Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Ngày hôm qua...

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 439 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngày hôm qua...
Nguyễn Đình

1.
Hai hôm nay trời có bão. Báo đài đăng tin ra rã. Cơn bão đã buộc các tàu bè bám kín cả âu thuyền. Gió. Gió lớn. Nhưng được là mưa không to. Chỉ rỉ rả vài giọt rồi dứt. Chạy xe ngoài đường đất cát cứ tung tràn vào mặt, thật khó chịu. Thời tiết mỗi ngày một khó tính, hay có những thay đổi thất thường. Trước kia thường có bão vào mùa đông, nhưng gần đây bão xuất hiện bất ngờ vào tất cả các mùa trong năm. Đã nghèo thường hay gặp khó. Cái rẻo đất miền Trung đã quen với những cơn gió nóng hanh hao cũng như bão lụt. Ngày hôm qua, một nhánh cây to suýt đè dập một phụ nữ mang thai trên đường tan sở. Nhánh cây không bổ trúng người, nhưng trên đường phi thân, nó cũng kịp quơ quào níu kéo một chùm dây điện. Tiếng nổ tách lách cùng với những tia chớp loé lên cùng gió cuốn. Người đi đường một phen xanh mặt. Sáng nay, trên con đường đổ về trung tâm thành phố, những công nhân Công ty Cây Xanh đu đưa người trên những chiếc cần cẩu tỉa gọt nhánh cây. Kẹt xe. Những khuôn mặt căng thẳng trên đường làm việc. Mất bò mới lo làm chuồng. Bao nhiêu vành khăn trắng được buộc lên trẻ em Nông Sơn mới có được chiếc cầu đến lớp.
2.
Ra trường, tôi cùng một đoàn những kỹ sư, cử nhân hối hả chạy dọc khắp tuyến đường. “Rãi truyền đơn”. Truyền đơn chính là những bộ hồ sơ trong đó nặng trịch những văn bằng. Dĩ nhiên nơi rãi sẽ là những công ty có nhu cầu tuyển dụng nhân viên. Đôi lúc có đứa đánh liều, xông mình cùng “truyền đơn” vào phòng Nhân sự của một công ty danh tiếng nào đấy. Có mất gì đâu! Được thì … vớ. Không được thì xem như mất một bộ hồ sơ. Mà hồ sơ thì… ai mà chẳng thủ sẳn trong người cả chục bộ để khi nào có nơi “hô” thì cắm đầu cho nhanh mà “chạy”
Nhờ ông bác có người bạn thân. Người bạn thân hay chơi tennis và la cà bia bọt cùng một người khác. Người khác này đang làm ở cơ quan chủ quản của công ty một người khác nữa. Lằng nhằng cả một dãy dài. Dính chút hơi của “lông”, sau hơn một tháng chờ đợi, tôi trở thành nhân viên tập sự của một công ty may mặc xuất khẩu, chuyên gia công sản xuất áo quần thể thao.
