Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Nhật ký

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4027 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhật ký
Franz Kafka

Phần 3
1914

5 tháng 1
...Mỗi người đều bị đánh mất không tìm lại được ở ngay trong chính bản thân mình, và chỉ sự suy ngẫm về những người khác và về những qui luật thống trị trong họ và khắp cả mọi nơi mới có thể mang lại niềm an ủi...
Tại sao những người Tructri[1] không rời bỏ xứ sở khủng khiếp của họ, ở bất cứ nơi nào họ cũng có thể sống tốt hơn so với cuộc sống hiện tại của họ và những nhu cầu của họ. Nhưng lại không thể; tất cả những gì có thể, đều đang diễn ra; chỉ những gì đang diễn ra mới có thể.
12 tháng 1
Tất nhiên, đối với tôi cũng tồn tại những cái có thể. Nhưng chúng nằm dưới tảng đá nào?
Sự vô nghĩa của tuổi trẻ. Nỗi kinh hoàng trước tuổi trẻ, nỗi kinh hoàng trước sự vô nghĩa, trước sự sung mãn vô nghĩa của cuộc sống phi nhân.

19 tháng 1
Nỗi kinh hoàng luân phiên với sự tự tin nơi nhiệm sở. Nói chung đã trở nên tự tin hơn. Một nỗi kinh tởm to đùng đối với "Hoá thân". Một kết cục rối rắm. Hầu như tất cả không hoàn thiện. Thiên truyện có thể tốt hơn nhiều nếu hồi đó mình không bị xáo trộn do chuyến đi công tác.
15 tháng 3
Sinh viên muốn mang chiếc còng của Doxtoevxki đi theo quan tài của ông. Ông mất trong một khu công nhân, trên tầng bốn khu chung cư.
5 tháng 4
Nếu như có thể định cư ở Berlin, trở thành người độc lập; có thể sống ngày này qua ngày khác, mặc cho đói khát, nhưng giá mà có thể tạo lối thoát cho toàn bộ sức lực của mình thay cho việc làm ăn kinh tế ở đấy, hay còn tốt hơn, thay cho việc hoá thành hư không.
8 tháng 4
Hôm qua không thể viết nổi một từ. Hôm nay cũng chẳng khá hơn. Ai sẽ giải thoát cho tôi? Và sự chen lấn bên trong tôi, nơi sâu thẳm, không nhìn thấy được. Tôi như một cái chấn song sống, cái chấn song đang đứng và muốn đổ sập xuống...
27 tháng 5
Nếu như tôi rất không lầm, tôi bắt đầu có được sự rõ ràng. Cảm giác như ở đâu đó nơi khoảng rừng thưa đang xảy ra một trận chiến tinh thần. Tôi lẻn vào rừng, không tìm thấy gì vì yếu sức nên nhanh chóng quay ra; thường thường, khi rời bỏ rừng tôi nghe thấy, - hay cảm tưởng như nghe được, - tiếng loảng xoảng của vũ khí trong trận đánh đó... Có thể, những ánh nhìn của các chiến binh tìm tôi trong bóng tối của rừng, nhưng tôi biết quá ít về họ, và những điều biết được lại không chắc chắn.
Hãy tiếp tục đi, lũ lợn, điệu nhảy của mình; tôi có liên quan gì với điều đó.
29 tháng 5
Ngày mai đi Berlin[2]. Tình trạng của tôi đơn giản chỉ là một cơn phấn chấn tinh thần hay thực sự có hi vọng? Ðiều gì sẽ đến? Liệu có đúng là nếu một lần ta nhận thức được bản chất của sự sáng tạo, thì sẽ không có gì bị chết đi, sẽ không có gì bị chìm xuống, mặc dù, quả thật, hiếm khi có gì đạt được những tầm cao khác thường. Có thể, cuộc hôn nhân sắp tới với F. sẽ như thế? Một trạng thái kì lạ, mặc dù qua những hồi tưởng không phải là không quen thuộc đối với tôi.
Thư của Doxtoevxki gửi anh trai kể về cuộc sống ở nơi lao động khổ sai.
6 tháng 6
Từ Berlin trở về. Bị cùm như một tên tội phạm. Giả sử tôi bị cùm bằng những chiếc cùm thật, đặt ngồi ở một góc với những gã sen đầm trước mặt, và chỉ trong tình trạng như thế mới cho phép tôi nhìn vào những gì đang diễn ra, thì có lẽ cũng không kinh khủng hơn. Lễ đính hôn của tôi đã diễn ra thế đấy! Tất cả mọi người thử tìm cách làm cho tôi lạc quan yêu đời hơn, nhưng vì không thành công họ đành cố gắng thoả hiệp với con người tôi như hiện nay. Thật ra, không kể F. - điều này hoàn toàn có cơ sở, vì cô ấy là người đau khổ hơn tất cả. Bởi vì những gì người khác cảm thấy đơn thuần là biểu hiện bên ngoài, đối với cô ấy ẩn chứa cả một mối đe doạ.
11 tháng 6
Ðã gần nửa đêm. Năm người đàn ông chặn tôi lại, người thứ sáu từ phía sau lưng họ vươn tay ra để túm lấy tôi. "Thả tôi ra", - tôi kêu lên và quay người như con quay khiến tất cả bọn họ phải buông tôi ra. Tôi cảm thấy như có những qui luật nào đó đã bắt đầu tác dụng, tôi biết, khi cố gắng lần cuối, rằng qui luật này sẽ thắng, tôi nhìn thấy những người đàn ông vung tay lên nhảy lùi về phía sau, và hiểu rằng chỉ một khoảnh khắc nữa thôi tất cả bọn họ lại cùng xông vào tôi, tôi quay người tiến về phía cánh cổng, - tôi ở bên cạnh nó, - mở ổ khoá dường như hết sức dễ dàng và vội vã, rồi chạy dọc theo cầu thang tối đen lên phía trên.
Lên trên, ở tầng cuối cùng, người mẹ già của tôi tay cầm nến đứng ở cửa ra vào. "Mẹ cẩn thận, cẩn thận, - tôi kêu lên từ dưới tầng áp cuối, - chúng đang lùng bắt con".
- Ai? Ai cơ? - Mẹ tôi hỏi. - Ai có thể lùng bắt cậu bé của mẹ chứ?
- Sáu gã đàn ông, - tôi đáp, vừa thở hổn hển.
- Con biết chúng không? - Mẹ tôi hỏi.
- Không, toàn người lạ, - tôi đáp.
