Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Thị trấn miền đông

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4779 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thị trấn miền đông
Viên Linh

Chương 1
Tây Phố là một thị trấn nhỏ nằm ven quốc lộ số Một, về mé biển, thuộc miền đông cao nguyên Trung phần. Thị trấn lưa thưa khoảng gần một trăm nóc nhà, phần lớn là nhà gỗ lợp ngói, kiểu cổ xếp sau những hàng cây. Liên trở về đó vào tháng Mười, trong những ngày mùa mưa đang tàn.
Chiếc xe đò chạy chậm chạp trên đỉnh đồi Lương Sơn. Từ đấy Liên ngó xuống Tây Phố như ngó xuống dưới chân mình. Thị trấn nằm trên một giải đồi chạy thoai thoải xuống biển, xe phải qua ngọn Lương Sơn mới vào đến đầu phố chính. Liên lấy lược chải sơ lại mái tóc lúc chiếc xe đổ dốc. Qua khung cửa nhỏ, nàng nhìn quê hương cũ bình thản hiện ra, tẻ nhạt như một mô hình bằng giấy bìa.
Những con đường trải đá dăm độ nào giờ vẫn còn nguyên, nổi lên trong đám nhà bởi màu đất từ đồi núi mang vào. Dãy bông gòn vào mùa này đã nở hết. Thị trấn sẽ xác xơ âm thầm trong những cơn mưa nhạt nhẽo. Từ khung cửa hẹp, Liên trông thấy nóc gác chuông nhà thờ và đài tử sĩ nhô cao hơn cả. Rải rác xa xa, về mé biển là những ruộng muối bằng phẳng từng bậc, thấp dần, thoai thoải xuống. Về phía trong là thung lũng Suối Cá thần.
Chiếc xe chạy thong dong trên triền dốc cong. Hơi gió biển thổi thốc tới đánh thức vài hành khách ngái ngủ trên băng ghế sau. Liên ngờ ngợ nghe mùi cá tanh tưởi xung quanh. Mùi cá nàng đã thở hít hàng năm dài khi xưa.
Nàng bắt đầu nhìn thấy thung lũng Suối Cá thần từ xa, dưới thấp rồi cao dần lên những cột điện sơ sài bên đường. Tây Phố ở phía trước mặt như ngái ngủ trong trời chiều xám. Hàng cây hai bên phố chính đầy bụi bặm, khẳng khiu, đứng chơ vơ trước những mặt nhà ngô nghê, gợi cho Liên cái cảm tưởng buồn chán khi xưa, độ mới lớn, trong một quê hương không phải nhà ở không phải cửa hàng, lưng chừng sự nghèo nàn tiều tuỵ và sự đảm đang muộn màng.
Chiếc xe vào bến thì trời hết nắng. Buổi chiều âm u nặng nhọc theo lớp mây đen về ngang Tây Phố. Liên đứng trên một mô đất cao chờ người ta dỡ hành lý xuống. Nàng gọi một chiếc xích lô đạp, nhờ người phu chuyển va li từ xe xuống. Chỉ có một chiếc va li nhỏ. Khi người phu sẵn sàng, nàng ngồi lên.
Lão phu xe nói lễ phép:
"Thưa cô về đâu?"
Liên đáp:
"Đường Ngô Thời Nhiệm. Con đường gần Suối Cá thần đó".
"Dạ, tôi biết. Chắc cô về đưa đám bà Thịnh Phước?"
Liên không trả lời. Nàng không muốn nghe một người dân Tây Phố nhắc đến tên mẹ nàng. Lão phu xe ì ạch tránh những hòn đá nổi trên mặt đường, những vũng bùn đỏ kết váng sau trận mưa hôm qua, đưa người khách lơ đãng mệt mỏi đi qua những phố chính của thị trấn.
Trong bóng chiều không có nắng, Tây Phố như một túp nhà hoang vắng giữa rừng, xiêu đổ với những bờ tường vàng úa, nứt nẻ, những kho hàng, cửa tiệm hải sản sơ sài, phần lớn là muối và cá khô.
Người phu xe thỉnh thoảng lại bóp chuông leng keng dọn lối đi, báo động những chiếc xe đạp lăng quăng phía trước, hoặc những đứa trẻ ồn ào chạy giữa phố.
