Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> NHƠN TÌNH ẤM LẠNH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19300 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NHƠN TÌNH ẤM LẠNH
Hồ Biểu Chánh

Chương I
Huỳnh Tú Phan mới cất một nhà lầu, gần châu thành Bạc Liêu cửa ngó ra lộ đi Sóc Trăng. Nhà cất kinh dinh kiểu vẻ xinh đẹp, nền cao cửa rộng tường chắc, thang lài, tứ hướng đều có làm cửa sổ đặng ánh sáng lọt vào nhà. Hai từng đều lót gạch bông đặng lau chùi cho sạch, nóc lợp ngói móc đỏ lòm, cửa sổ sơn dầu xám láng bóng.
Trước có dọn một cái sân rộng lớn, chánh giữa đã xây hòn non trên hồ nước, trên đỉnh ông tiều lum khum gánh củi, dưới khe ngư ông thong thả ngồi câu, bên kia thằng mục cỡi trâu ãn, bên nọ chú cày đi ra ruộng.
Ở ngoài đi vô khỏi cửa ngỏ rồi tẻ ra hai đường vô nhà. Dọc theo hai đường ấy đã trồng bông đủ thứ, bông vàng xen bông trắng, lá đỏ lộn lá xanh, hai bên lại đương dọn hai cái bồn, tính để trồng cây coi cho đẹp. Phía sau có cất một cái nhà dài tám căn, rồi chia ra chỗ xây bếp, chỗ chứa đồ, chỗ để xe hơi, chỗ để xe ngựa, còn dư mấy căn dành để cho gia đinh ở.
Khoảng đất cất nhà nầy thật là rộng lớn, không còn bỏ trống, nhiều chỗ chưa thấy trồng cây gì. Tuy vậy mà mặt đất đã ban bằng phẳng, có lẽ chừng chủ nhà dọn nền nhà mới sẽ trồng mận, ương cam, hoặc trồng cau, đặt chuối chi đây chớ chẳng không.
Phía trước dọc theo mé lộ, đã xây tường rồi rào song sắt, còn ba phía kia xây trụ bạch cấm rào cây. Người đi đường, hễ đi ngang qua thấy nhà mới nguy nga thường hay nghị luận, kẻ khen nhà cất đúng kiểu, người tiếc xung quanh nhà chưa trồng cây, kẻ chê nhà cất xa châu thành, người lại nói muốn khoe của nên cất nhà tốt hơn thiên hạ.
Tú Phan cất nhà vừa xong đương lo đóng tủ, mua bàn, đặt giường, sắm ghế đặng ăn lễ tân gia, thình lình hay tin quan trên xét công làm hội đồng địa hạt gần hai khóa và mỗi kỳ nhà nước phóng trái đều sẵn lòng đem bạc cho vay nhiều, nên thưởng chức Huyện Hàm, đặng rở ràng trong hương xã.
Chữ phú đã được nay thêm chữ quý nữa, người đời phần nhiều hễ được như vậy thì toại chí phỉ nguyền. Tú Phan là người ở trong bậc thường dân xuất thân, nhờ vận hội may mắn được giàu, nay cũng nhờ vận hội may mắn được sang nữa, thầm nghĩ có tiền mà không có chức thì cũng không oai, từ rày mình có tiền mà lại có chức, giàu sang gồm đủ, sự mơ ước đã được rồi chẳng lo chi nữa. Tú Phan lật đật sắm sửa dọn dẹp nhà mới cho xong, Ðịnh chiều chúa nhựt 20 janvier (1) sẽ thiết tiệc lớn làm lễ tân gia với tân quan luôn một bữa. Hồng thiệp gởi đi rồi, từ bà con cho đến người quen biết, ai ai cũng đều nao nức lo sắm lễ vật đặng đi khánh hạ.
Ngày vui đã đến, sắp đặt cũng vừa xong. Sớm mai chúa nhựt, sắp tá điền, độ gần vài mươi người, chia nhau tốp bắc thang trèo lên mấy cửa treo cờ, tốp đóng nọc giăng dây cùng ngoài sân đặng treo đèn.
Huỳnh Tú Phan, vừa tròn năm mươi hai, mặt dài trán rộng, râu vuốt ngoẳng lên hai bên mép, tóc ít lại điểm bạc hoa râm, chân đi giày thêu cườm, mình mặc áo quần lụa trắng, mắt mang kiếng gọng vàng, miệng ngậm đót mã não (2) , ra đứng trước sân coi tá điền treo đèn buộc cờ. Cửa ngỏ sắt sơn màu đỏ lòm, mà lại còn biểu cậm tàu dừa vòng nguyệt, rồi kết bông coi cho rực rỡ thêm. Trong nhà bàn cẩm ghế mây, cái nào cũng mới tinh, mà còn biểu lau chùi, đặng nhìn cho thấy mặt. Trên mỗi bàn đều để một bình bông, bông thiệt cắm xen bông giả nên mới thoáng ngó qua không biết bông nào là bông làm, bông nào là bông trồng. Dựa mấy gốc cột đều có một chậu kiểng, chỗ nầy để bùm sụm (3), chỗ kia để càng thăng (4), bên nầy để cau lá vàng, bên kia để đinh lăng (5) trắng. Mấy cửa sổ đều treo màn thêu bông giấy ngang dọc.
