Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Thị trấn miền đông

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4780 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thị trấn miền đông
Viên Linh

Chương 2

Liên điềm tĩnh nhìn ngọn nến vơi dần trong bầu ánh sáng lung linh yếu ớt. Khuôn mặt nàng không thay đổi, riêng Hiệp đã có vẻ buồn ngủ, Sĩ hoang mang, bồn chồn. Lúc nghe tiếng chuông đổ hồi, Sĩ nhìn lên chiếc đồng hồ Wesminster cổ kính treo tường vẫn còn chạy đều. Ông ta so với đồng hồ đeo tay của mình và đứng lên:
"Chú Hiệp, chú Hiệp, ngủ đấy à?"
Hiệp mở choàng mắt:
"Tôi đinh ninh chú ở nhà, và đã an táng mẹ".
"Không. Chính tôi cũng tưởng anh ở nhà".
Liên ngồi im trong ghế bành làm như không theo dõi câu chuyện. Thình lình Sĩ cúi sát vào mặt nàng:
"Còn cô, cô có phải là người nhà này hay không?"
"Chính tôi đang muốn biết thái độ anh về việc đó".
"Cô không có quyền".
Liên ngửa mặt, nhìn thẳng anh:
"Anh nói lại cho rõ".
Ông ta lùi lại một bước và vung tay tát vào mặt nàng. Nhưng Hiệp đã bước nhanh tới gạt anh ngã ngồi xuống ghế:
"Anh không làm thế được, anh Sĩ".
Liên vuốt tóc, tự trấn an:
"Chú Hiệp, chú để im. Chúng ta chỉ còn gặp nhau một lần này trong đời, phải dứt khoát cho xong.
Ông Sĩ cười nhạt, vuốt mái tóc sổ nếp:
"Với tôi, lần này là thừa. Tôi đã dứt khoát từ lâu rồi. Từ ngày cô vắng mặt ở đây".
"Tôi vắng mặt đã mười lăm năm".
"Tôi không còn biết có cô từ mười lăm năm nay". Liên lấy một điếu thuốc thư thả tự bật lửa, bàn tay hơi run:
"Anh Sĩ, anh lầm. Một đêm cách đây ba tháng anh có tới nhà tôi, nhưng tôi không thèm tiếp anh. Chắc anh còn nhớ buyn-đinh Everest? Tầng thứ ba…?"
Hiệp đứng bật dậy:
"Chị Liên, chị Liên" – Anh ta sấn tới nắm chặt cánh tay Liên, hét lớn – "Chị Liên! Tôi xin chị".
"Chú bỏ tôi ra".
"Chị Liên".
"Mời chú ngồi xuống".
Người anh nổi giận, nhưng giữ chỗ ngồi trên ghế:
"Chú Hiệp, tôi ngạc nhiên thấy chú còn như trẻ con" – quay sang Liên – "Cô Liên, cô nói láo. Tôi coi như cô đã chết, hay như một người lạ. Cô không phải con mẹ. Hôm nay cô về đây là thừa".
"Tôi về nghe đọc chúc thư. Biết đâu tôi không có một phần gia tài".
Sĩ lại vuốt tóc, năm ngón tay trắng miết mạnh xuống đầu:
"Đồ trơ trẽn. Đồ điếm!"
"Cảm ơn anh. Anh đã dám nhận mặt tôi rồi đó" – Nàng giơ tay ra hiệu cho Hiệp ngồi xuống lúc anh ta bồn chồn đứng dậy – "Anh Sĩ" – Liên nói tiếp – "người khác nói câu đó với tôi, tôi đã cho một cái tát. Hoặc tôi sẽ bảo đàn em dần cho một trận nhớ đời. Song giữa chúng ta, không có chuyện ăn thua. Và giữa chúng ta, cần sự thật. Anh đã nói đúng sự thật, dù chỉ nhờ vô tình".
Người anh sửng sốt ngó tới ngó lui:
"Hiệp, cái gì vậy? Cô Liên, cô vừa nói sao? Tôi nói đúng cái gì?"
"Anh Sĩ, không có gì đâu! Đó là một sự lầm lẫn".
"Chú hãy im lặng. Anh Sĩ, anh nhận mặt nổi tôi chưa? Đồ điếm?"
Sĩ bàng hoàng:
"Cô?... Cái gì hả?..."
"Tôi đây. Nếu anh ngại nhắc đến hay anh đã quên, tôi có thể nhắc lại: Angès Liễu, phòng 314 Everest".
"Liên! Liên ơi!"
"Anh cứ việc nói".
"Chị Liên!"
