Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Văn Việt Nam >> Ngư Tiều Y thuật Vấn Đáp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13039 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngư Tiều Y thuật Vấn Đáp
Nguyễn Đình Chiểu

Trang 3

Sáu hơi chủ khí chẳng dời,
Năm nào theo nấy, tại trời ở an.
485- Mỗi năm từ tiết Đại hàn,
Chính trong ngày ấy giao sang khí đầu.
Hơi bình chẳng trước, chẳng sau,
"Tề thiên" hai chữ, sách Tàu rõ biên.
Kêu rằng "binh khí chi niên",
490- Cho hay hơi chủ, chính chuyên giữ phòng.
Kể từ sáu cặp đối xung,
Định ngôi khách khí, xây dòng chia ra.
đối với Ngọ một toà,
Làm ngôi quân hỏa, ở nhà Thiếu âm.
495- Sửu, Mùi cặp đối Thái âm.
Làm ngôi thấp thổ, thấm dầm năm phương.
Dần, Thân cặp đối Thiếu dương,
Làm ngôi tướng hỏa, sử đương việc mình.
Mão, Dậu cặp đối Dương minh,
500- Làm ngôi hàn thủy, băng sương trầm trầm.
Tỵ, Hợi cặp đối Quyết âm,
Làm ngôi phong mộc, rầm rầm gió cây.
505- Sáu ngôi khách khí đổi xây,
Giữ trời giữ đất, từ đây chia miền,
Giả như Tý, Ngọ chi niên.
Thật ngôi quân hoả, việc chuyên giữ trời,
Lấy hai năm ấy làm lời,
510- Còn mười năm nữa, cũng dời như nhau.


      XIV- Khách khí thi
      (Bài thơ về khách khí)
      Dịch nghĩa :
      Năm Tý, năm Ngọ, khí Thiếu âm quân hỏa giữ trời,
      Còn khí Dương minh táo kim giữ đất.
      Năm Sửu, năm mùi, khí Thái âm thấp thổ giữ trời,
      Còn khí Thái dương hàn thủy giữ đất, mưa liên miên.
      Năm Dần, năm Thân, khí Thiếu dương tướng hỏa giữ trời,
      Còn khí Quyết âm phong mộc truyền ở trong đất
      Năm Mão, năm Dậu thì ngược lại với năm Tý, năm Ngọ,
      Các năm Thìn, Tuất, Tỵ, Hợi, cũng vậy.
      (Thìn Tuất ngược lại với Sửu Mùi ; Tỵ Hợi ngược lại với Dần Thân).

