Vài nét lịch sử mà chúng tôi đã trình bày rải rác trong các chương trước cho thấy tại Việt Nam chưa bao giờ có một cuộc xung đột giữa hai tôn giáo chỉ vì lý do tôn giáo thuần túy. Dân tộc Việt Nam vốn hiếu hòa và đa số quần chúng ít quan tâm đến các triết lý cao siêu của mỗi tôn giáo, nên có thể chấp nhận một cách dễ dàng sự hòa đồng giữa các tôn giáo. Một bà mẹ có con đau nặng đã chạy đến chùa Vĩnh Nghiêm khấn vái xin Đức Phật gia độ cho con bà, sau đó lại qua nhà thờ Fatima ở Bình Lợi quỳ dưới chân Đức Mẹ van khóc xin cứu chữa con bà. Mỗi khi gặp hoạn nạn, bất cứ nơi nào nghe tin có sự linh thiêng là người dân tìm đến. Thánh chiến chỉ do những kẻ lợi dụng tôn giáo phát động để thực hiện những ý đồ chính trị.
Trong quá khứ, đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa tới những sự hòa đồng giữa các tôn giáo để xây dựng nền đạo lý dân tộc. Thuyết "
hỗn hợp tương đồng hay phụ trội" giữa Phật gia và Đạo gia cũng như các trào lưu "
Nho-Thích-Đạo đồng nguyên" đã hóa giải một cách có hiệu quả những tranh chấp giữa Nho Giáo và Phật Giáo, biến ba tôn giáo lớn này thành một tôn giáo đặc thù của Việt Nam.
Ngày nay, sự hợp tác giữa các tôn giáo được xây dựng trên một căn bản khác hơn là căn bản mà Tam Giáo tại Trung Hoa và Việt Nam đã xử dụng trong những thế kỷ qua. Sự hợp tác ngày nay đặt căn bản trên sự mưu cầu thiện ích chung cho dân tộc và nhân loại. Các tôn giáo đối thoại trên căn bản bình đẳng và cảm thông để cùng nhau góp phần hữu hiệu hơn vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trên các lãnh vực đạo lý, văn hóa, giáo dục, xã hội v.v. Đã có nhiều nỗ lực nhằm tiến tới mục tiêu này.
●
Những dấu vết trong lịch sử Năm 1618, Linh mục Vachet khi đến truyền bá Thiên Chúa Giáo tại Quảng Nam, đã có sáng kiến mở cuộc đối thoại với 30 tăng sĩ và pháp sư. Trong cuộc đối thoại này, mỗi bên trình bày về tôn giáo của mình và nói về lợi ích của tôn giáo trong đời sống xã hội. Cuộc trao đổi rất hào hứng nên các bên đề nghị mở thêm những cuộc trao đổi kế tiếp. Lần thứ hai, cuộc trao đổi kéo dài 8 tiếng đồng hồ trong tinh thần tìm kiếm sự hiểu biết nhau hơn. Giáo Hội Tây Ban Nha đã cho xuất bản cuốn "
Hội Đồng Tứ Giáo" ghi lại một cuộc trao đổi hứng thú giữa các linh mục đi truyền giáo và nhà Nho, tăng sĩ và pháp sư tại Việt Nam. Nhìn chung, sau các cuộc trao đổi đó, đã có nhiều sự cảm thông giữa Thiên Chúa Giáo với nhà Nho và các tăng sĩ Phật Giáo như Sãi Hiền, Sư cụ Manuel ... Chỉ có giới thầy pháp chống lại vì lo sợ Thiên Chúa Giáo sẽ ngăn cản công việc làm ăn của họ.
