,
Rong chơi là bọn Lan đình,
Bụi Hồ chẳng đến nhơ hình chiếc ghe.
Sách nêu xử sĩ nhiều phe,
2690- Hành tàng hai chữ ít nghe phụ lòng.
Vòng danh, xiềng lợi, thả dong,
Vật ngoài gió bụi, người trong tiên thần.
Thôi thời thôi vậy đành phần,
Làm chi cho khổ tấm thân mới từ,
2695- Nghĩ nay khác thuở Yêu Ly,
Phòng toan khổ nhục kế kỳ trừ hung,
Há lo tiếng nhạc khó thông,
Như ông Sư Khoáng mà xông mắt mù.
Hỡi ôi tạo vật ở đâu,
2700- Nỡ xui thầy mỗ chịu đau tật này.

<< Trang 6 | Trang 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 594

Return to top