Ngày chủ nhật sau, lúc cuộc đấu bắt đầu, có người gõ cửa rất mạnh ở khu chuồng ngựa. Một nhân viên đấu trường mở hé cánh cửa trông thấy một người đàn ông và một người đàn bà. Anh ta càu nhàu:
- Khán giả không vào đây được!
Anh định đóng sập cửa lại thì người đàn ông nói: - Anh không nhận ra tôi à? Tôi là anh rể của ông Gađacđô đây mà, còn bà này là vợ ông ấy.
Nhân viên kia liền dịu đi, hoặc vì hai người mới đến là người nhà của một matađo danh tiếng hoặc vì ông anh rể lúc bắt tay đã có ý nghĩ rất xác đáng là thêm vào cái chào thân ái đó một món tiền thưởng hậu hĩ.
Hôm qua, Cacmen hốt hoảng về trận thất bại mới rồi của chồng nên chị đã bàn với Angtôniô trong phòng làm việc của chồng và nói riêng cho bác ta biết rằng chị nhất định lên đường đi Mađrit ngay chiều hôm ấy. Đã tám ngày trời, chị sống trong thất vọng, vì chị biết rõ tính kiêu căng nghề nghiệp của chồng, chị hiểu rằng anh sẽ không chịu xuống dốc, chị cầm chắc anh sắp làm nhiều điều rồ dại để chiếm lại cảm tình của công chúng. Chị vừa mới nhận được một bức thư của anh trong đó anh cho hay rằng anh sẽ liều mình làm đủ mọi cách để cứu vãn danh dự. Tuy chưa biết mình sẽ làm gì một khi ở bên chồng, nhưng chị bồn chồn muốn có mặt ở đó, chị nhất quyết đòi đến với anh, dường như chỉ riêng sự có mặt của chị cũng có thể làm cho anh đỡ bị nguy hiểm rồi.
- Không được đâu, không được đâu! Người anh rể trả lời. Mợ lo sợ vô căn cứ quá...
Song sau một lúc suy nghĩ, bác tự nhủ rằng bác không nên từ chối một chuyến đi Mađrit không mất tiền, dù đi với Cacmen có buồn chăng nữa. Cho nên bác nói tiếp:
- Thôi được, nếu mợ cứ nằng nặc đòi đi thì tôi sẽ bằng lòng đi với mợ.
Hai người bèn lên đường, viện một cớ nhì nhằng nói với bà Aoguxtiax để bà khỏi lo lắng. Cuộc hành trình hai mươi bốn giờ rõ ràng không lấy gì làm thích thú đối với Angtôniô. Cacmen luôn luôn khóc lóc, nhắc đi nhắc lại những điều lo sợ ghê rợn của chị. Bây giờ trong tâm trí của chị mục đích của chuyến đó đã thành rõ ràng hơn và chị tuyên bố với người anh rể:
- Em sẽ nói dứt khoát với nhà em. Chúng em đã khá giàu rồi, em nhất định đòi nhà em phải giải nghệ. Trận đấu này phải là trận đấu cuối cùng của anh ấy... Nhưng mà như thế cũng chưa được. Tâm linh báo cho em biết rằng sẽ có chuyện không hay xảy ra cho anh ấy. Chúng ta tới Mađrit khá sớm nên em còn đủ thời giờ để gặp anh ấy trước trận đấu và em sẽ có cách thuyết phục anh ấy không đấu trận chiều nay nữa.
Nghe thấy thế, người anh vợ kêu toáng lên, giơ hai tay lên trời, tức giận phản đối:
- Vô lý quá! Phụ nữ là như vậy đó! Khi đầu óc họ muốn cái gì là không có cách nào nói cho họ hiểu rằng không thể làm được. Mợ tưởng rằng không có chính quyền, không có luật pháp, không có quy chế của môn đấu bò đấy hẳn, mợ tưởng chỉ cần một bà vợ sợ cuống cuồng ôm lấy cổ chồng là ông chồng có thể quẳng ngay hợp đồng vào sọt rác, coi khinh công chúng hay sao?... Sau trận đấu, mợ muốn bảo Huan thế nào tùy ý mợ, nhưng trước đó thì khoan đã! Chúng ta không thể đùa với chính quyền được đâu, mợ hiểu chưa? Nếu không thì chúng ta sẽ vào tù tất cả!...