Nguyên và Trình vỗ vai chúc mừng. Ra trường được hai tháng, đứa nào cũng đen và ốm đi. Thật lạ. Cứ tưởng qua được thời gian cày bừa đào xới ở các kỳ thi nơi giảng đường thì phải mập ra. “Chúc mừng người đầu tiên của bọn mình có được công việc. Thật ganh tỵ”. Trình nói, giọng đầy chân thật và không giấu giếm vẻ so sánh. Tôi đấm vào vai nó: “Có công việc chưa chắc đã “ngon”, nghe mấy người nói tao cũng ngán không khí làm việc ở công ty Nhà nước lắm. Nhưng thôi, sẽ cố gắng làm tốt, thử xem …”. Rồi quay sang Nguyên: “Bao giờ mày đi?”. “Đầu tuần. Vào gặp thằng Khôi du lịch đổi gió, và thử vận xem …”. Không ngờ, cái “thử vận” của Nguyên kéo dài một năm rưỡi. Trong thời gian đó, Nguyên “nhảy” đến ba công ty. Lúc thì vênh váo ở phòng lạnh trong Thành phố kinh doanh vi tính, lúc thì rạc mặt phơi nắng chạy thủ tục Hải quan cho công ty ở tận Biên Hoà. Trong khi đang ép chiếc phong bì lẫn vào trong mớ giấy tờ nhập lô hàng gỗ cho công ty ở Bình Dương thì tôi gọi điện đến: “Bên khu chế xuất, một công ty Malaysia đang tuyển kinh doanh…”. Nguyên về. Và trụ lại. Còn Trình. Mãi một năm sau ngày ra trường, ép chặt tấm bằng Kỹ sư Điện kỷ thuật vào sâu trong hồ sơ, Trình ký hợp đồng ngắn hạn cho một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng tiêu dùng. Hết ngắn hạn đến dài hạn. Lạy Trời! Kinh doanh đã biến Trình từ một người kiệm lời, suốt ngày dí mũi vào những bo, những mạch, những dòng điện một chiều, xoay chiều trở thành một con người hoạt bát, uống rượu bia không biết đỏ mặt tự lúc nào…
Kế toán trưởng đến bên tôi: “Biên bản kiểm kê sáu tháng đầu năm nay cần điều chỉnh lại”. Tôi ngạc nhiên tự hỏi, đã sai những gì. Kiểm kê thực tế. Có kinh doanh. Có kế toán. Có thủ kho. “Có vấn đề gì hả anh?”. Kế toán trưởng sửa lại cặp kính, cặp kính trắng khi đã ngay ngắn trên khuôn mặt tôn thêm vẽ chững chạc của một người thành đạt: “Không có vấn đề gì. Nhưng đưa vào bảng cân đối tài khoản thì bất ổn. Giám đốc lệnh tăng thêm giá trị tồn kho. Phần tăng thêm sẽ được giải quyết trong sáu tháng tới”. Giám đốc lệnh? Như vậy, cả một loạt các phòng ban tham gia kiểm kê trong tuần vừa qua vứt vào sọt rác? “Anh đồng ý với giải pháp đó?”. “Tốt nhất là như vậy, không thể tăng thêm chi phí”. Kế toán trưởng thở dài, thoáng chốc khuôn mặt già đi chục tuổi. Khuôn mặt gợi cho tôi nhớ lại một câu chuyện vui vui. Chuyện rằng: Một lần, ở công ty nọ tổ chức liên hoan. Vừa được ăn uống. Vừa được phong bì. Ai nấy mặt mày hớn hở. Có duy nhất một khuôn mặt đầy căng thẳng và lo lắng lẫn vào. Đấy là kế toán trưởng. Một người tỏ ra quan tâm: Anh không khoẻ à? - Không, tôi đang cân nhắc sẽ phân bổ số tiền bỏ ra cho buổi liên hoan này vào tài khoản nào cho hợp lý. Lần khác, cơ quan tổ chức đi biển. Giám đốc mang theo cả vợ và con. Trời xanh. Biển xanh. Mây trắng lững lờ trôi như mặt biển bình yên phẳng lặng. Tất cả mọi người cùng đố nhau xem ai bơi xa hơn. Giám đốc cũng tham gia. Và dĩ nhiên bơi xa nhất sẽ là Giám đốc. Trong cuộc thi, vợ và con Giám đốc trên bờ hò hét cổ vũ, vẻ mặt tươi rói ngời ngời hạnh phúc, ngời ngời niềm tin và sự hãnh diện. Trong khi đó, Kế toán trưởng và Thủ quỹ lo đến thắt lòng: Lạy Trời lạy Phật, đừng để xảy ra điều gì. Lỡ Giám đốc có chuyện gì, ai sẽ là người đồng ý hợp thức hoá số tiền chi ngoài sổ sách từ trước đến nay....
- “Em sẽ làm. Nhưng sẽ xoá phần Kế toán theo dõi”. Kế toán trưởng quay người. “Cũng được. Tuỳ!”.
