Người trẻ tuổi tính thường nóng nảy, nếu muốn làm việc chi hễ ai ngăn cản buồn rầu không thể khuây được, nếu đã ưa vật nào ai cắt cớ chê vật ấy tức giận không thể dằn được. Có người chê tánh ấy là tánh xấu, còn có kẻ lại khen tánh ấy là tánh tốt. Lời chê không được đúng và lời khen cũng không được nhầm, bởi vì nếu mình muốn làm việc phải, song người ta theo ngăn cản, dường ấy há chẳng đáng hay sao? Còn như việc quấy, mình muốn làm nếu người ta cản sao mình lại buồn. Cái quấy mình lại yêu, nếu người ta chê sao mình lại giận? Như những người khen chê là người ngoài, mấy việc họ ngó thấy là việc của thiên hạ, không quan hệ chi đến họ nên họ mới thơ thới trong lòng mà nghị luận phải quấy được, thản như họ muốn người ta cản, họ yêu, lại người ta chê, sợ e họ không khỏi tối mắt nóng lòng, rồi họ quyết định chỗ họ muốn là phải, chỗ họ yêu là hay, dầu ai cằn nhằn họ cũng buồn, dầu ai chê trúng họ cũng giận. Phi Phụng là gái mới lớn lên, tuy tánh tình chơn chánh không chịu nghe lời hoa nguyệt, không ưa thấy dạng bướm ong, song khi cô còn tại trường hay là lúc cô về đến nhà, hễ đêm khuya vắng vẻ, bóng trăng man mát, tiếng dế chắc chiu, cô nằm nhớ việc quá vãng, suy việc tương lai, lắm lúc cô tưởng đến sự trăm năm tơ tóc. Cô thôi học về ở nhà không được mấy ngày, kế cô nghe có ba chỗ gấm ghé muốn vầy duyên cầm sắc. Gái quê mùa dốt nát, coi bạc tiền là trọng, biết ruộng đất mà thôi, chắc ưng ba Quận là con bá hộ Siêu đặng là dâu phú hộ. Gái ham quyền mê tước, muốn kẻ bẩm người thưa, thì chắc ưng Bá Kỉnh là con quan Phủ Thiện, Phi Phụng không phải là không muốn giàu lại cũng không phải là không muốn sang, nhưng tại vì có học mấy năm nên chỗ kiến thức rộng rãi, sự ao ước thanh nhã, bởi vậy tự nhiên cô đành Thủ Hiệp hơn hai người kia, cô không thèm biết Lâm Yên nghèo hay giàu, cô không thèm xét Thủ Hiệp tốt hay xấu. Cô đã chủ tâm rồi, lại thêm lúc cha gần tắc hơi, là lúc cô đau đớn buồn thảm hơn hết trong đời, cha lại trối phải gả cô cho Thủ Hiệp, làm cho ý muốn của cô càng thêm chắc, lòng yêu của cô càng thêm sâu. Tuy cô không tỏ tâm sự của cô cho ai biết nhưng cô đã thầm nguyện se tơ kết tóc với Thủ Hiệp thôi, dầu ai hiển vinh phú quý hơn cô cũng không màng, dầu nước biển cạn đá núi mòn, cô cũng không đổi. Thình lình Tú Cẩm cản không gả cô cho Thủ Hiệp mà không nói duyên cớ, gieo tiếng xấu cho Thủ Hiệp mà không chỉ xấu chỗ nào, nhè chỗ muốn của cô mà ngăn, nhè chỗ yêu của cô mà chiết, bởi vậy cô buồn rồi tức, cô giận nói sanh rầy, cô không chịu suy xét coi Tú Cẩm cản cô nhầm hay không, chê có đúng hay không, cô quyết thà bỏ gia tài cho phỉ dạ ước mơ, chớ không chịu trái ý muốn đặng tấm thân yên ổn. Mẹ con dắt nhau xuống Cái Cùng, bà Huyện tính đi chơi một đôi tháng cho giải khuây phiền nảo và nom coi Tú Cẩm xử sự như thế nào còn Phi Phụng giận quá không chịu thấy mặt Tú Cẩm, còn ra đi thì quyết định đi luôn, nếu Tú Cẩm còn ở trong nhà cô thề không bao giờ trở về đó nữa. Bởi chí cô như vậy, nên xuống ở đậu nhà hương Cả Mai, là người hóa ruộng của bà Huyện vừa mới hai ngày