"Bà Thịnh Phước mất hôm qua" – lão phu xe tiếp tục nói – "Nghe nói bà có bốn người con, đi làm ăn xa cả. Bà mất nửa ngày làng xóm mới biết, cô à".
Liên lặng thinh. Chiếc xe quẹo xuống một cái dốc nhỏ, chạy bon bon. Người phu xe luôn tay bóp chuông như reo mừng con đường. Liên đưa mắt ngó lơ hàng phố. Nàng vuốt sơ mái tóc, sửa soạn nụ cười kiêu hãnh làm mặt lạ. Sự thay đổi của Tây Phố không làm nàng bận tâm.
Chiếc xích lô ngừng trước một ngôi nhà ngói vuông ở cuối con đường dốc, mái đen xám. Ngôi nhà đứng trong khoảng đất um tùm cây cối, giữa hàng rào xi măng thưa, cao ngang đầu. Người phu xe xách chiếc va li tiến vào đến gần cái cổng gạch rêu bám thì Liên vội gọi lại:
"Bác để đấy. Để đấy được rồi".
Nói xong nàng nhìn thẳng mặt ông ta. Lão ngó nàng một cách khác thường, lúng túng:
"Thưa cô, trong nhà không có ai".
Liên nhìn sững ông ta, hỏi lại:
"Sao bác biết?"
"Dạ, khắp Tây Phố ai cũng biết hết. Bà Thịnh Phước ở đó với một lão gia nhân, lão trốn đi ngay khi bà cụ mất" – người phu xe vuốt mặt. "Bởi thế, nửa ngày sau người ta mới biết bà đã chết. Thưa cô, ngoài phòng Hội đồng chắc đang họp về đám tang của bà…"
Liên trả tiền xe. Nàng nhìn đăm đăm vào cái cổng sắt sơn xanh:
"Họ nói gì ngoài đó, bác biết không?"
"Thưa cô, ông chưởng khế đòi mai táng bà cụ ngay. Nhưng hình như có người đòi chờ con cái bà cụ về đã".
Liên mở bóp lấy một điếu thuốc châm hút. Qua hàng rào, nàng nhìn thấy ngô nhà thời thơ ấu hình như lén lút trong những hàng cây che đậy. Nàng lặng lẽ xách va li, đẩy cánh cổng sắt, bước vào.
Khoảng sân trải sỏi nằm phơi mặt trong bóng tối những tàn cây.
Liên thấy chúng lớn vồng, rậm rạp khác hẳn ngày nàng rời Tây Phố. Nàng đứng giữa lối đi lát gạch, nghe ngóng hơi lạnh xung quanh. Sỏi, vôi, cây cối im lặng đồng tình. Liên nghe những tàn cây rậm rạp xum xuê có cái nín thinh của một buổi chiều xa lạ, cái nín thinh của một bóng tối không quen mặt. Nàng nhìn lui. Cánh cổng đã khép phía sau lưng. Nàng gỡ điếu thuốc trên môi, bước tới.
Cánh cửa phòng khách chỉ khép hờ, làm Liên ngạc nhiên. Nàng nhận thấy những vết giầy lấm bùn trên sàn đá hoa. Nàng đẩy cửa và bỗng thụt lùi trước một người đàn ông ngồi gọn trong ghế bành, đầu chụp mũ đan nội hoá. Liên nín thở muốn thét lớn xong bỗng mỉm cười lạnh. Nàng đặt va li xuống góc phòng, cất tiếng kiêu ngạo:
"Tôi tưởng tôi về trước các người".
Im lặng. Liên không nghe tiếng trả lời liền nhìn thẳng người đối diện. Anh ta lột mũ ôm xuống ngực. Đó là một thanh niên trạc hai mươi lăm tuổi, da xanh mướt, đầu chải bù, mặc blouson dạ màu tro bên ngoài sơ-mi xám. Anh ta nhìn Liên khắp người.
"Chị lầm, chị Liên. Tôi về từ trưa nay".
"Tôi tưởng chú còn đập đá ở cao nguyên".
"Tôi ở đây. Mời chị ngồi".
"Chú không được nói giọng đó, chú Hiệp. Chú tưởng như chú là chủ nhà này vậy".
"Tôi không tưởng. Nhưng người có mặt phải mời người đến sau. Hồi xưa mẹ bảo thầy vẫn dạy chúng ta như thế".