Chàng thanh niên nhảy lại bịt miệng chị. Hai người giằng co, nhào qua tay ghế ngã xuống nền nhà. Chiếc bàn bị động mạnh, ngọn nến đổ, tắt phụt. Căn phòng tối bưng. Sĩ hốt hoảng ra khỏi phòng, đi nhanh trên lối lát gạch, ra đường. Cánh cổng nặng nề chuyển dịch và một lát sau, im lặng. Tây Phố hầu như đã ngủ yên.
Ngọn nến được thắp lại, bộ sa-lông gỗ gụ xê xích trong một thứ tự mới, còn hai ghế trống. Trên hai ghế đối diện, Liên và Hiệp ngồi như lúc ban đầu, duy cái mũ đan của chàng thanh niên nằm ngửa trên nền gạch, cạnh chiếc va-li nơi góc phòng và cái xắc tay của Liên đặt trên bàn, sát ngọn nến đang hao. Nàng chải sơ mái tóc bằng chiếc lược đồi mồi, không soi gương, nhìn em hút thuốc lá, mãn nguyện.
"Chị Liên, hình như chị về đây để làm một cái gì khác, không phải để lo ma chay cho mẹ".
"Tuỳ chú nghĩ sao cũng được".
"Tôi muốn được chị cho biết. Tôi muốn nói chuyện với chị".
"Tôi vẫn nghe".
"Gia đình này không phải do chị mới tan nát. Nó tan nát từ lâu rồi".
"Tôi biết. Chúng ta sống trong sự bất công của mẹ. Và chúng ta không thể chịu đựng mãi. Chú hay tôi, anh Học và anh Sĩ, mỗi người đều lớn lên bằng một cách riêng. Đó là điều làm mẹ đau lòng. Đau lòng một cách chính đáng. Và đó cũng là điều làm chúng ta cực nhọc. Cực nhọc một cách vô lý. Sau mười lăm năm từ bỏ Tây Phố, hôm nay tôi trở về để nhìn lại một lần cuối cùng, nó, mẹ cũng như chú và anh Học, anh Sĩ. Cũng như dân Tây Phố. Việc nhìn lại không êm đềm, giản dị. Bởi không để tưởng niệm hay hàn gắn. Có nhiều cái cần thanh toán quá, phải không chú. Sau khi thanh toán, tôi sẽ kiềng mặt nơi này".
"Tôi không suy nghĩ như chị. Tôi tới đâu hay tới đó".
"Tôi cần xét lại mọi việc".
"Tôi làm, và quên. Chúng ta khác nhau hoàn toàn".
"Tôi không nhiều tuổi hơn chú là bao nhiêu".
"Tôi quên mất tuổi chị".
"Ba mươi. Hơn nhau năm tuổi nhưng cùng một thế hệ đấy nhé".
"Tôi khác chị ở kinh nghiệm. Chị trở về, chán chường. Tôi bây giờ mới bắt đầu đi, nhưng đã mỏi mệt".
"Cái chết của mẹ khiến cho chúng ta có dịp nhìn lại nhau. Anh Sĩ có lẽ đã thất vọng. Thất vọng ở anh ấy, không phải thất vọng ở tôi. Trước khi ra đi, tôi mong được nhìn thấy anh Học nữa. Chú Hiệp, chú không gặp anh Học sao?"
"Không, kể từ ngày ông Đội Thân bị bắt".
"Ông Đội Thân à, hình như tôi có đọc báo. Cách đây đã lâu lắm".
"Lâu lắm nhưng tôi còn nhớ rõ ngày kỷ niệm Đội Thân. Hôm ấy anh Học đứng ra tổ chức, Trường Cao đẳng Nguyễn Thái Học dự rất đông. Ngay đêm ấy anh Học theo một người đàn ông đứng tuổi, có râu mép, ra đi. Trước khi đi, mẹ cho anh một số tiền lớn. Anh không lấy. Từ hồi đó anh ấy chỉ ghé về đôi ba lần. Không lần nào tôi có nhà. Nhưng mẹ và già Năm có gặp".
"Là trưởng nam, nhẽ ra anh ấy phải về đây trước nhất để lo ma chay cho mẹ".
"Anh ấy không ở một chỗ nào nhất định".
"Những nhà cách mạng bao giờ chả thế. À chú Hiệp, chú còn nhớ anh Học năm nay bao nhiêu tuổi không?"
"Mặt mũi anh ấy không chắc tôi còn nhớ, làm sao nhớ tuổi. Nhưng nếu chưa chết thì cũng gần năm mươi rồi".
"Sao chú nói vậy. Ai chết thì chết, anh Học chết sao được? Tôi hiểu những người như anh ấy lắm".
"Hồi còn đi học, tôi nhớ lối chơi của anh ấy. Nghiêm chỉnh, đường hoàng. Một thời những người như thế dễ được trọng vọng".
