Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> ĐẤU TRƯỜNG ĐẪM MÁU

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7118 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ĐẤU TRƯỜNG ĐẪM MÁU
VIXETE BLAXCO IBANHEX

LỜI GIỚI THIỆU

Năm 1867, tại thành phố cửa sông Valăngx trên đất Tây Ban Nha, Tổ quốc của đại văn hào Xecvăngtex(1) lại sinh ra một người con để kế tục sự nghiệp văn chương của những thiên tài đi trước : VIXETE BLAXCO - IBANHEX (Vicente Blasco - Ibanhex). Lúc này, vừa đúng bốn năm trước ngày nổ ra cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên quyết liệt nhất trên thế giới giữa vô sản và tư sản, - CÔNG XÃ PARI- Và thế là, từ khi sắp ra đời cho đến suốt tuổi thanh xuân trong hơn ba mươi năm cuối cùng của thế kỷ XIX, Blaxcô - Ibanhex hoàn toàn được nuôi dưỡng trong cao trào đấu tranh giai cấp gay gắt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, đến tư tưởng, triết học, văn học, nghệ thuật...
"Đây, cuộc đấu tranh lan toàn thế giới Khuấy không trung hai chữ Tự Do"...
"Ta đứng dậy, không hề khuất phục Ngã xuống rồi, lại đứng dậy hiên ngang" "Đấu tranh này, là trận cuối cùng"... Những khúc quân hành ấy từ đất Công xã vang sang Tây Ban Nha và khắp Châu Âu, hùng tráng và tha thiết, căm hờn và yêu thương. Ngọn gió tự do, dân chủ làm bừng dậy rất sớm tâm hồn giàu cảm xúc của Blaxcô, một tâm hồn khao khát tự do, thương yêu những con người bị đọa đày trong cuộc sống tối tăm.
Blaxcô Ibanhex lớn lên giữa những người nghèo bên dòng sông Guađalavia đổ ra Đại Tây Dương, trong vùng Anđaludi màu mỡ còn mang những dấu tích kiến trúc của một vương quốc Hồi giáo trước thế kỷ thứ XIII. Sông nước hòa với sóng dậy trong tấm lòng cậu thiếu niên thông minh. Trước mắt cậu là một đại dương bềnh bồng vô tận những đắng cay, những đọa đày và chết chóc, là một Tây Ban Nha nhức nhối những ung nhọt của một chế độ quân chủ mục nát, là một Châu Âu rạn nứt đang bàng hoàng trước tiếng sét của Công xã Pari.
Mới mười sáu tuổi, Blaxcô Ibanhex đã rời quê hương đi Madrit, thủ đô Tây Ban Nha, tìm một con đường lập thân phù hợp với hoài bão: Blaxcô muốn viết văn, nhưng trong môi trường anh mơ ước lại đang diễn ra một cuộc đấu tranh giữa hai trào lưu tiến bộ và suy đồi trong nền văn học phương Tây. Blaxcô bắt nhịp dễ dàng với trào lưu tiến bộ như một lẽ đương nhiên mang tính quy luật phát triển tất yếu của một bản chất nhân đạo. Ngòi bút trẻ tràn sức sống sôi động và lại giàu tưởng tượng được luyện trong các bài báo, truyện ngắn đầu tay, chĩa vào cái xã hội đang quay cuồng giữa cơn lốc điên loạn của đồng tiền, danh vọng và sa đọa, cái xã hội của những "Đông Xaluyxtơ", "Đông Xêda" trong Ruy Blax  (vở bi kịch lịch sử nổi tiếng của Víchto Huygô về Tây Ban Nha). Tài năng của Blaxcô Ibanhex nảy sinh trong mối quan hệ khăng khít của ông với cuộc sống, trong hoạt động thực tiễn không tách rời với chính trị đương thời. Mối quan hệ này làm cơ sở cho những sáng tác của ông sau này và là một nhân tố quyết định vị trí của ông trên văn đàn thế giới. Hiển nhiên đó chính là một nguyên nhân cơ bản nhất khiến ông trở thành một trong những người thày của chủ nghĩa hiện thực trong nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Giữa cuộc khủng hoảng suy đồi của các trào lưu văn học đang thoái hóa, Blaxcô Ibanhex đã nổi bật lên như một biểu tượng của một sức mạnh kiên cường trong hoạt động văn hóa Tây Ban Nha. Ông gây lại được cái cảm hứng đang mất đi về thời hoàng kim của nền văn học Nghệ thuật Tây Ban Nha trong giai đoạn Phục hưng cuối thế kỷ XVI. Ta lại thấy ở Blaxcô Ibanhex điều mà ta đã thấy ở nhà văn vĩ đại, ngôi sao sáng vĩnh cửu của Tây Ban Nha Xécvăngtex, sự đồng cảm sâu xa với nhân dân và lòng yêu nước nồng nàn xuất phát từ một trái tim nóng bỏng những yêu thương.
