Đại Ngọc cùng các chị em đến chỗ Vương phu nhân, thấy Vương phu nhân đang nói chuyện với người nhà của anh sai đến, lại nghe nói bên nhà dì bị kiện về vụ án mạng. Thấy Vương phu nhân đương bận việc, các chị em đều đi ra, đến buồng chị dâu góa họ Lý.
Nguyên họ Lý là vợ Giả Châu. Giả Châu chết sớm, có đứa con trai tên là Giả Lan, lên năm tuổi, đã đi học. Họ Lý cũng là con nhà danh hoạn đất Kim Lăng, bố là Lý Thủ Trung là Quốc tử Tế tửu. Trong họ, con trai, con gái đều được đi học. Đến đời Lý Thủ Trung thì cho “con gái bất tài, ấy là đức”. Vì thế, ông ta không cho con gái đi học đến nơi đến chốn, chỉ cho đọc “Nữ tứ thư” , “Liệt nữ truyện” để biết một số chữ, nhớ một số truyện hiền nữ đời trước là đủ, cốt sao chú trọng về thêu thùa canh cửi và việc vặt mà thôi. Nhân vậy đặt tên con là Lý Hoàn, tên chữ là Cung Tài. Lý Hoàn trẻ tuổi, góa chồng, mặc dầu ở chỗ cao lương gấm vóc, nhưng lòng lạnh như tro tàn, cây cỗi, hết thảy không buồn hỏi, không buồn nghe việc gì ; chỉ biết hầu bố mẹ chồng, nuôi con, lúc rỗi thì khâu vá, đọc sách với các cô em. Nay biết Đại Ngọc đến đây, nhưng chắc đã có mấy chị em hầu bạn, nên ngoài việc thờ phụng cha già ra, chị ta không còn nghĩ đến việc gì nữa.
Nay nói đến Giả Vũ Thôn vừa mới đến nhận chức tri phủ Ứng Thiên đã phải xử ngay một vụ án mạng. Nguyên do là hai nhà mua tranh nhau một nữ tỳ, rồi không bên nào nhường bên nào, đến nỗi xảy ra đánh nhau chết người. Vũ Thôn đòi nguyên cáo đến hỏi. Nguyên cáo nói:
- Người bị đánh chết là chủ tôi. Chủ tôi mua một nữ tỳ, không ngờ có kẻ lừa đảo lại đem người đi bán. Nó đã lấy tiền của nhà tôi. Chủ tôi hẹn ba ngày nữa là ngày tốt, sẽ đón về. Nó lại ngấm ngầm đem người bán cho nhà họ Tiết. Chúng tôi biết chuyện đi tìm nó và bắt nữ tỳ về. Ngờ đâu nhà họ Tiết là ác bá ở đất Kim Lăng, cậy tiền cậy thế, xui người nhà đánh chết chủ tôi rồi thầy trò trốn biệt, không biết đi đâu, chỉ còn lại có mấy người ngoài cuộc thôi. Việc này tôi đã thưa lên quan một năm rồi, nhưng không ai bênh vực cho; nay trông ơn cụ lớn nã bắt hung phạm, cứu vớt mẹ góa con côi thì người mất cũng được đội ơn trời đất mãi mãi
Vũ Thôn nghe xong, cả giận nói:
- Sao lại có việc chó má như thế? Đánh chết người rồi chạy trốn, lẽ nào lại không bắt được hay sao!
Y định phát thê bài, sai người lập tức đi bắt gia thuộc hung phạm đến tra xét phạm nhân trốn ở đâu. Một mặt, y gửi công văn truy nã khắp các nơi. Chợt thấy một người lính hầu đứng cạnh bàn đưa mắt ngăn y đừng phát thẻ bải. Vũ Thôn trong bụng nghi hoặc, dừng ngay tay lại, truyền lệnh tan hầu. Y vào nhà trong, bảo mọi người lui ra, chỉ để anh lính ở lại. Anh lính vội tiến lên chào hỏi:
- Cụ lớn bấy lâu thăng quan tiến chức, tám chín năm nay, hẳn đã quên tôi rồi?
Vũ Thôn nói:
- Ta trông anh quen lắm, nhưng không nghĩ ra được là ai?
Anh lính cười nói:
- Cụ lớn thật là người sang quên mọi việc. Quên cả nơi xuất thân khi xưa. Cụ còn nhớ việc ở miếu Hồ lô năm trước không?