Cho hay quân hỏa giữ trời,
Táo kim giữ đất, hai nơi cầm quyền.
Một khí ở trên tư thiên,
Hai khí tả hữu xen liền theo bên...
515- Một khí ở dưới tư tuyền,
Hai khí tả hữu xen liền theo bên.
Trên dưới sáu khí chia miền,
Mặt nam, mặt bắc, cầm quyền một niên.
Giả như Tý, Ngọ chi niên.
520- Đất xen bên tả, làm truyền khí sơ,
Trời xen bên hữu, khí nhì,
Tư thiên, ngôi chính, ấy thì khí ba,
Trời xen bên tả, tư ra,
Đất xen bên hữu thật là khí năm,
525- Tư tuyền làm khí sáu chung,
Bốn mùa hơi khách thay dòng đổi xây.
Một khí là sáu mươi ngày,
Tám mươi bảy khắc nửa rày hữu cơ.
Ta nêu hơi khách đầu bờ,
530- Kìa lời yếu quyết xưa thờ rất vui.
Mỗi niên thoái lại hai ngôi,
Nhận làm làng khách, cứ xuôi đến liền.
Loại như ngôi Tý tư thiên,
Thoái về ngôi Tuất, ấy biên khí đầu.
535- Hai heo, ba chuột, bốn trâu,
Năm hùm, sáu thỏ, trọn xâu tư tuyền.
Lại như ngôi Mão tư thiên,
Thoái về ngôi Sửu, dấy truyền khí sơ.
Hai hùm, ba thỏ, bốn rồng,
540- Năm rắn, sáu ngựa, trọn công tư tuyền.
Lấy hai năm ấy lệ biên,
Bao nhiêu năm nữa, cũng truyền có phiên.
Như năm thấp thổ tư thiên,
Thời ngôi hàn thủy tư tuyền, là phiên,
545- Như năm hàn thủy tư thiên,
Thời ngôi thấp thổ tư tuyền, đôi phiên,
Như năm tướng hoả tư thiên,
Thời ngôi phong mộc tư tuyền, đến phiên,
Như năm phong mộc tư thiên,
550- Thời ngôi tướng hỏa tư tuyền trọn niên.
Lại coi khách khí dưới trên,
Chính hoá, đối hoá, hai bên chẳng đồng.
Sáu năm chính hóa gốc trồng,
Ngựa, dê, gà, cọp, heo, rồng lung tung,
555- Sáu năm đối hóa ngọn duồng,
Chuột, trâu, khỉ, thỏ, rắn, muông đua giành.
Chính hóa theo gốc, số sinh,
Đối hóa theo ngọn, số thành, thực, hư.
Cho hay chữ "thực", chữ "hư",
560- Rằng "tiêu", rằng "bản" đều từ ấy ra.
Sau rồi dở sách y tra,
Tiềm tâm mới thấy lời ta tỏ bày.
Tiều rằng : Trời đất máy xây,
Năm vận, sáu khí, nghe nay tỏ tường.
565- Còn e khách, chủ hai đường,
Theo niên chộn rộn, khó toan rẽ ròi.
Dẫn rằng : Vận lấy vận coi,
Khí theo khí xét, có mòi sách biên.
Giả như Giáp tý chi niên,
570- Khách vận, khách khí, chia quyền một năm.
Giáp làm thổ vận mối cầm,
Tý làm quân hỏa, khí thầm xây đi.
Khách gia trên chủ, chẳng vì,
Chủ lòn dưới khách, hóa khi ngưng tà.
575- Thời trời bởi ấy chẳng hòa,
Trái theo hơn thiệt, mới ra bất tề.
Mùa xuân hơi ấm chẳng về,
Lại thêm hơi gió thê thê, ớn mình.
Mùa hè hơi nóng chẳng lành,
580- Khí âm núp ở, nóng giành ngôi dương.
Mùa thu chẳng trọn khí lương,
Dầm dề mưa khổ, đi đường kêu than.
Mùa đông chẳng vẹn khí hàn,
Xen hơi nóng rực, giá tan keo hình.
585- Phong hơn thời đất rêm mình,
Hỏa hơn thời đất quánh hình sượng câm,
Thử hơn thời đất nóng hầm,
Thấp hơn thời đất ướt dầm bùn ô,
Táo hơn thời đất ráo khô,
590- Hàn hơn thời đất nứt mô, lở về.
Nhớ câu: "khí hậu bất tề",
Nhiều hơi độc ác, đổ về dân đau.
Cho hay chủ khách sinh nhau,
Gọi rằng "tương đắc", trước sau hòa lành.
595- Chỉn e khách khí khắc giành,
Rằng "không tương đắc", mới sinh bệnh tà.
Ngũ hành con soán ngôi cha,
Gọi rằng "bất đáng" mới ra lẽ ngầy.
Tiều rằng : Khí vận biến vầy,
600- Mấy năm thuận, nghịch, xin thầy chia riêng,
Dẫn rằng : Y học rõ biên,
Năm nào vận khắc tư thiên, nghịch tầm,
Tư thiên sinh vận, thuận tầm,
Vận đồng với khí, rằng năm thiên phù.
605- Sáu mươi năm giáp một chu,
Mười hai năm gọi thiên phù rõ phân.
Loại như Mậu tý, Mậu dần,
Mậu thân, Mậu ngọ, Bính Thần, Tuất chi.
Cùng năm Kỷ sửu, Kỷ vi,
610- Mão Dậu hai Ất; Hợi, Tỳ hai Đinh,
Cho hay vận khí đồng tình,
Mười hai năm ấy thật danh thiên phù.
Vận lên ngôi khí ở sau,
Gọi rằng tuế hội, đếm đầu tám chi.
615- Loại như Kỷ sửu, Kỷ vì,
Giáp thìn, Giáp tuất, thổ vi thổ làm.
Đinh mão mộc, Ất dậu câm (kim),
Bính tý, Mậu ngọ, nước ngâm lửa dầu.
Thiên phù, tuế hội hợp nhau,
620- Gọi rằng thái ất thiên phù, bốn chi.
Loại như Kỷ sửu, Kỷ vi,
Ất dậu, Mậu ngọ, hơi đi một bờ.
Lấy năm coi tháng, ngày, giờ,
Tháng, ngày, giờ cũng có cờ tư thiên.
625- Giả như Mậu ngọ ngày kiên (kiến),
Vận đồng với khí, là duyên thiên phù.
Cho hay tuế hội, thiên phù,
Gặp ngày năm ấy, bệnh đau khó lành.
Ta nay ước nói việc Kinh,
630- Máy trời lắm chỗ gập ghềnh sâu xa.
Mười hai năm gọi bất hòa,
Bởi vận khắc khí, mới ra bất bình.
Mười hai năm gọi thiên hình,
Bởi khí khắc vận, đua giành tai nguy.
635- Vận mà sinh khí, lỗi nghi,
Gọi rằng tiểu nghịch thị phi nhộn nhàng.
Khí mà sinh vận thời an,
Gọi rằng thuận hóa, muôn ngàn cõi vui.
Nhiệm mầu chẳng những vậy thôi,
640- Can chi còn có hai ngôi đức phù.
Lại đồng tuế hội, thiên phù.
Vận đi suy tỵ phải âu xét bàn.
Nội kinh câu chữ rõ ràng :
"Cang hại, thừa chế", khuyên chàng gắng coi.
645- Hữu dư, bất túc rẽ ròi,
Xuất, nhập, thăng, giáng, hẳn hòi chẳng ngoa.
Mỗi năm trước vẽ đồ ra,
Xét so vận khí chính, tà thời hay.
Như vầy mới phải gọi thầy,
650- Giúp công hóa dục, nuôi bầy dân đen.
E người học đạo chẳng chuyên,
Vào tai ra miệng, luống phiền lòng ta.
Tiều rằng : Kinh nghĩa kín, xa,
Một câu "cang hại..." nghe qua chưa tường.
655- Dẫn rằng : Đây gặp giữa đường,
Nói phô kinh sách, mang trương khó lòng.
Muốn cho biết lẽ tinh thông,
Lần vào cửa đạo, hỏi ông Đan Kỳ.
Học cho thấy chỗ u vi,
660- Phép mầu ý nhiệm, rộng suy giúp đời.
Ngư rằng : Xin dạy cạn lời,
Trong rừng Bản thảo nhiều nơi chưa tường.
Kìa mười hai bộ đan phương,
Mấy mùi, mấy tính, mở đường từ ai ?
665- Dẫn rằng : Bản thảo nhiều loài,
Kể ra cho hết chuyện này vả lâu.
Một bộ kim thạch ở đầu,
Trăm ba mươi tám giống sưu đá vàng.
Một bộ thảo thượng giàu sang,
670- Chín mươi lăm giống, rõ ràng hột hoa.
Một bộ thảo trung nối ra,
Chín mươi bảy giống gốc, chà, lá cây.
Một bộ thảo hạ rộng xây,
Trăm hai mươi có ba loài củ căn.
675- Một bộ mộc thụ giăng giăng,
Một trăm sáu chục bảy, rằng giống cây.
Một bộ nhân ấy thuốc vầy,
Có hai chục vị đủ xây ra dùng.
Một bộ thú vật thuốc sung,
680- Chín mươi mốt giống mật, lòng, da, xương.
Một bộ cầm điểu thuốc thường,
Ba mươi bốn giống, đều dường cánh lông.
Một bộ trùng ngư thuốc chung,
Chín mươi chín giống, non sông khắp vời.
685- Một bộ mễ cốc nuôi đời,
Ba mươi tám giống, nơi nơi vun trồng.
Một bộ quả phẩm thanh phong,
Có bốn mươi giống trái nồng hơi hương.
Một bộ sơ thái khắp phương,
690- Sáu mươi hai giống, lá vườn thơm tho.
Cộng mười hai bộ toán cho,
Một nghìn bốn vị, đều lò hóa công.
Từ xưa có họThần Nông,
Thay trời trị vật, tấm lòng yêu dân.
695- Trải đi nếm vị khổ tân,
Một ngày hơn bảy mươi lần trúng thương.
Thử rồi muôn vật âm dương,
Dọn làm Bản thảo để phương cứu đời.
Thuốc tuy nhiều vị, khác hơi,
700- Chẳng qua sáu tính, ở nơi năm mùi.
Năm mùi dưới đất nên hình,
Trên trời cho tính, rộng vinh theo mùa,
Đắng, cay, ngọt, lạt, mặn, chua,
Năm mùi hơi giúp, khá tua chia bàn.
705- Cay thời hay nhóm hay tan,
Chua hay thâu góp, mặn ăn nhuyễn bền.
Đắng thời hay dội nóng lên,
Ngọt hay lơi chậm, lạt nên lọc lường.
Vị cay, ngọt, lạt thuộc dương,
710- Vị chua, đắng mặn tỏ tường thuộc âm.
Có vị dương ở trong âm,
Âm trong dương, ấy máy cầm nhiệm thay,
Khác nhau hơi mỏng, hơi dày,
Hơi trong, hơi đục, chỗ thay chẳng đồng.
715- Trọn gìn sáu tính linh thông,
Gọi rằng "thăng, giáng" ấy cùng "ôn, lương",
Bổ hư, tả thực mọi giường,
Cho hay tính thuốc nhiều đường sâu xa.
Xưa chia năm vị ấy ra,
720- Làm binh sáu cửa, ngăn tà sáu dâm.
Phong mòn cày gió ầm ầm.
Có mùi cay mát giữ cầm nửa phong.
Lửa hừng cửa nhiệt nóng hung.
Có mùi mặn lạnh, chỗ phòng nhiệt môn.
725- Đất trong cửa thấp ướt dồn,
Có mùi cay nóng giữ dồn thấp quan.
Vàng nằm cửa táo khô khan,
Có mùi đắng ấm giữ đàng táo hương.
Nước là cửa lạnh băng sương,
730- Có mùi cay nóng giữ đường hàn môn.
Lại thêm sang độc một môn,
Nhóm mùi thuốc ghẻ, đóng dồn ngoại khoa.
Phải coi năm vị ấy ra,
Gọi là uý ố, gọi là phản nhau.
735- Có mười tám vị phản nhau,
Lại mười chín vị úy nhau chẳng hiền.
Sách y xưa có lời biên,
Phản cùng úy ố nhà truyền lời ca.