Trong thâm tâm, Angtôniô muốn được yên ổn xem trận đấu, bác không muốn bị cụt hứng vì một cảnh tượng nặng nề nhất định sẽ xảy ra nếu hai vợ chồng Gađacđô gặp nhau. Vì vậy khi tới Mađrit vào khoảng mười giờ sáng, Cacmen vừa ngỏ ý muốn đến chỗ Gađacđô ngay tức khắc thì Angtôniô nghĩ ra một mưu mẹo ích kỷ, dùng lý luận đanh thép này để gạt đi:
- Mợ mà đến đấy thì sẽ làm cho cậu ấy hoang mang và khi ra đấu trường cậu ấy sẽ rối trí. Mợ hãy nghĩ lại mà xem: nếu cậu ấy gặp chuyện chẳng may là lỗi tại mợ đấy!...
Vì thế Cacmen đành để Angtôniô dẫn đến khách sạn do bác chọn và chị nằm dài trên tràng kỷ ở phòng mình trong khi người anh rể làm một vòng ở Puecta Đen Xôn. Nhưng sau bữa cơm mà chị hầu như không ăn được miếng nào, chị sốt ruột vì mối lo lắng mỗi lúc một tăng cho đến giờ trận đấu bắt đầu, rồi đột nhiên chị nói với Angtôniô đang sắp sửa đi ra đấu trường:
- Cho em đi với bác!
Không phải chị định kiếm một chỗ ngồi ở khán đài để xem tấn kịch đẫm máu. Chị rất sợ những trận đấu bò, chị cảm thấy không đủ can đảm để xem Gađacđô liều thân trước mặt chị. Nhưng không hiểu vì sao chị nhất quyết muốn ở gần anh trong giờ phút nguy hiểm. Chị sẽ nấp ở một chỗ, bất cứ ở đâu, trong khu nhà phụ của đấu trường, và ở đó chị sẽ run sợ khóc lóc chờ cho đến lúc kết thúc cuộc tàn sát ghê tởm.
Lần này, người anh rể hiểu rằng có trách mắng chị cũng vô ích. Và vì bác sợ đến đấu trường trễ giờ, không kịp xem đội đấu đi diễu hành vào bãi, bác đành dễ dàng nhận lời dẫn chị đi.
Mặc quần áo đen và quàng khăn choàng, Cacmen nhìn ra bốn phía sân khu chuồng ngựa lúc bấy giờ vắng ngắt. Ở đằng xa, sau những bức tường gạch dầy, có tiếng âm nhạc và người ta cảm thấy sự hồi hộp của khán giả chỉ thỉnh thoảng bị những tiếng la thét phấn khởi và những tiếng rì rầm tò mò làm gián đoạn. Các đấu sĩ đang diễu hành trước ông chủ tịch cuộc đấu.
- Nhà tôi đâu? Với giọng run run, Cacmen hỏi nhân viên của đấu trường ra mở cửa cho chị và Angtôniô.
- Cậu ấy cần ở đâu thì cậu ấy ở đó! Người anh rể trả lời phũ phàng tức mình vì mất xem phần đầu của cuộc đấu. Mợ đến đây thật là điên. Mợ không muốn xem đấu thì mợ làm gì bây giờ?
Người nhân viên đấu trường động lòng thương người phụ nữ mắt đỏ hoe và có vẻ hết sức lo lắng, bèn nảy ra một ý kiến này:
- Hay là bà vào nhà nguyện?
Chị nhận lời ngay: đó là một nơi yên tĩnh để chị có thể làm một cái gì hữu ích cứu giúp Gađacđô. Về phần người anh rể, bác rất thích và tránh thoát chị và bác hấp tấp đi tìm chỗ ngồi trên khán đài.
Ở nhà nguyện, Cacmen để ý trước tiên đến tình trạng nghèo nàn, xơ xác của bàn thờ, chỉ có bốn ngọn nến nhỏ cháy trước ảnh tượng Đức Bà Đồng Trinh ngồi bên chim bồ câu. Chị đưa một đồng đuarô cho người nhân viên nhờ bác ta đi kiếm cho chị mấy cây sáp to. Bác ta gãi đầu: "Sáp to à? Xung quanh đấu trường làm gì ra sáp to mà kiếm?". Rồi bác sực nhớ rằng mấy bà chị của một ông matađo vẫn mang sáp đến mỗi lần ông em đấu. Có lẽ hãy còn vài cây cất ở trong tường. Bác bèn đi tìm và thấy sáp. Bây giờ chỉ còn thiếu cái để cắm sáp. Nhưng bác ta là một người tháo vát: bác bày mấy cái chai không quẳng trong góc phòng, cắm sáp vào miệng nó rồi đặt những cây đèn đơn giản đó lên bàn thờ.