Trong buồng, vợ Tú Phan là Ðoàn Thị Xuân, tuổi vừa 45, nước da trắng; gương mặt tròn, đầu tóc bới thả đều, móng tay chuốc mũi viết, tay đeo cà rá; cổ vấn dây chuyền, đương ngồi trên ván ăn trầu mà nói chuyện với mấy người đàn bà dưới Cái Cùng lên cung hạ. Con gái Tú Phan là Huỳnh Phi Phụng, tay ôm hai tấm màn thêu, ở trên lầu lần từng nấc thang đi xuống. Cô tuổi mới 17, nước da trắng đỏ, đầu tóc đen huyền, hàm rãng trắng đều như hột bầu, ngón tay dài trông như da giấy, mình mặc áo lãnh màu bông phấn, quần lụa Bom Bay6 mới tinh, chân đi giày thêu cườm, bông tay cà rá dây chuyền đều nhận hột xoàn lóng lánh. Cô xuống hết thang rồi mới nói với mẹ:
- Con đã kết hai tấm màn rồi đây má. Ðể đưa cho ba đặng biểu họ treo hé.
Thị Xuân ngó hai tấm màn rồi gật đầu. Mấy người đàn bà đương nói chuyện, ai cũng day lại ngó Phi Phụng rồi nói với Thị Xuân: “Cô hai nay lớn dữ! Bà cũng gần làm sui rồi“.
Phi Phụng nghe nói mắc cở nên ôm hai tấm màn lật đật đi ra ngoài trước, Thị Xuân tay xỉa thuốc, mắt ngó ra cửa sổ mà đáp: “Ôi! Họ muốn làm sui thiếu gì! Có hai ba chỗ gắm ghé, mà ba nó nói còn nhỏ nên chưa chịu gả. Tôi có một mình nó nên cưng lắm. Ba nó nói cực chẳng đã tôi phải để cho nó đi học trên Sài Gòn mấy nãm nay. Xưa rày tôi nói lắm mới chịu lên mà đem nó về đó đa“.
Ở dưới bếp sắp (7) Triều Châu lãnh dọn tiệc, tốp xe đồ, tốp nhóm lửa. Nói chuyện xí xô xí xào, còn sắp gia đinh nấu cỗ Việt Nam đãi khách đàn bà, đứa xắt thịt, đứa lặt rau chộn rộn chàng ràng như nhóm chợ.
Phi Phụng đưa hai tấm màn cho cha rồi cha con đứng coi tá điền treo hai bên cửa buồng. Màn treo vừa rồi thì có một thầy, trạc chừng 19, 20 tuổi gương mặt sáng rỡ, tướng đi khoan thai, mình mặc quần trắng, áo nỉ đen, cổ thắt cà vạt màu tím; đầu đội nón trắng, chân mang giày vàng, ở ngoài cửa ngõ thủng thẳng đi vô nhà. Phi Phụng dòm thấy, miệng chúm chím cười rồi nói với cha:
- Anh ký Linh đến kìa ba. Cha chả bữa nay ảnh diện áo quần coi đẹp dữ.
Tú Phan dòm ra thấy Phan Duy Linh, con của người bạn thân thiết với mình hồi trước, đương làm ký lục trong Hương Sở Bạc Liêu, rồi cũng cười, chờ Duy Linh bước vô nhà mà hỏi:
- Bữa nay chúa nhựt cháu nghỉ hả?
- Dạ, bữa nay cháu nghỉ, nên lật đật đến cung hạ bác và ở giúp đãi khách hầu bác.
- Ô! Được đa! Sấp nhỏ ở nhà đây nó khờ lắm, vậy cháu ở chơi đặng coi sắp đặt dùm cho bác.
- Cô hai về hôm nào?
Phi Phụng nghe hỏi tới mình thì tay vịn ghế, mắt liếc Duy Linh đáp:
- Em về hôm thứ ba.
- Hổm rày tôi không hay, chớ tôi dè có cô về thì tôi ra thăm cô.
- Em muốn sai bầy trẻ cho anh hay, song em nghe ba em nói có mời anh đến nên không dám làm rộn anh.
Duy Linh đem nón móc trên đầu nai gần cửa sổ, Phi Phụng đi lần lại bàn cẩn để ở giữa nhà, thấy trong bình cắm ba bông huệ lộn xộn với bông vải, bèn thò tay kéo nhánh bông huệ để vô lổ mũi mà hửi, mắt ngó theo Duy Linh.
Lúc ấy Tú Phan mắc ở ngoài cửa, Duy Linh cất nón rồi day lại thấy Phi Phụng ngó mình liền hỏi:
- Cô học năm nay đã thi bằng cấp sơ học rồi hay chưa?
- Chưa, em còn ngồi lớp nhì, qua sang năm em đi thi mới đặng. Mà ba với má em tính bắt ở nhà, không cho đi học nữa, thế nên em không trông mong bằng cấp rồi.
- Bác Huyện tính như vậy cũng phải. Con nhà nghèo nàn phải học thi lấy cho được bằng sơ học đặng đi dạy học kiếm lương ăn. Cô là con nhà giàu sang, học để biết việc đời với người ta vậy thôi, cần gì phải có bằng cấp.
- Con người ở đời giàu nghèo mấy hồi. Nếu em học lỡ dở như vậy, rủi sau em nghèo biết làm nghề gì nuôi miệng?
- Làm sao nghèo được. Cô khéo lo viển vông quá.
- Húy, cuộc đời dời đổi không ngừng; ai dám chắc giàu ba họ cho được anh.
Tú Phan ngoài cửa bước vô, nghe con nói như vậy cười nói với Duy Linh: “Quan phủ gởi đi hạ một tấm biển tốt quá. Bầy trẻ đương khiêng vô nhà kìa“.
Duy Linh với Phi Phụng ngó ra cửa thấy hai người khiêng vô một tấm biển sơn son chữ thiếp vàng coi lộng lẫy lắm. Vô tới nhà rồi hai người khiêng mới dựng tấm biển dựa cánh cửa rồi móc túi lấy đưa cho Tú Phan một phong thơ. Tú Phan xé thơ coi sơ qua rồi dạy khiêng tấm biển treo trên cửa giữa ngó vô nhà. Chừng treo rồi, ai nấy đương đứng nhắm, Phi Phụng mới hỏi cha:
- Bốn chữ lớn viết ngay giữa nói gì ba?
