Vì dựa vào người nhiều thế mạnh, và Giả Thụy bắt phải tạ lỗi, nên Kim Vinh đành phải lạy tạ Tần Chung, bấy giờ Bảo Ngọc mới chịu thôi, không sinh chuyện nữa. Tan học, Kim Vinh về nhà, càng nghĩ càng tức, lẩm bẩm: “Tần Chung chỉ là em vợ Giả Dung, không phải là con cháu họ Giả, cũng đi học như ta thôi. Chỉ vì nó thân với Bảo Ngọc, nên coi người bằng nửa con mắt. Nếu nó ăn ở đứng đắn thì chẳng nói làm gì, nhưng thường ngày nó lại thậm thậm thụt thụt với Bảo Ngọc, coi như ai cũng mù cả, không trông thấy gì. Nay nó lại đi chằng với đứa khác, chọc vào mắt ta. Dù có gây chuyện, ta lại sợ gì?”
Mẹ Kim Vinh là họ Hồ, nghe con cảu nhảu một mình, bảo:
- Mày lại định sinh sự gì đấy? Tao phải nói khó mãi với cô mày, cô mày lại tìm hết cách để nói với mợ Liễn bên phủ Tây, mày mới có chỗ học. Nếu không nhờ người ta, thì nhà mình sức đâu mời được thầy? Vả chăng, ở bên ấy cơm nước có sẵn, hai năm nay mày được học ở đấy, tao đỡ bao nhiêu tiền. Số tiền bớt ra ấy, tao may thêm quần áo đẹp cho mày. Nếu mày không học ở bên ấy, thì biết thế nào được cậu Tiết, mỗi năm được cậu ấy giúp nhà mình tới bảy tám mươi lạng bạc? Nay mày lại muốn sinh sự thì liệu mày có tìm được chỗ nào học tốt như thế không? Tao bảo cho mà biết, việc ấy khó hơn lên trời đấy! Mày muốn tốt thì đi ngủ ngay đi cho xong chuyện!
Bấy giờ Kim Vinh mới chịu im, không nói nữa. Một lúc ngủ yên. Hôm sau lại đi học như thường.
Cô của Kim Vinh là vợ Giả Hoàng. Giả Hoàng thuộc dòng chữ “ngọc” trong chi trưởng họ Giả. Nhưng có phải cả họ nhà nào cũng được thịnh vượng như phủ Ninh, phủ Vinh đâu? Điều đó chẳng cần phải nói. Vợ chồng Giả Hoàng có một cơ nghiệp nho nhỏ thường hay đến thăm phủ Ninh và phủ Vinh, lại khéo chiều chuộng Phượng Thư và Vưu thị, được họ giúp đỡ, mới có thể sinh sống qua ngày. Hôm ấy trời tạnh ráo, rỗi việc, vợ Giả Hoàng mang theo một bà già, thuê xe về thăm chị dâu và cháu.
Trong khi nói chuyện, mẹ Kim Vinh đem việc hôm qua xảy ra ở trường học, từ đầu đến đuôi, kể cho vợ Giả Hoàng nghe. Vợ Giả Hoàng điên tiết nói:
- Thằng nhãi Tần Chung kia là bà con với họ Giả, thì thằng Vinh này không phải là họ hàng với họ Giả hay sao? Nó cậy thế vừa chứ? Vả lại việc làm của nó có đẹp đẽ gì cho cam! Ngay đến Bảo Ngọc cũng không có phép như thế. Để tôi sang phủ Đông nói chuyện với chị Trân và chị thằng Tần Chung, xem họ phân giải ra sao?
Mẹ Kim Vinh nghe nói hoảng lên, vội vàng ngăn lại:
- Tôi buột miệng nói chuyện với cô đấy thôi, cô đừng sang kể với người ta nữa. Phải trái thây kệ chúng nó. Nếu xảy ra chuyện gì thì cháu nó còn ở yên bên ấy sao được? Sức nhà thì không những không mời được thầy, mà cả đến tiền ăn uống chi dùng cho nó cũng tốn kém nhiều.