Vũ Thôn nghe xong, như sét đánh bên tai, mới nghĩ đến việc trước. Người lính này nguyên là một chú tiểu ở miếu Hồ lô. Sau khi miếu bị cháy, không chỗ nương thân, anh ta định tìm đến tu ở miếu khác. Nhân nghĩ tuổi còn trẻ, làm nghề này lại nhẹ nhàng thoải mái hơn, anh ta liền để tóc ra làm lính hầu. Vũ Thôn nhận ra, vội cầm lấy tay anh lính cười nói: “À thế ra anh là người cũ”. Nhân bảo anh ta ngồi nói chuyện. Anh lính không dám ngồi. Vũ Thôn cười nói:
- Anh là bạn cũ, người bạn thủa nghèo hèn của ta, vả lại đây là nhà tư, anh định nói chuyện lâu thì có ngồi cũng chẳng sao.
Anh lính rụt rè ngồi ghé một bên.
Vũ Thôn hỏi:
- Vì cớ gì vừa rời anh ngăn ta đừng phát thẻ bài?
Anh lính nói:
- Cụ đến nhận chức ở đây, có nhẽ nào lại không có một bản “hộ quan phù” của tỉnh này.
Vũ Thôn vội hỏi:
- Tôi chưa biết thế nào là “hộ quan phù”
Anh lính nói:
- Việc này cụ không biết thì làm quan lâu dài ở đây sao được. Hiện nay các quan địa phương ai cũng có một cái sổ riêng, chép rõ họ tên những nhà thân hào lớn, có tiền, có thế trong tỉnh. Ở đâu cũng thế, nếu không biết, nhỡ xúc phạm đến người nhà những bọn này, thì không những quan tước, mà cả đến tính mệnh cũng khó giữ được! Vì thế gọi là “hộ quan phù”. Vừa rồi nói đến nhà họ Tiết, cụ gây chuyện thế nào được với họ? Cái án này thực ra chẳng có gì là khó xử. Các quan phủ trước chỉ vì nể mặt họ mà không xử đấy thôi.
Nói xong, anh ta móc túi lấy ra một tờ “hộ quan phù”, đưa cho Vũ Thôn. Khi xem thấy có mấy câu tục ngữ cửa miệng về những nhà quyền quí ở địa phương. Câu nào câu nấy viết rất rõ ràng, bên dưới lại có ghi cả từ ông thủy tổ, quan tước và chi nhánh nữa. Ở hòn đá cũng sao lại một bản như sau:
Giả không phải là giả dối, ngọc làm nhà ở, vàng làm ngựa cưỡi (Con cháu Ninh công Vinh công cộng hai mươi chi. Tám chi họ gần ở kinh đô, mười hai chi ở nguyên quán).
Cung A phòng(1) xây lên ba trăm dặm đã đủ chưa? Họ Sử đất Kim Lăng vẫn ở không vừa. (Con cháu Bảo linh hầu Thượng lệnh sử công cộng mười tám chi. Mười chi ở kinh đô, tám chi ở nguyên quán).
Vua Đông Hải thiếu ngọc trắng làm giường, phải đến vay Kim Lăng vương. (Con cháu Đô thái úy, Thống chế huyện bá vương công cộng hai mươi chi. Hai chi ở kinh, còn ở nguyên quán)
Được mùa tuyết lã chã rơi, ngọc châu như đất, vàng thời sắt thoi. (Con cháu Tử vi xá nhân Tiết công, hiện lĩnh tiền khi đi mua hàng, có tám chi).
Vũ Thôn đang xem, chợt trống báo: “Có cụ Vương lại thăm”. Vũ Thôn vội mặc áo mũ ra đón. Một lúc lâu, hắn trở vào, hỏi lại. Anh lính thưa:
- Bốn nhà này đều đi lại thân mật với nhau, khổ cùng khổ sướng cùng sướng, đều đùm bọc che chở lẫn cho nhau. Họ Tiết đánh chết người tức là họ Tiết mà tục ngữ gọi là “được mùa tuyết rơi” đấy. Nhà này không những thân với ba nhà kia, lại còn nhiều bạn thân ở kinh đô và các tỉnh nữa. Thế thì cụ định bắt ai bây giờ?
Vũ Thôn cười hỏi:
- Cứ như anh nói, thì làm thế nào chấm dứt cái án này? Chắc anh cũng biết hung thủ trốn ở đâu chứ?