"Hôm nay là ngày của mẹ. Một hồn mẹ ở đây đủ rồi. Chú khỏi gọi hồn thầy dậy nữa. Vả lại, thầy chết đã hai mươi lăm năm. Đúng cái năm chú ra đời".
"Cảm ơn chị còn nhớ tuổi tôi. Tôi hai mươi lăm tuổi, là con út trong bốn anh em. Chị nhớ mẹ thường nói giàu con út, khó con út chớ. Nên mẹ thương tôi hơn cả. Vậy chị không nên mắng tôi. Ba chiếc ghế trống này có một chiếc cho chị. Mời chị ngồi, chị Liên".
"Xa chú đã lâu, nghe chú ăn nói lạ tai ghê".
"Tôi đã lớn. Tôi cố lớn cho nhanh đó".
"Tôi biết. Sống bây giờ càng nhỏ càng thiệt".
"Vâng, tôi cũng nghĩ thế".
"Chú nghĩ thế từ khi nào?"
"Từ khi thấy chị hay đi chơi với thầy giáo Vịnh".
"Thế à. Chú nhớ nhỉ, mà chú không nên nhắc đến cái tên ấy nữa".
"Tôi tưởng chính ông Vịnh đánh điện tín cho chị về đây hôm nay. Chị Liên, tôi còn nhớ rõ ngày ấy như hôm qua, dù chúng ta xa nhau đã mười lăm năm".
"Mười lăm năm".
"Thời gian ấy bằng thời gian của nàng Kiều, chị Liên".
"Chú chửi tôi".
"Không".
"Nếu chú muốn, chú có thể chửi tôi. Tôi không ngượng đâu chú Hiệp. Tôi ngượng với ai ở cái nhà này? Ở cái đất này?"
Nàng châm một điếu thuốc nhìn em. Im lặng. Nàng phà khói và tiếp tục nói:
"Đúng. Tôi như thế đó. Tôi nói cho chú biết, tôi rất hãnh diện về đời tôi. Khi mà nhà này coi tôi như một con giòi ghẻ lở thì tôi phải làm lấy đời tôi. Cái ghế tôi đang ngồi đây, cái ghế cũ kỹ ấm áp này đây, ngày xưa người ta thường dồi kim vào, và tát tai tôi như hành hạ một thủ phạm. Như là quái thai. Chú Hiệp, bây giờ tôi hiểu tại sao".
"Hồi ấy tôi thương chị. Thầy cũng vậy".
"Tôi đã bảo chú đừng gọi hồn thầy dậy. Tôi không cần đâu. Tôi về đây vì tôi được tin mẹ mất. Dù khi còn sống, mẹ coi tôi như một đứa con hoang. Như một đứa con hoang, chỉ bởi mẹ tôi mất sớm".
"Chị Liên. Chị đừng khóc".
"Tôi không khóc vì muốn chú thương. Tôi thương tôi đủ rồi".
"Chị thiếu gì người thương".
"Chú cứ việc chửi".
"Tôi không có quyền chửi chị. Tôi vẫn coi chị là chị ruột tôi".
"Tôi không phải là chị ruột của Hiệp".
"Tôi đã nghĩ thế lỡ rồi".
"Chúng ta phải gắng nghĩ khác. Chú phải nghĩ như mẹ, anh Học, anh Sĩ".
"Tôi nghĩ như thầy. Như lá thư của thầy để lại. Nên chị vẫn là chị ruột của tôi. Chị Liên, tôi tưởng chị về Mỹ rồi?"
"Cảm ơn chú vẫn để ý đến tôi. Tôi rất tiếc đã bỏ lỡ".
"Xin chia buồn cùng chị".
"Tôi vẫn còn giàu lắm. Tôi chưa cần nương tựa ai".
"Tôi biết. Còn tôi thì mẹ nói đúng: số tôi sang nhưng nghèo mạt kiếp".
"Mẹ chết, chú sẽ giàu".
"Tôi về đây không để nói chuyện ấy".
"Tiếc thay tôi đã nghĩ khác chú. Tôi về đây vì chuyện ấy".

