Qua tháng hai tuyết rơi nhiều Tảo chợt có ý định rủ Ái Tử đi trượt tuyết.
- Ái Tử có biết chỗ nào đi trượt tuyết không?
- Đã lâu lắm Ái Tử chưa có dịp đi ngó tuyết, nhân tiện có Tảo đi cho vui. Nhưng phải mướn hai phòng riêng biệt nhé.
- Ừ Tảo hứa sẽ mướn hai phòng riêng biệt.
Vừa đến khách sạn người thâu ngân hỏi.
- Hai anh chị mướn một phòng phải không? Có lẽ người thâu ngân tưởng là hai vợ chồng son trẻ đi hưởng tuần trăng mật.
- Không cho chúng tôi hai phòng riệng biệt. Ái Tử thẹn thùng lên tiếng cải chính, mặt hơi đỏ.
Tảo đặt hai phòng riêng biệt. Gọi là phòng riêng biệt, thật ra chỉ ngăn bằng một lớp cửa giấy mỏng kéo ra kéo vô, bên này có thể nhìn qua phòng bên kia dù có hơi mờ. Bỏ đồ đạc trong phòng, Tảo dắt Ái Tử đi mướn đồ trượt tuyết. Ái Tử lại một lần nữa trở thành thầy dậy trượt tuyết bất đắc dĩ cho Tảo. Nhìn Tảo té lên té xuống Ái Tử cười vui thích, quen nhau gần năm trời chưa bao giờ Tảo thấy Ái Tử cười thoải mái, cười vui như vậy. Cả buổi từ sáng đến chiều một thầy một trò cười đùa không biết mệt. Về lại khách sạn Tảo kêu hai tô mì, hai người ăn rất ngon lành. Sau đó đi tắm ofuro lên phòng trở lại bật ti vi coi một lúc thì đã gần nửa đêm. Tảo hôn từ gĩa Ái Tử trở về phòng bên cạnh. Một ngày vui chơi thoải mái.
Từ phòng bên kia bóng Ái Tử hiện lên trên cửa giấy lờ mờ qua ánh đèn, nàng trút bỏ bộ quần áo, đường cong thân thể của người con gái đập vào mắt khiến Tảo ngạt thở. Tảo nuốt nước bọt. Ngọn đèn chợt tắt, Tảo nằm trằn trọc khó ngủ, hình như có tiếng trở mình bên kia. Không chịu được hơn nữa Tảo vùng dậy mở cánh cửa giấy bên tay phải thì cánh cửa bên trái cũng vừa mở ra. Ái Tử đứng bên kia lằn ranh cánh cửa đang chờ đợi. Tảo vội âm chầm lấy thân hình Ái Tử, lóng cóng trút bỏ lớp kimono mỏng bên ngoài. Tảo chết lịm lần đầu tiên Tảo được chiêm ngưỡng thân thể ngọc ngà của người con gái Nhật. Ái Tử ghì chặt lấy Tảo.
- Em yêu anh.
- Anh đã yêu em từ ngay buổi đầu gặp gỡ.
- Đừng xa em nghe anh. Em không thể xa anh được nữa.
Bên ngoài tuyết vẫn rơi lạnh cóng, nhưng trong phòng ngọn lửa tình nóng bỏng đang hừng hực cháy như một bó đuốc. Hai thân xác quyện lấy nhau, hai tâm hồn cùng rung một nhịp đập.
- Ái Tử anh không thể xa em đâu. Hãy làm vợ anh đi nhé Ái Tử.
- Ái Tử không thèm làm vợ anh đâu, đừng có mà ham, Ái Tử nũng nịu với Tảo.
Ngoài trời tuyết vẫn rơi dữ dội.
* * *
Ái Tử gối đầu lên cánh tay Tảo. Lim dim đôi mắt hưởng lấy hạnh phúc ngây ngất bên người tình. Cả hai sáng nay thức dậy đều cảm thấy lười biếng không muốn đi ra ngoài trượt tuyết.
- Sao em thấy mệt và lười quá không thiết đi ra ngoài chơi tuyết nữa. Cũng tại anh đó.
- Anh đâu có ý đó đâu! cũng bởi vì anh thương em.
- Thương kiểu này em là người lỗ lã chứ đâu phải là anh.
- Vậy thì chúng ta cưới nhau nhé, em có bằng lòng không Ái Tử.
- Học xong anh tính ở đây hay về Việt Nam?
- Anh sẽ về Việt Nam sống em có muốn đi với anh không.
- Giờ em đã là người của anh, em sẽ đi theo anh bất cứ đâu. Anh ở thành phố nào vậy?
- Anh lớn lên từ bé ở thành phố biển Nha Trang. Thật ra ba má anh là dân bắc di cư vào nam sau năm 1954 lúc anh mới được hai tuổi hơn.