      XV.- Thập bát phản ca
      (Bài ca về mười tám vị thuốc trái nhau)
      Dịch nghĩa :
      Bản thảo nói rõ mười tám vị thuốc trái nhau :
      Bán hạ, Qua lâu, Bối mẫu, Bạch liễm, Bạch cập đều trái với Ô đầu.
      Hải tảo, Đại kích, Cam toại, Nguyên hoa đều trái với Cam thảo.
      Các loại sâm (Nhân sâm, Huyền sâm, Đan sâm, Khổ sâm...), Tế tân, Bạch thược đều trái với Lê lô.



      XVI.- Thập cửu uý ca
      (Bài ca về mười chín vị thuốc sợ nhau)
      Dịch nghĩa :
      Lư hoàng vốn là tinh tuý của lửa,
      Một khi gặp Phác tiêu liền tranh nhau.
      Thủy ngân chớ để gặp Tỳ sương.
      Lang độc rất sợ Mật đà tăng.
      Ba đậu là vị tính dữ nhất,
      Riêng không thuận tình cùng Khiên ngưu,
      Đinh hương chớ để gặp Uất kim.
      Nha tiêu khó hợp cùng Kinh tam lăng.
      Xuyên ô, Thảo ô không thuận với tê giác.
      Nhân sâm rất sợ Ngũ linh chi.
      Quan quế điều hòa khí lạnh rất hay,
      Nhưng nếu gặp Thạch chi sẽ mất công hiệu.
      Phàm chế thuốc phải xem tính thuận nghịch của các vị.
      Nếu nghịch thì bào chế đừng để lẫn với nhau.

Ngư rằng : Xin cạn lời trao,
740- Lệ xưa dùng thuốc dường nào đặng tinh ?
Dẫn rằng : Gắng sức học hành,
Rộng xem sách thuốc, gẫm tình dùng phương.
Nhớ câu đối chứng lập phương,
Quân, thần, tá, sứ đo lường chớ sai.
745- Vua tôi hoà hợp theo loài,
Đừng cho phản uý làm tai hại người.
Mở ra mấy cửa chỉ ngươi,
Bảy phương đã sẵn, lại mười tễ dư.
Phương là đại, tiểu, ngẫu, cơ,
750- Phức, cùng hoãn, cấp, sờ sờ khá trông.
Tễ là bổ, tả, tuyên, thông,
Trọng, khinh, hoạt, sáp, táo cùng thấp thôi.
Bảy phương, mười tễ biết rồi,
Mặc trau thang, tán, mặc dồi hoàn, đan.
755- Làm thang, làm tán, làm hoàn,
Ít nhiều cân lượng dón bàn phân minh.
Phải coi vị thuốc cho rành,
Gạn màu thật, giả, xét hình mới, lâu.
Lại xem bào chế phép mầu,
760- Khuyên đừng lỗi tính, nào cầu khéo tay.
Sẵn dùng muối mặn, gừng cay,
Dấm chua, mật ngọt, rượu say, đồng tiền (tiện).
Coi theo vị thuốc chế liền,
Hoặc sao, hoặc nướng, hoặc chuyên nấu dầm.
765- Chớ cho vị độc hại thầm,
Khiến vào kinh lạc chẳng lầm mới hay.
Mật ong vào phế là thầy,
Muối kia vào thận, dấm này vào can.
Nước gừng vào chỗ tỳ quan,
770- Rượu cùng nước đái vào đàng tâm kinh.
Cho hay mấy vị dẫn kinh.
Muốn nên công hiệu, phải tinh chế dùng.
Vị nào dùng sống, sạch tinh,
Vị nào dùng chín tốt hình mới nên.
775- Lại gìn năm cấm chớ quên,
Răn người uống thuốc cho bền cữ ăn.
Mặn thời máu chạy làm nhăng,
Hỡi ôi bệnh huyết chớ ăn mặn mòi.
Cay thời hơi chạy chẳng thôi,
780- Hỡi ôi bệnh khí chớ giồi ăn cay.
Đắng thời hay chạy xương ngay,
Hỡi ôi cốt bệnh đắng rày chớ ăn,
Chua thời hay chạy gàn săn,
Hỡi ôi cân bệnh chớ ăn chua nhiều.
785- Ngọt thời thịt chạy có chiều,
Hỡi ôi nhục bệnh chớ nhiều ngọt ăn.
Thánh xưa cặn kẽ bảo răn,
Hễ bưng thuốc uống, vật ăn phải dè.
Vật ăn nhiều món khắt khe,
790- Miệng thèm chẳng nhịn, thời e hại mình.
Giả như thuốc có Truật, Linh,
Thấy mùi tỏi, dấm thật tình chẳng ưa.
Uống trà thời chớ ăn dưa,
Hoàng liên, Cát cánh phải chừa thịt heo.
795- Thường sơn, hành sống chẳng theo,
Địa hoàng, củ cải, lại chèo nhau ra.
Thịt trâu, Ngưu tất tránh xa,
Xương bồ, Bán hạ chẳng hoà thịt dê.
Vật ăn khắc thuốc bộn bề,
800- Mỡ, dầu, thịt, cá ê hề...noi dai.
Trái cây rau sống nhiều loài,
Cữ kiêng thời khá, kèo nài thời đau.
Ta xin đón nói một câu :
"Bệnh tòng khẩu nhập", phải âu giữ mình.
805- Phép dùng thuốc muốn cho tinh,
Hợp theo nước, lửa, sinh, thành số dương.
Như vầy mới thật tiên phương,
Mới rằng tâm pháp rộng đường xưa nay,
Sau rồi coi sách thời hay,
810- Lời ca thi quyết ta nay truyền lòng :


