Khi Lenin đem quan niệm
chuyên chính vô sản áp dụng vào thực tế, ông đã mở đường cho sự hình thành của một chế độ chuyên chính lớn mạnh nhất trong lịch sử hiện đại - nếu xét về quy mô và thời gian tồn tại của nó. Đế quốc “cộng sản” bành trướng từ phía đông châu Âu đến nhiều châu lục khác, đã từng là một thách đố lớn lao đối với nền dân chủ, là chỗ dựa vững chắc cho những chế độ chuyên chính dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những chế độ thần quyền Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông cho đến những chế độ chuyên chế được hình thành từ chế độ bộ lạc ở châu Phi. Khái niệm
“dân chủ vô sản” do Lenin sáng tạo ra lúc đầu chỉ nhằm để biện minh cho việc áp dụng quan niệm chuyên chính vô sản, về sau trở thành lớp áo nguỵ trang, che đậy bản chất độc tài, phản dân chủ của chế độ chuyên chính vô sản.
Mặc dù thành công xét theo một phương diện nào đó, việc áp dụng quan niệm
chuyên chính vô sản vào thực tế lại chứng minh tính chất sai lầm của nó, do chỗ những kết quả trong thực tế hoàn toàn ngược lại với những dự kiến về mặt lý luận. Chuyên chính vô sản không thể đem lại một nền dân chủ thật sự, lại càng không thể dẫn đến một nhà nước tự triệt tiêu. Những người mác-xít xét lại - bằng trực giác - đã thấy được tính chất sai lầm của quan niệm
chuyên chính vô sản, vì vậy họ từ chối áp dụng quan niệm đó và tìm cách gắn liền chủ nghĩa xã hội với những giá trị dân chủ. Mặc dù vậy, do nhiều lý do khác nhau, họ đã không truy tìm nguồn gốc của sai lầm để phê phán tận gốc quan niệm đó về phương diện lý thuyết.
Một sự phê phán triệt để đối với quan niệm
chuyên chính vô sản đòi hỏi chúng ta tìm nguyên nhân ngay trong quan niệm của Marx về nhà nước nói chung, kể cả nền tảng triết học của nó - tức là
chủ nghĩa duy vật lịch sử :
Trước hết,
sự tiêu vong của nhà nước là một
giả thuyết, nói đúng hơn là một
dự đoán, một lời
tiên tri của Marx và Engels. Nhưng cho đến nay, hơn một thế kỷ rưỡi sau khi Marx và Engels công bố “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, không có dấu hiệu gì chứng minh cho sự tiêu vong của nhà nước, ngược lại có nhiều bằng chứng cho thấy
nhà nước sẽ tồn tại lâu dài cùng với nhân loại:
Theo lý thuyết, một khi giai cấp bóc lột bị trấn áp, chế độ tư hữu bị xoá bỏ thì lúc đó nhà nước có đủ điều kiện để bắt đầu quá trình tự tiêu vong.
Nhưng trong thực tế, ở Liên Xô và các nước dựa theo mô hình của Lenin, khi các giai cấp bóc lột bị tiêu diệt, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất được xác lập, thì nhà nước không bắt đầu tự tiêu vong mà ngược lại, bắt đầu tự bành trướng. Nhà nước ở tất cả các nước đó, không trừ một nước nào, đều cồng kềnh, kém hiệu lực và quan liêu hơn rất nhiều so với các nước “tư bản chủ nghĩa”. Điều đó chứng tỏ rằng: việc tập trung tư liệu sản xuất vào trong tay nhà nước và điều hành một nền kinh tế tập trung chỉ huy thay vì làm giảm, lại làm tăng thêm quy mô của bộ máy nhà nước. Do chỗ nhà nước không mất đi như đã dự đoán, vì thế ngoài việc quản lý người, nhà nước vô sản còn phải quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất, từ đó nhà nước buộc phải bành trướng thêm.