Chàng thanh niên ngoài hai mươi tuổi Blaxcô Ibanhex ấy đã lao vào, cũng say mê như anh say mê văn học, những hoạt động chính trị chống chính thể quân chủ Anphôngxơ đệ tam và Hoàng thái hậu Crixchin. Blaxcô Ibanhex gia nhập một Nhóm cách mạng. Bị khủng bố gắt gao, anh phải trốn ra nước ngoài, vượt qua vùng núi Pyrênê phân chia ranh giới Tây Ban Nha - Pháp, sang Pari, thủ đô hôm qua của nền tự do Công xã.
Hai năm sau, Blaxcô trở về nước tham gia Phong trào Cộng hòa cũng vẫn với ý thức chống chế độ quân chủ và tư sản tàn bạo đang đè nặng lên Tổ quốc ông. Ông lập ra tờ báo Nhân dân (El Pueblo) nói về nhân dân theo đúng cái tên của nó, về những đau thương, những khát vọng và rủi ro của họ. Ông muốn tái tạo qua cách nhìn của ông cuộc sống của quê hương ông theo đúng ý nghĩa thực chất của nó, nơi ông đã tích lũy được những tư liệu phong phú từ cây cỏ, sông núi đất Valăngx đến những con người địa phương Anđaludi. Tập truyện ngắn Những mẫu chuyện ở Valăngx (1893) ra đời mở đầu cho hàng loạt tiểu thuyết Gạo và thuyền (1894); Hoa tháng Năm (1895); Mảnh đất bị nguyền rủa (1899); Giữa những cây cam (1900); Bùn và sậy (1902).
Cứ xem những năm sinh của các tác phẩm đó cũng đã thấy cái sung sức của cây bút trẻ ấy đến nhường nào. Thường là mỗi năm một cuốn! Lúc Tập truyện về Valăngx ra đời, Blaxcô mới ngoài hai mươi nhăm tuổi; ông được bầu làm nghị viện thành phố. Cương vị này giúp ông có được những điều kiện vật chất cần thiết để tập trung vào sáng tác và hoạt động quần chúng.
Năm 1898, cuộc đời lại thử thách Blaxcô với sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ nhằm giành giật những đất đai Nam Mỹ mà Tây Ban Nha đã chiếm đoạt từ những thế kỷ trước. Máu dân lành Tây Ban Nha và dân thuộc địa lại đổ xuống cho túi vàng và thị trường của chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn cuối cùng của nó. Blaxcô không khỏi ngậm ngùi trước nỗi thống khổ của nhân dân. Lo sợ trước sự phản ứng của ông, bọn cầm quyền trong nước đã bắt giam ông ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cánh cổng nhà tù lại một lần nữa ngăn cách ông với cuộc sống tự do và sáng tác.