Liên nói xong câu đó, đứng lên. Nàng tới khung cửa đóng kín thứ nhất đặt tay lên quả nắm bằng đồng đặc xoay đi xoay lại. Hiệp ngồi yên như thể biết việc đó là vô ích vì chàng đã làm thử rồi. Liên tới khung cửa đóng kín thứ hai, cũng bằng gỗ gụ, hình vòm cung, xoay đi xoay lại quả nắm bằng sứ lỏng lẻo, như quả nắm mới được thay tạm vào trục mở. Cánh cửa bật ra trước cặp mắt ngạc nhiên của Hiệp.
Liên khuất vào lỗ hổng tối vừa được khai thông giữa hai gian phòng. Nàng đánh diêm, bước lần tới bàn thờ kê chính giữa; ngoài tiếng giày lạo xạo trên nền đá hoa, không có tiếng động nào khác. Liên tìm thấy một cây nến lớn, châm lửa. Gian phòng mù mờ hiện ra dưới mắt nàng. Hiệp đội cái mũ đan lên đầu đi tới khung cửa ngó vào. Phòng gần như bỏ trốn, không có giường. Ngoài bàn thờ có một cái tủ đứng, gỗ gụ, trên chạm hình con phượng lớn, dưới là mặt gương. Ở góc kê bộ bàn ghế gỗ có tay vịn, chân quỳ. Liên mang cây nến ra đặt trên mặt bàn phòng khách và ngồi xuống chỗ cũ, liệng điếu thuốc xuống sàn đá hoa và dí tắt ngấm. Khuôn mặt nàng lung linh trong hơi đèn, màu áo tím than trông như màu xám, thích hợp với tình cảnh lúc đó. Nàng nhìn Hiệp lộ vẻ dò hỏi. Một lát nàng lại đứng lên tới mở thử cánh cửa đóng kín có quả nắm bằng đồng đặc. Nàng ngó Hiệp nhưng không hỏi, rồi bước ra cửa chính, xuống khu sân trước nhà. Tiếng giày da của nàng loạt xoạt trên lớp sỏi ra tít góc sân phía ngoài làm những con dơi lớn chập choạng rời các tàn cây um tùm bay vào thinh không, gây những tiếng loạt xoạt ngắn ngủi. Khi nàng quay vào, trên vai lấm tấm những cánh hoa tử vi. Hiệp vẫn chụp mũ trên đầu người ngả ra, hai chân gác lên mặt bàn. Liên ngồi xuống cái ghế bành đối diện ngó em. Nàng bỗng biến sắc mặt, lắng tai nghe kỹ và tắt phụt ngọn nến. Trong bóng tối tiếng Hiệp hỏi:
"Gì thế?"
"Không, chú cứ việc ngủ".
Bây giờ có tiếng chuông xe xích lô leng keng ở ngoài đường xế mặt nhà. Liên nghe tiếng chân bước trên lối đi trải đá. Trong một lát, tiếng chân dừng lại ngoài hiên trước cánh cửa vẫn mở.
"Không có ai sao?" Tiếng đàn ông hỏi e ngại.
Liên châm lại ngọn nến. Hiệp bỏ mũ đổi thế ngồi. Người mới tới mỉm cười bước vào bắt tay Hiệp:
"Chú Hiệp, chú Hiệp".
Ông ta sửng sốt nhìn Liên, như ngạc nhiên khi thấy nàng không phải là vợ Hiệp. Hiệp nhắc:
"Chị Liên, anh Sĩ đó".
Liên lặng lẽ đứng dậy chào người đàn ông:
"Anh mới về".
Người đàn ông mím miệng ngó Hiệp. Ông ta bứt rứt chưa biết có nên ngồi xuống không. Trong một lát, ông ta mỉm cười một mình. Liên đưa mắt nhìn kỹ người đó. Qua một cái nhìn thoáng, nàng cúi đầu lặng lẽ hơn.
Cuối cùng ông ta ngồi xuống chiếc ghế phía bên trái Hiệp. Đó là một người chừng ba mươi lăm tuổi, da mặt trắng đầy, ăn mặc chải chuốt, đầu chải kỹ, giày kiểu mới.
Tôi được ông chưởng khế điện tín cho chiều hôm qua. Tôi bỏ dở công việc về đây. Không ngờ tôi về không được sớm. Mẹ mất đột ngột quá, thật tôi không ngờ…
Liên châm một điếu thuốc nơi ngọn nến. Không ai trả lời người đàn ông. Vẻ mặt của Hiệp và Liên khiến ông ta nổi nóng:
"Có ai nghe tôi nói không?"