Dĩ nhiên, thời gian sau đó mọi việc qua đi.
Dĩ nhiên, phần giá trị tồn kho tăng thêm được giải quyết trong sáu tháng đến.
Báo cáo tài chính Công ty vẫn tốt. Công ty kinh doanh vẫn hiệu quả và đã hoàn thành xuất sắc việc nộp thuế cho Ngân sách nhà nước. Tấm bằng khen to đùng được đặt ngay ngắn trong phòng họp.
Tôi được điều động về cơ sở. “Nơi đó yếu. Cần tăng cường nhân lực để đáp ứng yêu cầu kinh doanh”.
Tôi ngồi nhìn thời gian vặt vẹo bò.
Và đếm những cơ hội lần lượt trườn mình qua kẽ tay.
Và… bùng.
3.
Mấy hôm trước nhận được tin nhắn qua điện thoại: “Trân trọng kính mời anh/chị đến cà phê Kiến Việt nhân dịp 5 năm ngày khai trương quán ...”. Cái kiểu nhắn tin đại trà cho những người hay cắm quán. Tôi chuyển tiếp tin này cho Nguyên. Một chút lại nhận được tin nhắn từ Trình: “Tối thứ bảy tụ tập ở Kiến Việt nhé!”. Tôi dịch chuyển phím và ấn nút Gọi, bật cười: - “Tao cứ nghĩ chỉ có tao và thằng Nguyên mới đủ rãnh rỗi long nhong vào tối thứ bảy. Sao vậy?”
- “Trung thu, cơ quan Vân tranh thủ tổ chức gặp mặt toàn bộ nhân viên. Vả lại, tao cũng muốn hỏi ý kiến của bọn mày. Không biết hai khuôn mặt ế bồ kỳ rày ra sao ...”.
- “ Cứ nghĩ là hai khuôn mặt này đang... kén người yêu. Ừm, tạm an ủi là vậy, nhớ nhé, tối thứ bảy”.

Thứ bảy. Thứ của máu chảy về tim. Mà tôi thì chưa có quả tim nào rung rinh cùng nhịp để tối thứ bảy máu có nơi có chốn chảy về. Ở cơ quan mới, thứ bảy là một ngày dễ chịu nhất trong tuần. Khác với những ngày còn lại, trưa thứ bảy, đám nhân viên chúng tôi chậm rãi shutdown máy, nhường nhịn thứ tự bấm thẻ và từ tốn lấy xe. Ăn, nghe nhạc, xem tivi hay nhảy ùm xuống biển xong xuôi vẫn còn nguyên một tối thứ bảy và ngày chủ nhật. Ngày yêu em, chúng tôi thường đi dạo vào tối thứ bảy, những buổi khác là ngẫu hứng. Không phải cố tình. Đấy chỉ là thói quen. Thói quen được thành lập bởi đơn giản đấy là buổi tối thoải mái nhất. Trong những ngày đó, chúng tôi hoà cùng hàng triệu triệu những kẻ yêu nhau trên thế giới, mắt môi lấp lánh cùng nhau bát phố, cùng nhau chui vào một xó xỉnh nào đấy tranh luận đủ các chủ đề, cùng nhau vẽ ra một viễn cảnh tương lai, mà trong đó nhất định cả hai sẽ phải cùng nhau chia bùi sẽ ngọt. Em thường giận tôi vì tội luôn ‘thấy” mà chẳng “nghe”. “Anh có nghe giai điệu bài hát kia không, chúng thật tuyệt vời”. Em ngọ ngậy chiếc mũi nhỏ vào má trong khi tôi xoắn xít lấy mái tóc em: “Mỗi một lần nghe bài hát này em lại có những cảm nhận khác nhau. Lúc mạnh mẻ. Lúc run rẩy. Lúc giản đơn như hơi thở và có lúc như ngồi tỉ mỉ đếm từng cảm xúc dâng trào. Nhưng bao trùm lên vẫn là một gợi nhớ vắng xa. Ngày hôm qua, dường như mọi phiền toái đã trôi qua. Nhưng bây giờ chúng như thể là đang tồn tại. Em tin rằng ngày hôm qua ấy là hiện hữu. Nhưng thật bất ngờ, em bổng không còn là con người của em trước đây. Có một bóng hình đang bao phủ. Ngày hôm qua đã ra đi đến ngột ngạt tâm hồn… Thật tinh tế và cũng thật lãng mạn”. Tôi chịu. Ngày hôm qua chỉ là quá khứ hôm nay. Ai cũng có một quá khứ giống như có quê hương mình vậy. Ngắm nhìn nhưng đừng hối tiếc. Tôi chỉ nhớ mang mán rằng John đã tuyên bố Beatles được yêu thích hơn cả Chúa Jesus. Tôi thích câu tuyên bố của ông. Không phải vì những giai điệu mượt mà và mẫn cảm của Beatles. Mà vì đã dám khẳng định chính bản thân mình. Cho dù điều ấy đã gây nên cơn sốc và phản ứng trên toàn thế giới.