Thực tiễn phong phú và những kinh nghiệm bản thân, dù cay đắng vẫn là những người thày dẫn dắt ông không lùi bước. Tính chiến đấu trong văn phong Blaxcô mang đậm nét cái bản chất chiến đấu của riêng ông; Blaxcô không dừng chân trên con đường của sự nghiệp mà ông đã theo đuổi từ lúc tuổi còn rất trẻ. Và, ông lại viết. Một chân trời phóng khoáng mở ra trước mắt ông cùng với sự phát triển của một quá trình nhận thức và căm thù đã được sàng lọc qua thực tế cuộc sống. Sự rung cảm của ông đi vào chiều sâu hơn. Ông muốn dựng lên những bức tranh đời thực sự phản ánh cái xấu xa, cái tàn ác, cái mặt trái bẩn thỉu phủ nhiễu điều của giai cấp phong kiến và tư sản đang sống giàu sang phù phiếm trên những đau khổ và nghèo đói của nhân dân. Blaxcô chọn loại truyện tâm lý xã hội và đi vào thể loại này với một bản lĩnh đã trưởng thành vượt bậc. Cũng vẫn gần như mỗi năm một truyện. Những tiểu thuyết Dưới bóng thánh đường (1903); Kẻ ngoại lai (1904); Hầm có rượu, Bầy lang thang (1905); Đấu trường đẫm máu (1908) kế tiếp nhau như những bông hoa mỗi buổi sáng lại thấy thêm một bông rộ nở.
Sang Châu Mỹ la-tinh, ông làm nghề kinh doanh, xây dựng một trang trại khá lớn ở Achentina nhưng chẳng bao lâu thì phá sản. Trở lại Tây Ban Nha với những cảm xúc mới và những vốn sống hải ngoại, Blaxcô lại viết một loại truyện dài rút ra từ những sự kiện lịch sử trong mối quan hệ Tây Ban Nha với Châu Mỹ: Mảnh đất của mọi người (1912); Những con bạch tuộc (1914)... Cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Blaxcô đứng dậy chống chiến tranh bằng ngòi bút tiến công, vạch trần những tội ác của đế quốc Đức. Ba cuốn tiểu thuyết sôi động tính chiến đấu và giàu tính nhân đạo nối tiếp nhau ra đời từ 1916 đến 1919: Bốn kỵ sĩ trong cuốn sách Khải huyền (1916); Biển của chúng ta (1918), Kẻ thù của phụ nữ (1919). Nhiều truyện của Blaxcô được dịch ra nhiều thứ tiếng ở nhiều nước, được chuyển thành những kịch bản điện ảnh và sân khấu. Quần chúng Tây Ban Nha cũng như quần chúng Châu Âu và Châu Mỹ la-tinh tìm thấy trong các truyện của ông những con người của họ và một nguồn vừa an ủi vừa cổ vũ toát ra từ tấm lòng nhà văn đã đặt vào tác phẩm. Tên tuổi Blaxcô Ibanhex nổi lên bên những nhà văn kiệt xuất trong lịch sử văn học phương Tây như một người kế tục kiên cường truyền thống hiện thực ở thời kỳ bản lề giữa hai thế kỷ.
Cuối đời mình, Blaxcô Ibanhex vẫn không rời hoài bão phấn đấu cho một xã hội Tây Ban Nha tự do, dân chủ và tôn trọng nhân phẩm. Ông công nhiên chống Primô đờ Rivơra (Primo de Rivera), một viên tướng quân phiệt, thâu tóm cả quyền hành, áp đặt chế độ độc tài trên đất nước Tây Ban Nha suốt từ 1923 đến 1930. Tiếc rằng Plaxcô không tiếp thụ được ánh sáng của chủ nghĩa xã hội khoa học, không nhận thức được vai trò lịch sử của giai cấp vô sản mà ông đã may mắn được chứng kiến trong đời mình hai sự kiện chấn động toàn thế giới: Công xã Pari và Cách mạng tháng Mười Nga. Thế giới quan của ông bị hạn chế, ông không chỉ ra được một lối thoát cho những số phận đau khổ; vai trò của nhân dân lao động, những người có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới còn mờ nhạt trong các tác phẩm của ông.
Bị chế độ độc tài khủng bố, Blaxcô Ibanhex lại một lần nữa rời Tổ quốc Tây Ban Nha. Lần này, ông chạy sang Côt Đaduyva (Côte d Azur) thuộc vùng duyên hải ở miền Nam nước Pháp. Tại đây ông viết những tác phẩm cuối cùng: Người chủ của biển cả (1925);
Chuyến vòng quanh thế giới của một nhà tiểu thuyết (1927).