Năm 1947, khi bị cả thực dân lẫn Cộng Sản tấn công, tại Ninh Bình và Nam Định, Linh mục Hoàng Quỳnh, đại diện Công Giáo, đã cùng Thượng Tọa Thích Thiện Chiếu và Thượng Tọa Thích Tâm Châu lập
Ban Liên Tôn để phối hợp lực lượng Phật Giáo và Công Giáo trong việc bảo vệ tôn giáo và đời sống của đồng bào. Trong cuốn Bạch Thư ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã kể lại:
"
Nhận thấy sự gian manh, tàn ác của Việt Minh, lợi dụng danh nghĩa dân tộc, liên hiệp, giết hại các đảng phái quốc gia, thầm tiêu diệt các tôn giáo, các nhà trí thức, các nhà tư sản, cùng những người có uy tín, nên tôi đã không ưa chuộng Việt Minh Cộng Sản từ năm 1946. "Từ cuối năm 1946 trở đi, một mặt tôi cố gắng tuyên dương giáo lý của Đức Phật và nói rõ chủ trương của Việt Minh cho nhiều người hiểu. Mặt khác, tôi đi vận động, liên kết những người có tinh thần quốc gia, liên kết các tôn giáo cùng chung một đường lối, ngăn ngừa sự xâm nhập của Việt Minh Cộng Sản".
Năm 1964, khi các cán bộ Cộng Sản nằm vùng cho thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng và Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng để mở chiến tranh tôn giáo, lũng đoạn và làm suy yếu hàng ngũ quốc gia, một
Văn Phòng Liên Lạc Tôn Giáo đã được thành lập ngày 1.9.1964 gồm đại diện Công Giáo, Phật Giáo và cơ quan chính quyền để giải quyết các sự xung khắc do hiểu lầm. Khi phong trào ngụy hòa được phát động khắp miền Nam, một
Khối Quốc Gia Chống Cộng được thành lập vào ngày 2.6.1965 để đối phó. Khối này gồm đại diện các tôn giáo sau đây:
- Cao Đài : Chưởng Quản Lê Văn Trung.
- Phật Giáo Hòa Hảo : ông Lương Trọng Tường.
- Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam : Hòa Thượng Thích Chân Bổn.
- Công Giáo : Linh mục Hoàng Quỳnh.
Cùng trong ngày nói trên,
Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo đã được thành lập để phản kháng dự thảo quy chế tôn giáo do chính phủ vừa đưa ra. Lúc đầu, Ủy Ban chỉ gồm ba tôn giáo:
- Công Giáo : Linh mục Hồ Văn Vui.
- Phật Giáo Hòa Hảo : ông Nguyễn Văn Hợi.
- Bahai Tôn Giáo Hoàn Cầu : ông Lê Lộc.
Về sau Ủy Ban trở thành
Hội Đồng Tôn Giáo, có mục đích tạo sự đoàn kết và hợp tác giữa các tôn giáo. Linh mục Hồ Văn Vui nói với ký giả Piero Gheddo về sinh hoạt của Hội Đồng Tôn Giáo như sau:
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được mời nhưng không cử đại diện đến. Ngày 22.9.1965, Viện Hóa Đạo cho công bố một bức thư nói rõ rằng Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất không tham gia Hội Đồng Tôn Giáo bao lâu còn có đại diện của Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập dưới thời chính phủ Trần Văn Hương.
Các tổ chức đối thoại và hợp tác tôn giáo nói trên tuy được thành lập do nhu cầu của mỗi giai đoạn nhưng cũng đã giúp giải quyết được một số khó khăn khá nghiêm trọng. Từ những lợi ích này, một số nhà lãnh đạo tôn giáo nhận thấy rằng sự hợp tác tôn giáo sẽ có thể giúp ích nhiều hơn nữa trong một số lãnh vực mà tôn giáo có trách nhiệm, như xây dựng nền đạo lý và giáo dục của dân tộc, chia xẻ những nỗi thống khổ của người dân như nghèo đói, bị áp bức, bị ngược đãi hay có một cuộc sống không phù hợp với nhân phẩm con người... Nhiều ý niệm mới về hợp tác tôn giáo đang được hình thành.
●
Hướng đi của thời đại mới Qua sự sụp đổ của các chế độ cộng sản Âu Châu, thời kỳ chiến tranh lạnh coi như không còn nữa. Thế giới đang tiến tới thời kỳ đối thoại và hợp tác để xây dựng một trật tự thế giới mới công bằng, tiến bộ và phồn thịnh hơn. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Việt Nam cũng đã ý thức được điều đó.