Như vậy, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất không đem lại sự tiêu vong của nhà nước, mà ngược lại, còn tạo ra một
nhà nước tập quyền kiểu mới. Nhà nước tập quyền kiểu mới này có những nét tương tự như nhà nước quân chủ phương Đông thời trung cổ, nhưng lại được hiện đại hoá: có quân đội thường trực và bộ máy công an hùng hậu, được trang bị những phươngtiện thông tin đại chúng hiện đại và nắm trong tay một khu vực kinh tế quốc doanh rộng lớn.
Ở tất cả các nước trên thế giới, chúng ta đều thấy bộ máy hành chính ngày càng
chuyên môn hoá và
tách rời khỏi xã hội. Xã hội có thể tìm cách khống chế nó, tham gia làm chủ nó, chứ không thể hoà tan nó vào xã hội hoặc làm cho nó biến mất được.
Ở các nước tiên tiến thường được gọi là “tư bản chủ nghĩa”, bộ máy hành chính dần dần trở thành một bộ máy chuyên môn hoá, phi chính trị, bị kiểm soát bởi các cơ quan dân cử, các phương tiện thông tin đại chúng (mass media), các tổ chức quần chúng phi-chính phủ, các đảng chính trị đối lập, v.v… Trong các nước theo mô hình mác-xít lê-nin-nít, nhà nước tìm cách hoà tan vào xã hội, nhưng không phải theo hướng tạo ra một chế độ tự quản của nhân dân như Marx đã hình dung mà lại theo hướng bao trùm, khống chế mọi sinh hoạt xã hội, nói cách khác là
nhà-nước-hoá xã hội chứ không phải
xã-hội-hoá nhà nước. Như vậy, phải chăng việc nhà nước hình thành như một tổ chức tách rời với xã hội là một xu hướng tất yếu, khi cộng đồng xã hội đã phát triển đến một quy mô nhất định và một trình độ nhất định, vượt quá phạm vi của quan hệ thị tộc? Việc Marx coi sự tách rời của nhà nước ra khỏi xã hội như một sự tha hoá và mơ ước xoá bỏ sự tha hoá đó để hoà tan nhà nước vào xã hội phải chăng chỉ là một ý tưởng thuần tuý xa rời thực tế, một sản phẩm của trí tưởng tượng?
Một cách lô-gích, chúng ta có thể tin rằng nhà nước sẽ không biến mất mà tồn tại mãi mãi cùng với xã hội loài người.
Về
chuyên chính vô sản, như trên đã cho thấy, khái niệm này khi đưa vào áp dụng thực tế đã trở thành một chế độ phi dân chủ. Vấn đề đặt ra là tại sao chuyên chính vô sản lại tạo ra kết quả ngược như vậy?
Nguyên nhân chủ yếu là do tính chất ảo tưởng của giả thuyết “nhà nước tự tiêu vong”. Sau khi đã đập tan, phá huỷ bộ máy nhà nước cũ, trên cái khoảng trống quyền lực ấy, Lenin không thể xây dựng một nhà nước kiểu mới, một chế độ dân chủ trực tiếp theo kiểu nguyên thuỷ của thời kỳ nhân loại còn đang ở tuổi ngây thơ, hồn nhiên. Vì vậy, một bộ máy nhà nước theo kiểu cũ dần dần hình thành trở lại một cách tự phát, nhưng mang hình thức mới. Vì mỗi bộ máy nhà nước đều có một cơ quan nắm quyền lực thật sự, nên từ trong lòng các xô-viết, các cơ quan hành pháp lại mọc trở lại, và Hội đồng dân uỷ dần dần trở thành một chính phủ thật sự. Do xoá bỏ nguyên tắc phân quyền của chế độ đại nghị, các cơ quan hành pháp trở nên có quyền hành tuyệt đối, các xô-viết hoặc các tổ chức quần chúng chỉ còn mang tính chất hình thức, họp hành cũng chỉ để giơ tay biểu quyết những quyết định đã có sẵn từ trước. Và như trên đã nói, Đảng cộng sản đóng vai trò lãnh đạo, mới là tổ chức có thực quyền hơn hết. Đảng trở thành một thứ
siêu – nhà nước, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhân dân.