Blaxcô Ibanhex mất năm 1928 trong lúc ở đất nước ông chế độc tài Primô đờ Rivơra vẫn còn tồn tại thêm hai năm cuối cùng của nó. Nhưng rồi, hết họa Rivơra, được mấy năm dân chủ, Tây Ban Nha lại rơi vào một tai họa khủng khiếp hơn: họa phát xít Frăngcô. Blaxcô Ibanhex ra đi mà hoài bão cuối cùng chưa đạt được. Chỉ còn lại những tác phẩm, những vũ khí rèn bằng tâm hồn và trí lực không mệt mỏi của ông để cho hậu thế. Chúng tồn tại vĩnh cửu trong kho tàng văn học quý báu của loài người, mãi mãi là những nhân chứng không thể chối cãi về tội ác của một chế độ xã hội đã đi vào thời điểm cáo chung của nó.
ĐẤU TRƯỜNG ĐẪM MÁU là một trong những công trình nghệ thuật vĩnh cửu của Blaxcô Ibanhex. Nó phản ánh đúng cái thực chất của xã hội mà Mác đã nhận xét từ lâu rằng: "Ở Tây Ban Nha, giai cấp quý tộc đã tàn lụi vẫn còn cố bám lấy những đặc quyền xấu xa của nó". ĐẤU TRƯỜNG ĐẪM MÁU khai thác một phong tục trong lịch sử nhưng không dừng ở sự sao chép phong tục mà đã dựng nó thành một sáng tạo văn học với nội dung hiện thực giàu tính chiến đấu và sức truyền cảm mạnh mẽ. Nội dung ấy còn có giá trị như một bản án với đầy đủ nhân chứng sống: ở đấy nạn nhân là chàng matađo(2) xuất thân từ lớp nghèo và bị cáo là cả cái chế độ xã hội đang ngự trị Tây Ban Nha.
Đọc ĐẤU TRƯỜNG ĐẪM MÁU, người ta có cảm giác những quan điểm mỹ học của nhà văn hiện thực Pháp vĩ đại Hônôrê đờ Banzắc (Hônoré de Balzac) đã ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng sáng tác của Blaxcô Ibanhex, từ tính chân thực của sự tái tạo cuộc sống đến phương pháp tư duy nghệ thuật, xây dựng và chọn lựa điển hình. Banzắc đã từng viết : "Trong khi miêu tả những điều xấu và những điều tốt, trong khi tập hợp những sự kiện chính của dục vọng, trong khi mô tả những tính cách, trong khi lựa chọn những sự kiện chính trong xã hội, trong khi xây dựng những điển hình bằng cách tập hợp những nét của nhiều tính cách tương tự, có lẽ tôi có thể viết được lịch sử đã bị các nhà sử học bỏ quên, đó là lịch sử của các phong tục". (Lời nói đầu - Tấn trò đời).
Blaxcô Ibanhex đã làm được cái việc bỏ quên ấy của các nhà sử học như Banzắc nói và viết lên bằng lời văn giản dị với sức tưởng tượng phi thường lịch sử của một phong tục: đấu người với bò mộng. Con người và những biến cố xã hội chính được Blaxcô tái hiện bằng những điển hình từ hai cực, bên này là những người lao động bị hy sinh, bên kia là những kẻ gây ra và hưởng thụ sự hy sinh ấy; bên này là những đấu sĩ đang vờn nhau với cái chết, bên kia là những chủ nhân ông các trang trại, các phu nhân theo dõi thích thú trên khán đài.
Khác với cái thú chọi trâu ở một số địa phương nước ta ngày xưa trong các ngày hội làng, chọi bò mộng ở Tây Ban Nha không phải diễn ra giữa vật với vật mà là giữa người với vật và cái chết được chọn làm trọng tài duy nhất. Đó là một trò chơi mang tính truyền thống Tây Ban Nha, một thứ nghệ thuật thượng võ rùng rợn thách đố tính mạng con người, được giới thượng lưu lấy làm trò tiêu khiển và một nguồn lợi kinh doanh. Các đấu sĩ thường xuất thân từ lớp dân nghèo phải liều thân để đổi lấy miếng ăn. Họ lo sợ nhưng vẫn phải lao vào, đúng như lời nhân vật chính Huan Gađacđô thú nhận: "Những cái sừng tệ hại nhất là cái sừng của con ma đói". Sau mỗi trận đấu khi các nhà quyền quý và các chủ trại thản nhiên ra về thì ở hậu trường lại là những tiếng rên của đấu sĩ và tiếng kêu khóc của người thân của họ.