- Bốn chữ đó là:“phước lộc trùng lai“
- “Phước lộc trùng lai“ nghĩa là gì?
- Nghĩa là phước lộc đến một lượt, ý quan Phủ muốn nói ba có phước cất được nhà mới mà lại được chức Huyện Hàm nữa.
- Chữ Việt Nam kỳ quá, có 4 chữ mà cắt nghĩa ra dài dữ, còn hai hàng chữ nhỏ mỗi bên đó nói giống gì vậy ba?
- Bên nầy “ Huỳnh phủ đại nhơn huynh vinh thăng hàm tri huyện chi khánh“ còn bên kia “Bạc Liêu nhứt hạng Tri Phủ Trần Bá Thiện cung hạ“.
Duy Linh nghe Tú Phan đọc dứt lời liền hỏi:
- Quan Phủ mừng tân quan mà sao không mừng tân gia luôn một lượt vậy bác há?
Tú Phan cười đáp rằng:
- Ờ, cái đó cũng kỳ; trong thiếp mời ăn tân gia với tân quan mà không biết tại sao quan Phủ quên. Hay ổng cho nghĩa tân quan trọng hơn tân gia nên ổng để tân quan mà thôi.
Tú Phan nói chưa dứt lời thì lại thấy họ khiêng về một bộ tranh cẩn với một cặp lục bình lớn và đưa một phong thơ nữa. Tú Phan xé thơ coi rồi cười mà nói với mấy người kia:
- Mấy em về nói qua cảm ơn ông Bá hộ nhé!
Tú Phan day lại nói với Duy Linh rằng:
- Ðồ nầy của Bá hộ Siêu ở dưới Trà Nho. Duy Linh dở bộ tranh ra xem, đoạn ôm cặp lục bình để lên trên bàn. Tú Phan dạy gia đinh treo bộ tranh cẩn trên vách rồi đứng ngắm với Duy Linh, còn Phi Phụng vô trong buồng.
Tú Phan mới nói với Duy Linh:
- Ông Phủ Thiện với Bá hộ Siêu muốn làm sui với bác nên hai ông đi hạ đồ tốt quá?
Duy Linh nghe nói thì cúi mặt xuống đất một hồi mới nói:
- Bác có một mình cô hai, ông nào muốn làm sui thì một ông thôi, chớ hai ông đều muốn làm sui hết sao được.
- Họ thấy bác giàu lại chỉ có một đứa con nên họ chộn rộn; nếu bác đành chỗ nào mà gả một chỗ chớ con đâu có gả cho hết được. Mà hai nhà nầy bác coi chưa vừa con mắt, quan Phủ sang trọng sánh với bác xứng sui gia lắm, nhưng ngặt ông khắc bạc quá nên sợ con hết đức; thằng con ổng học không bằng ai hết. Còn Bá hộ Siêu giàu lớn, song ông quê mùa thô tục; thằng con ông lại dốt đặc không biết chi cả. Chắc bác không thể làm sui với ông được.
- Cô hai cũng đã trọng tuổi rồi, mà cô lại học cũng khá bởi vậy bác có gả chỗ nào cháu tưởng cũng nên dọ ý cổ.
- Chớ sao! Con gái đời nay gả bán như lớp trước sao được, huống chi nó có học, thuở nay đã tập quen theo tánh văn minh. Hễ bác chọn lựa xong rồi, bác phải hỏi dọ nó lại rồi mới nhận lời với người ta chớ. Tại hai chỗ nầy bác không ưng bụng nên bác chưa nói với nó ... À hôm trước bác đi Sài Gòn về bác gặp cha con ông hội đồng Lâm Yên ở Trà Kha. Cháu biết thằng con ông hội đồng Lâm Yên không?
- Thưa biết.
- Ờ, nó tên gì vậy?
- Thưa tên Lâm Thủ Thiệp.
- Ông hội đồng xấu người mà ông có thằng con ngộ quá há? Ông nói nó đi Tây học mấy năm nay đã đậu Tú Tài, không biết có thiệt như vậy không?
- Thưa, nó đậu tú tài thiệt.
- Sao cháu biết?
- Hôm tháng trước cháu có đọc nhựt trình cháu có thấy nói việc ấy.
- Ờ, nếu vậy quý lắm. Chà chà! Ông hội đồng nầy có phước quá há? Trông ổng muốn làm sui với bác hay sao mà bữa gặp bác, ổng hỏi thăm tuổi con nọ. Rể như thằng đó bác đành bụng lắm a.
- Cháu nghe nói Lâm Yên bị thua quá nên trong nhà nghèo rồi.
- Hứ! Người ta giàu có, nát vỏ cũng còn bờ tre chớ, lẽ nào mà tới hại.
- Mấy người bài bạc chẳng chắc chắn gì đâu. Họ nóng mũi trong một sòng thì cũng đủ hết nhà.
- Phải, cháu sợ như vậy cũng phải. Mình làm sui với mấy người bài bạc ví như họ thua thì thế nhà họ cũng chẳng cần gì đến mình, sợ là sợ thằng rể nó giống tánh cha nó rồi nó đánh bài bạc nữa mới khổ cho mình đa.