- Trông bọn chúng thế nào?
- Con nhìn không rõ. Một gã có râu quai nón màu đen, gã khác tay đeo một cái nhẫn to, gã thứ ba đeo thắt lưng đỏ, gã thứ tư hai bên đầu gối quần bị rách, gã thứ năm bị chột và gã cuối cùng răng nhe ra.
- Bây giờ con đừng nghĩ gì về việc này nữa, - mẹ nói, - vào phòng con ngủ đi, mẹ đã trải giường rồi.
Mẹ tôi, một người phụ nữ đã già, đã xa lạ với tất cả hiện thực, với một nếp nhăn ranh mãnh bao quanh cái miệng làm tái hiện những dại dột tám mươi năm qua một cách vô thức.
- Bây giờ ngủ? - tôi thốt lên...(Ðoạn ghi chép bị ngắt)
12 tháng 6
Thư của Doxtoevxki gửi một nữ hoạ sĩ.
Ðời sống xã hội vận động theo vòng tròn. Chỉ những người bị cùng một căn bệnh mới hiểu nhau. Nhờ đặc điểm của nỗi khổ đau của mình họ tạo thành một vòng tròn và giúp đỡ nhau. Họ trượt đi trong vòng tròn đó, nhường đường cho nhau hay trong đám đông thận trọng nương đẩy nhau. Người này an ủi người kia với hi vọng sự an ủi đó sẽ có tác động trở lại với chính mình, hay ngay tức khắc tận hưởng đến quên mình tác động trở lại đó. Mỗi người chỉ có một kinh nghiệm do nỗi đau khổ của người đó đưa lại, thế nhưng trong những câu chuyện kể của những người bạn cùng cảnh ngộ kinh nghiệm xem có vẻ vô cùng phong phú. "Sự việc của anh như thế, - họ nói với nhau, - và đừng có than khóc, hãy tạ ơn Chúa, là sự việc của anh chỉ là như thế, bởi vì nếu nó khác đi, nó hẳn sẽ gây cho anh những bất hạnh hay sự nhục nhã còn lớn hơn nhiều". Vì sao anh ta biết điều đó? Xét theo điều anh ta nói, thì dẫu sao anh ta cũng thuộc về vòng tròn đó như người đối thoại của anh ta, và anh ta cũng có nhu cầu được an ủi như thế. Mà sự nhận thức của những người trong một vòng tròn luôn giống nhau. Tình trạng của người an ủi hoàn toàn không một tẹo nào khá hơn người được an ủi. Chính vì thế, các buổi tâm sự của họ chỉ là sự tập hợp những lời ám thị, sự trao đổi những lời cầu chúc. Lúc thì một người cúi đầu xuống, còn người kia nhìn chim bay trên trời (đây chính là toàn bộ sự khác nhau giữa họ). Khi thì có một hi vọng liên kết họ lại, và cả hai vai kề vai cùng nhìn ra những chân trời xa vô tận. Nhưng họ chỉ hiểu được tình trạng của mình khi hai người cùng cúi đầu xuống và bị một cái búa giáng xuống cả hai.
29 tháng 7
Josef K., con trai của một thương gia giàu có, một lần vào buổi chiều sau trận cãi vã gay gắt với bố, - ông bố quở mắng cậu ta vì cuộc sống bừa bãi của cậu ta và yêu cầu cậu ta nhanh chóng chấm dứt nó, - đã đi không mục đích, hoàn toàn thiếu tự tin và mệt mỏi, đến một câu lạc bộ thương nhân ở gần bờ biển. Người gác cửa rạp mình chào cậu ta. Josef gần như không nhìn ông ta, không chào hỏi. "Những kẻ tôi tớ lầm lì này làm tất cả những gì người ta muốn, - cậu ta nghĩ. - Một khi mình nghĩ gã lén lút theo dõi mình, thì quả gã làm việc đó thật". Và cậu ta lại nhìn người gác cửa, vẫn không chào hỏi gì, ông ta đã quay mặt ra phố và nhìn lên bầu trời đầy mây.
Tôi ghi chép về chuyến du lịch trong một quyển vở khác. Những tác phẩm mà tôi bắt đầu viết, không thành công. Tôi không chịu đầu hàng, bất chấp đêm mất ngủ, đau đầu, suy nhược toàn thân. Ðể làm được như thế đòi hỏi phải tập trung những sức lực cuối cùng. Tôi đi đến kết luận rằng tôi trốn tránh mọi người không phải để được sống yên ổn, mà để chết thanh thản. Nhưng tôi sẽ tự vệ. Tôi có cả một tháng không có sếp.
31 tháng 7
Tôi không có thời gian. Một cuộc tổng động viên. K. và P. bị gọi nhập ngũ. Giờ đây tôi đang có được phần thưởng của sự cô đơn. Tuy nhiên, chắc gì có thể gọi đó là phần thưởng, sự cô đơn thường chỉ mang lại hình phạt. Dù sao đi nữa, tai hoạ chung ít động đến tôi, tôi tràn đầy quyết tâm hơn bao giờ hết. Sau buổi trưa tôi cần phải đến nhà máy, tôi sẽ không sống ở nhà vì E[3].. cùng hai con đến ở đó. Nhưng tôi sẽ viết, bất chấp tất cả, đó là cuộc đấu tranh của tôi vì sự sống còn[4].
6 tháng 8
Những khẩu pháo vượt qua hào. Những bông hoa, những tiếng kêu "Hoan hô!" nhiệt liệt. Một khuôn mặt rám nắng mắt đen đột nhiên đờ ra, sửng sốt, trố nhìn căng thẳng.
Ðáng ra phải cảm thấy khoẻ hơn tôi lại bị tê liệt hoàn toàn. Một cái bình rỗng, vẫn còn nguyên, nhưng đã bị chôn sâu dưới những mảnh vỡ, hay đã là một mảnh vỡ nhưng vẫn còn mang sức nặng của cái bình còn nguyên. Ðầy dối trá, lòng căm ghét và ghen tị. Ðầy bất tài, ngu si, tối dạ. Ðầy lười biếng, yếu đuối và bất lực. Tôi 31 tuổi. Tôi thấy hai gã quản lí trong bức ảnh của Ottla[5]. Hai con người tươi trẻ, biết một vài điều gì đó và đủ mạnh mẽ để áp dụng kiến thức của mình giữa những kẻ phản đối yếu ớt theo thói quen. Một người dắt những con ngựa tuyệt vời, người kia nằm trên cỏ, đầu lưỡi thò ra ngịch ngợm giữa cặp môi trên khuôn mặt thường bất động và chắc chắn gợi nên sự tin cậy của anh ta.