Huan Gađacđô thuộc vào một số ít đấu sĩ có tài năng và may mắn. Nhưng rồi chính sự may mắn ban đầu này, sau khi dẫn anh tới phú quý vinh hoa, cuối cùng lại từ bỏ anh, buộc anh trở về với số phận chung của các matađo.
Từ một kẻ du đãng nghèo, Huan Gađacđô bỗng trở thành một đấu sĩ lừng danh cả nước Tây Ban Nha vì lòng dũng cảm rất liều lĩnh của anh. Và, một bước ngoặt diễn ra: đồng tiền danh vọng và những lạc thú vật chất của giới quý tộc đã hút anh vào quỹ đạo thượng lưu; anh tách dần con người mình ra khỏi cái gốc rễ giai cấp bần cùng đã sản sinh ra anh để bám vào sau cỗ xe choáng lộn của giai cấp thù nghịch; anh say sưa trước sự sùng bái anh như một thần tượng, luôn luôn nhìn mình và nhìn xung quanh một cách tự đắc. Ra đấu trường, anh cũng thơm nức mùi nước hoa giữa những mớ ruột gan vung vãi, những đống phân bò dính máu. Tác giả đi sâu vào sự phân tích tâm lý, chọn chi tiết tô đậm sự phát triển của tính cách và làm nổi bật tư tưởng của chủ đề. Blaxcô viết : "Anh xức nước hoa quá nhiều dường như vì thân thể anh vẫn còn giữ mùi cay đắng của thời niên thiếu nghèo khổ". Chưa đủ, anh còn ham thích một thứ nước hoa khác nữa, cái "mùi thơm của các phu nhân". Và chả còn lạ nữa khi anh sa vào cạm bẫy của Đônha Sôn, một phụ nữ quý tộc trẻ tuổi vừa đẹp vừa giàu, quen sống trên đời chỉ để ăn chơi phóng đãng. Ả hiến thân cho anh và rồi để như chả bao giờ biết đến anh. Huan Gađacđô phản bội mối tình trong sáng của người vợ nghèo giàu đức tính, phản bội cả những tình cảm thiêng liêng của quần chúng đã nuôi dưỡng, cổ vũ anh từ lúc còn hàn vi.
Blaxcô Ibanhex chứng minh cái thương, cái ghét sáng suốt và vô tư của quần chúng. Họ yêu người anh hùng của họ nhưng họ không yêu kẻ hãnh tiến đã tách ra khỏi mối quan hệ thủy chung với họ. Tuy nhiên họ vẫn thương đứa con bạc nghĩa mỗi khi thấy nó lâm vào những tình huống hiểm nghèo và họ quan tâm đến anh như đối với "một kẻ tử tù đã bị đưa vào nhà nguyện", họ nghĩ thế nào rồi cũng có ngày anh bị bò húc chết.
Nhân vật Cácmen, vợ Huan Gađacđô để lại cho người đọc một cảm giác thật tươi mát về một tấm lòng yêu không vụ lợi, hoàn toàn đối lập với Đônha Sôn:
người này xuất thân từ lớp người lao động, kẻ kia từ một dòng quý phái; người này yêu chung thủy, kẻ kia sa đọa và phản bội. Cácmen bộc lộ một bản năng nhân đạo rất độc đáo của nàng; nàng là một trong những người ít có ở đất nước nàng chẳng thích cái trò chơi giết người: đấu bò mộng, nó là nguồn lo lắng, nguồn đau khổ thường xuyên đe dọa hạnh phúc của nàng và biết bao người mẹ, người vợ khác.