Tú Phan nói dứt lời rồi đứng ngó Duy Linh rồi gục gặc đầu (8). Phi Phụng trong buồng bước ra thưa ba:
- Cơm dọn rồi vậy mời ba vô ăn đặng cho anh ký ảnh ăn với. Tú Phan dắt Duy Linh vô nhà sau ăn cơm. Duy Linh bước vô tới cửa buồng; liền chắp tay xá Thị Xuân với mấy người khách đàn bà. Thị Xuân gật đầu rồi hỏi Duy Linh:
- Cháu lại hồi nào?
- Dạ cháu tới hồi sớm.
- Vậy mà có hay đâu!
- Dạ, nãy giờ cháu ở ngoài với bác trai.
- Cháu còn ở căn phố chỗ bác ghé hồi đó, hay là đã dọn đi ở chỗ khác?
- Thưa, cháu còn ở đó.
Một người khách đàn bà mới hỏi Thị Xuân:
- Thầy nầy là ai mà kêu bằng cháu?
Thị Xuân cười đáp:
- Khổ dữ hôn! Mấy chị quên rồi hay sao? Nó là con chú Hương Chánh Hiển, anh em đồng hương với nhà tôi, hồi trước làm ruộng với nhau ở dưới Cái Cùng Ðó.
- Vậy hay sao? Trời ơi! Hồi đó còn nhỏ, bây giờ nó lớn lên coi lạ hẳn. Từ khi hai vợ chồng ông Hương mất rồi nó có về dưới nữa đâu mà biết. Bây giờ cháu làm việc gì ở đâu vậy cháu?
Duy Linh nghe hỏi liền đáp rằng:
- Thưa, cháu làm ký lục ngoài Sở Thương Chánh
- Cháu ăn lương bao nhiêu một tháng?
- Thưa, 30 đồng.
- Cháu có kiếm chác tiền ngoài được hay không?
Duy Linh nghe hỏi tới câu đó thì mắc cỡ nên cúi mặt xuống đất rồi nói nho nhỏ:
- Thưa, không.
Tú Phan mới mời mấy bà ngồi chung đặng nói chuyện chung cho vui. Tú Phan với Duy Linh ngồi trên đầu bàn, còn mấy bà với Phi Phụng ngồi dài hai bên. Ăn cơm rồi Tú Phan dắt Duy Linh lên lầu coi cách dọn dẹp.
Trên lầu còn rực rở hơn từng dưới nữa. Kiểng để dài theo lan can ngoài trước. Chiều đứng chơi mát mẽ vô cùng. Trên cửa giữa có treo một khuôn biển lớn, để hai chữ “Huỳnh Phủ “, đi ngoài đường ai cũng thấy, giữa nhà treo 20 ngọn đèn, bình sầu, bong bóng, tòng tuội (9) toàn bằng pha lê. Hai bên vách lót hai bộ ván gõ dầy hơn một gang, giữa để một bàn cẩn mặt tròn, cốt tiện lớn hai tay ôm không giáp. Phía trong hai bên lập hai bàn thờ, ghề chạm, lý to , tranh sơn thủy màu tươi, hình bá huê đa dạng. Phía sau dóng hai buồng, mỗi buồng đều có hai cửa sổ, lại để giường đồng, mùng lưới, tủ đá ty, nệm ruột gà (10). Duy Linh xem vật nào cũng trầm trồ, đi đến đâu cũng khen ngợi. Tú Phan nghe Duy Linh khen thì khoái chí, nên dắt đi coi cùng hết, đi từ ngoài cửa tới trong buồng. Coi hết rồi Tú Phan ra ngồi ngoài ghế giữa vuốt râu hỏi Duy Linh:
- Bác cất nhà như vậy, cháu có nghe ai chê không?
- Trong xứ nầy có cái nhà nào bằng nhà bác đâu mà họ dám chê.
- Bác cất nhà rồi, tính lại tốn gần bốn muôn đồng, còn tiền mua cuộc đất bác không kể đa.
- Nhà bác cất đồ sộ thiệt, mà điều tốn tiền nhiều quá.
- Ôi! Bác không có con trai, để dành tiền làm gì. Ruộng bác đã nhiều rồi mua làm gì nữa. Tuy cất nhà tốn hao nhiều, mà hễ ruộng bác trúng đều, bác thâu huê lợi chừng một mùa thì đủ, có hại chi mà sợ. Hồi bác tính cất nhà, bác gái cháu theo cằn nhằn hoài. May mà bác làm bướng nên bây giờ mới có cái nhà xứng đáng, chớ phải bác nghe lời bác gái cháu thì bây giờ làm Huyện hàm mà ở cái nhà cũ ở dưới Cái Cùng, khó coi quá.
- Bác thiệt có phước lắm, nên bây giờ mới được như vầy.
- Ờ, đó cũng là cái mạng, đa cháu. Hồi bác 28 tuổi, con vợ trước của bác sanh dị tâm, bác buồn rầu bỏ nó đi xuống đây, trong lưng bác có bảy tám chục đồng, chớ nhiều nhõi gì đâu. Mà bác xuống đây cũng nhờ ông già cháu, chớ bác sanh trưởng ở Chợ Lớn, bác có quen lớn với ai ở dưới nầy đâu. Hai vợ chồng chú làm ăn ở Chợ Lớn không mấy khá nên mới dắt nhau xuống trước dưới nầy mướn ruộng làm. Cách ít tháng chú về Chợ Lớn thăm bà con, chú thấy gia đạo của bác lộn xộn chú rủ bác đi với chú. Bác xuống ở đậu với chú rồi mướn ruộng làm. Cách vài năm bác có dư ít trăm, rồi cưới bác gái cháu bây giờ đó, lần lần lớp bác mua ruộng thuộc, lớp bác khẩn đất hoang, vợ chồng bác cố chí gắng công nên mới làm giàu được.