Vợ Giả Hoàng nói:
- Việc ấy không ngại. Để tôi sang nói xem sao.
Không nghe lời chị dâu, vợ Giả Hoàng cứ sai bà già gọi xe sang phủ Ninh. Đến nơi, xuống xe trước cửa nách phía đông, vào gặp ngay Vưu thị. Bấy giờ, vợ Giả Hoàng chưa dám tuôn nỗi bực dọc, chỉ vồn vã thăm hỏi, nói mấy câu chuyện phiếm rồi hỏi:
- Hôm nay sao không thấy mợ Dung?
Vưu thị nói:
- Không biết cháu nó ra làm sao, mà hai tháng nay không thấy kinh. Mời ông lang đến xem, lại bảo không phải là có tin mừng. Hai hôm nay, nó cứ đến chiều là người mệt, mắt hoa, chuyện cũng không buồn nói, tôi bảo cháu: “Không nên giữ lễ lắm, sớm tối không cần theo lệ đến thăm nom, phải tĩnh dưỡng mới được. Họ hàng đến, đã có tôi; nếu các bậc bề trên có chê trách điều gì tôi sẽ nói hộ”. Tôi dặn cả cháu Dung: “Không được quấy rầy nó. Không được làm nó tức giận, để nó tĩnh dưỡng ít lâu cho khỏe. Nó cần gì thì cứ đến đây mà lấy, nếu chẳng may có mệnh hệ nào mày phải lấy vợ khác, ta chắc rằng có đốt đuốc đi lùng khắp thiên hạ cũng chẳng tìm đâu ra được người nết na như thế. Các bậc trên trong họ không ai là không yêu quý cách cư xử của nó”. Vì nó mà bấy lâu nay tôi cứ lo lắng không yên. Không ngờ sáng nay, em trai nó đến thăm, tính còn trẻ con, chưa biết cân nhắc hay dở, thấy chị ốm, đáng lẽ có việc gì tức bực đến đâu cũng không nên nói mới phải. Thế mà nó kể hết cả những chuyện đánh nhau ở trường, chẳng biết đứa nào đến học nhờ mà dám bắt nạt nó, và nói cho chị nó nghe cả những câu chuyện bậy bạ. Thím ơi, chắc thím cũng biết con dâu tôi bề ngoài thì nói cười vui vẻ lắm, nhưng trong bụng hay suy nghĩ, hễ nghe thấy ai nói cái gì, nó cũng đắn đo đến năm ba ngày mới thôi. Bệnh này là do nó nghĩ nhiều quá mà sinh ra. Nay nghe nói có người khinh rẻ em nó, nó vừa buồn vừa tức; buồn vì bọn vô lại gây bè kéo cánh, ăn không nói có, đâm người nọ chọc người kia; tức vì em mình hư hỏng không chịu học, không chuyên tâm sách vở, lại làm ồn cả trường. Vì thế, nó bỏ cả bữa cơm sáng. Tôi khuyên giải một hồi, lại dặn dò em nó mấy câu, bảo hãy sang chơi với Bảo Ngọc ở phủ bên kia. Tôi lại trông cho nó ăn hết nửa bát yến sào rồi mới về đây. Thím tính thế có sốt ruột không? Lại thêm bây giờ không có thầy thuốc nào hay. Nghĩ đến bệnh nó lúc nào, là ruột tôi đau như kim châm. Thím có biết ai chữa thuốc giỏi không?
Kim thị nghe vậy, bao nhiêu cơn tức giận ở nhà muốn đến cãi nhau ngay với Tần thị đều bay đến tận nước Trảo Oa(1) hết cả. Lại nghe thấy Vưu thị hỏi thầy thuốc hay, liền trả lời:
- Tôi không quen thầy thuốc nào, cứ bệnh tình mợ Cả như vậy, chắc đâu không phải là có mang? Chị đừng nên cho chữa bậy kẻo oan gia đấy!
