Mới đó mà đã nửa tháng. Bây giờ Thường đã là một thành viên thân thuộc trong đội ngũ những người bán dạo trước cổng trường và là một người quen của lũ học trò cấp một.Càng ngày anh càng thích nghi và trưởng thành dần trong nghề nghiệp của mình.Đã không còn những ngày bán huề vốn hoặc lỗ lã như thời gian đầu . Bà Tuệ và bé Nhi vẫn chưa hay biết gì. Chiếc nón rộng vành và đôi găng tay từ khi xuất hiện đã góp phần không nhỏ vào việc tẩy xóa những dấu vết đáng ngờ trên người Thường.
Nhưng như ông bà nói "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", sự đời lắm lúc không tài nào lường nổi . Đúng vào lúc Thường đinh ninh hành tung của mình không thể bị phát giác, bất thần anh đụng phải ... người quen, lại đụng ngay trước cổng trường Phương Nam, nơi anh đang hành nghề, thật là xui rủi .
Hôm đó, Thường đang nấn ná bán nốt phần kẹo cuối cùng cho bọn trẻ vừa tuôn ra khỏi cổng giờ tan học. Theo một thói quen không rõ nguồn gốc, vào giờ khắc này Thường thường bán rất rẻ, do đó bọn trẻ bu lại khá đông.
Chung quanh Thường, lố nhố trước cổng là những bậc cha mẹ vừa vội vã rời sở làm để kịp đón con. Những ngày đầu, Thường còn thấp thỏm và kín đáo quan sát những người này, nhưng rồi sau một thời gian chẳng bắt gặp ai quen, Thường không còn nơm nớp lo sợ nữa, thậm chí anh chẳng buồn mảy may để tâm đến họ .
Nhưng đúng vào ngày xúi quẩy nọ, lúc Thường còn đang loay hoay tìm tiền lẻ để thối lại tờ bạc hai ngàn của một thằng bé thì bỗng có tiếng thúc giục vang lên bên tai:
- Lẹ lên Đạo! Em làm gì lâu vậy ?
- Chị chờ em chút! Em đang đợi thối tiền! - Thằng bé đáp.
- Thôi khỏi! Chị có tiền lẻ đây nè!
Vừa nói, người con gái vừa bật chống xe đánh "tách" một cái và xăm xăm bước lại . Ngay từ khi cô gái vừa lên tiếng, Thường đã giật bắn người khi nhận ra giọng nói quen thuộc của Thủy Tiên, cô bạn cùng lớp với mình. Phát hiện đó khiến anh vô cùng sửng sốt. Từ khi đứng bán ở đây, chưa bao giờ Thường thấy Thủy Tiên xuất hiện, thậm chí anh không nghĩ điều đó lại có thể xảy ra . Vậy mà bây giờ đột nhiên Thủy Tiên lại có mặt, lại gọi một thằng bé ở trường này bằng em và lại đang hăm hở tiến về phía Thường.
Sự việc xảy ra bất ngờ đến mức Thường chẳng thể tránh đi đâu được. Anh chỉ có cách cúi gằm mặt xuống, hy vọng vành nón sẽ che khuất tầm mắt người đối diện.
Bây giờ thì Thủy Tiên đã đứng ngay trước mặt anh. Cô hỏi:
- Khúc kẹo kéo vừa rồi bao nhiêu vậy chú ?
Hẳn cách ăn mặc xộc xệch của Thường khiến Thủy Tiên ngỡ anh đã lớn tuổi lắm. Cách xưng hô của Thủy Tiên khiến Thường càng bối rối . Anh ấp úng:
- Không ... khô ... ô ... ông, à ... bă trăm ...
Sự lúng túng của Thường làm Thủy Tiên ngạc nhiên. Cô khẽ liếc nhìn anh và bật kêu sửng sốt:
- Kìa Thường!
Thường điếng cả người . Rồi biết không thể giấu giếm được nữa, anh khẽ lật vành nón lên, gượng gạo:
- Thủy Tiên đi đâu đây ?
- Thủy Tiên đi đón em. Em Thủy Tiên học trường này .
- Sao trước nay tôi không gặp Thủy Tiên?
- Trước nay mẹ Thủy Tiên đi đón. Hôm nay mẹ bận nên sai Thủy Tiên đi .
Bây giờ Thường mới để ý chiếc Cúp 82 màu xanh dựng bên lề đường. Đúng là chiếc xe quen thuộc mà Thường hằng thấy . Hẳn người đàn bà trước nay đi đón con trên chiếc xe đó là mẹ Thủy Tiên.
- Còn Thường! - Thủy Tiên ngập ngừng hỏi - Trước nay Thường vẫn...
Thủy Tiên không nói hết câu . Cô ngắc ngứ một hồi rồi im bặt. Sự ý tứ của Thủy Tiên chẳng hiểu sao lại làm Thường đâm ra bực dọc. Anh trả lời, giọng khích động:
- Ừ, trước nay tôi vẫn đi bán kẹo kéo! Nhà nghèo, đành phải vậy thôi!
Thủy Tiên định đứng nói chuyện với Thường thêm ít phút nữa nhưng thấy Thường bỗng nhiên cáu kỉnh, lại còn nói cạnh nói khóe sự giàu có của gia đình mình, cô đành tặc lưỡi cáo lui .
Thường không biết sự gặp gỡ bất ngờ đó đã khiến lòng dạ cô bạn cùng lớp với anh xốn xang vô kể. Trên suốt đường về, cô chỉ nghĩ tới anh và cảm thấy vô cùng áy náy về sự khác biệt lớn lao giữa cô và anh trong cuộc sống. Lần đầu tiên, cô không chỉ nghĩ đến bản thân mình.