Còn có một mình trong nhà nguyện. Cacmen quỳ xuống, hướng đôi mắt đẫm lệ về phía bức ảnh đầy bụi bậm sáng đỏ lên trong ánh sáp. Chị không biết Đức Mẹ này, nhưng chị đoán rằng bà cũng hiền và tốt như Đức Mẹ ở Xêvilơ mà chị thường cầu khấn. Hơn nữa, đây là Đức Mẹ của các đấu sĩ, người hằng nghe họ cầu nguyện trong giờ phút quan trọng nhất, khi sự nguy hiểm ở ngay trước mắt làm thức tỉnh trong tâm trí của những con người vô học này một lòng mộ đạo chân thành và chắc hẳn chồng chị cũng đã nhiều lần quỳ gối trước bàn thờ này. Điều đó đủ làm cho chị có thiện cảm với bức ảnh chưa quen biết, làm cho chị ngắm nó một cách tin tưởng sùng kính và cầu nguyện nhiệt liệt vội vã.
Nhưng tâm trí của chị bất giác phải xao lãng. Vì có nhiều tiếng động lạ âm vang không rõ rệt vẳng đến tai chị. Đôi lúc chị nghe thấy như tiếng gầm của ngọn núi lửa xa xa hoặc như tiếng rầm rầm của một cơn bão táp. Những tiếng động kinh khủng này làm cho chị đoán ra chuyện gì đang diễn ra ở một nơi không trông thấy. Dựa vào tính chất của tiếng ồn ào, chị đoán ra những giai đoạn bi thảm đang nối tiếp nhau trên bãi đấu. Khi thì những tiếng thét công phẫn nổ ra kèm theo những tiếng huýt sáo, khi thì tiếng của hàng nghìn con người cùng nói những lời không thể nghe rõ. Rồi đột nhiên một tiếng kêu sợ hãi nổi lên, một tiếng kêu thất thanh kéo dài tựa như vang đến tận trời xanh gợi hình ảnh của hàng nghìn hàng vạn bộ mặt tái đi vì xúc động, nghển ra để xem cảnh bò đuổi theo người. Rồi tiếng kêu bỗng im bặt, sự im lặng trở lại, cơn nguy hiểm đã bị xua tan.
Cũng có những khoảng thời gian im lặng, rất im lặng, dường như khán đài to lớn kia trống rỗng hoặc mười bốn nghìn khán giả chen chúc nhau trên các bậc ngồi đều không động đậy, không thở. Nhưng sự im lặng này không kéo dài, một lát sau lại có những tiếng thét mới, những tiếng hô mới ầm ĩ đến nỗi người ta có thể tưởng rằng toàn bộ đấu trường sụp đổ tan tành để loan báo bò ra hoặc để báo hiệu giai đoạn hạ sát đã tới.
Một lúc sau, Cacmen chú ý đến những tiếng động ở gần chị, không giống những tiếng động trước. Có tiếng chân bước lại gần, tiếng cánh cửa mở mạnh, tiếng người nói hổn hển như đang vác nặng.
- Không sao cả, tiếng một người nói. Cậu không chảy máu. Cậu chỉ bươu đầu thôi! Trước khi trận đấu kết thúc, cậu có thể lại nhảy lên mình ngựa đấy!
Một tiếng người khác, rền rỉ, hổn hển không thể nói to vì đau đớn, đáp bằng giọng Øngđaludi:
- Lạy Đức Mẹ Tốt Lành Đơn Tĩnh! Con sợ bị gẫy cái gì đây... Bác sĩ khám kỹ cho tôi nhé... Chao ôi! Các con tôi ơi!...