Tôi phát hiện trong mình chỉ có sự nhỏ nhen, do dự, ganh tị và căm ghét, muốn tất cả tai hoạ đổ lên đầu những kẻ đang đánh nhau.
Từ góc độ văn học số phận tôi rất đơn giản. Cái ý muốn mô tả một cuộc sống nội tâm hoang tưởng của tôi đã làm tất cả những cái khác trở thành không quan trọng, bị cằn cỗi đi và tiếp tục cằn cỗi một cách thảm hại nhất. Không bao giờ có một cái gì khác làm tôi thoả mãn. Nhưng tôi không biết liệu tôi còn có sức cho sự mô tả đó hay không, có thể, sức lực của tôi đã cạn kiệt mãi mãi, có thể nó lại quay trở lại với tôi, mặc dù điều kiện sống của tôi không thuận lợi cho điều này. Cứ như thế tôi bị quẳng qua quẳng lại, tôi không ngừng bay lên đỉnh núi, nhưng không thể trụ lại trên đó lấy một khoảnh khắc. Những ngưòi khác cũng bị quăng qua quăng lại, nhưng là ở dưới các thung lũng, và họ còn nhiều sức lực hơn; họ chỉ mới bắt đầu rơi xuống thì có ngay một ngưòi thân đỡ lấy, người đó đi theo họ là vì mục đích ấy. Tôi thì bị quẳng qua quẳng lại ở trên cao, - và thật đáng tiếc, đó không phải là cái chết, mà là nỗi đau khổ muôn thủa của hấp hối.
Cuộc diễu hành yêu nước. Diễn văn của thị trưởng. Biến mất, xuất hiện, kết thúc bằng những tiếng hô của người Ðức "Ðức vua yêu quí của chúng ta muôn năm, ura!" Tôi đứng và nhìn bằng đôi mắt ác cảm. Những cuộc diễu hành này là một trong những trò ghê tởm đi kèm theo chiến tranh...Dĩ nhiên, nó thu hút nhiều người. Nó được tổ chức tốt. Nó sẽ được lặp lại mỗi buổi chiều, còn ngày mai, chủ nhật, sẽ lặp lại hai lần.
30 tháng 8
Lạnh và trống rỗng. Tôi cảm nhận quá rõ đường ranh giới hạn khả năng của tôi, những đường ranh rõ ràng được vạch quá sát nếu tôi không xúc động đến tận đáy lòng. Tôi nghĩ ngay cả khi xúc động tôi cũng chỉ bị kéo vào không gian hạn hẹp của những lằn ranh giới hạn mà bản thân tôi không cảm nhận vì chính tôi bị kéo vào. Tuy nhiên giữa những lằn ranh đó vẫn có đủ chỗ để sống được và do đó tôi sẽ tận dụng cho tới mức kinh tởm.
30 tháng 11
Tôi không thể viết được nữa. Tôi đang ở giới hạn cuối cùng, mà trước nó, có lẽ tôi sẽ lại phải dừng lại nhiều năm trời để rồi có thể bắt đầu tác phẩm mới mà thế nào cũng bị bỏ dở dang. Số phận đó cứ đeo đuổi tôi. Tôi lại trở nên lạnh lùng và vô cảm, chỉ còn lại tình yêu già cỗi với sự yên tĩnh tuyệt đối. Và, như một con vật hoàn toàn tách khỏi con người, tôi lại sẵn sàng giơ cổ ra và muốn thử cố gắng có được F. trong thời gian này. Thực sự tôi sẽ cố thử làm điều đó, nếu sự ghê tởm đối với bản thân mình không cản trở tôi.
13 tháng 12
Tôi vừa ở chỗ Felix. Trên đường về nhà, tôi nói với Max rằng vào lúc lâm chung, chỉ cần những cơn đau không quá dữ dội, tôi sẽ cảm thấy mãn nguyện. Tôi quên nói thêm, nhưng sau đó chủ định không nói, rằng, những gì khá nhất trong sáng tác của tôi đều xuất phát từ chính khả năng chết một cách mãn nguyện này. Ở tất cả những đoạn hay và có sức thuyết phục luôn nói về ai đó đang chết, rằng điều này làm anh ta rất khổ sở; rằng anh ta cho như thế là bất công với mình hay ít ra cũng là sự nhẫn tâm, - điều này, ít ra tôi cảm thấy, cũng khiến độc giả cảm động. Còn đối với tôi, người nghĩ rằng lúc lâm chung tôi có thể sẽ mãn nguyện, thì trong thâm tâm những mô tả kiểu ấy là trò chơi, tôi thậm chí còn vui mừng với khả năng được chết trong kẻ đang hấp hối, tôi tận dụng một cách đầy tính toán sự chú ý vào cái chết của độc giả, trí tuệ của tôi còn sáng suốt hơn nhiều so với độc giả, người mà như tôi đoán, sẽ than khóc trong lúc lâm chung, và sự than khóc của tôi chính vì thế hoàn thiện hơn, nó không bị cắt ngang đột ngột như sự than khóc thật sự, mà được kết thúc bằng một nốt nhạc thuần khiết và đẹp đẽ. Ðiều này cũng giống như tôi luôn kêu ca với mẹ về những đau đớn còn lâu mới ghê gớm như trong những lời kêu ca của tôi. Quả thật, trước mặt mẹ tôi không cần phải quá khéo léo như trước mặt độc giả.
19 tháng 12
Bắt đầu một truyện ngắn thoạt đầu bao giờ cũng có vẻ nực cười. Có vẻ thật khó tin việc một thực thể mới, còn chưa hình thành, hết sức nhạy cảm này có thể đứng vững được trong cái cơ cấu đã ổn định của thế giới, cái cơ cấu mà, như bất kì một cơ cấu đã ổn định nào, đều có khuynh hướng khép kín. Trong lúc đó, ta quên rằng truyện ngắn, nếu nó đã có được quyền tồn tại, đã mang trong mình một cơ cấu ổn định của mình, cứ cho là cơ cấu này chưa phát triển hoàn toàn; chính vì vậy nỗi tuyệt vọng loại đó trước khi ta bắt tay vào một truyện ngắn mới là vô căn cứ; với một căn cứ tương tự hẳn những bậc cha mẹ sẽ tuyệt vọng trước một đứa con vừa sinh ra, vì họ muốn cho ra đời đâu phải một sinh vật nực cười và thảm hại như vậy. Thật ra, ta không giờ biết được nỗi tuyệt vọng ta cảm thấy là có căn cứ hay không. Nhưng ý nghĩ này có thể mang lại một sự nâng đỡ nhất định; việc thiếu một kinh nghiệm như vậy đã mang hại cho tôi.