Anh lính cười thưa:
- Không dám giấu cụ, không những tôi biết chỗ hung thủ trốn, ngay đến đứa bán người và người bị đánh chết tôi cũng biết cả. Tôi xin thưa tỉ mỉ để cụ rõ: người bị đánh chết ấy là con một nhà hương hoạn nhỏ, tên gọi Phùng Uyên, bố mẹ chết sớm, không có anh em, sống nhờ một cái gia tài nhỏ, tuổi độ mười tám, mười chín, tính thích chơi bời với đàn ông, không gần gũi con gái. Nhưng đây cũng là oan nghiệp kiếp trước để lại. Một hôm, anh ta ngẫu nhiên gặp nữ tỳ này, nhất định mua về làm thiếp, thề không chơi bời với đàn ông và cũng không lấy người thứ hai nào nữa. Vì thế, việc mua này, đối với anh ta, coi là trịnh trọng lắm, hẹn ba hôm sau, tốt ngày, mới đón về. Ngờ đâu đứa bán người lại ngấm ngầm đem con nữ tỳ bán cho nhà họ Tiết. Nó muốn cuỗm tiền của cả đôi bên rồi trốn đi. Ai hay nó chạy không thoát, cả hai đều bắt được, đánh nó gần chết. Nhưng sau đó không nhà nào muốn lấy lại tiền, chỉ đòi lấy người. Công tử họ Tiết sai đầy tớ đánh công tử họ Phùng một trận nhừ tử, khiêng về nhà, ba ngày sau thì chết. Tiết công tử đã chọn ngày vào kinh. Trước đó hai ngày, ngẫu nhiên gặp con nữ tỳ này, Tiết công tử định mua rồi đem nó lên kinh một thể, ngờ đâu chuyện xảy ra, hắn đánh Phùng công tử cướp lấy nữ tỳ, rồi thản nhiên coi như không có việc gì. Mang ngay gia quyến lên đường, để anh em đầy tớ ở nhà lo liệu, chứ không phải vì việc nhỏ ấy mà chạy trốn đâu. Việc này hãy tạm gác lại, xin hỏi cụ có biết nữ tỳ bị mang đi bán ấy là ai không?
- Ta biết thế nào được?
- Nữ tỳ ấy là Anh Liên, con gái Chân Ẩn Sĩ ở cạnh miếu Hồ lô trước đây tức là ân nhân của cụ đấy.
Vũ Thôn giật mình nói:
- Thế à! Nghe nói khi nó lên năm tuổi, bị người ta dỗ đi, sao bây giờ lại đem bán nó ở đây?
- Tên dỗ người này chuyên đi dỗ con gái bé năm sáu tuổi mang về nơi hẻo lánh nuôi đến mười một mười hai tuổi, rồi lại đem đi chỗ khác bán. Khi trước, tôi với Anh Liên ngày nào cũng chơi đùa với nhau. Tuy xa nhau bảy tám năm, bây giờ nó đã lớn và xinh hơn trước, nhưng dáng người không thay đổi mấy. Vả lại, từ khi mới đẻ nó có một nốt ruồi đỏ bằng hạt gạo ở lông mày nên vẫn nhận được. Tên dỗ người tình cờ lại thuê buồng của nhà tôi. Một hôm tên này đi vắng, tôi đến hỏi nó, nó sợ phải đòn, không dám nói. Nó nhận tên kia là bố đẻ, và nói rằng vì không có tiền trả nợ, mới phải đem nó bán đi. Tôi dỗ bốn năm lần, nó chỉ khóc: “Tôi không nhớ được việc lúc bé!” Như thế thì không còn gì đáng ngờ nữa. Hôm Phùng công tử đến trả tiền, gặp lúc tên dỗ người say rượu, Anh Liên than thở một mình: “Từ giờ trở đi ta sẽ hết nợ!” Sau lại nghe nói ba ngày nữa Phùng công tử mới đến đón, Anh Liên tỏ vẻ âu sầu. Tôi thấy vậy động lòng thương, chờ tên dỗ người đi vắng, bảo vợ tôi đến khuyên giải: “Phùng công tử chọn ngày tốt đến đón, như thế tất không coi chị như bọn a hoàn đâu. Phùng công tử là người phong nhã, nhà cũng đủ tiêu. Xưa nay không ham nữ sắc bây giờ mua chị với một giá rất đắt, như thế chả nói chị cũng sẽ rõ. Chị hãy cố chờ hai ba ngày nữa, việc gì phải lo buồn?” Anh Liên nghe nói cũng nguôi lòng, cho rằng từ nay có chỗ yên thân. Ai ngờ trong thiên hạ thường xảy ra những việc không như ý, ngày hôm sau tên dỗ người lại đem nó bán cho nhà họ Tiết. Nếu bán cho nhà nào thì cũng không lôi thôi lắm, chứ công tử họ Tiết này nổi tiếng là “vua ngốc”, liều lĩnh, nóng nảy nhất hạng, quẳng tiền như đất. Hôm ấy nó đánh Phùng Uyên một trận tơi bời , bán sống bán chết rồi mang Anh Liên đi, không biết sống chết thế nào. Còn Phùng công tử thì một phen mừng hão, đã không thỏa nguyện, lại mất tiễn, hại đến tính mệnh, như thế thật đáng thương!”