Trong Quyết Nghị của Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại San José ngày 27.9.1992, Đại Hội đã long trọng tuyên bố:
"
Đại hội cũng đồng xác quyết quan niệm Phật giáo là một thành phần của cộng đồng dân tộc, luôn luôn chủ trương Đạo và Đời đi đôi với nhau trong tinh thần hỗ tương với các tôn giáo bạn mà nhờ đó dân tộc Việt Nam đã trường tồn một cách oai hùng trong hàng ngàn năm lịch sử."
Đại Hội cũng quyết định "
kiên định tinh thần kỷ luật và phát triển tư tưởng bao dung, tiêu trừ thành kiến cố chấp cục bộ hẹp hòi trong hàng ngũ Phật tử."
Trong bản tuyên bố "
Đường Hướng của Phật Giáo Việt Nam", Hòa Thượng Nhất Hạnh đã khẳng định:
"
Phật Giáo Việt Nam nguyện góp sức đánh tan mọi tị hiềm, giải tỏa mọi hiểu lầm giữa các thành phần dân tộc, kêu gọi sự hiểu biết và tha thứ về những hiểu lầm của nhau trong quá khứ để cùng góp sức xây dựng hiện tại và tương lai. Phật tử Việt Nam tha thiết muốn chung sống hòa bình và an lạc với các truyền thống Nho Giáo, Lão Giáo, Cơ Đốc Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và các thành phần khác của dân tộc".
Các tập san Giao Điểm, Hợp Lưu, Trăm Con... đang có những chuyển hướng đáng kể. Các tạp chí này chú trọng nhiều đến văn hóa hơn là chính trị. Chỉ riêng ba nhóm miền Trung trong hệ phái Phật Giáo Ấn Quang vẫn còn theo đuổi phương thức của Phát-xít Đức để tạo chiến tranh tôn giáo, đó là các nhóm đứng đằng sau lưng Đỗ Mậu, Lê Trọng Văn và Lý Khôi Việt (tức Lê Hiếu Liêm). Nhóm này tiếp tay cho nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam kêu gọi các tín đồ Công Giáo tách rời khỏi Tòa Thánh La Mã, thành lập một Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tự trị. Đây là một âm mưu chia để diệt do Đảng Cộng sản chủ trương, nhóm nói trên chỉ là công cụ. Hành động của nhóm này hoàn toàn trái với giáo lý của Phật giáo và đi ngược lại trào lưu của thời đại, ngược lại đường lối chung của Phật Giáo Việt Nam.
Trong Ngày Cầu Nguyện Hòa Bình cho Việt Nam được tổ chức tại La Mã từ 5 đến 7.10.1992, đại diện các tôn giáo cũng đã trình bày những ước muốn hợp tác tôn giáo như sau:
* Phái đoàn Phật Giáo Âu Châu :
"
Ngày xưa tại Việt Nam đối với các tôn giáo khác, nhất là đạo Kitô, Phật Giáo chúng tôi không có cơ hội nhiều để đối thoại với quý vị, có lẽ vì hoàn cảnh đất nước cũng như chiến tranh đã làm chúng ta khó thực hiện được cơ hội ấy. "Ngày nay ở hải ngoại này chúng ta có cái nhìn phóng khoáng hơn, vị tha hơn, nên việc trao đổi tư tưởng, giáo lý các đạo giáo với nhau quả là điều rất cần thiết. Hôm nay trong buổi lễ cầu nguyện Hòa Bình cho Việt Nam của chúng ta, những người đại diện cho các tôn giáo lớn tại Việt Nam của chúng ta như Cao Đài, Hòa Hảo, Kitô và Phật Giáo đã nói lên được tính cách cao cả đó. Chúng ta trước khi là tín đồ của một tôn giáo, mỗi chúng ta phải tự biết rằng chúng ta là những người Việt Nam thuần túy. Vì thế, cầu nguyện cho Việt Nam cũng có nghĩa là cầu nguyện cho mỗi chúng ta được hòa bình trong nội tâm trước khi đi đến hòa bình cho Việt Nam và cho toàn thế giới. "Đất nước chúng ta trải qua hàng bao nhiêu thế kỷ đã bị nội loạn và ngoại xâm cũng chỉ vì chúng ta vọng ngoại và không tôn trọng lẫn nhau để xây dựng quê hương xứ sở. Nếu mọi ý kiên xây dựng được tôn trọng thì chắc chắn đất nước của chúng ta không có ngày hôm nay... "Trong tinh thần đó, ngày cầu nguyện hòa bình năm nay được tổ chức tại La Mã rất có ý nghĩa, khi tất cả chúng ta, đại diện cho những tôn giáo lớn tại Việt Nam, sẽ cùng nhau hợp sức để kiến tạo một Việt Nam không có độc tài cộng sản và tiến đến một đất nước thanh bình an lạc trong tính đại đồng của mỗi tôn giáo để quê hương chúng ta càng đẹp đẽ hơn."