20 tháng 12
Nhận xét của Max về Doxtoevxki, rằng trong tác phẩm của ông có quá nhiều những kẻ tâm thần. Hoàn toàn không đúng. Ðó không phải là những kẻ tâm thần. Mô tả bệnh tật chính là một thủ pháp định tính, hơn nữa là một thủ pháp rất mềm dẻo và hữu hiệu. Thí dụ, khi người ta thường xuyên và rất kiên trì nhắc đi nhắc lại với ai đó rằng anh ta thiển cận và ngu ngốc, thì nếu như anh ta có hạt nhân của chủ thuyết Doxtoevxki, điều đó sẽ trực tiếp kích động ngay anh ta bộc lộ hết những khả năng của mình. Xét từ góc độ này, sự biểu thị đặc điểm của anh ta cũng có ý nghĩa như những lời mắng chửi bạn bè với nhau. Khi họ nói: "Anh ngu lắm" thì không có nghĩa người bị mắng là một kẻ ngu thực sự và họ tự hạ thấp mình bằng cách kết bạn với anh ta; thưòng thường, - nếu đây không phải là một câu đùa, nhưng thậm chí kể cả đó là một câu đùa, - thì điều này chứa đựng trong mình sự đan xen vô tận những ý đồ khác nhau. Chẳng hạn, ông bố của anh em nhà Karamazov hoàn toàn không phải là một người ngu ngốc, ông ta rất thông minh, trí tuệ của ông ta không kém gì Ivan, nhưng là một kẻ độc ác, và ít ra ông ta cũng thông minh hơn những kẻ, - mà ngưòi kể chuyện không bác bỏ, - chẳng hạn như người anh họ hay người cháu địa chủ vẫn cho rằng mình tôn quí hơn ông ta.
23 tháng12
Ðọc một vài trang trong "Sương mù London" của Gersen. Hoàn toàn không hiểu nói về điều gì, thế nhưng trước mắt tôi lại xuất hiện một con người - quyết đoán, tự hành hạ bản thân, có nghị lực nhưng rồi lại ngã lòng.
31 tháng 12
Làm việc từ tháng 8, nói chung không ít và cũng không tồi, nhưng cả về chất lượng lẫn số lượng tôi đều chưa đạt mức tột cùng giới hạn khả năng của mình, như lẽ ra phải thế, đặc biệt vì thấy trước rằng qua các triệu chứng (mất ngủ, đau đầu, yếu tim) thì khả năng của tôi sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Viết tiếp các tác phẩm đang dở dang: "Vụ án", "Những hồi tưởng về tuyến đường sắt đến Kalda", " Thầy giáo nông thôn", " Viên thẩm phán trẻ" - và phần đầu của những truyện ngắn hơn. Chỉ mới hoàn chỉnh "Trại lao cải" và một chương cuốn tiểu thuyết "Người mất tích"[6], cả hai được hoàn thành trong kì nghỉ phép mười bốn ngày. Không biết tôi liệt kê ra để làm gì, - đây hoàn toàn không phải tính cách của tôi.