Cacmen rùng mình hoảng sợ, suýt ngất lặn xuống sàn nhà, mũi như dài ra vì xúc động, hai má tái nhợt và trũng sâu. Chị cố cầu nguyện lại, để hết tâm trí vào lời cầu nguyện đau khổ của mình, cố không nghe nữa những tiếng động khủng khiếp kia. Tuy cố gắng như vậy, chị vẫn loáng thoáng nghe thấy tiếng nước róc rách một cách đáng sợ và những tiếng nói không rõ, chắc là tiếng các thày thuốc và y tá đang chữa chạy cho người picađo ngã ngựa bị thương.
Được một lúc, chị không chịu nổi nữa. Một mình ở trong nhà nguyện, bị những tiếng động khủng khiếp đè nặng lên tâm trí làm cho chị hoảng sợ, chị như không sống nữa, như sắp chết khiếp. Thà đi ra ngoài, đến chỗ thoáng đãng, xem chuyện gì đang xảy ra.
Chị bèn rời nhà nguyện trở ra sân. Chỗ nào cũng thấy máu: máu hàng vũng trên mặt đất, máu hàng vũng quanh mấy cái chậu gỗ to, máu loang mặt nước trong các chậu đó.
Các chú picađo ở bãi đấu ra, ngồi trên lưng những con ngựa gầy chảy máu ròng ròng, da thủng, ruột xổ lủng lẳng. Cacmen trông thấy chú Pôtagiê vừa nặng nề xuống ngựa vừa chửi một tràng người lao công không biết cách giúp chú trèo xuống. Nặng nề vì mang đôi ghệt to lớn giấu sau cái quần cộc chẽn và vì các khớp xương bị tê bại sau mấy lần ngã, chú picađo hộ pháp hết xoa vai lại vặn mình coi bộ đau đớn; nhưng chú vẫn cười, nhe tất cả bộ răng ngựa trắng nhởn ra.
- Các cậu có trông thấy anh Gađacđô hôm nay đấu như thế nào không? Chú nói với những người xung quanh. Hôm nay anh ấy thật tuyệt, phải nói cho công bằng đối với anh ấy!
Quả vậy, Gađacđô đã tỏ ra táo bạo đến rồ dại dường như anh không biết thế nào là nguy hiểm nữa. Ví dụ, sau khi cứu một anh picađo bị ngã ngất thoát khỏi con bò, anh đã dùng mấy ngón múa áo choàng táo bạo kiểu vêrônica dụ con vật đến chính giữa bãi và ở chính chỗ ấy, trong khi nó ngạc nhiên sững lại anh đứng ở trước mặt nó, giơ bụng ra như để thách nó. Rồi dũng cảm như trong những ngày oanh liệt trước kia, anh quỳ xuống trước cặp sừng, vươn tay ra cho đến lúc chạm vào cái mõm sùi bọt của nó. Thấy con vật vẫn đứng yên, anh bèn ôm trong tay cái áo choàng gập lại làm gối rồi từ từ nằm xuống ngay trước mũi nó, mặc nó nghi nghi hoặc hoặc đánh hơi vật lạ lùng có lẽ giấu ở bên trong một cái bẫy cũng nên (1). Cuối cùng đúng vào lúc con vật chúc sừng xuống để xông vào húc thì người matađo luồn vào giữa bốn chân nó khiến cho con quái vật, trên đà chạy mù quáng nhảy vọt qua người địch thủ mà không chạm. Đảo mắt nhìn bốn phía, Pôtagiê nhận ra Cacmen nhưng chú không hề tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào. Ngây ngô đờ đẫn và say rượu thường xuyên, chẳng có cái gì ở trên đời có thể làm cho chú xúc động.
- Xin chào chị Cacmen, chú nói. Hôm nay anh ấy thật tuyệt diệu. Chị ra mà xem. Không có ai làm được như anh ấy!
Rồi cất bước khệ nệ, chú tiến về phía trạm xá để thăm người bạn bị thương gần chết.
Đang lúc đó, mấy anh lao công của bãi đấu dắt về một con ngựa thủng bụng, ruột gan thòi ra lòng thòng dưới bao tử như mắc bệnh thoát tràng gớm ghiếc. Lập tức một người trông nom chuồng ngựa chạy ngược chạy xuôi, giơ tay giơ chân tong tong tả tả và kêu to:
- Mạnh dạn lên các cậu! Nào, hăng hái lên!