- Bác nói tại số mạng, thiệt phải. Cũng một thời đi làm ruộng với nhau, mà bây giờ bác giàu sang còn ông thân cháu buồn rầu đến vong mạng.
- Tại số mạng chớ biết làm sao bây giờ! Hồi đó hai anh em đứng khẩn đất mà khai phá. Ông già cháu khẩn cho tới 400 mẫu, chú khai phá gần xong rủi bị người ta tranh, chú đi kiện mấy năm mất tiền mà đất cũng mất luôn, vợ chồng chú sầu não đến nỗi bỏ mình chớ phải mà chú dành được 400 mẫu đất đó thì bây giờ chú cũng giàu lớn. Ðất đó tốt quá, năm nay họ cho mướn đến 4 giạ một công.
Tú Phan với Duy Linh đương nói chuyện bỗng nghe từng dưới có tiếng người lao xao rồi Phi Phụng lại lên nói: “Thưa ba, có thầy Cai với hương chức dưới Cái Cùng lên, nên má biểu lên mời ba xuống nói chuyện với khách“. Tú Phan nghe nói lật đật mang giày xuống thang. Phi Phụng với Duy Linh cũng đi xuống theo một lượt.
Tú Phan xuống lầu vừa ra tới cửa buồng, ngó thấy thầy Cai tổng Trường với hơn mười ông hương chức ở miệt Cái Cùng thì mừng rỡ chào hỏi lăng xăng. Tú Phan vời Cai tổng Trường ngồi tại ghế giữa, còn mời hương chức ngồi mấy bàn hai bên. Duy Linh xuống sau cũng bước ra chào hỏi, rồi kêu gia đinh biểu đem trầu thuốc và nước ra đãi khách. Thầy Cai uống nước rồi mới ngó hương chức và gục gật đầu, hương chức hội ý, rồi sắp trà rượu để lên trên bàn, lại có một tấm hoành tròng tố đỏ, chữ thêu vàng, một đôi liễn cùng chữ thêu với hai nồi pháo. Thầy cai liếc thấy hương chức dọn rồi, thầy mới đứng dậy chắp tay nói với Tú Phan: “Thưa ông, tôi với hương chức hay tin ông cất nhà mới đã hoàn thành rồi mà ông lại được vinh thăng hàm Tri Huyện anh em tôi mừng quá. Hôm nay, ông làm lễ tân quan, anh em tôi ở dưới ruộng chẳng có vật chi quý, đáng đem làm lễ vật cung hạ ông, vậy tạm đỡ ít chục chai rượu, một tấm hoành, một đôi liễn và ít nồi pháo đến làm lễ mừng ông với bà huyện phú quý vinh hoa trùng trùng phúc lộc.
Tú Phan cũng chắp tay đáp: “ Thầy với hương chức có lòng tưởng đến tôi, đến uống rượu chơi với tôi cũng đủ rồi, cần gì phải đem lễ vật“. Có một ông hương chức râu dài bạc hoa râm thưa: “ Bẩm quan huyện, theo phong tục của mình thì phải có vậy mới đủ lễ“. Tú Phan cười rồi biểu gia đinh đem tấm hoành và đôi liễn đem treo lên trên vách, còn pháo với rượu đem vô trong buồng.
Tú Phan dắt hương chức với thầy Cai đi coi nhà mới. Lên trên lầu thầy Cai Trường thấy hai bên dọn hai bàn thờ còn chánh giữa để trống thầy mới nói rằng: “ Nếu ông mua thêm một cái tủ áo ông để chỗ nầy chắc đẹp lắm“.
Tú Phan đáp rằng: “Tôi muốn biểu đem cái tủ sắt lên để đó, ngặt bà nó cản hoài, nên tôi phải bỏ trống. Tôi tính thôi để rồi đám nầy, rồi tôi sẽ mướn thợ đóng một cái trang thờ ông Quan Đế (11). Có một ông hương chức thưa rằng: “Bẩm ông, ông tính như vậy thì phải lắm. Chánh giữa thờ ông Quan Ðế, hai bên thờ ông bà trúng cách biết chừng nào“. Duy Linh đứng trong nghe mấy lời tức cười nôn ruột, song sợ thất lễ nên lấy tay bụm miệng không dám cười. Một ông hương chức khác lại nói: “Đóng trang cũng được, bằng không để trống như vầy coi cũng đẹp“. Duy Linh lại càng tức cười hơn nữa, song cũng không dám cười. Dắt đi coi cùng trong ngoài rồi, Tú Phan mới xuống dạy gia đinh đem rượu cỏ-nhác (12) rót mời thầy Cai với hương chức uống.
Đồng hồ gõ 3 giờ Tú Phan thấy thầy cai đang nói chuyện với Duy Linh, mới cáo lỗi đặng thay áo bịt khăn, bởi vì đã gần chiều rồi nên phải sửa soạn tiếp khách. Cách một hồi Tú Phan trở ra, mình mặc một cái áo tố xanh, bông thêu bằng chỉ bạc, lót lãnh màu hường, trong lại mặc áo trắng dài, bâu ủi cứng mà lại cài chặt, nên cổ day qua day lại coi không được thong thả, quần nhiễu bắc thảo mới may chưa mặc lần nào, mà bởi tại không ủi nên có mấy lằn ngang coi không được thẳng thắn. Giầy bót chinh vàng cũng còn mới chưa mang lần nào, nên đi trên gạch bông muốn trợt lại kêu tiếng trèo trẹo. Khăn đen bịt thật khéo, song vì lớp nhiều quá nên chần vần một đống trên đầu coi không được thanh bai lắm.