1915

6 tháng 1
"Thầy giáo nông thôn" và "Viên thẩm phán trẻ" tạm thời để sang một bên. Nhưng tôi gần như không thể tiếp tục cả "Vụ án". Những ý nghĩ về cô gái ở Lamberg. Hi vọng vào một hạnh phúc nào đó, tương tự như những hi vọng về cuộc sống vĩnh hằng. Nhìn từ một khoảng cách nhất định chúng nghe chừng có cơ sở, còn lại gần thì ta không dám.
18 tháng 1
Cho tới sáu giờ ba mươi, làm việc trong nhà máy, đọc, đọc cho viết, nghe và viết với một sự vô nghĩa không đổi. Sau đó cũng không đổi một cảm giác vô nghĩa của sự thoả mãn. Ðau đầu. Ngủ kém. Không đủ sức làm một công việc ít nhiều căng thẳng kéo dài. Thêm vào đó lại quá ít khi ra ngoài thở không khí trong lành. Mặc dù vậy, đã bắt đầu một truyện ngắn mới, tôi sợ làm hỏng những truyện ngắn cũ. Và đây, chúng đang đứng trước mặt tôi, bốn hay năm truyện ngắn dàn hàng như những chú ngựa đứng trước ông bầu xiếc Schuman trước giờ biểu diễn.

19 tháng 1
Chừng nào tôi còn đến nhà máy, tôi sẽ không thể viết được. Tôi nghĩ, sự bất lực trong công việc hiện tôi đang cảm thấy này cũng giống như tình trạng đặc biệt tôi đã trải qua khi làm việc ở "Generali"[7]. Việc tiếp xúc trực tiếp cuộc sống lao động, mặc dù bên trong tôi cố hết sức lãnh đạm đến mức có thể, vẫn che mất tầm nhìn của tôi, tôi như đang ở trong một cái khe, hơn nữa lại cúi đầu xuống. Thí dụ, hôm nay báo đăng phát ngôn của giới có thẩm quyền Thuỵ Ðiển về việc bất chấp những đe doạ của "Hoà ước ba bên", đường lối trung lập tất yếu phải được duy trì. Ðể kết luận họ nói: "Các thành viên của "Hoà ước ba bên" sẽ gãy răng ở Stockholm". Hôm nay tôi chấp nhận điều đó gần giống như điều được nói ra. Còn ba ngày trước đây chắc tôi đã cho rằng đấy là do một bóng ma Stockholm nào đó nói ra, rằng "những đe doạ của "Hoà ước ba bên", "đường lối trung lập", "các giới có thẩm quyền Thuỵ Ðiển" - tất cả chỉ là những công trình bằng không khí, có thể nhìn thấy, chứ không bao giờ có thể chạm tay vào.