      XVII.- Dụng dược tổng quyết
      (Tổng quyết về phép dùng thuốc)
      Dịch nghĩa :
      Các vị làm quân, làm thần phải hòa hợp, không trái nghịch.
      Bảy phương mười tễ đều có phép tắc,
      Hoặc sắc thành thang, viên làm hoàn, tán làm bột, luyện làm đan, liệu mà châm chước.
      Các vị thuốc thực, giả, mới, cũ phải xem xét tỉ mỉ.
      Theo phép tắc mà bào chế, chớ cậy khéo léo,
      Vị chín thì thăng, vị sống thì giáng, phép cũ định rồi.
      Cho uống kịp thời, lại phải biết những điều kiêng kỵ,
      Dùng cho đúng và hợp, không sơ sót, đó là thuốc tiên .



      XVIII.- Chế dược yếu phương
      (Những điều quan trọng trong việc chế thuốc)
      Dịch nghĩa :
      Nguyên hoa vốn lợi thủy, nhưng không sao dấm không thông.
      Đậu xanh vốn giải độc, nhưng để nguyên vỏ không công hiệu,
      Thảo quả chữa đầy bụng, nhưng để vỏ lại sinh tức ngực,
      Hắc sửu để sống lợi thủy, gặp Viễn chí thành có độc,
      Bồ hoàng để sống thông huyết, dùng chín thì bổ huyết.
      Địa du là thuốc cầm huyết, nhưng dùng ngọn thì huyết không cầm.
      Trần bì chuyên chữa khí, nếu để cả màng trắng thì bổ vị.
      Phụ tử là vị cứu dương, nếu dùng sống thì chữa được bệnh phong ngứa.
      Thảo ô chữa phong tê, nhưng dùng sống lại gây bệnh.
      Nhân ngôn đốt qua hãy dùng.
      Các loại đá thì phải nung,
      Ngâm dấm thì mới tán nhỏ được,
      Lề lối phải cho khéo.
      Xuyên khung phải sao bỏ chất dầu, vì dùng sống sinh tê đau.



      XIX.- Dược hữu cửu trần ca
      (Bài ca về kinh nghiệm dùng chín vị thuốc )
      Dịch nghĩa :
      Trần bì, Bán hạ với Hương nhu,
      Chỉ thực, Chỉ xác, Ngô thù du,
      Kinh giới, Ma hoàng cùng Lang độc,
      Muốn hay, cần phải để cho lâu.