Liên cười, nhìn em:
"Hồi mới lớn mình sợ là đàng khác".
Hiệp bỗng ngã lưng lên vai ghế, cười sùng sục một hồi dài, hai tay ôm lấy miệng, mũi. Liên chỉ còn trông thấy đôi mắt em. Đôi mắt long lanh, sáng từng đợt, như đang lóe chiếu bởi những hình ảnh hồi quang thời niên thiếu, trong đó Học hiện lên, thoáng qua. Liên đứng dậy, đến gần cái va-li. Nàng dừng trước cái mũ đan lật ngửa, nhớ lại chuyện ban nãy của Sĩ và cũng cười ngất. Tiếng cười không đủ thật để lớn đến thế. Có một chút hơi men nghề nghiệp bốc ra qua tiếng cười của nàng. Nàng cũng nhớ đến Sĩ trong một bộ dạng chải chuốt, sạch sẽ, hay rung động, cộc cằn bởi những ý muốn sai khiến bất lực. Thoáng nhớ đến thời gian lúc đó, cả hai tiếng cười tẻ dần. Khi gian phòng trở lại im lặng, Liên nghe tiếng mưa trên tầng lá cây ngoài vườn. Mưa rơi đều đều, rào rào.
Cơn mưa ru ngủ êm đềm, vọng lại từ những đồi lũng xa xung quanh Tây Phố, như từ Suối Cá Thần nổi lên.
Liên và Hiệp cùng tới cửa sổ. Họ nghe trên lối đi lát gạch ngoài sân có tiếng giày vội vàng đến gần. Khi Liên quay vào, vừa ngồi xuống ghế thì Sĩ lại hiện ra trên khung cửa lớn. Ông ta không nhìn em gái, nhướng mắt hỏi Hiệp:
"Chú Hiệp, vậy bây giờ thi hài mẹ quàn ở đâu?"
Hiệp bải hoải lắc đầu:
"Tôi không rõ, anh Sĩ. Tôi về tới đây trưa nay, nhà không đóng, và không gặp một ai từ đó đến giờ".
Người anh như nghẹn thở, kêu lớn:
"Tôi không muốn trông thấy mặt các người nữa. Nhưng trước khi đi, tôi muốn nhìn mặt mẹ lần cuối cùng. Phải xem người ta quàn thi hài mẹ ở đâu".
Ông ta bước nhanh đến trước khung cửa đóng kín, lắc mạnh quả nắm bằng đồng. Cánh cửa chắc nịch, mím mép ngậm kín. Từ phía sau, Hiệp theo dõi cử chỉ của anh, Liên qay mặt hướng ra cửa sổ. Ngoài trời, cơn mưa nhẹ vẫn rì rào.
Sĩ đứng im trước cánh cửa gỗ lim một lát. Rồi ông ta dang rộng sải tay, ôm bẹp bề mặt hai tấm gỗ dầy bóng. Cái thân thể lớn đầy của ông ta co lại, rung động. Ông ta tì trán vào thành cửa, kêu nhỏ: "Mẹ ơi, mẹ ơi".
"Chị Liên đã làm anh ấy khóc".
"Tôi vẫn còn sống, việc gì anh ấy phải khóc".
"Anh ấy coi như chị đã chết. Hoặc chị đã làm anh ấy chết, nên anh ấy khóc thương".
Liên lặng lẽ nhìn người anh, rồi ngả lưng xuống bành ghế:
"Tôi không đủ sức. Chúng ta sống theo đời mình. Nên chết không cần ai thương và sống không ai thương được".
Sĩ lạng đi vài bước sang khung cửa thứ hai, lượm quả nắm bằng sứ trên nền nhà và ném vụt vào mặt em trai. Hiệp hoảng hốt ôm trán. Dòng máu ứa nhanh trên gò má chàng thanh niên, chảy xuống ngực áo blouson. Nhưng anh ta mỉm cười.
"Anh đang hối hận về sự vắng mặt của anh trong mấy năm nay, anh Sĩ".
"Chú câm mồm. Tôi không tội lỗi gì phải hối hận hết. Chú Hiệp, chúng ta tạm coi nhau như người lạ mặt, hôm nay tới đây để giúp gia đình nhà Thịnh Phước. Bây giờ tôi ra trụ sở Hội đồng tỉnh. Chắc họ đã đóng cửa, nhưng tôi không muốn ngó thấy các người lâu hơn nữa".
Ông ta khuất vào bóng tối, ngược dốc lên trung tâm thị trấn bây giờ đã tối đen để hỏi tin tức về cái chết của mẹ ông.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 956

Return to top