Tú Phan lại ngồi ngang với thầy Cai rồi lấy một điếu thuốc cắm vào ống điếu hút. Hương chức thấy ăn mặc đàng hoàng thì trong ý kính phục lắm nên cứ ngó Tú Phan hoài. Trong nhà chủ khách nói chuyện, còn ngoài sân khách Triều Châu dọn 5 cái bàn tròn lớn mỗi cái đều phủ vải đỏ, rồi sắp ghế mây vòng xung quanh. Lối 4 giờ rưỡi nghe có tiếng xe hơi ngừng ngay cửa ngõ, Tú Phan dòm ra thấy thầy hội đồng Lâm Yên đang mở cửa xe leo xuống với con trai thầy là Lâm Thủ Hiệp, rồi đứng nói chuyện với thằng coi máy xe hơi. Thầy Cai Trường không biết là ai, mới hỏi Tú Phan rằng:
- Ai đó, coi bộ khi cũng ở xa như tôi hay sao nên mới tới sớm dữ vậy?
- Anh Hội Ðồng Yên ở dưới Trà Kha.
Duy Linh nghe nói tên Hội Ðồng Yên lật đật bước ra cửa mà dòm. Hội Ðồng Yên bịt khăn Ðen, áo sa-ten (13) lót màu trứng diệt, mặc quần Châu xá trắng, đi giày bót chinh đen, đi trước còn Thủ Hiệp mặc bộ đồ Tây nỉ xám, mỏng, trong áo lá cũng nỉ xám, ngực lòi áo lót mồ hôi trắng có thêu bông nho nhỏ, bâu áo cứng mà lại láng ngời, cổ thắt nơ đen. Ðầu đội nón rơm, chân mang giày su-đê (14) lòi vớ lụa màu tím thủng thẳng đi theo sau.
Hai cha con ông hội Ðồng Yên vừa bước tới thang trước cửa thì Tú Phan chạy ra tiếp rước vô nhà, rồi mời chung một bàn với thầy Cai, Thủ Hiệp vừa muốn ngồi thì hội đồng Yên lay láy chỉ một bàn trống bên kia, ý muốn biểu con qua bên đó mà ngồi, Tú Phan thấy vậy mới nói rằng:
- Ðể ông tú ổng ngồi bên nầy với mình mà. Ngồi, ngồi đó ông tú.
Lâm Yên đáp rằng:
- Nó là con cháu đâu dám đến thế.
- Không hại gì mà. Tuy còn nhỏ tuổi, song cũng là một ông tú tài chớ, ngồi đó ông tú, ngồi mà.
- Không nên đâu, con qua bàn bên kia ngồi chơi con. Thu Hiệp nghe lời cha biểu như vậy liền đi qua bàn bên tay mặt. Tú Phan bất đắc dĩ phải kêu Duy Linh cậy ngồi nói chuyện chơi với Thủ Hiệp cho vui.
Thằng coi máy xe hơi của Lâm Yên lần lần bưng đồ vô. Ai cũng ngó coi lễ vật khinh trọng thế nào, thì thấy có 4 tấm tranh thêu, tròng bằng tơ vàng với một bộ ly rượu cỗ với bầu bằng bạc, còn ly thì ở trong xi vàng coi thiệt là đẹp. Lâm Yên trình lễ vật rồi ngồi uống nước với ông Cai tổng Trường và chủ nhà.
Bên nầy Duy Linh ngồi cầm khách với Thủ Hiệp, nên phải kiếm chuyện mà nói; với mở ra hỏi đi học bên Tây đã về hồi nào, còn tính trở qua học nữa hay thôi. Duy Linh hỏi câu nào thì Thủ Hiệp trả lời theo câu ấy; nhưng Duy Linh xem ý Thủ Hiệp không vui nói chuyện, cứ ngó ngoài sân, chớ không thèm ngó mình, thì anh ta không dám hỏi nữa nên ngồi lặng thinh mà xem áo tốt của Thủ Hiệp mà thôi.
Lần lần khách tựu tới thêm, kẻ đem rượu, người đem hoành (15), kẻ đem pháo, người đem liễn đến mà cung hạ. Gần 6 giờ quan Phủ Trần Bá Thiên mới đến với thầy Cai tổng sở tại, ba bốn nhị viên hội đồng địa hạt, và mấy thầy thông ngôn ký lục. Quan Phủ lại có dắt con trai của ngài là Trần Bá Kính theo nữa. Tú Phan và mấy người khách tới trước vừa thấy quan Phủ xuống xe lật đật đứng dậy ra cửa đón rước. Quan Phủ mặc áo tơ thêu bông bạc, đeo mề đay một dề phủ giáp ngực, tay cầm ba ton (16) miệng ngậm xì gà coi oai nghi lẫm liệt. Còn Bá Kính đầu bịt khăn đen, mình mặc áo sa-ten lót, chân đi giày vàng mới, vừa đi vô vừa cười coi bộ hớn hở lắm. Quan Phủ bước vô ai nấy đều chắp tay xá dài sát rạt. Ngài đi ngay lại bàn giữa mà ngồi cái ghế lớn để ở trong, mặt ghế có lót nệm bông còn sau lưng cũng có để gối thêu mà dựa. Ngài dòm thấy thầy Cai dạt ra ngồi mấy bàn hai bên để có một mình ngài ngồi bàn giữa, còn mấy thầy hội đồng với mấy thầy thông ký tản lạc, kẻ ngồi người đứng, kẻ ở trong nhà, người ra ngoài sân, ngài mới kêu thầy cai và ông Phán được qua bàn giữa mà ngồi với ngài. Tú Phan với Duy Linh chộn rộn, đi mời khách ngồi, rồi hối gia đinh đem rượu khai vị ra mà đãi.