Trên đường về, có lúc vòng tay ôm chặt, có lúc buông lơi hững hờ. Rồi lại lặng lẽ hôn nhau trước cổng nhà. “Em vào đi”. “Anh về trước đi”. Những lúc như vậy, ánh mắt em thường ngước nhìn xa xăm. Vừa như nhìn tất cả, vừa như chẳng thấy ai. Lúc đấy, trông em nhẹ tênh như sắp sửa bay lên. Trên cao, hoa sữa rì rào phả nồng nàn mùi hương dày đặc. Mùi hoa này thoảng nhẹ trong gió rất thơm, nhưng nhiều quá thì nghe thật nồng và gắt. “Nào, Lãng mạn, vào nhà đi. Không thì viêm mũi bởi mùi hoa này”. Em chợt giật mình và đưa tay vẫy vẫy: “Tạm biệt, chúc ngủ ngon”. Rồi quay người mở cổng. “Tạm biệt, chúc ngủ ngon”.
Quen nhau ở sân trường và chia tay ở sân ga. Nếu lấy thước vạch thẳng một đường chim bay thì khoảng cách gần lắm. Nhưng trên con đường ấy, chúng tôi đã cùng nhau đi hơn ba năm. Bước qua biết bao hò hẹn, bao nhiêu thổn thức, vô khối nụ hôn. Trong tôi, đấy mãi mãi là thứ tình cảm kỳ diệu. Nhưng biết làm sao. Với tôi, mặt trăng cũng chỉ là một trong vô khối hành tinh mà con người cần khám phá, lũ sâu bọ có dịp là đục phá những trái táo thơm ngon. Còn em, em chỉ muốn rằng những ngôi sao xanh thẳm xa xôi kia chính là may mắn cho những cầu mong, táo và hoa hồng tự dưng sinh ra, lớn lên, chín mọng và mãi mãi ngọt ngào. Em muốn vậy. Và muốn tôi cũng vậy…
4.