Tiều rằng : Xuân, hạ, thu, đông,
Bốn mùa dùng thuốc chữa thông đạo thường.
Dẫn rằng : Trời bốn khí thường,
Xuân ôn hạ nhiệt, thu lương, đông hàn.
815- Theo mùa dùng thuốc thời an,
Mùa nào khí nấy, phải toan nhớ dồi.
Mùa xuân thời khí nóng bồi,
Hốt trong thang thuốc gia mùi thanh lương.
Mùa hè thời khí nóng thương,
820- Hốt trong thang thuốc thêm lương cho nhiều,
Mùa thu khí mát hiu hiu,
Gia vào vị ấm mới điều hơi dương.
Mùa đông khí lạnh thấu xương,
Gia vào vị nóng ngăn đường tà âm,
825- Nào lo trị bệnh, thuốc lầm,
Bốn mùa tay thước đều cầm ở ta.
Kinh rằng : "Vật phạt thiên hòa,
Tất tiên tuế khí" ấy là lời ngay.
Đạo thường giữ vậy thời hay,
830- Dù nhằm bệnh biến mặc tay dùng quyền.
Làm thầy há dễ một thiên,
Lòng hay chế biến cho chuyên mới ròng.
Tiều rằng : Tinh thuốc bằng thông,
Cứ theo Bản thảo xây dùng nên chăng ?
835- Dẫn rằng : Bản thảo có ngằn,
Coi kinh Tố vấn bệnh căn mới tường :
Biết đau bởi khí nào thương,
Thừa theo tính thuốc, dựng phương ra dùng.
Hỡi ôi học thuốc dày công,
840- Còn nhiều phép bí ở ông Đan Kỳ.
Ngư rằng : Mối đạo rừng Y,
Nối qua mở lại, tên gì xin nghe ?
Dẫn rằng : Ta chẳng nói khoe,
Lớn thay đạo thuốc chống bè hóa công.
845- Viêm Hoàng là họ Thần Nông,
Dọn ra Bản thảo, thật công mở đầu.
Có vua Hoàng Đế ráp sau,
Cùng ông Kỳ Bá hỏi nhau nạn đời.
Nội kinh từ ấy nên lời,
850- Văn trời, lý đất, bệnh người đủ biên.
Nhờ câu "y đạo đại nguyên",
Một pho Tố vấn lưu truyền xưa nay.
Hai mươi bốn quyển rõ bày,
Trong chia tám chục một rày thiên danh.
855- Mấy lời đại luận rất tinh.
Phép màu, ý nhiệm máy linh không cùng.
Vẽ đường kinh lạc ngoài trong,
Xây năm vận khí, cách chồng theo năm,
Trị ngoài có phép biếm châm,
860- Trong thời thang dịch sửa cầm mạng dân.
Từ Hiên, Kỳ thị xuống lần,
Đời nào cũng có bậc thần thánh ra.
Như ông Biển Thước nhà ta,
Tám mươi mốt quyển gọi là Nạn kinh.
865- Như ông Hoàng Phủ tài lành,
Dọn Kinh Giáp Ất để danh thơm đời,
Hán, Đường nhẫn xuống nhiều đời,
Ông Trương Trọng Cảnh mấy người dám tham ?
Coi pho Kim quỹ ngọc hàm
870- Trong, ngoài, hư, thực, phép làm rộng xa.
Hà Gian Lưu tử nối ra,
Bệnh nguyên, Yếu chỉ, sách nhà hai pho.
Đông Viên ông Lý trời cho,
Mười pho bạt tụy, ý dò thẳm sâu.
875- Đan Khê lại có thầy Chu,
Nhóm kinh sách thuốc đặng pho đại thành.
Ấy đều nơi gốc Nội kinh,
Diễn ra làm sách tinh anh cứu người.
Y thư kể hết các nơi,
880- Buồn trâu đầy cột, sách đời biết bao.
Tiều rằng : Sách thuốc chào rào,
Bọn ta tính học bộ nào cho hay ?
Dẫn rằng : Đạo thuốc xưa nay,
Hơn trăm bộ sách, đều tay thánh hiền.
885- Người sau lấy việc công truyền,
Tới trong có chỗ chú biên lỗi lầm.
Hỡi ai muốn trọn đạo tâm,
Xét nguồn, tỏ gốc, rộng tầm trong Kinh.
Nghĩa trong Kinh biết đặng tinh,
890- Chỗ hay nương lấy ý mình suy ra.
Lại coi các sách bách gia,
"Chiết trung" hai chữ, mặc ta học đòi.
Đạo đời ai dễ giấu mòi ?
Dón nơi đại khái, hẳn hòi chỉ cho.
895- Trước coi Bản thảo làm đò,
Sau xem Tố vấn, chín so bệnh tình.
Muốn sai vị thuốc hành kinh,
Lôi công Bào chế phép linh để lòng.
Muốn xây thang dịch cho ròng,
900- Phép ông Y Doãn, tới trong lo lường.
Bệnh người ngoại cảm nhiều phương,
Học ông Trọng Cảnh một đường cho chuyên.
Nội thương học phép Đông Viên,
Bao nhiêu chứng nhiệt học quyền Hà Gian.
905- Kìa như tạp bệnh nhộn nhàng,
Đan Khê phép cũ, khuyên chàng sử đương.
Mạch kinh đọc sách họ Vương,
Sự thân đọc sách ông Trương Tử Hòa.
Hỡi ơi nghề thuốc lắm khoa,
910- Kể cho hết sách, nói ra bướu thừa.
Sách nhiều mà lý càng thưa,
Phương nhiều mà phép so xưa lỗi dòng
Muốn cho nguồn sạch dòng trong,
Nêu ngay bóng thẳng, ghi lòng lời ta.
915- Ngư rằng : Miếu tổ một toà,
Thờ trong bài vị ấy là bậc chi ?
Dẫn rằng : Trong miếu rừng y,
Tổ xưa vốn họ Phục Hy làm đầu.
Thiên nguyên ngọc sách trước trau,
920- Mười đời tới Quỷ Du Khu đọc truyền.
Linh khu, Tố vấn noi biên,
Nối theo vua thánh, tôi hiền dạy ra.
Họ tên kể đặng mười ba,
Đều người thượng cổ y khoa mở dòng.
925- Nho y bốn chục một ông,
Đều người kinh sử dày công học hành.
Theo trong khoa mục là mình,
Trương, Tôn bọn ấy dõi danh trên đời.
Minh y chín chục tám người,
930- Tần, Sào bọn ấy tài tươi sáng lòa.
Thế y hai chục sáu nhà,
Lâu, Từ bọn ấy nối cha nghiệp này.
Đức y mười có tám thầy,
Từ, Tiền bọn ấy lòng đầy yêu thương.
935- Tiên y như bọn Trường Tang,
Có mười chín họ, truyền phang nhiệm màu.
Tính danh cộng đếm trước sau,
Hai trăm một chục năm đầu tiên sư,
Tiều rằng : Trước họ Phục Hy,
940- Chưa hay nghề thuốc tên chi mở đàng ?
Dẫn rằng : Người thuở Tam hoàng,
Có ông Tựu Thải mở mang mối đầu.
Dạy ông Kỳ Bá học sau,
Huyệt do kinh lạc, phép mầu cứu châm.
945- Ngư rằng : Trong phép cứu châm,
Chẳng chờ thuốc uống mà âm dương hòa.
Xin lời vàng ngọc nhả ra,
Sách ông nào bí, vẽ ta học hành.
Dẫn rằng : Muốn học máy linh,
950- Coi chừng trời đất trong hình người ta.
Độ trời giáp một năm qua,
Ba trăm sáu chục lẻ ra năm ngày,
Mình người kể khắp chân tay,
Ba trăm sáu chục năm vài lóng xương.
955- Đếm theo kinh lạc âm dương,
Ba trăm sáu chục năm đường huyệt danh,
Khá coi Hoàng Phủ Châm kinh,
Cảnh Khôi Cứu pháp cùng Minh Đường đồ
Huyệt nào sâu cạn phải đo,
960- Bệnh nào bổ tả phải dò cho thông,
Nhớ câu "đoạt dược chi công",
Phép châm cứu ấy chẳng đồng phương thơ (thư).
Tiều rằng : Ta hãy còn mờ,
Ngoại khoa phép bí, biết thờ ông chi ?
965- Dẫn rằng : Từ thuở Hiên, Kỳ,
Có ông Du Phủ khôn bì ngoại phang,
Bệnh người chẳng dụng thuốc thang,
Xẻ đầu, mổ bụng, rửa gan, cạo trường,
Hoa Đà sách cũng khác thường,
970- Hùng kinh chi cố, nhiều phương rất kỳ.
Cho hay mấy bậc thần y,
Để kinh sách lại thiếu gì ngoại khoa.
Đan Khê sau nhóm các nhà,
Bổ di một bộ ngoại khoa thêm rành.
975- Khuyên ngươi gắng đọc Nội kinh,
Sờ sâu, mò kín, tỏ tình ngoài, trong.
Ngư rằng : Kìa bốn lầu song,
Chưa hay bốn ấy để phòng coi chi ?
Dẫn rằng : Tâm pháp nhà y,
980- Vọng, văn, vấn, thiết, chữ ghi bốn lầu,
Vọng là xem sắc người đau,
Văn là nghe tiếng nói màu thấp cao,
Vấn là hỏi chứng làm sao,
Thiết là coi mạch bộ nào thật hư.
985- Sau rồi thong thả học sư,
Bốn lời yếu quyết ta chừ đọc cho.