Một anh chăn ngựa thận trọng đến gần con ngựa đang đá hậu lung tung trong cơn đau. Anh ta tháo yên, buộc bốn vó ngựa rồi kéo giật chúng vào với nhau, khiến con vật ngã lăn ra. Mấy người lao công, ống tay áo xắn cao, vội vã cúi xuống cái bụng rách toác đang phun máu và nước giải như suối và cố ấn vào trong lỗ thủng kinh khủng ấy các thứ ruột gan bị xổ ra ngoài. Một người lao công khác chẹn đầu con vật ở dưới đầu gối của mình, cố sức ghì nó xuống đất.
Cuộc giải phẫu kỳ lạ ấy không dễ dàng vì con bệnh thở hổn hển nên nhiều bộ phận cơ thể của nó bị đẩy ra ngoài, khiến mấy người chữa cho nó phải nhặt hàng vốc và cố sức đút vào lại. Hơn nữa, con ngựa đã để lại trên bãi đấu một phần ruột bị hai chân sau của nó rứt đứt, cho nên trong bụng nó có một khoảng trống phải tọng hàng nắm xơ gai vào cho đầy. Vá víu xong đâu đấy, mấy người dùng dây khâu da nó lại, dội một xô nước lên đầu nó, cắt những sợi dây buộc túm bốn vó của nó, lấy gậy to nện những cái nên thân để mời nó đứng dậy. Rồi mấy người dẫn nó đi "đánh bóng" nghĩa là dội nước lên khắp người nó, để cho da dẻ nó được lau rửa và sáng sủa trong ít phút. Thế là đủ lắm rồi, vì một picađo sắp đưa con vật khốn nạn trở lại bãi đấu, và lần này thì nó sẽ bị con bò mộng cho một cú không tài nào chạy chữa được nữa.
Cacmen kinh hoảng đã trốn vào trong các cửa tò vò. Chị muốn nhắm mắt bịt tai để không thấy nữa, không nghe nữa, nhưng mắt chị vẫn cứ mở ra để trông thấy máu, tai chị vẫn hướng về những tiếng động tiếp tục vọng lại từ khán đài. Chị không biết các matađo vào đấu theo thứ tự nào: có lẽ tiếng kèn thổi bây giờ báo hiệu đến lượt Gađacđô sắp phải đương đầu với một con quái vật. Chao ôi! Chị phải ra khỏi đấu trường ác nghiệt này để tâm trí đỡ bị vò xé!
Bỗng nhiên, người anh rể lại hiện ra, mặt mày rạng rỡ phấn khởi:
- Cậu ấy hôm nay thật tuyệt! Cậu ấy vừa mới giết con bò thứ nhất một cách anh dũng hơn bao giờ hết!
- Xin bác đưa tôi đi khỏi nơi đây! Chị nghẹn ngào van xin.
Angtôniô nhăn mặt: Bác không thích đưa Cacmen về khách sạn vì nếu thế bác sẽ không được xem đoạn cuối của một buổi diễn xuất rất đẹp mắt. Sợ như vậy thật là trẻ con! Có gì nguy hiểm đâu! Gađacđô ăn sống nuốt tươi các con bò mà!
- Em van bác đưa em ra khỏi nơi đây! Trong người em làm sao ấy! Bác sẽ để em ở nhà thờ nào mà chúng ta gặp đầu tiên...
Angtôniô nhớ ra rằng từ đấu trường đến nhà thờ Thánh Aocutinh chỉ đi năm phút là tới nên bác bằng lòng. Nói tóm lại, bác chẳng sợ mất xem toàn bộ trận đấu mới mà kèn đã bắt đầu báo hiệu, và khi nào đẩy cô em dâu phiền phức này vào nhà thờ ấy xong, bác sẽ tha hồ yên lành hưởng cái thú xem trận đấu...
Khi con bò thứ hai dành cho Gađacđô xuất hiện trên bãi đấu, dáng dấp của nó làm cho khán giả khó chịu. Nó to lớn, đẹp mã, nhưng cứ chạy lăng xăng, ngơ ngác nhìn làn sóng người sặc sỡ chen chúc trên các bậc ngồi và hình như nó sợ tiếng kêu la, tiếng huýt sáo của khán giả. Các pêông đuổi theo nó, giơ áo choàng ra trước mặt nó. Nhưng sau khi làm ra vẻ định xông vào những tấm vải đỏ ấy, nó ngạc nhiên thở phì phò, xoay mình lại rồi lồng lên bỏ chạy. Cái tài lẩn trốn nhanh này, làm công chúng tức giận.