Vưu thị nói:
- Đúng thế.
Hai người đương nói chuyện, Giả Trân ở ngoài vào hỏi:
- Có phải thím Hoàng đấy không?
Kim thị đứng dậy chào. Giả Trân bảo Vưu thị:
- Mời thím Hoàng ở lại xơi cơm.
Nói xong, Giả Trân đi ra. Kim thị đến chuyến này, cốt nói cho Tần thị biết là Tần Chung khinh rẻ cháu mình, nay biết Tần thị ốm, nên thôi không nhắc đến nữa. Lại thấy vợ chồng Giả Trân đối đãi rất tử tế, Kim thị đổi giận làm vui, nói chuyện phiếm một lúc rồi về.
Kim thị đi rồi. Giả Trân lại vào hỏi Vưu thị:
- Hôm nay thím ấy đến có việc gì?
Vưu thị đáp:
- Chẳng nói gì cả. Khi mới đến, trông có vẻ bực tức. Một lúc sau tôi nói đến chuyện con dâu ốm, thì nét mặt thím ấy dần dần dịu đi. Ông có mời ở lại ăn cơm, thím ấy nói thấy con dâu ốm như thế, không tiện ngồi lại, chỉ nói dăm ba câu chuyện rồi đi, cũng không cầu cạnh việc gì cả. Con dâu mình ốm, ông nên tìm đâu có thầy thuốc hay chữa chạy cho nó, đừng để nấn ná mà lỡ việc. Hiện giờ một lũ thầy thuốc ở nhà này, không thể dùng được. Hễ người ta kể thế nào thì họ theo thế mà nói dựa nói dẫm mấy câu cho có văn có vẻ. Bề ngoài ra bộ ân cần chăm chỉ lắm, cứ ba bốn người luân phiên nhau xem mạch, một ngày ít ra cũng xem đến bốn năm lần. Rồi họp nhau lại bàn tán kê đơn nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì. Người bệnh thì một ngày phải bốn năm lần thay quần áo, đứng lên ngồi xuống để tiếp ông lang, thực chẳng có ích gì.
Giả Trân nói:
- Con bé cũng lẩn thẩn lắm, việc gì phải thay quần áo luôn? Nhỡ bị lạnh, bệnh nặng thêm thì làm thế nào? Bảo nó cứ mặc quần áo đẹp vào, có đáng là mấy. Người nó là cần, dù mỗi ngày một bộ quần áo mới cũng chẳng sao. Tôi đang định nói để bà biết: Vừa rồi Phùng Tử Anh lại thăm, thấy tôi buồn, ông ta hỏi có việc gì. Tôi nói: “Có người con dâu đương ốm, không biết là bệnh hay có tin mừng mà không tìm được thầy thuốc hay, chẳng hiểu có nguy hiểm không? Vì thế tôi lo lắm.” Phùng Tử Anh nói: “Khi còn bé có một thầy học họ Trương tên Hữu Sĩ, học rất rộng, lại giỏi nghề thuốc, đoán trước được sống chết. Năm nay vào Kinh quyên cho con làm quan, hiện đương ở nhà ông ta.” Xem thế, bệnh nó may ra gặp thầy gặp thuốc, cũng chưa biết chừng. Tôi đã sai người đưa danh thiếp đến mời. Hôm nay muộn rồi, có thể là sáng mai ông ta mới đến. Phùng Tử Anh cũng nói về nhà sẽ cố mời cho bằng được. Vậy chờ Trương tiên sinh đến sẽ hay.
Vưu thị nghe nói rất mừng, nhân nói:
- Ngày kia là sinh nhật ông ta, ông định làm thế nào?