thì cô cứ theo xúi giục mẹ cất nhà ở. Ban đầu bà còn dục dặc, Phi Phụng nói riết bà cũng xiêu lòng, nên bà xuất cậy người mua cây ngói rồi cất một cái nhà ba căn trỏ cửa ra bờ kinh, vách đóng ván bổ kho, nóc lợp ngói không phong tô (36), ai đi ngang qua cũng tưởng cất một cái lẫm lúa nhỏ. Nhà cất xong rồi bà Huyện mua ván giường bàn ghế sơ sài dọn về nhà đó. Tuy vật dụng không đủ, nhưng chánh giữa nhà bà cũng có dọn một bàn để tối sớm thờ chồng, có người thấy mẹ con bà bỏ nhà lầu xuống ở nhà nhỏ như vậy lấy làm lạ, nên theo hỏi bà hoài. Bà không muốn tỏ việc nhà cho ai biết nên bà nói ở Bạc Liêu nóng cực bởi vậy bà trở về ruộng đặng dưởng nhàn, có con trai lớn coi nhà bà không còn muốn trên nhà nữa. Từ ngày xuống ở Cái Cùng tuy bà Huyện và Phi Phụng không nói ra, song hai mẹ con đều có ý trông Lâm Yên định ngày nào đặng tính cuộc hôn nhơn phứt cho rồi. Nào dè Lâm Yên không vãng lai lại cũng không có tin tức chi hết. Bởi hứa làm sui với nhau không có mai dong (37), nên bây giờ bà Huyện không biết mượn ai đi nhắc. Mẹ con trông đợi hoài cho tới gần Tết bà Huyện mới tính trở về Bạc Liêu thăm nhà, sau mở tủ lấy thêm bạc. Bà biểu Phi Phụng đi với bà, Phi Phụng nói: “Con cũng muốn về thăm nhà lắm, ngặt sợ về gặp mặt người đó con không chịu được, vậy thôi má đi một mình, để con ở lại coi nhà.“. Bà Huyện về tới nhà, Tú Cẩm dòm thấy liền chạy ra mừng rỡ, chừng nghe nói Phi Phụng không về anh ta lộ sắc buồn. Bà Huyện đi cùng từ trước ra sau, từ trên xuống dưới, thấy tài vật còn nguyên như cũ, không dời đổi món nào hết. Bà hỏi riêng mấy đứa ở chúng nó nói Tú Cẩm mỗi tháng đều lấy xe hơi đi Sài Gòn, khi ở năm bữa, khi ở mười bữa, mà hễ ở nhà buồn bực nhắc nhở bà với cô hai hoài. Ðến chiều bà Huyện mở tủ sắt, tính lấy bạc đi chợ mua ít cây lãnh, ít vóc nhiễu rồi khuya trở xuống ruộng. Nào dè mở ra thấy tủ trống trơn, không còn một đồng bạc nào hết. Bà nghẹn ngào không biết nói sao được, muốn hỏi Tú Cẩm ngặt chìa khóa bà cầm, lại rồi ra đi bà không giao, bây giờ mất bà nói sao được? Bà tức giận nên đi xuống ghe đi liền Tú Cẩm năn nỉ bà ở lại ít ngày và xin cho trẻ ở xuống rước Phi Phụng bà không thèm nghe, quyết trở về Cái Cùng. Ðêm ấy lối bốn giờ đêm bà về tới. Ghe vừa ghé bến bà dòm lên bà thấy đèn đuốc sáng lòa, lại người ta vào ra lộn xộn, bà không hiểu có việc chi nên lật đật nhẩy lên bờ kinh. Hương tuần Bộn đương đứng ngoài cửa dòm thấy bà liền chạy ra nói: - Thưa bà hại quá lớn quá, bà đi vắng ăn cướp đánh dọn nhà sạch trơn rồi. Bà Huyện nghe nói thất kinh liền hỏi vội: - Cha chả! Vậy còn con nhỏ tôi có hại gì hay không? - Thưa cô hai chạy ra khỏi nhà, không bị đánh đập chi hết! - Trời ôi! Ác nghiệt chi lắm vậy! Bà Huyện vào nhà, Hương chức và dân đương ngồi đầy nhà liền đứng dậy, kẻ thuật người hỏi lăng xăng, Phi Phụng thấy mẹ thì khóc chớ không nói chi được hết. Bà Huyện xem xét bạc vàng để trong tủ đều bị ăn cướp lấy hết, mẹ con bây giờ mỗi người chỉ còn một cái quần với cái áo mặc đó thôi. Hương chức và dân nói chuyện vang tai, kẻ tức chạy tới trễ, người khen