Nhà nước vô sản cuối cùng cũng trở thành một tổ chức
đứng trên, xa lạ, và đối lập với xã hội. Đảng nắm cả nhà nước lẫn công đoàn cùng các tổ chức quần chúng khác; do đó chuyên chính vô sản trở thành
một chế độ toàn trị (totalitarianism, totalitarisme) chi phối và can thiệp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chủ nghĩa Marx trở thành hệ tư tưởng chính thống với tên gọi mới là
chủ nghĩa Marx-Lenin, đóng vai trò thống trị trong đời sống chính trị – văn hoá của quốc gia. Chế độ xô-viết và những chế độ xây dựng theo hình mẫu của nó về thực chất là
chế độ tư tưởng trị, ý thức hệ trị. Ý thức hệ chính thống nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương trong xã hội, buộc cả xã hội phải phục tùng kỷ luật của Đảng. Và bởi vì một chế độ pháp trị về căn bản khác hẳn một chế độ đảng trị, vì kỷ luật của Đảng không thể thay thế cho pháp luật của quốc gia cho nên xét đến cùng, không một nhà nước cộng sản nào có thể trở thành một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
Do những gì đã trình bày trên đây, chúng ta thấy nhà nước, xét về bản chất, không phải là
công cụ đàn áp giai cấp như Marx và Engels đã tưởng. Vậy thì nhà nước là gì, do đâu có nhà nước?
Năm 1847, trong
Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã cho rằng nhà nước sinh ra từ sự phân công lao động xã hội (và gắn liền với nó là chế độ tư hữu). Năm 1890, trong một lá thư gửi cho Conrad Schmidt, Engels đã giải thích thêm về điểm này như sau:
Nếu đứng trên quan điểm phân công lao động thì dễ hiểu vấn đề hơn cả. Xã hội tạo ra một số chức năng chung mà nó không thể không cần đến. Những người được đảm nhận những chức năng đó họp thành một ngành mới của phân công lao động trong lòng xã hội. Do đó họ có được những lợi ích riêng, tách rời những lợi ích của những người đã uỷ quyền cho họ; những lợi ích ấy làm cho họ trở thành độc lập đối với những người đã uỷ quyền cho họ - và thế là nhà nước xuất hiện (“Thư gửi Conrad Schmidt” ở Berlin, ngày 27.10.1890,
Tuyển tập, VI, tr. 733).
[2] Trong “Lời mở đầu” viết cho lần xuất bản thứ ba bằng tiếng Đức tác phẩm
Nội chiến ở Pháp (năm 1891), Engels viết:
Đặc điểm của nhà nước trước đây là gì? Lúc đầu xã hội, bằng sự phân công đơn giản trong lao động, thiết lập ra những cơ quan đặc thù để bảo vệ những lợi ích chung của mình. Nhưng với thời gian, các cơ quan ấy, mà cơ quan chủ chốt là chính quyền nhà nước, do phục vụ lợi ích riêng của mình, đã từ chỗ là tôi tớ của xã hội biến thành chủ nhân của xã hội (bài đã dẫn, Tuyển tập, VI, tr. 480).
Điều đó có nghĩa là trước khi giai cấp bóc lột thiết lập nên nhà nước, trong xã hội đã hình thành một số cơ quan đặc thù để bảo vệ lợi ích chung của xã hội; những cơ quan này phát sinh từ những chức năng cần thiết do sự phân công lao động của xã hội. Trong
Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884), Engels trình bày rõ về sự chuyển hoá của những cơ quan này thành nhà nước như sau:
Những cuộc chiến tranh cướp bóc làm tăng thêm quyền lực của thủ lĩnh quân sự tối cao cũng như quyền lực của các thủ lĩnh quân sự dưới quyền người đó; tập quán lựa chọn những người kế thừa các thủ lĩnh đó trong cùng một gia đình, dần dần trở thành, - đặc biệt là từ lúc có chế độ phụ quyền, - một sự kế thừa cha truyền con nối, mà lúc đầu, người ta dung thứ; nhưng về sau người ta đòi hỏi và cuối cùng người ta tiếm đoạt; cơ sở của vương quyền cha truyền con nối và của quý tộc cha truyền con nối đã được xác lập. Như vậy là những cơ quan của thể chế thị tộc
[3] đã dần dần tách khỏi cái gốc rễ của chúng trong nhân dân, trong thị tộc, bào tộc, bộ lạc; và toàn bộ thể chế thị tộc chuyển hoá thành cái đối lập với nó; từ chỗ là một tổ chức của bộ lạc nhằm giải quyết một cách tự do công việc của mình, thể chế thị tộc đã trở thành một tổ chức để cướp bóc và áp bức láng giềng; và do đó, các cơ quan của nó, lúc đầu là công cụ của ý chí của nhân dân, đã trở thành những cơ quan độc lập nhằm thống trị và áp bức chính ngay nhân dân (
Tuyển tập, VI, tr. 252).