24 tháng 1
Gặp F. ở Bodenbach. Tôi cảm thấy việc chúng tôi lấy nhau là không thể, nhưng tôi không có can đảm nói với cô ta điều này, và - trong thời điểm quyết định - cả với chính mình nữa. Và tôi lại gieo hi vọng cho cô ta một cách điên rồ, vì tôi càng ngày càng già hơn và bảo thủ hơn. Khi tôi cố hiểu xem cô ta sẽ đau khổ như thế nào và đồng thời vẫn tỏ ra thản nhiên và vui vẻ, thì những cơn đau đầu trước đây quay trở lại với tôi. Chúng ta không nên hành hạ nhau bằng những lá thư dài, tốt hơn hết là để cho cuộc gặp không đi đến đâu; hoặc có thể là tôi lại tin rằng ở đây tôi sẽ có thể thành người tự do, có thể sống bằng lao động văn học, hay có thể đi ra nước ngoài hay một nơi nào đó và bí mật sống ở đó với F? Chúng tôi thấy cả hai đều không có gì thay đổi. Mỗi người đều im lặng thú nhận với mình rằng người kia sắt đá và nhẫn tâm. Tôi không bỏ những dự định sống một cuộc đời hoang tưởng, hoàn toàn được tạo ra bởi công việc của mình; còn cô ta, điếc đặc trước những yêu cầu câm lặng của tôi, muốn một cuộc sống bình lặng, một căn hộ ấm cúng, lo lắng đến nhà máy, những bữa ăn thịnh soạn, đi ngủ từ 11 giờ tối, một căn phòng được sưởi ấm, cô ta vặn lại kim đồng hồ của tôi, - đã ba tháng nay chạy nhanh hơn một tiếng rưỡi, chính xác đến từng phút. Và cô ta đúng, và cô ta sẽ luôn luôn đúng, cô ta đúng khi phê bình tôi lúc tôi nói với người phục vụ: "Anh đưa báo lại đây khi cô ấy còn chưa đọc hỏng cả báo", - và tôi không thể đưa ra bất cứ lời đính chính nào khi cô ta nói về "tính cách riêng" (từ này luôn được nói ra với một âm rít) của việc bố trí căn hộ tương lai. Hai bà chị gái đầu của tôi bị cô ta cho là "nhạt nhẽo", về cô em út cô ta không hỏi gì cả, cô ta chẳng tỏ vẻ quan tâm công việc của tôi và rõ ràng không hiểu gì về nó.
Tôi bất lực và trống rỗng, như thường vẫn vậy, và đúng ra không có thì giờ để suy nghĩ về điều gì khác hơn là vì sao mà vẫn có ai đó có được ý muốn, cho dù rất nhỏ, giao tiếp với tôi.
Tôi tỏ thái độ lạnh nhạt với ba người hoàn toàn khác nhau, thứ tự từng người một...
F. nói: "Chúng ta ở bên nhau thì thật tuyệt vời". Tôi im lặng như không nghe thấy câu nói hân hoan đó. Hai tiếng đồng hồ chúng tôi ngồi riêng trong phòng. Tôi cảm thấy buồn chán và tuyệt vọng. Chúng tôi chẳng có lấy một giây phút tốt đẹp nào để tôi có thể thở hít một cách tự do. Bên F. tôi, ngoại trừ trong những lá thư, chưa bao giờ cảm nhận được vị ngọt ngào trong mối quan hệ với người mình yêu như là đã từng ở Zuckmantel và Riva, - chỉ có những lời thán phục, sự vâng lời, lòng thương hại, nỗi tuyệt vọng và khinh rẻ chính bản thân mình. Tôi thử đọc thành tiếng cho cô ta nghe. Các câu văn dẫm chân tại chỗ một cách rời rạc, không có sự giao tiếp nào với người nghe đang nằm trên ghế đi văng nhắm mắt lại và im lặng lắng nghe. Hờ hững xin đưa bản thảo về chép lại. Câu chuyện về người gác cổng còn có vài chỗ được chú ý hơn, một vài nhận xét chính xác. Với tôi chỉ trong khi đọc ý nghĩa của câu chuyện mới được mở ra, cô ta cũng đã hiểu đúng nó, nhưng sau đó, quả thật, chúng tôi xéo bừa lên nó với những nhận xét thô bạo mà chính tôi là kẻ khai mào.
Nguyên nhân của những khó khăn tôi gặp phải khi nói chuyện với mọi người mà những người khác hoàn toàn không hiểu được là ở chỗ tư duy của tôi, đúng hơn, nội dung nhận thức của tôi rất mù mờ, - khi sự việc chỉ liên quan tới mình tôi, thì tự tôi có thể bình tĩnh và thậm chí đôi khi còn tự mãn thoả mãn với điều này, nhưng những cuộc trò chuyện với người khác lại đòi hỏi sự sắc sảo, nhanh nhạy và giao tiếp kéo dài - những điều tôi không có. Chẳng có ai muốn mơ màng viển vông với tôi trên mây mù, mà thậm chí nếu có muốn thì tôi cũng không thể lôi đám mù ấy ra khỏi đầu: giữa hai người nó lớn lên và hoá thành hư không...
7 tháng 2
Trong mức độ nhất định của sự tự nhận thức và trong những điều kiện thuận lợi khác để quan sát mình bạn sẽ không thể tránh khỏi đôi khi cảm thấy mình thật xấu xa. Bất kì một tiêu chí nào của điều tốt đẹp - dù ý kiến về điều này có khác nhau - sẽ được hình dung quá cao. Buộc phải thừa nhận rằng mình chẳng qua là cái hang chuột của những ẩn ý thảm hại. Ngay cả một hành động nhỏ nhất cũng phụ thuộc vào những ý nghĩ thảm hại đó. Những ẩn ý này sẽ nhơ nhuốc đến nỗi, khi phân tích hành vi của mình, bạn thậm chí không muốn nghĩ rốt ráo, mà giới hạn bằng cái nhìn từ xa. Những ẩn ý này sẽ được xác định không phải bởi một sự hám lợi nào đó - đem so sánh với chúng sự hám lợi sẽ là lí tưởng của cái thiện và cái đẹp. Sự nhơ nhuốc mà ta tìm thấy sẽ tồn tại vì chính nó, ta hiểu rằng ta sinh ra trên đời đã bị thấm đẫm nó, vì nó ta sẽ rời khỏi thế gian không được ai biết đến hoặc được biết đến quá rõ. Sự nhơ nhuốc này là tầng đất sâu nhất mà ta có thể đạt đến được, nhưng cái tầng sâu nhất này sẽ không phải là nham thạch, mà là bùn nhơ. Nó sẽ là sâu nhất và cao nhất, và ngay cả những hoài nghi được sinh ra từ việc tự phân tích cũng sẽ rất nhanh chóng trở nên đờ đẫn và tự mãn, như những ả lợn nằm lăn lóc trong nước phân chuồng.