Trưa. Trời chang chang nắng. Sân ga vẫn tấp nập người và người. Tiếng cười nói ồn ào xen lẫn tiếng thút thít tiễn đưa. Thật chết tiệt khi phải ra đường vào lúc này. Hôm qua, cũng giờ này, Khôi điện thoại thông báo: “Ngày mai, tao về nhà. Mày rãnh thì đón ở ga. Tàu S1. Mười hai giờ trưa là đến. Xê dịch năm phút. Chờ mày mười phút. Tổng cộng đến mười hai giờ mười lăm. Không thấy mày là tao tự về. Okie”. Rồi cụp máy. Tính Khôi vẫn vậy. Vừa kết thúc một cuộc đua đằng đẵng năm năm chốn giảng đường, Khôi định trở về nhà để xả hơi vài ngày trước khi bước vào công cuộc tìm kiếm việc làm mới. “Ra trường tao sẽ trụ lại. Dầu sao không khí ở đó cũng thoáng hơn. Sẽ cố gắng tìm một công việc và một xó xỉnh chui ra chui vào, để có chổ cho bọn mày ở lại khi có dịp...” Khôi vừa nói vừa cười ha ha với bọn tôi trong một quán cóc ven đường. “Hôm nay cà phê cóc thôi, ngày mai tao nhất định sẽ mời tụi mày nhâm nhi và ngắm nhìn Hòn ngọc Viễn Đông ở tầng 32...”. Hiếu thắng và thừa tự tin, Khôi bươn chãi ngay từ năm một mặc dù ở nhà thừa sức để lo. Có lẽ, rớt đại học năm đầu và chia tay với Hiền là một cú đấm mạnh vào mặt khiến Khôi nằm bẹp dúm và tránh tiếp xúc với tất cả bạn bè trong vòng một tháng. Sau đó, như một sự lột xác, Khôi trở nên trầm tĩnh và bắt tay lập một thời khoá biểu cho việc học. Hình như đó là bảng khoá biểu đầu tiên tự tay Khôi làm. Ba Khôi mừng hú đặt trên bàn học một chiếc đồng hồ ngộ nghĩnh, trong đó con vẹt già há miệng rộng toác, đều đặn thông báo trước mỗi giờ học: “Đến giờ rồi! Đến giờ rồi!”
Tôi và em đến sớm hơn mười phút so với giờ tàu về. Cả hai ngồi trong căng tin, chong mặt ra đường nhìn đám người qua lại. Bồn hoa trước cổng chính nhà ga trông thật thiếu sức sống. Tưởng như chúng đang rên rĩ theo từng làn bụi dưới cái nắng hanh hao mùa hè. Hai ly nước trước mặt. Em cấu vào tay tôi: “Uống nước đi anh”. Tôi ừ hữ châm điếu thuốc. Trời đánh thánh vật, ngay trước mắt tôi, ngay trên sân ga, một bãi phân tươi vàng óng lóng lánh dưới ánh mặt trời.
Những con người vẫn qua lại. Những bàn chân vẫn qua lại. Có bàn chân cách xa. Có bàn chân suýt dẫm. Lại có những bàn chân dẫm lên một góc của bãi phân. Tôi mấy lần dợm đứng lên. Nhưng rồi ngần ngại. Trời nắng và nóng, oi và nồng. Tôi chắc chắn rằng cũng có nhiều cặp mắt đã trông thấy như tôi. Có lẻ những cặp mắt đó cũng như tôi đang chần chừ chờ một người nào đó đứng dậy. Bãi phân tươi từng phút từng giờ từng thu nhỏ. Theo chân, theo gió mang theo tính chất đặc trưng của nó lan xa. Một đứa bé xinh xắn mang váy đầm trắng nắm tay người đàn ông trông rất trí thức, có lẻ là bố, tay kia cầm và uống bịch Yomost dâu, tự tin bước những bước chân nhún nhảy. Theo mỗi bước chân, đôi giày Biti’s của bé lại vang lên tin... tin. Tôi ú ớ đứng dậy. Nhưng không kịp. Đứa bé khóc thét lên. Một chiếc Biti’s của bé ướt đẫm màu vàng. Bịch sữa trên tay bé rơi phịch và đổ đầy xuống áo. Chiếc đầm trắng tinh thoáng chốc loang lỗ màu dâu đỏ. Em ngơ ngác giật tay tôi: “Anh định làm gì vậy? Anh đang nghĩ gì vậy?”. Chậm mất rồi. Tôi thở dài và buông người xuống ghế: “Anh đang nghĩ về cục c...!”. Em trố mắt nhìn. Một cơn bão đi qua trong đôi mắt: “Anh thật quá đáng”. Rồi đùng đùng đứng lên. “Càng ngày em càng không chịu nổi”.