rượt theo xa làm bà Huyện đã bị ăn cướp còn tốn thêm trầu nước chớ không ít chi cả. Sáng ngày sau, những người quen biết ở trong làng tới thăm lại còn làm cho bà phải tiếp rước mệt nhọc nữa. Chừng khách vãng bà mới thuật lại chuyện bạc để trong tủ sắt mất hết lại cho Phi Phụng nghe. Phi Phụng ngồi khóc nói: - Quân đó nó lấy, chớ ai vô đó được. - Mẹ khóa kỹ lưỡng, chìa khóa mẹ giữ nó làm sao lấy được, con đừng có nói như vậy không nên. - Trời ơi! Má tưởng tủ sắt đó chắc lắm hay sao? Vậy chớ nó không biết kêu thợ làm khóa giả đặng nó mở hay sao? Bà Huyện nghe nói rồi suy nghĩ một hồi thở ra, bỏ đi vô buồng nằm. Bà nghĩ là mẹ con bây giờ áo quần mất hết, đồ nữ trang còn có một chiếc đồng hồ mắt tre, Phi Phụng còn một sợi dây chuyền nhỏ, một chiếc đồng hồ với một đôi bông hột xoàn, còn bạc thì trong túi bà, bà còn 17 đồng đem theo đó thôi. Bà mới mượn của hương cả Mai 100 đồng bạc đặng may áo quần thêm ít cái và mua đồ ăn Tết luôn thể, nghĩ rằng ra giêng góp lúa không thiếu chi tiền mà lo. Năm ấy được mùa, từ điền chủ cho đến tá điền thảy đều vui vẽ. Ăn Tết rồi bài bạc nổi lên đánh rầm rầm, xóm nầy hốt me, xóm kia đánh phé, nay người nầy ăn năm bảy trăm, mai người nọ thua tám chín ngàn. Bà Huyện phải đi đến hương cả Mai, hội đồng Lễ, cựu Xã Cục, hương sư Thắng nhắc chừng, sợ thả lỏng họ bài bạc thua hết rồi khó mà đòi đủ huê lợi. Lối rằm tháng giêng Tú Cẩm ngồi ghe đi xuống Cái Cùng, hỏi thăm bà Huyện rồi tìm đến, Phi Phụng thấy dạng rồi rút vô buồng, để một mình bà Huyện nói chuyện, Tú Cẩm nghe nói bà Huyện bị ăn cướp thì bứt rứt, trách bà sao không nghe lời bỏ nhà đi dưới ruộng làm chi đến nỗi bị cướp như vậy, rồi lại trách sao bà không cho hay đặng anh ta mua áo quần đem xuống cho bà và đi báo quan xin lính đi kiếm bắt quân gian ác. Ðêm ấy anh ta cứ theo năn nỉ bà Huyện và Phi Phụng về Bạc Liêu ở, để anh ta coi góp lúa dùm cho, anh ta nói đến hai ba ngày nhưng bà Huyện cũng không xiêu lòng, túng thế anh ta ra về và nói: “Con nói đã hết lời song dì với em không chịu. vậy để con làm cho dì không góp được một hột lúa nào hết cho dì coi“. Tú Cẩm về Bạc Liêu mướn trưởng tòa xuống nhà mấy chủ đất rao cấm, phải đóng lúa ruộng cho Tú Cẩm chớ không được đóng cho bà Huyện. Mấy chủ hóa đất dục dặc sợ đóng cho bà Huyện rồi Tú Cẩm kiện phải đóng một lần nữa, nên ví lúa lại không đóng cho ai hết, rồi bà Huyện cầm tờ tá đến tòa kiện. Tòa đòi Tú Cẩm trình án tòa xử bà Huyện thất và dạy mấy chủ hóa đất phải đóng lúa cho Tú Cẩm. Bà Huyện về nói lại cho Phi Phụng nghe. Phi Phụng tức giận khóc một hồi rồi nói: “Má thấy hay chưa? Hồi mới con đã nói nó làm bộ nhỏ nhoi đặng giựt của mình nay coi có quả như vậy hay không? Thôi trời đã khiến như vậy xin má chớ buồn, để cho nó ăn, đừng thèm tranh cản chi nữa.