9 tháng 2
Hôm qua và hôm nay viết được một ít. Về một con chó. Bây giờ đọc xong phần mở đầu. Nó thật tệ hại và gây nên cơn đau đầu. Mặc dù rất hiện thực, nó rất độc ác, giáo điều, máy móc - như một con cá thoi thóp thở trên bãi cạn. Tôi đã viết cuốn "Bouvard và Pécuchet"[8] của mình quá sớm. Nếu cả hai yếu tố này - chúng được thể hiện rõ ràng nhất trong "Người thợ lò" và "Trại lao cải", - không hoà hợp thống nhất với nhau, thì tôi chết. Nhưng liệu sự hoà trộn này có thể được thực hiện?
10 tháng 2
...Ngay lập tức tuyệt vọng một cách vô nghĩa, tốt hơn là tìm ra một lối thoát, cho dù...- không, điều này không mâu thuẫn với tính cách của tôi, trong tôi vẫn còn một cái gì đó của tính ngoan cường của tín đồ Do Thái giáo, nhưng nó luôn mang đến kết quả ngược lại.
14 tháng 2
Nước Nga có một sức hấp dẫn vô cùng. Ðẹp hơn cả cỗ xe tam mã của Gogol, nước Nga được vẽ lên trong bức tranh về một con sông lớn mênh mông nước ngả vàng, nước dồn đi khắp bốn phía những ngọn sóng của mình, những ngọn sóng không cao lắm. Một vùng thảo nguyên hoang vắng, xác xơ dọc theo hai bên bờ cỏ rũ.
Không, điều này không thể hiện gì cả, đúng hơn là nó dập tắt tất cả.
15 tháng 2
Tất cả ngưng trệ. Việc xắp xếp thời gian kém và ngớ ngẩn.
16 tháng 2
Ngồi đứng không yên. Dường như tất cả những gì tôi có đã từ bỏ tôi, còn nếu chúng quay trở lại, chắc gì tôi đã vui.
22 tháng 2
Một sự bất lực - hoàn toàn và trong mọi ý nghĩa.
25 tháng 2
Sau những cơn đau đầu liên tục kéo dài suốt nhiều ngày trời cuối cùng tôi cảm thấy mình tự do và tự tin hơn. Nếu tôi là người ngoài cuộc quan sát mình và quá trình sống của mình, tôi sẽ phải nói rằng tất cả sẽ phải chấm dứt một cách vô ích, phải tan đi trong những nỗi hoài nghi liên tiếp nẩy sinh chỉ trong lúc tự giày vò. Nhưng tôi vẫn sống bằng hi vọng.
1 tháng 3
Sau nhiều tuần chuẩn bị và những nỗi khiếp sợ, tôi khó khăn lắm mới từ bỏ căn hộ, từ bỏ mà không có những nguyên do đặc biệt nào, - vì ở đây khá yên tĩnh, - tôi đơn giản không làm việc một cách thực sự và chính vì thế không trải qua cả sự yên tĩnh lẫn sự lo lắng. Tôi từ bỏ có lẽ là vì nỗi lo riêng. Tôi muốn tự giày vò, muốn những thay đổi không ngừng, tôi cảm thấy cứu cánh của tôi là ở trong sự thay đổi, và tôi còn cảm thấy rằng những thay đổi nhỏ như vậy người khác tạo ra dường như trong lúc mơ ngủ, còn tôi thì phải gắng toàn lực trí tuệ, - chúng có thể chuẩn bị cho tôi đến một thay đổi lớn mà có lẽ là tôi đang cần. Tất nhiên, tôi sẽ chuyển đến một căn hộ kém hơn về mọi mặt. Nhưng dù sao hôm nay là ngày đầu tiên (hay ngày thứ hai), khi tôi, giá đừng có cơn đau đầu dữ dội đến thế, đã có thể làm việc khá tốt. Tôi viết nhanh một trang giấy.
13 tháng 3
... Viết trang rưỡi thảm hại một truyện ngắn mới nhưng đã hoàn toàn vứt đi, sau đó trong nỗi tuyệt vọng bị cơn đau dạ dày bồi thêm bắt tay vào đọc Gersen[9], để bằng cách nào đấy tìm được ở ông một lối thoát cho mình. Hạnh phúc của năm đầu tiên ông cưới vợ, và nỗi kinh hoàng khi tôi hình dung hạnh phúc ấy giành cho mình, đời sống cao trong giới của ông, và Belinxki, và Bakunin, suốt ngày mặc áo lông nằm trên giường.
Ðôi khi một cảm giác tuyệt vọng xé nát tâm hồn, và cùng với nó là niềm tin rằng nó là cần thiết, rằng bất kì một bất hạnh đang đến nào cũng giúp ta tạo nên mục đích (trong thời điểm này điều đó xảy ra dưới ảnh hưởng của những hồi tưởng về Gersen, nhưng có khi nó cũng diễn ra không có những nguyên do này).
3 tháng 5
Một sự thờ ơ và đờ đẫn tuyệt đối. Một cái giếng cạn, nước chỉ ở dưới đáy sâu không thể chạm tới, mà cũng chẳng rõ là nó có hay không ở đấy nữa. Chẳng sao, chẳng sao. Tôi không hiểu cuộc sống trong "Ðoạn tuyệt" của Strindberg[10]; điều mà ông gọi là tuyệt diệu lại gây nên ở tôi sự tởm lợm, nếu như nó liên quan tới tôi. Thư gửi F. là giả dối, không thể gửi nó đi được. Tôi sống bằng quá khứ hoặc tương lai nào đây? Hiện tại đầy ảo ảnh, tôi không ngồi cạnh bàn, mà tôi đang quay quanh nó. Chẳng sao, chẳng sao. Trống rỗng, buồn tẻ, không, không phải buồn tẻ mà chỉ có trống rỗng, vô nghĩa, yếu đuối ...

