"Viết về một vùng đất quê hương mà chúng ta hưởng nhiều ân sủng cũng đã là yêu nước rồi ".
Câu nói trên của bạn bè đã khích lệ tôi rất nhiều để viết quyển sách nầy.
Để tránh hiểu lầm từ mọi phía, tôi kính xin các bậc thức giả bổ túc, sửa sai hoặc đính chánh cho bài viết được đầy đủ và đúng với sự thật hơn, chỉ có trong tinh thần sĩ phu đó, người viết sử sẽ an tâm khi đụng đến một đề tài bén nhậy này của lịch sử.
Chúng ta đã nghe nhắc tới quận Triệu Phong, Quảng trị, là đất "Địa linh sanh nhân kiệt", có làng Đại hào với Hoàng Xuân Tửu, Hoàng Xuân Lãm, Lê Duẩn, Bồ Liêu với Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết, Duy Khánh v. v..., cuộc đất "Ngũ Phụng Tề Phi" ở Quảng nam với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân... (Ngũ phụng tề phi theo sách Khoa Cử Việt Nam của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề thì gốc từ vua Thành Thái ban cho danh hiệu năm vị học sĩ Đất Quảng Nam: Phạm Liệu, Điện Bàn; Phan Quang, Quế Sơn; Phạm Tuấn, Điện Bàn; Ngô Chuân, Điện Bàn; Dương Hiển Tiến, Điện Bàn. Cả năm ông đều đỗ Tiến Sĩ - Phó Bảng một khoa (1898))...và cuộc đất có hàm rồng ở Hà Tiên với Mạc Cửu v. v... thì hôm nay, tôi xin lạm bàn đến cuộc đất Tứ Linh "Long Lân Qui Phụng" vói chút lịch sử, địa lý phong thủy (feng shui, géomancy) và nhơn sự đã khiến tôi chú ý.
Đại nguyên soái Nguyễn-Phúc-Ánh lên ngôi vương nhưng vẫn lấy niên hiệu nhà Lê (đời Cảnh Hưng), dùng ấn "Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn" chế từ năm 1691 do chúa Hiến Tông Nguyễn Phước Châu. Tháng 11 năm Kỷ Hợi, Nguyễn Vương phân định cương giữa hai dinh Phiên trấn và Trấn biên thuộc Gia định thành, Vương đặt cho hiệu danh Biên Hòa, với ý nghĩ một doanh trấn ở biên cương trước bị loạn lạc, nay được bình định và hưởng an lạc thái hòa.
Trấn Biên Hòa có một huyện Phước Long gồm bốn Tổng: Tân chính, Bình an, Long thành, và Phước an.
Nguyễn Vương ra lệnh cho quan Lưu trấn chiêu tập nhóm dân phiêu bạt, quan binh của Tây Sơn còn trốn tránh, cho về trình diện và ghi vào hộ tịch, và cấp đất đai cho cày bừa để vỡ ruộng làm mùa tại các xã thôn, từ năm Kỷ Dậu (1789), Vương bổ nhậm quan Điền tuấn Trịnh Hoài Đức mộ dân, cấp cho ruộng hoang, khuyên bảo hãy gắng sức làm ruộng, người nào không theo nghề nông, thì đi lính để thay cho phủ binh.
Thuyền buôn của người Trung quốc, các nước Đông và Tây dương đến buôn bán tại Nông Nại Đại Phố (nay là Cù lao Phố). Theo Hứa Hoành, là một trong bốn thương cảng tấp nập và phồn thịnh nhất thời bấy giờ. Nguyễn Vương Phúc Ánh lên ngôi xưng đế hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam.
Lúc bấy gìờ, Biên dinh vẫn còn là một trấn, nhưng được mang danh hiệu là Biên Hòa thống thuộc Gia định thành, được xem là hệ trọng nhất. Vì là phần đất màu mỡ mới thu phục của Thủy Chân Lạp nên triều đình rất chăm lo, đặt để đầy đủ các quan chức để an dân hưng quốc.
Từ đầu bổn triều được đặt tại thôn Phước Lư (cầu Rạch cát) đến năm 1815, được dời về thôn Tân Lân (khu chợ Bình Trước hiện nay) để mở rộng châu vi thị trấn.
Biên Hòa ngoài việc nổi danh "xứ bưởi" (được giải thưởng hội chợ Osaka, Nhật bản) còn được gọi là miền đất dưới đâm hà bá, trên phá sơn lâm (khai thác cát, đá, gỗ, và đất sét để làm gạch, đồ gốm mỹ nghệ còn là thắng cảnh núi, thác và suối, gần Sàigòn có nhiều du khách. Một tỉnh vừa giàu có về lâm sản lẫn thủy sản, hải sản (quận Nhơn trạch).