* Đại diện Phật Giáo Hòa Hảo:
"
Chuyện kết hợp tôn giáo không phải bây giờ mới đặt ra mà nó đã có trong quá khứ (Mặt Trận Liên Tôn giữa Công Giáo và Phật Giáo năm 1947 trong chiến dịch đả thực, bài phong, giành độc lập và bảo vệ tự do tín ngưỡng. Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia gồm có Cao Đài, Phật Giáo, Hòa Hảo, Bình Xuyên và Thiên Chúa Giáo để mưu cầu xây dựng căn bản chống Cộng rộng rãi). Tuy nhiên, đó chỉ là những cuộc kết hợp song phương hay đa phương nhất thời cho những nhu cầu tình thế giai đoạn. Lần đầu tiên một cuộc họp mặt có tầm vóc quy mô rộng rãi, với sự tham dự đầy đủ của các tôn giáo, tiêu biểu cho đại đa số quần chúng Việt Nam hữu thần trong một mục đích cao cả. Đây là một cơ duyên tốt đáng mừng, một bước khích lệ trong tiến trình liên tôn hòa đồng mà quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo từ lâu mong mỏi, mưu tìm, gặp gỡ, trao đổi, vận động... "Ước mong cơ duyên này được tiếp tục bằng thành tâm thiện chí hợp tác của tất cả tôn giáo, để tạo thành sức mạnh tinh thần, niềm tin vững chắc cho toàn thể, tuy khác biệt về tín ngưỡng, nhưng cùng chung mục đích khát vọng hòa bình công lý, phối hợp dấn thân hành động để sớm mang phúc lợi cho quê hương xứ sở thân yêu vốn chịu quá nhiều đau khổ. Được như thế thì quả là công đức vô lượng và cũng là đại phúc cho đất nước và dân tộc".
* Giáo Hữu Thượng Màng Thanh, Khâm Châu Đạo tiểu bang California:
"
Thể theo thánh ý của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế hằng mong muốn cho nhân loại con cái của Ngài được sống hòa hợp, hạnh phúc, hòa bình, tự do dân chủ trong một thế giới Huynh Đệ Đại Đồng, không phân biệt màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ, mà ngày Hội Liên Tôn Cầu Nguyện Hòa Bình hôm nay đã đánh dấu đậm nét trong lịch sử đoàn kết tôn giáo và góp phần lớn lao trong tiến trình thúc đẩy Cơ Chuyển Thế Kỳ Ba: "Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục,
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền".
Bởi vậy, theo quan niệm của phái đoàn Cao Đài.Giáo chúng tôi, sự hiệp nhất của chúng ta trước Thượng Đế trong Ngày Cầu Nguyện Hòa Bình cho Việt Nam tại Thánh Địa La Mã hôm nay là biểu tượng cao đẹp, trong sáng của niềm tin đồng quy xứng hợp với Thiên ý, chắc chắn sẽ đem lại một giá trị tinh thần kiến hiệu, làm nền tảng vững chắc cho một sức mạnh dựa vào ý chí thống nhất truyền thống của dân tộc, để tạo dựng một nền Hòa Bình công chính cho toàn dân Việt Nam".