“ Cách ít ngày Tú Cẩm xuống bán lúa, theo năn nỉ xin mẹ con bà Huyện trở về Bạc Liêu, Phi Phụng giận quá nên dằn không được nên mắng Tú Cẩm nhiều lời rất nặng nề tàn nhẫn. Tú Cẩm liệu nói không được nên phải từ ra về, trước khi xuống ghe lén để trong ô trầu 500 đồng bạc đặng cho bà Huyện dùng. Phi Phụng khuyên mẹ nên đem bạc ấy quăng xuống sông đi bởi sự sản nó giựt hết rồi bây giờ còn mặt mũi nào lấy tiền của nó? Bà Huyện cũng biết tức, biết giận, mà công bà làm cực khổ mới có sản nghiệp ấy, có lẽ bà tức giận nhiều hơn Phi Phụng bội phần song bà nghĩ bà còn thiếu hương cả Mai 100 đồng, đã mấy tháng nay chưa trả được, trong nhà bây giờ lại sạch trơn, bởi vậy bà phải dằn lòng để trả nợ và tiêu xài, chớ chi bà còn tiền, quăng xuống sông bà cũng không tiếc. Bà Huyện hết của đêm buồn rầu ăn ngủ không được, lần lần hình vóc gầy mòn, da mặt sâu, tóc điểm bạc, mới 47 tuổi, mà coi như người 55 hay 60 tuổi. Cách chẳng bao lâu bà nhuốm bịnh. Ban đầu Phi Phụng tưởng mẹ cảm mạo phong sương sơ sài, chẳng dè bịnh ngày càng càng nặng, mới đau có nửa tháng mà thầy thuốc nào coi mạch cũng đều chạy hết. Phi Phụng lấy làm bối rối, nhưng vì có một mẹ một con nên đành phải gượng gạo làm khuây đặng nuôi mẹ cho vuông tròn. Ðến bữa mùng 5 tháng 5 bà Huyện thấy trong mình đã gần mòn hõi rồi nên bà kêu Phi Phụng lại gần một bên rồi nói: “Cha mẹ sanh con, coi con như ngọc, tính làm giàu đặng thân con ngày sau sung sướng, chẵng dè trời khiến số con cực khổ, không được hưởng của mẹ cha mà sợ duyên phận của con lại lỡ làng đi nữa. Má nghĩ muôn việc đều tại trời, vậy con chớ nên phiền trách cha mẹ, dầu có bề nào con cũng bền lòng vững chí, đừng buồn rầu thái quá không nên“. Bà nói tới đó rồi mệt nói không tiếp được nữa. Phi Phụng đã đau đớn trong lòng nay nghe mẹ dạy lại càng đau đớn hơn nữa, song cô ôm mẹ mà khóc nho nhỏ, chớ không khóc rống om sòm như lúc cha tắt hơi năm trước. Bà Huyện nằm thở hoi hóp đến 4 giờ chiều bà tắt hơi, những người ở lân cận chạy tới, ai thấy thân Phi Phụng cũng cảm động. Có người khuyên Phi Phụng sai đứa ở lên Bạc Liêu kêu Tú Cẩm. Phi Phụng không chịu và đáp: “Mẹ tôi chết tôi chôn; bà con trong làng có lòng thương đến giúp tôi đội ơn lắm, chớ tôi không cần cho ai hay hết“. Hương cả Mai lãnh phần đi Bạc Liêu mua hòm và đồ đạc dùng trong đám tang dùm cho Phi Phụng. Tuy Phi Phụng không chịu cho Tú Cẩm hay, song bây giờ ông đã hóa đất của Tú Cẩm sợ e Tú Cẩm không khỏi phiền trách, bởi vậy khi lên Bạc Liêu mua đồ xong rồi ông mới ra nhà báo tin cho Tú Cẩm hay. Tú Cẩm nghe nói lật đật mở tủ lấy 2000 đồng bạc rồi thay áo đổi quần tính đi theo ghe hương cả Mai mà đi xuống dưới Cái Cùng. Bước xuống ghe anh ta thấy hương cả Mai đã mua một cái hòm bằng cây Sao, anh ta không chịu biểu chèo ghe trở lại chạy bù thêm tiền đổi lấy một cái bằng cây Huỳnh Hương, và mua thêm hàng lụa để dùng tẩm liệm rồi mới đi. Phi Phụng thấy Tú Cẩm tới thì trong lòng bất bình lắm, muốn đuổi phứt về cho rồi, ngặt mẹ chết chưa liệm, không lẽ làm rầy rà trong nhà, nên cô dằn lòng lo việc tống táng cho toàn vẹn, Tú Cẩm tới lo đám tang rất trọng, xin phép quan để cúng tế năm ngày, rước thợ hồ xây kim tĩnh gần mồ ông Huyện đặng ngày sau làm mã cho dễ. Những người quen biết tới điếu tang dập dìu; Lâm Yên ở trên Trà Kha cũng sai người đi điếu tang dùm và tỏ rằng Lâm Yên có bịnh