Vũ Thôn nghe rồi than thở:
- Oan nghiệt gặp nhau không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nếu không thì sao Phùng Uyên lại chỉ thích có Anh Liên? Anh Liên bị tên dỗ người hành hạ mấy năm mới thoát thân, gặp được người đa tình, nếu sum họp với nhau cũng là một việc rất tốt; ngờ đâu lại xảy ra việc ấy! Nhà họ Tiết giàu sang hơn họ Phùng, xem ra hạng ấy thế nào cũng nhiều vợ lẽ nàng hầu, dâm dục không chừng mực, chưa chắc đã bằng Phùng Uyên chỉ chung tình với một người. Cũng là một cuộc tình duyên mộng ảo nên mới có một đôi trai gái bạc mệnh này. Thôi, việc của họ mặc họ, nay ta hãy bàn xem cái án này nên xét thế nào cho phải.
Anh lính cười nói:
- Trước cụ minh mẫn cương quyết thế nào, sao bây giờ lại trở thành không có chủ kiến như thế! Tôi nghe nói cụ được bổ đến đây là nhờ thế lực họ Giả, họ Vương. Mà Tiết Bàn lại là cháu họ Giả, sao cụ không dùng cách “đẩy thuyền xuôi nước” gọi là có chút tình vì nể để kết liễu cái án này. Khi gặp các ông họ Vương, họ Giả cũng sẽ có nhiều thiện cảm.
- Anh nói cũng phải, nhưng việc này quan hệ đến mạng người. Ta nhờ ơn vua được phục chức về đây, chính là lúc phải hết lòng báo đáp, có nhẽ nào vì việc tư mà trái phép công? Ta không nỡ làm thế?
- Cụ nói rất là đúng lý. Nhưng đời này làm thế không trôi! Cổ nhân nói: “tìm lành tránh dữ là người quân tử” nếu cứ làm như cụ thì không những không đền được ơn triều đình mà bản thân mình cũng chưa chắc giữ được trọn vẹn. Vậy xin cụ nghĩ cho thật kỹ.
Vũ Thôn cúi đầu một chốc, nói:
- Theo ý anh nên làm thế nào?
- Tôi đã nghĩ được một kế rất hay. Sáng mai cụ ra công đường ra oai quát tháo, làm văn thư, phát thẻ bài cho đi bắt hung phạm. Tất nhiên là không bắt được. Nguyên cáo thể nào chẳng yêu cầu xét xử, cụ bắt mấy người trong họ Tiết và bọn đầy tớ đến tra xét, tôi sẽ ở ngoài thu xếp, ngầm bảo họ khai “Tiết Bàn bị bệnh nặng chết rồi”. Người trong họ và người địa phương đều trình giấy chứng thực. Cụ lại nói là biết cầu tiên, trên công đường đặt đàn lễ, cho quân dân vào xem. Rồi cụ giải thích lời tiên: “Tiên phán rằng người chết là Phùng Uyên và Tiết Bàn nguyên kiếp trước có nợ nhau, đã gặp nhau thì oan oan tương báo, thế là xong xuôi. Nay Tiết Bàn tự nhiên bị bệnh chết là do hồn Phùng Uyên bắt đi. Gây ra tai họa này là tội ở đứa bán người, ngoài việc đem nó ra làm tội, không liên lụy gì đến ai cả. Tôi sẽ ngầm bảo đứa bán người cứ nhận tội đi. Mọi người thấy lời tiên phán giống lời khai của đứa bán người, chắc không nghi ngờ gì nữa. Nhà họ Tiết có tiền, cụ bảo nó bỏ ra một nghìn hay năm trăm cho nhà họ Phùng làm lễ chôn cất. Nhà họ Phùng chẳng có người nào ra trò, chẳng qua chỉ đòi tiền thôi, Tiền vào là êm chuyện, cụ thử nghĩ kỹ xem kế ấy thế nào?