      XX.- Quan hình sát sắc
      (Xem hình dáng, xét khí sắc)
      Dịch nghĩa :
      Thứ nhất là xem thần khí, sắc của người bệnh,
      Xem nhuận hay khô, gầy hay béo, dậy cùng nằm thế nào.
      Nhuận thì sống, khô thì chết, béo là thực,
      Gầy là hư yếu, xưa nay vẫn truyền.
      Lom khom là trong lưng đau, nhìn biết ngay.
      Chau mày là nhức đầu, chóng mặt.
      Tay không nhấc lên được là vai và lưng đau.
      Bước đi khó nhọc là đau trong khoảng ống chân,
      Chắp tay đè trước ngực là trong ngực đau,
      Đè trước rốn là đau trong vùng bụng,
      Trở dậy không ngủ được là đờm và nhiệt;
      Thích ngủ là vì lạnh và hư khiến nên,
      Quay mặt vào vách nằm co ro, phần nhiều là vì lạnh.
      Ngửa mặt nằm sóng soải là vì bị nóng nung nấu.
      Mặt, trên người và con mắt có màu vàng là bị bệnh thấp nhiệt.
      Môi xanh, mặt xạm đen cũng là bị lạnh như trên.
      XXI.- Thính thanh âm
      (Nghe giọng, xét tiếng nói)
      Dịch nghĩa :
      Thứ hai là nghe xem tiếng trong hay đục;
      Xét xem người bệnh nói thật hay nói xàm.
      Tiếng đục biết ngay là bị đờm vướng lấp;
      Tiếng trong, đó là vì bị lạnh ở bên trong,
      Lời nói rõ ràng thì không phải là thực nhiệt;
      Nói bậy và kêu gào thì bệnh nhiệt đã sâu lắm rồi.
      Nói chuyện ma quỷ, lại còn trèo tường, leo mái nhà,
      Đó là ngực bụng có đọng đờm, gọi là bệnh điên.
      Lại có thứ bệnh kéo dài đã lâu ngày,
      Bỗng nhiên mất tiếng, thì mạng ôi thôi !
      XXII.- Vấn chứng
      (Hỏi chứng lạnh)
      Dịch nghĩa :
      Thử hỏi đầu mình có đau hay không,
      Nóng lạnh không ngớt thì rõ ràng là bệnh ngoại cảm.
      Bàn tay nóng, ăn không biết ngon,
      Đó là nội thương vì ăn uống hay nhọc mệt quá sức.
      Trong lòng bồn chồn lại thêm bị ho,
      Người gầy gò, đó là chứng âm hư hỏa động.
      Trừ ba chứng ấy ra, còn thì các chứng khác,
      Như sốt rét, kiết lỵ đều có tên.
      Từ đầu tới chân phải hỏi cho rõ.
      Chứng bệnh tương tự, cần nghe cho cặn kẽ,
      XXIII.- Chẩn mạch ( Xem mạch )
      Thốn quan xích định vị
      (Xác định vị trí các bộ Thốn, Quan, Xích )
      Dịch nghĩa :
      Chỗ xương cao ở sau bàn tay gọi là Quan.
      Bên xương ấy mạch quan hiện rõ ràng.
      Lần lượt suy ra mà đặt Thốn, Quan, Xích.
      Ba bộ ấy ứng với tạm tài là thiên, địa, nhân.Tạng phủ định vị
      (xác định vị trí các tạng phủ)
      Dịch nghĩa :
      Tay trái là tim, ruột non, gan, mật, thận ;
      Tay phải là phổi, ruột già, lá lách, dạ dày và mệnh môn.
      Tim và ruột non ứng với bộ Thốn tay trái.
      Gan, mật cùng hội về bộ Quan tay trái.
      Mạch thận nguyên ở bộ Xích tay trái.
      Bàng quang là phủ của thận cũng ở đấy.
      Phổi cùng ruột già ứng với bộ Thốn tay phải.
      Lá lách, dạ dày xem ở bộ Quan tay phải.
      Màng tim sóng đôi với tam tiêu, hợp với bộ Xích tay phải.
      Đó là bí quyết cho kẻ mới học nghề y.




        Tiều rằng : Xem bệnh tử sinh,
        Phép ông nào trọn, xin rành dạy ta ?
        Dẫn rằng : Xưa có Thúc Hòa,
        990- Xem hình, xét sắc, ít nhà dám chê.
        Chẳng chờ miệng nói tai nghe,
        Mấy mòi sống thác khôn che mắt thần.
        Nay trau con mắt phong trần,
        Coi lời ca quyết sáng ngần hơn châu.