Giả Trân nói:
- Tôi vừa mới đến thăm và mời ông về nhà để con cháu làm lễ mừng. Ông nói: “Ta quen thanh tịnh đi rồi, không muốn về nhà huyên náo lắm. Gặp ngày sinh nhật, con muốn ta về nhận lễ mừng của con cháu, chi bằng đem bản “Âm chất văn”(2) mà ta đã chú thích, cho người viết lại tử tế rồi đưa đi in, so với việc ta nhận lễ mừng thọ của con cháu còn quý gấp trăm lần. Ngày mai hay ngày kia, con cháu các nơi đến, con nên tiếp đãi cẩn thận. Con không cần phải đến đây nữa, và cũng không cần phải mang biếu ta cái gì. Nếu con còn thấy áy náy, thì nhân tiện đây con lễ tạ mấy lễ, chứ hôm sau đừng mang người đến quấy rầy, ta không bằng lòng đâu.” Ông đã dạy thế, ngày mai tôi không dám đến nữa. Hãy gọi Lai Thăng đến đây, bảo nó sửa soạn tiệc rượu trong hai ngày.
Vưu thị gọi Giả Dung đến dặn:
- Con bảo Lai Thăng phải theo lệ sửa soạn tiệc rượn trong hai ngày cho thật lịch sự. Con phải sang phủ Tây mời cụ, bà Cả, bà Hai và thím Liễn sang chơi. Hôm nay cha con đã tìm được thầy thuốc hay, cho người đi mời rồi. Ngày mai ông ta đến, con sẽ kể rõ bệnh tình vợ con cho ông ta nghe.
Giả Dung vâng lời đi ra, gặp đứa bé đi mời thầy thuốc ở nhà Phùng Tử Anh về nói:
- Con vừa cầm danh thiếp của ông đến nhà họ Phùng mời ông lang, ông lang bảo: “Việc này ông Phùng đã nói rồi, nhưng vì đi chơi cả ngày mới về, tinh thần không được tỉnh táo, có đến cũng chưa xem mạch được. Cần phải tĩnh dưỡng một đêm. Ngày mai sẽ lại”. Ông ấy lại nói: “Y học còn nông cạn, đáng lẽ không dám nhận lời. Nhưng vì nể ông Phùng đã tiến cử với ông không đến không tiện, nên nhờ con về trình trước với ông. Còn bức danh thiếp của ông thì không dám nhận”. Ông ta đã trả lại cho con mang về(3). Vậy nhờ cậu trình ông hộ cho.
Giả Dung vào nhà trong trình với Giả Trân và Vưu thị, rồi đi gọi Lai Thăng, bảo sửa soạn tiệc rượu trong hai ngày liền, Lai Thăng nhận lời đi ngay.
Trưa hôm sau, người gác cửa vào trình: “Trương tiên sinh đã đến”. Giả Trân mời vào trong nhà khách. Uống nước xong, bắt đầu câu chuyện.
Giả Trân nói:
- Hôm trước ông Phùng có cho biết tiên sinh học vấn và phẩm cách hơn người, lại hiểu sâu về y học. Tiểu đệ xiết bao mến phục.
Trương nói:
- Vãn sinh là kẻ học trò quê mùa, hiểu biết nông cạn. Hôm qua ông Phùng cho biết chỗ đại nhân đây khiêm nhường, tôn trọng kẻ sĩ, nay cho gọi đến, vãn sinh không dám trái lệnh. Nhưng vì không có chút thực học, nghĩ càng thêm hổ thẹn.
Giả Trân nói:
- Xin tiên sinh đừng quá khiêm tốn, vào xem mạch cho cháu, nhờ bực cao minh, chúng tôi sẽ trút khỏi nỗi lo lắng trong lòng.
Giả Dung mời Trương vào nhà trong. Trông thấy Tần thị, Trương quay lại hỏi:
- Đây là tôn phu nhân?
Giả Dung đáp:
- Thưa phải, mời tiên sinh ngồi chơi, để tôi kể những bệnh chứng của nhà tôi, rồi tiên sinh hãy xem mạch, có được không?