- Không xong đâu! Không xong đâu! Để ta suy nghĩ xem, liệu có bịt nổi miệng người không.
Hôm sau, Vũ Thôn ra công đường, bắt một bọn can phạm tra hỏi cặn kẽ, quả thấy nhà họ Phùng ít người, chẳng qua đi kiện để đòi tiền mai táng. Nhà họ Tiết thì cậy thế cậy thần, cũng không chịu kém, vì thế việc này cứ để lẵng nhẵng mãi. Vũ Thôn vì tư tình, cứ trái phép xử bừa, nhuế nhóa cho xong chuyện. Nhà họ Phùng được ít tiền mai táng, cũng thôi không khiếu nại nữa. Xử án xong, Vũ Thôn vội vàng viết hai bức thư gửi cho Giả Chính và Vương Tử Đằng hiện làm Tiết đô sứ kinh doanh: “Việc cậu cháu cụ đã dàn xếp xong, xin đừng nghĩ đến nữa”. Cậu chuyện thế là xong. Mọi mưu đồ đều do anh lính là chú tiểu ở miếu Hồ lô ngày trước bày ra cả. Vũ Thôn sợ nó kể với ngườikhác những chuyện hàn vi của mình, trong bụng không thích, liền kiếm cớ bới ra một việc gì đấy, đẩy nó đi xa cho rảnh.
Chuyện Vũ Thôn hãy gác lại. Nay nói đến việc Tiết công tử mua Anh Liên và đánh chết Phùng Uyên. Tiết công tử là người Kim Lăng, con nhà dòng dõi thi thư, chỉ vì lúc bé bố chết, mẹ góa, thương hắn là con một, quá nuông, nên lúc lớn lên chẳng chịu làm việc gì. Gia tài họ Tiết có hàng trăm vạn, hiện giữ việc lĩnh tiền trong kho mua hàng cho nhà vua(2).
Tiết công tử lúc đi học đặt tên là Tiết Bàn, tên chữ là Văn Khởi, từ khi lên năm, lên sáu, tính tình đã xa xỉ, nói năng kiêu ngạo. Hắn cũng có đi học, nhưng chỉ biết qua loa mấy chữ rồi suốt ngày ham gà chọi chó săn, trèo non ngắm cảnh. Tuy làm việc mua hàng cho nhà vua, nhưng hắn chẳng biết gì hết, chẳng qua nhờ thế lực ông cha ngày trước, mang một chức hão ở Hộ bộ để lĩnh tiền lương còn công việc đều do người nhà lo liệu cả. Mẹ hắn là họ Vương, em ruột Vương Tử Đằng và là chị em cùng mẹ với Vương phu nhân, vợ Giả Chính bên phủ Vinh . Tiết phu nhân năm nay độ bốn mươi tuổi, chỉ có một nình Tiết Bàn là con trai và Bảo Thoa là con gái, kém Tiết Bàn hai tuổi. Bảo Thoa da dẻ nõn nà, đi đứng đoan trang, khi cha còn sống rất yêu cho đi học, sức học so với anh hơn gấp mười lần. Từ khi cha chết, Bảo Thoa thấy anh hư hỏng, không làm cho mẹ vui lòng, nên không để tâm vào sách vở mà chỉ chăm chú thêu thùa và lo liệu công việc trong nhà, đỡ đần mẹ. Gần đây nhà vua ham chuộc thi lễ, cất nhắc những người tài năng, ngoài số người được tuyển vào làm phi tần, lại còn ban ơn đặc biệt cho những con gái các nhà danh gia thế hoạn đều được ghi tên ở Bộ, để sắp sẵn lựa chọn làm tài nhân, tán thiện, theo hầu công chúa, quận chúa đi học. Hơn nữa, khi bố Tiết Bàn chết, những người tổng quản, tài phú ở các cửa hàng thấy Tiết Bàn trẻ tuổi, không hiểu việc đời bèn thừa dịp lừa dối, vì thế mấy chỗ buôn bán với Tiết Bàn ở kinh đô, đều bị hao hụt dần. Tiết Bàn nghe nói kinh đô là chỗ phồn hoa thứ nhất, đang muốn đi chơi, một là đưa em vào đội tuyển(3), hai là