Sau ngày đi chơi xứ tuyết về hai người thường đi dạo phố hàng tuần. Lúc thì Shinzuku, Asakusa, hay Shibuya. Trong dịp đi chơi Shibuya hai người ghé tiệm đĩa nhạc, tiệm đang cho chạy bản nhạc Tảo nghe rất quen thuộc, thì ra bản Diễm Xưa được hát bằng tiếng Nhật bởi giọng ca khàn đục của Khánh Ly. “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ dài tay em mấy thuở mắt xanh xao nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ đường dài hun hút cho mắt thêm sâu ………………………………………………….. akaichi no hate ni anata no shira nai ai ga aru koto o oshieta no wa dare kaze no tayori na no hito no uwasa na no ai o shiranai de itte kuretanaraba watashi wa ima mo anata no soba de inochi no tsuzuku made yume miteta noni ima wa chi no hate ni ai o motomete ame ni sasowarete kiete yuku ... anata” - Anh Tảo biết bản nhạc này không? Hình như nhạc Việt Nam thì phải? Đang ở top hit đó, nhiều người Nhật nghe rất thích. - Tảo biết chứ đó là bản nhạc nghe đầu giường của anh thời trung học lúc 16 tuổi vào giữa thập niên 60. Tảo mua đĩa nhạc này tặng cho Ái Tử. Nàng nghe rất thích. Giọng ca ma quái của Khánh Ly đã đem nhạc Trịnh Công Sơn đi vào dòng âm nhạc Nhật. Chất giọng Khánh Ly đã đưa nhạc họ Trịnh đến giới sinh viên thời thâp niên 60, thì cũng chính giọng ca khàn đục nhừa nhựa một lần nữa lại đưa nhạc họ Trịnh đến thính giả người Nhật. Vào năm 1970 Khánh Ly đã qua Nhật hát trong gian hàng triển lãm Việt Nam và đã được người Nhật để ý. Cuộc tình giữa Tảo với Ái Tử êm đềm trôi rất hạnh phúc. Đôi khi Ái Tử qua nhà Tảo hoặc Tảo qua nhà Ái Tử. Chiều nay đang ngồi xem ti vi với Ái Tử, Tảo nhận được điện thoại từ thằng bạn nói lên gấp cư xá Kokusai để tiếp viện vì có sự đụng độ giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Nam Dương. Tảo nói vắn tắt vài lời với Ái Tử rồi đi nhanh ra ngoài. Đến nhà ga, đã có một số đông sinh viên tụ tập trước sân ga đứng chờ. Con đường chính đi vào cư xá quốc tế đã được cảnh sát chận lại, vì sợ có đổ máu lớn. Những sinh viên thổ địa vùng ga này biết hết đường đi ngõ tắt, bèn hướng dẫn anh em tránh cảnh sát đi vòng vào gần sát cư xá. Không khí rất khẩn trương vì đây là sự đụng chạm đến tự ái dân tộc, những người trẻ sinh viên sẵn sàng đổ máu vì hai tiếng Việt Nam chứ không chịu bị nhục. Bên trong phòng họp đang có sự điều đình của đại diện sinh viên hai nước, nếu cuộc điều đình không thành thì đai diện sinh viên Việt Nam có thể bị nguy đến tính mạng vì sự bao vây của nhóm Nam Dương bên trong cư xá. Hầu hết sinh viên Việt là những thư sinh trói gà không chặt chưa bao giờ cầm đến dao búa. Còn nhóm sinh viên Nam Dương đa số là cảnh sát qua tu nghiệp, họ đã học cách đánh cận chiến để đối phó với du đãng, võ nghệ đầy mình. Như vậy nếu xảy ra đụng độ thì có lẽ sinh viên Việt sẽ bị lép vế, vậy mà tinh thần dân tộc đã làm anh em không nao núng quyết ăn thua đủ. Rút cục cuộc điều đình đã thành công. Anh đại diện đang theo học bậc tiến sĩ ra nói để anh em giải tán. Anh em cõng anh tung hô, vì nếu cuộc điều đình không thành anh có thể là người hy sinh trước nhất. Sau này anh tâm sự sao lúc đó anh liều thế giờ nghĩ lại mới thấy run. Có lẽ tinh thần dân tộc đã thúc đẩy anh không ít. Linh Thiêng thay hai chữ Việt Nam. Về đến nhà thì Ái Tử vẫn đang lo lắng ngồi chờ đợi Tảo. - Cuộc điều đình đi đến đâu rồi anh Tảo? - Thì nhìn coi tay chân anh còn lành lặn mà. Hai bên đã chịu xử hòa và bắt tay nhau. - Anh khiến Ái Tử lo lắng quá trời! Ngồi nhà không yên. Ái Tử sờ nắn khắp người Tảo bỗng chạm phải vật gì cồm cộm. - Cái gì đây anh? - Đây là con dao bấm lần đầu tiên anh cầm lấy nó. Em sợ không? - Hãy vất nó đi anh, Ái Tử sợ lắm. Ái Tử ôm Tảo đặt lên môi người yêu một nụ hôn say đắm, Ái Tử sợ Tảo có điều gì không may xảy đến. Ái Tử lo lắng chăm sóc Tảo như một người vợ. Tảo đáp trả lại ôm chặt Ái Tử hôn như mưa trên khuôn mặt đẹp. Ái Tử rên khe khẽ. - Em cần có anh, đừng làm em sợ nữa nhe Tảo. - Anh cũng cần có em chăm sóc, hãy ôm chặt lấy anh Ái Tử. Sau này đại diện sinh viên Việt Nam và Nam Dương mỗi bên cử ra một người thi đấu rượu để nối kết giao hảo giữa sinh viên của hai nước, bỏ qua đi những tị hiềm và hiểu lầm. Hai két bia lớn Asahi được mang ra, mỗi két chứa 24 chai, loại chai này lớn gấp đôi chai bia Heineken 12 oz. Bên này một chai bên kia một chai mà phải uống nước nạp chứ không được nghỉ, người nào mót đi tiểu thì có quyền đi vào nhà vệ sinh. Mười hai chai đầu thì không thấm thía đối với hai tay bợm nhậu, càng những chai sau càng uống kéo dài hơn. Trời đã tối hai bên càng mót đi tiểu hơn, đó chỉ là tiểu xảo của hai tay bợm, cả hai đi vào nhà cầu thay vì tiểu tiện lại thọc hai ngón tay vào họng để nôn mửa cho hết chất rượu ra ngoài. Nhưng chất rượu đã ngấm vào máu thì có làm đủ mánh khóe cũng không giảm bớt chất rượu đi bao nhiêu. Những vỏ chai bia được vất ngổn ngang chồng càng lên cao thì hai tay thi uống lại càng đi xiêu vẹo và nghiêng ngả bấy nhiêu, đi vào nhà cầu mà cứ chực té lăn kềnh. Luật lệ là phải đi một mình không có ai dìu đi. Đến chai cuối cùng tay nhậu Nam Dương gục nằm thẳng cẳng mềm nhũn không nhúc nhích, buông chai rượu còn đầy rớt xuống nền gạch văng tung toé.