Nhà nước sinh ra chính từ cái mà Engels gọi là
thể chế thị tộc (constitution gentilice), bao gồm “những cơ quan đặc thù để bảo vệ những lợi ích chung”của xã hội như:
thủ lĩnh quân sự (rex, basileus, thiudans), hội đồng, đại hội nhân dân (sđd, tr.251). Như vậy, nhà nước trước hết là
công cụ để bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Trong quá trình phát triển của lịch sử, có khi là một giai cấp, có khi là một tập đoàn xã hội, có khi là một dòng họ hoặc một cá nhân đã chiếm lấy nhà nước làm của riêng, nhưng
nhà nước mang tính giai cấp chỉ là hiện tượng, là sự thoái hoá của nhà nước. Xét về bản chất, nhà nước chính là nhà nước công cộng; và ngay cả trong những thời kỳ bị rơi vào tay một giai cấp, một tập đoàn xã hội hay một dòng họ, nhà nước vẫn không thể không đảm nhiệm chức năng công cộng đó.
Xét cho cùng, những nhược điểm, sai lầm trong lý thuyết về nhà nước của Marx bắt nguồn từ chủ nghĩa duy vật lịch sử: đặt nặng yếu tố kinh tế, xem nhẹ yếu tố chính trị. Vào cuối đời, trước những sự phê phán, Engels đã tự bào chữa về nhược điểm này. Trong khi vẫn xác định nhân tố kinh tế, xét đến cùng, là nhân tố quyết định, ông viết:
Mác và tôi, một phần nào, phải chịu trách nhiệm về việc những anh em trẻ đôi khi nhấn mạnh quá mức vào mặt kinh tế. Đối với kẻ thù, chúng tôi phải nhấn mạnh nguyên lý chủ yếu mà họ phủ nhận, và chúng tôi cũng ít khi có thì giờ, có địa điểm và cơ hội để mang lại một vị trí xứng đáng cho những nhân tố khác tham gia vào sự tác động qua lại ấy (“Thư gửi Joseph Bloch” ngày 21.9.1890, Tuyển tập, VI, tr.729).
Đối với nhân tố chính trị, Engels thừa nhận rằng nhà nước có
tính độc lập tương đối của nó. Tính độc lập tương đối của nhà nước thể hiện ở những tác động ngược lại của nó đối với sản xuất:
Tác động ngược lại của quyền lực nhà nước đối với sự phát triển kinh tế có thể có ba loại: nó có thể tác động theo cùng một hướng với sự phát triển kinh tế; lúc đó, sự phát triển kinh tế sẽ nhanh hơn; nó có thể đi ngược lại hướng phát triển kinh tế, và trong trường hợp đó thì ngày nay, ở các dân tộc lớn, nó sẽ tan vỡ sau một thời gian nhất định; hay là nó có thể ngăn cản một vài xu hướng phát triển nào đấy của nền kinh tế và quy định những hướng phát triển khác. Trường hợp này rốt cuộc rồi cũng dẫn đến một trong hai trường hợp trên. Nhưng rõ ràng là trong trường hợp thứ hai và thứ ba, quyền lực chính trị có thể gây tác hại lớn cho sự phát triển kinh tế và gây ra sự lãng phí to lớn về sức lực và vật liệu (Engels, “Thư gửi Conrad Schmidt” ở Berlin, 27.10.1890; Tuyển tập, VI, tr. 734-735).
Vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta hãy lấy nhà nước ở phương Đông (như ở Trung Quốc chẳng hạn) làm ví dụ. Ngay từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, chế độ phong kiến của triều Đông Chu đã nhường chỗ cho một
nhà nước quân chủ tập trung dưới quyền của Tần Thuỷ Hoàng. Kể từ đó, nhà nước quân chủ tập trung trở thành kiểu mẫu của tất cả các triều đại ở Trung Quốc.
Nhưng
đẳng cấp quý tộc, chỗ dựa của nhà nước quân chủ tập trung ở Trung Quốc, lại không giống với giai cấp quý tộc phong kiến ở châu Âu. Quyền sở hữu về đất đai ở Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tay hoàng đế. Giai cấp địa chủ chủ yếu là các quan lại được nhà vua bổ nhiệm, và ruộng đất được nhà vua ban phát cho họ kèm theo sự bổ nhiệm đó; nếu bị mất chức, họ sẽ bị tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất. Các địa chủ không phải là quan lại đóng vai trò rất khiêm tốn trong đời sống kinh tế và chính trị. Các lãnh chúa, chư hầu đã tiêu vong dần cùng với chế độ phong kiến; số còn lại rất ít ỏi, và bị nhà vua kiểm soát chặt chẽ để tránh sự thoán đoạt ngôi vua. Chế độ tuyển cử và đào tạo quan lại mở cửa cho nhân tài từ mọi tầng lớp, giai cấp trong dân cư, kể cả con cái của nông dân hay dân nghèo ở thành thị.
Kẻ sĩ được coi như một nghề xếp hàng đầu trong xã hội, đứng trên các nghề khác như: nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp (sĩ, nông, công,thương). Người đi học cốt để ra
làm quan, và làm quan (tức là nắm quyền lực chính trị) tất nhiên sẽ có mọi thứ khác, kể cả của cải. Đẳng cấp quý tộc ở Trung Quốc vì vậy dựa trên quyền lực chính trị là chính, chứ không phải dựa trên quyền tư hữu về đất đai như lập luận của chủ nghĩa Marx.
Lịch sử Trung Quốc qua các triều đại sau đó cho thấy quyền lực chính trị trong thực tế được cân bằng giữa
dòng họ nhà vua và
giới quý tộc (
hoàng quyền và
tướng quyền)
[4] . Nhà nước ở Trung Quốc vì thế mặc dù gần gũi với giai cấp địa chủ, nhưng không thể gọi đó là nhà nước của giai cấp địa chủ. Nhà nước quân chủ tập quyền ở Trung Quốc gắn bó chủ yếu với
đẳng cấp quý tộc-quan lại, dựa trên yếu tố chính trị là chính; cho nên có thể nói nó độc lập, đứng trên mọi giai cấp. Hơn thế nữa, chính sách của các triều đại quân chủ ở Trung Quốc luôn luôn là trọng nông nghiệp, ức chế công và thương nghiệp, đồng thời tìm cách điều hoà giữa các giai cấp trong xã hội,tránh sự chênh lệch giàu nghèo để đề phòng biến loạn, mưu tìm
sự ổn định chính trị. Chính vì vậy mà chế độ đó đã tồn tại và ổn định trong gần hai ngàn năm, mặc dù kinh tế không có sự phát triển vượt bậc. Kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước phương Đông khác cho thấy tác động to lớn của chính trị đối với kinh tế, nếu không muốn nói là quyết định. Cho nên không thể dùng cái nhìn duy vật lịch sử để giải thích lịch sử Trung Quốc.
Chính Marx và Engels cũng đã hé thấy điều này khi nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ và các nước phương Đông. Khi nghiên cứu về trường hợp của Ấn Độ, Marx đã phát hiện ra tính chất đặc biệt của chế độ công xã nông thôn:
Cả hai tình hình đó – một mặt, nhân dân Ấn Độ, giống như nhân dân tất cả các nước phương Đông, giao cho chính phủ trung ương trông nom những công trình công cộng lớn, những công trình này là điều kiện cơ bản của nền nông nghiệp và thương nghiệp của họ, mặt khác, nhân dân Ấn Độ, rải rác trên khắp lãnh thổ của đất nước, sống tập trung trong những trung tâm nhỏ bé nhờ vào mối liên hệ có tính chất gia trưởng giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công nghiệp, - cả hai tình hình đó, từ những thời kỳ xa xưa nhất, đã đẻ ra một chế độ xã hội đặc biệt gọi là chế độ công xã nông thôn, chế độ này đã đem lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé đó cái tổ chức độc lập của nó và cuộc sống biệt lập của nó (Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ, Tuyển tập, II, tr. 556-557).