- Không phải bò đâu, khỉ cái đấy! Khán giả công phẫn gào lên.
Mãi mãi các pêông mới lùa được nó đến gần hàng rào, về phía có những picađo đang ngồi im trên mình ngựa, giáo chĩa lăm lăm chờ nó. Nó chạy lại bên một kỵ sĩ, rống lên một cách man rợ, đầu cúi xuống như sắp tấn công. Nhưng khi mũi giáo sắp chạm vào cổ nó, nó thình lình nhảy tót sang một bên, luồn giữa các áo choàng rồi lại bỏ trốn. Đang chạy, gặp một picađo khác, nó lại tránh, vừa lẩn vừa rống. Trong cơn hoảng sợ, nó nhào đến gần một picađo thứ ba, anh này vươn giáo đâm trúng bướu cổ của nó. Sự "trừng phạt" ấy chỉ làm nó thêm nhát và chạy thêm nhanh.
Khán giả đứng dậy hàng loạt hoa tay dậm chân, hò la:
- Thưa ông chủ tịch!... Một con bò nuôi trong nhà đấy!... Xấu hổ quá!... Lửa đi! Lửa đi! (2)
Ông chủ tịch có vẻ lưỡng lự thì tiếng ồn ào tăng thêm lên. Đủ các thứ đồ vật ném như mưa xuống xung quanh con vật. Một cái chai va phải một cái sừng của nó và tiếng vỗ tay ran lên:
- Lửa đi! Lửa đi!
Cuối cùng, ông chủ tịch phải vẫy một cái khăn quàng cổ màu đỏ, và dấu hiệu ấy được khán giả hoan nghênh rầm rầm. "Banđêri lửa" là một cảnh tượng đặc biệt, một giai đoạn bất ngờ làm cho trận đấu thêm hứng thú. Nhiều khán giả la ó đến khản cổ, nhưng trong thâm tâm lại rất thích có giai đoạn ấy.
Người Quốc dân tiến lên, cánh tay giơ thẳng hai cái banđêri to bọc giấy nâu. Bác bước đến cạnh con bò, ra vẻ khinh thường chẳng đề phòng gì mấy rồi cắm các cây "gậy" nặng trịch ấy vào bướu cổ nó, trong tiếng hoan hô trả thù của công chúng.
Nghe đánh rắc như có cái gì bị xé rách, rồi hai luồng khói trắng vọt ra trên cổ con vật. Ánh sáng ban ngày làm cho người ta không trông thấy lửa, nhưng lông con bò bị cháy xém một vệt đen rộng lan ra trên bướu cổ của nó.
Kinh ngạc về sự hành tội man rợ này, con vật chạy trốn càng nhanh. Nhưng tha hồ cho nó nhảy, tha hồ cho nó lắc và ngoẹo đầu để định dùng răng nhổ những ngọn đuốc quái ác, tất cả đều vô hiệu. Nó vẫn phải mang theo khắp nơi tiếng nổ đì đùng và đống giấy vụn cháy bay tứ tung trước mắt nó. Thấy con bò hết nhảy chạy đến vẹo đầu vẹo cổ, khán giả rất thích, cười vang và nói giỡn:
- Pháo cù nó đấy!... Nó múa khéo thật! Một con bò thông minh đấy!...
Khi các banđêri ngừng nổ và xì lửa, chỗ mỡ bị nóng chảy tạo ra những bong bóng trên da cổ con vật và mùi da cháy thành than khét lẹt tỏa ra khắp đấu trường.
Không cảm thấy lửa đốt đau nữa, con vật dừng lại đầu thõng xuống, mắt đỏ ngầu, mõm sùi bọt, sườn hổn hển.
Cho tới lúc này Gađacđô vẫn đứng bên hàng rào rất buồn bực vì chẳng may phải đấu với một con bò như thế. Và anh thanh minh với những khán giả lão luyện ngồi ở hàng đầu. Một trận đấu mở đầu hay như thế mà bây giờ thì thế này! Thật xúi quẩy cho anh gặp phải một con bò thịt!
- Làm thế nào được, anh nhún vai kết luận để tạ lỗi trước. Tôi chỉ biết cố hết sức, nhưng chắc sẽ chẳng có gì hay lắm đâu.
