Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Một trăm cây ngô đồng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 339 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một trăm cây ngô đồng
Nguyễn Xuân Hoàng

 Cuối cùng, cội ngô đồng bách lão bên hông nhà Tả Vu Đại Nội Huế lá đã vàng don don. Sắc vàng rỗ hoa xanh chơm chớm những đường gân nhỏ li ti như mạch máu trên bàn tay người. Lá ngô đồng Huế vàng như vậy rất lâu. Có khi kéo dài đến mấy tháng trời như một nỗi buồn ít nhiều thầm lặng. Lá có khi u sầu như một người tương tư, rơi xuống thảm cỏ với gương mặt ơ thờ vàng ửng. Cây ngô đồng Huế thường rụng lá cuối đông. Từng chiếc một rơi, rơi lần lượt. Không một chút vội vàng. Cách rơi thanh thơi, lưu luyến, dè dặt như không muốn rời thân mẹ, khiến những tâm hồn đa cảm mang mang. Nếu không có chiếc cuống dài thanh mảnh, chiếc lá ngô đồng sẽ mang hình hài của một giọt lệ lớn vạm vỡ, những giọt lệ không tan buồn vương vương như dấu vết cổ tích của một thành phố rất nhiều chim và hoa.
 
Cái dáng lao thẳng lên trời xanh như một thanh bảo kiếm của cây ngô đồng, là lời ngụ cương trực, tiếng nói vô ngã hồn nhiên của một nhân- cách-cây. Lạ thay, lá ngô đồng vàng vọt uỷ mị bao nhiêu thì vóc cây lại dũng mãnh cương cường bấy nhiêu. Người xưa yêu và thích trồng cây ngô đồng có lẽ là ở dáng cây thẳng độc nhất vô nhị. Cây như thay lòng người mang khát vọng lớn của con chim hồng, chim hộc, chỉ nhận sự gửi thân của bầy chim phượng hoàng. Tích xưa con chim phượng hoàng thường chọn cây ngô đồng làm chỗ dung thân. Đó là sự lựa chọn tri kỷ của một bản năng cao cả đã được lập trình. Ở đâu có cây ngô đồng mọc, ở đó có sự khang khác, như là cuộc sống này đã nguyên sơ và trinh bạch hơn.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, cây ngô đồng đầu tiên có mặt ở Huế, là vào thời vua Min Mạng. Ông đã cho mang cây ngô đồng từ Quảng Đông về trồng hai bên góc Điện Cần Chánh. Sau đó, nhà vua còn lệnh binh biền vào rừng sâu Trường Sơn tìm loại cây mang về trồng trong khu vực Đại Nội. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm thì hiện nay 8 cây ngô đồng sau Điện Thái Hoà, khu vực Tả, Hữu Vu không phải có từ thời Minh Mạng mà tuổi cây chỉ vài ba mươi năm trở lại đây. Trong 8 cây ngô đồng ấy chỉ có 3 cây có kích cỡ lớn và chiều cao từ 16-18m, đường kính tối thiểu là 0,7m.