Đáng tiếc là thay vì tìm hiểu tác động của chính trị và tôn giáo đối với sự phát triển kinh tế của Ấn Độ, do thành kiến của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Marx đã giải thích rằng “những công xã nông thôn” ấy “bao giờ cũng vẫn là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông” (sđd, tr. 559). Tại sao không giải thích ngược lại rằng chính chế độ chuyên chế đã duy trì chế độ công xã nông thôn ấy?
Và cả Engels nữa, trong
Chống Dühring, cũng phạm phải sai lầm tương tự. Ông nhận xét về các công xã nguyên thuỷ thời cổ như sau:
Các công xã cổ, ở nơi nào chúng vẫn tiếp tục tồn tại, thì từ hàng nghìn năm nay đều cấu thành cái cơ sở của hình thức nhà nước thô sơ nhất, tức là chế độ chuyên chế phương Đông, từ Ấn Độ cho đến nước Nga. Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã, thì các dân tộc mới tự mình tiến lên xa hơn nữa, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ nâng cao và phát triển sản xuất hơn nữa bằng lao động nô lệ (Tuyển tập, V, tr.257).
Vấn đề đặt ra là: tại sao công xã ở nông thôn ở phương Đông không tan rã hoàn toàn? Trên toàn thế giới, chỉ có ở vài nơi như Hy Lạp (và sau đó là La Mã), các công xã cổ ấy mới tan rã hoàn toàn, làm phát sinh chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình – nguồn gốc của văn minh phương Tây. Và chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao vào thời trung cổ, lực lượng sản xuất ở các nước phương Đông không mở đường cho sự phát triển tiến lên chủ nghĩa tư bản như ở các nước phương Tây? Thật ra, sự trì trệ, kém phát triển của các xã hội phương Đông chứng minh sự tác động to lớn, nếu không muốn nói là quyết định, của chính trị đối với kinh tế chứ không phải ngược lại.
Nhìn lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng và công trình lý luận của Marx và Engels, chúng ta thấy hai ông đã ngộ nhận về bản chất của quyền lực chính trị.
Trong xã hội loài người, có hai thứ bất công: bất công về chính trị và bất công về kinh tế. Bất công về chính trị thể hiện trong mối quan hệ thống trị – bị trị, bất công về kinh tế thể hiện trong mối quan hệ làm chủ – làm thuê. Ách áp bức về chính trị cũng đem lại đau khổ cho con người, có khi còn ghê gớm hơn nạn bóc lột.
Tiền có thể đem lại
quyền như Marx đã trình bày, nhưng
quyền cũng dễ dàng mang lại
tiền như lịch sử của phần lớn nhân loại từ hàng ngàn năm nay đã chứng minh.
Nhân loại trải qua hàng ngàn năm đã phải chịu đựng những ách áp bức nặng nề về chính trị, mãi đến thế kỷ XVIII (thường được gọi là thế kỷ Ánh sáng), nhờ một số nhà tư tưởng, người ta mới tìm ra được hướng giải quyết. Nhưng chế độ dân chủ hiện đại lúc mới hình thành tất nhiên chưa thể hoàn chỉnh, và cần phải tốn nhiều công sức mới có thể trở thành một chế độ ổn định. Điều đáng tiếc là cả Marx và Engels, hai bộ óc có thể nói là thông minh, uyên bác của thế kỷ XIX, do cái nhìn thành kiến, đã chỉ nhìn thấy những bất công về kinh tế, mà không nhận thức được một cách sâu sắc những bất công về mặt chính trị. Hai ông đã viết được những chương rất hay để tố cáo nạn bóc lột dưới chế độ tư bản thế kỷ XIX, nhưng hai ông đã không đánh giá đúng những thành quả về mặt chính trị mà tiền nhân đã đạt được kể từ những thế kỷ trước đó.