Dinh Chánh tham biện (Tỉnh trưởng), nguyên là một nhà nhỏ, cất hồi năm 1902, sau được cơi lầu, chỉnh trang năm 1922, thời tỉnh trưởng A.G. Sartor.
Đến tỉnh trưởng Nguyễn Hữu Hậu (1950), ao sen và lục bình ở bờ sông được lấp để phóng nối dài con đường Trần Thượng Xuyên (mang tên Quai de Lanoue từ năm 1896), để mở cổng vào dinh do ngả mặt tiền. Cầu mát ở trước dinh tỉnh trưởng gọi là Cầu quan, chỉ dành cho các quan lớn, ngày lễ ra xem các cuộc vui tổ chức trên sông như chưng thủy lục (ghe hoa đăng), đua thuyền, đua bơi lội , thả vịt v.v...
Vị tỉnh trưởng đầu tiên Việt Nam là ông Nguyễn văn Quí, Đốc phủ sứ (nhà văn Thân Văn) được quân đội Nhật bổ nhậm vào trung tuần tháng ba năm 1945, dinh này mãi về sau nhường lại cho tướng tư lệnh Quân khu III. Tỉnh học Biên Hòa dưới thời Gia Long được đặt tại thôn Tân Lại (Xã Tân thành). Đến đời Minh Mạng, dời về thôn Bang Lân (Bình Trúc) quản đốc hai phủ học Phước Long và Phước Tuy.
Sau trận bão lụt năm Thìn (1905), học đường Chasseloup Laubat bị ảnh hưởng nặng, nên dời lớp đến trạm để tiếp tục học tại Biên Hòa, tạm trong một trại lá cất ở phía đông. Sau đó được kiến trúc lại để làm trường Nguyễn Du hiện nay.
Tôi xin ghi lại đây coi là để nhớ ơn thầy: ba ông đồ cuối cùng dạy chữ Nho cho học trò lớp Tiếp Liên đã xong lớp nhứt, là ông thầy Trần Minh Đức, con là ông Trần Văn Giáo, kế đó là ông Đốc Vĩnh. Phải kể thêm ông Đốc Tam, ông Đốc Nga, đặc biệt thầy Tiếng mà bảy anh em tôi cùng lên học lớp nhất với ông, bên cạnh các thầy năm Hải, thầy Chinh, thầy An, cô Lựu, cô Lượm, cô Hữu, thầy Soái, thầy Thi, thầy Thời, thầy Tư, thầy Bổ, thầy Khỏe, thầy Phách, thầy Lô, thầy Ngói đã góp công gầy dựng anh em chúng tôi nên người, tôi cũng không quên tri ân cô mụ Ký là nhơn chứng đứng tên trong khai sanh tất cả anh em chúng tôi...
Hồi đó, học sinh còn phải học làm vườn buổi chiều, có lẽ nhờ đó mà bây giờ chúng tôi ai cũng thích làm vườn và không ai quên hai cây sa kê (breadfruit) sau trường chỗ trường Tây gốc được quét vôi trắng.
Biên Hòa là một tỉnh lớn, trải dài từ Bù đăng Saray, Ba Biên Giới (Việt Miên Lào). Sau 1954, Tổng Thống Ngô Đình Diệm phân hạt hành chánh lại; miệt Lộc Ninh, Đất Đỏ, An Lộc thành tỉnh Bình Long. Bù Đốp, Bà Rá, Sông Bé thành tỉnh Phước Long. Xuân Lộc, Định Quán thành tỉnh Long Khánh, có con đường đồn điền cao su Suzannah, chạy qua Bình Ba, Bình Giả, Phước Lể. Các làng di cư Gia Kiệm, Bùi Chu, Phát Diệm; Quận Đức Tu thì có Hố Nai, Tân Mai I, Tân Mai II, Phúc Hải, Quận Công Thanh dọc bờ Sông Đồng Nai lên đến thác Trị An, Đồng Nai Thượng, cũng có làng di cư; Quận Dĩ An có con đường qua Thủ Dầu Một, chạy ngang làng Tân Khánh nổi tiếng võ thuật, đàn bà dám đánh lại cọp, có hồ tắm suối thiên nhiên Lồ Ồ, rất đông du khách, có trại nuôi heo Phát Ngân và nhà máy giấy. Quận Nhơn Trạch có kho đạn Thành Tuy Hạ chạy tới cửa sông Sàigòn, miệt Phú Hội có suối mát nổi tiếng con gái trắng và đẹp, đối diện Cần Giờ. Ba Biên Giới thì lọt vô tỉnh Ban Mê Thuột.