            XXIV.- Vương Thúc Hòa quan bệnh sinh tử hậu ca
            (Bài ca về phép xem triệu bệnh sống chết của Vương Thúc Hòa)
            Dịch nghĩa :
            Bệnh sắp khỏi, vè mắt có sắc vàng (vị khí đã lưu hành).
            Vành quanh mắt thình lình trũng xuống, biết chắc là chết (ngũ tạng tuyệt).
            Tai, mắt, mũi, miệng nổi sắc đen,
            Đã lan vào đến miệng thì mười phần có đến tám là khó cứu (thận khí chế vi khí),
            Mặt vàng, mắt xanh thường do uống rượu quá say,
            Dể gió tà xông vào vị nên mất mạng (mộc khắc thổ).
            Mặt đen, mắt trắng là mệnh môn hỏng.
            Trong người lại thấy quá nhọc mệt, thì tám ngày chết.
            Trên mặt thình lình thấy có sắc xanh,
            Nếu như dần dần trở thành màu đen là chết, khó cứu (can và thận tuyệt).
            Mặt đỏ, mắt trắng, lại thở khò khè thì rất đáng sợ,
            Đợi qua mười ngày sẽ rõ sống hay chết (hỏa khắc kim).
            Sắc vàng, đen, trắng nổi lên chạy vào mắt,
            Vào cả mũi, miệng là có tai vạ (thận chế tỳ).
            Nếu lại thêm mặt xanh, mắt vàng thì giờ Ngọ sẽ chết,
            Còn lại thì cũng chỉ sống trong vài ngày là cùng (mộc khắc thổ).
            Mắt không có tinh thần, lợi răng có sắc đen (tâm và can tuyệt).
            Mặt trắng, mắt đen cũng là tai vạ (phế và thận tuyệt)
            Miệng mở ra như miệng cá, không ngậm lại được (tỳ tuyệt),
            Thở ra mà không hít vào thì mạng lên tiên (can và thận đã tuyệt trước).
            Vai xo lên, mắt trợn ngược, môi khô,
            Mặt sưng lên, mắt trợn ngược, môi khô,
            Mặt sưng lên lại có sắc xám hay đen cũng khó thoát chết.
            Nói xàm bậy bạ hay không nói gì,
            Hơi thở nặng mùi như xác chết, biết là không thọ (tâm tuyệt).
            Nhân trung đầy hết lên, miệng và môi xanh,
            Nên biết là ba ngày mạng không còn (mộc khắc thổ).
            Chỗ giáp lưỡng quyền (hai gò má) đỏ, là bệnh tim đã lâu.
            Miệng há, thở ra thì mạng khó sống (tỳ và phế tuyệt).
            Chân đau, ngón sưng, đầu gối sưng to như cái đấu,
            Nên biết là khó giữ mạng sống trong mười ngày (tỳ tuyệt).
            Gân cổ lỏng lẻo biết chắc là chết (mạch Đốc tuyệt).
            Trong lòng bàn tay không còn ngấn vết cũng sống không lâu (màng tim tuyệt).
            Môi xanh, mình lạnh, nước tiểu cứ són ra (bọng đái tuyệt).
            Thấy đồ ăn thức uống thì quay mặt đi, hẹn trong bốn ngày sẽ chết (can tuyệt)
            Móng chân, móng tay đều xanh đen,
            Xương sống đau, lưng nặng, trở mình khó,
            Đó là xương tuyệt, năm ngày rồi xem.
            Mình nặng, nước tiểu đỏ lại són ra không ngớt,
            Đó là thịt tuyệt, sáu ngày là chết.
            Móng chân, móng tay xanh, thường chửi rủa la thét,
            Đó là gân tuyệt, khó qua được chín ngày.
            Tóc cứng như sợi gai, nửa ngày là chết (ruột non tuyệt).
            Lần áo, nói chuyện chết, mười phần biết là hỏng (tâm tuyệt).

        995- Ngư rằng : Mạch lý u vi,
        Chưa hay hình trạng mạch đi ít nhiều ?
        Dẫn rằng : Tên mạch rất nhiều,
        Hai mươi tám trang sách nêu rõ ràng.
        Chẳng qua hai chữ âm dương,
        1000- Muốn cho phân biệt coi thường lề biên.


            XXV.- Chu mạch thể trạng
            ( Hình trạng các mạch )
            Dịch nghĩa :
            Mạch Phù ấn xuống thấy yếu, nâng lên thấy mạnh,
            Mạch Trầm ấn xuống thấy mạnh, nâng lên thì không thấy,
            Mạch Trì, một hơi thở đến ba lượt.
            Mạch Sác một hơi thở đến sáu lần.
            Mạch Hoạt như chuỗi hạt trai và đi, lại mau,
            Mạch Sắc đi lại vướng như róc da tre.
            Mạch Đại ấn nổi thì đầy ngón tay, ấn chìm thì không có sức,
            Mạch Hoãn so với mạch Trì nhanh hơn chút,
            Mạch Hồng như nước lụt nổi sóng lên.
            Mạch Thực ấn thấy găng tay, mạnh khác hẳn.
            Mạch Huyền thẳng rẵng như giương dây cung.
            Mạch Khẩn như là mới kéo dây, vặn chạc.
            Mạch Trường qua ngón tay, ra ngoài bộ.
            Mạch Khâu hai đầu có mà giữa thưa không.
            Mạch Vi như tơ nhện, khá dễ xét.
            Mạch Tế đi lại như sợi chỉ càng dễ coi,
            Mạch Nhu không có sức không ưa ấn.
            Mạch Nhược thì như muốn đứt, nửa có, nửa không,
            Mạch tuy mở rộng song không chắc,
            Mạch Cách, rất bền vững, như ấn vào da trống.
            Mạch Động như hạt đậu lăn, không có đi, lại,
            Mạch Tán chốc chốc mới thoáng tới đầu ngón tay.
            Mạch Phục ấn xuống sát xương mới thấy.
            Mạch Tuyệt thì không có hẳn, tìm cũng uống công,
            Mạcg Đoản ngay trong bộ cũng không tới.
            Mạch Xúc đến mau gấp, dần dần khoan đi là đáng mừng.
            Mạch Kết đi chậm, thỉnh thoảng lại dừng.
            Mạch Đại cũng dừng giữa chừng mà không trở lại được.

        Tiều rằng : Tên mạch đã trao,
        Mạch nào chuyên chủ bệnh nào xin nghe.
        Dẫn rằng : Chẳng mếch chẳng phe,
        Mạch nào chứng nấy, tay đè thì hay.
        1005- Xiết bao trong sách nhiều thầy,
        Sẵn lời ca quyết ta rày vẽ ngươi.


            XXVI.- Chư mạch chủ bệnh
            (Các bệnh thể hiện qua hình trạng mạch)
            Dịch nghĩa :
            Phù là bệnh phong, Khâu là bệnh huyết, Hoạt là nhiều đờm,
            Thực là bệnh nhiệt, Huyền là bệnh lao, Khẩn là bị đau đớn.
            Hồng là bệnh nhiệt, Vi là bệnh hàn, đều tích tụ dưới rốn.
            Trầm là đau vì khí, Hoãn thì da tê.
            Sắc là bị tổn tinh âm, hại huyết.
            Trì cũng là bệnh lạnh, Phục là bệnh ở cách quan.
            Nhu thường bị toát mồ hôi, riêng người già thường mắc.
            Nhược là tinh khí thiếu, xương và thân thể ê ẩm,
            Trường là khí tốt, Đoản thì khí bị bệnh.
            Tế là khí ít, Đại là khí suy.
            Xúc là bệnh nhiệt cùng cực, Kết là tích tụ.
            Hư là bệnh kinh giật, Động là thoát bị ra máu liên tiếp.
            Sác là bệnh trong lòng buồn bực, Đại là bệnh đang tiến.
            Cách là bệnh di tinh, băng huyết, cũng lạ lùng thay.
        Tiều rằng : Thầy thuốc nói thường,
        Thất biểu, bát lý, chín đường mạch chi ?
        Dẫn rằng : Ấy thật tục y,
        1010- Thấy đâu nói đó, biết gì Mạch kinh,
        Ta từng coi sách Mạch kinh,
        Chín đường, biểu, lý, không danh mục đề.
        Mạch kinh đã chẳng nêu đề,
        Đến ông Trọng Cảnh ròng nghề nào biên.
        1015- Ngư rằng : Gốc bởi ai truyền,
        Cớ sao sách thuốc còn biên làm gì ?
        Dẫn rằng : Sách thuốc thiếu chi,
        "Hãn ngưu sung đống" câu ghi trước tường.
        Gốc ra từ họ cao Dương,
        1020- Đặt tên mạch ấy mạo Vương Thúc Hoà.
        Nối sau, họ Đới đồng ra,
        Mạch thư san ngộ cứu tra dọn rồi.
        Đan khê chẳng nỡ bỏ trôi
        Để cho hậu học làm dùi chiết trung.
        1025- Hỡi ôi mạch lý nhiều ông,
        Ông nào ý nấy, rồng rồng đua nhau.
        Những kiêm nhau với giống nhau,
        Coi vào mạch lý lộn nhầu như tương.
        Nói cho rộng chước y phương,
        1030- Rọt đồng hồ, cũng về đường tứ tông.
        Phù, Trầm, Trì, Sác, tứ tông,
        Tóm coi ba bộ cho ròng thời hay.
        Nghìn xưa bốn mạch đón thay !
        Lời ca tâm pháp ta nay thuộc lòng :