thăm họ hàng, ba là vào Bộ thanh toán sổ cũ tính sổ mới. Nhưng thực ra hắn chỉ muốn vào kinh đô du lãm cho thích. Nay được dịp, hắn liền sắm sửa các đồ hành trang và những quà thổ sản để biếu các nơi. Đương lúc chọn ngày khởi hành, tình cờ gặp đứa dỗ người mang Anh Liên đến bán. Tiết Bàn trông thấy Anh Liên có nhan sắc, liền mua ngay, ngờ đâu lại bị họ Phùng đến đòi về. Cậy có thế lực, hắn thét người nhà đánh chết Phùng Uyên, rồi giao phó công việc, cho mấy người trong họ và bọn đầy tớ lo liệu. Còn mình thì đưa mẹ và em đi luôn. Hắn coi án mạng và việc quan cũng như chuyện đùa, cho rằng chỉ quẳng ra một ít tiền là xong hết.
Đi đường không biết bao nhiêu ngày. Khi sắp đến kinh đô nghe tin cậu là Vương Tử Đằng được thăng làm thống chế chín tỉnh, vâng chỉ vua đi tuần tra các vùng biên cương, Tiết Bàn mừng thầm: Ta đương lo vào kinh sẽ bị cậu kiềm chế, không được phóng túng tự do, bây giờ cậu thăng chức đi rồi, thế mới biết trời cũng chiều người. Hắn bàn với mẹ:
- Nhà ta có mấy ngôi nhà ở kinh đô bỏ không đã mười năm nay, có lẽ bọn quản gia đã vụng trộm cho thuê lấy tiền cũng nên. Vậy ta nên sai người đến đó xếp đặt, quét dọn trước.
Tiết phu nhân nói:
- Làm gì phải lôi thôi thế! Chuyến này ta vào Kinh, cốt là thăm thân thích bạn bè. Hoặc ở nhà cậu, hoặc ở nhà dì, chỗ nào cũng rộng rãi lắm. Mẹ con ta hãy đến ở đấy, thong thả sẽ sai người đi thu dọn nhà riêng, thế chẳng đỡ việc hay sao?
- Bây giờ cậu đã thăng ra tỉnh ngoài, lúc đi chắc trong nhà bận rộn, ta lại kéo cả nhà đến thì coi sao tiện?
- Cậu thăng chức ra đi thì đã có nhà dì. Huống chi mấy năm nay cậu và dì cứ luôn luôn viết thư mời ta vào chơi. Nay cậu tuy đi nhận chức vắng, nhưng thế nào bên nhà dì cũng giữ ta lại. Nếu vội vàng thu xếp chỗ ở riêng, người ta chẳng trách móc hay sao? Tao biết bụng mày rồi. Mày ở nhà cậu, nhà dì thì sợ câu thúc chứ gì? Ở riêng ra, tha hồ muốn làm gì thì làm. Mày có muốn về thì dọn về nhà ở một mình. Tao với bên nhà dì cách biệt đã mấy năm nay, cũng muốn mang em mày đến ở bên ấy. Mày nghĩ thế nào, có được không?
Tiết Bàn nghe vậy, biết rằng không trái được ý mẹ, đành bảo người nhà mang hành lý đi thẳng vào phủ Vinh. Lúc bấy giờ Vương phu nhân biết vụ kiện của Tiết Bàn nhờ có Giả Vũ Thôn thu xếp nên đã yên lòng. Nhưng lại đang buồn vì thấy anh ra làm quan ở ngoài, không có ai là người thân thích bên họ ngoại qua lại, cảm thấy có chiều hiu quạnh. Cách vài ngày, có người nhà báo: “Tiết phu nhân dẫn các cô cậu đã đến, đương xuống xe ngoài cửa”. Vương phu nhân mừng lắm, mang người ra đón vào nhà khách, rồi mời Tiết phu nhân vào nhà trong. Chị em lâu ngày mới gặp , vừa thương vừa mừng, nói sao cho xiết. Một lúc hàn huyên trò chuyện xong, Vương phu nhân đưa Tiết phu nhân đến chào Giả mẫu, biếu các món quà thố sản. Cả nhà đều chào hỏi rồi mở tiệc mừng.