nên bổn thân đến không được. Tống táng xong rồi, tốn hao bao nhiêu Tú Cẩm chịu hết, không để cho Phi Phụng hao đồng nào. Tú Cẩm khuyên Phi Phụng trở về nhà lớn ở đặng anh em hủ hỉ với nhau, Phi Phụng đáp: “Vì anh nên mẹ tôi mới buồn rầu chết đó. Tôi nhứt định không thấy mặt anh nữa, thôi, của cải của cha mẹ tôi, tôi để trọn cho anh ăn, tôi không thèm hưởng đâu, anh đừng có nói thất công vô ích“. Tú Cẩm cứ theo năn nỉ hoài, nói không được túng thế phải khóc lóc song Phi Phụng cũng không xiêu lòng, Tú Cẩm hỏi Phi Phụng có cần tiền bạc mấy ngàn anh ta sẽ đem cho. Phi Phụng lắc đầu đáp: “Một đồng bạc của anh tôi cũng không thèm lấy. Thà tôi đi làm mướn tôi ăn, chớ tôi không thèm lãnh của anh đâu“. Tú Cẩm ra về nhưng coi sắc mặt buồn bực lắm. Phi Phụng là mọt cô gái tánh tình cứng cỏi gặp nguy hiểm cô tỉnh táo như thường, hễ bất bình là dầu ai cô cũng không nể, hễ trái ý dầu bạc triệu cô cũng không ham. Ví cái tánh cứng cỏi ấy nên thân cô mới lao đao lận đận như vậy, mà có lẽ cũng nhờ có cái tánh cứng cỏi đó nên gặp cảnh như vầy cô không buồn rầu, hết cơ nghiệp cô coi cũng như mất một cái hộp quẹt, mất mẹ yêu dấu tuy đau đớn trong lòng song cô nhứt định không đổi tánh, tưởng bậc nam nhi ít ai cũng được như cô. Những người trong làng ai thấy cử chỉ của cô cũng cho là kỳ. Tuy vậy ai cũng kính sợ chớ không ai dám chê cô. Mà họ cho là cô kỳ, song không ai chịu xét thử coi vì cớ gì mà cô lại khác hơn người ta, tại làm sao cô lại không chịu ở nhà lớn, lại đành hẩm hút nơi đồng ruộng cho cực khổ tấm thân? Nếu ai chịu suy đoán tự nhiên ngó thấy tâm trí của cô rõ ràng, cô mất sự nghiệp không buồn, cô thà vùi tấm thân nơi đồng ruộng, chớ không chịu về chung chạ với Tú Cẩm, ấy chẳng qua vì chàng Thủ Hiệp mà thôi! Tú Cẩm đoạt hết gia tài cô giận, nhưng lòng giận của cô còn có ngày nguội, chớ Tú Cẩm trở hôn của cô, cô đã giận càng thêm oán, rồi oán với giận hòa hợp lại, dầu đến chừng nào cô cũng không tài nào quên được. Lòng của cô như thế làm sao trở về Bạc Liêu? Mà cô ở Cái Cùng, tuy cực khổ, song ngày như đêm cô cứ tưởng thầm trong bụng rằng cô ở đây là ở tạm, sớm muộn gì rồi Thủ Hiệp cũng cưới cô, bởi vậy cực cô không than, và nghèo cô cũng không sợ. Khối tình của cô ban đầu tại cha mẹ gây cho cô, mà lần lần cô lại nung đúc dài mãi thêm, cô làm cho nó cứng chắc vững bền rồi cô ôm ấp khối tình ấy hoài, cô vui với nó, cô buồn với nó, cô trông nó, cô giận nó, cô khóc nó, cô mừng nó, cô mê mẫn nên quên hết thế sự, không kể giàu nghèo, không màng sướng cực. Có đêm cô nằm một mình cô nhớ khi mẹ cô khuất Lâm Yên không đến mà Thủ Hiệp cũng không đến thì cô buồn vừa nghĩ là Lâm Yên không đến vì có bịnh nên cậy người đến điếu tang dùm còn Thủ Hiệp không đến chắc là Thủ Hiệp không có ở trong nhà chớ không lẽ người có học mà vong hôn bội ước, Phi Phụng nặng tình rồi tưởng ai cũng nặng tình như mình nên mới trông đợi Thủ Hiệp hoài không nghi ngờ chi hết. Bữa nọ trời chiều mát mẽ, cô lại nhà Hương cả Mai chơi. Cô đến đó không có ông Cả ở nhà, bà Cả tiếp rước mời ngồi, mới nói chuyện