Những ngày sau đó, Thường lại lang thang đi kiếm việc làm thêm. Mẹ bảo bổn phận của Thường là học tập. Thường cũng biết thế; nhưng anh lại không thể dửng dưng nhìn mẹ quần quật suốt ngày đêm. Anh tự nhủ: mình đi làm thêm, nhưng mình sẽ cố gắng học tập tốt. Như vậy, hẳn mẹ sẽ chẳng buồn lòng vì mình.
Nhưng Thường lại chẳng thể tìm việc ở bất cứ nơi đâu . Như những lần trước, anh rảo đến rã cẳng qua khắp các đường phố để rồi lại thất thểu lê gót về nhà, người mỏi nhừ, lòng ê chề, tuyệt vọng.
Trong một lần lang thang vô vọng như thế, tình cờ Thường gặp chú Kiến, một người bạn trong cánh thợ hồ của ba trước đây .
Thoạt tiên, Thường không nhận ra chú. Chú mặc một chiếc quần dạ cũ xì, với chiếc áo ca-rô bạc màu cũng cũ không kém. Chỉ có chiếc kê-pi in hàng chữ Afnor đội trên đầu là mới . Khi Thường gặp chú, chú đang dắt chiếc xe kẹo kéo đi ra từ một con hẻm nhỏ, với chiếc thùng gỗ giăng đầy những đèn màu chớp nháy và tiếng nhạc xập xình phát ra từ cặp loa tăng âm hết cỡ.
Chú Kiến nhìn thấy Thường trước. Chú kêu:
- Thường!
Nghe tiếng kêu, Thường ngạc nhiên quay lại và sau khi chớp mắt hai, ba cái, Thường mới nhận ra người quen và mừng rỡ chạy lại:
- Chú!
Chú Kiến lau tay vào một miếng giẻ treo cạnh thùng gỗ rồi ôm chặt lấy vai Thường, vồn vã hỏi:
- Cháu đi đâu đây ? Sao, dạo này mẹ cháu khỏe không ?
- Dạ, mẹ cháu vẫn khỏe! - Thường liếm môi, ngập ngừng - Nhưng... không thật khỏe lắm! Dạo này mẹ cháu phải đi dạy thêm buổi chiều và buổi tối ...
Chú Kiến chép miệng:
- Chà, thế thì gay quá! Hẳn là mẹ cháu rất vất vả!
Giọng chú Kiến bùi ngùi . Chú nắn nhẹ vai Thường:
- Hai anh em cháu vẫn đi học đều đấy chứ ?
- Dạ, cháu và Nhi vẫn đi học bình thường.
- Thế còn hôm nay cháu đi đâu đây ?
Chú Kiến nhắc lại câu hỏi khi nãy khiến Thường đột nhiên lúng túng. Anh ngập ngừng:
- Dạ, cháu đi ... tìm việc làm.
- Tìm việc làm ? - Chú Kiến trố mắt - Cháu nói cháu vẫn còn đi học kia mà!
Thường gãi đầu:
- Cháu chỉ tìm việc làm thêm buổi chiều thôi . Cháu muốn giúp đỡ mẹ cháu .
- Thì ra vậy! - Chú Kiến gật gù - Thế cháu đã tìm được việc gì chưa ?
Thường đỏ mặt:
- Dạ chưa ạ! Cháu chẳng có nghề ngỗng gì nên chẳng nơi nào chịu nhận.
- Gay go đấy! - Chú Kiến hắng giọng - Thời buổi này, có nghề chuyên môn kiếm việc làm đã khó, huống gì tay trơn như cháu! Hay là như thế này ...
Đang nói, chú Kiến bỗng ngừng bặt khiến Thường phải buộc miệng:
- Sao ạ ?
Chú Kiến tỏ vẻ ngần ngại:
- Ý chú muốn nói là nếu cháu không thấy ngại, cháu đi bán kẹo kéo với chú.
Thường tròn mắt:
- Đi bán kẹo kéo ?
- Cháu ngạc nhiên lắm sao ? Một buổi đi học, một buổi đi bán kẹo kéo, giống như chú vừa làm thợ hồ vừa bán kẹo kéo vậy!