"Vâng. Tôi vẫn nghe, anh Sĩ".
"Anh Học chưa về sao?"
"Tôi không rõ anh ấy về chưa. Tôi tưởng anh có liên lạc với anh Học?"
"Không, lâu rồi tôi không gặp anh Học, nhưng tôi vẫn liên lạc bằng thư từ với mẹ, tôi tưởng ở nhà phải có tin tức anh Học?"
"Tôi không ở nhà".
"Tôi tưởng chú vẫn ở với mẹ?"
"Không, tôi đi làm xa đã hai năm nay".
"Vậy ai ở đây với mẹ, chú Hiệp?"
"Tại sao anh hỏi tôi?"
"Tại sao? Vậy mẹ ở với ai? Tại sao mẹ không cho tôi biết một chút tin tức gì? Tôi cứ tưởng… Chú Hiệp, vậy ra mẹ sống một mình ở đây sao?" - Ông ta muốn đứng dậy, nhưng lại thôi - Chú Hiệp, tại sao lại thế? Tôi tưởng không thể như thế được".
"Tôi không rõ phải trả lời anh ra sao".
"Chú phải rõ. Chú là phải rõ".
"Tại sao là tôi mà không là ai khác? Tôi là cái gì ở đây?"
"Chú là người mẹ tin cẩn nhất ở đây".
"Mẹ tin cẩn tất cả mọi người. Tôi muốn nói: Mẹ chỉ tin cẩn một mình mẹ thôi".
"Chú ăn nói cẩn thận".
"Tôi nghĩ như thế từ hai năm nay. Từ ngày rời bỏ cái nhà này".
"Chú là con mẹ. Nhẽ ra chú không được bỏ đi".
"Chúng ta đều là con mẹ".
Liên xen vào:
"Chú Hiệp, chú nên nhớ là không có tôi ở đó. Tôi là một đứa con hoang đối với mẹ. Tôi là một đứa con mồ côi đối với tất cả mọi người trong gia đình này. Tôi chỉ là con nhà Thịnh Phước trên giấy tờ".
"Tôi không hiểu ý cô".
"Điều đó rất giản dị: tôi về đây để nghe đọc chúc thư. Chính ông chưởng khế đã gửi điện tín cho tôi".
Người đàn ông cười nhạt, lấy thuốc lá châm hút để che giấu sự xúc động tái xám trên khuôn mặt trắng yếu. Ông ta không nhìn cô em gái cùng cha khác mẹ, cũng không nhìn ai cả. Trên vầng trán phẳng phiu, trắng, thấp thoáng những ý nghĩ vụt qua vụt lại, như một mặt sóng rung động phản chiếu hơi gió. Ông ta đứng dậy tới khung cửa số mở ngó ra ngoài sân. Khu vườn nằm yên trong đêm, cây cối trở thành đen xám. Vượt trên những hàng cây, phía bên kia đường, là một vài mái nhà hàng phố. Ngôi nhà nằm ở cuối một con dốc hẻo lánh nên xa rời những sinh hoạt ban đêm của thị trấn. Trong lúc im lặng người ta nghe từ khu phố chợ vọng lại tiếng loa phóng thanh của Đoàn Thi ca Vũ nhạc kịch Tân Hoa.
Liên nhìn người anh đang khó chịu mà thú vị. Nàng cũng lấy thuốc ra hút. Hiệp vuốt mặt:
"Xin chị một điếu. Lâu không được hút thuốc lá Mỹ".
"Chú cứ lấy".
Liên nói, tay đẩy bao thuốc qua mặt bàn.
Sĩ thong thả lại gần cánh cửa có quả nắm bằng đồng. Ông ta đặt tay lên ô mở, cố gắng xoay quả nắm một cách thận trọng. Liên và Hiệp lặng lẽ theo dõi.
Người đàn ông quay sang khung cửa thứ nhì, mở được, nhưng ngần ngừ đứng lại trước khoảng trống. Nhờ ánh nén từ bên ngoài, ông ta quan sát phía trong. Rồi ông ta khép cửa, quay sang gian phòng đầu. Ông thử xoay quả nắm bằng đồng một lần nữa một cách vô hiệu.