chợt thấy có một chú trùm đem nhựt trình đến cho ông Cả. Đã lâu rồi Phi Phụng không đọc sách và cũng không xem báo. Nay đi chơi cô thấy có tờ nhựt báo cô mừng lắm nên mở ra xem. Cô dòm chương đầu, thấy mấy bài luận dông dài làm cho cô buồn ý nên cô lật qua chương sau. Vừa mới liếc thấy một bài bằng chữ lớn tựa đề: “Trai tài gái sắc.” Cô đương khoan khoái về duyên cầm sắc, lại gặp một bài như vậy, tự nhiên cô muốn đọc, thử coi gái nào có chồng trước mình, đọc thử coi trai nào học giỏi có bằng Thủ Hiệp hay không lại dám xưng trai tài. Hởi ôi! Cô mới đọc vài hàng thì cặp mắt chói lòa tay cầm tờ nhựt trình run run mặt tái xanh, chân lạnh ngắt, lưng mồ hôi ướt đẫm. Phi Phụng buông tờ nhựt trình đứng dậy liền từ bà cả về liền. Bà cả không hiểu tâm sự của Phi Phụng, song bà thấy cô xem nhựt trình rồi nghi, nên kêu con ra biểu đọc hết chương ấy cho bà nghe, té ra theo bài trai tài gái sắc đó nói, ngày rằm tháng 6 Lâm Thủ Hiệp, con của hội đồng Lâm Yên ở Trà Kha (Bạc Liêu) sang học bên Pháp đã học đậu tú tài. Lễ cưới cô Hà Thị Ngà, ái nữ ban biện Hà Xuân Vinh: nhà cự phú ở Phú Lộc (Sóc Trăng ). Phi Phụng ra khỏi nhà bà cả Mai thì tối tăm mặt mày không thấy đường đi, cô ngó qua nghiêng lại như người say, một tay ôm áo, một tay xách giày, trẻ nhỏ ngó thấy kỳ quá, nên đứng ngó sững. Cô về đến nhà không kịp rửa chân, quăng giày dưới ván rồi đi thẳng vào buồng nằm khóc. Bấy nay cô mong đợi Thủ Hiệp bao nhiêu, bây giờ cô buồn rầu bấy nhiêu. Thôi, thân phận cô từ rày còn gì trông mong nữa! Mẹ cha vĩnh biệt, sự nghiệp điêu tàn, nhờ có một chút tình riêng nó làm đỡ buồn nay chút tình ấy cũng tan rã, thế thì sự sống của cô còn nghĩa gì! Cô nằm nhắm mắt mà giọt lụy đầm đìa, trong trí tối đen không biết đâu mà suy tưởng. Cách một rồi cô vùng dậy nói: “Không có lý nào Thủ Hiệp đành bỏ tôi đi cưới vợ khác. Mấy người làm nhựt trình họ nghe phong phanh rồi họ đặt điều nói bướng. Tôi vì ảnh mà thân ra cực khổ như vầy, lẽ nào ảnh không biết hay sao lại nở tâm đành lòng phụ bạc“. Cô bới đầu rồi bước ra rót nước uống như thường. Trời đã tối nên trẻ ở khép cửa đốt đèn. Cô đốt một cây nhang cắm trên bàn thờ rồi lại ván ngồi. Trẻ ở dọn cơm bưng lên cô lắc đầu khoát tay, tỏ ý cô không muốn ăn. Tứ bề vắng vẻ, bỗng nghe ngoài kinh có tiếng ghe chèo sạt sạt rồi lại có người cất giọng hát mấy câu lảnh lót: Nghĩ tơ duyên quá bớ Giận căn nợ bời rời Đau lòng ai lắm bớ ai ơi ơ xui chi gặp gỡ... Chẳng trọn đời với nhau! Phi Phụng nghe giọng hát rất bi thảm. Và câu hát lại giống tâm sự của cô, nên cô mủi lòng ngồi khóc sướt mướt. Cô buồn rầu ăn ngủ không được nhưng trong lòng cô cứ nói thầm rằng không lẽ nào Thủ Hiệp lại đành lòng bỏ cô đi cưới vợ. Cô đếm từng ngày, đến chiều 14 cô biểu đứa ở đi mượn ghe đặng khuya cô đi Bạc Liêu. Cô xuống ghe hồi trời hừng sáng, lối 10 giờ cô lên tới Trà Kha, cô biểu ngừng ghe ngang cửa Lâm Yên, song đậu mé bên sông, rồi cô ở trong lén dòm. Thiệt quả, nhà Lâm Yên trưng rực rỡ, trước sân cất một cái rạp, ngoài treo cờ, trong thắt bông, khách khứa đông đầy, trẻ nhỏ trửng (38) rần rật. Cô ngồi khoanh tay ngó hoài, không nói chi hết. Cách chừng nửa giờ đồng hồ, cô nghe con nít chạy la: “Rước dâu về“ om sòm, rồi thấy xe hơi liên tiếp nhau tới, ngừng ngay trước cửa Lâm Yên. Thủ Hiệp đầu bịt khăn nhiễu đen, áo rộng mình xanh lót đỏ, trên xe vén áo bước xuống đưa tay vịn cho nàng dâu xuống xe. Phi Phụng ngồi trong ghe ngó trân trân, song mắc ngó Thủ Hiệp nên không nhìn rõ nàng dâu, chừng sực nhớ lại muốn coi nàng dâu thì nàng dâu đã đi vô cửa nên thấy áo rộng xanh thôi, chớ không thấy chi nữa. Hai người chèo ghe đã có nghe ông Huyện khi gần tắt hơi ngài có trối phải gả Phi Phụng cho con Lâm Yên, nay lên tới Trà Kha thấy Lâm Yên cưới vợ cho con, xe hơi rầm rộ, thiên hạ đông đầy thì biết rõ ý của Phi Phụng đau đớn là dường nào, nên nghe biểu nhổ sào chèo ghe về, họ vâng lời ngay, không hỏi thử coi sao cô nói đi Bạc Liêu lại không đi và cũng không dám hỏi coi sao Thủ Hiệp đã nói cô rồi bây giờ đi cưới vợ khác? Hai người chèo ghe tuy họ dốt nát quê hèn, nhưng họ thấy phận cô như vậy họ cũng động lòng, trông cho cô nói chuyện họ nói lời an ủi cho cô đở buồn. Chẳng dè cô nằm im lìm, cho đến chừng ghe về đến nhà, cô bước lên rồi ngó lại hai người chèo cười nói tỉnh táo: “Hai anh vô nhà bầy trẻ dọn cơm ăn rồi hãy về“. Cái khối tình thình lình ta ra nước, chảy cuồn cuộn không thể ngăn nổi, chỗ mơ ước thình lình hóa ra khói, rồi bay nghi ngút, không thể cầm lại nữa, người có tâm huyết gặp cảnh như vậy còn cười còn nói như thường nghĩ thiệt kỳ lạ. Phi Phụng xác không phải bằng cây, ruột gan không phải bằng đá, cách mấy ngày trước vừa nghe phong phanh chưa chắc Thủ Hiệp bỏ mình đi lấy vợ khác, sau lại buồn rầu ăn ngủ không được còn bữa nay đã thấy tận mắt rồi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, sao lại tỉnh táo như thường? Ấy là Phi Phụng cứng cỏi nay thấy chắc chắn Thủ Hiệp đã bội ước rồi, không thèm mơ tưởng nữa, rồi lại đâm ghét. Xưa trọng Thủ Hiệp bao nhiêu, giờ cũng chê thầm tánh tình bấy nhiêu. Vì mắc ghét, mắc chê cô quên buồn, quên rầu chớ có chi lạ. Ở nhà, có tôi tớ lộn xộn, có lối xóm tới chơi, vẫn vui vẻ như thường, dường như chẳng có trắc trở tâm sự hết chi vậy, duy lúc ban đêm cô nằm một mình ngọn đèn leo lét bóng, luồng gió phất phơ màng, cô suy xét việc đời, nhớ việc cũ nghĩ việc mới, có bữa cô lạnh trong lòng rồi muốn bỏ nhà đi lên Sài Gòn, xin vào trường học nữa, học hoài; học cho thật giỏi, không thèm lấy chồng. Ban đầu cô tính sơ qua chớ chưa thiệt quyết định, chẳng dè từ ấy về sau đêm cô tính quanh quất rồi cũng nghĩ tới việc đó hoài. Cách chừng nửa tháng Tú Cẩm lại xuống Cái Cùng, vừa bước vô nhà liền nói với cô: - Hồi trước qua có nói với em rằng Thủ Hiệp là thằng chó điếm, bây giờ em coi có quả như vậy không? Nó đã cưới vợ khác rồi? Nó thấy gia tài bây giờ về qua hết, em không có tiền nên nó bỏ em kiếm nhà giàu khác thấy chưa? Phi Phụng nghe nói cúi đầu không nói chi hết. Tú Cẩm tưởng Phi Phụng chịu thua nên thừa dịp năn nỉ biểu Phi Phụng về Bạc Liêu mà ở. Phi Phụng không chịu đi. Tú Cẩm nói rằng nếu