- Nhưng cháu ... cháu ... - Thường khẽ liếc chiếc xe cồng kềnh, sặc sỡ của chú Kiến, giọng lúng túng - Cháu ... cũng không biết nữa!
Dường như thông cảm tâm trạng của Thường, chú Kiến ôn tồn hỏi:
- Cháu mắc cỡ phải không ?
Thường ngượng nghịu thú thật:
- Dạ . Cháu sợ đi bán như thế này, ra đường con nít bu quanh, cháu mắc cỡ lắm.
Chú Kiến vỗ vai Thường, trấn an:
- Cháu đừng sợ . Chú không bảo cháu phải trang bị như chú đâu . Đi bán kẹo kéo, muốn được con nít bu quanh đâu có dễ. Phải có đèn xanh xanh đỏ đỏ, phải có dù nhiều màu, rồi phải mua chiếc cát-xét, cặp loa, thêm cái bình ắc-qui nữa, sắm tất cả tốn mấy trăm ngằn chứ đâu có ít. Cháu thì khỏi cần trang bị như vậy . Cháu khỏi cần phải đi rảo khắp các hang cùng ngõ hẻm như chú. Cháu chỉ cần sắm một cây kẹo, đèo trên xe đạp, chiều chiều tới bán trước cổng trường cấp một là được rồi .
Hình ảnh nghề bán kẹo kéo "cố định" do chú Kiến vẽ ra quả thật không đến nỗi "khủng khiếp" như nghề bán kẹo kéo "di động" với đủ trò nổi đình nổi đám như Thường hằng thấy . Chở một cây kẹo kéo đến trước một cổng trường nào đấy, bán cho lũ trẻ con trước lúc vào học. Rồi kiếm một bóng mát ngồi đọc sách hoặc ôn bài chờ bọn trẻ ra chơi . Khi chúng vào lớp, lại ngồi đợi kẻng tan học để bán nốt khúc kẹo còn lại trước khi thanh thản đạp xe ra về. Nếu chỉ đơn giản và kín đáo như vậy Thường nghĩ mình có thể làm được. Dù sao thì cũng không còn cách nào khác, nếu mình muốn giúp đỡ mẹ . Vấn đề còn lại là vốn liếng. Thường nhìn chú Kiến, băn khoăn hỏi:
- Để làm như chú nói, cháu cần phải có bao nhiêu tiền hả chú ?
- Nghề này vốn liếng chẳng bao nhiêu đâu! Cháu bán một buổi, chỉ cần một ký đường, một ký đậu, vài ống bột màu là đủ. Chừng mươi, mười lăm ngàn. Còn việc nấu đường rồi đánh thành kẹo, chú có thể làm giúp cháu được.
Thường nhíu mày, lẩm bẩm:
- Mươi, mười lăm ngàn...
Quả thật số tiền này không phải là lớn, nhưng vẫn làm cho Thường băn khoăn. Trong tình cảnh hiện nay, anh khó mà xoay ra một món tiền như vậy . Xin mẹ thì Thường không dám. Nếu mẹ biết được Thường định đi bán kẹo kéo, chắc chắn mẹ sẽ rầy la và ngăn cản quyết liệt. Vả lại, chưa chắc mẹ đã có tiền. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Thường vẫn chưa tính được kế gì.
Nhìn vẻ mặt của Thường, chú Kiến biết ngay điều anh đang lo nghĩ. Chú cười nói:
- Cháu đừng lo về chuyện tiền bạc. Chú sẽ cho cháu mượn vốn. Nhiều thì chú không có chứ mười lăm ngàn chú giúp cháu được. Nghề này coi vậy chứ cũng dễ ăn lắm. Một lời một mà!
Nhiệt tình của chú Kiến khiến Thường vô cùng xúc động. Anh cầm chặt tay chú, giọng cảm kích:
- Cảm ơn chú, chú tốt với cháu quá!
Chú Kiến cười hiền lành:
- Có gì đâu mà cháu phải cảm ơn! Chú là bạn của ba cháu, nay gia đình cháu gặp khó khăn, chú giúp cháu là chuyện bình thường mà!