Bên cạnh Cácmen, nổi lên một nhân vật đáng yêu nữa "Người quốc dân", một bác banđêriđiêrô(3) cùng đội với chồng nàng. Đó là một hình tượng đẹp, phản ánh trung thành niềm suy tư tự đáy lòng tác giả. Trước cái chết thê thảm của Huan Gađacđô, Blaxcô viết : "bác banđêriđiêrô trung thực không nói một tiếng, không nhỏ một giọt nước mắt, nhưng trong thâm tâm bác, đột nhiên nảy nở một mối hận thù dữ dội đối với tất cả những gì ở quanh bác, một nỗi bất bình phẫn nộ đối với công chúng, một sự khinh bỉ pha lẫn hối tiếc với cái nghề đang làm cần câu cơm của bác. Chao ôi! Phải chết để mua vui cho đồng chủng thì thật khủng khiếp và kinh khủng". Huan Gađacđô giết con bò mộng và con bò mộng giết Huan Gađacđô, cả hai cùng chết trong trận đấu. Bác banđêriđiêrô cảm thấy thương xót sâu sắc và thốt lên:
"Tội nghiệp con bò! Tội nghiệp anh matađo!"
Đúng thế, người và bò cùng là nạn nhân của một cuộc thảm sát, nạn nhân của những kẻ đang ngồi trên khán đài sang trọng kia, những chủ nhân các trại ấp mênh mông và những lâu đài tráng lệ, những ông chủ các hợp đồng đã "mua" Huan Gađacđô và hết sức quảng cáo ca tụng anh. Đó là hầu tước Đờ Môraima thuộc một loại "người - ngựa thần thoại" nuôi dưỡng những con bò thật dữ để đấu với matađo, là Đông Hôsê, nhà quý tộc sống bằng lợi tức, là những hội viên Câu lạc bộ Bốn mươi lăm thuộc hạng con dòng cháu giống chẳng có việc gì khác ngoài việc tụ tập nhau đánh bạc và theo dõi kết quả các trận đấu, là Đônha Sôn, điển hình sa đọa của tầng lớp quý tộc đã suy tàn... Đó là cả một xã hội, cả một chế độ mà Blaxcô Ibanhex đã đứng về phía những nạn nhân của nó để lột trần nó ra ánh sáng. Ông đã cùng một lúc làm được hai nhiệm vụ rất cơ bản mà người thầy của chủ nghĩa hiện thực phê phán Hônôrê đờ Banzắc đã đặt ra cho nhà văn: nhiệm vụ "Người thư ký" xã hội và nhiệm vụ người nghệ sĩ thể hiện thực tế xã hội đó.
Sau ĐÔN KIHÔTÊ của Xécvăngtex, với ĐẤU TRƯỜNG ĐẪM MÁU của Blaxcô Ibanhex được dịch và xuất bản lần này, chúng ta lại có dịp tiếp xúc với văn học hiện thực Tây Ban Nha, thưởng thức một kiệt tác làm rạng rỡ truyền thống hiện thực đó ở đầu thế kỷ hai mươi. Văn phong của Blaxcô Ibanhex không mượt mà và bay bướm nhưng ở ông bao giờ cũng là một sự mộc mạc sắc sảo, nồng nàn yêu thương và hừng hực chiến đấu. Tư tưởng tiến bộ và bút pháp ấy đã đem lại cho tác phẩm của ông một giá trị tố cáo mãnh liệt. Và, đó chính là thành tựu quan trọng đưa Blaxcô Ibanhex lên hàng những ngôi sao tiêu biểu nhất cho nền văn học hiện thực Tây Ban Nha, một nền văn học đã có thời làm rạng rỡ cả Châu Âu.

1982
(1) Xécvăngtex: Đại văn hào Tây Ban Nha Miguel de Cervantès, thế kỷ XVI, tác giả kiệt tác Đôn Kihôtê.
(1) Matađo: Tiếng Tây Ban Nha gọi người đấu sĩ trong trận đấu với bò mộng.
 (3) Banđêriđiêrô: thành viên trong đội đấu bò, có nhiệm vụ cắm xiên vào cổ bò trước khi matađo hạ sát nó.

Chương 1 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 933

Return to top