Phi Phụng không chịu về Bạc Liêu anh ta cũng ở đây hoài không chịu về. Phi Phụng thấy vậy liền tom góp quần áo, bỏ vào giỏ mây, rồi nói: - Về Bạc Liêu tôi về. Mà anh phải để tôi về trước hai bữa, rồi anh về sau, chớ tôi không chịu về chung một lượt. Tú Cẩm gật đầu rồi biểu Phi Phụng lấy ghe của anh ta đi, chừng nào về tới nhà rồi cho ghe trở xuống rước anh ta. Phi Phụng đốt nhang cắm trên bàn thờ, nước mắt tuôn đầm đìa, song ráng lạy bốn lạy rồi xách gói xuống ghe ra đi. Tú Cẩm thấy Phi Phụng bằng lòng trở về Bạc Liêu với mình, trong lòng mừng rỡ vô cùng, muốn mướn ghe khác về theo liền ngặt đã nói lỡ với Phi Phụng rằng mình ở chờ ghe xuống rước rồi sẽ về, nên cực chẳng đã phải ở dưới Cái Cùng, song nóng nảy nằm ngồi không yên, cứ ra vô trông ghe hoài. Trông trọn một ngày đó thấy ghe không trở xuống, anh ta bức rức trong lòng, nghĩ thầm rằng chắc bị gió ngược nên ghe trở xuống không kịp. Chẵng dè trông,mãi cũng không thấy ghe. Qua bữa sau gần 12 giờ trưa ghe mới tới. Tú Cẩm rầy mấy tên bạn và hỏi cớ nào xuống trể nãi như vậy. Mấy người chèo ghe thưa: - Hôm qua anh em tôi về tới nhà 3 giờ chiều. Anh em tôi muốn trở xuống liền để rước cậu. Ngặt cô hai không cho nói rằng anh em tôi chèo ghe trọn một ngày mệt hỏi, nên biểu ở nhà nghỉ một đêm đến hồi khuya nầy cô hai mới cho đi. Tú Cẩm nghe nói gật đầu, rồi lặng thinh không rầy nữa. Anh ta hối bạn ăn cơm riết rồi nhổ sào chèo trở về Bạc Liêu liền. Lối 7 giờ tối anh ta trở về nhà; khi bước vô nhà trong lòng khấp khởi, ngó quanh quất không thấy dạng Phi Phụng bèn kêu gia dịch mà hỏi: - Cô hai đâu bây? Từ hôm qua đến nay bây có lo cơm nước cho cô ăn tử tế không? Thằng Su chạy ra thưa: - Thưa cậu, hôm qua cô hai về tôi dọn cơm nước tử tế. Cô hai ngủ nhà đêm hồi hôm, đến khuya cô thức dậy sớm, biểu tôi coi nhà đặng cô vô chợ mua đồ ãn, không biết cô đi đâu, từ khuya cho đến bây giờ không thấy trở cô về. Tú Cẩm nghe nói liến biến sắc, ngồi dựa ngữa trên ghế hỏi lớn: - Hôm qua cô về có xách theo một gói quần áo; vậy chớ khi cô đi cô có đem cái xách ấy hay không? - Thưa, hồi chiều nầy tôi thấy cô không trở về tôi mới coi lại thì cái xách ấy đâu mất, không có trong buồng. Tú Cẩm ngồi thở ra, bộ mặt coi chẳng vui, biểu đem xe hơi ra đặng anh ta ra chợ. Xe hơi đậu trước thềm rồi anh ta đứng suy nghĩ, không chịu lên xe, lại biểu thằng Su với thằng Tự ngồi xe đi kiếm hỏi thăm coi có ai thấy Phi Phụng đi đâu hay không? Cách vài giờ đồng hồ xe trở về. Tú Cẩm vừa nghe tiếng xe ra đứng trước cửa ngóng. Thằng Su thằng Tự xuống xe thưa: - Cô hai đi Sài Gòn hồi sớm mai rồi. Tú Cẩm hỏi rằng: - Sao mầy biết? Ai nói với mầy? - Tôi gặp anh lính gác cầu tàu, tôi hỏi thăm anh ta nói hồi sớm mai anh ta thấy cô hai xuống tàu “Hirondelle“ đi rồi. - Thưa cậu, tôi sợ cô ra Đại Ngãi rồi sang tàu “Pélican“ đi Mỹ Tho, chớ có qua Đại Ngãi hoặc Rạch Lớp làm gì? - Tú Cẩm chắp tay sau lưng đi qua đi lại trước sân không thèm nói nữa... Ði cho đến 12 giờ khuya mới chịu vô nhà ngủ.
36 la phong, trần nhà 37 người làm mai mối 38 chơi giỡn một cách mạnh bạo