Lúc kèn báo hiệu giai đoạn hạ sát, Gađacđô làm thủ tục brinđix một cách ngắn gọn rồi bước thẳng về phía con bò. Khán giả lớn tiếng khuyên anh:
- Mau tay lên nhé! Nó không đáng cho ta giữ đủ lễ nghi đâu!
Anh matađo xòe cái mulêta trước mặt con bò và con vật tấn công. Nhưng vừa mới bị hành hạ xong nó đã hiểu nên nó tấn công không hung hăng, rõ ràng nó định tính toán đòn của nó để đánh trúng đích, quật ngã và xé tan kẻ thù ra từng mảnh. Người này là người đầu tiên đứng trước cặp sừng của nó từ lúc nó bị hành hình bằng lửa.
Bộ điệu mới của con bò làm cho nó lấy lại được cảm tình của khán giả, tiếng vỗ tay vang lên để khen cả hai đối thủ.
Khi con bò cúi đầu, phồng má như điên, lưỡi thè lè ra, tất cả đấu trường im lặng chờ đợi một nhát kiếm quyết định. Im lặng đến mức ở hàng ghế cuối cùng người ta cũng nghe thấy tiếng hai thanh gỗ khẽ chạm vào nhau: đó là Gađacđô, để đâm cho dễ, đang dùng mũi kiếm gạt về phía sau hai cái banđêri cháy đen cho gục xuống giữa cặp sừng. Bỗng nhiên do một luồng điện bí mật nào đó, công chúng cảm thấy rằng có sự thông cảm vừa mới thiết lập giữa ý chí của họ và ý chí của người matađo: anh này đã quyết tâm và đang chuẩn bị hạ con bò bằng một nhát kiếm thật xuất sắc.
- Đâm đi! Công chúng hét lên.
Thế là Gađacđô xông lên đâm. Nhưng con vật, đáng lẽ lảo đảo và ngã thì lại bỏ chạy và kêu rống lên dữ tợn, trong khi nhát kiếm của Gađacđô đâm không sâu, nên lủng lẳng ở cổ con bò, bật ra dần dần rồi cuối cùng rơi xuống bãi cát.
Lần này cũng giống nhiều lần khác, người matađo đã bất giác quay đầu đi chỗ khác và phóng nhát kiếm đi quá ngắn.
Gađacđô nhặt thanh kiếm lên, chẳng còn bụng dạ nào để phản kháng sự bất bình của khán giả quá độ lượng đối với người khác và quá tàn nhẫn đối với anh. Không biết vì số mệnh ra sao mà anh cứ đâm trượt mãi thế này? Vì sao anh không thể đưa ngập tận chuôi như xưa kia nữa?
Trong khi lại bước đến gần con bò, anh cảm thấy phảng phất rằng một pêông mới đến đứng ở bên anh. Đó là Người Quốc dân. Bác ta nói với anh:
- Anh Huan, bình tĩnh! Đừng cuống nhé!
Người matađo đến đứng đối diện với con bò, còn nó thì đứng im có vẻ chờ đợi. A tưởng không cần làm những động tác bằng mulêta. Anh xoay nghiêng người, kéo lê mảnh vải đỏ sát mặt đất, đặt thanh kiếm ngang tầm mắt rồi phóng nhanh cánh tay giữa cặp sừng.
Anh bị con bò lấy đầu hất ra, anh ngã vật xuống bãi cát. Con bò xông vào nhấc bổng người anh đã thành vô tri vô giác rồi ném xuống mặt đất và chạy dọc hàng rào. Mọi người trông thấy thanh kiếm cắm ngập tận chuôi trên u vai con vật.
Người matađo đứng dậy một cách khó khăn và toàn thể khán giả vỗ tay hoan hô: "Người con của Xêvilơ muôn năm! Lần này quả thật anh đấu rất hay!" Nhưng Gađacđô không đáp lại thịnh tình đó bằng một dấu hiệu cảm ơn nào cả. Anh vẫn cúi lom khom có vẻ đau đớn và sờ soạng bụng mình. Rồi anh chuếnh choáng bước vài bước, nhìn sang bên trái rồi sang bên phải muốn tìm cửa ra, cuối cùng anh lảo đảo như một người say rượu và ngã gục xuống.
Bốn người lao công của bãi đấu chạy lại và đặt anh lên vai họ. Trong khi họ khênh anh đến trạm xá, đầu anh lắc lư, xám ngắt, mắt anh đờ đẫn.