Đại diện Cao Đài hải ngoại Âu Châu, Hoa Kỳ và Canada:
"Từ bao năm qua, dân tộc Việt Nam đã không được hưởng một nền hòa bình thật sự, người thì phiêu bạt khắp nơi trên thế giới, kẻ thì chịu khổ nhục ở quê nhà. Ngày nay, niềm mong muốn duy nhất của mọi người dân Việt là nền hòa bình chân thật trên quê hương. Nền Hòa bình này phải được dựa trên căn bản đạo đức, bác ái và công bình, hay nói cách khác, người dân trong một nước hòa bình phải có được sự thương yêu và quyền tự do dân chủ thật sự. Đời đã có Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thì Đạo cũng nên có một Hội Đồng Liên Hiệp Tôn Giáo. Vì lẽ công bình bác ái, vì quyền sống và nhân phẩm con người, chúng tôi mong mỏi các tôn giáo ngồi lại với nhau để thành lập một Hội Đồng Liên Hiệp Tôn Giáo để hướng dẫn con người trong tình thương và lẽ thật".
Về phía Công Giáo, Công Đồng Vatican II đã biểu quyết và công bố vào ngày 28.10.1965 "
Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo khác". Mở đầu, bản Tuyên Ngôn nói:
"
Trong thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trong nhiệm vụ cổ võ sự hiệp nhất và yêu thương giữa con người và nhất là giữa các dân tộc, trước tiên ở đây Giáo Hội đề cập đến những điểm chung cho hết mọi người và dẫn đến cuộc sống cộng đồng".
Về vai trò của các tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo xác định :
"
Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng trọng kính chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có những điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và có bổn phận kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng là "đường, sự thật và sự sông" (Gioan 14,6) nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình. "Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo."
Năm 1966, trong dịp Đặc Sứ Pignedoli của Tòa Thánh Vatican đến thăm Việt Nam từ 28.9.1966 đến 5.10.1966, Đức Giáo Hoàng Phao lô VI đã gửi cho Hội Đồng Tôn Giáo của Việt Nam một sứ điệp có đoạn như sau:
"
Chúng tôi được an ủi và hài lòng khi biết rằng các vị đại diện có tư cách của nhiều cộng đoàn tôn giáo khác nhau tại Việt Nam đã thành lập một cơ quan là Hội Đồng Tôn Giáo với mục đích cổ võ sự hợp tác hữu hiệu hơn giữa các công dân. Trước sáng kiến quảng đại như thế, Giáo Hội Công Giáo không thể không tham gia. Giáo Hội Công Giáo, theo sứ mệnh thiêng liêng, hằng tán thưởng và thúc đẩy sự hiệp nhất và bác ái giữa mọi người và mọi dân tộc, bởi lẽ tất cả có chung một nguồn gốc và một mục đích"(2).
●
Những viên gạch mới Trong những ngày đến dự lễ cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam tại La Mã từ 5 đến 7.10.1992, đại diện 5 tôn giáo lớn của Việt Nam gồm Cao Đài, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo và Tin Lành, đã quyết định thành lập
Văn Phòng Liên Lạc Các Tôn Giáo để tiến tới việc đối thoại và hợp tác tôn giáo. Thể hiện tinh thần đó, một đại hội đại biểu các tôn giáo đã được tổ chức tại Los Angeles, California trong hai ngày 18 và 19.8.1993, đã quyết định tổ chức
Hội Đồng Hợp Tác Tôn Giáo tại Hoa Kỳ nhằm các mục tiêu sau đây:
- Xây dựng và đoàn kết tôn giáo dựa trên tinh thần bình đẳng, tương kính, tin yêu và tiếp trợ lẫn nhau.
- Bảo vệ và phát huy truyền thống đạo đức của dân tộc.
- Hợp tác chặt chẽ trong các lãnh vực tôn giáo, văn hóa, giáo dục nhắm phục vụ quyền lợi tối thượng của con người, đạo giáo, quê hương và dân tộc.