Lúc ấy có tiếng dép di chuyển trên lối đi lát gạch ngoài sân. Nửa phút sau một thiếu niên mặc đồng phục xanh hiện ra trên thềm đá hoa. Cậu nhỏ gầy guộc nhìn ba người:
"Thưa các ông, ông Hội đồng đang chờ các ông ở trụ sở".
Sĩ bước ra:
"Có việc gì thế?"
"Dạ, để lo việc an táng cụ.
Sĩ kinh ngạc:
"Chưa an táng sao?"
Cậu nhỏ mở lớn cặp mắt, rồi cười:
"Sao ông lại hỏi tôi. Tôi không biết".
Sĩ sập mạnh cánh cửa, trừng trừng quay lưng ngó hai em. Ông ta bước tới thử xoay qua nắm bằng đồng một lần nữa, một cách hấp tấp giận dữ như muốn tìm trong căn phòng đó một sự chứng minh. Cánh cửa khoá cứng. Ông ta nhấc cây nến khỏi bàn bước nhanh vào gian phòng thứ hai. Sau khi cánh cửa được đẩy tung, quả nắm bằng sứ rời khỏi chốt rớt xuống nền đá hoa, nằm như một trái trứng hoang. Gian phòng trống, ngoài ngôi bàn thờ bụi phủ, cái tủ gương… Chính giữa mặt tường đối diện với lối ra vào là tấm hình bà Thịnh Phước, chụp khi còn trẻ, trông như một tài tử chiếu bóng Mễ Tây Cơ vào những năm 1940.
Tấm hình được lồng khung, lót kính, rất lớn. Người con trai kê một cái ghế trèo lên tháo chân dụng mẹ xuống. Ông xách ra bàn ngoài, đặt ngửa giữa bàn, hét:
"Các người còn ngồi làm gì đó hả!"
Tiếng đập cửa ngoài thềm cắt ngang làm ông ta nổi giận thêm. Cậu nhỏ mặc đồng phục xanh la lớn:
"Ông nhớ ra Trụ sở Hội đồng ngay, Ông Hội đồng tôi chờ ngoài đó rồi".
"Bước mau!" Người đàn ông mở cửa hét.
Cậu thiếu niên quay lại sừng sộ:
"Ông bảo tôi hả? Tôi không phải gia nhân ông nhá. Tôi nói cho ông biết, hè".
"Bước! - Người đàn ông hét lớn – "Mày là cái đ… gì cũng bước!"
Ông ta sập cửa lại. Cậu nhỏ vừa ra khỏi nhà vừa nói oang oang:
"Đồ làm phách. Rồi chuồn khỏi Tây Phố cho sớm".
Gã tới ngang cổng lớn thì đứng lại, dương dương nghển cổ nhìn qua khung cửa sổ mở nửa chừng. Sĩ hồi hộp nắm chặt hai tay đứng bình thân giữa phòng. Ông ta giận dữ và xấu hổ trong sự xung uất hiếm thấy, chỉ dồn ứ trên da thịt một người khi bị xâm phạm giữa dòng hoang mang bất lực. Căn phòng trở nên kín bưng, che đậy.
Gã thiếu niên sập cánh cổng sắt kêu vang dữ dội trước khi nhảy lên xe đẹp, ngược dốc về phố chợ. Gã tới nơi, ghé xe vào vỉa hè văn phòng Hợp tác xã Ngư nghiệp, hớn hở lên tiếng trước một đám đông lam lũ chừng mười người, phần lớn là đàn ông, chân tay đen sạm màu muối biển ăn nắng. Tiếng ồn ào vang động lẫn những tiếng cười lớn sảng khoái: "Hết rồi, nhà Thịnh Phước phá sản rồi, anh em ơi". "Con mẹ sống nghe tiếng kêu than, chiến tranh không ai khóc đó mà". Căn phòng nhỏ với ánh đèn nê-ông sáng trưng, nóng hẳn lên. Khi tiếng ồn ào dịu bớt, người ta kéo cửa, tắt đèn sửa soạn ra về. Cậu thiếu niên bảo nó phát dịch khắp tỉnh làng sao chớ? "Con cái người ta không thèm tới, ông Hội đồng còn chờ gì kia?".
Bây giờ tiếng chuông nhà thờ ở đầu tỉnh thong thả rung. Gã thiếu niên hấp tấp lấy xe đạp tới nhà riêng của ông Chưởng khế để gặp ông Hội đồng.

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 963

Return to top