Anh được đặt lên giường, bất động. Chẳng thấy máu chảy ra ở đâu.
Garabatô và Người Quốc dân bèn cởi quần áo cho chủ, tháo ghim cài, cởi khuy áo, rứt các đường khâu, còn Pôtagiê thì nhìn bằng con mắt thờ thẫn, tay vo tròn cái mũ của chú.
Hai thày thuốc chạy đến từ phút đầu cũng nhìn người bị thương, không nói gì cả. Họ chưa thể hiểu anh bị nặng nhẹ ra sao. Có lẽ anh chỉ bị ngất vì bị va và ngã mạnh quá.
Bác sĩ Ruix bước vào, cúi xuống giường người bị thương và bắt tay ngay vào việc. Hai bàn tay khéo léo của ông giúp Garabatô cởi những bộ phận cuối cùng của bộ quần áo đấu và lật chiếc sơ mi lên. Trên cái bụng bị rạch hiện ra một chỗ rách dài mà hai mép bẩm máu cách xa nhau để lộ ra bộ ruột màu xanh nhợt (3).
- Thế nào bác sĩ? Người Quốc dân thì thầm.
- Hết rồi, Xêbatchiêng ạ. Cậu có thể tìm cho cậu matađo khác.
Bác banđêridiêrô trung thực không nói một tiếng, không rớm một giọt nước mắt, nhưng đột nhiên bác cảm thấy nảy nở trong thâm tâm một mối hận thù dữ dội đối với tất cả những gì ở xung quanh bác, một nỗi bất bình phẫn nộ đối với công chúng, một sự khinh bỉ pha lẫn hối tiếc đối với chính cái nghề dùng làm cần câu cơm của bác. Chao ôi! Phải chết để mua vui cho đồng chủng thì thật khủng khiếp và bất công.
Trong khi cặp mắt nóng bỏng và ráo hoảnh của bác nhìn chằm chằm xác của người đội trưởng mà bác yêu mến như anh em ruột, dòng tư tưởng của bác còn miên man hướng về một cái xác khác, cái xác mà hiện nay mấy con la đang kéo ra khỏi đấu trường, hướng về cái xác của con vật có bướu cổ bị đốt thành than. Với ý nghĩ đơn giản của một người thái cổ, bác gộp cả hai nạn nhân trong cùng một tình thương xót sâu sắc.
- Tội nghiệp con bò! Tội nghiệp anh matađo! Bác thở dài buồn bã.
Trên bãi đấu, hội vui vẫn tiếp diễn. Quả thật lúc đầu người ta cũng ngập ngừng lo ngại trong vài phút; nhưng gần như sau đó người ta lại yên tâm. Có những tin tức lạc quan, bắt nguồn từ đâu không rõ, lan đi trên khán đài: Gađacđô chỉ bị choáng váng, tai nạn không có gì là nghiêm trọng. Công chúng sẵn sàng đón nhận ý kiến ấy không biết của ai, nhất là vì họ sẽ bị thiệt thòi nếu cuộc đấu ngừng lại: hãy còn những ba con bò phải hạ sát nữa kia kìa!
Thế là kèn đồng lại rúc lên để báo hiệu trận đấu thứ tư, và những tiếng thét vui thích đón chào con bò đang bước vào bãi đấu. Tiếng hò la và tiếng kèn hòa vào với nhau bay đến tận trạm xá và rung lên tưng bừng quanh người chết.
Đó chính là tiếng gầm thét của con Thú vật, của con Thú Vật hung ác đích thực.
HẾT
---------
(1) Hành động dũng cảm nằm xuống đất trước mặt con bò, lấy áo choàng làm gối, đã có lần được người matađo Fabrilô thực hiện ở đấu trường Valăngxơ.
(2) Lửa đi! Lửa đi!: muốn kích thích những con bò quá nhút nhát, người ta cắm vào cổ nó những "banđêri lửa". Những banđêri ấy có buộc pháo thường và pháo thăng thiên, khi cắm vào bướu cổ bò thì mồi của chúng chạm vào một cái bùi nhùi khiến chúng nổ trên lưng con vật làm nó hung lên.
(3) Matađo Hôxê Đengacđô bị một con bò nhút nhát húc chết vào tháng 5 năm 1801 tại đấu trường Mađrit trong hoàn cảnh tương tự.