Đại hội đã thành lập 4 tiểu ban: Tiểu ban tự do tôn giáo, tiểu ban tị nạn, tiểu ban các vấn đề cộng đồng và tiểu ban cơ cấu. Hội Đồng biểu quyết và cho công bố một tuyên ngôn về tự do tôn giáo, kêu gọi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thu hồi các quy chế tôn giáo đã ban hành vì các quy chế này vi phạm quyền tự do tôn giáo, công nhận tư cách pháp nhân của các tôn giáo, trả tự do cho các chức sắc, tu sĩ và tín đồ của các tôn giáo đang bị giam giữ hay quản chế và hoàn trả cho các tôn giáo những tài sản đã bị tịch thu hay chiếm dụng. Hội Đồng cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, các giáo hội quốc tế, các chính phủ, đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ, dùng mọi phương cách đòi buộc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Tuyên ngôn này đã được Thượng Tọa Thích Minh Tuyên, Tổng Vụ Trưởng Vụ Cư Sĩ, Phật Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, đại diện Hội Đồng, tuyên đọc trên các đài truyền thanh và truyền hình tại California.
Đây mới là bước đầu. Các thành viên của Hội Đồng đang nghiên cứu để có những sinh hoạt hữu ích thiết thực cho Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại và cho quê hương.
●
Đã có một hướng đi rõ ràng Qua những cuộc biến động đau thương do những kẻ lợi dụng tôn giáo gây ra trên đất nước, các giáo hội Việt Nam ở hải ngoại ngày nay đã xác định được hai điểm quan trọng:
Thứ nhất, quốc gia phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Việc thành lập quốc giáo hay "giáo hội quốc doanh" theo kiểu của nhà cầm quyền cộng sản là vi phạm quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền mà mọi quốc gia đều cam kết tôn trọng.
Thứ hai, các giáo hội và các tu sĩ không làm chính trị vì "chính trị chỉ là giai đoạn, cục bộ, dù chi phối toàn thể sinh hoạt xã hội và người dân", trong khi đó con đường của tôn giáo là con đường trường cửu nhắm giải thoát con người và đưa con người tới Chân, Thiện, Mỹ. Kinh nghiệm cho thấy sự tham gia của các giáo hội và tu sĩ vào chính trị thường gây những tai họa cho cả tôn giáo lẫn quê hương. Lãnh vực của tôn giáo là đạo lý, văn hóa, xã hội và giáo dục chứ không phải chính trị. Tuy nhiên, vì là thành phần trong cộng đồng quốc gia, các giáo hội có quyền và có trách nhiệm trình bày những quan điểm về tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống quốc gia, nhất là trong các lãnh vực mà các giáo hội có thẩm quyền như tôn giáo, luân lý, giáo dục ... để góp phần vào việc thiết lập những chính sách hay những đường lối phục vụ con người hữu hiệu hơn. Trái lại, người tín đồ, với tư cách là một công dân, được kêu gọi tích cực tham gia vào các hoạt động chính tri theo tinh thần của tôn giáo mình để góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, trong đó nhân phẩm của con người phải được tôn trọng. Mọi sự lạm dụng danh nghĩa của tôn giáo hay cố ý dùng tôn giáo làm công cụ để tranh dành ảnh hưởng chính trị hay địa vị trong chính quyền đều phải được loại bỏ.
Martin Luther King đã nói : "Giáo Hội phải được nhắc nhở rằng Giáo Hội không nên là quốc sư hay là người phục dịch cho chính quyền, tốt hơn cả Giáo Hội nên là lương tâm của chính quyền."(3)
Đó là một quan niệm đứng đắn về vai trò của các giáo hội trong cộng đồng quốc gia.
Ghi chú: 1. Quốc Việt, Công Giáo đối thoại với tôn giáo tại Việt Nam, Thời Điểm Công Giáo số 13, tháng 8 & 9 năm 1992, tr. 131
2. Quốc Việt, tạp chí dẫn trên. tr. 135 - 136.
3. Hugh Rawsom & Margaret Miner, The New Intemational Dictionary of Quotation, 1988, p. 310 TÁC GIẢ TỰ XUẤT BẢN NĂM 1994