Quan phủ đương ngồi uống rượu, bỗng thấy mặt xã trưởng Cái Cùng ngài kêu mà nói:
- Xã, sao mầy không lo thâu thuế mà đóng cho kho cho tất số, lại để bê trễ dữ vậy? Quan Chánh Lớn biểu tao viết trác quở làng, mầy được trác hay chưa?
Xã Chọn nghe quan Phủ kêu lật đật chạy lại chắp tay xá, chừng nghe quan Phủ nói tới chuyện quan Chánh quở làng thì mặt biến sắc và nói:
- Bẩm quan lớn, xin quan lớn thương dùm làng chúng tôi.
- Thương nỗi gì? Tháng nầy mà sắc thuế còn thiếu cho tới 2 ngàn đồng!
- Bẩm quan lớn, làng tôi còn thiếu thuế nhiều là vì mấy ông điền chủ ở xa họ không chịu đem bạc đến mà đóng! Làng chúng tôi có phúc bẩm ba bốn lần xin quan lớn Chánh thâu dùm mà họ cũng trơ trơ, chớ phải chúng tôi dám bê trễ đâu.
- Tưởng là còn thiếu có một sắc thuế đó mà hay sao? Thuế đinh, thuế thoàn (17), cắc nào cũng còn thiếu hết thảy chớ.
- Bẩm quan lớn, làng tôi có thiếu thuế đinh là tại có mấy chục dân đào (trốn) nên thâu không được.
- Thì thâu trước đi, ai biểu để trễ làm chi cho chúng nó đào?
- Bẩm quan lớn.......
- Thôi, thôi đừng bẩm chi nữa.
Xã Chọn xá quan Phủ rồi đi lại bàn ngồi coi bộ xẻn lẻn và buồn bực lắm. Quan Phủ không thèm ngó Xã Chọn cứ bưng ly rượu mà uống, rồi day qua nói với thầy Cai sở tại:
- Hôm thứ năm quan Chánh đi với tôi xuống Hưng Hội ngài thấy đường xá sạch sẽ ngài khen làng ta. Nầy, sao mà thầy không coi mà biểu làng trồng bông trước nhà hội, để bỏ đất trống cho cỏ mọc coi xấu quá vậy?
Thầy Cai thưa rằng:
- Bẩm quan lớn, hôm trước tôi có biểu làng một lần rồi mà họ lôi thôi nên chưa chịu làm. Bẩm, để mai tôi xuống tôi biểu nữa.
- Ừ! Biểu họ làm đi. Nếu họ còn lôi thôi, thầy phúc bẩm cho tôi đặng tôi nói với quan Chánh phạt cho họ biết chừng.
Quan Phủ vừa nói dứt lời bá hộ Siêu bước vô nhà. Tú Phan bước lại chào hỏi. Bá hộ Siêu chắp tay xá quan Phủ, quan Phủ lật đật đứng dậy bắt tay. Bá hộ Siêu bở ngỡ sợ nắm tay quan Phủ thất lễ; mà ngài đã đưa tay nếu mình không chịu nắm tay thì càng lỗi hơn nữa, nên đưa hết hai tay ra nắm tay quan Phủ còn đầu thì lại gục gặc ba bốn cái. Quan Phủ ngó ra phía sau biểu:
- Bầy trẻ trong nhà có đứa nào đó, bây nhắc thêm lại đây một cái ghế cho ông bá hộ Siêu ngồi chút coi bây.
Sấp trai dọn dạ rân và nhắc ghế đem lại. Bá Hộ Siêu bước lui ít bước rồi thưa:
- Bẩm quan lớn, để tôi ngồi bàn bên nầy cũng được.
Quan Phủ nói lớn:
- Không ông ngồi bên nầy nói chuyện chơi mà ... Thầy cai, thầy ngồi nới ra một chút đặng trẻ để ghế vô cho ông bá hộ ngồi với.
Bá hộ Siêu ngồi rồi trai dọn bưng lại một ly rượu để ngay trước mặt. Tú Phan bước lại mời bá hộ uống rượu. Quan phủ nói tiếp:
- Uống đi ông bá hộ, uống đi. Nghe nói mấy năm nay ông trúng (18) lắm phải không?
- Dạ bẩm kha khá chớ không trúng lắm.
- Hứ! Ai chia với ông mà ông sợ nói dấu.
- Bẩm, tôi đâu dám nói dấu quan lớn.
- Theo như mùa nầy ông góp được chừng bao nhiêu?
- Dạ, chừng 80 ngàn thùng.
- Dữ hông! Hôm trước tôi nói chuyện với quan Chánh, ngài hỏi trong tỉnh nầy ai giàu, tôi có chỉ ông. Bữa nào ông có dịp đến tòa Bố lại bàn tôi, tôi dắt trình diện với quan Chánh nghe.
- Dạ.
- Mấy tháng nay tôi không có đi dưới miệt Trà Nho. Ðể bữa nào rảnh tôi đi xuống dưới rồi ghé nhà ông chơi.
- Dạ .
Trời tối lần lần, đèn từ trong nhà ra tới ngoài sân đều đốt đỏ. Lại thêm trăng rằm mới mọc rọi vào cửa sáng trưng. Mấy thầy ngồi ngoài sân uống rượu cười giỡn vang rần còn phía ngoài hàng rào người ta tụ lại đứng coi chen nhau chật nức. Ðã vậy còn thêm xe hơi, xe ngựa, xe kéo đậu bít hết đường, còn sau bếp sấp khách Triều Châu nấu cổ sửa soạn dọn ăn chạy tới lui lộn xộn.