- Những giọt nước mắt không thể nhanh chóng trả lại màu trắng trinh nguyên cho chiếc đầm, không trả lại chiếc giày Biti’s mới nguyên cho bước chân tự tin của bé.
- Có lẻ, cho dù là người thân, cũng không nên nói thật lòng mình trong mọi trường hợp.
- Có thể, đó là cái cớ để chia tay. Cho em. Và cả cho tôi.
5.
Tối thứ bảy, tôi lục đục thay đổi áo quần. Mẹ dóng mắt lên hỏi: “Đi chống bão đâu vậy con?”. Tôi cười. Đi ngắm bão. Trung thu. Trăng sáng. Và gió. Đất và cát vẫn cứ tung lên theo mỗi đợt gió cuốn. Như vậy càng thích. Nguyên đợi tôi sẵn trước nhà. Đến là nhót lên xe đi luôn. Khỏi phải chờ đợi và thưa trình vất vả. Đâu phải chỉ có mỗi chúng tôi đi chơi trong bão. Đường sá vẫn đầy người. Trống múa lân rộn rã. Lão Địa bụng bự xum xoe cánh quạt, nhảy chồm chồm cùng với con Lân trên giàn sắt ở góc đường. Nguyên khều: “Hai con nhỏ chạy trước tóc và dáng đẹp quá”. Khỏi nói. Tôi đã “tia” chiếc xe này trước lúc Nguyên khều. Tôi và Nguyên có cùng “gu” với nhau trong việc “nhìn” con gái. Tóc ngang lưng, đen và mượt là ưu điểm số một. Thêm chiếc kính cận vừa duyên dáng vừa trí thức là điểm cộng thứ hai. Mà thật lạ. Tính cách của hai đứa khá khác nhau. Vậy mà vẫn chơi với nhau từ lớp 5 đến bây giờ. Nguyên vừa lòng tất cả các bậc phụ huynh trong nhóm và luôn đúng lúc khéo léo dàn hoà những cuộc tranh luận nổ trời trong nhóm do hoặc tôi hoặc Khôi châm ngòi. Nguyên luôn luôn xứng danh là “lớp trưởng” trong mọi trường hợp. Ngay từ lớp mười đã tập tành yêu đương trong khi bọn tôi gặp mặt vẫn cấu kí nhau chí choé. Hồi đó Trâm ở gần nhà Trình. Đến nhà Trình chơi và ôn bài Nguyên thường chọn cho mình hướng ngồi đối diện cửa sổ. “Cho mát và thoáng”. Nguyên nói vậy. Cách cửa sổ một mét là bờ rào dâm bụt lỏng lẻo. Bên kia bờ dâm bụt là một dãy dài những chậu kiểng nhỏ. Chiều chiều, Trâm thường ra đấy tưới cây. Không như tôi, bọn nó trông thật hoà hợp, hay cố gắng tỏ ra hoà hợp. Hoà hợp đến sợ. Bởi vậy, khi Nguyên thông báo chấm dứt, bọn tôi bật ngữa. Hôm đó, lần đầu tiên Nguyên uống thật nhiều, mặt đỏ bừng và giọng nhão ra: “Thà Trâm nói lên chính kiến của mình. Để tao còn biết tao sai, sai ở đâu và sai thế nào. Tao có thể xin lỗi, làm lành hay đại thể một cái gì đấy. Cứ phẳng lặng ngày qua ngày, đôi lúc tao không biết mình có còn tồn tại trong tình yêu ấy hay không ….”
Kiến Việt là quán cà phê nửa vườn nửa hộp, toạ trên con đường một chiều và xoay mặt về phía bờ sông. Ngồi trên cao có thể nhìn thấy dòng người xuôi xuôi theo một hướng “như những electron chuyển động trong dòng điện một chiều”. Trình thường ví von như vậy. Kiến trúc của quán khá lạ mắt. Vừa có không khí ấm cúng gia đình, không gian lãng mạn cho những người đang yêu, vừa tạo nhịp sôi động cho những cuộc gặp gỡ bạn bè.