            XXVII.- Tổng Khan tam bộ mạch pháp
            ( Tổng quát về phép xem mạch ba bộ )
            Dịch nghĩa :
            Mạch hội ở kinh Thái âm, xem ở đó có thể biết sống chết,
            Thốn, Quan, Xích đủ cả tình hình âm dương.
            Bằng ba cách ấn nổi, ấn giữa, ấn chìm mà biết mạch đi trì hay sác.
            Thuận hay nghịch, thực hay hư đều ứng với ngũ hành.
            Nào cửu hậu, nào thập biến, rất là phiền phức
            Nhưng đều do tạng phủ hợp lại mà thành ra.
            Mạch ba bộ mà đủ thì dễ biết bệnh,
            Nhưng nếu khi đến, khi không đến thì thật khó có bằng cứ.
            Mạch lên, xuống, đi, lại đều có dấu vết,
            Nên tìm mạch, tay phải cứng và nằm ngang.
            Duy có mạch Thiên hòa thì không ứng,
            Nhảy gấp khác thường là thuộc kỳ kinh.
            Một mạch mà biến hai lần chớ lo là lạ,
            Nam hay nữ cũng vậy, nếu thấy nó giữa giờ Dần chớ lo sợ hão,
            Năm mươi là số chót của phép Thái diễn,
            Theo ngôi chủ tiên thiên mới biết là thiêng liêng.
            Bốn mùa đều lấy khí của vị làm gốc,
            Sáu Giáp kế tiếp nhau như anh với em.
            Gọn gàng thay phép tứ mạch để lại cho ngàn đời,
            Lập ra then chốt để xem động tĩnh thật giản dị và rõ ràng.
            Chẳng cần hỏi ở kinh nào hay tạng phủ nào,
            Chỉ cần đinh ninh xét rõ mạch mạnh hay yếu.
            Muốn rõ gốc nguồn, không có sự khéo léo nào khác,
            Chỉ cốt là khi xem mạch thì tâm thần phải trong sạch.
        1035- Phép hay nhóm một thiên này,
        Ý sâu, nghĩa kín, vốn thầy bách gia.
        Thêm còn Y quán dọn tra
        Kiêm lời tiểu tự biên ra hẳn hòi.
        Cứ theo thiên ấy tóm coi,
        1040- Thực hư ba bộ, biết mòi tử sinh.
        Lạ thay mấy mạch kỳ kinh,
        Thiên hoà, chẳng ứng nhiều anh dốt ngầm.
        Ngư rằng : Tấm biển Y lâm,
        Chữ "Tam Công" ấy, chủ cầm ý chi ?
        1045- Dẫn rằng : Bốn chữ phép kỳ,
        "Vọng, văn, vấn, thiết", bậc ghi ba tầng.
        Thượng công là chữ "vọng văn",
        Trung công chữ "vấn" chủ rằng thông minh.
        Hạ công chữ "thiết" đã đành,
        1050- Trong ba bậc ấy tài lành khác nhau.
        Ba công nghề nghiệp lau làu,
        Coi kinh Tố vấn thấy màu thợ hay.
        Ngư, Tiều, đều dậy vòng tay,
        Rằng : Xin lạy tạ gặp nay lời lành.
        1055- Tuy chưa đến cửa cao minh,
        Trước dà nghe dạy mở tranh lấp rào.
        Mấy hồi lòng chịu miệng trao,
        Phá ngu phát rậm, biết bao nhiêu lời.
        Bấy lâu ngồi giếng xem trời,
        1060- Dòm beo trong ống, đạo đời biết đâu.
        Dẫn rằng : Bằng hữu giúp nhau,
        Miễn cho trọn nghĩa theo câu ngũ thường.
        Phần ta học hãy tầm thường,
        Còn nhờ một bạn tê Đường Nhập Môn.
        1065- Nhập Môn học có tiếng đồn,
        Rộng thông kinh sử, trí khôn vượt bầy.
        Nhà nho đèn sách công dày,
        Tài kiêm tám đấu, sách đầy năm xe.
        Văn chương ai cũng muốn nghe,
        1070- Phun châu, nhả ngọc báu khoe tinh thần.
        Vì câu " sinh bất phùng thần",
        Dẹp nghề cửa Khổng theo phần kỹ lưu.
        Đan Kỳ đồ đệ trước sau,
        Đều nhường tên ấy ở đầu y sinh.
        1075- Ngư, Tiều nghe nói tỏ tình,
        Nhìn rằng tên ấy tiền trình vốn quen,
        Nhớ xưa cũng bạn sách đèn,
        Nước loàn nên mới thân hèn lìa nhau.
        Tấm lòng mơ tưởng bấy lâu,
        1080- Chưa hay tông tích ở đâu đi tầm (tìm) .
        Ngư, Tiều đang lối mừng thầm,
        Xảy nghe ngoài cửa tiếng ngâm thơ rền,
        Gió trong đưa dắt hơi lên,
        Trước am Bảo Dưỡng nghe rền lời thơ,

    << Trang 2 | Trang 4 >>


    Dành cho quảng cáo

    ©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
    Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 271

    Return to top