Ðúng 7 giờ rượu khai vị uống xong rồi, chủ nhà dạy dọn cỗ và mời khách nhập tiệc. Hai thầy Cai, mấy thầy Hội Ðồng, ông Phán Lược, bá hộ Siêu với chủ nhà đều ngồi chung tại bàn giữa với quan Phủ, còn bao nhiêu khách ngồi bàn nào tùy khách, gởi vậy kẻ ở trong nhà, người ngồi ngoài sân không biết sao mà sắp được.
Duy Linh mắc chạy đi mời khách lăng xăng, chừng khách ngồi xong rồi, anh ta mới đi kiếm một chỗ trống mà ngồi. Ra ngoài sân thấy có một cái bàn có mười thầy nhỏ nhỏ ngồi còn trống tới 2 chỗ, anh ta mới lại đó ngồi ngó vòng thấy Lâm Thủ Hiệp ngồi nghiễm nhiên ít hay nói chuyện còn Bá Kính nói cười không dứt, nói thì chau mày vác mặc, cười há miệng vỗ bàn, khi kêu với người ngồi xa mà hỏi, khi thúc vai người không ngồi gần mà rầy, Duy Linh cứ ngồi coi chơi không nói chi hết .
Mãn tiệc rồi, đến lúc trai dọn rót rượu sam-banh (19) ai nấy đều lẳng lặng trông coi quan Phủ ngài chúc mừng cho ông Huyện Hàm như thế nào. Cách một hồi lâu, quan Phủ đứng dậy tay bưng ly rượu mắt ngó ông chủ nhà nói:
- Quan Huyện, ông đã cất được ngôi nhà tốt, mà quan trên còn ban thưởng cho ông chức Huyện Hàm. Tôi và mấy thầy thiệt mừng vui cho ông lắm. Vậy nên tôi thay mặt cho mấy thầy dự tiệc nầy vừa mừng ông, vừa chúc ông Khương Ninh Phú Quý.
Quan Phủ ngừng một chút, mặt mày coi tái xanh tay bưng ly rượu rung rung, đằng hắng một tiếng rồi nói tiếp:
- Tôi xin uống cạn ly rượu nầy để chúc mừng ông.
Quan Phủ nói dứt lời liền bưng rượu uống cạn. Hai thầy cai vỗ tay rồi mấy bàn khác cũng vỗ tay đôm đốp.
Lúc quan Phủ tỏ lời chúc mừng thì Duy Linh với mấy thầy ngồi ãn bàn ngoài sân chạy vào đứng dựa theo mấy cửa nghe. Chừng vỗ tay rồi Duy Linh ngó chủ nhà trân trân, tưởng chủ nhà sẽ nói ít lời tạ ơn quan khách. Nào dè Tú Phan không nói chi hết, bưng ly sâm-banh uống hết phân nửa, rồi day lại ngó dáo dác, thấy Duy Linh bèn kêu mà biễu rằng: “Ký, cháu biểu bầy trẻ đi đốt pháo đi cháu“.
Duy Linh lật đật bước ra sân hô lên một tiếng rồi hơn 10 dây pháo treo ngoài hàng rào nổ vang tai, lửa nháng đất sáng lòa, khói xông trời mù mịt. Chủ nhà và quan khách thảy đều ra sân đứng hứng mát và xem pháo. Thủ Hiệp chắp tay đi qua đi lại một lát ngoái đầu dòm vào nhà một cái, còn Bá Kính dắt một thầy nhỏ nhỏ đi dọc theo chái nhà, ra phía sau rồi đứng ngoài cửa sổ nhón chân ngó vào.
Quan khách tụ tập chỗ 5 người, chỗ 3 người mà nói chuyện, không ai thấy cử chỉ của Thủ Hiệp với Bá Kính, chỉ một mình Duy Linh liếc thấy, miệng chúm chím mà lòng lạnh ngắt như đồng. Duy Linh bỏ đi ra xa rồi đứng ngó vào nhà, bỗng thấy trên lầu có hai người đứng núp mấy chậu kiểng mà xem pháo.
Bóng trăng tỏ rạng lại thêm đèn trước sân sáng lòa. Duy Linh thấy một người mặc áo đen, một người mặc áo màu bông phấn, biết chắc người mặc áo màu bông phấn ấy là Phi Phụng càng tức cười thầm, cười mình không tầm hoa mà lại gặp hoa còn họ mong ngó nguyệt mà không thấy nguyệt.
Mười mấy dây pháo nổ dứt rồi, quan phủ mới từ chủ nhà về. Quan khách cũng lần lần lui hết, chỉ còn mình Duy Linh ở lại chơi gần 11 giờ mới về.

1 tháng giêng
2 đốt: ống điếu, mã não: loại đá ngọc quý (ambre). Ống hút thuốc điếu bằng mã não
3 loại cây kiểng có lá độ bằng đầu ngón tay, trái ngọt, thích ứng để cắt tỉa
4 cần thăng, càn thăng, cần lăng, cằn thăn: loại kiểng tương tợ như cây bùm sụm nhưng có gai, cần thăng và bùm sụm là hai loại kiểng thích ứng cho cắt tỉa
5 loại cây thuốc họ nhơn sâm, thường trồng làm kiểng.
6 thành phố của Ấn Ðộ, nổi tiếng về lụa tốt
7 một nhóm người
8 gật đầu nhiều lần tỏ ý ưng thuận
9 dãy chuỗi, girlande, guirlande
10 nệm nhún có lò so.
11 Quan công hay Quan Vân Trường trong nhóm đào viên kết nghĩa Lưu Quan Trường thời lập Hán
12 (Cognac), rượu mạnh.
13 Satin
14 (soulier), giày hay dép
15 bức hoành, tranh
16 gậy
17 thuyền
18 trúng mùa, được mùa
19 ruợu bọt nổi tiếng của Pháp ở vùng Champagne

Chương II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 273

Return to top