Thấy tôi và Nguyên vào, Trình nổ ngay một phát: “Bắt tao chờ đúng 30 phút, uống hết sec rumh và vô số thuốc lá”.
Nguyên cười lớn: “Mày có thể ngồi chờ mà không cần uống và hút kia mà. Tao là người ngồi sau ngồi sau. Trung Thu. Thằng Sơn hứng chí chạy đường Cầu hóng bão nên kẹt xe”.
Tôi ngồi xuống ghế, xoay người lại với cô bé phục vụ: “Cho chai Rumh và ba đen đá chữa cháy”.
- “Thiếu thằng Khôi, có ai cập nhật được thông tin mới nhất của nó không?”
- “Tin mới toanh. Cuối tuần sau Khôi sẽ về đây công tác. Nghiệm thu công trình xây dựng Khách sạn tại Hội An. Nó cũng vừa có kết quả săn du học. Năm sau sẽ đi”
- “Như thế thì tốt quá. Công việc của bọn mày vẫn được đấy chứ?”
- “Tạm ổn! À, mày có em nào giới thiệu cho bọn này đi”
- “Toàn thứ… ế. Phiên phiến thôi mấy cặp mắt cú vọ ạ”
- “Mà này, có chuyện này… Bọn mình đã vài năm kinh nghiệm trong công việc. Trong thời gian làm kinh doanh tao có một vài mối rất thơm và đáng tin. Bọn mình thực hiện mơ ước hồi sinh viên đi”
- “Nghĩa là …”
- “Tao cũng đã suy nghĩ rất nhiều trước khi nói ý kiến này. Đầu vào đảm bảo uy tín, đầu ra thì có tiềm năng. Bọn mình hợp tác mở công ty riêng…”

6.
Tôi thường check mail vào mỗi sáng.
- “Lang thang trên mạng tìm tấm poster cho bài hát “Chiều Đà Nẵng”, bắt gặp một vài hình ảnh về Miền Trung của bạn, trông thành phố thật nhỏ bé và hiền hoà … ”
- “Hôm qua nơi bạn sống nhiệt độ cao lắm hả…”
- “Nghe tin ngày hôm qua Miền Trung có bão…”
- “Hãy nói cho mình một chút về thành phố của bạn, ngày hôm qua….”
- …

Tôi bấm reply. Xong lại ngồi thừ ra. Văn vẻ không có, viết gì bây giờ nhỉ….
“Ngày hôm qua… Biết nói gì đây. Ngày hôm qua thành phố tôi nóng lắm. Gió cứ như táp lửa vào mặt người đi đường. Ngày hôm qua, có cơn bão đi ngang, một nhánh cây rơi xuống suýt trúng một phụ nữ mang thai trên đường tan sở. Nhưng, cũng có những ngày hôm qua rất đỗi dịu dàng. Có những ngày biển xanh êm đềm và đầy mây trắng.
Ngày hôm qua, tôi đã cùng bạn bè đi lại trên con đường cũ, con đường rợp cây xanh một thời đến lớp. Chúng tôi đã í ới gọi tên nhau như những cậu nhóc ngày xưa, và chờ đợi nghe tiếng “Ơi, ơi” đáp lại. Những con đường chúng tôi đi qua không phải là đại lộ, đó chỉ là những con đường nhỏ với nhiều khúc khuỷu, nhấp nhô. Nhưng không sao, đã có những tán cây xanh che bóng suốt con đường. Mặc nắng. Mặc gió. Chúng tôi đã đi và sẽ tiếp tục bước đi. Bởi chúng tôi biết rằng, phía cuối tất cả những con đường trong thành phố, có một con sông hiền hoà đang chảy, có mặt trời rất tròn và rất to trong mỗi buổi hoàng hôn lẫn bình minh ….”



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 394

Return to top