- Sài Gòn thì Ái Tử biết, Nha Trang có gần Sài Gòn không?
- Cũng hơi xa chứ không gần đâu.
Cuộc đi chơi trượt tuyết thật vui vẻ, ba ngày bên nhau tưởng chừng như bất tận. Mùi vị ái ân khiến hai người đeo dính bên nhau không muốn rời xa nhau nửa bước. Tảo cảm thấy thật hạnh phúc bên người con gái xứ hoa anh đào.
Ở bên nhà Tảo đã nghe nói nhiều về các cô gái xứ mặt trời mọc, hình ảnh cô gái mặc kimono duyên dáng như có gì cách xa khó với tới, nào ngờ đâu Tảo được cái diễm phúc sờ nắn được ôm gọn trong vòng tay. Ái Tử cũng rất chiều chuộng Tảo, phần vì Tảo là người yêu đầu đời của Ái Tử, phần vì bản tính truyền thống chiều chuộng người chồng của người vợ Nhật vẫn còn sót lại trong tâm hồn Ái Tử vào thập niên 70 này. Thập niên mà người phụ nữ bắt đầu bung ra làm ăn, và phong trào đời hỏi bình đẳng với phái nam đang âm thầm phát triển ngấm ngầm chưa quá lộ liễu. Tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại dù đất nước Nhật đã tiến bộ vượt bực trong mọi lãnh vực, nhưng vấn đề này vẫn còn quá bảo thủ. Vì vậy sinh viên đến học từ nước ngoài ăn nói ngọt ngào và nịnh đầm thường dễ thu hút các cô gái Nhật có đầu óc cởi mở. Ái Tử là một trong số các cô gái này.
Hồi còn ở tỉnh, nhà Ái Tử bên cạnh nhà một gia đình thầu làm những hộp đựng mỹ phẩm Shiseido. Ái Tử thường nghe người chồng la mắng vợ như tát nước vào mặt hễ làm điều gì sai trái hay phật lòng ông ta. Bà Vợ cũng bỏ thì giờ làm việc, phải chăm coi đám thợ đàn bà con gái ước cũng gần mười người, ông chỉ có cái tài ngoại giao kiếm mối làm ăn, chở và khiêng đồ giao hàng đã có người thanh niên đảm trách công việc. Nhưng bà vợ còn phải nấu nước tắm nóng trong bồn cho ông chồng tắm và ngâm mỗi ngày, nhà nào rộng rãi và có tiền thường có bồn tắm nước nóng trong nhà. Sau đó nấu cơm để trên bàn sẵn sàng rồi mới thỉnh chồng vào ăn còn bà thì ngồi phục dịch cho chồng ăn uống, rót rượu sake vào ly. Chán vợ, buổi tối ông ra ngồi quán rượu vừa uống vừa tán dóc với mamasan, không biết ông có chấm mút gì được không, nhưng rất thích nghe mamasan nói giọng giỡn cợt pha một chút dâm đãng. Từ quán về nhà say bí tỉ đi loạng choạng ngồi phệt xuống chiếu, bà vợ phải vội vàng tháo giầy ra cho ông, nếu chậm trễ có thể bị ông la cho một trận. Ái Tử thấy bất bình cho cảnh chồng chúa vợ tôi này. Mấy ông ngoại quốc không hiểu chuyện cho thân phận đàn bà bèo bọt ở xứ này, mà cứ phao ầm lên như một chân lý nào là “Ăn cơm Tầu ở nhà Tây lấy vợ Nhật”. Vì vậy gặp Tảo, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng của Tảo đã chinh phục được Ái Tử.
Thời này người đàn ông coi công việc hãng là chính dành thời gian rất nhiều trong hãng, sau giờ làm việc thay vì đi thẳng về nhà lại cùng với một số đồng nghiệp đến quán nhậu lai rai, vợ con ở nhà sống chết mặc bay, bởi vì ông còn đi uống ngoại giao với boss. Nhưng có lẽ do sự căng thẳng trong công việc làm trong hãng ở thời kỳ cực thịnh đang đi lên của đất nước Nhật Bản, nên ra ngoài uống rượu và tán dóc sẽ bớt được căng thẳng thần kinh, làm việc trong hãng mà không thoải mái chút nào người này ngó người kia, vô tình người này khống chế người kia không ai dám bỏ về trước. Trong đoản kỳ có lẽ đó là biện pháp tốt để cho công việc chạy, nhưng về lâu về dài đầu óc sẽ cùn không còn có được những sáng kiến cá nhân mới lạ, chỉ toàn là bắt chước và rập khuôn. Đại Hàn bây giờ cũng đang bước vào vết xe cũ của nước Nhật.