Đẹp và đặc trưng nhất là cây ngô đồng Tả Vu, cao to, tán đều, cành nhánh phát triển cân đối, hoa nở rộ khi lá đã rụng hết. Ngoài khu vực sau Điện Thái Hoà- Đại Nội, còn có một số cây ngô đồng ở Công viên Thương Bạc, Phu Văn Lâu, Tứ Tượng và các lăng tẩm Minh Mạng, Tự Đức. Ở công viên Tứ Tượng, trước đây có một cây ngô đồng lớn, mọc ngay lối vào công viên. Cây ngô đồng này có từ thời Pháp thuộc. Đến những năm sáu, bảy mươi thì đã rất cao to. Mỗi năm cây ra hoa, những cựu học sinh Văn khoa từng học ở Trường đại học Khoa học-tức khách sạn Sài Gòn Morin bây giờ, giờ ra chơi vẫn thường ra ban công ngắm hoa ngô đồng nở ngang tầm cửa. Màu hoa tím xa xôi trên nền trời mời mọc những bức tình thư. Gió từ ngoài sông Hương run rẩy thổi qua ngàn nhuỵ hoa, đưa hương vào tận giảng đường. Những người em Văn khoa áo tím duyên dáng guốc mỏng vẫn thường về dưới cây ngô đồng ngày cây nở những nụ hoa đầu tiên. Cơn lốc năm 1985 đã quật đổ cây ngô đồng già. Giám đốc Công ty Công trình công cộng thành phố Huế lúc này là ông Kỳ Sơn đã cho xẻ cây ngô đồng làm gỗ. Nghe vậy mà chưa có dịp hỏi ông chủ hiệu đóng đàn Tân Châu nổi tiếng ở Huế xác thực điều này. Không biết bây giờ, xác cây ngô đồng nọ có còn hay đã rữa nát. Như một luân hồi, công viên Tứ Tượng hiện giờ có đến hai cây ngô đồng. Một cây cao to đã hoa nằm phía bờ sông, sát vách UBND thành phố Huế và một cây con tầm hai đầu người vừa được trồng cách cây ngô đồng đã đổ vài mét.
Vì nổi tiếng mà cây ngô đồng hay bị nhìn lầm. Đó là sự đánh lẫn giữa cây ngô đồng, cây vông đồng và cây vông nem. Tài liệu của nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm đã phân biệt rõ ba loại cây này. Cây vông đồng thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae) còn gọi là cây Mã đậu, tán lớn, thân có gai, hoa nở màu đỏ rất đẹp. Riêng cây ngô đồng cũng có nhiều ý kiến khác nhau chia ngô đồng cảnh, hoặc hai loại như ngô đồng họ Euphorbiaceae và ngô đồng họ Sterculiaceae. Riêng cây ngô đồng Huế thuộc chi Firmiana, là một thứ biến chủng (Variaty) của loài ngô đồng, hoa có màu hồng tím gần giống hoa anh đào, nở rộ khi lá đã rụng toàn phần. Khác hẳn cây ngô đồng vẫn mọc ở phía bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc, có hoa vàng và trắng vàng.
 