Trương nói:
- Theo ý tôi, xem mạch trước đã, rồi hãy kể bệnh. Tôi mới đến tôn phủ lần đầu, chưa biết bệnh tình tôn phu nhân ra sao, nhưng vì đã nhận lời với ông Phùng, không đến không được. Nay xin bắt mạch trước xem tôi nói có đúng hay không, rồi hãy kể cho biết bệnh tình của tôn phu nhân mấy lâu nay. Sau đó chúng ta sẽ châm chước lập một phương thuốc, và dùng được hay không là tay cậu quyết định.
Giả Dung nói:
- Tiên sinh thực là bực cao minh, tiếc không được gặp sớm. Bây giờ nhờ tiên sinh xem mạch cho, chữa được hay không xin cho biết, để cha mẹ tôi được yên lòng.
Bấy giờ bọn a hoàn mang gối đến, để Tần thị ngồi dựa vào đó rồi vén áo lên, thò tay ra ngoài cho ông lang bắt mạch. Ông lang tự mình thở đều để nhận rõ số chí(4).
Xem tay phải một lúc, rồi bắt sang tay trái. Xem xong rồi nói: “Chúng ta ra ngoài”.
Giả Dung cùng ông lang ra nhà ngoài ngồi. Người hầu pha nước bưng lên, Giả Dung nói:
- Mời tiên sinh xơi nước. - Sau đó bèn hỏi: - Tiên sinh xem bệnh này có chữa được không?
Ông lang nói:
- Mạch “Thốn” bên tả thì trầm sác, “Quan” bên tả thì trầm phục; “Thốn” bên hữu thì tế mà vô lực, “Quan” bên hữu thì hư mà vô thần. “Tả Thốn” trầm sác là tâm khí hư mà sinh hỏa; “Tả Quan” trầm phục là can khí trệ mà huyết khuy. “Hữu thốn” tế mà vô lực, là khí phận ở phế kinh rất hư; “Hữu Quan” hư mà vô thần, là tỳ thổ bị can mộc khắc chế. Tâm khí hư mà sinh hỏa, tất sinh ra chứng kinh nguyệt không đều, đêm không ngủ được. Can mà huyết khuy khí tuệ, thì dưới mạng mỡ đau mà phát trướng, nguyệt tín đến chậm trong bụng phát nóng. Khí phận ở phế kinh mà hư, thì đầu nặng mắt hoa, giờ dần, giờ mão thế nào cũng ra mồ hôi, choáng váng như ngồi trong thuyền; Tù thổ mà bị can mộc khắc chế thì không muốn ăn uống, tinh thần mỏi mệt, chân tay buồn bực. Theo tôi, mạch này phải có chứng bệnh như thế mới đúng. Nếu bảo có tin mừng, thì tiểu đệ không dám nghe theo(5).
Một bà già hầu ở bên cạnh nói:
- Tiên sinh nói như thần vậy. Điều gì cũng đúng. Tôi không cần phải kể thêm nữa. Mấy ông lang nhà này đến xem mạch, không ai nói được đúng như thế; người nói không quan hệ gì; người thì bảo đến tiết đông chí là đáng lo. Nhưng không ai nói được đúng như thế, mong tiên sinh chỉ bảo rõ cho.
Ông lang nói:
- Chứng bệnh của tôn phu nhân nhà ta mà đến nỗi này là bởi các thầy để chậm quá! Nếu chữa ngay lúc mới hành kinh không đều, có lẽ bây giờ đã khỏi rồi chả còn phải lo nữa. Cứ như tôi xem, thì bệnh còn ba phần có thể chữa được. Dùng đơn thuốc của tôi, uống vào mà ngủ được, sẽ chắc thêm vài phần nữa. Mạch này phải là người tâm tính cao cường, thông minh tột bực; nhưng thông minh quá thường có việc không như ý, đã có nhiều việc không như ý, thì phải tư lự quá độ. Bệnh này là do lo nghĩ, thành ra hại tỳ, can mộc vượng quá, nên kinh nguyệt đến không đúng kỳ. Tôi xin hỏi: Tôn phu nhân nhà ta ít lâu nay, kinh kỳ không ngắn quá, mà lại dài quá, có phải không?