4 tháng 5
Trạng thái đã khá hơn, bởi vì tôi đọc Strindberg ("Ðoạn tuyệt"). Tôi đọc ông không phải chỉ để mà đọc, mà là để nằm tựa lên ngực ông. Ông giữ tôi như giữ một đứa trẻ, trên cánh tay trái. Tôi ngồi ở đấy như một người ngồi trên bức tượng. Mười lần bị đe doạ nỗi nguy tuột xuống, nhưng đến lần thứ mười một tôi đã bám chắc, lấy được niềm tin và có một trường rộng để quan sát.

5 tháng 5
Không sao, đầu đờ đẫn và hơi đau. Sau buổi trưa ở vườn Hotecpe đọc Strindberg, người nuôi dưỡng tôi.
16 tháng 9
Tôi mở cuốn kinh thánh. Về những quan toà không công chính. Bằng cách đó, tôi đã tìm ra ý kiến của tôi, hay ít ra là ý kiến mà từ trước tới nay tôi ủng hộ. Thực ra, điều này không có ý nghĩa, trong những chuyện như thế chẳng bao giờ tôi bị thuyết phục lắm, các trang kinh thánh không phải là định hướng của tôi.
28 tháng 9
Sự vô nghĩa của những lời than vãn. Tiếng búa gõ trong đầu như đáp lại chúng.
Tại sao những câu hỏi là vô nghĩa? Than vãn có nghĩa là: đặt câu hỏi và đợi lời giải đáp. Nhưng những câu hỏi không tự mình trả lời cho mình ngay lúc nảy sinh sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời. Không có khoảng cách giữa người hỏi và người trả lời. Không cần phải vượt qua khoảng cách nào. Vì vậy, các câu hỏi và sự chờ đợi là vô nghĩa.
29 tháng 9
Các quyết định mờ mịt khác nhau. Tôi lại đạt được chính những quyết định như thế. Tình cờ trông thấy trên đường Ferdinand một bức tranh có quan hệ phần nào đối với việc ấy. Một phác thảo tranh ghép tồi. Phía dưới nó là châm ngôn Sec, ý nghĩa đại ý: "Bị loá mắt, bạn để bình lại vì cô gái, bạn sẽ nhanh chóng sáng mắt ra và quay lại".
Trước đây tôi nghĩ: sẽ chẳng có gì làm hại cái đầu cứng rắn, sáng tỏ, hoàn toàn trống không của mi, chẳng bao giờ mi phải nheo mắt bất ý hoặc vì đau, không nhíu trán, không vung tay - bao giờ mi cũng chỉ có thể miêu tả điều đó.
30 tháng 9
Rossman và K.[11] vô tội và có tội, cuối cùng cả hai đều bị trừng phạt như nhau bằng cái chết - kẻ vô tội nhẹ nhàng hơn, y coi như bị loại bỏ hơn là bị giết.
7 tháng 10
Một vấn đề chưa được giải quyết: tôi đã bị quị hay chưa? Tôi sẽ chết hay không? Tất cả các dấu hiệu đều nói lên điều đó (cái lạnh, sự đờ đẫn, trạng thái thần kinh, tính lơ đãng, sự vô tích sự ở nhiệm sở, những cơn đau đầu, mất ngủ), chỉ có hy vọng là nói ngược lại.
21 tháng 11
Một sự vô tích sự tuyệt đối. Chủ nhật. Ðêm mất ngủ trọn vẹn. Nằm trên giường đến 11 giờ 15, trong ánh sáng ngày. Dạo chơi. Ăn trưa. Ðọc báo, lật giở những catalog cũ. Cuộc đi dạo trên đường Hyberner, công viên thành phố, sau đó tới Podol. Khó khăn lắm mới kéo cuộc dạo được hai giờ. Thỉnh thoảng cảm thấy những cơn đau đầu dữ dội, một lần buốt đến không chịu nổi. Ăn tối. Bây giờ tôi ở nhà. Ai có thể ở trên cao nhìn từ đầu tới cuối điều này bằng cặp mắt mở to?
25 tháng 12
Mở nhật ký với mục đích cố ý gọi giấc ngủ. Nhưng trông thấy đoạn ghi ngẫu nhiên cuối cùng[12] - tôi có thể tưởng tượng ra hàng nghìn đoạn ghi có nội dung tương tự trong ba bốn năm cuối này. Tôi vắt kiệt sức mình một cách vô nghĩa, tôi hẳn ở tuyệt đỉnh của hạnh phúc nếu như có thể viết, nhưng tôi không viết. Những cơn đau đầu không buông tha tôi. Thực sự tôi đã kiệt quệ.
Hôm qua nói chuyện thẳng thắn với sếp - bằng quyết định sẽ nói, bằng lời hứa không lùi bước tối qua tôi đã ngủ lại được hai tiếng, thực ra là giấc ngủ không yên. Tôi đề nghị với sếp bốn phương án:
1. Giữ nguyên mọi thứ như tuần vừa rồi, một tuần khủng khiếp nhất, đau đớn nhất, và kết thúc bằng một cơn động kinh, cơn điên hoặc một cái gì đó tương tự.
2. Xin nghỉ phép tôi không muốn, vì một ý thức trách nhiệm nào đó, mà điều này cũng chẳng giúp được gì.
3. Xin thôi việc lúc này tôi không thể - vì cha mẹ và nhà máy.
4. Còn lại mỗi một khả năng: vào lính.
Lời đáp: một tuần nghỉ phép và khoá chữa trị chứng huyết thũng mà sếp cũng đi chữa với tôi. Chính ông hình như cũng đang rất ốm. Nếu tôi bỏ đi, phòng làm việc sẽ trống vắng.
Sự nhẹ nhõm bởi đã nói được một cách thẳng thắn. Lần đầu tiên dẫu sao tôi cũng đã làm không khí văn phòng rung chuyển bởi cái từ "thôi việc."
Nhưng thế mà hôm nay tôi hầu như không ngủ.
Vẫn cái nỗi lo lắng chủ yếu này: giá như năm 1912 tôi đã bỏ đi lúc sung sức nhất, với cái đầu rõ ràng, chưa bị kiệt quệ bởi những cố gắng kìm hãm sức sống!




Chú thích

[1]Một dân tộc ít người của khu vực tự trị Tructri, thuộc Nga.
[2]Trong chuyến đi này Kafka đính hôn với Felice lần thứ nhất.
[3]Elli - chị gái Kafka.
[4]Những đoạn nhật kí này được viết sau khi xẩy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918).
[5]Ottla - em gái của Kafka.
[6]Ðây là tên mà Kafka đã tạm gọi cuốn tiểu thuyết sau này là "Nước Mĩ".
[7]Công ty bảo hiểm "Assicurazioni Generali", nơi làm việc đầu tiên của Kafka.
[8]"Bouvard và Pécuchet " - tiểu thuyết của Flaubert.
[9]Ý nói đến cuốn "Quá khứ và suy nghĩ" của Gersen (1812 - 1870), nhà văn, nhà tư tưởng cách mạng dân chủ Nga.
[10]August Strindberg (1849 - 1912) - nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Thuỵ Ðiển.
[11] Karl Rossmann - nhân vật trong tiểu thuyết "Nước Mĩ"; Josef K. - nhân vật trong tiểu thuyết "Vụ án" của Kafka.
[12] Ở đây là đoạn ghi chép ngày 21 tháng 11.

<< Phần 2 | Phần 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 438

Return to top