Hãy lấy một ví dụ. Trong lĩnh vực chính trị, sự cám dỗ của quyền lực rất dễ đưa tới nạn lạm quyền. Vì thế John Locke (1632-1704) và Montesquieu (1689-1755) đã đề xướng
thuyết phân quyền, với nội dung là
tách rời các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền. Thế nhưng, trong
Hệ tư tuởng Đức, Marx và Engels lại đánh giá thuyết này như sau:
Thí dụ, vào một thời kỳ và ở một nước mà thế lực của vua chúa, giai cấp quý tộc và giai cấp tư sản tranh nhau quyền thống trị, mà do đó quyền thống trị bị phân chia thì học thuyết phân quyền tỏ ra là tư tuởng thống trị, nó được người ta coi là “quy luật vĩnh cửu” (Hệ tư tưởng Đức, Tuyển tập, I, tr. 315).
Chính vì quan niệm sai về bản chất của quyền lực chính trị, không nghiên cứu kỹ trước tác của những người đi trước cho nên khi rút ra những bài học của Công xã Paris, Marx đã đề cao việc tập trung quyền lập pháp, hành pháp vào một mối, đồng thời, coi tính độc lập của ngành tư pháp chỉ là một sự che đậy giả dối. Chính vì không hiểu rõ bản chất của quyền lực chính trị cho nên ông đã đề cao việc Công xã giải tán bộ máy quan liêu (tức là bộ máy hành chính) và giải tán quân đội thường trực, đồng thời bác bỏ chế độ đại nghị. Việc Marx ca ngợi các biện pháp của Công xã, việc ông đề ra khái niệm chuyên chính vô sản chứng tỏ ông cũng chỉ là
một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng mang vẻ bề ngoài khoa học mà thôi. Và ngay cả Engels trong khi hết mực ca tụng những quan điểm của bạn mình, đề cao chúng như những ý tưởng thiên tài, cũng đã không nhìn thấy tính chất tưởng tượng, phi thực tế trong những giải pháp đó.
Thật ra, toàn bộ lý thuyết phức tạp của Marx về nhà nước có thể tóm lược thành một
tam đoạn luận (syllogism, sylllogisme) cực kỳ đơn giản như sau:
Tiền đề 1: Chế độ tư hữu là nguồn gốc phát sinh của nhà nước;
Tiền đề 2: Trong tương lai, chế độ tư hữu tất yếu sẽ tiêu vong;
Kết luận: Do đó, nhà nước cũng sẽ tự tiêu vong.
Như Aristotle (Aristote), nhà logic học nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại, đã từng cảnh giác:
tam đoạn luận chỉ đúng khi các tiền đề được chứng minh là đúng. Trong tam đoạn luận nói trên, cả hai tiền đề đều không được chứng minh đầy đủ. Marx và Engels đã nêu ra những tiền đề đó như một thứ
tín điều và dùng những biện luận bề ngoài có vẻ khoa học và biện chứng để thuyết phục người khác, nhưng những lập luận đó không dựa trên những bằng chứng thật sự khoa học.
Như chúng ta đã thấy ở trên, nhà nước tuy ra đời cùng một lúc với chế độ tư hữu nhưng lại có nguồn gốc phát sinh độc lập chứ không phải chỉ là sản phẩm thuần tuý của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Do đó, cho dù xoá bỏ được chế độ tư hữu thì cũng không thể dẹp bỏ được nhà nước. Nói cách khác, cho dù chưa chứng minh được tính chất sai lầm của tiền đề thứ hai (liên quan đến sự tiêu vong của chế độ tư hữu), chúng ta vẫn có thể thấy được tính chất sai lầm của tiền đề thứ nhất (liên quan đến nguồn gốc của nhà nước trong lịch sử). Kết luận “nhà nước tự tiêu vong” rõ ràng chỉ là một sự suy đoán vô căn cứ.