Tiết Bàn đi chào Giả Chính, Giả Liễn, lại đến chào Giả Xá, Giả Trân. Giả Chính sai người nói với Vương phu nhân: “Dì Tiết đã có tuổi, cháu Bàn còn trẻ dại, chưa từng trải việc đời, nếu cho ở ngoài sẽ xảy ra việc gì chăng. Ở phía đông bắc nhà ta có viện Lê Hương, mười gian để không đã quét tước sạch sẽ, mời dì Tiết và các cháu đến ở đấy rất tốt”.
Vương phu nhân chưa kịp giữ lại thì Giả mẫu đã sai người đến nói: “Mời dì Tiết ở lại đây để gần gũi nhau cho thêm phần thân mật”. Tiết phu nhân cũng muốn ở chung một chỗ để tiện kiềm chế con, nếu ở ngoài sợ nó làm càn gây vạ, nên vâng lời ngay. Tiết phu nhân nói riêng với Vương phu nhân: “Những chi phí hàng ngày xin cứ mặc tôi, thế mới phải lẽ”. Vương phu nhân biết việc chi tiêu hàng ngày cũng không khó khăn gì đối với nhà họ Tiết, nên cũng để tùy tiện. Từ đấy mẹ con họ Tiết ở hẳn trong viện Lê Hương.
Nguyên viện Lê Hương trước kia là chỗ tĩnh dưỡng tuổi già của Vinh quốc công. Viện nhỏ nhắn, xinh xắn; ước hơn mười gian. Nhà khách, nhà trong có đủ. Lại có cửa thông ra phố. Người nhà Tiết Bàn ra vào cửa này. Góc tây nam Viện có một cửa nách, thông ra con đường nhỏ. Đi hết con đường này thì đến phòng chính của Vương phu nhân. Mỗi ngày ăn cơm xong, hay buổi chiều, Tiết phu nhân thường sang chơi, nói chuyện với Giả mẫu hoặc tâm sự với Vương phu nhân. Bảo Thoa hàng ngày cùng với chị em Đại Ngọc, Nghênh Xuân xem sách, đánh cờ, thêu thùa, rất là vui vẻ. Chỉ có Tiết Bàn lúc đầu không muốn ở trong Giả phủ, sợ bác dượng câu thúc, không được tự do. Không ngờ bà mẹ nhất định ở đấy, vả lại nhà họ Giả ân cần cố mời, nên hắn đành phải chịu; một mặt hắn vẫn sai người về quét dọn nhà mình, để rồi sẽ về đó ở. Nhưng chưa đầy một tháng, hắn đã quen biết một nửa bọn con cháu nhà họ Giả. Bọn này đều là con nhà phú quý, ai cũng thích chơi với hắn, nay uống rượu, mai thưởng hoa, thậm chí đánh bạc, chơi gái, cái gì họ cũng đến rủ rê, làm cho Tiết Bân hư hỏng gấp mười khi trước. Giả Chính tuy rằng dạy con có phép, trị nhà rất nghiêm, nhưng một là họ to, người nhiều, trông nom không xuể, hai là Giả Trân là cháu trưởng phủ Ninh, hiện đương tập chúc, bao nhiêu việc đều thuộc chi trưởng trông nom hết, ba là việc công, việc tư bề bộn, mà tính Giả Chính lại khoáng đãng, không thích chăm lo việc đời, lúc nhàn rỗi, thư thái chỉ đánh cờ, xem sách, ngoài ra không để ý đến việc gì. Huống chi viện Lê Hương cách xa hàng hai ba lớp nhà, có cửa riêng, thông ra phố, ra vào tuỳ ý, bọn con em có thể tự do chơi bời. Vì thế, Tiết Bàn dần dần không nghĩ đến chuyện dọn về ở riêng ngoài phố nữa.
--------------------------
(1). Một cung xây dựng từ đời Tần.
(2). Đời Thanh, các đồ dùng trong cung nhà vua đều có đặt những hiệu nhận sắm. Phải trình tên tuổi người đứng cửa hiệu để ghi vào sổ nhà vua.
(3). Chờ dịp tuyển vào cung.