Từ truyền thuyết đến hiện thực, cây ngô đồng đã đi vào nghệ thuật và thơ ca với những hình ảnh đẹp không kể xiết. Nó đã có mặt từ mấy nghìn năm trước trong Kinh Thi "Ngô đồng sinh lý, Vu bí triêu dương" và Đỗ Phủ những ngày giang hồ dọc sông Hoàng Hà nhiều ngày đói lả người, lạnh rét thấu xương nhưng tình yêu thiết tha cuộc sống đã cho ông một cái nhìn tráng lệ qua đôi câu thơ:
Hương đạo trắc dư anh vũ lạp
Bích Ngô thê lão phượng hoàng chi

Tạm dịch:
(Chim anh vũ đã ăn những hạt lúa còn sót lại
Chim phượng hoàng già thường về đậu trên cành ngô đồng xanh).

Phong trào thơ mới cũng đã đặc tả cây ngô đồng với hình ảnh nổi tiếng trong thơ Bích Khê:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng thu, vàng thu rơi mênh mông.

Đó là hình ảnh cây ngô đồng được kế thừa đẹp đẽ nhất trong lịch sử văn chương hiện đại Việt Nam. Màu vàng thu mà trái tim đa cảm Bích Khê đã thấm buồn, trong một nỗi ngạc nhiên đột khởi. Về sắc vàng, lá ngô đồng có thể cạnh tranh với lá thông để giành ngôi chủ đệ nhất mùa thu.
Mùa hè năm 1996, Công ty Công viên cây xanh Huế đã ươm thử nghiệm cây ngô đồng, hạt được lấy từ cây ngô đồng ở công viên Thương Bạc. Người trực tiếp ươm hạt ngô đồng là chị Nguyễn Thị Lan. Chị Lan cho biết khoảng tháng năm tháng sáu thì hái hạt ngô đồng. Hạt lúc này chỉ bằng hai phần ba hạt bắp, khi khô có màu nâu nhạt. Hạt lấy từ cây nếu gieo ngay thì khoảng 15-20 ngày nảy mầm. Nếu hạt để lâu, khi gieo phải mất đến cả tháng mới nảy mầm. Chọn hạt ngô đồng tốt khi gieo khả năng nảy mầm khoảng 80%. Từ vụ đầu tiên đến thời điểm này, công ty Công viên cây xanh Huế đã có một "tài sản" bồn bộn hơn 80 cây ngô đồng Huế. Năm cây đã được được trồng ở cửa Quảng Đức. Sáu mươi cây khác trồng dọc đường 23/8 và Lê Huân. Khoảng một chục cây cao hơn 3 mét đang còn chờ chỗ "đậu". Chưa hết, từ năm 2001 đến nay, Công ty đã ươm được 600 cây ngô đồng, được bầu trong bao nilon, cây đã cao khoảng hơn 10 phân. Ngắm vườn ươm ngô đồng dưới ánh nắng đầu xuân,chỉ thấy một màu vàng nhạt tít tắp dọc bờ sông Hương. Anh Nguyễn Hữu Hài, người con thứ của cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính tận tình đưa tôi đi khắp vườn ươm. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi biết anh là con cụ Đính. Duyên nghiệp ở đời là vậy, người cha một đời tâm huyết với cây xanh xứ Huế, thì bây giờ lại đến lượt người con. Anh Hài tướng cao lớn dềnh dàng mà hiền hậu vô cùng. Dường như những người trồng và yêu cây xanh đều là những người hiền hậu. Sự gần gũi với cây xanh cho con người một lối hành xử dịu dàng và cao thượng.
Tôi muốn nói nhiều hơn một chút về chị Nguyễn Thị Lan.Nhìn người phụ nữ giản dị và có tuổi này ít ai biết tay nghề của chị vào loại tuyệt chiêu. Hạt giống gì đến tay chị cũng mọc lên vạm vỡ. Một tay chị ươm hạt ngô đồng, chăm bẳm từng ngày cho cây sinh sôi. Chị Lan bảo nếu không ươm hạt với niềm hy vọng thì sẽ chẳng bao giờ cây chịu lên. Rồi mưa dầm, nắng quái, lũ lụt, hạn hán... thiên nhiên Huế khắc nghiệt đâu dễ chịu cho con người khuất phục. Vì vậy mà về hưu rồi chị vẫn còn được giữ lại.
Ôi những người lao động cao quý như chị cần cho thành phố này biết bao. Dẫu sau đó ba bốn mươi năm nữa ngắm những phố ngô đồng rực rỡ màu hoa tím, mấy ai còn nhớ đến người phụ nữ lặng lẽ hy sinh này. Riêng tôi với lòng biết ơn vô hạn, tôi vẫn nhớ chị buổi chiều xa xăm nào cặm cụi lấm láp trên những luống đất trước cột cờ Đại Nội. Chiếc nón cũ che một phần gương mặt tuổi tác. Ở đó, mưa gió đã nhạt phai, chỉ còn lại những nếp nhăn như lớp vỏ cây ngô đồng xanh lên theo màu thời gian. Tôi thích được gọi chị là mẹ của ngô đồng Huế. Như một tất yếu của sáng tạo, đôi bàn tay gầy thô của chị là khởi nguyên, cội nguồn của một cái đẹp vĩnh cửu đã được xưng tụng và vượt qua thời gian.
Cũng đã sắp đến mùa ngô đồng Huế nở hoa. Trời vẫn còn se lạnh và nắng đã nhạt ngoài sông vắng. Tôi thảnh thơi lần đọc lại cổ thi: "Ngô đồng nhất diệp lạc..." Bây giờ thì thành phố Huế đã có một trăm cây ngô đồng. Còn chờ gì nữa mà chim phượng hoàng không bay về đậu. Còn chờ gì nữa trong giấc mơ của tôi, một trăm con phượng hoàng bay về phố Huế đậu trên những cành ngô đồng cho cuộc đời sinh hỷ và thiên hạ thái bình.

Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 968

Return to top