Sự nhầm lẫn càng lớn hơn khi người ta chứng minh tiền đề thứ hai (chế độ tư hữu bị tiêu vong) bằng cách sử dụng sức mạnh của nhà nước chuyên chính vô sản để áp đặt một chế độ sở hữu nhà nước mang danh “công hữu xã hội chủ nghĩa”. Dưới sức mạnh của quyền lực nhà nước, một nền kinh tế tập trung chỉ huy được hình thành và hoạt động dựa trên những quy luật hoàn toàn khác với nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế đó kém hiệu quả nếu xét về mặt kinh tế, nhưng
tính ưu việt của nó lại được củng cố bằng những yếu tố phi - kinh tế như: mệnh lệnh chính trị, các biện pháp cưỡng chế, tác động tâm lý, v.v… Chính tiền đề thứ hai được chứng minh một cách “giả tạo” như thế đã che giấu sự sai lầm của các tiền đề cũng như của toàn bộ tam đoạn luận.
“Nhà nước tự tiêu vong” suy cho cùng chỉ là một
huyền thoại (myth, mythe), nghĩa là một sản phẩm của trí tưởng tượng, nói chính xác hơn là một ước mơ của Marx. Nhưng một
ước mơ có thể mãi mãi chỉ là một
giấc mơ, cho dù đó là một ước mơ đẹp đẽ. Nếu giấc mơ đẹp đó được dùng để nuôi dưỡng lòng hướng thiện, tình yêu cuộc sống, ý chí phấn đấu vươn lên của con người, thì nó sẽ là một đóng góp có giá trị cho nền văn hoá của nhân loại. Điều đáng buồn là giấc mơ đó lại được dùng để ru ngủ quần chúng, lừa mị nhân dân, nhằm biện minh cho một chế độc tài, đi ngược lại xu thế tiến hoá của nhân loại. Và Marx, nhà triết học tự nhận là duy vật triệt để nhất, người có tham vọng xoá bỏ mọi tôn giáo, giải phóng trí tuệ loài người khỏi mọi ý thức hệ để đạt tới hạnh phúc tuyệt đối, chân lý tuyệt đối, cuối cùng lại trở thành người sáng lập ra một
tôn giáo mới, một
ý thức hệ mới - một tôn giáo không dựa trên sự thuyết phục mà dựa trên sự cưỡng bách, một ý thức hệ tự nhận là khoa học nhưng lại được xây dựng trên nền tảng của những
huyền thoại chính trị thời hiện đại
, những huyền thoại tuy có vẻ rất phàm tục, rất khoa học, rất gần gũi với đời thường nhưng suy cho cùng cũng vẫn chỉ là những huyền thoại.
[1]Thật ra, thuật ngữ “Social Democracy” (trong tiếng Pháp là social-démocratie) nên dịch là “dân chủ-xã hội” thì hợp lý hơn. Nhưng do sách báo trong nước lâu nay vẫn dịch là “xã hội-dân chủ” nên chúng tôi vẫn dùng thuật ngữ này để phù hợp với thói quen của độc giả trong nước.
[2]Phần lớn các trích dẫn từ các tác phẩm của Marx và Engels đều dựa trên bộ
Tuyển tập Mác & Ăng-ghen do Nxb Sự Thật và Nxb Dietz Verlag (Berlin, Đông Đức) cộng tác xuất bản trong những năm 1980 – 1984. Bộ này gồm 6 tập, được dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Các trích dẫn từ các bản dịch khác đều có ghi rõ xuất xứ.
[3]Trong đoạn trích này, tôi sử dụng thuật ngữ “thể chế thị tộc” để thay cho thuật ngữ “tổ thức thị tộc”, nhằm làm rõ nghĩa hơn. Trong bản dịch tiếng Pháp là “constitution gentilice”. Xem: F. Engels
, L’origine de la famille, de la propriété et de l’Etat, bản dịch tiếng Pháp của Bracke (A. M. Desrousseaux), Alfred Costes, Paris 1946, tr. 214-215.
[4]Phan Khoang,
Trung Quốc sử lược, Văn sử học, Sài Gòn 1970, tr.189-190.