Bà già nói:
- Kinh kỳ không bao giờ ngắn cả. Có khi kéo đến hai ba ngày, hoặc đến mười ngày.
Ông lang nói:
- Phải rồi! Chính là gốc bệnh ở đấy. Nếu ngay từ đầu mà cho uống thuốc dưỡng tâm điều kinh, thì đâu đến nỗi này! Bây giờ rõ là bệnh thủy khuy hỏa vượng. Hãy uống thử thang thuốc này xem sao.
Rồi ông ta kê đơn đưa cho Giả Dung.
Ích khí dưỡng vinh bổ tỳ hòa can thang:
Nhân sâm hai đồng; bạch truật hai đồng; (thổ sao); Vân linh ba đồng; Thục địa bốn đồng; Qui thân hai đồng; bạch thược hai đồng; Xuyên khung một đồng năm phân; Hoàng kỳ ba đồng; Hương phụ mễ hai đồng; Thổ sài hồ tám phân; hoài sơn dược hai đồng (sao); Chân a dao hai đồng (cáp phấn sao); Diên hồ sách một đồng rưỡi (sao rượu); Chích thảo tám phân.
Thuốc dẫn dùng: Kiện liên tử, tám hột, bỏ ruột; Đại táo hai quả.
Giả Dung xem xong nói:
- Tiên sinh thực là bậc cao minh. Xin cho biết bệnh này có đáng lo ngại không?
Ông lang cười:
- Cậu rất sáng suốt, bệnh đến thế này, cũng đã quá lâu rồi. Uống thuốc này vào còn nhờ ở “Mát tay” nữa. Theo tiểu đệ, mùa đông năm nay chưa việc gì đâu. Qua tiết xuân phân, mới có thể mong khỏi hẳn được.
Giả Dung là người thông minh, cũng không hỏi thêm nữa.
Tiễn ông lang về rồi, Giả Dung đưa đơn thuốc, mạch án và kể lại nhưng lời ông lang vừa nói cho Giả Trân và Vưu thị nghe. Vưu thị nói:
- Xưa nay các ông lang đều không ai nói được rành mạch như thế, chắc ông ấy dùng thuốc không lầm.
Giả Trân cười nói:
- Ông ta không phải là hạng “Lang thang” kiếm ăn về nghề thuốc. Vì nhà ta chơi thân với ông Phùng Tử Anh, mới mời được ông ấy, chứ có dễ dàng đâu. Nhờ có ông ta, may ra con dâu ta khỏi bệnh. Trong đơn thuốc có kê nhân sâm, hôm nọ nhà đã mua sẵn một cân, đem ra mà dùng.
Giả Dung nghe nói, mới cho người đi bốc thuốc sắc cho Tần thị uống, chưa biết bệnh tình sau này ra sao.
-------------------------
(1). Tên một hải đảo ở ngoài Thái Bình Dương, người ta cho là Java ngày nay. Ở đây ý nói cơn giận tan hết.
(2). Một thứ văn khuyên người làm phúc.
(3). Theo tục lệ cổ, người dưới nhận lời mời của người trên, nếu có danh thiếp mời thì trả lại; tức là tỏ ý khiêm tốn, không dám tự coi là ngang hàng.
(4). Chí: Theo phép xem mạch của đông y: mạch trung bình là một hơi thở, mạch mổ bốn cái, không đủ bốn cái gọi là trì, quá bốn cái gọi là sác. Vậy số chí là số mổ nhiều hay ít của mạch trong một hơi thở.
(5). Đây là những danh từ về mạch lý và y lý của đông y.